Khi ông cậu quý bị đắm tàu - Chương 7 - 8 & 9 (hết)

Chương 7

Có tiếng chuông kêu. Cùng lúc ấy, tiếng hát cũng ngưng bặt. 

- Ai vậy chớ? 

- Chắc bà Hải, mình ra nói không cần bà ấy nữa, đã có cậu Bích về rồi. 

- Phải! Không cần bà ấy. 

Phan chạy đến cửa sổ nhà bếp, nghiêng mình ra... Cậu bé thấy, qua ánh đèn vàng vọt, yếu ớt, hai bóng người song song đi vào nhà. Đúng là cha mẹ chúng về. Phan kêu to: 

- Ba mẹ về! 

Hai đứa nhỏ cũng reo lên. Chúng phóng như bay lên nhà trên, mở cửa, lao vào mình cha mẹ, ôm chặt hai người. 

- Coi kìa! Các con không chào cậu Bích gì hết! Cậu về kìa! 

Cậu Bích! Ba đứa ngỡ ngàng buông cha mẹ ra, ngẩng lên: trời ơi! Sừng sững trước mặt chúng một người đàn ông cao lớn, tóc nâu, da ngăm ngăm, dáng bộ lịch sự, quí phái, hai tay xách hai va ly nặng chĩu, vai mang máy ảnh, mình khoác ba đờ xuy mầu tro, quần thẳng bờ ly, giày tây bóng ngời, răng và áo sơ mi cũng trắng và bóng như nhau, cái cà vạt mầu rượu chát nằm ngay ngắn giữa ngực áo, có điểm thêm mấy chấm trắng trang nhã... Ông ta cười thật tươi: 

- Chào các cháu, cậu Bích của các cháu đây! 

Phan dụi mắt hai ba lần, tưởng mình đang nằm mơ. Lai và Yến cùng tâm trạng như anh, chúng bối rối nhìn nhau, há miệng ra mà không ra tiếng. 

- Đáng lẽ cậu về sớm hơn, nhưng tại ba mẹ cháu... 

- Ba mẹ vô đến Sàigòn sáng nay, may sao trên tàu có một cô đi đón chồng về cùng chuyến với cậu cho ba mẹ biết là tàu cập bến Sàigòn lúc 8 giờ sáng nay, làm ba mẹ cuống lên, xe hỏa đến ga là lập tức kêu taxi ra bến tàu liền... 

- Thật y như phim trinh thám: xe taxi vừa tới bến tàu thì cậu Bích đã lên xe hơi của người bạn sắp chạy, may làm sao cái xe hơi dở chứng đề hoài không nổ, nhờ vậy ba mẹ mới gặp cậu được, nếu không là hố rồi. 

- Ối chà! Mẹ giục taxi chạy như bay, ông tài xế la lên vầy chớ: "Có ông ngồi cạnh bà chớ nếu không tôi đã nghi là bà đi bắt ghen rồi đa". 

Ba đứa trẻ há hốc miệng nghe hai người thi nhau nói, say sưa theo dõi chuyện săn đuổi người vềcho đến nỗi quên điều trùng hợp vô lý: hai ông cậu cùng có mặt tại nhà mình!

- Các cháu thấy ghê không? Cậu bị săn đuổi kỹ quá! Rồi ba mẹ các cháu bắt cậu ở lại Sàigòn mất buổi sáng, chớ nếu không thì cậu đã về liền sau khi cái xe nổ đều, vì cậu nóng gặp các cháu... 

Người đàn ông sang trọng buông hai va ly xuống, giơ tay ra, song ông ta không được các cháu đáp ứng như ông tưởng. Chúng đứng lặng như bị chôn xuống đất trước mặt ba người. Cha chúng bắt đầu nổi nóng: 

- Ủa, tụi bay làm sao vậy? Không mừng cậu bay hở?

Mẹ chúng cũng bực mình không kém: 

- Coi kìa! Phan! Lai! Yến! Các con sao vậy? Hay là ở nhà đã làm điều chi có lỗi rồi đó? 

Người đàn ông sang trọng bênh lũ trẻ: 

- Không đâu, em chắc các cháu giận chị em mình đó, bỏ chúng ở nhà... 

- Vô lý! Chính chúng khuyến khích mẹ chúng với tôi đi đón cậu mà. 

- Vậy thì chúng còn lạ, em đi vắng bảy năm ít ỏi gì. Để em từ từ làm quen với các cháu, không sao. Nào, Yến! Lại đây với cậu Bích đi! 

Yến toan bước lại gần cậu, song, nó lại thôi, ngẩng lên nhìn mẹ, rụt rè hỏi: 

- Mẹ ơi! Đây có đúng là cậu Bích không? 

- Trời ơi! Con có điên không, Yến? 

Bà mẹ la lên và khi bà quay qua nhìn hai đứa lớn thì chúng cũng đang nhìn mẹ như muốn đặt câu hỏi như em chúng. Phan đánh bạo nói, giọng run run: 

- Thưa mẹ, tụi con ngạc nhiên là vì... là vì hiện có một cậu Bích trong nhà mình rồi. 

- Ở nhà hiện giờ đã có một cậu Bích? Tụi bay làm tao đến phát điên lên, tao chẳng hiểu gì hết. 

