Trên đường tìm ngọc - Chương 11 & 12h

Chương 11

Rời A rát anh em Lai chậm rãi ngược đường về. Không nôn nả, không phấn khởi, không gì giúp chúng nức lòng tin như lúc ra đi. Chao, vị Gourou, con voi xám... đâu có gì là may mắn như ông tiên đoán? Kết quả chuyến đi là chúng trải qua vô vàn cực khổ, tủi nhục, đói khát và gầy thêm – dù vốn đã gầy – chút nữa, thế thôi. Đó là thành tích của Lai trong những ngày qua! 

Không ngờ là chúng đi ngang trạm Y tế, thật ra đó chỉ là một cái bàn gỗ tạp đặt dưới gốc xoài, từ xa chúng đã tự hỏi cái gì làm cho đám dân nghèo tụ tập đông đến thế. Đến gần hơn, chúng nhận ra nhiều người hủi, mặt và tứ chi lở loét. Vài người nặng đến mức các ngón tay, ngón chân cụt lủn. Họ ngồi la liệt dưới bóng cây, kiên nhẫn chờ đợi. Lai sợ người hủi, song cũng đến gần một đứa nhỏ hỏi xem họ đợi gì. Nó được biết phái đoàn Y tế sắp đến, cho thuốc người cùi và phát sữa trâu miễn phí cho trẻ con, nếu muốn hãy chờ, sẽ được uống. 

Lai không hiểu gì cả song đói quá nên quyết định chờ họ đến. Từ tối qua đến giờ nào có gì lót dạ đâu. 

Chiếc xe jeep từ từ tiến lại. Cầm tay lái là bà bác sĩ người Ấn mặc sari trắng, cạnh bà là cô y tá người Thụy điển và một bác sĩ người Phi châu. Băng sau có một thùng sữa lạnh to cự đại và hai người: một Mỹ, một Đan Mạch, cùng to lớn râu ria xồm xoàm. Người Đan Mạch tên Bạch vui vẻ ưa pha trò, nói chuyện bằng cả hai thứ tiếng Anh-Ấn làm các bạn anh vui lây, quên cả nhọc. Anh không gọi ai bằng tên thật cả: Ái Mỹ, cô y tá tóc vàng xinh xắn Thụy điển được gọi là "cô bé Thụy điển", người đàn ông Mỹ là "ông U.S.A", còn bà bác sĩ Ấn, trưởng đoàn được kêu là "Bà Ấn xinh đẹp". 

- Ngồi thẳng lên cô bé Thụy điển! Nên nhớ cô là đại diện cho Tổ chức Y tế Quốc tế đó, nghe! 

Ái Mỹ ngồi ngay lại, cười rất tươi. Bạch nói tiếp: 

- Còn tôi đại diện cho UNICEF (I) cô biết chứ? 

Nói xong anh âu yếm ôm bình sữa vào mình. Câu chuyện hướng về sức khỏe và thực phẩm. Ông U.S.A góp lời: 

- Vệ sinh. Phải giữ vệ sinh... 

- Thức ăn! – Bạch cãi – ở xứ tôi không ai có thể nghĩ gì, làm gì trước khi ăn sáng, ông bạn ạ! 

- Vậy chớ anh Bạch ơi! Anh đã ăn điểm tâm chưa? – Ái Mỹ chợt hỏi. 

- Xui quá: chưa, cô bé ơi! Chắc tôi phải dùng tạm một hớp sữa cho tỉnh táo, sáng suốt tí. 

Bọn người ngồi chờ dưới gốc xoài nhất loạt đứng lên, cả anh em Lai. Cái xe cắm cờ Liên hiệp quốc từ từ chạy chậm tiến đến bóng cây, rất chậm và khéo léo để khỏi đụng vào đám đông lao xao kia. Bạch loay hoay mang thùng sữa xuống, đặt lên bàn chỗ mát và bắt đầu phân phát với sự giúp đỡ của Ái Mỹ. 

