Hai Tờ Di Chúc 2 - Loại Hoa Đỏ

Xem quyển 1

Tủ sách Tuổi Hoa - 1971

(Truyện phóng tác)

Chương 10 & 11

Chương 12 & 13

Chương 14 & 15

Chương 16 & 17

Chương 18 & 19

                 Chương 20- 21 & 22 (hết)

Nguồn: NGUYỄN TUẤN sưu tầm và đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 10

CUỘC HỘI KIẾN

Chiều hôm sau, khoảng ba giờ, Ái Lan đã đậu vespa trước cửa dinh cơ của gia đình ông Phạm Văn Phàm đường Phan Đình Phùng.

Kiến trúc thật đồ sộ vĩ đại không nhằm đem lại tiện nghi khoa học, nhưng nặng về mục đích phô trương nên sự xây cất, thiết trí không có một chương trình kế hoạch rõ rệt. Khu nhà ở tọa lạc giữa một khoảnh vườn rộng lớn, bốn bên biệt lập, xa cách hẳn với các nhà hàng xóm, to lớn, cao ngất ngưỡng, trông lúc nào cũng như có vẻ đe dọa đè bẹp những mái nhà thấp nhỏ cùng dãy. Một cái nhìn thoáng trên thảm cỏ trước nhà, bất cứ ai tinh ý một chút cũng có thể nhận ra được ngay cái đầu óc không hiểu gì về mỹ thuật của chủ nhân. Quả vậy ! Bể non bộ nuôi cá, góc nào cũng có ghế đá, tượng đá, voi sành nhan nhản khắp nơi, không theo hàng lối hay góc độ kỷ hà gì hết. Những tác phẩm mỹ thuật ấy, đem lại thoải mái cho trí óc và làm vui mắt đâu chẳng thấy, trái lại, chỉ tổ làm vướng lối đi và chướng ngại cho việc nhìn ngắm hoa cỏ thiên nhiên tươi đẹp rực rỡ trong vườn.

Ái Lan thầm thì tự nhủ :

- Vườn tược gì mà ngổn ngang loạn xạ !

Và chân em bước đĩnh đạc trên lối đi lát gạch bông trắng. Trước khi nhấc cái búa đồng xinh xinh bóng loáng để cho nó gõ xuống cái khay đồng, bộ đồ nghề thay thế nút chuông điện cũng lại nặng tính chất khoe khoang hơn là để tiện dụng, Ái Lan hơi khựng lại một chút khi chợt nghĩ đến giây phút hội kiến gay go. Nhưng chỉ mấy phút sau, em đã bình tĩnh... gõ búa đồng. Em thích thú với ý nghĩ tinh nghịch :

"Mình phải trổ tài ngoại giao cho cứng mới được. Nếu không cuộc mạo hiểm này sẽ chẳng đem lại được cái gì hay hết. Để họ thoáng nghi ngờ chủ ý của mình một chút là lập tức bị tống cổ ra ngay !"

Ngay lúc đó, một tay gia nhân quần trắng áo trắng, cổ cồn, là thẳng nếp, nét mặt lạnh lùng, mở cửa, tay còn đặt lên quả núm sứ, không nói không rằng, giương đôi mắt trâng tráo nhìn Ái Lan như muốn hỏi : "Đến có việc gì ?"

Ái Lan nói ngay :

- Anh nói giùm bà Phàm là tôi, tên Ái Lan, muốn gặp bà để bán mấy tấm vé số lấy tiền cứu trợ bão lụt !

Tên gia nhân quay vào, không quên khép cánh cửa lại, thông báo, và em phải đứng ngoài chờ có lệnh mới được vào.

Khi được đưa vào tới phòng khách, Ái Lan không ngăn được một cái mỉm cười tinh quái : "Cung cách đài các rởm, trưởng giả học làm sang phách lối này vẫn không khiến cho gia đình nhà ông Phàm được giới gồm những người đáng kính trọng tại Đà Lạt chấp nhận giao du thân mật, một điều mà hai vợ chồng và hai cô con gái trọc phú hằng mơ tưởng suốt ngày đêm".

Ái Lan loáng tia mắt quan sát gian phòng khách trang trí lòe loẹt như một cái sân khấu phường tuồng. Những tấm thảm Lào rất đẹp nhưng giăng mắc la liệt trông hoa cả mắt. Trên tường treo đầy những bức tranh đắt tiền khiến người ngó thấy có cái cảm giác như đang đứng trong một gian phòng triển lãm hội họa. Đồ đạc, bàn ghế, sa lông pha Tàu pha Tây lẫn lộn hợp với các món kể trên, biến cái phòng khách rộng mênh mông thành một gian hàng bán đồ tập tàng.

