Trên đường tìm ngọc

Minh Đăng xuất bản - 1974

(Truyện phóng tác)

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

                                                        Chương 5 & 6 

Chương 7 & 8

 Chương 9 & 10

            Chương 11 & 12 (hết)

Nguồn: Thu Hồ sưu tầm, scan & BC, Tịnh Liên đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

AZW3

EPUB

MOBI

Chương 01

Anh em Lai và Mai sinh tại làng Cát Hoa, một làng nhỏ tại xứ Ấn Độ như mọi làng nhỏ khác, nghèo khổ và còn nhiều mê tín.

Theo thường lệ, Lai đi xách nước ngoài giếng về cho cả nhà dùng. Con chó Cam nhảy cẫng trước mặt thằng bé 13 tuổi, đó là một con chó gầy trơ xương với bộ lông xám xịt dơ bẩn. Đặc biệt, nó biết làm trò và nhảy múa khi nghe tiếng nhạc . Điều này không phải là ngẫu nhiên: nó vốn được huấn luyện kỹ từ khi còn bé (nó ra đời trong một gánh xiếc); không may, một gã bất lương đã cuỗm nó đi với dụng ý bắt nó làm trò cho mình thu tiền kiếm sống, nào ngờ đâu con chó bướng bỉnh và khôn ngoan này đã chẳng nhảy múa làm trò theo tiếng sáo của hắn mà còn thừa cơ hội thuận tiện, đớp vào chân tên bất lương một cái nên thân rồi bỏ chạy trốn ngay trong lúc hắn còn đang nhăn nhó vì đau, không kịp trở tay. 

Lang thang trong nhiều ngày cho đến một hôm quá đói nó lọt vào nhà Lai. Cậu bé thương hại con vật, lén nhịn phần ăn, chia cho nó. Từ đó, con vật ở luôn nhà Lai và được mang tên Cam do Lai đặt cho. Cũng kể từ đó, Cam theo Lai đi cùng khắp. Cam rất cứng cổ : nếu nó đã không thích thì không ai có thể bắt nó làm trò. Nó chỉ nhảy múa khi nào nó thích, vào lúc bất ngờ nhất . Điểm này quả nó giống tiểu chủ là Lai. Chúng rất hợp nhau… vì vậy, hiển nhiên, chúng rất yêu nhau ! 

Đặt chum không lên đầu, Lai rảo chân, tung từng loạt bụi nhẹ, đỏ xung quanh. Cam tung tăng phía trước. Sắp băng ngang đường Lai gặp Kiên, bạn nó và hai đứa cùng dừng lại, đặt chum xuống, trò chuyện liền. Kiên đang nhai mía, thằng bé này ngứa cổ quá vì cái tin nó mới được biết mà nó cho là rất quan trọng đối với Lai. Nó tiết lộ liền : 

- Ở A-rát có một nhà thương chữa bệnh mắt hay lắm, Lai à ! 

- Thiệt không ? Sao mày biết được ? 

Giọng quả quyết, Kiên đáp: 

- Sao không : có một ông thầy chữa bệnh mắt hay ghê lắm, hay hơn hết mấy ông thầy của xứ này. 

Lai có vẻ nghi ngờ : 

- Sao mày chắc vậy ? 

- Cậu tao vừa đi chữa về hôm qua, bây giờ ổng thấy rõ mọi thứ như mình vậy à ! 

Lai thừ người sau câu nói quả quyết của bạn vì nó biết rõ cậu Kiên gần như một người mù từ lâu rồi. Cả năm nay, ông ra ngồi ở các bậc thềm nhà ga tay bưng mâm gỗ y như các tay ăn xin khác. Lai hấp tấp : 

- Thiệt sao ? Ông không ăn xin nữa hở, Kiên ? 

- Chắc như đinh đóng. Cậu tao sáng rồi. 

Tia hy vọng chợt loé sáng trong đầu thằng bé 13. Gần năm nay, nó như bị vây hãm trong bóng tối, tuy sự thật nó không bị tổn thương gì ở mắt, người sắp mù là em gái nó: con bé Mai lên 7. Nó nghĩ thành tiếng : 

- Em Mai tao… 

Kiên nói giọng tin tưởng : 

- Mày còn đợi gì nữa ? Nói cha mày dẫn nó đi A-rát người ta chữa cho… 

Lai miên man suy tính. Mỗi tuần trăng qua mắt em nó càng kém thêm. Thật tội nghiệp, gia đình nó không ai bảo ai mà cùng mặc nhiên ngầm đồng ý cố sức để giấu kín láng giềng điều bất hạnh này : vì Mai đã được hứa cho một chỗ trong trường làng bên. Trường chỉ nhận một số học trò vỡ lòng hạn chế. Nếu thầy giáo biết mắt Mai thế, chắc chắn chỗ dành cho con bé sẽ bị mất để cho một đứa khác. Trong làng có nhiều trẻ lên bảy cần học lắm, mà thiếu trường. 