- Cậu Bích đó ở đâu? Sao không thấy? – Ba chúng cao giọng hỏi. 

- Dạ, cậu đang tắm trong phòng tắm. 

- Dạ, tụi con bắt cậu đi tắm, vì mình mẩy cậu... không được sạch, cậu nói cậu bị đắm tàu, cậu phải đi máy bay. 

- Chúa ơi! Tôi chẳng hiểu gì sốt cả... 

- Anh chị đừng làm các cháu sợ, để thong thả... 

- Thong thả? Tôi chịu thôi, mặc anh em cậu đấy. 

- Này cháu, các cháu có được lá thư cấp tốc của cậu không? 

- Dạ thưa... có ạ! 

Phan ngập ngừng trả lời, tránh dùng tiếng cậu

- Thế, cậu Bích đó ra làm sao? 

- Thưa... thưa... 

Chúng không sao trả lời dứt khoát, hai người đàn ông nhìn nhau và người lạ lên lên tiếng trước: 

- Cách tốt nhất là ta vào phòng tắm xem sao. 

Hai người đàn ông sải nhanh đến cửa phòng tắm, ông Niêm vặn quả nắm cửa nhưng cửa khóa bên trong. Chủ nhà la lên: 

- Ông kia, mở cửa tức khắc, tại sao ông dám... 

Im lặng trả lời ông. Đời ông Niêm, ông chưa từng biết sợ ma, mà lần này bỗng đâm rờn rợn, nổi gai gốc khắp mình. Hai người đàn ông lại đứng sững nhìn nhau phân vân không biết tính sao. Bỗng "xoảng xoảng" mấy tiếng tiếp làm ông Niêm sực tỉnh, hét dựng lên: 

- Bắt lấy nó! Mau! Kẻ gian đã đập vỡ cửa kính phòng tắm, thoát ra ngoài đó, mau lên! 

Không đợi ông giục lần thứ hai, người đàn ông sang trọng quay lại, chạy bay ra cửa lớn trong lúc ông Niêm nối gót theo sau, vừa thở vừa nói: 

- Đúng là quân trộm! Đúng như tôi ngờ từ phút đầu. 

Hai người chạy ra vườn và khuất trong bóng tối. Ba đứa trẻ nép vào lòng mẹ, mặt xám ngoét, run rẩy toàn thân. Tim chúng đập thình thình trong lồng ngực, át cả tiếng chân rượt đuổi của hai người. 

Hai người đàn ông lục lạo từng bụi cây, tiếng sỏi dưới giày họ kêu rào rạo... 

- Tội nghiệp các con tôi! 

Mẹ chúng cũng run không kém, kêu lên nho nhỏ. 

Một lát sau, bốn mẹ con nghe tiếng ba chúng la lên: 

- Thôi cậu Bích, hắn chạy xa rồi, tìm vô ích. 

Hai người sóng đôi đi vào nhà, người nào cũng thở hồng hộc, mồ hôi nhễ nhại. Ba đứa trẻ vẫn chưa hết run. Trông thấy con xám ngoét, ông Niêm nguôi giận, dịu giọng hỏi: 

- Nào, các con nói rõ cho ba biết, tại sao các con cho người lạ vào nhà? 

- Thưa... thưa... 

Phan và Lai ấp úng không thành tiếng. Yến bình tĩnh trước nhất, rụt rè: 

- Thưa ba, tại con tưởng là cậu Bích về. 

- Lạy Chúa, hắn dám giết các con lắm à! May quá... 

Giọng bà mẹ tràn đầy lo sợ. Phan phản đối lời mẹ. 

- Không đâu mẹ... ông ta hiền lắm… 

- Dạ, thật đó mẹ, cậu... ông ta rất dễ thương. 

- Con dám cam đoan đó không phải là kẻ gian. 

- Hừ, vậy thì hắn là người lương thiện chắc? 

- Chắc chắn như vậy, thưa ba! 

- Mấy người nghe xuôi tai không? Một người tự nhiên mà vô nhà người ta, dám xưng là cậu lũ trẻ, rồi vô phòng tắm đập vỡ cửa kính, chạy trốn mà lại lương thiện!... Vậy mà còn bênh nữa chớ! 

Phan bối rối: 

- Thưa ba, thật vậy, ông ta không lấy gì hết. Ông ta còn bảo con khóa tủ buýp phê... 

- Và đưa chìa khóa cho hắn giữ giùm, phải không? 

Cha chúng cười nhạt, hỏi. Yến ngẩng cao đầu lên: 

- Không! Ba lầm rồi: chính anh Phan định gởi ông ta cất giùm mà ông ta từ chối đó, ba ơi. 

Ba người lớn mở to mắt, kinh ngạc nhìn nhau. Phan tưởng họ không tin, thêm: 

- Thật vậy mà! Tụi con không dám nói dối đâu. Ông ta nói vầy nè: "Không! Các cháu phải giữ chớ không phải cậu", và ông ta còn bảo tụi con đem vô phòng ngủ cất và dặn đừng cho ông biết cất chỗ nào, chỉ có ba đứa con biết thôi. 

Người lạ phì cười. 

- Thế các cháu làm sao? 