Ái Lan cũng chẳng cần để ý đến tính chất thiếu mỹ thuật của gian phòng khách. Ngay sau khi tên gia nhân vừa đi khuất, em đã đưa nhanh mắt nhìn bao quát mọi thứ đồ đạc bao quanh. Một cái đồng hồ treo trên tường làm em chú ý. Và Ái Lan tự nhủ thầm :

- Đồng hồ của cụ Doanh đây chắc ?

Nhưng em lại tự trả lời ngay :

- Ồ ! Không phải !

Quả thật, tuy cái đồng hồ cũng mặt vuông, nhưng kiểu mới trông rất tối tân, không có một điểm nào giống hình dáng cái mà bà cụ Sáu Riệm đã mô tả. Định tiến sát lại gần để coi cho rõ, đột nhiên có tiếng chân bước ở trong nhà làm em khựng lại. Nhanh nhẹn, Ái Lan ngồi ngay xuống một chiếc ghế ở kế bên, nét mặt thản nhiên bình tĩnh vô cùng.

Bà Phạm Văn Phàm bước vào, xúng xính trong chiếc áo kimônô bằng lụa đen điểm những bông cúc vàng to bằng bàn tay một. Mặt bà ta hất lên, tia nhìn lạnh lẽo, chiếu thẳng mặt Ái Lan, không một chút thiện cảm :

- Cái gì ? Cô muốn hỏi gì thế ?

- Chúng tôi đến mời bà mua giùm mấy tấm vé số giúp bão lụt miền Trung...

Bà chủ nhà cắt ngang lời cô bé :

- Hả ? À, không, không bao giờ tôi lại phí tiền cho các người đi quyên giáo hết á !

Hơi giận bừng lên khiến Ái Lan nóng mặt :

- Thưa bà ! - Giọng nói Ái Lan sắc như thanh nứa cật, - tôi không quyên giáo mà tôi bán vé số giúp bão lụt miền Trung kia mà, thưa bà ! Chắc bà chưa biết tôi là con cái nhà ai nên có vẻ nghi ngại. Xin bà yên tâm ! Thưa, tôi là con của luật sư Đặng Quang Minh !

Bà Phàm đổi hẳn sắc mặt. Nội thành phố Đà Lạt này, ai còn không biết luật sư Minh. Gia đình Phạm Văn Phàm lại còn biết rõ hơn ai hết, vì tài năng đức độ của ông Minh và nề nếp giáo dục con gái ông hấp thụ, đã khiến ông được mọi người trọng vọng như thế nào. Sự trọng vọng mà ông Phàm cùng bà vợ và các cô con thèm muốn như người khát ao ước một ly nước cam tươi mát, nhưng chưa có hay không thể có được.

Bà ta giọng nói đổi khác hẳn :

- Chết chưa !... Vậy ra cô em đây là con gái yêu của luật sư Minh đấy ! Khổ, tôi đâu có dè... Cô tha lỗi cho tôi nhé ! Chỗ bà con quen biết cả đây mà ! Thế nào ! Cô em cần tôi giúp cái gì đấy ?

- Dạ ! Xin mời bà mua giùm cho mấy tấm giấy số giúp đồng bào bão lụt miền Trung đó thôi ạ !

Bà chủ nhà lúng túng :

- À, à… tức là mua mấy tấm giấy số này đây ! Ồ ! Chậc ! Chậc ! - Bà tắc lưỡi thay cho lời nói không tìm ra ; - chẳng hiểu... không biết, ông nhà tôi…

Dáng điệu ngập ngừng do dự, luống cuống của bà nhà giàu trông thật thảm hại. Bà mà từ chối không mua thì ngại làm phật lòng cô khách quý nhưng nếu mua thì lại phải mở két tiêu tiền, một điều bà rất ngại, vì thói tật cố hữu của bà và cả gia đình vốn là... đại hà tiện. Cố gắng lắm, bà Phàm mới nói được :

- Vé số bao nhiêu đó hả cô ?

- Dạ thưa, năm chục đồng một tấm ạ !

- Năm chục ? Trời ! Sao mắc dữ vậy cô ?

- Dạ thưa, đây là việc nghĩa nên giá tiền ghi trong vé số cũng chỉ để làm hình thức thôi đấy ạ ! Nhiều khách mua lại ủng hộ hàng trăm, hàng ngàn mà không lấy vé kia, thưa bà !

Bà Phàm đang định nói thì ngoài cửa bật mở. Tiếng Bích Mai, Bích Đào léo xéo ngoài hàng hiên. Hai cô gái thi nhau nói, chẳng cần biết có ai nghe không. Qua giọng nói gay gắt của họ, Ái Lan biết được ngay là chị em Mai , Đào đang bực mình về chuyện đến nhà ai đó mà lại không được chủ nhà tiếp.

Bích Đào như la lên :

- Chị người làm nói bà chủ đi vắng, nhưng em biết dư là bà ấy có nhà. Chính ra bà ta không muốn tiếp chị em mình nên lánh mặt đó thôi.