Không chỉ giấu người ngoài, ngay trong nhà cũng không ai nhắc đến điều tệ hại ấy, làm như thể là không nhắc đến, chứng bệnh quái ác có thể biến mất đi vậy. 

Riêng Lai, nó còn một nguyên cớ để lo lắng vì mục tật của em : nó tự hứa sẽ học lại những gì Mai học ở trường. Chứ sao: có cái gì chui vào đầu em nó mà lại không thể chui vào đầu nó ? Nó vì gia cảnh đã quá tuổi mà không được cắp sách đến trường, nhưng nó không chịu thua đâu. Nó nghĩ rằng một đứa con trai phải biết tự tìm lấy cho mình những hiểu biết do thế giới học đường đem lại. 

- Mày nghĩ tao nói đúng không ? Ba mày sẽ… 

Tiếng Kiên làm Lai chợt tỉnh, nó ngăn lại bằng giọng buồn rầu : 

- Đừng nói tầm phơ. Đời nào cha tao để anh em tao ở nhà cấy lúa khi ông đi được ? Chắc gì có thầy chữa mắt thiệt ? Mà cho có, cả nhà tao không thể no nhờ đôi mắt em tao trong khi mùa thu tới không còn một hột… 

- Khó khiết gì ? Thì biểu mẹ mày đi, ổng ở nhà làm ruộng… 

Thằng Kiên biết gì đến nỗi khó khăn của gia đình Lai mà nói ? Lai thở dài : 

- Mẹ tao hở ? Bà đi rồi bỏ em bé mới sinh với hai thằng kia cho ai ? 

Kiên vừa nhá mía vừa cười, nhe răng trắng bóng : 

- Bà không đi được? Thì mày đó chi ? Mày dẫn nó đi, đi! 

- Cuốc bộ tới A-rát hả ? Thôi, đừng có nói điên ! 

Lai dấm dẳng bảo bạn rồi đặt chum lên đầu, nó bực quá rồi. Còn sớm lắm. Vài cụm mây trắng phiêu du theo cơn gió nhẹ, tụ lại tận chân trời, trên cao bầu trời trong xanh như mầu nước. Phải quá trưa sức nóng mới làm phai mầu xanh này, người và súc vật đều phải tìm vào bóng mát. Trên quốc lộ, trước mặt Lai tiếng còi xe hơi inh ỏi để mở lối đi giữa đám xe bò và xe đạp. 

Đó là con đường dẫn đến A-rát. Chà ! Nếu có một cái xe đạp… hay cha nó cho nó mượn con bò cày. Như thế, việc dắt Mai đến A-rát chữa mắt sẽ có thể dễ dàng thực hiện. 

Trước kia, cha Lai có đôi bò, có cả một con ngựa cột sẵn ở cọc, nhưng… đó chỉ là chuyện ngày xưa, chuyện trước ngày xảy ra nạn đói kém kinh hồn. Bây giờ thì… Lai bước nhanh để vượt qua đoạn đường trống trước khi nắng lên cao. Đột nhiên, nó dừng lại đưa mắt nhìn về hướng tây: con đường trải dài trước mặt nó như vô tận, khuất trong sương mù ở chân trời. Xe chạy làm mù mịt rồi bụi tản mác dần, bám vào tài xế và bộ hành. Dọc hai bên bờ đường, cây xoài mọc từng hàng dài, lũ khỉ thì ngồi chồm hổm trên các cành, ngắm người qua lại. Lông chúng cùng màu với lông con chó Cam, cây cũng xám mà con đường vắt qua cánh đồng rực nắng như thiêu cũng xám luôn. 

