Hai Tờ Di Chúc 1 - Chương 3 & 4

Chương 03

BÃO TỐ

Mấy ngày sau, khi hai cha con ngồi ăn lót dạ, luật sư Minh bảo con gái :

- Bữa nay con rảnh không, Ái Lan ? Nếu rảnh thì ba nhờ con một việc, nghe !

Em vui mừng láu táu :

- Vâng ! Việc gì đó, ba ?

- Đây này ! Ba có một xấp tài liệu cần chuyển cho ông Dự thẩm dưới Di Linh thật gấp. Ba định đích thân xuống đó giao tận tay ông kia đấy, nhưng sáng nay ba mắc hẹn để giải quyết mấy vụ quan trọng lắm. Vậy con đi giùm ba !

- Dạ ! Ba yên trí ! Con sẽ chuyển đến tay ông Dự thẩm tài liệu đó trước 12 giờ trưa hôm nay ! Từ đây xuống Di Linh có 70 cây số thôi mà, ba ! Xe Vespa của con chạy mấy hồi !

- Tốt lắm, cưng của ba ! Thế là ba yên trí đỡ được một gánh nặng ! À, này ! Ái Lan ! Việc phải xuống Di Linh không làm phiền con đấy chứ ?

Ái Lan reo lên :

- Đâu có ba ! Con lại càng thích ấy chứ ! Ba coi, bữa nay trời đẹp như thế này ! Con diện cái mũ dạ trắng ba mới mua cho và đôi găng tay trắng mà lái Vespa mới toanh thì oai lắm chứ, hả ba ?

Luật sư Minh đứng dậy, tiến lại khung cửa sổ và đưa tay nhẹ kéo tấm màn gió :

- Ờ, ờ ! Trời hôm nay đẹp thật... À, nhưng mà đám mây xám ở phía Tây kia trông ngại quá con à ! Chắc chắn thế nào cũng có trận mưa, nội ngày hôm nay, chưa biết lúc nào đó. Thành phố Đà Lạt ở trên cao cứ hễ hơi có chút gió lớn mưa rào là y như hứng chịu trước hết.

- Nếu vậy con phải đi gấp mới được, nghe ba ! May quá, con lại mặc quần áo sẵn sàng rồi chứ ! Ba đưa con xấp tài liệu đi, ba ?

- Được ! Ba để ở ngoài văn phòng. Để ba cùng đi với con ra đó ?

Khi đã ngồi vững trên yên sau Vespa của con gái, ông Minh mới lên tiếng, trong khi chiếc xe chạy bon bon ra phố :

- Ái Lan ! Mấy bữa nay sao không thấy con nói chuyện cụ Doanh gì hết thế ? Hay là con đã bỏ cuộc rồi ?

Sắc mặt Ái Lan nghiêm hẳn lại :

- Đâu có bỏ cuộc ba ! Trái hẳn thế ! Có điều con chưa tiến được một bước nào trong việc điều tra tìm hiểu ba à ! Thích, thì ham thích lắm nhưng có lẽ con khó mà trở thành nữ trinh thám được đó, ba ơi !

- Đừng có vội nản lòng ! Con nên biết rằng, vụ gia tài cụ Doanh có thể làm bối rối bất cứ một tay thám tử trứ danh nào ?

- Thực ra thì con cũng chưa mất hết hy vọng đâu, ba ! Hừ ! Biết đâu, một ngày nào đó con lại chẳng tình cờ vớ được một vết tích gì có thể giúp con được.

Một lúc sau, Ái Lan đã dừng xe trước cửa văn phòng của cha. Ông Minh bước xuống, chạy lẹ vào trong nhà. Ba phút sau ông đã trở ra, tay cầm một chiếc phong bì lớn, dày cộm, có gắn si và đưa cho con gái :

- Đây ! Con nhớ trao tận tay ông Dự thẩm Nguyễn Hải Ngân nhé ! Con biết địa chỉ của ông Nguyễn Hải Ngân ở Di Linh rồi chứ ?

- Dạ, biết rồi ! Ba đừng lo ! Hồi cắm trại ở Bảo Lộc con đã đi ngang văn phòng ông nhiều lần mà !

Ái Lan giơ tay tạm biệt cha, quay đầu xe hướng về phía Di Linh mở máy.