Dứt lời, hai chị em đã vào tới phòng khách. Chợt trông thấy Ái Lan, hai cô gái ngây người ngạc nhiên, nhưng không một cử chỉ, không có một lời, dù chỉ là phép xã giao giả dối, chào hỏi người khách tới nhà, mà chỉ giương mắt nhìn trân tráo.

Bà mẹ quay lại :

- Cô Ái Lan đây đang mời mẹ mua giùm mấy tấm vé số giúp bão lụt miền Trung, các con nghĩ sao ?

Bích Mai buông sõng, giọng nói tàn nhẫn :

- Khỏi ! Đừng mua gì hết, má à !

Thì ra cô này để tâm việc can thiệp của Ái Lan vào việc chiếc bình pha lê vỡ tại tiệm tạp hóa Toàn Chân ngoài công trường Hòa Bình bữa nọ. Và cô ta vẫn chăm chăm chờ có dịp để trả thù.

Bà Phàm không đồng ý với cô gái cưng, nhưng lời phản đối của bà, nghe không có chút mạnh dạn nào :

- Má tưởng nên mua mấy tấm hả các con ! Có thể là một dịp hiếm có để được tiếp xúc với các vị tai to mặt lớn tại thị xã này đó ! Bích Đào, con nghĩ sao ?

Bích Đào lên tiếng gần như quát, cắt lời mẹ :

- Má nói cái gì đâu không à ! Chỉ uống tiền vô ích ! Ngày xổ sổ lại còn bày đặt chợ phiên ở sân vận động nữa ! Cái sân vận động cỏ mọc tùm lum ấy con không thèm đặt chân tới đó đâu ! Rồi má coi !

Bà mẹ quyết định... theo ý cô con gái quý :

- Ừ ! Thế thì thôi ! Vậy mẹ không mua nữa ! - Rồi quay sang Ái Lan : - Thôi, cô bằng lòng vậy nhé, cô Ái Lan ! Các em chẳng đứa nào chịu mua cả !

Dứt lời, bà đứng lên. Cái cử chỉ ấy có một ý nghĩa mà Ái Lan biết được ngay là bà muốn nói : "Thôi, xong rồi, cô về đi !" Em cũng đứng lên theo, trong lòng tức giận khôn tả vì sự tống khách đột ngột khiến em không hy vọng đạt được mục đích thầm kín. Ái Lan chán nản quay ra. Đột nhiên em khựng lại : ông Phạm Văn Phàm đứng ngay trên ngưỡng cửa. Ông ta đến lúc nào chẳng một ai biết.

- Khoan đã, cô em ! Cô còn bao nhiêu tấm vé số tất cả ?

Ái Lan sửng sốt :

- Thưa ông, bốn tấm ạ !

- Thôi được, tôi lấy hết cho !

Rồi ông trịnh trọng lấy ví da trong túi áo, lôi ra mà tờ giấy bạc 500 đồng đưa cho Ái Lan :

- Đây, tiền đây ! Cô cầm lấy, khỏi phải trả lại gì hết !

Giọng nói ông ta thật êm dịu, đúng là của kẻ cả rộng lượng bao dung, làm ra vẻ như không để ý gì đến vấn đề tiền bạc.

Bà chủ nhà trợn tròn mắt nhìn ông chồng :

- Ủa ! Mình điên đó hả ? Cái gì mà đưa cả năm trăm đồng bạc, dữ vậy ?

Phạm Văn Phàm tiến gần lại, rỉ khẽ vào tai vợ :

- Mình không biết gì cả ! Mình điên đầu thì có chứ còn tôi thì ở đó mà coi tôi điên ! Này nhé ! Tụi mình từ bao lâu nay vẫn hì hục tìm cách làm sao cho được nổi danh một chút đặng dễ luồn lọt vào những chỗ khó khăn, tai mắt của Đà Lạt. Nay cơ hội nhất thời không kiếm mà được gặp, sao lại để vuột mất. Hà ! Hà ! Năm trăm đồng bạc để được nêu tên tuổi trên mặt báo còn rẻ chán !

Dứt lời, ông nhà giàu để rơi mình phịch xuống một chiếc ghế bành bọc nhung, quơ tờ báo, gằm đầu coi mục... rao vặt. Biết ý chồng khi đã chìm tia mắt vào tờ báo, soi mói tìm xem mục gì có thể tìm ra tiền thì không muốn bị ai làm rộn, bà chủ nhà đành giữ im lặng.

Trong khi đó, Ái Lan loay hoay tìm cách kéo dài thời gian nán lại, hy vọng thu lượm được một vài tia sáng về tung tích cái đồng hồ cổ của cụ Doanh.

Mấy phút sau, em đành lên tiếng :

- Xin phép ông bà ! Và cố gắng làm cho giọng nói thật tự nhiên, - À, dạ thưa... bây giờ mấy giờ rồi ạ ?

