Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển - Chương 11 & 12

Chương 11

 

Khôi, Việt chuyền tay xấp giấy, và ngẩn ngơ hỏi nhau : 

-- Thầy Phong quen chú Triều Dương à ?

-- Thì quen chứ sao ! Ít nữa hai người cũng phải có liên lạc với nhau.

-- Thế sao chú Triều Dương lại làm như không biết thầy Phong là ai ?

-- Chắc có lý do, ví dụ như nếu thầy Phong là một nhân vật quan trọng cần che dấu tung tích.

Khôi nhận xét :

-- Chú Triều Dương không bao giờ cho biết ý định của chú. Theo tớ thì có lẽ chuyến đi Hội An lần này, mục đích của chú là để tìm thầy Phong chứ không sai.

-- Nhưng cậu có nhớ là chú ấy đã chế diễu tụi mình về việc thầy Phong mất tích chứ. Chú ấy còn cho rằng đó chỉ là chuyện bày đặt.

Khôi gật đầu :

-- Phải, chú ấy còn nói có lẽ thầy Phong đã xảy chân, ngã xuống biển ! Và câu chuyện tiếng chuông kêu dưới đáy biển nữa. Chú ấy kể lại như một chuyện hoang đường. Nhưng mới chiều qua đây, chính tai chúng mình đã nghe…

-- Nếu quả chú ấy muốn tìm thầy Phong, hà tất chú ấy cứ phải lò mò ở ven bờ biển với những máy móc lỉnh kỉnh làm gì nhỉ ?

-- Thôi, bỏ chú Triều Dương đi ! Hãy tính xem tụi mình phải làm gì bây giờ đây ?

-- Nếu chúng ta mang tài liệu này về Hội An cũng chưa thể gặp ngay chú Triều Dương được vì chú hiện đang ở Đà Nẵng. Chú ấy đã hẹn tụi mình ngày mai, chú mới trở lại.

-- Vậy chúng mình cứ đến chỗ hẹn gặp Lan rước đã, biết đâu chẳng khám phá thêm được nhiều điều hay.

Nước triều lúc ấy đang lên. Giờ hẹn với Lan cũng đã tới, cần phải đi ngay mới kịp. Việt đút xấp giấy của thầy Phong vào túi áo, nhưng Khôi ngăn lại :

-- Cậu đã mất tiêu cái quần short rồi. Bây giờ nếu cái áo sơmi của cậu nhỡ lại rách nốt thì tập tài liệu kia sẽ ra sao ? Thôi, cho lại nó vào chai đi cậu. Như vậy chắc ăn hơn.

Giọng nói của Khôi hơi làm Việt phật ý. Nhưng Việt cũng chịu là bạn có lý. Anh nhìn lại thân hình mình, trơ trọi còn có chiếc quần xà lỏn và cái áo sơ-mi hồi nãy lăn từ cồn cát xuống đã rách nát. Chiếc xuồng của hai anh em lại nhỏ bé mỏng manh, thêm Lan nữa là ba mạng, ngồi lên chưa chắc gì đã vững. Nếu Lan cứ nhất quyết vào sâu trong động thám thính, thì cuộc mạo hiểm này hứa hẹn rất nhiều tai nạn bất ngờ.

Việt lẳng lặng bỏ tập giấy vào chai, nút lại cẩn thận rồi buộc chặt dưới tấm ván ngồi. Như vậy dù xuồng có bị lật, cái chai cũng không thể mất, giấy bên trong không sợ bị ướt.

Khôi cho xuồng rời khỏi chỗ nấp. Việt ngồi giữ tay lái phía sau, Còn Khôi thì chèo. Cả hai đều im lặng chăm chú vào phận sự của mình, Việt phải lái làm sao cho mũi xuồng khỏi va vào những tảng đá mọc lởm chởm trên mặt biển, còn Khôi luôn luôn hướng lên mặt ghềnh canh chừng nhỡ có người truy nã.

Từ chỗ nấp, không xa bến thuyền bao nhiêu, men theo vách ghềnh để tới chân ngọn hải đăng nơi hẹn đón Lan thật là vất vả. Hai anh em chỉ trao đổi với nhau vắn tắt được vài lời. Xuồng đi ngược dòng thuỷ triều nên chỉ nhúc nhích từng chút, không ai còn thừa hơi để lãng phí nữa. Tất cả sức lực đều dồn vào các cánh tay chèo lái. Gan bàn tay của Khôi Việt đã bắt đầu phồng rát , nhưng chẳng ai dám quan tâm.