- Thưa (vẫn tránh tiếng cậu, Phan trả lời) cháu cất xong, cháu đi ra và mới nói: "Xong rồi, cháu cất ở..." thì ông ta ngăn lại, la lên: "Không cần nói rõ cất ở đâu. Cậu không muốn biết điều này". Đó, ba mẹ coi... 

Người khách sang trọng cười vui vẻ: 

- Câu chuyện khá ly kỳ, anh chị thấy không? 

- Ly kỳ thật! – ông Niêm nói – Còn gì nữa, kể hết ra coi. Chuyện vui đấy! 

- Ông ấy đi mua quà cho tụi con. Ông ấy nói là bị đắm tàu nên bao nhiêu đồ đạc, quà và tiền mất hết... nhưng ông ấy muốn tụi con vui... 

- Vậy tiền đâu mà mua quà cho các con? Hắn nói là hắn bi đắm tàu mà! 

- Dạ, chính tụi con cho ông ấy mượn tiền mua. 

- Trời ơi! – Bà mẹ bưng đầu, kêu lên – các con lấy tiền chợ của mẹ đưa phải không? 

- Không đâu. Đời nào các con lại dám làm điều đó. Tiền chợ mẹ đưa là để đi chợ chớ đâu phải để mua quà? Chúng con dùng tiền trong con heo đất cơ. 

- Thiệt hết nước nói! Sao bay không lấy hết áo quần đồ đạc trong nhà đưa hắn luôn thể? 

- Dạ, có, con đưa bộ com lê và áo quần ba cho ông ấy mượn nhưng ông ta không chịu... 

Bà mẹ không nói gì, đứng lên vội vàng chạy vào phòng và chỉ nháy mắt bà la vọng ra: 

- Không lấy mà trong tủ mất đi một bộ, bộ mới nhất của ba bay. Con với cái như thế đấy! Hèn chi mà tôi sốt ruột quá chừng... 

- Sao? Mất bộ com lê của tôi rồi, hử? 

- Dạ, không phải ông ta lấy, chính con lén đem vô phòng tắm khi ông ta từ chối, vì con không muốn sau khi tắm rửa sạch sẽ mà cậu lại mặc áo quần dơ... 

Câu chuyện càng lúc càng rắc rối, buồn cười. Nhìn dáng bộ khổ sở của ba đứa trẻ người khách lạ thương hại, chen vào: 

- Kể ra, chúng đâu biết hắn là người lạ? Chúng làm thế chỉ vì thương cậu Bích, phải không các cháu? 

Yến bật khóc rấm rức vì ông khách thông cảm chúng hơn cha mẹ. Hai đứa lớn gật đầu, đưa mặt nhìn khách, tỏ ý cám ơn. 

- Nghe đây: Phan chạy vòng ra vườn, trèo lên cửa sổ, chui vô phòng tắm coi thử ra sao. Cẩn thận kẻo mảnh gương cắt da, nghe con! Chắn chắn là bộ com lê mọc cánh rồi đó, nhưng phải vô mở cửa chớ không lẽ đứng đây bàn tán hoài, vô ích. Dù sao thì chuyện cũng đã rồi, ba không mắng các con đâu. 

Phan riu ríu làm theo lời cha không dám nói tiếng nào bênh vực ông cậu giả nữa và hơi vững lòng vì câu cuối của cha. 

Trong nhà, mọi người đứng trước phòng tắm, kiên nhẫn chờ kết quả. 

Phan lục đục khá lâu rồi hét loáng lên: 

- Ba, ba! Lại coi nè: bộ com lê còn nguyên, cả sơ mi với quần... Đó! Con nói ông ấy không phải kẻ gian mà! 

Quá mừng rỡ vì chứng tỏ được là người cậu giả lương thiện, Phan quên cả mở cửa cho mọi người. 

Bên ngoài, hai em nó cũng mừng không kém. Dù biết rõ người chúng đã trò chuyện, ăn uống, đùa giỡn suốt ngày nay không phải là cậu mình, chúng đã gửi rất nhiều tình cảm chân thành cho gã –ngay cả bài thơ tâm huyết – nên chúng rất đau xót nếu biết hắn không lương thiện.

Chương 8

Hơi thở hổn hển, đầu tóc nước chảy ròng ròng, nút áo chưa gài kịp, Kha cắm đầu chạy biến, vừa đụng đầu Bụng, hắn quát to. 

- Chạy mau, chết giờ đa! 

Không hỏi nửa lời, Bụng ta ôm bụng chạy theo Kha. Đến góc đường Phước Hải, hắn ngó ngoái lại phía sau thấy không có ai rượt theo nữa. Kha chậm chân lại để gài nút áo và dây nịt; sau đó hai người đổ ra Nhà Thờ, đến Ngã Sáu rồi đi thẳng xuống biển. Lần này chúng thong thả như đôi bạn dạo mát sau bữa ăn chiều. Không ai bảo ai, họ cùng tiến đến, ngồi lên cái ghế đá nghỉ cho đỡ mệt. Vừa mới hơi lại hồn, Bụng đã hỏi dồn Kha: 

- Sao vậy chớ? Kể lại đầu đuôi nghe coi? Sao đầu tóc mày ướt mem như là mới tắm ra vậy, hở? 