Chưa đầy năm phút sau, những căn nhà cuối cùng của thành phố Đà Lạt đã tụt lại phía sau xe, và Ái Lan ưỡn ngực hít một hơi dài khoan khoái.

Tuy sinh trưởng tại Đà Lạt, từ lúc ra đời cho tới nay, bao giờ cũng sống ở Đà Lạt, Ái Lan vẫn không hề phút nào giảm sút tấm lòng yêu mến nơi cắt rốn chôn nhau. Tuổi mới chưa đầy 16, em đã biết kiêu hãnh vì mảnh đất quê hương được nhiều người biết đến và tặng cho cái mỹ danh "Xứ anh đào trên đất Việt". Danh từ đẹp quá, nhưng không chút ngoa ngôn nếu người ta đứng trước cảnh Hồ Xuân Hương trong nắng sớm đưa mắt lặng ngắm hàng hoa Anh Đào trên bờ đang nở rộ. Ai đi qua cây cầu xi măng cốt sắt có cái tên đặc biệt "cầu ông Đạo", vừa là cầu vừa là đập ngăn nước hồ, cũng không thể không dừng chân, dựa tay vào hàng lan can sắt ngó xuống đáy đập để xem nước hồ, lách qua khe cửa sắt dày, đổ xuống những ghềnh đá, kêu ùm ùm, bọt tung trắng xóa. Rồi dòng nước trong vắt qui tụ lại, êm đềm xuôi chảy lững lờ, tản mát vào tưới ẩm những luống sà lách, bắp xu, những cụm glaieul trắng đỏ hồng, mimosa, cúc vàng tươi và những cành hoa hồng màu tiết dê cánh mướt như nhung mịn. Trên đồi thấp hàng thông hùng vĩ chen chúc mọc rồi kéo nhau soải dài liên tiếp ngút ngàn. Lá thông rung rinh hòa tấu vi vu điệu nhạc muôn đời trong gió sớm.

Cảnh đẹp là thế ! Ái Lan được ngắm nhiều nhưng không bao giờ biết chán. Nhưng buổi sáng hôm nay, việc hệ trọng do người cha giao phó trĩu nặng trên vai, em chăm chú lái xe, chốc chốc lại đưa mắt nhìn bầu trời phía tây lo ngại. Tuv nhiên mặt trời sáng ấm vẫn chiếu rải nắng đẹp trên con đường nhựa sạch sẽ như chùi. Đám mây khổng lồ màu xám tụ tập góc phía tây vẫn đứng im không nhúc nhích khiến em cảm thấy yên tâm. Ái Lan tự nhủ thầm : "Mình hy vọng chuyển xong xấp tài liệu của ba gởi cho ông Dự Thẩm Hải Ngân rồi quay trở về thật nhanh cho kịp tới nhà, trước khi ông Trời trở mặt !"

Và em gần như nói lên thành tiếng reo vui :

- May lắm ! Gió đâu có thổi về phía này !

Mười một giờ đúng, em đã tới Di Linh.

Ái Lan dựng và khóa xe xong, cầm chiếc phong bì chạy lẹ vào văn phòng ông Dự Thẩm Nguyễn Hải Ngân. Người tùy phái cho biết là ông mới đi ra Tòa được chừng mười phút. Em quay ra lái xe tới Tòa, hỏi thăm mãi mới được giáp mặt ông Hải Ngân. Ông Dự Thẩm, qua lời nói của Ái Lan, được biết em là con gái người bạn thân nhất của mình, tỏ ra vui mừng vô hạn. Ông nhất định lưu em ở lại, dẫn em về nhà ăn cơm trưa với vợ chồng ông. Ái Lan nhớ lời ba em thường dạy : "Đối với các vị trưởng thượng thì cung kính chẳng bằng vâng mệnh", em vui vẻ tuân theo. Và em đã được một tiếng đồng hồ sống vui trong gia đình ông Dự Thẩm và bà vợ hiền hòa rất yêu trẻ. Nhất là vợ chồng ông lại hãy còn hiếm muộn chưa có con. Suốt bữa cơm, bà chỉ lo gắp thức ăn bỏ đầy chén của Ái Lan rồi vui cười ngồi ngắm em ăn. Và bà nói nhiều câu khôi hài mục đích làm cho Ái Lan cười để bà lại được nhìn ngắm hai cái lúm đồng tiền trên má.