Từng người một trong đám hủi tiến tới đưa tay lên trán chào nữ bác sĩ. Bà bác sĩ – tên Lan Anh – khám từng người, ghi tên vào sổ rồi tiêm cho họ, có đồng nghiệp người Phi châu giúp sức. Họ được lãnh mỗi người tách sữa, coi như thưởng công họ đã không gây khó khăn khi tiêm thuốc. Nhưng lũ trẻ thì bắt chúng sắp hàng không dễ dàng gì. Bạch gào khan cổ bằng tiếng Ấn đặc biệt của anh: 

- Đứa nào không đứng yên như khúc cây sẽ không được giọt sữa nào hết đó, nghe! Đứng yên, nghe! Và nhớ: uống xong là về nhà liền, chớ có la cà... 

Anh em Lai sắp hàng gần cuối. Cam còm nhom đứng giữa hai đứa. Ái Mỹ nhận ra chúng đói hơn nhiều trẻ khác, cô hỏi bằng tiếng Ấn: 

- Em tên gì? 

- Thưa cô, em tên Lai. 

- Còn em? 

- Dạ, tên Mai, ở làng Cát Hoa phía Đông A-la-ha-ba. Cha em tên là ông ... 

- Chị tên là Ái Mỹ (quay sang đồng nghiệp). Anh coi con bé xinh ghê chứ? Mà này, mắt nó làm sao thế? Anh thử coi coi! 

Bạch cúi xuống quan sát mắt Mai một lúc, anh xòe mấy ngón tay trước mắt nó đưa sang phải rồi sang trái, anh lắc đầu: 

- Nó chưa mù hẳn, nhưng có lẽ sắp mù. 

- Hả? Anh nói... có phải mắt hột không? 

- Tôi đâu chuyên về mắt? 

Bạch nói rồi đưa cho anh em Lai hai tách sữa to và đổi hướng câu chuyện: 

- Đây là quà của xứ dư dật tặng những xứ thiếu thốn. Em hiểu chứ? 

- Không! Em chỉ thấy sữa ngon thôi. 

Mai ngây thơ đáp. Cái ông này dài dòng về sự nghèo giàu làm chi khi cho nó sữa? Hai cái đó đâu ăn nhập gì với nhau? 

Bạch dặng hắng: 

- Cách đây rất xa có một xứ mọi người đều no đủ, không giống xứ này người đông thức ăn ít. Nếu bên đó có đứa trẻ nào nhịn ăn một que kem dùng tiền đó cho UNICEF, là đoàn chúng ta đây, thì các em xứ này được một tách sữa, giờ em hiểu chưa. 

- Dạ, (Mai bỏ lửng câu trả lời và xin) thưa, Cam có được một tách sữa không? 

- Cam là ai vậy em? 

- Thưa, nó là chó của em... 

- Cô bé Thụy Điển nghe chứ: nó đòi sữa cho chó. Nếu ta phát sữa cho tất cả chó đói ở xứ này, nhất định là ta không lo thất nghiệp. 

- Được, được. Để chị cho, đây! 

Ái Mỹ sốt sắng đặt một dĩa sâu đầy sữa xuống đất, Cam vẫy đuôi và tợp có vài hớp là hết sạch (ở xứ cô không bao giờ thiếu thức ăn cho chó). Bạch hỏi: 

- Em ở đâu? 

- Em ở tận Cát Hoa và đã đi bộ nhiều ngày mới đến đây. 

- Sao? Đi bộ? Đi chơi hở? 

- Thưa không, đâu phải đi chơi. Khổ chết, không ai chịu chở tụi em hết... 

- Vậy thì đi làm gì? – Bạch nôn nóng hỏi. 

- Dạ, em dắt em gái em đến nhà thương chữa mắt mà... người ta không cho vào. 

Hai nhân viên Y tế nhìn nhau: 

- Có lẽ ta nên kể cho bác sĩ Lan Anh biết và nhờ bà khám cho con bé. 

Bạch nói và trở lại với việc phát sữa người kế tiếp, những bàn tay có ngón đã cụt lủn đưa ra nhận cốc sữa một cách vồ vập. 

