Khu vườn hạnh phúc - Chương 9 & 10

9– QUYẾT BẢO VỆ DANH DỰ

Chú thím gà được tám đứa con, trong đó, ba đứa là trai. Chú gà thương ba đứa con trai này hết mực. Chú chuyên luyện những thế võ gia truyền cho chúng ngay khi cơ thể chúng vừa cứng cáp. Thằng trưởng nam – Gà Ô – rất xứng đáng dòng dõi anh hùng : thân hình lực lưỡng, nhanh nhẹn, thông minh, hào hiệp, nhường nhịn. Kế Gà Ô là Ngũ Sắc. Thằng này có bộ lông sặc sỡ thật đẹp nhưng tính tình lại không ôn nhu chút nào. Trong gia đình nó chỉ sợ chú gà trống và anh Gà Ô, ngoài ra nó chẳng kiêng nể ai hết. Gà Út dáng dấp nhỏ nhắn, có vẻ học trò hơn võ sĩ, nhưng tính khí cũng ngang tàng không kém hai anh.

Sáng hôm ấy, trong lúc anh em Gà Ô đang luyện tập võ nghệ thì bác làm vườn đem đến chuồng gà một gã gà trống có bộ lông trắng mượt. Gã gà này thật lớn con : so với các chú gà của khu vườn, gà lớn đến gấp rưỡi!

Chú thím gà đang trò chuyện trong chuồng bị bác làm vườn đuổi xuống sân để đẩy gã gà trống lạ vào rồi bác đóng cửa chuồng lại. Gã gà trống lạ được tự do trong chuồng, đập cánh, vươn vai cho thoải mái, đoạn gã cất tiếng gáy vang.

Mi Lu Anh vốn nhanh nhẩu, nghe tiếng, liền chạy đến bên chuồng gà để làm quen. Chú chó trắng đốm đen cười xã giao:

- Chào chú gà, chắc chú ở phương xa mới tới?

Gà trống lạ đáp:

- Chào chú nhỏ. Rất hân hạnh được làm quen với chú. Ta tên là Đại Bạch, chú cứ gọi thế cho tiện.

- Còn tôi là Mi Lu Anh. Trong khu vườn này, ngoài tôi ra, còn có Mi Lu Em là em ruột tôi, ông Lu Lu là bậc trưởng thượng, cô Miu Miu, đàn bồ câu và gia đình chú thím gà…

- Khi nào được thả ra, ta sẽ đi thăm tất cả.

Mi Lu Anh chỉ về phía ba anh em Gà Ô:

- Đó là ba đứa con trai cưng của chú thím gà.

Đại Bạch gật gù:

- Vừa tới đây ta đã thấy chúng rồi. Hình như chúng đang luyện võ thì phải.

Mi Lu Anh:

- Chính thế! Để tôi gọi chúng lại để chú làm quen nhé (Quay về phía anh em Gà Ô, Mi Lu Anh gọi) Này anh em Gà Ô, lại đây mau.

Anh em Gà Ô chạy lại. Mi Lu Anh giới thiệu:

- Đây là chú gà Đại Bạch. Và đây là anh em Gà Ô, Gà Ngũ Sắc và Gà Út.

Anh em gà Ô khoanh cánh chào Đại Bạch thật đúng phép. Đại Bạch gật gù:

- Ờ, các cháu ngoan lắm. Các cháu đang luyện võ đó phải không?

Gà Ô đáp:

- Thưa chú, chính vậy ạ.

- Chú cũng biết ít ngón nghề, để khi nào được tự do, chú sẽ dạy lại cho các cháu, các cháu chịu không.

Dĩ nhiên là anh em Gà Ô bằng lòng.

Hôm sau, ý chừng cho rằng Đại Bạch đã quen chỗ, bác làm vườn thả gà ra. Công việc đầu tiên của Đại Bạch là đi thăm tất cả các thú trong vườn. Hết một vòng thì đã trưa, Đại Bạch trở về chuồng nghỉ ngơi.