Lai biết rằng trên con đường này, người ta có thể hoàn tất cuộc hành trình hoặc kiệt lực, hoặc bị thú dữ vồ trong đêm tối hay vô phúc dẫm nhằm một con rắn… Ý trời ! Có họa mà điên mới nghe lời xúi của Kiên, cái thằng nói mà không suy nghĩ, làm như mình có thể đến A-rát với con bé gần mù mắt vừa lên 7 là một chuyện hết sức tự nhiên không bằng. Song rồi, Lai cảm thấy hơi bối rối : tại sao lại trách Kiên ? Nó chỉ muốn em mình sáng mắt chứ có làm gì đâu ? Hay là… hay là mình dẫn cả con lừa Xích-mi theo ! Ồ ! Sao không ? Mai có thể cỡi trên lưng nó. Con lừa Xích-mi cùng tuổi với Lai, nhưng là một con lừa ốm đói, tuổi tác đã cao rồi đó, nó còn giúp được gì ? Nó có đủ sức đi đến A-rát không ? Và còn trở về nữa chớ. Hừ hừ… 

Ờ ! Biết đâu đấy, biết đâu chính Lai có thể cứu vãn đôi mắt em mình, đôi mắt cần thiết không chỉ mình Mai mà cả anh nó nữa ! Rồi đây, nếu qua mắt thầy giáo được ít lâu bằng cách nói dối mình thấy rõ, nhưng liệu kéo dài được bao lâu ? Được rồi ! – Lai mím môi lại, cương quyết – hai anh em ngủ dưới một gốc cây, gối đầu lên mình con lừa, đem theo cả con Cam… Lai quên đi chuyện nguy hiểm khác: ban đêm không ai héo lánh ra đường nữa, lũ chó đói kéo ra. Chó đói ! Chúng không hiền đâu, trời ạ ! Bà Lai thường bảo là không chỉ miệng chúng tru mà bụng lép chúng cũng tru theo. Nói cho ngay: ban ngày chúng hơi nhan nhát một tị, nhưng đêm đến chúng trở thành bạo dạn, dữ tợn lắm kia. 

Lai chẫm rãi đi trên đường nhỏ dẫn xuống giếng. Ra khỏi bóng mát, nắng như muốn đốt da song nó vẫn tiếp tục bước, đầu ngẩng cao thẳng dưới chum, ý nghĩ lộn xộn trong đầu nó tựa như một lũ ong vo ve trong tổ vừa bị viên đá ném trúng bay túa ra. 

“Mẹ không đi được, em nhỏ quá, cha cũng không đi được vì cha phải lo việc đồng áng, bà thì già rồi. Ngoài mình ra không ai dẫn em Mai đi được, mà… mà mình lại sợ. Mình 13 tuổi, mình chỉ can đảm lúc còn mặt trời thôi !”. 

Quanh giếng đã khá đông người. Phụ nữ quì gối cạnh bờ ao, giặt gịa áo quần. Hai con bò, mắt bịt kín, đi vòng tròn làm quay một bánh xe gỗ thật lớn, trên đó gắn nhiều thùng đầy nước kéo từ giếng lên. Xứ này từ xa xưa, bò đã đảm nhận việc ấy. Từ các thùng, nước trong vắt lạnh rợi chảy vào ao, nơi các bà giặt giũ, súc vật uống. Tiếng trò chuyện, cười đùa ầm ỹ, hỗn độn. 

Mẹ Lai đang trải áo quần lên cỏ phơi trước khi đem về. Em út nó, còn đỏ hỏn thì được đặt nằm dưới bóng mát cách đó vài thước. Lừa Xích-mi đang thư thả uống nước, Mai đứng nắm dây cương. Chưa nhận ra anh, con bé đứng yên, dáng bộ buồn rầu giữa đám đông. Còn nhỏ nên Mai chưa mặc sari như mẹ được, nó mặc một cái quần thô sợi, dài và rộng thùng thình, áo đỏ dài tận gối, hai lọn tóc thắt bím mầu nâu dài và đôi mắt xanh. Đôi mắt Mai là một hãnh diện lớn của gia đình nó vì xứ Ấn Độ rất hiếm người có mắt xanh. 

Mai là con gái duy nhất giữa bốn anh em trai, lại rất xinh xắn. 

Lai huýt sáo làm hiệu và Mai ngẩng đầu lên, tuy không thấy rõ anh, nó vẫn bước nhanh lại phía đó. Dây cương lừa được vứt lên lưng con vật. Mai mừng rỡ vì được gặp anh. 

Tội nghiệp con bé ! Vì mắt kém, nó đã bước nhầu lên cái giỏ to chất quần áo sạch của một người đàn bà, chị ta vừa mới nhặt lên sau khi phơi. Cái giỏ lăn nghiêng xuống, áo quần rơi ngổn ngang, có cái rơi tận ao đục ngầu vì súc vật vừa đến uống, lấm lem. Rõ phiền ! 