Sau đó Ái Mỹ đưa Mai đến gặp bà Lan Anh. Lai chưa từng gặp một phụ nữ nào đẹp như vậy. Bà mặc một sa ri trắng quàng qua vai. Mầu trắng tinh khiết ở bà nổi bật giữa đám bụi và đoàn người khốn khổ. Nét mặt bà vừa xinh đẹp vừa trang nghiêm mà phúc hậu. 

Hướng mắt Mai về phía ánh sáng một lúc rồi bà gọi đồng nghiệp da đen: 

- Bác sĩ Kavuma! Ông khám hộ con bé xem! 

Ông này gắn một kính tròn lên trán, nâng cằm Mai lên, bắt đầu khám. Bọn cùi vây quanh, những ông bà mặc áo trắng tinh mà chú ý đến con bé quê mùa đâu phải là chuyện thường ngày? Ông khám rất kỹ, ông ngồi trên gót chân, trước mặt Mai, bảo nó nhắm mắt, bàn tay ông nhè nhẹ ấn lên mí. Sau cùng ông đứng lên, nói bằng tiếng Anh – Anh em Lai chả hiểu gì hết: 

- Mắt hột rồi. Mới bắt đầu... Nó sẽ mù... 

Ái Mỹ đang quỳ vịn lưng con bé, vội hỏi: 

- Ờ! Có lẽ nào? Thưa bác sĩ? Thưa... chúng ta giúp được gì không? 

- Làm sao được? – ông nhún vai – hiện các phòng chữa mắt đầy nghẹt người... 

- Ta có thể bảo một người nhường chỗ cho nó... 

- Đang chữa mà bắt người ta ra? Đặng người ta mù ư? Cô biết chớ: chữa một đôi mắt đâu có mau, hàng tuần có khi hai tuần hay cả tháng. 

- Ta có thể kê tạm cho nó một giường – Giọng Ái Mỹ run run – sẽ nóng hơn nhưng có thể nào để mặc nó mù... Tội quá, thưa bác sĩ... 

Đoàn Y tế vây quanh Mai thảo luận bằng tiếng Anh. Mai liếc nhìn từng người một, nó cảm thấy đây là phút quyết định số phận đôi mắt nó. 

- Nghe đây! Cô bé Thụy Điển: ta không thể bỏ hai đứa trẻ ở ngoài, vả lại mùa mưa sắp đến. Phải tìm cách. 

Bạch hỏi: 

- Bà Ấn xinh đẹp tính sao? Thưa bà? 

- Tôi nghĩ xứ này sẽ thêm bất hạnh nếu không cố giúp đỡ con dân mình... Ta không thể ra đi mà bỏ chúng lại đây, chúng đã... 

Bạch cầu nhầu: 

- Vậy mà nước tôi có người kêu là không có cách gì giúp đỡ ai cả, chỉ lo cho bản thân thôi. 

- Xứ nào mà không có hạng người đó? – Ái Mỹ nói. 

Người Đan Mạch: 

- Phải quyết định đi chứ! 

Người Mỹ: 

- Theo tôi thấy hai đứa bé can đảm này xứng đáng được giúp. Ta cứ mang theo rồi nghĩ cách sau. 

Ái Mỹ rạng rỡ nét mặt: 

- Ông nói đúng lắm. 

- Nhưng chúng ngồi chỗ nào đây? – Lời bác sĩ Kavuma. 

- Được chứ – Bạch sốt sắng – chúng ngồi trên đùi chúng tôi (ý anh muốn nói anh và Ái Mỹ). Chúng không nặng hơn một lá thư đâu, gửi chúng bằng bưu điện cũng được nữa là. 

Sau cùng họ cũng thu xếp xong: Lai ngồi trên đùi bác sĩ Kavuma, Mai ngồi trên đùi Ái Mỹ, còn Cam thì ngồi trên hai chiếc giày của Bạch. 

Lai chăm chú nhìn bà bác sĩ xinh đẹp lái xe, trầm ngâm; 

- Không phải con voi xám mà là cái xe xám giúp mình.

