Bức tranh dòng họ Nguyễn - Chương 7 & 8 (hết)

Chương 7

SẤM TRẠNG TRONG TRANH

Khi thấy thằng Có trở về sau một đêm mất tích và rồi lấy lại được bức tranh, Mười Khoái tự thấy sáng mắt ra. Một đàng, thằng Tỷ, con ruột của y, vì không chịu học hành tử tế lại ham chơi lêu lổng, đánh bạn với những đứa chẳng ra gì nên chỉ rình cơ hội nã tiền để tiêu pha bậy bạ. Đàng khác, cậu Cường còn nhỏ tuổi hơn thằng Tỷ mà xử sự đứng đắn như người lớn, không nỡ phá món hoạnh tài của lão mặc dầu cậu ta dư sức dẫn thằng Có về trả gia đình nó mà không tốn một đồng bạc.

Càng ngẫm nghĩ càng cảm phục cậu thiếu sinh Hướng Đạo có độ lượng và biết thương người. Vì thế, chuyến đi Đà Lạt này nhằm ngày lễ Giáng Sinh, lão năn nỉ Cường cùng đi với lão cho vui và nhất là, lão nói, cho thằng Có đi đường có bạn.

Bà Mười và thằng Tỷ phải ở lại trông nhà.

Xe đến bến đã thấy ông Sỹ lái xe nhà ra đón. Có cả thằng Căn, thằng Chính cùng đi. Thì ra Cường đã đánh điện lên cho bạn biết trước. Sáu người lên xe về nhà, nói cười vui như Tết.

Gia đình ông Sỹ đã hội họp đông đủ để đón mừng người ruột thịt trở về sau mấy năm lưu lạc.

Trà nước xong xuôi, ông Mười mở vali lấy tờ giấy khai sanh và bức tranh trịnh trọng để lên bàn nói:

- Thưa ông bà, giữ đúng lời hứa, hôm nay chúng tôi đưa cháu Thiện Cơ lên đây sum họp với gia đình. Có đầy đủ cả khai sanh và chứng tích gia đình để xin ông bà coi lại.

Ông Chủ hãng Kiến Bình hớn hở đáp:

- Dạ, chúng tôi đội ơn ông Mười nhiều. Khai sanh thì bữa trước chúng tôi đã được coi rồi. Tôi công nhận là đúng. Còn bức tranh để xin kiểm chứng.

Vừa tháo tranh ra khỏi khung, ông vừa ngoái lại bảo thằng Chính đứng sau lưng:

- Chính lấy cho ba hộp dấu.

Ông Sỹ úp mặt phải bức tranh xuống bàn, ngửng nhìn ông Mười nói:

- Anh tôi đã cẩn thận in dấu hai ngón tay trỏ của cháu Thiện Cơ vào mặt sau bức tranh này. Nếu cháu đã có tờ khai lược giải cá nhân rồi thì ta cứ việc đem so dấu tay ở tờ khai ấy với dấu tay ở bức tranh là xong. Nhưng cháu Cơ chưa đến tuổi phải khai. Vì thế ta phải in ngay dấu tay của cháu vào kế bên các dấu đã có trước xem có giống hay không…

Nào, cháu đưa ngón trỏ tay mặt… rồi! Ngón trỏ tay trái… rồi!

Ông ngắm nghía và tấm tắc khen:

- Trời sinh ra thật kỳ lạ! Ở cõi đời này, cái gì cũng biến dạng với thời gian. Ấy thế mà chỉ có các vân tay là không bao giờ thay đổi. Đây ông Mười coi, tuy lớn nhỏ có khác, nhưng đường nét vẫn y hệt. vậy có thể kết luận : thằng nhỏ này chính là đứa bé mà anh tôi đã in dấu tay vào đây lúc nó mới lên năm tuổi.

Mười Khoái chỉ vào những hàng chữ đỏ, chữ Việt nhưng viết bằng bút lông, ở sát mép bên mặt bức tranh, thắc mắc hỏi:

- Còn đây có phải là một bài thơ không? Sao hàng nào cũng như đứt quãng thế nhỉ?

Ông Sỹ mỉm cười nói:

- Đúng là một bài thơ. Một bài thơ cổ. Một bài Sấm thì đúng hơn. Rồi đây ông sẽ hiểu.

Quay sang Căn, ông bảo:

- Căn lên lầu lấy bức tranh của cháu xuống đây coi.

Sau khi tháo bức tranh sau này ra khỏi khung và ráp hai bức vào với nhau thì thấy những chỗ cố ý cắt nhô ra thụt vào ở mép hai bức tranh hoàn toàn ăn khớp với nhau. Rõ ràng đây là hai mảnh của một bức tranh cắt đôi ra bằng một đường gẫy không đều.

Ông Sỹ tươi cười giải thích:

- Ông Mười coi, anh tôi đã cẩn thận xẻ đôi bức tranh không phải bằng dao mà bằng kéo, không phải theo một đường thẳng mà theo một đường răng cưa. Dụng ý, theo tôi, là như thế này. Một họa sĩ giỏi ngó bức tranh do thằng Căn giữ có thể tưởng tượng ra mà vẽ một bức khác để tiếp nối một cách không mấy khó khăn. Nhưng đến khi ráp hai bức vào với nhau mới thấy không ổn vì các mép không ăn khớp. Còn bốn câu thơ thì câu nào cũng khuyết mất một nửa.

Nhưng trường hợp của ta đây thật đã rành rành, không còn nghi ngờ vào đâu được nữa. rõ ràng là hai nửa cùng do một tấm xẻ ra cũng như hai đứa, thằng Căn và thằng Có đây, cùng do máu huyết anh chị tôi tạo thành.