Điều an ủi là hai anh em đã thấy Lan đứng đón sẵn trên mặt ghềnh. Vừa thấy bóng Khôi, Việt, nàng đã giơ tay vẫy và chạy xuống một lối mòn vòng theo chân ngọn hải đăng. Để đón Lan, Khôi Việt phải lách xuồng đến gần. Ngọn hải đăng này có đã lâu đời, dựng lên từ triều đại nào về trước,nên tường vách được xây bằng đá ong, và thời gian đã phủ lên nó lớp áo phong sương rêu phủ. Một chiếc thang sắt bám bên vách hải đăng, nhiều nấc đã rỉ sét và điều làm Khôi Việt hơi lấy làm lạ là chân thang không đứng trên mặt đất mà lại thõng sâu xuống biển, nên người ta có thể áp thuyền tới sát bên thang mà không cần đặt chân lên bờ.

Giá vào lúc khác thì Khôi Việt đã ghé xuồng trèo lên coi chơi, nhưng vì còn phải đón Lan nên hai anh em chỉ bàn tán, ước lượng bề cao của ngọn hải đăng khi xuồng lướt tới. Cũng đúng lúc ấy Khôi Việt chợt nhận ra sự lạ.

Một bóng người vừa chợt hiện trên đỉnh hải đăng. Hắn mặc bộ y phục bó chẽn bằng cao su như năm bóng người bí mật mà mới đây Việt đã thấy mất hút vào vách đá. Bóng người trên ngọn hải đăng mải vào công việc của hắn, nên không thấy xuồng của Khôi Việt men phía dưới. Hắn làm những động tác đánh dấu hiệu, rồi bước xuống thang.

Khôi vội nép xuồng vào một mô đá thì thào :

-- Coi kìa, Việt ! Hắn xuống thẳng dưới biển !

Quả nhiên, điều đó không cần Khôi nói, Việt cũng thấy rõ. Hắn bước xuống, quay lưng lại phía Khôi Việt và khi tới mặt sóng hắn vẫn tiếp tục bước sâu xuống nữa.

Giọng Khôi lạc hẳn đi :

-- Cậu có thấy không đó ?

Việt đáp:

-- Tớ không rõ cậu đã nhìn thấy gì, riêng tớ, thì thấy một người đang đi xuống lòng biển ! Kỳ cục thật! Hắn định trầm mình hay sao chứ !

-- Có sao đâu… Cậu không thấy khi xuống nước hắn kéo cái mũ úp kín đầu và được gắn liền với cổ áo à ? Thứ áo đó là trang phục riêng của những người thợ lặn…

Việt băn khoăn :

-- Khôi này; cậu thử nghĩ xem tụi mình sức mấy mà đối phó được với những người chuyên môn chui xuống lòng đất và lòng biển như thế hả !

Khôi trầm ngâm :

-- Họ làm tớ nghĩ đến câu chuyện hoang đường liên quan tới Phố Hội cổ xưa bị chìm ngập…

-- Tớ cũng đã nghĩ như thế, nhưng không dám nói ra. Tụi mình trèo vào đón Lan thôi.

Vừa bước chân xuống xuồng Lan đã hỏi :

-- Hai cậu có thấy người đàn ông trên ngọn hải đăng vừa rồi không ? Ngày nào tui cũng thấy hắn, song không biết hắn chui ở phía nào lên. Điều tôi biết chắc là hắn chỉ lên đấy, làm những ám hiệu vào lúc có nước triều dâng. Khi xuống thấy biến luôn, không hiểu hắn đi mô ?

Khôi nói :

-- Hắn mặc đồ lặn, và hắn xuống thẳng dưới nuớc. Tụi tôi vừa thấy xong.

Lan gật gù :

-- Tui thường nghe họ nói đến bộ áo làm việc. Lâu lâu cũng bất chợt gặp họ mặc kể cả anh Minh. Nhưng không ai chịu nói rõ mặc áo đó để làm công việc gì. Thôi cậu Khôi để tui chèo đỡ cho. Khi tới cửa hang, cậu lại chèo để tui lái.

Khôi liếc nhìn Việt tỏ ý ngại ngùng phải nhường mái chèo cho một cô gái. Dù sao thì tay Khôi cũng đã nổi chai lên rồi. Vả lại, Lan nói là làm. Nàng nắm lấy mái chèo và ngồi vào chỗ của Khôi. Trong khi Lan sử dụng mái chèo một cách khéo léo, thì Khôi Việt kể cho nàng nghe sự việc đã xảy ra. Lan im lặng nghe và không dấu nổi xúc động khi nghe đến đoạn thầy Phong mò ra chỗ rào gai để gửi tập tài liệu bí mật.

Nghe xong chuyện, Lan gác mái chèo và quan sát chăm chú vách ghềnh.

Việt lo lắng ;

-- Tôi chỉ sợ nếu bọn họ xuất hiện ở phía hải đăng thì tụi mình sẽ là cái đích thật ngon xơi cho họ ngắm bắn.