Vào buổi chiều, Đại Bạch giữ lời hứa, dạy võ cho anh em Gà Ô. Trước hết, gã bảo anh em Gà Ô biểu diễn những đòn thế đã học. Gà Ô nghe lời, cố gắng trình bày các thế võ thật đúng cách. Nhưng… sau mỗi ngón đòn, Đại Bạch đều lắc đầu chê là còn nhiều khuyết điểm. Lúc đầu Gà Ô còn giữ được bình tĩnh, nhưng sau, bị Đại Bạch chê nhiều quá, tự ái tuổi trẻ nổi lên, Gà Ô không chịu biểu diễn nữa. Đại Bạch ngạc nhiên hỏi:

- Kìa, sao lại ngưng vậy cháu?

- Cháu tạm ngừng để mong được đón nhận lời chỉ giáo của chú!

Đại Bạch gật gù:

- Cũng được. Vậy các cháu hãy lắng nghe ta phê bình về các thế võ của Gà Ô vừa biểu diễn nhé : Những thế võ đó ta thấy thật tầm thường, dường như Gà Ô học chưa đến nơi đến chốn thì phải.

- Thưa chú, cha cháu đã từng khen cháu biểu diễn rất đúng cách.

- Thế à? Nếu thế thì đây là lỗi ở những người sáng chế ra những thế võ. Chỉ xem qua là ta có thể đoán ngay rằng kẻ đó có một bản lãnh rất tồi…

Gà Ngũ Sắc kêu lên:

- Nhưng người đó lại là cha cháu…

Gà Út thêm:

- Xin chú hãy thận trọng lời nói.

Đại Bạch:

- Ờ… thế hả? Vậy thì ta xin lỗi các cháu nhé? Nhưng mà ta vẫn giữ nguyên ý kiến : cha các cháu không phải là một tay khá đâu…

Gà Út nhắc nhở:

- Chú lại nói xấu cha cháu rồi…

- Ờ… ờ… ta quên… Ta muốn nói rằng thứ võ nghệ mà Gà Ô vừa biểu diễn chỉ là loại võ nghệ ba xu…

Lúc này thì Gà Ô không nhịn được nữa:

- Xin lỗi chú, chú không nên tỏ lời miệt thị gia đình cháu quá đáng như thế…

- Ta…

- Chúng cháu xin kiếu chú.

- Ủa, rồi các cháu không học võ ta dạy sao?

- Thưa chú, chúng cháu không thể gọi kẻ đã khinh khi cha mình bằng thầy được, xin chú hiểu cho…

Nói đoạn anh em Gà Ô kéo nhau đi, bỏ mặc Đại Bạch đứng một mình ngẩn ngơ.

*

Trong lúc anh em Gà Ô về thuật chuyện cho chú thím gà nghe thì Đại Bạch đi gặp mấy ông bà bồ câu. Đại Bạch nói với họ : “Võ nghệ gia đình nhà gà thật tầm thường”. Trong khu vườn, gia đình gà vốn là người cũ, lại có cảm tình với các thú cho nên nghe Đại Bạch nói, ai cũng ừ hử cho xong chuyện. Tất cả cùng nghĩ thầm : “Cái hạng đi nói xấu người thì cũng chẳng tốt đẹp gì”.

Một thời gian ngắn thì chú gà biết tự sự. Gà Ngũ Sắc nổi nóng:

- Cha phải làm cho ra lẽ vụ này. Đại Bạch đã xúc phạm đến danh dự gia đình ta.

Gà Ô:

- Ta phải bảo vệ danh dự gia đình.

Chú gà khuyên can các con:

- Chuyện đâu còn có đó. Đại Bạch có nói xấu gia đình ta hay không, điều đó ta mới chỉ nghe đồn. Hãy để đến khi nào ta bắt gặp quả tang sẽ hay.