Chị đàn bà chủ giỏ áo quần đưa cả hai tay lên trời, la lối om sòm, ỏm tỏi, vài người cười ồ và một kẻ nào đó thốt lên một câu chua chát. Giữa cảnh náo loạn đó, chó Cam lại đứng thẳng bằng hai chân trổ tài nhảy múa. Chắc hẳn nó trông thấy khung cảnh ồn ào này mà ngỡ là trong đám xiệc. Phần Mai, nó sợ cuống lên vì nó biết mình đã gây ra cảnh xáo trộn này. Con bé chạy đến nép vào bên anh, mẹ chúng cũng nhận thấy điều phiền phức này. Chị đàn bà hét ngược lên: 

- Đó ! Cho chị thấy nghe ! Ra giếng mà còn dắt đứa mù theo cho sinh chuyện. 

Người mẹ chống chế : 

- Đừng nói ác vậy, con tôi đâu có mù. Nó thấy chớ, ở nhà nó giúp tôi đủ việc. 

- Nó thấy rõ hả ? Thiệt không ? Vậy sao nó dẫm lên giỏ đồ của người ta ? Cái giỏ to chớ phải nhỏ sao? 

- Tại cháu nó lật đật quá. Thôi, đừng la lối, tôi sẽ vò lại cho chị mà. Ai mà không gặp rủi ro. Cháu nó… 

Rồi bà quay sang la con chó Cam cho khỏa lấp đi : 

- Cam ! Mày là con quái… Đứng yên chút coi. 

Cam nghe chủ la, ngừng nhảy nhót để sủa lên góp tiếng vào bầu không khí nào nhiệt chung. Một gã đàn ông giận dữ la to lên : 

- Thôi, dẫn con chó với con bé đó đi đi ! Cả hai đều ngốc như nhau ! 

Một bà mẹ khác, có đứa con bằng tuổi Mai, xỉa xói: 

- Hừ ! Nó thấy rõ ! Nó thấy rõ kiểu gì vậy hả ? Vậy mà chiếm chỗ học trong lúc con nít khác sáng mắt phải chịu thiệt thòi. 

- Bày đặt, con nít thì học làm gì ? – Gà đàn ông càng gắt gỏng hơn – Học chi ? Chữ nghĩa đầy đặc trong đầu rồi lại sinh ra làm bơ làm biếng, không chịu làm công chuyện giúp cha mẹ, gia đình. Người khôn ngoan không thèm đọc sách đâu ! 

- Có lý lắm – nhiều người hăm hở tán đồng – bày đặt học hành vô ích… 

Nhưng tất cả những lời qua tiếng lại đều không làm chị đàn bà đanh đá ngớt đay nghiến đứa bé đáng thương. Người mẹ không biết làm gì hơn là cất giọng nài nỉ : 

- Thôi ! Xin chị ! Để tôi xổ áo quần lại mà. Tội, con tôi nó lật đật quá mà… 

Thật nguy : rồi đây cả làng sẽ biết mục tật con bé. Một người dọa : 

- Tôi sẽ cho thầy giáo hay chuyện này. Đâu có để yên chuyện này được ! Mù mà học chó gì ? 

Đó là một đàn bà khác, có đứa con muốn chiếm chỗ của bé Mai. 

- Tội em tôi ! Xin bà đừng cho thầy giáo hay. Em tôi sẽ đi chữa mắt ở A-rát… 

- Đi A-rát ? Hay lắm, nhưng này, ai dẫn nó đi đây ? 

Nhiều tiếng cười khúc khích chế giễu nổi lên. Lai nóng mặt, đáp bừa : 

- Cháu. Chính cháu dẫn nó đi ! Cháu sẽ dẫn !

Chương 02

Lai thở hào hển như một con trâu sau bữa cày ngoài đồng. Trên đầu nó cái chum vẫn đứng vững. Khói nấu ăn bay la đà trên các mái nhà thấp trong làng. Sau lưng Lai, con Cam cũng thè lưỡi thở. Thật ra chả có gì phải vội song Lai đã chạy một hơi như thế vì sự xúc động do câu chuyện xảy ra ngoài giếng. Lai đã nóng nảy tuyên bố một câu mà không kịp suy nghĩ gì cả. 

- Được rồi ! Họ sẽ thấy ! Toàn là mấy người ngu ! Họ sẽ không ngăn được bé Mai đến trường cũng như mọi đứa con gái khác. Để coi ! 

Lai lầu bầu trong khi chạy. Vuông sân nắng hừng hực, một ngọn lửa cháy giữa sân. Bà nội nó thì lui cui nướng bột trên một viên đá phẳng. Tay bà phe phẩy cái quạt lông công dáng chừng để xua bớt khói đi. 