Lan lắc đầu :

-- Điều ấy không lo lắm vì họ không ngờ bọn mình lại đi ngược lên đây. Vụ náo loạn đã xảy ra từ sáng sớm. Thím Chế Bảo tui có vẻ bồn chồn lắm. Thím cho biết là mọi người đàn ông trong trại đều mắc việc không về ăn cơm trưa, còn thím cũng phải ra đồng với các người đàn bà khác. Thừa dịp đó tôi lẻn ra đây, và chắc không ai để ý, vì ngọn hải đăng này bỏ phế lâu đời rồi. Từ thời Pháp thuộc, Đà nẵng đã trở thành bến tầu chính và ngọn hải đăng mới cũng được dựng lên ở ngoài mũi Sơn Trà. Chỗ này hoang phế, đổ nát, cỏ sắc cây dại chen lấn, chẳng ai ra đây làm gì.

Khôi từ lúc nhường chèo cho Lan vẫn ngồi trên mũi xuồng canh chừng phía trước. Việt vẫn giữ tay lái, nhưng Lan đột nhiên bảo ;

-- Cậu Việt lại chèo đi, để tôi lái cho.

Việt đổi chỗ. Lan tiếp :

-- Cậu nhớ chèo mạnh tay về bên trái một chút. Mình bắt đầu tiến vào cửa động đấy.

Đằng mũi, Khôi đã cầm sẵn chiếc đèn bấm. Hắn ngồi chồ hổm với chiếc gậy hướng đạo, thỉnh thoảng lại chống mũi gậy vào các mỏm đá ngầm cho xuồng khỏi va phải khi bị sóng đánh tròng trành. Lan luôn miệng nhắc chừng Việt :

-- Chèo cho đều nhịp chứ. Cậy đi, cậy ! Xuôi chèo lại kẻo vấp vào đá bây giờ ! Được rồi, bát, kìa bát đi.

Việt quýnh lên. Anh chẳng hiểu gì về ngôn ngữ Lan đã dùng, nên vừa bực mình vừa ngượng ngùng hỏi :

-- Chị nói gì tôi cóc hiểu ! Bát là gì, cậy là gì chị ?

Như sực nghĩ ra, Lan cười ngặt nghẽo :

-- Ừ nhỉ, tui quên mất các cậu không phải là dân biển, cứ quen miệng như khi ngồi thuyền với anh Minh. Nhưng “bát” là bên trái, “cậy” là bên phải. Khi tui nói “bát” thì có nghĩa là tay chèo bên trái của cậu mạnh hơn để ăn nhịp với tay lái của tui cho xuồng đi về bên trái. Còn “cậy” là ngược lại…

Việt thở ra, mỉm cười :

-- Thế mà hồi nãy chị làm tôi quýnh quá ! Kể ra chị Lan cũng bảnh thật. Chị biết nhiều hơn tụi tôi.

Lan thản nhiên đáp :

-- Quen vậy thôi, chớ có giỏi giang chi !

Nàng trầm giọng tiếp :

-- Bọn mình vô đây cũng là liều mạng lắm, song trước khi rời đảo mà không mạo hiểm một phen thì làm sao khám phá ra những bí ẩn mà tụi mình đang muốn biết. Bọn họ không làm gì được mình mô, vì đuổi bắt bằng đường thủy thì thuyền họ đã bị kẹt rồi. Hy vọng đến chiều tối tụi mình sẽ trở về được phố Hội bình yên.

Kể ra ý định của Lan cũng khá liều lĩnh. Việt tự hỏi tại sao không lợi dụng ngay lúc này – lúc họ không còn phương tiện đuổi theo -- để chuồn êm về phố Hội cho rồi? Nhất là khi đã biết chắc chắn thày Phong hiện có mặt trên đảo ? Nhưng xuồng càng đến gần hang ý nghĩ phân vân của Việt cũng tan biến dần theo. Kế hoạch của Lan tuy liều lĩnh song rất hợp lý vì cuộc mạo hiểm vào trong hang dù sao cũng giúp cho ba người khám phá thêm nhiều điều cần biết.

Việt còn đang mải suy nghĩ, đến khi ngửng lên đã thấy vòm hang che trên đầu, Lan nói :

-- Mạnh tay chèo bên trái một chút.

Việt làm theo lời Lan chỉ dẫn và đưa mắt nhìn quanh một lượt. anh nhận ra lòng hang phình rộng, và xuồng càng tiến thêm vào mặt nước càng lặng. Việt gác xuôi mái chèo để xuồng luớt theo đà, nhẹ nhàng tiến vào trong động. Khôi luôn tay lia ngọn đèn bấm đi tứ phía.

Lan phải can :

-- Cậu nên dành “bin” để lát nữa chúng ta còn phải dùng khi vào sâu trong các ngách động. Với lại còn đêm nay nữa, chúng ta cũng cần có đèn để tránh các mỏm đá ngầm khi trở về Phố Hội.