Bích Mai giọng mỉa mai châm biếm :

- Trời ! Đồng hồ ngay trước mắt đó kìa !

Ái Lan cười :

- À, vâng ! Tôi sơ ý quá !

Rồi đưa mắt lên chiếc đồng hồ treo trên tường mà em đã thấy từ lúc mới bước vào, làm ra vẻ như mới nhìn lần thứ nhất, và quay lại ngó bà Phạm Văn Phàm :

- A, dạ thưa đây có phải là cái đồng hồ cổ của cụ Doanh không ạ ? Tôi thích sưu tầm đồ cổ các loại lắm, thưa bà !

Bà Phàm giọng khinh bạc :

- Không, không phải ! Cái này đâu phải đồng hồ của bác Doanh ! Cái bác để lại cũ mèm so với cái này, mười phần không được một !

Ái Lan khôn khéo lựa lời cố gợi cho bà chủ nhà nói thêm nữa về chuyện đồng hồ :

- Thế à ! Vâng, kể thì lắm khi cũng khó mà lưu giữ các đồ vật kỷ niệm của người thân sao cho khỏi áy náy ! Trưng bày thì cũ kỹ khó coi, mà cất biến đi vào xó xỉnh nào đó thì lại không nở, vâng !

- Cô em nói đúng đấy ! Nhưng cái gì kia, chớ cái đồng hồ cũ rích của ông anh chúng tôi thì thiệt tình nhét xó là tốt nhất, cho nó gọn mắt !

Bích Mai phụ họa :

- Úi chao ! Mẹ chất đống trong nhà kho những cái gì của bác Doanh mà tùm lum, mỗi lần phải vào lấy cái gì là ngại muốn chết luôn vậy đó !

Bà Phàm vẫn thao thao :

- Bởi thế cho nên, mẹ đã bảo tụi nó đem cái đồng hồ cũ của bác cùng một lô bát đĩa cổ là những đồ dễ vỡ xuống biệt thự ở Prenn rồi còn đâu !

Trừ Ái Lan ra, chắc tất cả mọi người hiện diện trong phòng khách lúc bấy giờ không ai ngờ rằng câu nói vừa rồi đã có một giá trị như thế nào : nó đã cho Ái Lan một tin tức thật quý báu trong việc truy lùng tung tích cái đồng hồ cổ của cụ Phạm Tú Doanh.

Ái Lan một lần nữa, lễ phép cáo từ ông bà chủ nhà và cám ơn sự giúp đỡ đồng bào lũ lụt miền Trung của gia đình ông. Mấy phút sau, em đã chễm chệ ngồi trên chiếc vespa xinh xắn, trong lòng thư thái nhẹ nhàng. Em mỉm cười thầm nghĩ :

- Gia đình ông này khôn lắm, tính toán cũng khiếp lắm. Nhưng lần này mạt cưa gặp mướp đắng, kẻ cắp gặp bà già. Bốn tấm vé số này mới có 500... đồng bạc, mà đã la đắt. Không hiểu bà ta sẽ la trời cách nào nữa đây, khi nó làm tiêu luôn cả cái tài sản mà họ chiếm hữu của cụ Doanh ?

Chương 11

ÁI LAN ĐI CẮM TRẠI

Hân hoan nhờ cái kết quả tốt đẹp trong cuộc tới nhà ông Phàm bán vé số, nhưng Ái Lan vẫn băn khoăn tự hỏi :

- Thế là biết chắc được cái đồng hồ của cụ Doanh hiện để ở biệt thự tại thác Prenn rồi. Nhưng làm cách nào mò vào cái biệt thự đó được đây ? Mà ngay đến địa điểm nó tọa lạc mình cũng chưa biết nốt. Ấy là chưa nói đến chuyện nếu bọn nhà Phàm lỡ bắt chợt mình lò mò lại đó dò hỏi tìm biệt thự của ông ta thì biết giải thích cách nào đây ? Bài toán chưa tìm ra đáp số ! Vả lại sự ham thích tập sự làm nữ thám tử cộng thêm với lòng tự ái, khiến Ái Lan không dám hỏi ý kiến một ai, ngay cả với cha. Trong thâm tâm em nhất định sẽ một mình đảm đương công việc điều tra. Chỉ khi nào đạt được kết quả, em mới sẽ ca khúc khải hoàn, hiên ngang đem lại cho cha... chìa khóa để mở cánh cửa bí mật trong vụ gia tài cụ Doanh. Và em sung sướng hình dung nét mặt luật sư Minh nhìn em ngạc nhiên xen lẫn niềm kiêu hãnh.

Chiều hôm đó, trong bữa cơm tối, luật sư Minh hơi lấy làm lạ vì thái độ im lặng khác thường của con gái yêu :

- Bữa nay sao con ít nói vậy, cưng của ba ? Con đau ốm hay sao vậy, Ái Lan ?