- Nhưng còn bài thơ? – Mười Khoái vẫn chưa hết thắc mắc, hỏi – Chẳng lẽ bài thơ này không nói lên một cái gì sao? Nếu nó chỉ có độc một mục đích chứng minh nửa bức tranh nọ là tiếp nối của nửa bức tranh kia, thì theo tôi nghĩ, ông Nhân chỉ việc ký một chữ thật to ở ngay chính giữa mặt sau bức tranh lớn cũng đủ rồi.

Ông Sỹ gật gù đáp:

- Ông nói vậy cũng có lý. Rất có thể anh tôi để lại cho hai cháu tôi một cái gì, nhưng ý tứ thâm trầm quá, khó lòng đoán ngay ra được.

- Vâng – Mười Khoái vui vẻ nói – Chắc là không có một kho tàng như trong những truyện truyền kỳ, nhưng tôi mong rằng có một di sản kha khá lưu lại cho hai cháu đề làm nhẹ bớt gánh nặng của ông chủ trong việc gây dựng tương lai cho hai cháu.

- Cảm ơn ông. Tôi cũng mong như vậy lắm. Nếu có, thế nào chú cháu tôi cũng phải nhớ đến ông Mười chứ! Hà hà…

Trong bữa tiệc mừng dọn ra ngay chiều hôm đó, ông Sỹ lựa lời gạn hỏi:

- Ăn cơm mới, nói chuyện cũ, không biết ông Mười có vui lòng cho chúng tôi được rõ ông Mười gặp được thằng cháu Cơ trong trường hợp nào chăng?

- Được chứ! – Mười Khoái sốt sắng đáp – để nhớ lại coi nào… Bữa ấy vào thượng tuần tháng giêng năm Mậu Thân, tình hình thật là hỗn loạn. Dân chúng trong thành Huế tìm đường rút ra khỏi thành nội, dắt díu nhau chạy về hướng Nam. Vợ chồng tôi với thằng Tỷ – thằng cháu hôm nọ có lên đây với chúng tôi – đêm ấy tạm trú trong một căn lều hẻo lánh ở ngoài đồng. Lều nhỏ và tối như hũ nút. Bước vào trong đụng phải người ta mới biết bên trong đã có người rồi. Cũng hai vợ chồng và một đứa con. Hai vợ chồng cùng bị thương nặng. Người chồng đã cấm khẩu nhưng vẫn tỉnh. Người vợ còn nói được. Nghe tiếng, chúng tôi nhận ra là người quen, người bà con thì đúng hơn. Đó là ông bà Hai Tu, người Sóc Trăng ra Huế làm ăn đã lâu. Bà Hai Tu có họ xa với vợ tôi ở Huế nhưng không năng đi lại nên không thân nhau mấy.

- Tôi kiệt sức mất rồi – bà Hai nắm tay vợ tôi nói – chắc tôi chết đến nơi. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi muốn nhờ dì dượng giúp cho một việc, mong dì dượng đừng từ chối.

- Được, chị cứ nói, chúng em xin cố gắng – vợ chồng tôi sốt sắng đáp.

- Thằng bé này là con thứ của ông Nguyễn Thiện Nhân, điền chủ ở Kiến Hòa. Mẹ nó là chị ruột ông Phạm văn Khánh, thương gia ở Huế. Bà Khánh, tức mợ ruột nó, là chị em họ với chồng tôi. Chiều hôm qua cùng chạy loạn với nhau chẳng may giữa đường ông bà Khánh cùng bị đạn bắn trọng thương. Lúc hấp hối, ông bà ấy giao thằng bé này cho tôi nhờ tiện đường vô Saigon dắt nó đi theo rồi tìm cách cho cha con nó gặp nhau. Ông bà ấy buộc trên lưng nó ba cái quần áo và một bức tranh để làm dấu tích gia đình. Lại đưa cho tôi một tờ khai sanh của nó và mười lượng vàng. Bây giờ vợ chồng tôi chết đến nơi, chắc không làm tròn được lời ủy thác ấy. Vậy trăm sự nhờ dì dượng làm phước trông nom nó giùm tôi. Đây tờ khai sanh và mười lượng vàng, dì cầm lấy…

Nói xong, chi Tu trút hơi thở cuối cùng. Bên cạnh, anh Tu cũng đã đi từ lúc nào, hai mắt còn mở trừng trừng… Nông nỗi chạy loạn Mậu Thân ở Huế thật là khổ cực hết chỗ nói!

Cảm động ứa nước mắt, ông Sỹ chân thành cảm tạ:

- Vợ chồng tôi mang ơn ông bà Mười và ông bà Hai Tu không biết đến đâu mà kể. Nếu Trời không dun dủi cho ông bà gặp ông bà Hai Tu đêm hôm ấy thì chắc thằng cháu tôi chết mất xác ở ngoài Trung rồi chứ đâu còn đến ngày nay. Ông bà thực là ân nhân của gia đình chúng tôi.

- Nhưng chúng tôi cũng có cái bậy, ông bà ạ – Mười Khoái thành thực nhận lỗi – Thú thực, khi về đến Saigon, thâm tâm chúng tôi là muốn đi ngay Kiến Hòa tìm ông Nhân. Nhưng chẳng qua là cái khó nó bó cái khôn. Chúng tôi tứ cố vô thân ở giữa cái đất Saigon là nơi củi quế gạo châu. Vốn liếng chả mấy chốc hết sạch sành sanh. Nói ông bà bỏ lỗi, lại thêm cái tội cờ bạc bê tha, nên kiếm được đồng nào hết veo ngay đồng nấy. Thành thử đã không giao được thằng nhỏ cho gia đình nó, lại còn không cho nó được ăn học bằng người. Sau dậy cho nó được cái nghề sửa xe, lại trông vào đó làm kế mưu sinh cho cả gia đình. Càng nghĩ tôi càng hổ thẹn với lương tâm. Nếu không gặp được cậu Cường có mắt tinh đời thì chưa biết bao giờ mới có ngày vui vẻ như ngày nay!