Chương 12 (hết)

Bác sĩ Lan Anh đưa Lai về nhà vì nó không có thân nhân ở A-rát. Một biệt thự nhỏ, xinh xắn tiện nghi nằm trong bóng mát của vườn cây, na ná mấy khu vườn nó đã thấy mấy ngày trước. 

Và giờ đây, nó rụt rè ngồi trong hành lang nhìn bà pha trà mời khách. Lai được ăn bánh no nê, kèm theo tách trà pha mật. Chia bánh cho Cam xong, nó ngồi nhìn chân mình. Trên người Lai chỉ còn đôi chân và cái quần bẩn nhắc đến những khổ sở đã qua. Kỳ diệu quá, đến nỗi Lai còn kinh ngạc! Chao! Cam vẫn còn đây! Nó đang nằm gác đầu trên hai gối chủ, chắc chắn đó là sự thật. Thế mà Lai vẫn ngỡ mình mơ, nó có cảm tưởng cử động một tí, nó sẽ tỉnh dậy và mọi điều tan biến mất. 

Chuyện Mai đến nhà thương cũng giống giấc mơ nữa, nhất là lúc đi ngang viên gác cổng dữ dằn, Lai thấy gã lễ phép cúi chào bác sĩ Lan Anh thay vì cản trở. Rồi em Mai của nó nằm trên một giường nhỏ kê giữa những giường lớn, trải ra trắng như tuyết đọng trên đỉnh Hy mã lạp sơn. Mai được tắm rửa, săn sóc chu đáo, khi Lai vào thăm em thì con bé buồn ngủ đến nỗi chỉ đủ sức cười với anh. Nhìn Mai nằm yên ổn, Lai tưởng mình vừa trút khỏi vai một gánh nặng đã mang từ nhiều ngày tháng. 

Bởi vậy, nó như nhẹ hẫng, choáng váng, như lơ lửng giữa không trung dù chân đặt trên thềm nhà bác sĩ. Mọi người đều có mặt, Ái Mỹ và Bạch vẫn vui vẻ đùa nhau, trêu nhau. Người Mỹ, bác sĩ Kavuma và nữ chủ nhân cùng một nhóm bác sĩ Ấn khác. Họ say mê bàn về chương trình 5 năm ở Ấn. Lai chợt nhớ cái hộp ở nhà Ất Vi đã phát ra những câu khó hiểu: niềm hy vọng cho các người cùi, hàng triệu bạc bỏ ra thực hiện. 

Ai cũng tử tế với Lai. Nó ngắm bà bác sĩ dịu dàng xinh đẹp trò chuyện với khách, nụ cười tươi nhẹ như một đóa hoa. Bác sĩ Kavuma đích thân hỏi chuyện Lai. 

Phải: ai cũng tốt với nó cả, nhưng dù được biệt đãi, Lai vẫn cảm thấy lẻ loi. 

- Đến đây, Lai! Ta muốn hỏi chuyện con. 

Lai đứng lên theo nữ bác sĩ, Cam lẽo đẽo theo sau. Bà mở đầu: 

- Bác sĩ Kavuma cho hay là con mắt em con có thể lành. Rất may: chưa muộn lắm. Nhưng mà phải mất nhiều ngày... Này Lai ơi! Con mừng chứ? Ta cũng... mừng... Ủa, con làm sao vậy, hở Lai? Con đau ư? 

Lai tựa lưng vào ghế nhưng nếu không nhờ cánh tay thân ái của Lan Anh, có lẽ nó đã gục xuống, không gượng nổi, trời bỗng dưng tối sầm và mặt đất thì rung rinh. Nó chếnh choáng như kẻ say... Tuy vậy, Lai cố gượng. 

Lời bà cũng như tiếng trò chuyện của mọi người như từ một cõi mơ hồ nào vọng đến tai Lai, Cam liếm mặt nó còn bà Lan Anh nhu hòa thì ngồi cạnh nó. Bậc thềm mát rượi và gió chiều hây hây vuốt ve Lai làm Lai hồi tỉnh. 

- Lai ơi! Con xúc động quá đấy chứ gì? Hay là con đau? 

- Thưa bà, vâng, con mừng quá!!! 