Lai đặt chum nước xuống đất, cạnh bóng mát của bức vách và tận lúc này nó mới nhận ra là nó quên múc nước vào chum, vì cơn giận bốc lên. Bà cụ ngẩng lên nhìn cháu, vừa đưa cho cháu miếng bột đã nướng chín vừa âu yếm hỏi (vì bà nhận ra mặt nó lầm lì khó chịu) bằng giọng dịu dàng: 

- Có gì đó, Lai ? Sao cháu không mang nước về? 

- Bà ơi ! Cháu sẽ đi A-rát với con Mai. Cháu sẽ đem nó đi chữa mắt cho coi ! 

Bà cụ đổ bột lên phiến đá nóng, dáng bộ thản nhiên không hề tỏ ra lo lắng như Lai tưởng. Điều này làm nó phật ý quá : đi A-rát đâu phải chuyện chơi ? – Kìa, bà không ngừng tay nữa, kỳ không? Lai chia cho chó Cam một mẩu bột nướng, ăn chỗ còn lại rồi nói thêm để dò phản ứng của bà: 

- Con sẽ dẫn con lừa theo và chó Cam nữa, bà ơi! Có tụi nó, chó rừng sẽ… 

Bà nội phe phẩy cái quạt trước mặt, ngắt lời : 

- Hãy kể bà nghe đầu đuôi câu chuyện đã, nào ! 

Lời bà làm Lai phấn khởi đôi chút. Người lớn hình như lúc nào cũng coi thường trẻ con, chả bao giờ nói chuyện đàng hoàng : họ chỉ thích ra lệnh thôi, trời ạ ! Nhưng bà nội Lai thì khá lắm… Lai liền kể lại đầu đuôi câu chuyện ngoài giếng, cả câu chuyện cậu Kiên lành mắt. Lai cho bà biết là dân làng xấu bụng, muốn ngăn em nó đến trường, nhưng họ sẽ không làm được điều đó vì… 

- Nghĩa là con muốn em con lành mắt như cậu thằng Kiên hở ? Con rất đáng khen dù con có làm được điều này hay không… 

- Con tức quá nên nói vậy… nhưng… nhưng với lại tại con… 

- Bà biết rồi ! Con muốn học lại với em con phải không ? 

Lai không việc gì phải giấu bà ý muốn chính đáng này, nó gật đầu liền. Nó thường lân la theo lũ bé học trò làng bên nài nỉ chúng kể lại những gì học được: những chữ và những con số. Song bọn học trò thường tỏ ra kênh kiệu, xa cách. Dĩ nhiên, con bé Mai nó là em Lai, nó sẽ không thế đâu. 

Lai sẽ tha hồ học ở em tất cả những gì nó học ở tại trường. Lai hỏi bà : 

- Bà ơi, ba mẹ con có cho con dắt nó đi không ? 

Vẫn không ngừng làm việc, bà nói : 

- Hơi khó đấy, con ạ ! 

- Con đã nói to ngoài giếng, mọi người đều nghe hết, làm sao ? Nhất định là phải đi thôi, bà ơi ! 

Bà nội trầm tĩnh, không kêu là nguy hiểm, cũng không cho cháu mình xuẩn ngốc dự tính một chuyện lấp biển vá trời không tưởng – chắc cha mẹ Lai không được như bà đâu, Lai biết – Bà dặng hắng một cái, điềm đạm nói : 

- Lai ơi ! Những kẻ hành hương vượt qua nửa xứ Ấn này để đến giòng sông Găng, con sông Thánh. Vậy đâu có lý do gì người ta ngăn con dắt em đến A-rát chữa mục tật, hả con ? 

- Nhưng mà, thưa bà… – Lai ấp úng – con mười ba tuổi đã đủ lớn chưa ? 

- Con ơi ! Không phải là chuyện sức vóc bề ngoài. Cành nhỏ cong và dai tốt hơn thứ cây lớn mà giòn. 

Lai thấy phấn khởi thêm song không mấy tin vào lời bà. Bất ngờ quá đi : bà không bài bác gì hết về dự định táo bạo của cháu, còn chính Lai, Lai lại đặt ra nhiều câu trả lời dọc đường, cốt để ứng phó những câu phản đối… Thôi thì đành tìm lấy lý do vậy chứ biết làm sao đây ? Lai nhìn bà : 

- Nhưng bà ơi, con Mai mới bảy tuổi thôi… 

- Nhiều kẻ hành hương bằng tuổi nó, Lai ạ ! Cần nhất là cẩn thận… 

- Mắt nó kém lắm, nó dám đạp lên mình rắn lắm à, con chỉ có hai mắt để cẩn thận về phần con… 

- Dù vậy đi nữa, bà thấy còn hơn là kéo lê một đời mù lòa khốn khổ. Hơn nữa, con thừa biết rằng rắn chỉ thò đầu ra vào mùa mưa mà ! 