- Thì tắm chớ sao! Đã thấy rõ ràng mà còn hỏi. 

Kha trả lời trống trơn, không thèm xưng em cũng chẳng kêu Đại ca chi hết. 

- Chà! Bảnh dữ! Trả lời Anh Hai mày kiểu đó hả? Tao đứng ngoài trời canh cho mày tắm hả? Tao làm đầy tớ cho mày chắc? Muốn làm cha tao hả? 

Bụng gặng lại, mắt long sòng sọc. Kha cũng không vừa, mai mỉa: 

- Canh cho tôi! Canh mà người ta vô nhà anh không hay biết gì hết vậy à? Nếu tôi không lanh có phải họ chụp đầu tôi rồi không? Anh ưng tôi vô tù phải không? 

- Ủa, người lớn về thiệt sao mậy? 

- Bộ tôi nói chơi chắc? Ba người luôn, cho anh hay. Anh canh kiểu gì vậy chớ? Hay là anh muốn hại thằng này? 

- Tầm bậy! Hại mày để làm cái gì? Tao thèm thuốc quá, chạy lại cái quán chỗ góc đường mua vài điếu, ai ngờ đâu... Thiệt mà, tao đi có nửa phút chớ mấy... Họ đi ngả nào mà lẹ quá vậy cà? 

Trông nét mặt hầm hầm của Kha, Bụng gãi gãi cái đầu sói của mình, cười cười làm lành, nhưng Kha vẫn còn cay cú lắm, bĩu môi: 

- Anh muốn biết họ vô ngả nào thì chạy lại nhà hỏi họ là biết liền... 

- Thôi mà em! Tao quả có sơ xuất chút chút... mà thôi, bỏ qua đi em... 

- Bỏ qua... bỏ qua... hừ! Nếu thằng này vô tù thì ai nuôi cơm đây? Nói dễ nghe quá! 

- Thì tao đã xin lỗi mày rồi đó, cằn nhằn hoài – Bụng đổi giọng – Dầu sao, mình cũng thoát được rồi mà. Nè, em Kha! Được bao nhiêu tiền? 

- Tiền bạc gì? – Kha cộc lốc nói. 

- Coi! Thì hồi trưa mày ra, tao thấy túi quần mày cộm cộm, tao nghi là có bộn tiền, mà không đi nữa thì chắc cũng có vài món nho nhỏ chớ? Không lẽ hai đứa bỏ công cả ngày trời rồi mà chịu tuột dù sao? 

Kha vẫn không mở miệng. Bụng hết kiên nhẫn nổi, la lên: 

- Sao? Sao mày không nói gì hết vậy? Mày tưởng tao đui không thấy chắc? Hay là mày tính để ăn lẻ một mình? Nói đại ra coi. 

Kha như chợt tỉnh: 

- Có tiền chớ sao, mà tại anh không hỏi rõ, ai biết đâu mà trả lời. Có tiền thiệt, mà tiền tụi nhỏ đưa cho tôi, chớ không phải là tiền tôi ăn cắp. 

"Tiền nào không là tiền, cái thằng ngốc này" Bụng nghĩ thầm và đổi giận làm vui, đon đả: 

- Thiệt anh phục lăn em. Em nói làm sao mà tui nó chịu đưa tiền cho em, hay thiệt! Số dách thiệt! 

Kha liền cải chinh: 

- Anh lầm rồi! Tui nó đưa tiền để tôi đi mua đồ này kia cho tụi nó chớ đâu phải đưa cho mình xài?...

Bụng rụng rời ngồi lặng đi một giây. Kha thản nhiên, nói tiếp: 

- Cho nên tôi mua búp bê cho tụi nó… 

- Thôi đừng dài dòng, tao hỏi thiệt mày: mày mua con búp bê hết bao nhiêu? Con chó hết bao nhiêu? Còn lại bao nhiêu? Đưa ra đây, chia hai xài cho rồi, mệt lắm, đừng cãi cọ lôi thôi! 

- Ai nói với anh tôi mua con chó? Nghe đây nè: không tốn một xu con, hiểu không? Tụi nó đưa tôi 2350$, tôi mua con búp bê 1100$, đi xe 40$, vị chi là 1140$, còn lại 1210$ cả thảy... con chó thì tôi bắt ngoài đường... 

Ba Bụng làm một con tính nhẩm rất nhanh, nói liền: 

- Vậy thì anh em mình mỗi đứa được 600$ xài đỡ...

Kha trợn mắt: 

- Anh nói gì vậy? Tiền đâu mà mỗi đứa 600$? Tiền của con nít mà anh tính biểu tôi ăn lường nữa sao? 

- Vậy chớ mày tính làm gì tiền đó? Để cúng chùa hả? 

- Không, không có cúng kiến gì hết. Tôi trả lại tụi nó rồi. Anh không tin thì anh lục túi tôi đi: có đồng nào anh cứ lấy, tôi không có thèm nói gian đâu. 