Ái Lan bật cười lớn :

- Trái hẳn thế, ba ! Không bữa nào con lại cảm thấy được khỏe khoắn bằng bữa nay, ba à !

- Nhưng mà... à, này con ! Theo ba, thì con nên nghỉ ngơi đi chơi ít ngày đi. Ba thấy rằng ở cái tuổi non nớt của con mà phải điều khiển công việc của cả cái nhà rộng lớn như nhà ta này thì thật vất vả cho con quá. Vậy, con cũng nên nghĩ đến chuyện đi chơi...

Không kịp để cha nói hết, Ái Lan chợt thẳng ngay người, buột miệng nói to :

- Trời đất ! Có vậy mà mình nghĩ không ra chứ !

Và trong cơn sửng sốt, em buông rơi cả đôi đũa xuống mâm kêu loảng xoảng. Luật sư Minh kinh ngạc trố mắt nhìn con gái :

- Cái gì ? Sao vậy Ái Lan ? Con bảo không nghĩ ra cái gì chứ ?

Ái Lan tươi cười nhìn cha, láu táu :

- Con quên bẵng mất chuyện nhỏ Diễm Anh nói với con ngày hôm qua, hay lắm, ba ơi ! Ba biết không ? Lúc Diễm Anh gặp con là lúc nó sửa soạn đi cắm trại ở thác Prenn đó ba ! Ôi chà ! Thác Prenn, con đi hoài mà không thấy chán ba à ! Vậy sáng mai con xuống đó nghe ba ! Tối ngủ chung lều với Diễm Anh, tổ chức lửa trại vui lắm ba ơi !

- Ờ ! Ý kiến của con hay đó ! Xuống đấy ít ngày, tắm suối, thả bộ đi chơi nơi thoáng khí, ba thấy rằng không còn gì tốt hơn nữa.

Trong thâm tâm, sự vui mừng thầm kín của em lại còn một lý do chỉ riêng mình em biết : Diễm Anh có mặt ở dưới đó há chẳng phải là một lý do chính đáng cho em xuống thác Prenn thăm bạn mà không bị nghi ngờ sao ?

Sáng hôm sau, Ái Lan dậy sớm lên đường. Em lợi dụng cơ hội một công đôi việc, phóng thẳng xuống Lạc Dương trước đã. Và Ái Lan có ý định trao cho Mỹ Ngọc mấy thước len để Ngọc may áo cho em.

Vừa đậu vespa trước cửa trại của Ngọc Liên, Ái Lan biết ngay là nơi đây đã xảy ra một sự gì khác lạ. Đúng thế, trên mặt lối đi lát đá tảng, nằm la liệt xác gà chết, nhất là trước cửa vựa rơm và trong khoảng sân rộng.

Nghe tiếng máy xe, hai chị em Ngọc, Liên từ phía chuồng gà chạy ùa ra, và Ái Lan thấy rõ Mỹ Liên đầm đìa nước mắt.

Ái Lan hỏi nhanh :

- Cái gì vậy, hai chị ?

Mỹ Liên mếu máo :

- Trời ơi ! Hại quá Ái Lan ! Chẳng hiểu tại sao gà của tôi chết tiệt cả ! Khổ ghê à ! Sáng nay đem đồ cho tụi nó ăn, lại thấy mười con nữa lăn cổ ra.

Mỹ Ngọc :

- Tối qua, cáo lại bắt hai con tha đi nữa chứ. Có lẽ tụi này đã tới kỳ nguy tai rồi chắc !

Mỹ Liên giọng nói tuyệt vọng :

- Chắc không còn sống sót một con nào để gây đàn sau nữa ! Không biết xoay sở ra sao đây chứ !

Mỹ Ngọc buồn thảm :

- Liên nó bị thất vọng ghê gớm. Đặt biết bao hy vọng vào vụ này. Đàn gà đang mơn mởn lớn như thổi, thế mà... À l Hai chị em tôi rồi sẽ ra sao đây ? Kỳ này các tiệm may cũng không thấy giao đồ cho làm nữa !

Ái Lan nói to, vội vã mở sắc tay :

- Chị Mỹ Ngọc ! Cứ yên tâm ! Đừng lo ! Để em đưa chị ít tiền tiêu tạm, khi nào có chị trả cho em cũng được.

Mỹ Ngọc thở dài :

- Trời ơi ! Giá bác Doanh cứ cho đại hai chị em mình một số tiền thì có phải đỡ biết bao không. À, thế nào, Ái Lan ? Có tin tức gì về vụ tờ di chúc thứ hai của bác không ?

Ái Lan suy nghĩ thật nhanh và em quyết định không nên để cho chị em Ngọc, Liên hy vọng vội, lỡ ra..., đồng thời giấu nhẹm mấy điểm quan trọng vừa mới khám phá được. Rồi Ái Lan dịu dàng trả lời Mỹ Liên :

- Đã có tin tức gì hay đâu, chị Liên ? Toàn những cái lơ mơ cả ! Nhưng em vẫn không thất vọng trong việc đi tìm lá chúc thư này... Các chị cứ yên trí đi !