Mẹ Lai vừa về với Mai và hai con nhỏ, tay bế đứa bé nhất, phía trước là lừa Xích-mi với giỏ áo quần. Nom bà ủ rũ – chắc vì phải chịu đựng sự độc ác của dân làng. Giọng bà cay đắng: 

- Lai ơi ! Đáng lẽ con không nên nói vậy, họ được dịp cười vào mặt mẹ mày. 

Hừ ! Cười hở ? Đừng giỡn chớ ! Để coi ai cười ai. Lai không trả lời mẹ nhưng tự nhủ. Bà mẹ nhăn nhó thêm khi nhận ra cái vò rỗng : 

- Nói dóc thôi, chuyện mình không lo: đội cái chum không về. Thôi, làm ơn ra giếng ngay đi ! 

- Để con ăn xong đã, mẹ ơi ! 

- Dễ nghe chưa ? Đòi đi bộ đến tận A-rát để chữa mắt cho em mà ra giếng lấy nước gần xịch thì lại hẹn. 

Lai chẳng nói chẳng rằng đội chum lên đầu liền. Thật chưa khi nào nó tức giận nhiều lần trong một ngày như ngày nay. Nhất định là phải đi cho kỳ được, phải xin cha… trong lúc sự tức giận và hăng hái còn nguyên mới xong. 

Khi cha Lai về, – ông về trưa quá – ông đói và mệt lắm rồi, đôi bò lẽo đẽo phía sau, ông không thể kiên nhẫn để chịu đựng một quyết định nhảm nhí kiểu đó. Hai đứa trẻ đi đến A-rát ư ? Có họa là hóa rồ ! Ông nói to, giọng tin tưởng song bực dọc: 

- Thôi ! Dẹp ! Dẹp lại ! Ông trời cao không bắt con gái tao mù đâu. Ngài công minh, ngài có con mắt tỏ tường mà ! Ngài sẽ thương nó… 

- Con nói đúng đó. Ngài sẽ giúp hai đứa nhỏ đáng thương đi đến nơi về đến chốn, Ngài sẽ xếp đặt mọi điều… 

Bà nội Lai ngắt lời con trai và trong lúc ông còn ngơ ngác, bà thêm : 

- Có chú con ở A-rát, có thể nhờ chú ấy lo liệu cho cháu vào bệnh viện… 

Thật bất ngờ : bà nội đứng về phía hai đứa bé ! Và chỉ có bà mới dám trả lời cha chúng cách đó trong khi ông đói và mệt lử thế kia ! 

Ông la lên: 

- Thôi, con xin mẹ ! Mẹ biết đường sá thế nào không ? Bao nhiêu năm trời nay con có gặp chú đâu, nhà chú thì xa lắc… Còn cái thằng Lai nhà này thì ngu ngốc chết đi, biết gì đâu mà… Nó không kiên nhẫn được đâu, mẹ ơi ! 

- Kẻ nào có kiên nhẫn rất có thể đánh mất trên đường dài, còn kẻ không có lại vẫn có thể tập lấy trong cuộc hành trình dài con ạ ! Cuộc hành trình này sẽ giúp nó nên người, con nên tin mẹ ! 

Bà nội vừa nói vừa lấy ghế cho con trai ngồi thoải mái cạnh bếp và thư thả xới cơm cho ông. Thái độ bà làm cho người con trai phải suy nghĩ. Lai và hai thằng em lo mang thức ăn cho gia súc trong chuồng trong khi cha chúng ăn trưa. 

Suốt ngày đó không ai đả động đến chuyện đi A-rát nữa, trong nhà vẫn lặng lẽ, song kỳ thật ai cũng băn khoăn. Mặt trời lặn khi người cha trở về. 

Lúc nhá nhem, một bác láng giềng sang chơi. Bên ngọn lửa reo vui, cha Lai thuật lại câu chuyện ban trưa, không quên kết luận rằng con trai mình dại dột và nông nổi, những ngỡ bác láng giềng sẽ tán đồng mình, nào ngờ đâu bác ta hăng hái bênh vực ý kiến của Lai, rằng nào là chính bác vừa gặp cậu thằng Kiên, rằng đó quả là phép lạ và sau cùng thêm rằng mình nghe bệnh viện đó rất tốt, rằng tuần tới mình đưa bò lên chợ bán: vậy nếu anh em thằng Lai muốn đi theo cho đỡ chân một đoạn, bác rất vui lòng. 

