Chiếc Lá Thuộc Bài (70) - Chương 6 (hết)

Chương 6 (hết)

Em nóng ruột hết sức. Lớp chúng em được lãnh thưởng đã lâu. Nhưng bà Giám thị không cho chúng em ra về. Bà bảo phải đợi phát thưởng xong đâu đó rồi, chúng em mới được về.

     Đợi phát thưởng xong xuôi thì biết đến chừng nào? Vì sau mỗi lần phát thưởng xong một lớp lại có một màn văn nghệ, choán hết bao nhiêu là thì giờ.

     Ba em phải đi hành quân trước ngày em đi lãnh thưởng, nhưng mới đây, ba có cho người nhắn về là đơn vị của ba sẽ trở về trước ngày em lãnh thưởng một buổi. Thế nào lúc em đi lãnh thưởng về, ba cũng đã có mặt ở nhà để em “muốn trao quà gì thì trao”. Lời ba em nhắn.

     Nóng ruột quá, em đành bạo đến bên bà Giám thị:

     - Thưa cô, cô cho em về trước nghe cô.

     Bà giám thị đang mải xem văn nghệ, không thèm nhìn em, mắt bà vẫn hướng lên sân khấu, bà đáp:

     - Đợi chút đã, người ta đã phát thưởng xong đâu?

     Em năn nỉ:

     - Thưa cô, nhưng nhà em có việc...

     Bấy giờ, bà Giám thị mới chịu nhìn em, bà hỏi:

     - Việc gì?

     Em đáp đại:

     - Dạ, có giỗ…

     Thốt xong, em bỗng rùng mình. Cái rùng mình thật lạ lùng vì lúc ấy, không một cơn gió lạnh nào thổi qua. Bà giám thị:

     - Có giỗ thật không đó?

     - Thưa cô... thật!

     Bà giám thị ra vẻ suy nghĩ. Cuối cùng, bà bằng lòng cho em về. Em hí hửng về chỗ lấy gói phần thưởng ra về. Bà Giám thị dặn:

     - Nhớ đi vòng ngã sau mà ra nghe!

     Em vâng dạ rồi bước nhanh ra khỏi hội trường, nơi phát thưởng. Người cảnh sát gác cửa thấy em đi ra với gói phần thưởng, ông cười. em cười đáp lại, hường về phái đường Quốc lộ. Em bước những bước thật dài và nhanh.

     Về đến nhà, em thấy mẹ em đứng trước cửa, vẻ mặt chờ đợi. Mẹ nói:

     - Hương đã về đấy à?

     Em hỏi mẹ:

     - Ba về chưa mẹ?

     Mẹ lắc đầu:

     - Không biết sao ba lại trễ hẹn thế này? Có bao giờ ba sai lời đâu. Chẳng lẽ vào giờ chót ba lại bận việc gì?

     Ba mà không về thì hỏng hết cả dự định của mẹ con mình.

     Em theo mẹ vào nhà. Em đến bên bàn học, lấy cuốn tập có chiếc lá thuộc bài ra. Trong cuốn tập, em nghe lời mẹ, đã đề những chữ:

     "Ba ơi! Con đã biết sự thật rồi. Ba nói dối con bấy lâu nay. Con bắt đền ba đấy!"

     Không có ba, hàng chữ bỗng trở thành vô duyên quá đỗi!

*

 

     Đã ba hôm sau ngày hẹn, ba em vẫn chưa về. Mẹ em lo lắng quá, nhờ cô Thục Viên trông nhà hộ rồi hai mẹ con sửa soạn để lên hậu cứ của đơn vị ba hỏi thăm.

     Nhưng đúng lúc hai mẹ con sửa soạn ra đi thì một chiếc xe jeep đậu ngay trước cổng. Mẹ, cô Thục Viên và em cùng chạy vội ra cửa nhìn. Nhưng trên xe không có ba em. Một người bạn của ba, bác Kiên bước xuống, đi vội vào nhà em.