Gà Ngũ Sắc lầu bầu bất mãn. Nó cho rằng cha mình hiền lành quá. Rồi một lúc tức giận, một mình nó đi, tìm Đại Bạch. Lúc ấy, Đại Bạch đang bi bô chuyện trò với một bà bồ câu. Thấy Ngũ Sắc, Đại Bạch cười lớn hỏi:

- Đi đâu thế bé con?

Gà Ngũ sắc đang giận sẵn, lại nghe Đại Bạch gọi mình là “bé con” thì máu nóng bốc lên, nó sừng sộ ngay:

- Tôi đi để hỏi tội chú đây. Tại sao chú đi nói xấu gia đình tôi với các thú trong vườn?

Đại Bạch cười ngạo nghễ:

- Như thế là nói xấu đó sao? Võ nghệ gia đình mày tầm thường thì ta nói là tầm thường chứ sao nữa.

- Chú đừng khinh khi gia đình tôi như thế. Chú có giỏi thì hãy so tài với tôi một phen.

Đại Bạch cười ha hả:

- Mày đòi so tài với tao? Ha ha… Rõ là trứng muốn chọi đá mà.

Ngũ Sắc giận lắm, chẳng nói chẳng rằng xông thẳng đến bên Đại Bạch mổ một cú bất ngờ ngay đùi gã. Không đề phòng, Đại Bạch trúng đòn đau điếng. Bà bồ câu chứng kiến cớ sự hốt hoảng bay vụt đi. Thấy Gà Ô và Gà Út, bà cho cả hai biết chuyện. Hai anh em Gà Ô tức tốc tìm đến nơi. Lúc ấy, Ngũ Sắc đã bị Đại Bạch đánh tơi bời. Gà Ô vội vàng kêu lên:

- Này chú Đại Bạch. Chú không biết tự trọng sao? Chú như thế mà lại đi đánh một đứa bé đáng tuổi con cháu à?

Đại Bạch chẳng thèm nghe, gã quát tháo:

- Tự trọng với chả tự trọng. Ngay cả mày nữa, có giỏi thì cứ vào đây để thử sức xem võ nghệ ai hơn ai kém.

Gà Ô tự lượng sức mình không phải là đối thủ của Đại Bạch, nhưng nó phải bảo vệ danh dự. Nó nói:

- Đây là chú muốn gây hấn chứ không phải tôi đâu nhé!

Rồi nó bảo Gà Ngũ sắc đứng sang một bên. Gà Út vội chạy đến bên anh đấm bóp. Gà Ngũ Sắc bị đòn đau, cứ thở dốc từng hồi.

Đằng kia, Gà Ô đã giao tranh với Đại Bạch. Gã gà to lớn gấp hai địch thủ này nhảy nhót, né tránh, đưa đòn chẳng khác gì mèo vờn chuột. Chỉ một chút là Gà Ô đuối sức. Nó bị mổ mấy phát vào cổ, vào mình. Nhưng tự ái, và nhất là mối nhục gia phong không cho phép nó bỏ cuộc.

Ngay lúc ấy có tiếng xôn xao từ đằng xa. Rồi anh em Mi Lu, cô Miu Miu, vợ chồng chú thím gà, mấy đứa gà mái con, mười mấy con bồ câu kéo đến. Đại Bạch buông Gà Ô ra, gã có vẻ xấu hổ lắm nhưng vẫn cố phân bua:

- Tại chúng nó ỷ đông xông vào đánh tôi…

Gà Út gân cổ cãi:

- Chứ không phải chú ỷ lớn ăn hiếp anh em chúng tôi à?

Chú gà ngắt lời con:

- Thôi, Út! Để đó cha lo liệu (Quay sang Đại Bạch) Này chú, tôi đã nghe nhiều lời bàn tán về việc chú nói xấu gia đình tôi, tiện đây, tôi xin chú hãy xác nhận rằng điều đó có hay không?