Chợt Lai nảy ra ý kiến: 

- Thưa bà, con muốn nhờ bà viết giúp con lá thư gửi về làng. Con không biết viết. Thưa, có được không? 

- Được lắm chứ, con. Con muốn viết gì? 

- Thưa, bà viết hộ rằng em con đã được vào nhà thương, rằng sau vài tuần trăng chúng con sẽ trở về. 

- Còn gì nữa không? 

- Thưa bà, hết. Vị Gourou sẽ đọc cho cha con biết, cha mẹ và bà nội sẽ mừng. 

- Lai, con hãy kể ta nghe chuyện ở nhà con. 

- Thưa bà, vâng! Cha con là một nông dân giỏi ở Cát Hoa, không ai hơn cha con về tài làm ruộng. Mẹ con thì trồng rau sau nhà... 

Bằng giọng chậm rãi, rành mạch, Lai cho bà biết mẹ nó đã nơm nớp lo sợ lũ con chết vì chứng sốt ra sao, bà nội Lai khôn ngoan ra sao, các em nó ra sao, đàn gia súc cũng được kể tỉ mỉ, bắt đầu từ bầy trâu đến con Xích Mi; về mái nhà nơi gia đình sum họp mỗi chiều, ngắm tinh tú đêm đêm... Rồi đến cuộc hành trình đầy gian khổ, đến ông Sâm Du tốt bụng tuy nghèo, đến bà Hà có hàng tá con mà cũng tốt, đến cái nhẫn của bà Ất Vi, đầu mối khổ nhục của anh em nó, lão gác cổng xe lửa, thằng Giang chột mắt, toán thợ hồ, người gác cổng bệnh viện, hai gã bất lương một ốm, một mập đã lừa nó cách nào, nhất nhất không bỏ qua một chi tiết nhỏ.

*

Nữ bác sĩ lắng tai nghe chăm chú như bà không có gì quan trọng để làm. Sau cùng bà dịu dàng bảo Lai: 

- Rồi đây cha con sẽ không còn phải tới vay tiền hạng nhà giàu cắt cổ như vậy nữa. Ngân hàng sẽ mở ở làng, theo dự án chương trình 5 năm của Ấn. Các nông dân được vay tiền mua giống mà trả lời rất nhẹ. Khi đó 

– giọng bà vui vẻ – rồi vợ chồng Ất Vi chỉ còn ngồi không, nhìn nhẫn và tiền. Chẳng ai thèm vay của họ nữa đâu. 

- Hay quá, thưa bà... 

- Người ta cố gắng rất nhiều để giúp xứ Ấn và cả những xứ nghèo khắp thế giới. Thật bất công khi một vài xứ thừa thãi mà nhiều xứ khác thiếu ăn. Song điều này không dễ thực hiện vì không phải ai cũng giàu lòng từ ái, con ạ! 

Lai hiểu những lời bà Lan Anh. Phải! Lai đã có kinh nghiệm về điều này. 

- Lai, ta hỏi con điều này: có phải con đã đi bộ từ quê con đến đây vì mục đích giúp em con? 

- Thưa bà, không phải chỉ vì em con đâu – nó hơi do dự song rồi lại nói thật. 

- Thế thì tại sao? 

- Em con lành mắt thì sẽ được vào trường học, và con hy vọng con sẽ học nhờ lại của nó. 

- Ta hiểu ý con, cũng chính đáng đó chứ, Lai! 

- ... Nhưng càng đi xa, con chỉ còn nghĩ đến mắt của em con thôi. Con muốn em con được lành lặn như các đứa nhỏ bình thường khác, đừng trở thành khổ sở như các ăn mày ở các sân ga... 

- Ta hiểu – giọng bà nồng hậu. 

- Cho đến một ngày con tuyệt vọng, con nghĩ rằng người khốn cùng, dốt nát đông quá, làm gì đủ chữ cho tất cả. Thôi thì con cam chịu vậy... 

- Con ngoan lắm, nhưng này con, chữ không phải là báu vật của riêng ai, mọi người đều có thể biết đọc, biết viết. Điều cốt yếu là thiếu thầy, thiếu trường ốc ở xứ ta, chớ không phải thiếu chữ đâu. 