Ông Mười ở Đà Lạt chơi một hôm, được ông Sỹ cung phụng như một bậc thượng tân. Ông đích thân lái xe dẫn đi xem khắp các thắng cảnh trong thị xã cũng như ở vùng phụ cận.

Hôm sau nữa mới ra về, mang theo ba trăm ngàn cùng quà cáp rất nhiều.

Đến tối, ông Sỹ mời Cường lên thư phòng trên lầu nói chuyện. Cả Căn, Có, Chính cũng được tham dự.

- Cậu Cường à! – ông Sỹ vào đề – cậu có ý kiến chi về bài Sấm không?

- Thưa bác – Cường đáp – cháu cũng nghĩ như ông Mười nói hôm kia. Bác Hai viết nắn nót như vậy tất nhiên phải có dụng ý.

- Phải rồi, có dụng ý là cái chắc rồi. Sở dĩ hôm nọ bác không muốn đi sâu vào vấn đề vì không muốn để ông Mười quá chú tâm vào việc này.

Ngưng một lát, ông Sỹ nói tiếp:

- Cứ ý bác suy thì nhất định là bác Hai có để lại cho hai đứa này – ông chỉ vào Căn và Cơ – một cái gì. Là vì số tiền bán ruộng đất không thể tiêu hết được mặc dầu bác Hai cho vợ chồng Phạm văn Khánh rất nhiều. Trước khi mất, bác Hai cầm tay bác dặn đi dặn lại không được bán khoảnh đất vẽ trong tranh.Chắc chắn bác Hai chôn của cải trong mảnh đất ấy. So với toàn thể gia tài của bác thì khuôn viên khu hương hỏa nhỏ xíu. Nhưng đứng riêng ra, nó cũng rộng được đến mười mẫu. Nếu không được chỉ dẫn một cách rõ ràng thì mười mẫu cũng là một diện tích khá mênh mông, khó mà kiếm cho ra chỗ cất giấu.

- Thưa bác, vâng – Cường đáp – Chính vì thế bác Hai mới phải viết mấy câu Sấm để chỉ đường cho bác.

- Thú thật hai đêm rầy bác nghĩ nát cả óc mà không ra…

Căn nói xen vào:

- Cháu cũng nghĩ suốt từ lúc ráp xong bức tranh đến giờ mà chả hiểu ba cháu muốn nói gì cả. Nhất định phải có anh Cường nhúng tay vào mới xong đó, chú ơi. Từ trước đến nay, bao giờ ở Hướng Đạo có trò chơi lớn, thế nào anh Cường cũng chiếm giải quán quân. Mật thư khó cách mấy, anh ấy cũng mò ra chìa khóa trong giây lát.

- Ừ thôi bác giao cho cậu Cường đó – ông Sỹ cười nói và đẩy bức tranh về phía Cường – Cậu chịu khó nghĩ giùm bác và giúp các em.

Cường lẩm nhẩm đọc bốn câu Sấm đã ráp xong đầy đủ:

Long vỹ xà đầu khởi chiến TRANH,

Can qua xứ xứ khổ đao binh.

MÃ ĐẦU DƯƠNG CƯỚC TRANH CÙNG TẬN

THÂN DẬU NIÊN            kiến… thái bình.

Đọc đi đọc lại, Cường ngồi lim dim cặp mắt suy nghĩ. Chán rồi lật qua mặt phải, ngắm nghía bức tranh đến độ xuất thần…

Trong phòng im lặng như tờ, từ ông Sỹ đến thằng Chính ai cũng tôn trọng phút suy tư của người bạn trẻ.

Chừng một khắc đồng hồ sau, Cường từ tốn đặt bức tranh xuống bàn, chậm rãi nói:

- Thưa bác, cháu xin trình bầy ý kiến. Bài Sấm bác Hai dùng là một bài rất phổ quát, rất nhiều người thuộc lòng. Bởi vậy, nếu viết sai hay viết thừa, viết thiếu chữ nào là người đọc có thể nhận thấy ngay. Căn cứ vào điểm ấy, bác Hai cố ý viết trật một số chữ và cũng cố ý viết hoa một số chữ không cần thiết phải viết hoa, để tạo ra những điểm khác thường. Dụng ý của bác Hai là chỉ đường cho chúng ta bằng điểm khác thường đó.

Toàn bài có nhiều điểm khác thường kiểu ấy:

Điểm thứ nhất là chữ TRANH ở cuối câu đầu vô cớ viết toàn hoa.

Câu thứ hai không có gì đáng nói.

Câu thứ ba cố ý viết sai. Thay vì “Mã đề dương cước anh hùng tận”, lại viết là “MÃ ĐẦU DƯƠNG CƯỚC TRANH CÙNG TẬN” Và cũng viết toàn hoa. Đó là điểm khác thường thứ hai.

Điểm khác thường thứ ba là ba chữ đầu câu thứ tư vô cớ viết hoa. Lại bỏ sót một chữ, chữ Lai ở chính giữa câu. Đó là chưa kể ba dấu chấm bỏ lửng sau chữ kiến.

- Có lý, có lý – ông Sỹ như chợt tỉnh, reo lên – Nhưng cái khó là tìm cho ra ý nghĩa của những điểm khác thường ấy.

- Vâng – Cường quả quyết đáp – cháu chưa nghĩ ra, nhưng cháu tin rằng cái khó khăn ấy có thể vượt qua được.

