Theo Chân Thần Tượng - Chương 7 & 8

Chương 07

- Chúa ơi ! Mày tưởng tao có thể ngồi yên mặc cho Phong nằm chung với phân thỏ, hử ?

Đông Bá Tước trấn an bạn :

- Đừng có làm ầm lên, vô ích !

Giọng Lâm càng nóng nảy :

- Mày ngồi im như con cá chép ! Thà con Mỹ Tâm, nó là con gái chớ mày...

- Để tao suy nghĩ xem sao...

- Suy nghĩ lâu lắc, phát điên lên. Tao không chờ nổi : sáng mai nhất định nó phải ra khỏi nhà giam.

- Làm cách nào ?

- Tụi Du, Bắc, Quý sẽ giúp một tay...

- Phá cửa chuồng thỏ chắc ? Đừng tính bậy. . .

- Không ! Không ra bằng cửa chính mà bằng... nóc nhà .

- A ! Giở ngói ?

- Ừ . Tối nay trăng mọc khuya. Tụi tao sẽ trèo lên giở ít tấm ngói... giòng dây xuống kéo nó lên, dễ như kéo gàu nước từ giếng sâu...

Quay sang Mỹ Tâm, Lâm ra lệnh :

- Kiếm cho anh sợi dây thừng thật chắc, nghe chưa ?

- Không nên . Đừng tính chuyện như trong cinê...

- Sao không dược ? Ngồi chờ phép tiên hả ?

- Thong thả nào. Mày còn nhớ tên El Zorro không ?

- Đó là danh hiệu của Hạt khi ông đấu bò phụ chớ gì. Sao mày hỏi tao chuyện đó ? Có liên hệ gì đến...

- Lại nóng lên rồi. Chốc nữa cứ đưa tao đến gặp ông ta . . .

- Cha ! Nói chuyện với cảnh sát ? Xin tha ?

- Không ! Nói chuyện với El Zorro chớ ! Mà thôi, đừng cãi vã mất công. Đưa tao đến ngay đi.

Lâm cúi xuống quàng dây vào hai vai, kẻo bạn đi. Mỹ Tâm đẩy phía sau, hướng về phía công viên. Đông Bá Tước tiết lộ :

- Ba tao với ông là bạn thân, chúa nhật nào hai ông cũng trò chuyện hàng giờ trước ly rượu và dĩa mực khô. Nói cho đúng chỉ mình ông ấy nói thôi, ba tao chỉ nghe. Đời ông ta chỉ có một ngày đáng nhớ và ông kể đi kề lại

không biết chán. Ba tao cũng có kể lại cho tao biết chuyện này. Lát nữa, tụi bay đừng chen vô để mặc tao, nghe chưa ?

- Đồng ý !

Mỹ Tâm không nói gì. Xứ Tây Ban Nha này đàn bà con gái không có quyền lên tiếng, mà chỉ biết vâng lời, cả những cô bé 12 tuổi cũng vậy.

Hạt ngồi trên băng đá trước bót cảnh sát hút thuốc, trầm ngâm. Nhận ra ba đứa trẻ, ông ta vui vẻ :

- Chà ! Phái đoàn đến có việc gì đó ? Đem thuốc lá đến hay phá ngục đây ?

- Thưa không, cháu tin là nó đã được bác cho thuốc rồi...

- Thằng này giỏi thật...

- Cháu đến đây để kể chuyện cho bác nghe kia...

- Chuyện ? Tuyệt lắm, ta thích nghe chuyện tụi bay...

- Không, chuyện của một người có biệt danh là El Zorro...

- Sao ? Cháu nói...