Hang không tối lắm. Mặt nước phản chiếu những tia nắng dọi từ các kẽ hở trên nóc hang, nên chỉ một lát sau quen mắt là có thể nhìn được dễ dàng. Việt nhận ra các ngách hang đúng như Lan đã tả khi thấy bóng thầy Phong, ngách hang này chia làm hai đợt, thoạt trông tưởng đá mọc tự nhiên. Nhưng khi nhìn gần mới thấy đó là lối đưa vào các đường hầm do bàn tay người tạo tác.

Ngách không có lối lên, nhưng sau một hồi tìm kiếm, ba người phát giác ra một góc tối vừa có thể leo lên được, vừa rất tiện làm chỗ giấu xuồng. Lan nói :

-- Chúng mình chỉ có vài tiếng đồng hồ để thám thính ở đây thôi, và phải thoái lui đúng vào lúc nước triều xuống.

Việt kêu :

-- Có hai giờ thôi !

Nhưng anh bỏ lửng câu nói vì không ai nghe anh cả. Khôi đã nhanh nhẹn đặt chân lên ngách đá. Hắn quì một gối trên đất, xem xét và huýt lên nho nhỏ :

-- Coi này ! có một đường rầy đã rỉ sét, ăn thông vô trong hầm.

Ánh đèn trên tay Khôi run run chứng tỏ anh ta đang xúc động và Việt nghe rõ bạn lẩm bẩm :

-- Chắc chắn tụi mình khám phá ra được nhiều sự lạ !

 

Chương 12

Các đường rầy Khôi vừa thấy giống như đường rầy ở mỏ than Nông Sơn. Đó là những đường sắt song hàng, hẹp bề ngang đặt sơ sài trên mặt đất. Các ngách hang nằm bên ngoài cửa hầm có thể là các bến nổi khi nước triều dâng cao. Nhưng các thuyền lớn không thể cặp vào bến này được, vì lòng hang tuy khá rộng, song không đủ cho những thân thuyền dài xoay chuyển. 

Khôi đặt câu hỏi :

- Phải chăng đây là một thứ bến để bốc hàng bằng các xuồng nhẹ ?

Lan nói :

- Tui sinh trưởng ở đây, và sống trên đảo này suốt thời thơ ấu, mà tui có thấy ai bốc hàng, dỡ hàng chi mô ? Thổ sản ở đây, ngoài cá mú, và dầu chàm ra không còn có gì để phải chuyên chở bằng những chiếc goòng trên đường này !

Khôi quả quyết :

- Chắc ở đây phải có một cái mỏ. Đúng rồi. Tiếng chuông mà chúng ta nghe âm u dưới lòng đất là tiếng chuông báo hiệu giờ làm dưới mỏ.

Việt vỗ tay lên trán :

- Nếu thế, năm người mà Việt thấy sáng nay là năm thợ mỏ !

Lan trầm ngâm nhắc lại :

- Một cái mỏ ! Có thiệt những người trong trại đã xuống làm việc dưới hầm mỏ chăng ? Tại sao không ai nói chi tới cái mỏ đó bao giờ cả ?

Giả thuyết có một hầm mỏ giải thích được nhiều điểm nghi ngờ, ví dụ như năm người sáng nay đã chui cửa hầm để xuống chỗ làm việc. Nhưng Việt vẫn không thể hiểu được tại sao họ xuống hầm mỏ mà lại phải lặn dưới biển, với bộ đồ thợ lặn. Hơn nữa, còn thầy Phong, nguyên nhân nào đưa thầy đến đây và hầu như bị cầm giữ trên đảo ?

Đứng trên đường rầy, Khôi, Việt và Lan thì thầm bàn tán. Tiếng sóng vỗ ngoài ghềnh lấn át tiếng nói của họ. Khôi nói :

- Không hiểu họ đang khai thác mỏ gì ở đây nhỉ ?

Lan tiếp :

- Và những ai đang làm việc ở đây ? Ngoài ít dân trên đảo, tui chắc còn có nhiều người khác nữa mà anh Minh phải e dè. Còn thầy Phong, Chẳng hiểu thầy ấy ra sao ?

Khôi đưa tay lên gãi sau gáy, một thói quen của Khôi khi gặp điều bối rối, và ngắt ngang lời Lan:

- Tụi mình cứ đứng đây bàn tán mãi chẳng được tích sự gì cả. Tốt hơn hết ta nên tìm xem những cửa hầm này đưa tới đâu. Chỉ ngại là không biết có kịp không, vì nước triều đang lên và mực nước còn dâng cao hơn nửa.

Lan gật đầu :

- Đúng thế ! Có thể lúc tụi mình đang mò mẫm trong đường hầm mà nước dâng lên thì tụi mình chẳng khác gì một lũ chuột mắc kẹt trong ống cống !