Đại Bạch biết không thể chối:

- Ờ… có…

- Như thế thì dù lũ con tôi có đến gây sự với chú, đó cũng là một điều nên làm. Bởi vì chú đã phạm đến danh dự chúng tôi. Bây giờ tôi xin đề nghị với chú : tại đây, giữa đông đủ các thú trong vườn, chúng ta hãy so tài một phen. Trước là để tôi rửa nhục gia đình, sau là để chúng mình xem võ nghệ của gia đình tôi có tầm thường như chú đã nhận xét hay không? Thế nào? Chú bằng lòng chứ?

Đại Bạch không thể từ chối. Vì từ chối tức mặc nhiên gã chịu thua. Gà Ô, Gà Ngũ Sắc, Gà Út về đứng bên mẹ. Lũ gà mái con nhìn những vết thương trên mình hai anh mà sụt sịt khóc. Gà Út lo lắng hỏi mẹ:

- Con sợ quá mẹ à, liệu cha có thể thắng được không?

Thím gà trấn an con:

- Bộ con quên rằng trước kia cha con đã từng là thủ lãnh cả một bầy gà hàng mấy chục con sao?

Chú gà và Đại Bạch đã bắt đầu giao tranh. Hai tay đối thủ quả là ngang tài ngang sức. Qua mười mấy hiệp, cả đôi bên vẫn chưa ai bị trúng một đòn nào. Phần Đại Bạch thì chỉ có sự thắng mới biện bạch được lỗi lầm của mình. Trong khi chú gà thì không thể thua để bảo vệ danh dự.

Đại Bạch phóng mình tới, đá song phi. Chú gà lách mình sang một bên rồi vươn mỏ tới mổ thật mạnh. Đại Bạch bị trúng đòn nơi cổ lảo đảo. Chú gà thừa thắng, bồi thêm một cú đá. Đại Bạch gồng mình chịu đựng rồi tức khắc trả miếng. Song phương đều đau đớn. Mặt cả hai đỏ gay, hai bộ lông xù ra thật dữ tợn. Cuối cùng, kẻ chiến đấu vì danh dự đã thắng. Đứng bên Đại Bạch nằm mọp thở dốc, chú gà tuyên bố cùng các thú:

- Tôi vẫn xem Đại Bạch như một người bạn. Nhưng xin các bạn chứng kiến trận đánh hôm nay công nhận cho gia đình tôi rằng : võ nghệ chúng tôi không phải tầm thường.

Tất cả cùng hoan hô tinh thần mã thượng của chú gà.

***

Đại Bạch xấu hổ quá, ở lì trong chuồng suốt mấy ngày. Rồi sau đó, gã ốm nặng. Bác làm vườn cho ông chủ biết. Ông chủ nói với bác gì đó. Bác xách cổ Đại Bạch đem đi. Buổi chiều, các thú thấy chị bếp đổ một ít lông gà trắng nơi thùng rác. Chú gà trống trông thấy thì biết ngay Đại Bạch đã mãn phần. Không cầm nổi nước mắt, chú khóc tấm tức như trẻ con.

***

Tối hôm đó, ông Lu Lu đề nghị các thú đứng im lặng một phút để tưởng niệm vong hồn Đại Bạch vì dù sao, Đại Bạch cũng đã từng sống trong khu vườn ít lâu. Ông cũng không quên nhắc lại vụ đánh nhau, rồi kết luận:

“Phải bảo vệ danh dự”

10– THAM THỰC CỰC THÂN

Một người bạn ông chủ vừa cho cậu chủ nhỏ một cây bông bụp vàng rất lạ mắt. Tuy gọi là bông bụp nhưng những đóa hoa màu vàng chỉ có hình dáng loài bụp phân nửa, nửa còn lại có dáng như hoa hường. Cậu chủ nhỏ thích lắm, nhờ bác làm vườn đi mua ngay cái chậu sứ rồi chính tay cậu trồng cây bụp vàng vào.