Ba Bụng há miệng toan kêu mà không thành tiếng. Gã gần muốn ngã gục xuống ghế đá vì thất vọng. Trời ơi! Nghĩa đệ của Ba Bụng đã hành động như là học trò Đức Khổng Tử bên Tàu. Uổng công thu nạp quá đi, trời đất ơi! Hắn không cần lục xét làm chi, ngó bộ mặt Kha là biết rồi, vả lại, túi Kha bây giờ lép xẹp! Tuy vậy, Bụng muốn dò xem ý tứ thằng em kết nghĩa ra sao: 

- Tao thiệt lạ lùng, không hiểu mày làm vậy để làm chi? Có lợi lộc gì đâu? 

- Anh đừng hỏi... 

Bụng cáu lên bất ngờ: 

- Tao có quyền hỏi, tao mất nhiều thì giờ vì mày... mày phải giải thích. 

Kha cười buồn: 

- Tôi không có ý nói là anh không có quyền hỏi, tôi muốn nói là anh đừng hỏi vô ích, vì chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao tôi làm vậy, như thể là có ma nhập vô mình tôi, xui khiến vậy, anh Ba à! 

Bụng không ngờ chút nào về những lời thành thật của Kha, nhưng cố vớt vát: 

- Nhà đó có gì tốt không? 

- Thiếu gì, anh? Thấy bắt mê. Đồ xưa, đồ bằng bạc, bằng đồng đủ thứ... 

Bụng rên rỉ: 

- Trời ơi! Trời ơi! Thiệt mày hại tao... 

Kha thong thả lấy cái lược trong túi chải đầu, rồi hỏi: 

- Tôi hại anh hồi nào đâu? Cho anh hay: tôi phải đập cửa kiếng phòng tắm mà nhảy ra, chảy máu tay đây nè. Mà đến nông nỗi này là tại ai, anh nói coi! 

- Tại tao chắc? 

- Chớ gì nữa! Tôi hỏi anh đây: tôi có ưng vô không? Không! Chính anh một hai bắt tôi vô mà, anh nhớ lại coi? Anh còn trách móc nỗi gì? 

Ba Bụng nghẹn họng, không cãi được, dịu giọng: 

- Thôi bỏ qua đi em. Anh em mình đi kiếm cái gì nhậu đỡ, anh còn chút đỉnh tiền đây, không sao. Rồi sẽ tính cách khác, đừng lo. 

Hai người khoác tay nhau bước đi, thân mật. Được ba bước, Kha bỗng đổi ý: 

- Anh Ba ơi! Có lẽ chúng ta nên chia tay thì hơn... 

- Hả? Em nói gì bậy bạ vậy? Sao lại chia tay nhau? Sao lại chia tay? 

- Tại vì tôi xét thấy không thể... như anh được 

- Ai nói vậy? Ở đời không có gì khó hết, ăn thua là mình phải cố gắng, thử... 

- Thì thử rồi đó, mà không được, cố gắng vô ích... 

- Đừng lo, anh sẽ giúp em... Mày giận dai quá. Tao xin lỗi rồi mà... 

- Cảm ơn anh Ba, không được đâu. Tôi biết là không được, anh Ba à! 

- Kha! Mày có được tỉnh táo không? – Ba Bụng nhìn kỹ vào mặt bạn, lo lắng hỏi – Tao nghi là mày sợ quá, mất hồn chớ gì? 

- Không, tôi rất tỉnh táo, tôi hết sợ rồi. Chưa khi nào tôi tỉnh táo như tối nay. Anh Ba ơi! Tha lỗi cho tôi! Anh phải hiểu giùm tôi... 

- Hiểu cái cóc khô! Thôi đừng giở giọng tiểu thuyết ba xu. Nghe lời tao rồi sau này làm ăn khá, tao sẽ đi Sàigòn với mày một chuyến cho biết với người ta, trong đó vui lắm. Cái gì tao đã hứa là tao giữ lời. Thế nào tao cũng đưa mày đi Sàigòn. Bộ mày hết ham đi Sàigòn rồi sao? Em Kha... 

Bụng tưởng là đem cái mồi Sàigòn ra thì Kha sẽ xiêu lòng. nào ngờ Kha phản ứng khác hơn Bụng tưởng. Giọng buồn rầu, Kha nói: 

- Dạ, tôi hết ham đi Sàigòn rồi, anh Ba à! 

Ba Bụng xung thiên nộ khí, hét lên: 

- Còn lời thề trung thành cho tới chết, mày tính sao? Trung thành vậy đó hả? Chưa gì mày đã tính bỏ tao... 

Kha cúi đầu yên lặng. Bụng tấn công tiếp: 

- Con người ta ở đời chỉ có chữ Tín là đáng trọng. Mày quên câu quân tử nhứt ngôn sao? Như vậy thì còn nên người sao được? 

Kha năn nỉ: 

- Anh Ba! Tôi biết là tôi sai lời, không trọng chữ Tín với anh, anh tha lỗi cho tôi. Tôi cũng không muốn làm người quân tử. Thà làm một người thường thường mà... Tôi không bỏ anh đâu, sau này, anh cần gì tôi sẽ giúp anh, mà giúp trong công việc khác kìa... chớ còn... Thật đó, anh Ba! Không được, thà tôi nghèo đói, thà tôi... Xin lỗi anh Ba... 