Lão già đứng bật lên như cái lò xo bung ra, giọng run run... vì xúc động : tên El Zorro đã chìm trong quên lãng từ lâu

Đông Bá Tước làm như không để ý, đều giọng bắt đầu:

- Cách đây lâu lắm, vào một ngày chúa nhật tháng sáu, lễ thánh Jean, tại sân đấu A-li-căn. Đấu trường chật như nêm. Người ta chỉ chú mục tay đấu chính : Xê-phê, còn hai người phụ thì không ai để ý. Sáu con bò hung tợn lực lưỡng do Hô-mê cung cấp. Tay đấu chính mặc sắc phục đen dát kim tuyến vàng và bò anh ấy là thứ bò đáng sợ. Tuy vậy, anh chỉ có thể cắt tai con thứ nhất , đến con thứ hai thì rủi ro cho anh, anh bị trượt chân và nhanh như cắt, con bò quay lại phía anh ta, hai sừng cày dưới cát, nó quyết giết tay đấu cừ khôi... Đúng lúc đó, El Zorro can đảm nhảy vào chắn ngang giữa con vật và tay đấu chính, vuông khăn do trong tay người đấu phụ chắn ngang mắt nó, con vật điên tiết rống lên, có kẻ đã liều lĩnh làm hụt con mồi của nó, trong lúc Xê-phê đủ thì giờ thoát hiểm, toan tiếp tay với người đấu phụ đã dũng mãnh cứu mình thì con thú dùng sừng móc giật mảnh khăn trên tay El Zorro và hất tung cả anh lên cao . . . Tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt, hình ảnh El Zorro từ đó được mọi người nhìn thấy và tên tuổi được nhắc đến, nhưng... anh phải vĩnh biệt đấu trường vì anh trở thành một phế nhân... sau trận đấu !

- Trời ! Sao cháu biết rõ ràng như vậy chớ ?

Cha cháu vẫn kể cho cháu nghe... cháu rất phục lòng can đảm, sự hy sinh của bác đối với tay đấu chính. Bác đã hy sinh cho ông ta, không vì tiếng tăm danh vọng mà chỉ vì . . .

- Phải ! Ta quí mến Xê-phê nhiều lắm dù có phải nhảy vào lửa đỏ hay đâm đầu vào sừng bò để cứu ông ta. . . người ta phải hy sinh tính mạng đế cứu thầy mình...

- Đúng vậy, thưa bác, Phong cũng giống như bác, nó vì thầy nó mà. . .

- Phong vì thầy nó ? Cái gì ? Tụi bay định giỡn mặt với già này sao chớ ?

- Không, cháu nói chuyện đứng đắn, Lâm là thầy Phong, đấy bác ạ !

- Chà ! Chuyện của lũ bay thật là...

- Thưa thực với bác : hôm đó nó đi với cháu và Lâm đến trại bò ông Mã Ninh... Ôi chao ! Con bò thật dữ, không thua con bò Vê-đa-nít của bác chút nào... Cháu thì làm chủ tọa. . .

- Vui quá hả ? Tụi bay làm tao sôi máu, - lão cảnh sát già vui vẻ nói - rồi sao ?

- Thế rồi, người gác và con chó tới, ông ta cỡi ngựa...

- Dĩ nhiên, bộ nó đi chân sao ? Cái đó thì khỏi kể...

- Con chó hung tợn quá, Phong không muốn cho cháu và Lâm bị tóm vô tù...

Liếc nhanh nét mặt lão già, Đông Bá Tước dọn giọng buồn bã tiếp :

- Cháu khổ tâm quá, nếu nó không được tha. . .

Lão già trừng mắt :

- Tụi ranh con ! Tụi bay muốn tao gắn cho nó cái huy chương rồi mở cửa nhà giam thả nó ra chớ gì ?

- Dạ... cái đó thì do lòng tốt của bác...

- Hừ ! Rồi tao ở tù thay nó, phải không ?

- Dạ, cháu nghĩ là không đến nỗi. Bác chỉ cần quên đóng cửa sau khi cho thỏ ăn rồi tên tù sẽ trốn ra...

- Hừ ! - lão già không biết nói gì hơn ngoài tiếng "hừ" yếu ớt .