Khôi chỉ ngấn nước của mức thuỷ triều hôm trước còn để dấu lại gần sát nóc hang :

- Nếu vậy chúng ta rút lui chứ ? Rõ ràng là mực nước sẽ ngập quá nửa hầm rồi.

Giọng Lan có vẻ gay gắt :

- Muốn thoái thì cũng đành vậy chứ biết răng chừ ! Nhưng tính sao đây ? Xuống xuồng ngồi đó chờ nước rút rồi ra hả ?

Thực tình Khôi Việt không có ý định bỏ cuộc sớm như thế. Lời nói gay gắt của Lan làm hai anh em ái ngại. Mạo hiểm vào hang trong lúc gặp điều kiện thuận lợi đã là can trường rồi. Nhưng nếu đi sâu vào các hầm mỏ trong hang đầy rẫy nguy hiểm rình rập thì quả là liều mạng. Trong những trường hợp tương tự, nếu phải chú Triều Dương, chú sẽ khuyên : nên khôn ngoan chứ đừng liều lĩnh. Việt quay sang Lan phân trần :

- Chị cũng nhận thấy là nếu tụi mình tiến sâu hơn có thể bị mắc kẹt lắm chứ ? Bởi vậy đã tới đây mà có phải thoái lui thì cũng kể như bất đắc dĩ…

Lan cướp lời :

- Theo tui thì cần phải khám phá ra những bí ẩn ở trong hang nầy và tìm cách cứu thầy Phong còn hơn là…

- Là sao chị ?

Lan đổi giọng. Nàng ôn tồn nói :

- Các cậu đừng tưởng là tui mạnh bạo chi mô. Tui cũng run lắm chớ. Nhưng tui tin chắc tụi mình chẳng đạt được kết quả nào hết nếu không tranh thủ thời gian, hành động kịp thời trước khi nước triều xuống. Trong trường hợp phải rút lui, chắc chắn chúng ta có thể tìm được chỗ ẩn náu để chờ nước rút. Chiếc xuồng của tụi mình đã được giấu vào một chỗ kín đáo nên không sợ gì hết.

Khôi gật đầu. Hình như không còn cách nào hơn là tán thành ý kiến của Lan khi nàng bày tỏ ý kiến ấy một cách hết sức điềm tĩnh. Lan tiếp :

- Còn điều này nữa là không ai có thể vô đây vào giờ nước lớn, vì cửa hang đã bị ngập kín rồi. Muốn vô trong ni phải lợi dụng đúng lúc nước triều lên, như hồi chúng ta chèo vô mới được. Thường thường mực nước chỉ dâng tới ngách hang này thôi. Ngách trên ít khi bị ngập.

Khôi nói :

- Chị nói cũng có lý. Cửa hang ngoài một khi đã ngập kín rồi thì chẳng ai vào đây được nữa. Còn chúng mình đã vào đây, đã thấy cái đường rầy này ăn thông vào trong hầm mà không xem xét cho tỏ tường, kể cũng uổng công lắm.

Khôi gãi gáy tiếp :

-Theo tôi, ta nên leo lên ngách trên thì hơn, vì đứng dưới này dầm chân dưới nước khó chịu quá.

Ba người quay lại chỗ giấu xuồng kiểm soát lần nữa cho chắc, rồi tìm cách leo lên. Điều cả ba người đều quan tâm là tìm kiếm tỉ mỉ xem hai ngách hang này được dùng làm thứ bến bí mật để bốc dỡ món hàng gì ? Nhưng muốn lên ngách trên không thể bám vách hang leo lên được; nên sau một hồi bàn tán, ba người quyết định chui vào đường hầm vì chắc hai ngách phải có lối ăn thông với nhau. Ánh nắng bên ngoài lọt qua các kẽ hở trên nóc hang lóe lên thứ ánh sáng mập mờ, đủ cho ba người nhìn được lối đi.

Tiến sâu thêm chút nữa, khoảng đường rầy có vẻ ít rỉ sét hơn. Đoán chừng chỗ này là nơi bốc dỡ hàng, ba người khom lưng tìm kiếm, nhưng thấy toàn sỏi đá, tuyệt nhiên không có một cục than hay miếng quặng nào.

Việt nói :

- Họ chuyên chở thứ gì mà tuyệt nhiên không thấy vương vãi một dấu vết nào. Bí mật thật !

Lan nhún vai :

- Có thể là họ chẳng chuyên chở chi hết. Biết đâu khúc đường sắt này đã có sẵn từ lâu vậy thôi.

Khôi thúc dục :

- Mình cứ tiến vào xem sao. đường hầm này dốc trở lên trên chắc ăn thông lên ngách trên được.