Nhưng rồi bữa cơm, dù vui tới đâu, cũng tới lúc chấm dứt. Ái Lan đứng dậy xin phép ra về.

Bà Dự Thẩm bịn rịn nắm mãi tay em. Ông Hải Ngân thân dẫn em ra tận cửa, chỗ em dựng xe.

Ái Lan tươi cười nói với ông Dự thẩm :

- Thưa ông ! Cháu muốn về Đà Lạt bằng lối Lạc Dương để có dịp ngắm cảnh dọc theo hai bờ con sông nhỏ La Ngà, nhưng cháu chỉ ngại thời tiết sẽ đột ngột thay đổi. Thưa ông ! Liệu chừng trời có mưa được không ạ ?

Ông Hải Ngân ngẩng lên nhìn. Mặt trời vẫn le lói chiếu, nhưng tia sáng có vẻ dìu dịu hẳn đi và một vài cụm mây xám đang từ từ bốc cao từ phía chân trời.

- Nếu có mưa thì cũng phải hai hoặc ba tiếng đồng hồ nữa mới mưa. Những đám mây đen kia ngó bộ cũng không có vẻ gì là đe dọa lắm !

- Dạ ! Nếu vậy cháu về theo con đường đi qua Lạc Dương.

Ngót một tiếng đồng hồ sau, Ái Lan đã, thay vì cho xe chạy thẳng, lại rẽ vào con đường trải đá bên tay mặt : con đường khá lớn chạy lượn theo bờ sông La Ngà, cũng dẫn về Đà Lạt, nhưng qua ngả Lạc Dương.

Hai bên đường, hàng cây lớn rủ bóng xum xuê mát rượi. Đường lại vắng xe cộ qua lại. Lâu lắm mới gặp một chiếc xe vận tải từ các nông trại ở hai bên đường chạy ra, trên chở đầy nông sản. Ái Lan cho xe chạy chầm chậm để có thể thưởng thức phong cảnh đẹp như vẽ.

Có một quãng, tàn lá xanh um của rặng cây hai bên đường, chen chúc vươn lên, đan vào nhau tạo thành cái mái thiên nhiên che lấp một khoảng trời xanh. Ái Lan khoan khoái lướt xe êm êm bon đi dưới cái đường hầm râm mát đó. Chừng ba phút sau, ra khỏi bóng tối xanh um lành lạnh, em bỗng giật nẩy mình : Mặt trời đã biến đâu mất ! Đám mây đen xám, mới buổi sáng trông còn hiền lành vô hại là thế, giờ đây đột nhiên trở thành đe dọa hãi hùng. Nó tản ra rất nhanh, vây kín bầu trời với một tốc độ khủng khiếp. Trong thoáng mắt, cảnh vật tối sầm lại, đang sáng sủa tươi vui, bỗng biến thành tối tăm ảm đạm, thật mau lẹ như trong một giấc mơ kinh dị. Ái Lan lẩm bẩm :

- Biết thế, mình cứ về đường cũ cho xong ! Bây giờ quay trở lại cũng lỡ rồi mà tiến thẳng thì khó lòng về tới Đà Lạt trước khi trời mưa ! Rắc rối thật !

Em được biết từ trước : con đường đi Lạc Dương này chỉ trải đá và đất đỏ, về mùa tạnh ráo thì tốt lắm. Nhưng nếu bị mưa một trận lớn sẽ trở thành rất nguy hiểm cho các loại xe có động cơ, nhất là một bên dựa bìa rừng, núi đá, cây rậm, một bên là con sông La Ngà. Mặt đường sũng nước trở nên trơn trượt tới mức các tay tài xế xe bốn bánh thiện nghệ cũng bị lắm phen thất đảm kinh hồn. Thêm nữa, đường lại ít xe qua lại, rủi bị tai nạn rắc rối ắt cũng khó có ai biết mà cấp cứu kịp thời. Đặt giả thuyết lỡ bị sa hố chẳng hạn, thì sức lực một em gái nhỏ, liệu được bao lăm, làm sao mà kham nổi chiếc xe Vespa nặng ngót một tạ. Mà muốn kêu gọi người tới khiêng giúp, ít nhất cũng phải nhanh chân cuốc bộ băng qua đồi núi hoặc bãi ruộng, xa tối thiểu là ba, bốn cây số.