Người cha cho đó là điềm lành, ông bắt đầu ngưng chống đối và một ý nghĩ đến với ông: đến xin hỏi ý kiến của “Gourou” người mà dân làng coi như vị thánh sống – xem ông dạy thế nào. Đó là một thông lệ của một người dân quê Ấn Độ. Ông nhất định ngày mai đến gặp vị thánh đó liền. 

Tối lại, cả nhà ngủ ngoài trời. Lai lấy một chiếc chiếu ở chân tường đem lên nóc nhà, Cam lót tót theo sau. Đêm nào chúng cũng lên ngủ trên đó. Một cây bồ đề to mọc cạnh vách che mát mái nhà suốt ngày cho nên mái nhà không nóng chút nào. Đến chỗ cũ, Lai trải chiếu, cởi áo ra, không khí mát rợi làm cậu bé cảm thấy khỏe khoắn trong người  Chưa chắc có ông Hoàng nào được một chỗ ngủ tốt như Lai : tàng cây làm thành một vòm che bên trên. Trên cao hơn, lũ két xanh kháo chuyện không ngớt. Lai nằm ngửa, Cam bên cạnh như một tên cận vệ trung thành ! 

Lai quan sát những vì sao quen thuộc: một người đàn ông xách rìu, Vê-ga Sao Chó, khuôn mặt của vị thần như lộ rõ trong vầng trăng. Vòm trời nom thấp đến nỗi Lai tưởng có thể với tới được. Chào ! Mọi sự đều có ghi rõ lên các vì tinh tú : ngày sinh, ngày chết của nó, kết quả tốt xấu của cuộc hành trình dự tính, cuộc hành trình mà Lai vừa muốn thực hiện lại vừa lo sợ – Thật ra, tự đáy lòng, Lai không thấy buồn nếu chuyến đi bị ngăn lại. Ước gì Lai đọc được những gì khắc ghi trên trời nhỉ ? Làm sao Lai đọc được, trên đời này chỉ có một người có đôi mắt thánh là vị Gourou! 

Lai chợt giật mình vì tiếng răng rắc của thang tre dẫn lên mái nhà và rồi Mai thò đầu lên : 

- Anh Lai ơi ! Em đây, cho em lên với nhé ? 

Lai đẩy chó Cam ra lấy chỗ cho em gái. Con bé leo lên nằm cạnh anh. Lai âu yếm hỏi : 

- Sao em không ngủ, hả Mai ? 

- Mắt em xốn, nóng như có lửa trong đó vậy, anh Lai ơi ! 

Lai đưa tay xoa lưng em, làm như thể là con bé đau ở lưng, giọng ngọt ngào, thằng anh dỗ dành : 

- Nhắm mắt lại và cố ngủ đi em ! Như vậy sẽ hết đau. 

Mai dạ, gác đầu lên tay anh, nhắm mắt nhưng mở miệng: 

- Anh ơi ! Nếu anh dắt em đi, chó rừng nó có ăn thịt mình không ? 

- Không đâu – Lai đáp, tay vẫn xoa xoa lên lưng Mai – Chó rừng hay lẻn về làng vồ trẻ con, nhưng anh lớn rồi, anh 13 tuổi lận mà ! Bọn chó hèn hạ đó chỉ giỏi tấn công người ốm yếu, bệnh hoạn, những kẻ không tự vệ được, chớ còn anh thì dễ gì ? 

- Anh kể chuyện cho em nghe đi ! Em nóng ruột quá ! 

Lai chiều ý em. Nó ngừng tay, kể chuyện chàng thanh niên trong giếng : 

- Một lần kia có trận đói ở xứ Ấn Độ. Không phải là trận đói to, giết hết mọi người mà là một trận đói nho nhỏ, làm chết một số trẻ em và người già. Trong làng nọ có một thanh niên tên Nam, to lớn, rất mạnh khỏe, anh đập lúa lâu hơn tất cả mọi người, nhưng trong làng đâu còn lúa để đập ? Mùa hè cũng như mùa đông, cơn hạn hán kéo dài, trời không chịu đổ một hột mưa. Ậy, mà anh kể chuyện này rồi… 

- Em biết, em biết – Mai ngắt lời anh – mà xin anh kể nữa cho em nghe đi ! 