Giọng Mỹ Ngọc mệt mỏi :

- Thôi ! Các khoản đó thì chị chằng một chút hy vọng gì đâu, các em !

Ái Lan lái câu chuyện sang hướng khác nhằm xua đuổi không khí nặng nề buồn thảm bao quanh :

- Đây, chị Ngọc ! Hàng may áo của em đây ! Trong đó em để sẳn cả mẫu rồi đấy ! Hai chị thấy không ? Khổ người em có vẻ nữ thể thao, bụng không sệ, vai không lệch, chắc may dễ lắm, hả chị Ngọc ?

Vẻ mặt Mỹ Ngọc tươi hẳn lên :

- Cám ơn em đã tin tài cắt may của chị ! Có việc làm thế này, chị vui lắm ! Thật cũng là nhờ Ái Lan mà chị và Liên lại có được những giờ sống vui thích thú.

Ái Lan cười lớn :

- Chị chịu may áo cho em thì em phải cảm ơn chị mới đúng chứ ! Và bây giờ thì em có quyền đưa chị tiền công trước nghe !

Một lần nữa Mỹ Ngọc lại lắc đầu :

- Không ! Chị không thể nhận của Ái Lan một xu nhỏ trước khi hoàn thành tấm áo đẹp của em.

Biết rõ được cái tinh thần bảo trọng nhân cách của chị em Ngọc, Liên như thế nào rồi, Ái Lan không ép :

- Vậy tuần sau em đến thử áo nghe !

Dứt lời, Ái Lan tươi cười từ giã hai chị em, ra xe, và tự nhủ :

- Rồi ! Bây giờ thẳng đường quay về thác Prenn.

Ngẫm nghĩ, em lại ái ngại cho hoàn cảnh của hai người bạn gái côi cút :

"Tội nghiệp, mình tin rằng một ngày kia Ngọc, Liên mặc dầu nhân cách cao thượng, cũng sẽ không còn đủ can đảm từ chối sự giúp đỡ của mình nữa vì đói rách. Cả bà cụ Sáu Riệm cũng vậy ! Trời ơi ! Làm cách nào để giúp được cho họ cho tiện đây ? Nghĩ lắm lúc cũng bực mình cái ông cụ Doanh này thật ! Sao ông cụ lại không nghĩ đến chuyện để lại chúc thư nhờ một luật sư hoặc một phòng Chưởng khế nào đó cất giùm như những người khác vẫn làm có phải tiện biết bao nhiêu không ?

Xe đang ngon trớn, đột nhiên Ái Lan thấy nơi yên ngồi hơi lún thấp xuống đồng thời cả chiếc xe đảo qua bên trái chứ không chạy đúng giữa mặt đường như cũ. Em liền hãm tốc lực rồi ôm sát lề bên tay mặt, hãm thắng, về số không cho xe dừng lại. Dựng cho ngay ngắn đâu đó, Ái Lan đi vòng lại phía sau, cúi nhìn. Quả nhiên, bánh sau xì hơi đang dần dần xẹp xuống. Rút chìa khóa mở hộc đựng dụng cụ, Ái Lan lấy đồ ra, hì hục tháo bốn chiếc đinh vít, sau khi đã bê một hòn đá tảng cho chiếc vespa dựa nghiêng vào. Đinh vít tháo xong, Ái Lan đưa hai tay nhấc chiếc bánh xe xẹp ra. Lạ ! Chẳng hiểu sao cái bánh xe mắc cứng không chịu rời ra. Em mím môi, hai tay nâng thật mạnh : "sực" một tiếng, chiếc bánh xe quái ác rời ra bất chợt, làm Ái Lan mất đà ngã ngồi xệp xuống mặt đường nhựa.

- Hừ ! Có thế chứ ! Tưởng chú mày lì mãi !

Em khoan khoái thở ra và cúi xuống phủi bụi ở áo quần. Mấy phút sau, chiếc bánh xe xẹp đã được thay xong, Ái Lan vui mừng nhảy lên nổ máy. Chiếc vespa lại ngoan ngoãn bon đi trên con lộ thẳng tắp, mặt đường sạch sẽ nhẵn bóng như chùi.

Mãi tới quá trưa, Ái Lan mới về tới trại hè của Diễm Anh tại chân đèo Prenn. Qua bóng cây xanh lá, em thoáng trông thấy có tới ba chục nóc lều vải màu vàng và xanh nước biển. Khoảng năm mươi thước xa hơn, một giải khói xanh lững lờ bốc lên : khu bếp nấu cơm của các trại sinh. Cách bếp chừng hơn non chục thước là hồ Prenn. Gọi là hồ cho nó có vẻ một chút, chứ thực ra đó chỉ là một vũng suối rộng, sâu hơn các chỗ khác, nước chảy cũng chậm hơn nên giống hệt một cái hồ con. Mặt nước phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp loáng như gương.