Cả Căn, cả Cơ, cả Chính cùng reo, mắt sáng rỡ:

- Anh Cường hay quá ta!

Cường cười, giơ tay cản:

- Khoan, khoan, đừng vội nóng! Tôi mới nói là có thể vượt qua được chứ có nói vượt qua đâu.

Căn cười cười nói với ông chú:

- Thằng này thông minh lắm, chú ơi! Nó nói sẽ nghĩ ra tức là nó đã nghĩ ra được đến tám, chín phần mười rồi đó.

Nó nhìn mặt Cường, trêu:

- Biết quá mà! Cu cậu đã đoán ra, nhưng chưa dám nói quyết vì còn thử lại bài toán chứ gì! Tao còn lạ!

Cường chỉ cười, không đáp. Một chặp sau mới hỏi ông Sỹ những chuyện không ăn nhập gì vào bốn câu Sấm cả.

- Thưa bác, bức tranh này là theo phong cảnh thật mà vẽ ra hay là do óc tưởng tượng của họa sĩ ạ?

- Cảnh thật chứ! – Ông Sỹ đáp – Như bác đã nói, đây là một khoảng trong miếng đất hương hỏa của bác Hai giữ lại không cho bán.

- Dạ, từ dạo ấy đến nay, có gì thay đổi ở miếng đất ấy không ạ?

- Không – ông Sỹ trả lời – không. Đâu đó vẫn y nguyên. Nhà từ đường vẫn thế, chỉ có cũ đi thôi. Vườn hoa cũng y vậy. Cả vườn rau nữa, chẳng có chi khác lạ.

- Thưa bác, nói vây có nghĩa là ngó vào bức tranh, bác có thể nhận ra được từng chi tiết của miếng đất, có phải thế không ạ?

- Đúng vậy đó, cậu Cường.

Cường chỉ vào góc mặt phía dưới cùng bức tranh, hỏi:

- Cái rãnh này chạy đến đây là hết hay sao bác?

Ông Sỹ cười giải thích:

- Đây là cái đường mương chạy dọc theo mảnh đất  này và còn đi tuốt luốt, đi xa hơn hiều nữa, bao cả miếng ruộng đàng kia cơ mà! Nhưng đúng ở đây, nó gẫy khúc nên rất dễ nhận.

- Còn cái hàng rào này? Cũng vẫn y nguyên chứ bác?

- Phải, vẫn y nguyên.

- Cây gì xanh xanh mọc quấn vào hàng rào đó, thưa bác?

- Cây vạn niên thanh đó. Loại cây này sống rất lâu. Bác Hai trồng cây ở ngay khúc hàng rào ấy, đã lâu lắm, nay vẫn còn xanh tươi.

Đang nói chuyện này, Cường bắt ngay sang chuyện khác:

- Thưa bác, bác Hai có giỏi chữ nho lắm không ạ?

- Không. Bác Hai cũng như bác theo Tây học. Có biết chữ nho nhưng không thâm thúy như các cụ đồ nho. Nói cách khác, có thể hiểu chữ nho đã phiên âm sang tiếng Việt, nhưng nhiều khi không rành mặt chữ.

- Dạ, cháu hiểu. À, từ chỗ trồng cây vạn niên thanh đến khúc chót của đường mương này xa chừng bao nhiêu, bác?

Ông Sỹ cũng như mấy anh em Căn, Cơ, Chính ngơ ngác không hiểu Cường định ba hoa trời đất đến đâu mà cứ chuyện nọ xọ chuyện kia như vậy. Tuy nhiên, ông vẫn trả lời:

- Chừng 14, 15 mét gì đó.Bác còn nhớ khi làm cái hàng rào này, có đo để tính công thợ, thấy đúng 30 mét. Miếng đất dành riêng để trồng rau này đo được đúng một sào, sào ta đó cậu, nên tính ra chiều ngang của nó là 12 mét. Nhưng nếu đo xeo xéo từ khúc mương này đến chỗ hàng rào kia thì phải hơn một chút. Cho nên bác độ chừng là 14, 15 mét.

Cường kết luận, mặt tươi như hoa:

- Thưa bác, may ra cháu đã hiểu được những lời chỉ dẫn của bác Hai rồi. Nhưng cháu chỉ dám nói rõ khi nào đã chứng minh được là bài toán giải đúng… Bữa nào về thăm quê, bác cho anh em cháu tháp tùng, cháu sẽ chỉ chỗ, mấy anh em bắt tay vào đào một lúc xong ngay.

Mấy anh em thằng Căn đều háo hức:

- Ngày mai còn nghỉ lễ, ngày mai về quê chơi đi chú.

- Sáng sớm mai đáp máy bay đi Saigon, ba nhé. Rồi lấy xe ở đại lý về Kiến Hòa, vài giờ là tới nơi. Con nóng thử đáp số của anh Cường lắm, ba ơi!

Ông Sỹ cũng nôn nóng không kém:

- Ờ, ờ, mai đi.

- Căn nhớ cụ bị thước dây nhé – Cường dặn – Mượn được thước của mấy ông trắc lượng, đạc điền thì tốt.

***

Thời buổi nguyên tử có khác, mới sáng ở Đà Lạt, trưa đã tênh tênh ở Kiến Hòa.

Và buổi chiều, di sản của ông anh để lại đã có trong tay, ông Nguyễn Thiện Sỹ trịnh trọng đèn hương, dâng cơm canh cúng tạ gia tiên trong ngôi từ đường.

Cỗ bàn thịnh soạn, ông Sỹ khề khà nhấm nháp trong khi mấy cậu thiếu niên cao hứng ăn uống ào ào như tằm ăn rỗi.