Lan gật đầu :

- Đúng thế. Tui đã thấy thầy Phong và anh Minh xuất hiện trên đó.

Hầm tối om, nên phải chờ Khôi sửa soạn đèn bấm. Trước khi chui vào, ba người còn thận trọng nhìn về chỗ dấu xuồng.

Lan chỉ tay nói :

- Coi kìa, chỗ chúng mình vừa đứng ngập nước rồi.

Quả nhiên, mực nước dâng lên rất chóng đã vít kín hẳn cửa hang. Ba người lặng lẽ nhìn nhau, hồi hộp. Giờ phút này kể như họ đã bị nước triều nhốt kín trong động. Trước hoàn cảnh đó cả ba đều cảm thấy hoảng sợ, nhưng cảnh tượng trước mắt, từng đợt nước sôi réo, cuồn cuộn từ ngoài tràn vào, làm họ sững sờ đứng ngắm không chán mắt.

Khôi bật đèn : 

- Chúng mình chui vào hầm thôi chứ ?

Đúng lúc ấy, Việt chợt thấy ở cửa hang nổi lên một vật đen ngòm, loáng ướt. Anh chỉ tay kêu : 

- Kìa ! Một con cá ông !

Con vật kỳ dị mà ba người chưa hề thấy, nổi lưng trên mặt nước xoáy động nom giống như một con kình ngư của biển cả.

Nó lừ lừ tiến về phía ba người đang đứng, và khi tới gần, nó lặn xuống. Lúc ấy ba người mới kịp nhận ra con vật đó chỉ là một chiếc tầu ngầm.

Người nhận ra điều ấy trước tiên là Khôi. Anh kêu :

- Không phải cá ông ! Nó là một chiếc tầu ! Một tiềm thuỷ đĩnh !

Việt nói :

- Chắc nó đến lấy hàng !

Lan tiếp :

- Ừ hí, nó chờ đúng lúc nước triều lên cao, lẻn vô đây để khỏi ai trông thấy.

- Ồ. Có một nắp tàu vừa mở !

- Nguy rồi, tụi mình trốn mau !

Cả ba phóng mình vào trong hầm, xô đẩy chệnh choạng trên đường sắt. Qua cơn hốt hoảng, ba người dừng lại. Khôi bật đèn, phía trước mặt, khúc đường rầy quẹo sang một ngách hầm khác và bên tay mặt có một khe hẹp mà Khôi đoán là lối lên tầng trên.

Khôi nói :

- Chúng mình tạm ngừng đây xem tình hình ra sao đã.

Lan phụ hoạ :

- Phải đấy. Đứng thở một chút cho đỡ mệt.

Việt băn khoăn :

- Sợ nước triều còn dâng lên tới đây nữa thì sao ?

Việt vừa nói xong thì một tiếng động chát chúa vang lên phía sau lưng. Khôi quay phắt lại, rọi ánh đèn, kịp cho mọi người thấy một cánh cửa sắt nặng nề sập xuống.

Việt bàng hoàng kêu :

- Chêt cha ! Tụi mình bị kẹt trong này rồi !

*** 

Lan lẩm bẩm :

- Cánh cửa này ngăn cho nước triều khỏi tràn vô trong hầm. Như vậy tụi mình cũng đỡ lo được phần nào!

- Nhưng nó cũng bít luôn lối rút lui của bọn mình !

Khôi cố giữ vẻ bình tĩnh.

- Mình sẽ tìm lối khác !

- Biết có lối nào khác không ? Lớ ngớ nhỡ họ tóm được thì nguy !

Lan thản nhiên đáp :

- Rủi có lọt vào tay họ tui cũng bất cần. Thầy Phong cũng đang ở trường hợp đó.

Từ lúc cánh cửa sắt nặng nề sập xuống bít kín cửa hầm, bọn Khôi, Việt và Lan không dám bàn tán mạnh dạn nữa. Ba người chỉ thì thào trao đổi ít lời để trấn tĩnh nhau : vì ai cũng hiểu rằng họ đã bị kẹt trong hầm, và phân vân không biết nên đi theo con đường sắt, hay vào khe hẹp để lên từng trên ?

Chiếc tầu hiện ra giữa lòng hang đúng là một tiềm thuỷ đĩnh rồi. Nhưng nó khác hẳn các loại tầu ngầm thường thấy, có thân dài như mình cá. Đây là một loại tầu ngầm nhỏ, thân ngắn, sườn phình tròn giống hình thù một con rùa khổng lồ, và hình như đặc biệt được dùng ở nơi chật hẹp cho dễ xoay trở. Việt tự hỏi : tại sao nó phải chờ nước triều lên để lặn sâu vào trong động. Chắc chắn nó phải có một lý do bí mật nào. Lý do đó rất dễ hiểu :

Nó vừa cặp vào sát ngách hang để chờ bốc hàng xuống ! Nhưng hàng gì ? Và do đâu chở tới ? Đứng trong đường hầm tối om, Việt không ngớt đặt ra nhiều câu hỏi. Thoạt đầu anh tưởng việc thầy giáo Phong mất tích đã là một việc quan trọng. Nhưng bây giờ trước sự xuất hiện đột ngột của chiếc tầu ngầm này, Việt lại thấy mình đứng trước một bí ẩn còn quan trọng hơn.