- Nó sẽ trốn kỹ trong nhà, không ló mặt ra khỏi cửa cho tới chừng nào thiên hạ quên chuyện này đi. Chúng cháu sẽ nhớ ơn bác suốt đời, chúng cháu sẽ cầu nguyện cho bác hoài hoài...

- Lũ quỷ ! Tụi bay lôi tao xuống địa ngục có ngày, đố khỏi .

Lão cười một nụ cười bao dung, liếc nhìn khuôn mặt thiên thần của Đông Bá Tước và cất giọng khàn khàn nói :

- Thôi ! về đi ! Thong thả rồi tao tính cho, lũ quỷ !

***

Tuần lễ qua, Phong vượt ngục một cách dễ dàng do sự đồng lõa của nhân viên công lực ! Và theo đúng lời cam kết : nó nằm nhà khá lâu, không bước ra khỏi cửa một bước, tuy là đôi chân nó ngứa ngáy, khó chịu không thể tả .

Khi câu chuyện nguôi ngoai, con ngựa người Phong mới chường mặt ra phố. Trên xe là Đông Bá Tước và đẩy phụ đằng sau là Lâm. Bộ ba tiến về phía nhà giam. Trông thấy chúng, viên cảnh sát trưởng cười khà, hỏi :

- Đông Bá Tước ! Cháu lại tính kể chuyện để dụ dỗ ta làm trò bậy bạ gì nữa đó ? Nói phăng ra coi...

- Vâng ! Thưa bác. Có chuyện hay...

- Lại chuyện bò, hẳn ?

- Thưa không, chuyện đôi giày độc ác !

- Cha ! Đôi giày vô tri mà cũng biết độc ác nữa sao ? Nó có bắt giam thằng bé nào chăng ?

Vị đại diện nhà nước làm vẻ nghiêm nghị, hỏi lại. Đông Bá Tước cười rất tươi :

- Thưa bác, nó không đủ quyền lực để làm chuyện ghê gớm đó, nhưng nó rất kiêu ngạo, khó tính, nó làm khổ chủ nhân nó mọi bề, vì chủ nhân nó từ bé đến giờ chưa được hân hạnh làm chủ một đôi nào trước nó : mà nó thì thuộc loại da tốt, hảo hạng, loại sang...

- Á…á ! Chuyện hay đấy, rồi sao ?

- Nói cho công bình thì chủ nó vốn nghèo xơ xác làm gì có tiền mà sắm nó, đó là do chị của chủ nó, cũng nghèo lắm, nhưng thương em đã nhịn mọi thứ để cho em số tiền lớn mua giày. Tuy vậy, sau cùng, không chịu nổi sự hành hạ của nó, chủ nó đành mang nó đến gửi cho bác thợ giày ở góc đường Sang-cơ. Đôi giày ác độc được bày trong tủ kính chờ một người chủ khác, thuộc hạng giàu có, quen làm chủ đồng loại của nó từ thuở mới tập đi, một người... nhưng mà đâu có dễ dàng mau chóng ? Còn phải đợi lâu cho tới hôm này, nó mới gặp người hợp với nó, một người có đôi chân thanh tú... một người sang trọng. . .

- Thôi đừng ỡm ờ, nói ngay cho ta biết chủ mới của nó là ai ? Chủ cũ là ai ?

- Dạ, cháu xin thưa ngay : chủ cũ nó là Lâm : tay đấu bò tương lai và chủ mới là con trai ông dược sĩ...

Viên cảnh sát già cười sằng sặc và cả bọn cười theo, ông ta chờ cả bọn ngừng lại mới hỏi :

- Rồi tiền bán giày dùng làm gì ? Mua thuốc lá phải không ? Nghe đây : con nít đừng hút thuốc, nhất là khi tụi bay muốn làm tay đấu bò cừ khôi...

- Dạ không, cháu không mua thuốc, nhưng có tới hiệu thuốc lá . . .

- Chi vậy ? lão già nóng nảy ngắt lời.