Khi xe của Ái Lan bon qua ô cửa làm bằng bốn cây gỗ thông to lớn chắc chắn, một toán nữ sinh mặc xiêm xanh, áo sơ mi vàng ùa ra hò reo vui vẻ. Sau rốt là... Diễm Anh ! Cô bé này giơ tay khẽ gạt các bạn lấy lối vượt lên, miệng cười khanh khách nhìn mọi người "phân bua" :

- Tất cả thấy tôi nói có đúng không ? Tôi đã bảo con nhỏ Ái Lan này thế nào cũng mò xuống đây với tụi mình mà ! Trời ! Tụi mình sẽ có một chầu vui đùa cho thỏa thích !

Ái Lan tươi cười chào hỏi mọi người, xong quay lại bạn :

- Diễm Anh ! Các "bồ" đã ăn cơm chưa thế ? Mình đói ghê hồn à ! Còn gì ăn không ?

- Ái Lan khá thiệt ! Có ống nhòm hay sao mà tới đúng lúc quá vậy ! Tụi này mới "bày bàn" sắp sửa ăn đây này ! Trời ! Ái Lan xuống đây, tụi này vui ghê vậy đó !

- Thì mình cũng khoái lắm chứ giỡn sao !

- Nhưng mà Ái Lan chịu ở đây lâu không ?

Một giây ngập ngừng :

- À, cũng chưa định chắc... - Em mỉm cười tinh nghịch - Mình sẽ ở lâu với Diễm Anh tới khi nào "bồ" hết chịu nổi thì thôi.

Diễm Anh mắt sáng lên mừng rỡ :

- Nghĩa là tới ngày nhổ trại ?

Dứt lời Diễm Anh cùng mọi người đưa Ái Lan lên trình diện cô trưởng trại. Và em được cấp ngay giấy phép ở chung lều với Diễm Anh trong suốt thời gian cắm trại.

Về lều nghỉ ngơi, Ái Lan kể cho Diễm Anh nghe việc bán vé số tại nhà ông Phạm Văn Phàm.

Cô bạn nhỏ của em ngạc nhiên đến sửng sốt :

- Khá thật ! Ái Lan làm cách nào, ăn nói ra làm sao mà bán được tất cả chỗ vé số còn lại cho cái gia đình hà tiện đó ?

- Ừ, nhưng phần lớn cũng nhờ ở chỗ ông Phàm muốn nhân dịp này, được nổi danh, thay vì "đại hà tiện", là đại từ thiện đó.

Câu chuyện vừa dứt, chuông ăn cơm vừa điểm. Mọi người xuống lều kế căn bếp ăn cơm. Bữa cơm thanh đạm nhưng đầy đủ chất bổ. Cơm lại vừa chín tới, thức ăn nóng sốt. Ái Lan nhờ chuyến lái xe xuống Lạc Dương về, bụng đói, ăn rất ngon miệng. Bữa cơm gần tàn, Ái Lan đã nghe tiếng Diễm Anh cùng các bạn nhao nhao bắt em dẫn vào rừng thông chạy nhảy một phen. Đi chơi về, em mỏi rã rời chân tay, nằm thẳng cẳng trên ghế bố, khoan khoái nghĩ tới buổi cơm tối và một đêm sắp được ngủ ngon. Giường bên cạnh, Diễm Anh lại có một chương trình khác hẳn...

- Ê ! Ái Lan, tụi này lại mới khám phá được một vũng hồ lớn lắm, cách đây chừng non cây số thôi hà ! Nó ăn thông ra sông La Ngà, mà nước chảy êm ru, bơi thuyền khoái lắm.

Ái Lan la lên :

- Trời ơi ! Các "bồ" không biết mệt sao chớ ?

Diễm Anh cười sằng sặc :

- Biết chứ sao không ! Nhưng chỉ khi nào đặt mình lên ghế mới thấy mệt ! Ái Lan mới tới nên chưa quen đó. Để vài bữa rồi coi, lại không lúc nào cũng dựng cổ tụi này dậy đi "thám hiểm" khắp vùng ấy chứ !

Ái Lan cười theo bạn :

- Ừa ! Mình cũng mong quen được đó. Nếu không, chắc bà trưởng trại phải tống khứ mình về Đà Lạt bằng một chiếc... "băng ca" quá !

- Thôi ! Ái Lan ! Nói xàm hoài ! Này, ra hồ La Ngà chơi đi, thú lắm. Ra đó rồi Ái Lan sẽ thấy phong cảnh đẹp không thể tả. Dưới hồ nước trong veo. Trên bờ, rải rác từng khu một, những biệt thự của gia đình giàu có ở Đà Lạt xây cất để về ở nghỉ ngơi trong vụ hè, đẹp tuyệt.