     Mẹ em lên tiếng chào rồi hỏi ngay:

     - Có tin của nhà tôi phải không anh Kiên?

     Bác Kiên gật đầu nhưng không nói thêm gì. Bác vào nhà, đợi mẹ em ngồi xuống ghế đâu đấy rồi, bác còn đợi mẹ em hỏi:

     - Anh làm tôi lo quá, bao giờ nhà tôi mới vê?

     Bác Kiên im lặng, bác ngập ngừng mãi mới nói được:

     - Thưa chị, tôi thành thật chia buồn cùng chị và cháu Hương...

     Mẹ em chỉ kêu được hai tiếng "Trời ơi" rồi ngất đi. Cô Thục Viên vội vàng đỡ mẹ em. Em còn chút bình tĩnh, nghe tiếp câu nói của bác Kiên:

     - ... anh nhà đã tử trận cách đây ba hôm!

     Em sực nhớ đến lời em bịa đặt với bà Giám thị để xin về hôm phát thưởng. "Nhà em có giỗ". Trời ơi! Có phải chính ba đã xui khiến con nói đó không ba?

     Nước mắt em nhạt nhòa tự bao giờ.

 

* * *

     Lá thư người ta tìm được trong túi áo ba em là một lá thư viết dở dang, gởi cho em. Em đọc đến thuộc lòng từng chữ, từng cái chấm, cái phết. Ba em viết:

 

     "Hương yêu quý của ba,

     Những dòng trước tiên, ba dành để xin lỗi Hương về sự trễ hẹn của ba. Đến giờ chót, ba được lệnh phải ở nán lại vài ba hôm nữa để truy kích địch. Chắc lãnh thưởng về, Hương nóng ruột lắm thì phải? Đành vậy nhé, trễ vài ba ngày tuy không được vui, nhưng càng kéo dài sự chờ đợi, càng hồi hộp và thích thú Hương nhỉ.

     Những dòng tiếp đây, ba viết đến Hương để nói rõ một việc mà bấy lâu nay ba đã giấu Hương. Chuyện chiếc lá thuộc bài ba cho Hương đó mà. Hương đừng giận ba nhé! Ba đã dối Hương, nói là chiếc lá thuộc bài làm Hương học giỏi được. Thật sự, chẳng có sự linh ứng nào cả. Ba dối Hương, ba biết đó là một điều không tốt – Ba vẫn khuyên Hương không nên nói dối mà – Nhưng ba phải dối Hương vì ba muốn giúp Hương sau khi nghe mẹ kể cho nghe những sự chán nản của Hương trước việc học và bạn bè. Mẹ có bảo với ba là Hương nhờ mẹ giấu cho Hương chuyện này. Mẹ còn nói rõ cho ba biết là mẹ rất lo lắng cho Hương, mẹ nói để ba tìm cách giúp Hương.

     Ba đã suy nghĩ và cuối cùng tìm ra một cách mà ba tin là có thể đem lại hiệu quả. Ba tìm một chiếc lá thuộc bài để trao cho Hương, trao niềm tin và nghị lực cho Hương...

     Lá thư viết đến đây là dứt. Bác Kiên cho em biết, bác thấy ba em ngồi viết lá thư này vào buổi tối trước hôm em đi lãnh thưởng, ngay sau lúc ba được lệnh kéo dài cuộc hành quân. Sau đó, đơn vị phải ra đi nên ba em không viết tiếp được.