- Thôi đừng úp mở nữa, đưa món quà mày mua cho bác ấy đi ! Lâm !

Đông Bá Tước nói như truyền lệnh. Lập tức Lâm rút trong ngực ra một cái áng điếu rất đẹp, bóng ngời, đen láy y như là làm bằng sừng bò, thứ bò hung tợn trên đấu trường. Bằng cử chỉ lễ phép, cung kính, nó đưa cho ông già bằng cả hai tay, nhưng nó không nói được tiếng nào cả, Đông Bá Tước đỡ lời bạn :

- Xin bác vui lòng nhận món quà nhỏ...

- Chúa ơi ! Tụi bay hối lộ cho nhân viên công lực đó phải không ?

Nhân viên công lực giả vờ bắt lỗi, nhưng vẫn nhận. Ông già chớp mắt mấy cái liền để che giấu cảm động :

- Cảm ơn các cháu... các cháu thật là...

- Thưa bác, chúng cháu không hối lộ cho nhân viên công lực, chúng cháu tặng El Zorro, người đấu phụ đã hy sinh vì bạn đó chớ !

Lại những tiếng cười ròn rã nổi lên, sự cách biệt giữa già với trẻ như được xóa tan, biến mất.

Chương 08

Bán giày xong, Lâm tính chuyện tiêu tiền ngay, nó định chia làm bốn phần đều nhau : Nó, Phong, Đông Bá Tước và Mỹ Tâm, đứa em nuôi của ba đứa (Cũng giống như Đỗ Tân sau khi nổi tiếng, anh ta quên tuốt tuột những bạn thuở hàn vi, ngay cả những kẻ đã hy sinh tính mạng vì mình), phải đợi Đông Bá Tước nhắc lại nó mới nhớ ra phải dùng tiền đó cách nào. Thực thế, thằng bé này là cái đầu óc khôn ngoan nhất, sáng suốt nhất

trong bọn chúng. Nó trịnh trọng bảo Lâm :

- Trên đời người, không gì xấu xa bằng sự kiêu ngạo và vong ơn. Một người đấu bò số một lại càng không nên thế, càng phải giữ gìn tư cách. Tao không bằng lòng mày

như thế, Lâm !

Tay đấu bò tương lai sầm mặt xuống :

- Mày cứ hay dài lời. Tao đã nói có gì cứ nói toạc ra cho tao hiểu, tao . . .

- Mày không nhớ tới El Zorro sao ? Nếu ông ta không quên để cửa nhà giam thì giờ này dù có tiền bán giày, phỏng mày có vui vẻ tính chuyện tiêu hoang không ? Nói đi ! Mày có vui được khi Phong nằm chung với thỏ không?

- Không bao giờ. . .

- Vậy thì phải nghĩ đến chuyện đền ơn người ta chứ !

- À, đúng. Nhưng mình phải làm sao ? Đem tiền cho ông hả ? Ông vác gậy đập cho mà què giò đi chớ...

- Rõ ngu ! Sao lại cho tiền ?

- Chớ làm sao đây ?

- Tìm mua một món quà, hiểu chưa ?

- Mày thông minh thật, mà quà gì đây ?

- Phải lựa một thứ mà ông ấy thích. Tặng quà mà không vừa ý người được tặng hay họ không dùng đến thì đem tiền vứt đi còn hơn.

- Tao giao cho mày lựa thứ quà đó, tao tin mày... mày là đầu óc của tao !

- Khỏi phải nịnh, tao đã tính đâu vào đó cả rồi. Bây giờ đưa tao đến hiệu bán thuốc lá...

- Tưởng gì, mua thuốc biếu ông thì tao cũng nghĩ ra rồi.. Có gì đặc biệt...

- Thì thuốc lá cũng được chớ sao ? Ông già ưa hút thuốc mà nghèo . . .