Đặt chén rượu xuống thành mâm, ông Sỹ tươi cười nói:

- Thế nào, cậu Cường? Đáp số bài toán của cậu đã đúng hoàn toàn rồi đó. Bây giờ giải thích cho chú cháu tôi nghe được rồi chứ?

- Hay là làm mò? – Căn nói khích – Dám làm mò lắm à! May ra thì trúng, không trúng thì huề cả làng chứ gì!

- Mò sao được, bạn! – Cường vênh váo cãi – Đã thế không cho thằng Căn nghe nữa.

Cơ, Chính, cả hai đứa vội dàn hòa:

- Thôi, anh Căn, để yên cho anh Cường nói.

- Thưa bác – Cường nói – cháu định chắc “bài Sấm cải cách” của bác Hai không thể có những ý nghĩa khúc mắc vì chủ tâm của bác Hai là chỉ dẫn cho người nhà thấy ngay, chứ không phải cố tạo khó khăn để che mắt người ngoài. Miếng đất vẫn ở trong tay họ Nguyễn Thiện thì giấu giếm kỹ quá làm gì cho tốn công. Nếu bó buộc phải dùng phép chiết tự để che giấu – che giấu gọi là thôi – thì cũng không phải là phép chiết tự theo kiểu các cụ thâm nho. Bởi thế cho nên cháu chỉ nghĩ đến cái gì thật là giản dị trong những điểm khác thường của bài Sấm.

Như hôm qua cháu đã trình bầy, câu thứ nhất có chữ TRANH viết toàn hoa là một điểm lạ. Đó có nghĩa là bác Hai bảo : Hãy chú ý đến bức TRANH.

Câu thứ hai không có gì đáng nói.

Câu thứ ba viết toàn hoa để lưu ý đến các điểm khác lạ. Câu này có hai điểm lạ.

Điểm lạ thứ nhất là cố ý viết sai bốn chữ “Mã đề dương cước” ra thành “Mã đầu dương cước”.

Mã đề nghĩa là móng ngựa. Còn Mã đầu nghĩa là đầu ngựa. Mã đầu còn có nghĩa là đầu chữ Mã. Và đầu chữ Mã không chi khác hơn là chữ M.

Dương cước là chân dê hay là chân chữ Dương. Đầu chữ Dương là chữ D cũng đọc là Dê. Dê có bốn chân, vậy bốn chân của chữ Dương chính là các chữ ƯƠNG.

Giờ ta ghép Mã đầu (M) vào Dương cước (ƯƠNG), ta có chữ MƯƠNG.

Điểm lạ thứ hai của câu ba là cố ý viết sai ba chữ “anh hùng tận” ra ba chữ “tranh cùng tận”. Ba chữ này, nếu hiểu chữ nho một cách thật nôm na, có nghĩa là : chỗ cùng tận của bức tranh.

Cả câu thứ ba có nghĩa là : cái đường mương, chỗ tận cùng bức tranh. Nó chỉ cho ta một điểm : chỗ tận cùng của đường mương ở bức tranh, tức là chỗ gẫy khúc mà bác nói có thể nhận được dễ dàng trên thực tế.

Câu thứ tư cũng có hai điểm lạ.

Điểm lạ thứ nhất là chữ “Thân dậu niên” viết toàn hoa. Dậu đồng âm với Giậu là cái hàng rào. Thân dậu có nghĩa giản dị là thân cái hàng rào. Niên đây là cây vạn niên thanh trồng ở hàng rào. Ba chữ “Thân dậu niên” có nghĩa là cây vạn niên thanh trồng ở thân hàng rào. Nó chỉ cho ta thấy một điểm thứ hai : chỗ trồng vây vạn niên thanh ở thân hàng rào.

Quay sang Cơ, Cường hỏi:

- Cho hai điểm trên một mặt phẳng, ta có thể làm gì? Nhớ không?

- Dạ nhớ – Cơ vội trả lời – Ta có thể vạch một đường thẳng và chỉ một đường thẳng mà thôi.

Giỏi! – Cường khen – Và đường thẳng ấy chạy từ khúc gẫy của đường mương đến chỗ trồng cây vạn niên thanh ở hàng rào.

Điểm lạ thứ hai của câu chót là thiếu mất một chữ. Đó là chữ Lai, chữ thứ tư, tức là chữ đứng giữa trong một câu thơ bẩy chữ. Câu thơ khuyết một chữ ở giữa khiến cho ta có thể đoán rằng đồ chôn giấu ở ngay chỗ chính giữa cái đường thẳng mà ta vừa vạch ra.

Và y như rằng, khi đào ở khúc ấy ta thấy ngay những gì bác Hai để lại cho Căn, Cơ.

Ông Sỹ tấm tắc khen:

- Cậu Cường giỏi thật đấy! Thằng Căn, thằng Chính cũng đi Hướng Đạo từ lâu như cậu mà chẳng đứa nào sáng trí và tháo vát bằng!

Tuy kết quả đã được như ý muốn, ông Sỹ dường như hãy còn thắc mắc nên hỏi thêm Cường:

- Cậu Cường chắc cũng để ý thấy ở câu chót, sau chữ Kiến có ba dấu chấm lửng lơ. Trong câu Sấm đích thực, ba chữ “Kiến thái bình” đi một lèo chứ đâu có ngập ngừng như vậy nhỉ? Cậu giải thích thế nào điểm khác thường ấy?