Ba Bụng nghe rưng rưng trong lòng. Lần thứ nhất hắn xúc động vì những lời lẽ chân thành của đàn em: nhìn kỹ mặt Kha, hắn biết là khó mà lay chuyển nổi ý định của Kha, cái mồi Sàigòn, chữ Tín đều vô hiệu lực. Kha có lý, hắn không có quyền lôi thêm một kẻ khác xuống bùn nhơ. Mình hắn đủ rồi... Ba Bụng cất giọng buồn bã: 

- Em Kha! Em nói phải! Anh không ép em đâu. Nghề ăn trộm có tốt lành gì, chẳng qua... 

Im bặt nửa chừng, Bụng ho khan năm sáu tiếng – Hắn có tật hễ xúc động là ho khan. 

Kha ái ngại nhìn Bụng, hỏi nho nhỏ: 

- Anh Ba! Anh không giận em chớ? Anh hiểu cho em chớ? 

- Không đâu. Qua rất phục em. Qua rất hiểu em! 

Hai người chia tay. Ba Bụng đi không muốn nổi. Còn Kha? Kha cũng buồn chút chút – Có cuộc chia tay nào mà không một chút bùi ngùi? – Nhưng chỉ năm phút sau là Kha vui lại ngay. Vì hắn nhớ đến những khuôn mặt sáng ngời xinh đẹp của ba đứa trẻ, nhất là nhớ câu chúng nói về hắn lúc chiều: "Cậu không có tướng... như vậy! Cậu chỉ có vẻ buồn buồn, cậu dễ thương". 

"Cậu dễ thương" Kha thốt lên nhỏ nhỏ. Phải, từ nay Kha sẽ cố gắng để được dễ thương, tuy gã không được cái diễm phúc có những đứa cháu dễ thương như vậy. 

À! Mà biết chừng đâu? Có một ngày kia, tu tỉnh làm ăn đàng hoàng, gã sẽ mạnh bạo gõ cửa nhà ba đứa – dĩ nhiên lựa lúc cha mẹ chúng vắng nhà – vô thăm mà nói: "ông cậu giả của các cháu đây!" cùng với rất nhiều quà dưới nách. 

Biết chừng, có một ngày gã dám đối mặt với người lớn cũng nên. Nghĩ đến đây, Kha bất giác cười khan lên, vui vẻ. Gã tự hứa sẽ, bằng mọi cách, trở nên người lương thiện, và coi cho được khuôn mặt cậu ruột lũ trẻ thử ra sao. 

Kha cất giọng rè rè hát: 

- Có một con quỷ dễ thương 

Nó mới hồi hương...

Chương 9 (hết)

Gia đình ông Niêm họp ngay tại phòng khách bàn tán về kẻ lạ mặt cho đến khuya. Được khuyến khích, ba đứa thi nhau kể lại câu chuyện từ đầu, không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Một điều làm cho ba người lớn cảm động là trong phòng tắm, ngoài bộ com-lê mới nguyên và sơ mi, quần đùi, kẻ lạ mặt còn để lại số tiền 1210$ vào túi áo com-lê của gia chủ. Điều này, đánh tan cái giả thuyết hắn ta không thấy bộ com-lê của ông Niêm (ban đầu, ông nhất định cho rằng hắn quá sợ hãi hay không kịp thấy, chớ không lý gì mà một tên kiết xác vô nhà người ta rồi lại ra không, không vơ vét chút gì, vô lý quá). 

Ông cậu quý thì lẩm bẩm: 

- Thật là một người đặc biệt. Em ao ước thấy mặt hắn quá! 

Bà mẹ, dù đã yên lòng, thấy không suy suyển chút gì trong nhà, nhưng vẫn không ngớt thở dài trong khi ôm chặt cả ba con trong hai vòng tay che chở âu yếm như thể chúng vừa vượt biển giữa phong ba hay thoát khỏi tai nạn tày trời. Thỉnh thoảng, bà kêu lên: 

- Thật là có phúc, thật may mắn quá! 

Người cha, trước sau vẫn không chịu nhận kẻ lạ mặt là người lương thiện. Điều này tổn thương đến các con không ít. Duy ông cậu tỏ ra tế nhị hơn anh rể, ông ta không mạt sát kẻ lạ mặt, chịu khó nghe chúng kể chuyện với tất cả sự bao dung, rộng lượng. Vì vậy chúng được an ủi và tin tưởng phần nào. 

Mỗi lần, ba đứa đề cập đến kẻ lạ mặt bằng giọng nồng nhiệt, về sự thật thà của hắn, cậu Bích đều tỏ ra đồng ý... một nửa. Vì theo cậu, hắn ta chưa mất hẳn lương tri. Cậu còn nói thêm: 

- Cậu tin rằng hắn sẽ trở nên người lương thiện. 

- Cậu ơi! Cậu có tin là ông ta trở lại không? 

- Không đâu... ông ta không dám trở lại đâu, nhưng cậu tin là ông ta sẽ nhớ các con. 

Yến rất hài lòng thấy cậu mình không gọi hắn mà gọi là ông ta như mình. Cô bé ngồi trên đầu gối cậu, thở dài: 

- Tội nghiệp! Con thương ông ta lắm, cậu ạ! 

- Cậu cũng thương. Một người như vậy rất dễ thương. 

- Con muốn gặp ông ta. Cậu tin là không bao giờ ông ta trở lại đây sao? 