Anh nghĩ giá lúc nhận được tập tài liệu mật của thầy Phong, anh và Khôi đem ngay về Phố Hội, thì có lẽ chú Triều Dương và các nhà chức trách đã có những biện pháp thích hợp cho các vấn đề rắc rối này. Nhưng bọn anh cũng không thể bỏ mặc Lan ở đây được. Lan đã giúp đỡ các anh, cùng phe với các anh ; hơn nữa Lan lại sẵn sàng chịu đựng mọi gian nguy để mong cứu thoát anh nàng và thầy Phong thì Khôi Việt càng có bổn phận phù trợ nàng. Bây giờ việc đã lỡ rồi, chiếc xuồng đã để lại ngoài kia, cửa hầm bị vít kín có than trách cũng là vô ích. Chỉ còn cách tiến tới, may ra còn cơ hội thoát ra được, hoặc hy vọng tìm được Minh hay thầy Phong.

Việc trước nhất bọn Khôi Việt nhắm tới là men theo vách hầm đến cuối khe đá bên tay mặt mà cả bọn đều cho rằng đó là lối lên ngách thứ hai. Nếu lên tới ngách trên mà gặp trắc trở, chẳng hạn như đụng độ với người của chiếc tầu ngầm vừa xuất hiện thì sẽ lại rút xuống hầm để theo con đường sắt xem nó dẫn tới đâu.

Lối lên ngách trên thật khó nhọc. Khe chật chỉ vừa đủ lọt một người, có lúc phải chui qua một lỗ tối trơn trượt, có lúc lại phải trèo những bậc đá xoáy trôn ốc. Khôi trao cho Việt chiếc đèn bấm, và Việt tiến lên trước, vừa chiếu đèn trở lại cho Khôi và Lan theo sau. Chiếc ba-lô Việt đeo sau lưng cứ bị vướng chạm vào các mô đá. Phía dưới, giọng Khôi lại luôn luôn nhắc nhở.

- Chậm chậm chứ ! Sao cậu đi nhanh thế ?

Việt phải ngừng lại từng chặng và đưa ánh đèn dò dẫm.

Sau khi lách qua khe đá, Việt thấy trước mặt hiện ra một hành lang có cầu thang. Anh thở phào :

- Ra tới chỗ rộng rồi. Chỗ này có một cầu thang.

Việt vừa dứt lời, chợt nghe có tiếng chân bước nặng nề đi xuống !

Việt khựng lại, ghé tai Lan bảo :

- Quay lại ! Chị nói với Khôi quay lại mau !

Anh vừa thụt lui được vài bước Lan đã thì thào :

- Cậu Khôi hỏi tại sao rứa ?

Khôi vẫn có cái tật ấy ! Nhè lúc tình thế khẩn cấp mà bắt giải thích tại sao ! Việt bực mình đáp :

- Không cần hỏi lôi thôi, chị cứ xô hắn đi hộ tôi. Có người đang tới !

Việt cố khom người cho khỏi bị vướng mắc mà chiếc ba-lô vẫn cứ như muốn cản anh lại. Phía sau có tiếng cằn nhằn của Khôi vì bị Lan xô đẩy. Nhịp chân của người lạ vẫn đều đặn bước xuống, không nhanh không chậm. Hắn chưa biết có bọn Khôi Việt ở đây, nhưng chầy kíp hắn cũng khám phá ra. Việt lui tới một khoảng khá rộng, vừa đủ cho anh xoay người lại. Từ lúc quay lui, Việt không dám bấm đèn nữa. Anh sờ soạng lần theo vách đá, và càng hấp tấp anh càng lúng túng thêm. Chiếc ba-lô của Việt vướng quai vào mốc đá kéo đè lên đầu Việt.

Đúng lúc ấy, tiếng chân người đã xuống hết bực thang. Có ánh đèn lướt qua chỗ Việt vừa nhô lên khi nãy và khi nghe tiếng động nên thụt lại. Hoảng hốt Việt mất hết bình tĩnh. Anh giật mạnh chiếc ba-lô làm nó tuột qua đầu và cũng đồng thời vật anh ngã ngửa. Ánh đèn bên trên tiếp tục di động lại gần. Việt vùng lên bỏ chạy.

Thoát khỏi khe đá, Việt gặp lại Khôi và Lan đứng đợi. Họ rồn rập hỏi :

- Có chuyện chi rứa ?