Lúc ấy, Mi Lu Em đứng bên xem cậu chủ nhỏ làm việc. Một lúc, chú nghe cậu chủ nhỏ kêu oái lên một tiếng, đoạn, cậu gọi bác làm vườn rối rít. Bác làm vườn chạy vội ra và cậu chủ nhỏ chỉ cho bác thấy một con vật lạ nằm dưới gốc cây bông. Bác làm vườn cười nói:

- A! Con ốc sên đây mà!

Cậu chủ nhỏ bảo:

- Bác làm ơn vứt nó đi hộ cháu.

Bác làm vườn thò tay nắm lấy mình gã ốc sên, dứt gã rời khỏi mặt đất rồi ném vụt gã ra phía sân cỏ. Mi Lu Em thấy gã sên lăn đi mười mấy vòng, tưởng chừng có thể gãy xương. Chú chó nhỏ phóng ra sân tìm đến bên gã ốc lạ. Lạ lùng thay, gã đang thò đầu ra, hai cái râu vươn tới rồi thụt lại, miệng khề khà cười!

Mi Lu Em hỏi:

- Kìa… Ông Ốc sên! Ông không bị thương đấy chứ?

Gã Ốc sên nhìn Mi Lu Em thoáng ngạc nhiên, sau đó, gã mỉm cười mà rằng:

- Chào chú nhỏ! May lắm, ta không bị thương tích gì cả. Nhưng mà này, chú nhỏ lầm rồi, ta là một “bà” chứ không phải “ông” đâu nhé!

Ôi chao ơi, rõ là bé cái lầm! Mi Lu Em thẹn thùng:

- Tại cháu không biết, xin bà Sên đừng giận nhé!

- Ồ! Ta đang vui vì vừa thoát khỏi một cái chết hãi hùng thì lòng nào mà giận chú cho được. Chú nghĩ xem, giá tên làm vườn không ném ta xuống sân cỏ mà ném ta vào sân xi măng chẳng hạn, có phải là vỏ của ta đã nát tinh tươm ra rồi không?

Mi Lu Em chắc lưỡi:

- Ghê rợn thật!

Giọng bà Sên bỗng buồn buồn:

- Ta có chết đi thì cũng chẳng lấy làm buồn cho lắm. Chỉ tội nghiệp cho đàn con trong bụng ta mà thôi, khi đó, không biết rồi số phận chúng ra sao?

Trò chuyện một lúc, bà Sên hỏi thăm Mi Lu Em về địa thế khu vườn, cuối cùng, bà bò đến bên gốc xoài trú ngụ. Mi Lu Em thông  báo sự có mặt của bà Sên cho ông Lu Lu biết. Tối đến, ông Lu Lu lại loan tin cho tất cả các thú trong khu vườn rõ. Tất cả chẳng ích kỷ gì mà không cho bà Sên trú ngụ, nhưng bà ta phải tuân theo điều kiện sau : phải tôn trọng cây cối trong khu vườn, không được phá phách gây hư hại, bằng vi phạm, sẽ bị trục xuất. Bà Sên hứa sẽ tuân theo nhưng xin được dùng ít cỏ để làm bữa. Các đám cỏ vui vẻ chấp thuận cho bà một khẩu phần vừa đủ. Ông Lu Lu chúc:

- Ước mong Sên sẽ tham dự sinh hoạt của khu vườn với một tinh thần cởi mở, vui vẻ và hòa đồng.

Ít lâu sau, bà Sên khai hoa nở nhụy. Đám sên con đông vô số, lúc nhúc quanh quẩn bên mẹ. Các thú đem đồ mừng đến chật cả gốc xoài. Bà Sên cảm động khôn  xiết. Bà cảm ơn tất cả dành cho bà cảm tình nồng hậu và tự nhủ mình sẽ cố gắng sống sao cho khỏi phụ lòng các thú trong vườn.