- Phong chen vào bằng giọng hiền lành, Đông Bá Tước vui vẻ :

- Nếú tao nghĩ đến thuốc lá thì tao vô dụng, đâu còn là đầu óc của Lâm ? Mà thôi, đừng bàn cãi, cứ đưa tao đến đó rồi sẽ biết.

****

Xe và người tiến tới hiệu thuốc lá lớn nhất trong phố : mua ống điếu cho El Zorro xong, Đông Bá Tước lại bắt đưa đến hiệu mỹ phẩm mà không cho đứa nào gạn hỏi mục đích. Thế là ông già cảnh sát được quà vừa ý, Mỹ Tâm cũng được một cái hoa bằng bạc bé tí xíu, nhụy hoa là một hạt trai lóng lánh nửa trắng nửa xanh.

Về cái ống điếu thì cả bọn đều khâm phục sáng kiến của Đông Bá Tước, còn món nữ trang thì Lâm hơi chê :

- Con nít mà bày đặt nữ trang, diện làm chi cho sanh hư nó đi ? Mua bánh cho nó còn hơn...

- Hư gì ? Để tiền hút thuốc ra khói hết thì tốt hả ? Nó là em tụi mình, cho nó làm kỷ niệm, và khi nó đi nhà thờ, và nó mang vào ngày tết, có hay không ?

Phong cũng bênh vực cô bé nồng nhiệt nên Lâm dành chịu thua. Phải ! Thuốc hút ra khói, bánh ăn hết trong chốc lát, chỉ có mấy thứ đó là còn hoài.

Trong lúc cả bọn bận rộn mua bán, tính chuyện đền ơn, quà tặng thì Đỗ Tân cũng nhắc tên hầu thân tín mang tiền tới cho mẹ Lâm. Anh nhớ lại từ nhiều năm qua, anh đã vung tiền như các cô gái rắc hoa trong ngày hội chợ cùng khắp mà quên đi tay phụ trung thành đã bỏ mạng vì anh ! Đỗ Tân hối quá : anh quyết định phải bù đắp vào chỗ thiếu sót của mình, chuộc lại lỗi mình, dù hơi muộn. Anh cảm thấy lương tâm cắn rứt khi nhớ đến

đôi mắt kiêu hãnh của Lâm nhìn anh và thật tình ao ước nó sẽ như anh hay hơn anh sau này "Chỉ mong một điều: nó đừng có tính mau quên như ta mới được" Anh lẩm bẩm.

Rồi một buổi tối nọ, chiếc xe hoa kỳ lộng lẫy, to lớn như muốn choán cả lối đi trên phố lát gạch, đến đậu ở công viên nhà thờ. Trên xe tuôn xuống một gã trung niên bệ vệ, thơm nức mùi nước hoa, ông ta hỏi lối đến nhà mẹ Lâm. Đó là viên quản lý của Đỗ Tân, thay mặt chủ đến thăm và tặng một số tiền lớn cho bà Sương. Thật là một gia tài đối với bà này. Gã lễ phép trong khi tiếp xúc với bà và trước khi ra đi, còn hứa :

- Tôi sẽ trở lại một ngày gần đây. Đỗ Tân không quên bà và các em đâu.

Cùng với số tiền, gã cũng gửi cho Lâm một bức hình màu to tướng : trong hình, Đỗ Tân chạy đến gần con bò cách vài bước, mảnh vải đỏ rũ trước mặt nó và Lâm sát cạnh nó, sừng nó vừa cày tét một mảnh áo thằng bé gan Bà mẹ biết rằng con trai mình sẽ hết sức sung sướng vì bức hình này. Bà ấp úng cảm ơn viên quản lý không thành tiếng.

Ra đến cửa, gã ngừng lại một giây, phun ba lần xuống đường ba chút nước bọt, mục đích để sự xui xẻo sẽ rời ngôi nhà của bạn cũ chủ mình rồi mới lên xe.