- Cậu nghe ngóng ra sao ?

- Còn chiếc “sắc” đâu ?

- Rơi mất rồi hả ?

Khôi dằng lại cây đèn. Việt hổn hển nói :

- Mau lên có người đang soi đèn đi xuống. Tụi mình chỉ còn cách chuồn theo lối đường sắt thôi.

Đầu kia, trong khe tối vẳng lên tiếng nói của một người đàn ông. Hắn càu nhàu bằng giọng nói ngoại lai khó hiểu.

Việt thì thầm.

- Hắn thấy rồi. Chắc hắn vấp phải chiếc ba lô. Thôi, chuồn mau đi !

Cả ba người hấp tấp bỏ chạy. Khôi nói :

- Nắm lấy nhau cho khỏi lạc ! Mình cần phải tới khúc quẹo của đường sắt trong khi gã kia còn mải ngắm chiếc ba lô của Việt !

Việt chống chế :

- Tớ có muốn thế đâu ! Tại cái quai nó mắc vào đá đấy chứ !

Lan nói :

- Dĩ nhiên rồi ! Cũng như nó đã làm khốn đốn cậu ngoài hàng rào kẽm gai bữa gặp tui đó tề ! Mấy cậu con trai ưa đeo sắc trên vai lắm. Làm như hễ đi đâu là phải mang theo đủ thứ !

Tới khúc quẹo của đường sắt, Khôi bật đèn, nhưng cẩn thận che bớt ánh sáng. Chỗ đó là nơi tiếp giáp của nhiều đường ăn thông vào các cửa hầm khác. Có lẽ đây là những đường hầm đi sâu xuống dưới lòng mỏ. Còn đang phân vân chưa biết chọn ngả nào thì ánh đèn của gã đàn ông đã tiến tới phía sau. Hắn đã thấy chiếc ba-lô nên đang lùng kiếm bọn Khôi Việt.

Khôi tắt phụt ánh điện, kéo cả bọn vào một con đường hầm gần nhất. Bước chân của ba người vang lên trong đường hầm. Thỉnh thoảng họ dừng lại vì nghe như có tiếng sóng gió gầm thét đâu đây. Chẳng biết đó là tiếng sóng vỗ hay tiếng gió lùa vào các cửa hầm tạo nên thứ âm thanh u trầm, hun hút ? Chạy quanh co một lúc khá lâu, ba người thấy yên tâm hơn vì có cảm tưởng như đã làm gã đàn ông lạc hướng không còn biết ngả nào đuổi theo.

Lan bỗng nói :

- Từ nãy giờ tụi mình chạy cuống lên, chẳng hiểu đâu với đâu cả.

Nhận xét của Lan thật đúng. Ba người như bị lạc vào một hang động đầy ngõ ngách và vắng bóng người.

Ánh đèn lại được chiếu sáng, cả bọn lần đến một khúc đường sắt chia làm ba ngả. Phía trên đầu, những dây điện cao áp chằng chịt trên vòm đá. Việt thầm nghĩ : Không biết những dây điện này dùng để làm gì ? Có còn được dùng nữa không ? Mà sao có vẻ hoang vắng thế ?

Khôi đứng trên đường rầy chợt lên tiếng :

- Tụi mình mạo hiểm vào đây cũng khá xa rồi. Có lẽ nên tìm lối chuồn ra thôi.

Việt đáp :

- Đã chắc gì tìm được lối mà ra chứ !

Bỗng có tiếng kim khí rít lên ken két, tiếp theo là tiếng rú đau đớn của Khôi :

- Ối cha ! Chân tôi bị kẹt rồi. Chiếu đèn mau !

Lan rọi ánh đèn vào Khôi đang múa may trên đường sắt :

- Chết, sao thế ?

Khôi rên rỉ:

- Chi không thấy một chân tôi bị kẹt vào đường rầy đó sao ? Còn hỏi !

Lan vùng nói :

- Phải rồi, họ đổi “ghi”. Hèn chi có tiếng kêu ken két vừa rồi.

Khôi giục :

- Hai người làm ơn kéo tôi ra với chứ !

Vừa nói Khôi vừa vùng vẫy cố rút chân ra khỏi đường sắt.

Việt kinh hoàng nghĩ đến trường hợp có người đã vướng chân vào đường ghi và bị cả một toa xe lửa xông đến cán nát thây. Lan luống cuống lai ánh đèn tìm một đòn bẫy, hy vọng dùng đòn bẫy ấy làm nhả hai mối sắt đang kẹp cứng chân Khôi.

Nhưng cả ba bỗng kêu lên kinh hãi.

Đường hầm vụt sáng.

Xa xa, có tiếng chuyển động ầm ầm của một đoàn xe đang tiến đến…

Xem tiếp chương 13 & 14