- Nam vào rừng tìm rễ cây và mật đỡ lòng. Anh đi, đi mãi, qua rừng thấp, cỏ cao trong khi lũ khỉ ngồi vắt vẻo trên cây kêu chí chóe và liệng các cành to có, nhỏ có vào đầu anh, khắp mình anh. Chả thấy rễ và mật đâu hết. Sau cùng, anh đến một lâu đài bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, xung quanh có rất nhiều giếng sâu đã cạn khô. Chắc khi xưa đây là chỗ ở của một vị Hoàng tử nào đó mà rồi nước bị ô uế nên đã bỏ đi. Nam lục xét cùng khắp, ngắm tòa lâu đài nguy nga giờ đang là dinh cơ của rắn mà chán ngán. Anh kêu to lên một tiếng và nghe tiếng anh gặp vách cao dội lại. Rồi đột nhiên, có tiếng kêu đáp lại anh: đó là tiếng một con voi từ khoảng rừng thưa đang lừ lừ xông đến. Nam hiểu rằng gặp voi giữa khoảng đất trống này rất nguy hiểm. Tức thì, anh trốn vào một cái giếng trong lâu đài. Rễ cây vải mọc đâm vào giếng và Nam bám vô nó mà tuột xuống rất dễ dàng. Từ đáy giếng, rắn bò lổm ngổm, trên miệng giếng thì con voi hung dữ đang chờ, lưng chừng giếng, con chuột xám khá to thì đang gặm cái rễ cây mà anh bám. Nguy quá : chỉ chốc lát anh sẽ rơi tõm vào giữa đống rắn nhung nhúc kia. Trong cơn thập tử nhất sinh đó, Nam chợt thấy trên cây vải một tổ ong xinh xắn và trong khi con voi giận dữ rung cây, nó vô tình làm mật ong chảy xuống. Nam thè lưỡi hứng. Chưa bao giờ anh thấy mật ong ngọt đến mức đó ! Chắc đây là mật hoa sen, thứ mật ong đã tạo ra nhờ thứ hoa tinh tế dùng để dâng lên bàn Phật ? Trong thoáng chốc, Nam như được tiếp sức, cùng lúc ấy, voi cũng buồn tình bỏ đi vì không đủ kiên nhẫn đợi. Trèo lên thành giếng, Nam đuổi con chuột quái quỉ đi và không sợ ong đốt, anh đút cả tổ mật vào trong cái bị vác lên vai, trở về. Đến làng thì trời đã mưa, tuy chưa cày cấy gì được, tổ ong kia đã giúp cho mọi người, tuy mỗi người chỉ được vài giọt. Nam không bao giờ quên những giọt mật chảy vào miệng anh, những giọt mật quí giá bất ngờ… đã xua tan mọi xui xẻo trong nhiều ngày tháng… Ủa, Mai ! Em ngủ rồi, hở ? 

- Chưa, anh ơi ! Chuyện hay ghê ! 

Hai anh em yên lặng thật lâu. Có tiếng châu chấu đập cánh trong rào xương rồng và cóc nhái ngoài ao kêu oạc oạc. Trăng sáng rỡ. Chắc Mai ngủ rồi, thằng anh nghĩ. Nhưng con em lại cất tiếng lên : 

- Mẹ nói nếu mình đi A-rát mình sẽ chết đói đó, anh ơi ! Nếu không đi cũng bị gai xương rồng đâm hay người lớn ghét, tìm cách xua đuổi mình… Phải vậy không anh ? 

- Cũng có thể, nhưng đâu có đáng sợ bằng mù mắt ? 

Lai đáp lửng lơ. Con em gái tán đồng ngay : 

- Phải đó, anh Lai – nó do dự một giây rồi lại tiếp – em sợ gai xương rồng với mấy người hung dữ lắm, anh Lai ! 

- Thôi đi Mai ! Ngủ đi em ! Bây giờ làm gì có gai xương rồng với mấy người hung dữ mà sợ. Để chừng gặp đã chớ ! 

Mai vẫn thắc thỏm : 

- Anh Lai ơi ! Em sợ ba không cho mình đi… em… em cũng không muốn mù… 

Lai bực mình kêu to: 

- Hay chửa : không muốn mù, sợ đủ thứ mà cũng ưng đi… Nghe đây này, đợi mai cha hỏi cụ Gourou rồi sẽ tính, tao buồn ngủ quá rồi. 

Lần này Mai tỏ ra vâng lời anh và chỉ giây lát nó thiếp ngủ. Lai trở mình lại nhìn lên bầu trời đầy tinh tú. Ước gì Lai đọc được tương lai trên đó như vị thánh sống trong làng ! Tiếng quạc quạc của loài chim đêm, của bọn ếch nhái từ đầu hôm đã im hẳn song xa xa từ phía cánh đồng có tiếng tru kéo dài của đàn chó đói vọng lại. Cam chợt ngẩng đầu lên gầm gừ trong cổ họng. Với Lai, những tiếng kêu này là những thông điệp của tương lai mà nó không sao hiểu nổi.

Xem tiếp chương 3 & 4