Cường đáp:

- Thưa bác, chính ba dấu chấm lửng lơ ấy làm cháu mất rất nhiều thì giờ suy nghĩ và không dám chắc nơi chôn giấu ở chính giữa đường thẳng. Thực vậy, nếu đếm số chữ trong câu và coi dấu chấm như ba chữ thì chỗ khuyết (chỗ của chữ Lai) trệch hẳn về một phía. Cháu nghĩ mãi không ra về phía nào, phía đường mương hay phía hàng rào? Không có gì chỉ dẫn cả. Sau cháu nghĩ thế này : Dụng ý của bác Hai không phải là làm rắc rối, làm phức tạp mọi sự. Ba dấu chấm theo sau chữ Kiến, do đó, chỉ có mục đích lưu ý chúng ta nhiều vào câu thứ tư mà thôi. Có thể hiểu đại khái câu ấy như thế này : Hãy đào ở chính giữa đường thẳng đã vạch. Sẽ thấy (Kiến nghĩa là thấy)… cái mà chúng ta cần thấy, chứ không phải thấy cái thái bình!

Chương 8 (hết)

TỈNH NGỘ

Cơm nước xong, về đến Saigon vừa tối mịt. Ghé sạp báo đầu đường mua mấy tờ coi những tin tức thời sự đang đến hồi gay cấn.

Bỗng Cơ nhẩy nhổm lên, la:

- Trời ơi! Sao lại có chuyện thế này?

Tất cả xúm vào coi thì ra đó là một tin gay cấn trong mục “Xẩy ra trong nước 24 giờ qua”.

CON CÁI ĐỜI NAY

“Đêm 28 rạng ngày 29-12, tại hẻm số 789, 123 đường Lê văn Duyệt đã xẩy ra một vụ cướp rất táo bạo.

Khổ chủ là ông T.V.K, 53 tuổi và bà C.T.T, 49 tuổi.

Chính con trai độc nhất của khổ chủ là cậu T.V.T, 17 tuổi đã dẫn cướp về nhà khảo đả bố mẹ để lấy số tiền 300.000đ mà ông K. vừa kiếm được.

Tác tệ xong, cậu con trai “quý tử” còn khui la ve ra cho đồng bọn giải khát, bất ngờ quá chén không đi được nên đồng bọn đành bỏ y lại, vì đã cận giờ giới nghiêm.

Cơ quan Cảnh sát đã bắt giữ cậu T. để điều tra. Đồng bọn của cậu T. đang bị truy nã gắt”.

Cơ, mắt đỏ hoe, thở dài nói với Cường:

- Em chắc anh Tỷ không đến nỗi táng tệ như vậy đâu. Lười biếng, bê tha thì có, nhưng bất hiếu bất mục đến mức đó thì không. Anh Cường có cách gì cứu giùm cho anh ấy không?

- Anh em ta hãy tới thăm bác Mười xem sao đã, rồi sẽ liệu sau – Cường bình tĩnh đáp.

- Ờ, phải đấy – ông Sỹ sốt sắng nói – hay anh em lại trước đi xem có giúp đỡ được gì chăng. Chú sẽ tới sau.

***

Ông Mười, bà Mười, đầu bó băng trắng lốp, ngồi ủ rũ mỗi người một xó trong căn nhà buồn như có tang.

Hai người giật mình khi thấy Cường và Cơ đẩy cửa bước vào.

- Ba có sao không? Má có đau không, má?

Sau phút mủi lòng khi gặp lại thằng con nuôi trong hoàn cảnh bi đát hiện tại, ông Khoái cố bình tĩnh kể lại cho Cường nghe từng chi tiết, thầm mong trí thông minh của cậu Hướng Đạo Sinh này sẽ giúp giải oan cho thằng Tỷ.

- Chúng nó ba thằng, cậu ạ, đứa nào cũng bịt mặt và đứa nào cũng cao cỡ thằng Tỷ cả. Tên cầm đầu đội cái nón kết tím và đeo cặp kính râm y như thằng Tỷ. Thoạt trông, tôi suýt lầm. Cái nón, cặp kính và và cả khăn mùi soa bịt mặt đều là đồ của thằng Tỷ. Mặc dầu nó cố bắt chước dáng điệu và giọng nói của thằng Tỷ, nhưng tôi nhận ra ngay là không phải thằng Tỷ.

Bà Mười nói xen vô:

- Chúng nó khảo ông ấy tàn nhẫn quá, tôi xót ruột kêu lên thì thằng đứng canh chừng tôi đánh tôi mấy cái vào đầu, vào mặt đau điếng.

Ông Mười kể tiếp:

- Của đau con xót, cậu ạ, tôi nhất định không khai chỗ cất tiền. Thằng đứng cạnh nhà tôi gọi thằng đầu đảng : Tuệ, à… Tỷ! Tao cắt tai má mày được không? Thằng chúa đảng trả lời tỉnh bơ : Cắt thì cắt sợ gì! Miễn có tiền thì thôi!

Tên kia lạnh lùng rút con dao bấm, dí sát mặt nhà tôi định cắt tai thật. Tôi sợ quá đành phải chỉ chỗ cho chúng nó, bụng bảo dạ thà để cho của đi thay người còn hơn.

- Thế bác dấu tiền ở đâu mà chúng lục không thấy? – Cường hỏi.

- Ngay trước mắt đó, cậu. Chỗ hở nhất mà hóa ra chỗ kín nhất. Nhưng khôn cũng không lại với ông Trời. Số mất của thì để đâu cũng mất. Tôi giấu ngay trong cái tủ thuốc kia kìa.

- À, à – Cường nhìn tủ thuốc nói – sao bác đóng tủ thuốc cao thế?

- Nhà không có con nít kể ra chả cần đóng cao thế làm gì. Nhưng tôi dùng nó làm chỗ cất tiền cho kín đáo. Ngăn trên cùng, chỉ có mấy cuộn băng để ngoài làm vì, bên trong trống rỗng để được khối tiền.