Sau chuyến viếng thăm kín đáo trong đêm, trong xóm xì xào không ngớt về sự thay đổi nếp sống của gia đình thằng bé : bà Sương không đong từng muỗng dầu mà mua luôn cả một chai. Bà lại mua bơ, phô-ma cho các con. Lần đầu tiên chủ quán thấy bà đưa ra một tờ trăm để mua thực phẩm. Khoai tây trữ cả bao. Ban đầu, họ cho là bà trúng số, song họ biết rằng người đàn bà nghèo khổ tiện tặn đó không bao giờ dám thắt bụng lại mà thử

thời .

Khi họ biết rõ câu chuyện, họ rất mừng cho gia đình bà và họ càng tin là ông Trời có mắt, đã ghé nhìn lại nhà bà sau một dạo bỏ quên vì bận việc thiên cung !

Lâm được thư thả để tính chuyện tương lai. Lâu nay nó thương mẹ không muốn ra đi, dù cho ở nhà nó cũng chỉ đưa cho mẹ mỗi tuần một số tiền lương chết đói. Hôm nay, nó họp các bạn lại công viên lần cuối. Nó phân phát cho mỗi đứa một điếu thuốc làm cả bọn ngạc nhiên :

- Nếu các bạn muốn, tôi có thể chìu các bạn biểu diễn một lần cuối trước khi từ giã, đi xa, nhưng nếu các bạn không thích thì thôi vậy.

Đó là luận điệu của kẻ biết mình có tài, làm cao chút chút. Rồi hễ các bạn nài nỉ sơ sơ - không làm cao quá - là nó nhận lời liền. Lâm cởi áo ngoài vứt cho một đứa bạn và một đứa khác đưa cho nó cái đầu bò bằng gỗ mang hỗn danh là "Quái vật" kèm mảnh vải đỏ nhỏ tương xứng với đầu bò.

Bấy giờ, một tay cầm mảnh vải, tay kia cầm đầu bò Lâm vừa làm bò đấu, vừa làm đấu thủ bằng chính hai tay mình. Cái đầu bò bằng gỗ, có cặp sừng nhọn hoắt, bóng ngời đâm sầm vào mảnh vải...

Tay đấu và bò đều tận lực biểu diễn, hai bàn tay giữ khăn và đầu bò vờn quanh nhau một cách điêu luyện tài tình làm khán giả say mê không khác chi dự trận đấu

thực sự trên sân cát. Tiếng vỗ tay cổ võ vang dậy một góc công viên.

Cuộc biểu diễn chấm dứt mà lũ trẻ còn như bị thôi miên, chưa tỉnh. Lâm dõng dạc :

- Từ nay các bạn sẽ xa tôi, nhưng đừng buồn...

Nhiều tiếng xì xào nổi lên làm Lâm ngừng lại, nuốt nước bọt :

- Phải ! Tôi sẽ rời làng, tôi sẽ không chịu đổ mồ hôi trên những cánh đồng Tri-ân nữa. Tôi sẽ đi, xa lắm... và tôi sẽ trở vế... như Đỗ Tân, biểu diễn cho các bạn xem !

- Khiếp !

- Phải !

- ... Nhưng buồn quá !

- Đừng buồn ! Tụi này sẽ gửi thư về, theo địa chỉ Du...

- Làm sao đọc đây ?

- Đem tới cho thầy giáo trong làng đọc giúp hay là nhờ bác El Zorro...

Chúa ơi ! bọn trẻ nghèo này sẽ được thư ? Tuyệt quá. Cứ tưởng tượng đến lúc chúng tụm nhau lại, há mồm ra uống từng chữ do bạn chúng gởi về, chúng mát ruột quá

chừng chừng !

Cả bọn nhảy cẫng lên, chúc may cho Lâm và Phong... Nhưng đến khi chia tay rồi, chúng mới nhớ ra điều quan trọng : cả hai thằng đều cũng như chúng không biết viết

hay biết đọc gì sất cả ? Và chúng lại thốt lên hai tiếng :

- Chúa ơi !

Xem tiếp trang 9 & 10