Nhưng lũ con của bà Sên ngày một lớn lại không nghe lời mẹ dạy, phá phách cây cối quá chừng. Cầm đầu lũ phá phách là thằng Sên Sứt. Thằng này thôi thì nghịch còn hơn quỷ. Chính cái tên Sên Sứt của nó cũng do một vụ leo trèo lên nhánh xoài rồi ngã xuống đất, va vào đá vỡ một miếng vỏ mà ra.

Gốc xoài bấy lâu nay vẫn có cảm tình với bà Sên, đã phải bực mình vì lũ trẻ cứng đầu. Ngày nào cũng vậy, đôi ba lần, Sên Sứt dẫn các anh, em leo lên nhánh xoài chơi ú tim. Gốc xoài vốn có máu “nhột”, nên lũ sên con làm hắn nhột mình không ít. Lại nữa, hắn vốn sạch sẽ, thế mà lũ sên con bò tới đâu, nhựa nhớt vung vãi tới đó. Xoài tức giận, có lần nhờ gió rung thân mình làm đám sên con sợ khiếp vía, phải bám thật chặt cho khỏi rơi xuống đất. thế mà chúng vẫn không chừa : lần sau, chúng lại leo lên nghịch phá!

Bà Sên đâu mà không răn dạy chúng? Tội nghiệp! Bà ốm nặng ít lâu nay. Cũng bởi thế mà gốc xoài không đem chuyện kể cho bà biết, hắn không muốn kẻ bệnh tật phải lo nghĩ hại sức khỏe. Cơn bệnh ngày một nặng, rồi một hôm, bà Sên từ trần. Trước khi nhắm mắt, bà không quên căn dặn các con: 

- Các thú trong vườn đã cho ta sinh sống ở đây, nhờ vậy, các con mới được yên lành ra đời. Ta chết đi nhưng ta mong các con sẽ noi gương ta, không phá phách cây cỏ trong khu vườn để làm phiền các thú.

Lũ sên con khóc như mưa. Đứa nào cũng hứa sẽ nghe lời mẹ.

Nhưng chỉ được ít đứa ngoan ngoãn. Còn Sên Sứt thì chứng nào tật nấy. Mẹ chết, nó càng tỏ ra ngang ngược hơn. Sên Sứt bắt đầu đi xa khỏi khu trú ngụ. Trước hết, nó đến bên gốc táo và định leo lên ăn thử những chiếc lá táo xanh mơn mởn. Gốc táo xù gai đâm thằng phá phách đau điếng khiến nó phải chạy dài vừa kêu la ầm ĩ. Đám bông mười giờ cười rộ lên:

- Hì hì, đáng kiếp nhé!

Sên Sứt tức giận đôi co ngay:

- Im cái mồm chúng mày lại, tao lại ăn thịt hết cả bây giờ.

Đám mười giờ không tin Sên Sứt dám làm điều nó nói, nên trả lời thằng phá phách này bằng một tràng cười nữa:

- Chúng tao đố mày dám làm đấy!

Dè đâu, Sên Sứt quả to gan, nó xông tới bên đám mười giờ, chộp lấy chúng rồi nhai ngấu nghiến. Đám mười giờ kêu cứu vang lên:

- Giời đất ơi! Thằng Sên Sứt nó giết chúng tôi đây này.

Mi Lu Em chạy vội ra, đá một phát vào mình Sên Sứt làm nó văng ra xa đến cả thước. Sên Sứt trừng mắt nhìn Mi Lu Em, Mi Lu Em cũng trừng mắt nhìn lại. Chú chó nhỏ quát:

- Mày mà còn tái phạm, tao đạp chết thì đừng trách.

Sên Sứt yếu thế đành lẳng lặng bò về đằng gốc xoài.

Tối hôm ấy, ông Lu Lu đem chuyện ra kể và cảnh báo Sên Sứt. Nó im lặng không nói gì.