Cường hỏi:

- Vậy muốn lấy tiền, dễ thường phải bắc ghế?

- Đúng vậy, lần nào cất tiền vào hay lấy tiền ra, tôi cũng phải trèo lên một cái ghế con. Nhưng thằng đầu đảng này thì không, nó kiễng chân một cái là vơ lia cả mấy cọc bạc một cách ngon ơ.

Thằng Cơ la lên:

- Vậy không phải anh Tỷ lấy rồi, ba ơi! Ba có nhớ cách đây… đâu chừng hai tháng, ba sai anh ấy lấy chai thuốc rỏ mắt để ở bên trong từng thứ hai. Anh ấy kiễng chân mãi không với tới, ba la ầm lên đó không?

- Phải rồi! Ba mừng ở điểm thằng tỷ không phải là quân ăn cướp. thế là được rồi – ông Mười kể tiếp – Lấy tiền xong, chúng đánh vợ chồng tôi ngất đi trước khi chúng rông. Tỉnh dậy, thấy thằng Tỷ ngủ gục ở bàn. Trên bàn la liệt những vỏ chai la ve. Có cả cái nón kết và cặp kính của thằng Tỷ nữa. Dưới đất, vứt tung một mảnh băng keo và một sợi dây thừng.

- Bữa ở Đà Lạt về - Cường hỏi cắt ngang – bác có cho anh Tỷ tiền không?

- Có, tôi cho nó mười ngàn.

- Rồi anh ấy ở nhà?

- Không, nó đi chơi ngay. Tối không thấy về ăn cơm. Vợ chồng tôi đợi mãi không thấy nên ăn trước. Ngồi nói chuyện khào đến mười một giờ khuya thì xẩy ra vụ khốn nạn đó.

Cường vỗ mạnh vào vai Cơ hỏi:

- Cơ có nhớ bữa đuổi thằng ăn cắp xe, anh cảnh sát viên Hải đã nhận ra thằng Chi Cao trong băng thằng Tuệ Sếu không? Chính bữa ấy, anh bắt gặp Tỷ mang cái chi như tấm lịch treo tường đi vào xóm thằng Tuệ ở ngã tư Bẩy Hiền. Về sau, hình như anh Tỷ có thú thật với bác rằng anh ấy gửi bức tranh ở nhà thằng Tuệ thì phải?

- Phải rồi, phải rồi! – bà Mười vội đỡ lời.

- Vậy là rõ ràng rồi, thưa hai bác. Đầu đuôi có thể như thế này:

Chiều hôm ấy có tiền, anh Tỷ hân hoan lại nhà thằng Tuệ ở Bẩy Hiền khao các bạn. Rượu vào lời ra, Tỷ khoe nhà có tiền. Tụi chúng xúi ảnh về lấy nhưng ảnh không chịu. Chúng phục rượu cho ảnh say rồi lấy thừng trói lại, dán băng keo vô miệng rồi chở đến đây cùng một số vỏ chai la ve. Chúng bỏ anh nằm còng queo ngoài hàng ba khi chúng vào trong này khảo của hai bác, Băng thằng Tuệ đứa nào cũng cao kều. Cao hơn cả thằng Tuệ, đầu đảng. Nó đội nón của Tỷ, mang kính của Tỷ và bịt mặt bằng mùi soa của Tỷ để trút hết tội lỗi vào đầu Tỷ và đánh lạc hướng cuộc điều tra. Bác gái đã có nghe thấy một đứa quen miệng kêu nó là Tuệ trước khi sửa lại là Tỷ mà!

Chớp được tiền xong, chúng cần đánh cho hai bác ngất đi để khỏi trông thấy chúng thi hành thủ đoạn kế tiếp. Tức là chúng cởi trói cho Tỷ, gỡ băng keo và lôi vào đặt cạnh bàn, gục đầu xuống bên những vỏ chai mà chúng đã cẩn thận mang theo.

Ông Khoái nở một nụ cười héo hắt, khen:

- Cậu Cường đoán việc thật rành. Nghe cậu nói, tôi như người ngủ mê mới tỉnh, như người ở trong bóng tối bước ra chỗ sáng.

- Thế cơ quan Cảnh sát đã lấy lời khai của hai bác chưa? – Cường hỏi.

- Rồi – ông Mười đáp – Sáng nay mấy ổng tới, dẫn theo cả thằng Tỷ nữa.

- Thế bác khai ra làm sao?

- Thì đại khái cũng như vừa kể cho cậu nghe đó. À, họ có để mấy món đồ vào ngăn trên cùng tủ thuốc và bảo thằng Tỷ với tay lấy xuống cho họ. Nó với mấy lần không tới. Cố kiễng chân lắm mới với tới cuộn băng để ngoài cùng.

- Họ có hỏi bác nghi cho ai không? – Cường hỏi.

- Có. Tôi trả lời không biết nghi cho ai. Nhưng nhất quyết không phải là thằng Tỷ.

- Họ còn làm những gì nữa không, bác?

- Có chứ. Họ kiếm những nút chai la ve, nhưng không thấy. Họ nói riêng với nhau, tôi nghe lỏm, câu được câu chăng. Dường như họ đang giảo nghiệm để kiếm dấu tay trên những vỏ chai la ve, trên nón kết, kính râm, và cả trên miếng băng keo nữa, nhưng chưa có kết quả. Tội nghiệp, tôi thoáng thấy ở cổ tay thằng Tỷ có vết bầm, chắc do dây thừng chúng trói.

Kể xong, ông Khoái băn khoăn hỏi:

- Vậy làm thế nào minh oan được cho thằng Tỷ hả cậu?