Bà cúi xuống xoa đầu Lai: 

- Giờ đây con định làm gì? 

- Thưa bà, con định tìm việc làm để đủ tiền dắt em con về sau khi nó lành mắt. 

- Nghe đây con, vì con có chó ngoan, nên ta có việc cho con làm: canh chừng lũ khỉ đến phá cây trong vườn ta. Bom sắp chín rồi, bầy khỉ đang rình... 

- Thưa bà, bà nói thật chứ? 

Vẫn vuốt ve Lai một cách trìu mến, bà Lan Anh nói: 

- Ta tin là con thừa sức để làm việc ta cần. Con Cam thì sủa to lên để lũ khỉ sợ, không dám bén mảng đến gần vườn cây, mà phải có mặt con để điều khiển con Cam. Nhà ta đông người thật, song ta sẽ tìm cho con một góc như đã thu xếp cho em con... Trong lúc chưa cần sự có mặt của con, thì...

*

Bà Lan Anh dắt Lai đến trường. Lai tò mò thích thú nhìn đám học trò ngồi xệp trên đất, hý hoáy tập viết. Thầy giáo đứng trước mặt chúng. Trên cao là bản đồ xứ Ấn Độ thật to.

Lai nghe bà Lan Anh nói chuyện với ông: 

- ... Vâng! Nó hiếu học: đi bộ từ A-la-ha-ba tới đây chỉ vì muốn khỏi mù chữ. Tôi đã xin phép cho nó học tại đây và đã được nhận. Nó hơi lớn tuổi song tôi tin là nó bắt kịp bạn, không lâu đâu... 

Chỉ vài hôm, Lai đã tập viết tên mình: L.A.I. Hết giờ học nó trở về nhà nữ bác sĩ, miệng hát líu lo như chim. Nó tự nhủ: "Ngày mai mình sẽ viết đẹp hơn!". 

Rồi đây, ra khỏi y viện mắt em Mai sẽ xanh như ngọc bích, thoát khỏi cái màng trắng đục đáng sợ... 

Trường không xa thành phố mấy. Quốc lộ chạy dài vô tận, nắng chói chang không một bóng cây. Lai đứng ngắm con đường một lúc và cảm thấy hai chân hơi đau. Chao! Con đường đến A-rát! Rắn rết, đói khát và nhọc mệt đã qua rồi, thật ư? 

Và Sâm Du, và bà Hà những người tốt bụng đã giúp nó, nó sẽ còn gặp lại họ không? Còn bọn bất lương độc ác? Nhất là hai gã lừa nó lấy 8 rúpi ngon ơ kia? Họ sẽ ra sao? Lai bỗng thấy tức giận, hai tay nắm chặt lại, song rồi nhớ lời bà nội dặn không nên để tâm thù oán, Lai lại buông ra. Vả chăng – Lai cũng vừa nhớ lại lời Sâm Du – tiền lừa gạt mà có không phải là thứ tiền nằm trên lò sưởi, sẽ không đem may mắn lại cho kẻ gian. Lai thấy vui vì nghĩ thêm rằng số tiền nó sắp kiếm được do bà bác sĩ trả công nhiều hơn số tiền đã mất, và là thứ tiền nằm trên lò sưởi. 

- Mình đã phí cả thời giờ, phải về ngay để còn làm việc chứ! 

Thế là Lai vừa chạy, vừa hát trong lúc những hình ảnh cũ lần lượt hiện ra trong trí nó: những hình ảnh dễ thương của toán thợ dệt tí hon, của Sâm Du nghèo mà tốt bụng, của bà Hà phúc hậu, của ông Hoàng vui tính... 

Con đường đến A-Rát! Nóng như một lò thiêu song cũng nhiều bóng mát, phải không Cam? Lai lại cười vang.

 

     

Nguyên tác:Maya aux yeux bleus của Aimée Sommerfelt 

        

                                                                                                                                                                                        MINH QUÂN - MỸ LAN  phỏng dịch      

                                                                                                                                                                                         Saigon, 13/8/74