Nhưng khi về tới gốc xoài đi ngủ, các em nó hỏi:

- Mấy cây bông mười giờ có ngon lắm không?

Nó bỗng nghĩ đến một điều : nếu một mình nó phá phách thì có thể nó bị giết chết thật. Nhưng nếu tất cả đám anh em nó cùng phá phách, chẳng lẽ các thú dám giết tất cả à? Thế là Sên Sứt tươi ngay nét mặt, nó kể:

- Còn phải nói, tụi bông mười giờ mập mạp, ngon ngọt biết là dường nào. Chúng mày có muốn thưởng thức thử một phen không?

Đám sên nhao nhao lên:

- Sao lại không…

Vài con lo sợ:

- Nhưng còn các thú trong vườn?

- Mặc kệ chúng, mình số đông mà sợ gì. Với lại, mình lén làm một vố kín đáo thì có trời mới biết.

Rồi cả bọn châu đầu vào nhau bàn tính.

Nửa đêm hôm ấy, có tiếng kêu cứu vang dội của đám bông mười giờ. Ông Lu Lu chạy đến trước tiên. Ông bắt gặp tại trận bọn sên con đang ăn bông mười giờ. Ông gọi Mi Lu Anh tới, ra lệnh cho chú chó nhỏ đi gọi tất cả các thú đến chứng kiến. Các thú căm phẫn vô cùng, tất cả quyết định sẽ trục xuất bọn sên ra khỏi khu vườn. Quyết định rồi, tất cả chia tay về nghỉ ngơi, đợi sáng hôm sau sẽ thi hành bản án cho bọn sên con.

Nhưng… khi nắng hồng rực rỡ trên ngàn cây, các thú không còn thấy bóng của một đứa sên con nào cả. Mi Lu Anh và Mi Lu Em sục sạo khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng, cả hai thấy chúng ẩn mình trong những chậu bông. Lập tức, các thú được thông báo. Khổ nỗi, cả bọn đành bó tay vì không có cách nào bắt được bọn sên con ra khỏi những chậu bông chi chít cành lá mà không làm hư hại chúng.

Thấy thế, lũ sên con đắc chí cười rộ lên:

- Nào! Có giỏi thì trục xuất bọn tao đi.

- Ối giời! Tưởng chúng mày tài cán gì chứ?

Ẩn trốn trong các chậu bông, bọn sên con dùng luôn các lá cây bông làm lương thực. Bọn hoa kiểng bấy lâu nay sống sung sướng, bỗng nhiên bị phá phách, đau đớn không chịu được kêu khóc um trời. Các thú thấy thế tội nghiệp lắm nhưng khổ nỗi không sao can thiệp được!

Bọn sên càng huênh hoang tự đắc hơn. Chúng lấy làm thích chí vì đã có chỗ dung thân chắc chắn mà còn được thưởng thức đủ loại cao lương mỹ vị. Nhu cầu ăn uống đã khiến chúng mù quáng và quên hẳn rằng trong khu vườn, ngoài các thú ra, còn có cậu chủ nhỏ rất thương thú vật và cây cảnh, cùng bác làm vườn luôn luôn chiều lòng cậu chủ.

Cho nên các thú không lấy làm lạ khi thấy cậu chủ nhỏ đứng khóc thút thít trước nhánh hường bị gãy gục vì một đứa sên con. Và các thú cũng không lấy làm lạ gì khi nghe bác làm vườn lẩm nhẩm : “Quái lạ, chúng nó ở đâu ra mà nhiều thế này nhỉ?” Vừa nói, bác vừa tóm cổ từng đứa sên con ra khỏi các chậu bông, sau đó, lấy một đoạn gỗ cứng, đập nát vỏ cả bọn.

Tối đến, trong cuộc họp mặt nơi sân cỏ, ông Lu Lu thuật lại câu chuyện và kết luận : “Tham thực cực thân”.

Xem tiếp 11 & 12 (hết)