- Hiện giờ thì chưa, nhưng sẽ có một ngày nào đó... 

Nhờ cậu Bích trấn an, chúng nguôi đi chút đỉnh – Thật ra ta khó mà bình tĩnh được khi biết rằng kẻ mà ta nhận là cậu lại đập vỡ cửa kính, chạy trốn như một kẻ trộm trong bóng tối của khu vườn! Tuy nhiên, điều đáng kể là chúng được có một ông cậu khác, ông cậu thật thay vào tức khắc, mà ông cậu này lại thơm tho, sạch sẽ, rộng lượng nữa. Thật ba đứa trẻ không ao ước gì hơn. 

Cậu Bích thật, sau khi đưa quà cho anh chị, gọi các cháu lại gần đưa cho mỗi đứa những thứ quà bất ngờ, vừa ý: hai cái lều cắm trại của Hướng đạo cho hai cháu trai. Một cái vòng đeo tay thật đẹp cho cháu gái. 

-Chà! Móng tay và quần áo cậu thật sạch sẽ! 

- Cậu khác ông ta chỗ đó... 

- Ông ta dễ thương, chỉ phải cái ở dơ... và… 

- Gâu, gâu, gâu... 

Minô ngủ quên từ chập tối, tự trình diện trước người lớn. Con vật mới xinh xẻo làm sao. Ba người lớn làm một tính nhẩm thì thấy số tiền 1140$ không đủ để mua cả búp bê "Bella" lẫn chó Minô. 

Ông Niêm bảo mọi người: 

- Con vật này dám là của ăn trộm lắm đó, nghe. 

Ba đứa con cùng nhẩy nhổm lên như thể bị kiến đốt: 

- Con không tin! Ông ấy mua tận dưới Cầu Đá đó! 

- Con cũng không tin! 

- Không đâu ba, ba đừng nghi oan, phải tội chết. 

- Trong lúc chưa có chứng cớ rõ ràng, ta không nên nghĩ xấu cho người khác, anh ạ. 

Cậu Bích nhìn anh rể bằng khóe mắt tinh nghịch nói, ông Niêm cười xòa: 

- Thôi được, tôi hãy tạm đồng ý với cậu cháu các người cho đến khi nào các người sáng mắt ra.

*

Minô thật thông minh, lại ngoan nữa chớ! Mọi người đều hài lòng về nó. 

Một tuần lễ trôi qua, một tuần thật êm đẹp, vui vẻ. Câu chuyện động trời về ông cậu giả đã nguôi ngoai trong lòng lũ nhỏ. Cậu Bích và các cháu không rời nhau nửa bước, cho cả đến giấc ngủ, giờ ăn. 

Một buổi chiều, cậu Bích dạy lũ trẻ và Minô làm xiếc ngoài vườn, trên thảm cỏ. Cậu là giám đốc còn ba đứa nhỏ với Minô họp lại làm bộ tư diễn viên. Minô nhanh nhẹn lắm, bắt chước y như người. Hễ cậu Bích hô to: 

- Phi mau! 

Tức thì nó phi y như ba đứa cháu của cậu. Và khi cậu hô to: 

- Đứng lên! 

Tức thì nó đứng dừng lại, giơ hai chân trước lên, y hệt con ngựa trên sân đang biểu diễn. Mà trong tư thế này, nom nó lại trội hơn ba con ngựa người nhiều lắm! 

Ông giám đốc bèn hoan hô chúng và khán giả – tức bà mẹ ba đứa trẻ đang loay hoay dọn bàn ăn gần đấy – cũng vỗ tay tán thưởng. Số là chiều nay, bà nảy ra sáng kiến dọn bữa ngoài trời cho mát. Đoàn xiếc đổi trò, ông Giám đốc ra lệnh sang màn cỡi ngựa, bốn đứa sắp hàng lại... 

Nhưng đúng lúc đó, ông Niêm về. Ông la to bằng giọng vui vẻ khác thường: 

- Chào quí vị, tôi mang về cho quí vị một tin vui. 

- Tin gì đó, ba? 

Ba đứa nhỏ cùng nhao nhao hỏi. Cha chúng giơ cao tờ "Khánh Hoà Thời Báo" lên, nheo mắt với cậu Bích, giọng ỡm ờ: 

- Tôi thắng cậu rồi đó, Bích ơi! 

Tất cả im lặng, cả mẹ chúng cũng ngưng tay. Bấy giờ người cha mới trịnh trọng, hắng giọng hai lần tiếp, đọc to mục "Từ Thành xuống chợ" cho tất cả bà con thưởng lãm: 

"Hôm thứ bảy, 4/10/ vào khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi bị mất một con chó xù xinh đẹp, lông mầu nâu, chân thấp, giống chó Nhật lai. Theo lời vài người láng giềng thì có một người đàn ông ôm ốm, cao cao, đã dùng một sợi dây tròng cổ nó, bắt đi. Ai biết con vật ở đâu, vui lòng chỉ giúp, chúng tôi xin hậu tạ. Hoặc cô bác nào mua lầm, xin cho biết, chúng tôi xin hoàn tiền lại và bồi thường thêm phí tổn. Xin liên lạc địa chỉ số… đường Hồng Bàng, Xóm Mới, hay điện thoại số 90.706. Muôn vàn cảm tạ. 