- Về phần bác – Cường đáp – nếu cảnh sát có điều tra bổ túc, bác nhớ khai : anh Tỷ dại dột chơi với bọn thằng Tuệ Sếu và thằng Chi Cao ở Bẩy Hiền nên bị chúng lợi dụng. Băng ấy đứa nào cũng cao. Thằng Tuệ cao hơn anh tỷ nên có thể với tới chỗ để tiền. Bác nghi cho hắn vì một tên đồng bọn đã nhịu miệng kêu nó một lần bằng tên Tuệ.

Ông Khoái gật đầu, cố ghi nhớ trong khi Cường nói tiếp:

- Còn về phần cháu, cháu sẽ thưa với ba cháu điện thoại can thiệp cơ quan phụ trách điều tra theo chiều hướng phá vỡ băng thằng Tuệ Bẩy Hiền.

Tuy nhiên, nghe lời bác nói, cháu có cảm tưởng cơ quan cảnh sát đang truy nã thủ phạm đúng theo chiều hướng ấy. Chắc chắn anh Tỷ được vô can, nhưng sở dĩ chưa được cho về vì họ còn đợi bắt xong tụi thằng Tuệ. Hai bác cứ yên tâm.

Thằng Cơ ôm lấy bà Mười, nước mắt chạy quanh, nói:

- Má đừng buồn, thế nào anh Tỷ cũng được vô can. Con có ít chục ngàn đây, ba má dùng đỡ, mai mốt chú con sẽ giúp đỡ ba má thêm.

Bà Mười cảm động, khóc thút thít:

- Con tôi hiếu thảo quá, thế mà ba má trước kia xử tệ với con. Càng nghĩ, má càng hổ thẹn quá!

- Bác đừng nói như vậy – Cường đỡ lời – Ơn hai bác cứu sống thằng Cơ lớn như trời bể. Nó có bổn phận phải báo đáp chứ!

Rồi kết luận:

- Thôi, xin phép hai bác, chúng cháu về để hai bác đi nghỉ. Hai bác cứ yên tâm đi, cháu cam đoan thế nào anh Tỷ cũng được vô can.

***

Chín giờ sáng hôm sau, trong khi ông bà Mười đang tiếp chuyện ông Thiện Sỹ thì thằng Tỷ đi xích lô máy về nhà. Nó chạy a vào, ôm lấy ba nó, ôm lấy má nó, khoe rối rít:

- Con được vô can rồi, ba má ơi!

Chợt thấy ông Sỹ mỉm cười nhìn mình, nó vội chắp tay, cúi đầu chào rất lễ phép. Rồi ôm mừng thằng Cơ, nó khoe:

- Cành sát đã thộp cổ được tất cả tụi thằng Tuệ, thằng Chi. Số tiền lấy lại được gần hết, vì đêm qua gặp giờ giới nghiêm, chúng chưa có dịp tiêu xài. Thế có may không?

Ngồi sà xuống cạnh mẹ, nó thủ thỉ, nhưng mọi người đều nghe rõ:

- Bây giờ, con đã tỉnh ngộ rồi, má ơi! Từ rầy con không thèm giao du với lũ bạn xấu như thằng Tuệ nữa. Con sẽ đi học đàng hoàng. Đỗ đạt được càng hay, không đỗ, con sẽ đi làm thợ. Con sẽ kiếm sống một cách lương thiện cho ba má khỏi mắc cỡ vì con. Một lần danh dự suýt bị tổn thương, con quyết không bao giờ đi vào vết xe cũ nữa.

Nở một nụ cười rạng rỡ, ông Mười nói với ông Sỹ:

- Ông chủ ơi! Không những thằng con tôi tỉnh ngộ, tôi cũng tỉnh ngộ luôn nhờ cái biến cố vừa qua. Bây giờ, tôi không dám chống báng câu châm ngôn “mỗi ngày một việc thiện” của cậu Cường nữa.

Tôi thề bỏ hẳn cái tật mê cá ngựa. Tôi sẽ đi sửa xe thế vào chỗ thằng Cơ ở bên hông Trường Đua. Tôi sẽ sống một đời sống lương thiện, lành mạnh. Có tu thân mới tề gia được, phải không, ông chủ?

Ông Sỹ chưa kịp trả lời, bà Mười đã nói tiếp luôn:

- Tôi cũng vậy. Từ rầy không thèm bê tha bài bạc nữa. Thu dọn nhà cửa cho vén khéo và trông nom cái ăn cái mặc cho chồng con, sướng hơn!

Ông Sỹ trịnh trọng nói:

- Tôi thành thực mừng cho ông bà và cậu Tỷ. Tiện đây, tôi cũng xin nói để ông bà mừng giùm cho. Nhờ cậu Cường hiểu được ý nghĩa mấy câu thơ sau bức tranh chúng tôi vừa kiếm lại được chút di sản của anh tôi để lại cho các cháu. Tôi xin trích ra một phần biếu ông bà gọi là đền đáp phần nào công ơn của ông bà đối với cháu trong lúc loạn lạc. Xin ông bà vui lòng nhận số tiền nhỏ mọn hai trăm ngàn này để làm vốn. Sau này cần thêm, ông bà chớ quẩn ngại, cứ cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ xin cố gắng giúp đỡ ông bà.

Quá cảm động, ông bà Mười rân rấn nước mắt:

- Cám ơn ông chủ, ông chủ đối với chúng tôi quá tốt. Quả là chúng tôi may mắn gặp được quý nhân. Nhờ ông chủ và cậu Cường, vợ chồng, cha con chúng tôi mới tỉnh ngộ và mới có hy vọng sống một đời sống sạch sẽ và đáng sống.

CHÂN PHƯƠNG

   10/1972