     Lá thư dang dở của ba. Ba ơi! Chiếc lá thuộc bài của ba đã trao cho con niềm tin và nghị lực đúng như ý ba mong muốn. Gói phần thưởng con lãnh được kia, phần lớn là do công của ba. Vậy mà con không được tự tay trao lại cho ba để tỏ lòng biết ơn của con với một người cha đã sinh thành, dưỡng dục con đến lớn khôn. Ba còn cho con một báu vật trong đời: đó là nghị lực! Đồng thời, ba cũng dạy cho con một kinh nghiệm: muốn thành công thì sự cố gắng, chịu đựng và hy vọng chưa đủ, còn phải có nghị lực để giữ vững sự cố gắng, chịu đựng và hy vọng ấy nữa. Làm sao con còn được dịp tỏ lòng con thương ba nữa? Ba ơi! Lệ đã khô trên đôi mắt mẹ, vành khăn tang đã quấn trên đầu con. Ba ra đi về nơi xa vời vợi, ba có hiểu cho lòng con không ba? Con thương ba! Con thương ba! Ba ơi!

 

*

     Bạn bè cùng đơn vị ba em, những người thân thuộc, vài thầy cô và một số bạn học của em, tất cả đã theo tiễn ba em ra tận mộ.

     Lúc sắp hạ huyệt, mẹ em đã khóc đến ngất đi. Riêng em, bỗng dưng em thấy bình tĩnh lạ. Trong lúc mọi người lo cứu tỉnh mẹ em, em ôm gói phần thưởng của mình đến bên quan tài ba, đặt lên đó..

     Con không được vinh dự trao tận tay ba thì thôi vậy, con trao đến ba vào giờ phút cuối cùng này, trước khi ba vĩnh viễn nằm trong lòng đất lạnh. Trước vong hồn ba, con cầu xin ba nếu có linh thiêng phù hộ mẹ con được mạnh, phù hộ cho con có thật nhiều nghị lực. Con hứa lần cuối cùng với ba: Con sẽ là một học sinh giỏi như ý ba mong muốn.

     Em ngước lên nhìn tấm ảnh của ba em đặt gần đó. Nụ cười của ba tươi và rạng rỡ hẳn lên. Chừng như ba đang cười với em, ba đang vui nghe em hứa.

     Nắng đổ dài. Quan tài đã được hạ huyệt. Em bốc một nắm đất ném xuống lóng huyệt.

 

PHẦN CUỐI TRUYỆN

     Người nữ sinh ấy nổi tiếng là học giỏi và ngoan. Liên tiếp mấy năm từ đệ ngũ đến đệ nhị, năm nào cô cũng đoạt giải thưởng học sinh xuất sắc nhất trường, một phần thưởng đặc biệt dành cho học sinh nào trong trường đứng đầu lớp và đứng đầu nhiều môn học nhất.

     Thế mà hôm nay vào giờ thi hôm nay, giáo sư bắt gặp cô nữ sinh ấy mở tập lén xem. Giáo sư quát:

     - Em đang làm gì đó? Đưa cho tôi cuốn tập em đang xem mau!

     Cả lớp ngừng làm bài, nhìn sững cô nữ sinh đó. Ai nấy đều ngạc nhiên không ngờ người bạn giỏi nhất lớp của mình lại lén mở tập trong giờ thi.

     Giáo sư cầm cuốn tập lên xem. Cuốn tập được bao một lớp giấy bóng mờ màu xanh đã cũ. Ông lật tập ra. Nét ngạc nhiên hiện dần trên gương mặt ông: cuốn tập gồm toàn giấy trắng đã ngả sang màu vàng. Chính giữa tập, ông thấy một chiếc lá trắc bá diệp, một lá thư, một hàng chữ:"Ba ơi! Con đã biết sự thật rồi. Ba nói dối con bấy lâu nay nhé. Con bắt đền ba đấy!"

     Hàng chữ cuối cùng có nét cứng, có lẽ không phải nét chữ của cô nữ sinh. Hàng chữ chỉ có ba chữ. Đó là một cái tên. Ông lẩm nhẩm đọc: “Hoàng Bảo Hương”.

     Ông nhìn học trò. Cô nữ sinh tên Hoàng Bảo Hương đang ôm mặt khóc nức nở!

 

NGUYỄN THÁI HẢI

                                                                                                                                                                                                                                                Tháng 12-70