Võ Đình Văn"       

Khi ông Niêm dứt lời, bầu không khí bỗng như ngưng đọng lại. Một sự im lặng nặng nề vây phủ mọi người. Mấy người lớn nhìn nhau, còn lũ trẻ thì cúi đầu buồn bã. 

Một lúc sau, Yến lên tiếng trước: 

- Có đúng con Minô không ba? 

- Chớ còn ai vô đó nữa, hở con! 

- Nhưng ai buộc mình phải trả lại? 

- Phải! Mình có bắt trộm nó đâu? 

- Mình xí được mà! 

Cha chúng gạt phắt lời các con: 

- Đúng, chúng ta không ăn trộm con vật, nhưng chúng ta đã chấp chứa nó. Phải trả lại cho chủ nó, chẳng có gì phải bàn cãi hết. Để ba đi gọi điện thoại ngay bây giờ. 

Miệng nói, chân ông bước vào nhà. Cậu Bích liền chạy theo, gọi giật ông lại: 

- Anh để em lo cho. 

Ba đứa nhỏ rầu rĩ đứng nhìn nhau. Mẹ chúng cũng lộ vẻ lo lắng. Cha chúng thì nghiêm nghị khác thường. Ông tránh nhìn sáu con mắt đầy van vỉ của ba đứa con yêu, se sẽ thở dài. 

Biết rằng khó mà lay chuyển nổi quyết định của cha, chúng kéo nhau lại ngồi trên bãi cỏ, vuốt ve con vật thân yêu. Chúng cố gắng để khỏi bật khóc, nhưng cuối cùng nước mắt tuôn dài, lặng lẽ trên má chúng. Cha mẹ chúng phải quay đi phía khác. Bỗng, ba đứa không cầm giữ nữa, khóc nức lên. Cùng một lúc, cậu Bích từ trong nhà chạy bay ra. 

- Sao? Em có gặp người chủ chớ? 

- Dạ có. Mọi việc được dàn xếp ổn thỏa cả. 

Cậu quay sang con chó, kêu lên: 

- Minô đến đây! Đến đây và cúi chào quí vị, coi nào! 

Con Minô làm theo lời cậu Bích. Cậu lại bảo nó: 

- Bắt tay từng người một, coi nào! 

Minô tuân lệnh lần nữa. Ba đứa nhỏ, khi nắm cái chân nhỏ nhắn của Minô đều như không muốn buông ra, chúng thì thầm qua màn nước mắt: 

- Vĩnh biệt Minô! 

- Kìa, sao lại vĩnh biệt? Nó chào ra mắt các tiểu chủ đó, các cháu ạ! 

- Tiểu chủ? Tụi con đâu phải là chủ nó? Cậu sắp đem trả cho chủ nó mà. 

Giọng rầu rĩ, Phan bảo cậu. Cậu Bích cười thật tươi, nụ cười y như lần đầu cậu xách hai va ly chĩu nặng vào nhà: 

- Nghe đây quí vị: cậu của quí vị đã năn nỉ với chủ nó hết lời, và hiện ông ta rất vui lòng nhường nó lại cho các con, vì ông ta cũng mến các con. Vả lại, ông ta cũng còn một chú chó y như vậy, anh của Minô đó. Sao? Quí vị hài lòng chớ? 

Yến nhào đại tới, ôm cứng lấy cậu, kêu lên: 

- Cậu thật dễ thương! 

- Ông cậu nào cũng dễ thương hết, cháu ơi! 

Cậu Bích nheo mắt với anh rể, cười khúc khích bảo cháu. Bà mẹ lại thở phào một tiếng, kêu lên: 

- Thật là may mắn! 

Phan và Lai cũng túm áo cậu tỏ vẻ sung sướng. Ba chúng bảo: 

- Ủa, tụi bay không cảm ơn cậu hay sao.? 

- Cảm ơn cậu!

Ba đứa đồng thanh nói. Sáu con mắt của ba đứa cháu lại sáng rực lên, ba nụ cười tươi tắn cũng nở ra, tuy ngấn nước mắt chưa khô hẳn. 

Bỗng nhiên, Yến ngẩng đầu lên hỏi cậu: 

- Con chó này mắc lắm, cậu phải trả bao nhiêu đó cậu? 

- Đừng nói đến tiền bạc. Cậu chỉ muốn các cháu vui thôi! 

Đừng nói đến tiền bạc, cậu chỉ muốn các cháu vui thôi! Cậu chúng vô tình lặp lại một câu mà gã đàn ông lạ mặt đã nói với chúng hôm nào! Thật đúng như lời cậu Bích: ông cậu nào cũng dễ thương hết, giả hay thật... cũng rất dễ thương...

*

Trong lúc ba đứa nghĩ đến Kha, gã ta cũng đang nhớ đến chúng và lẩm bẩm: không biết tấm kiếng phòng tắm giá bao nhiêu? Nếu ta không làm bể của họ hay làm bể mà giờ có đủ tiền, ta sẽ đem trả để có dịp thăm chúng xem sao? Và hắn tự hẹn: sẽ có một ngày...

MINH QUÂN    

Sàigòn 5 - 12 - 73.