Ái Lan chợt nghĩ ngay đến biệt thự của gia đình Phạm Văn Phàm :

- Biệt thự ? Ở đó nhiều biệt thự lắm hả ?

Cô lấy giọng thản nhiên khi đặt câu hỏi mà trong lòng em không khỏi mừng khấp khởi : "biết đâu đây chẳng là cơ hội tốt nhất để tìm ra biệt thự của ông Phàm ?"

Diễm Anh khẩn khoản :

- Đi nghe ! Ái Lan ! Đi về xong, ăn cơm rồi ngủ không khoái sao ?

- Ừ thôi được rồi ! Đi thì đi ! Mệt mỏi cũng không cần…

Đôi bạn nhỏ nắm tay nhau chạy ra nhập bọn với các trại sinh khác. Cả đoàn băng rừng, lội bộ chút xíu là đã tới bờ hồ La Ngà. Nơi đây có một gia đình công nhân đồn điền cà phê vẫn cho thuê xuồng máy.

Giá cả xong xuôi, cả bọn trại sinh bước xuống xuồng. Xuồng máy quay mũi hướng ra phía giữa hồ. Trước mắt Ái Lan, phong cảnh trên bờ đẹp không bút nào tả xiết. Mặt trời như một trái cầu lửa sắp sửa lao chìm xuống mặt nước, phản chiếu lên những tia sáng lóng lánh màu vàng cam. Nhưng Ái Lan vẫn nhớ mục đích chính của em trong việc theo bạn xuống nơi này. Giọng nói tự nhiên, em hỏi Diễm Anh :

- Ê ! Diễm Anh ! Biệt thự nhà ông Phàm nghe nói to và đẹp ! Nó ở chỗ nào đó ! Biết không ?

- Biết ! Kìa, nó ở phía cuối hồ đằng kia ! Chút xíu nữa tới à !

- Gia đình ông ấy có thường tới ở đây không ?

- Ồ, không đâu, cửa nhà lúc nào cũng đóng im ỉm. Có một người gác dan ngày ngày mở cửa cho thoáng khí và làm vườn thôi hà ! Mình nghe nói anh ta là một người Thượng, tên là gì đây này : À, Y Ba, hiền lành lắm !

Ái Lan vẫn giọng lơ đãng :

- Thế đi vào đó thì đi theo đường nào ? Chắc phải có đường tốt xe chạy được chứ ?

- Thiếu gì lối vào ! Đi xuồng thì gần lắm. Nhưng nếu đi bộ hoặc xe hơi thì phải chạy theo gần hết vòng cái bờ hồ lớn này, và đường trải đất đỏ, xấu kinh khủng... À, mà sao Ái Lan hỏi thăm chi kỹ vậy ? Bộ có cảm tình với gia đình ông Phàm lắm hả ?

Ái Lan vội vã :

- Cảm tình gì đâu, Diễm Anh ? Mình hỏi cho biết vậy thôi đó chứ !

Xuồng máy từ từ tiến sát gần phía cuối hồ. Mọi người đã trông rõ một số biệt thự rất đẹp xây cất trên bờ. Đột nhiên Diễm Anh giơ thẳng cánh tay :

- Đó, Ái Lan thấy cái lùm cây lớn nhất đó không ? Chếch chếch về phía bên tay mặt đó ! Rồi ! Cái mái nhà ngói đỏ kế bên lùm cây là biệt thự của ông Phạm Văn Phàm !

Ái Lan nhìn theo tay bạn. Em quét tia mắt chăm chú nhận xét địa điểm nơi biệt thự của ông Phàm tọa lạc, đồng thời ghi nhớ thật cẩn thận địa hình địa vật chung quanh ngôi nhà.

Diễm Anh ngồi bên, thấy bạn tươi vui cũng hứng khởi nói chuyện tưng bừng :

- Thú không hả Ái Lan ? Tuần sau tụi mình sẽ tổ chức một cuộc đi đào măng, vào rừng ăn cơm ngoài trời. Rồi quay về hồ Prenn tắm, bơi, nghe Ái Lan. Còn hồ La Ngà, Ban Giám đốc trại có lệnh cấm tắm và bơi ở đấy, sợ nguy hiểm vì nước sâu lắm. Trại hè thác Prenn thích ghê, Ái Lan có thấy thế không ? Và "bồ" phải ở với tụi này thật lâu đó nghe !

Ái Lan gật đầu và ầm ừ cho qua và tâm trí cũng như tia mắt em cứ bắt dính vào cái biệt thự của nhà ông Phàm mà em chắc trong đó thế nào cũng có chiếc đồng hồ của cụ Doanh.

- Ừa ! Diễm Anh nói đúng ! Phong cảnh ở đây tuyệt thật. Nhiều cái tai nghe... mắt thấy... thích ghê ! Được, mình sẽ ở đây với Diễm Anh thật lâu !

Xem tiếp chương 12 & 13