Xe vẫn chạy, đồng thời Ái Lan suy nghĩ thật lung :

- Có một chỗ nào ẩn núp tạm cho qua cơn mưa lũ này thì tốt quá !

Trí óc suy nghĩ mà trong lòng em lo lắng vô cùng. Màu xanh của da trời biến mất sau bức thành mây đen kịt. Chốc chốc xe của Ái Lan lại chui qua những tàn cây che kín mặt đường khiến em cảm thấy bóng tối như bưng lấy mắt, tay lái không biết lấy gì làm chuẩn đích nữa. Ái Lan đưa ngón tay bật đèn pha. Đột nhiên một ngọn cuồng phong lao xốc tới, cuốn lá cành rơi rụng gẫy lìa kêu lắc cắc. Em rợn người, rùng mình như đám lá bị gió táp đang run rẩy trên cao.

Ái Lan nhấn thêm tay "gaz" tăng tốc lực. Chiếc xe chồm lên lao vun vút y như một con vật có linh hồn, cảm thông được với cô chủ, cùng nhau ý thức được mối nguy hiểm đang đe dọa cả hai kẻ tớ thầy. Bất thình lình một tia chớp nháng xé rách màn trời đen, tiếp theo là một tiếng sét như trời long đất lở. Ái Lan thầm thì :

- Mưa bão tới rồi ! Khó lòng thoát nổi !

Rồi rạp người trên tay lái, em lao xe vun vút, đèn chiếu sáng quắc. Cuồng phong quét thật hung bạo, hốt tung bụi trên mặt đường. Trước mắt Ái Lan, phía dẫy núi xa xa, mưa trắng xóa chạy nhanh vì gió đẩy, lao vùn vụt về phía em.

Liếc nhanh mắt nhìn hai bên vệ đường, Ái Lan chợt nhận ra mấy nóc nhà sàn cất phía tít cuối đám ruộng bên tay trái. Á kìa ! Thiệt may quá ! Không xa mép lộ trải đá, lờ mờ hiện ra một mái nhà ngói lụp xụp hình dáng trông như một cái kho chứa rơm rạ.

Em mím môi lẩm bẩm :

- Nhất định phải chạy đến đó trước khi đám mưa kia xốc tới.

Muộn rồi ! Những giọt mưa lớn đã bủa xuống, mới đầu còn lác đác, mấy giây sau đã thi nhau quất lộp độp vào tấm kính nhựa phía trước xe, tưới ướt sũng chiếc mũ dạ trắng làm nó bẹp rúm như một chiếc bị rách. Một tia chớp lằng nhằng sáng lóe như pháo bông kéo theo chuỗi sấm động ùng ùng. Rồi nước mưa trút xuống như người cầm thùng nước mà đổ.

Chưa đầy ba phút sau, con đường trải đá biến mất tăm dưới làn nước bùn đục lờ mờ. Ái Lan cũng đã bị mắc mưa nhiều phen nhưng chưa lần nào em bị kẹt giữa một trận bão tố kinh khiếp như lần này. Chiếc xe gài số một, bò chầm chậm, dò dẫm từng bước trên quãng đường lầy lội. Em chỉ lo ngay ngáy gặp phải đám đất bùn trơn trượt, tuột cả xe lẫn người xuống ruộng thì không chết cũng gẫy chân tay. Màn mưa đan trước mặt dày đặc, cách ba thước là không còn nhìn thấy vật gì nữa. Đèn vẫn bật sáng, Ái Lan luôn tay bóp còi inh ỏi để tránh tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

May quá, bóng dáng lù lù của cái nhà kho lụp xụp đã hiện ra chỉ còn cách khoảng mươi thước. Ái Lan mừng quýnh, gài số 2, rồ máy cho xe quẹo vào con đường lát đá tảng, rộng chừng hai thước, rồi xộc ngay vào trong gian nhà chứa rơm rạ, hai cánh cửa bị gió bạt mở sẳn toang hoác. Bàn tay em đưa nhanh lên tắt đèn, tắt máy, rồi vẫn ngồi sững trên yên xe, em trút một hơi thở thật dài nhẹ nhõm.

- Cô đến vừa kịp ! Thiệt may quá !

Một giọng nói lảnh lót vang lên phía sau lưng làm Ái Lan giật nẩy người, quay ngoắt lại : một cô gái lạ mặt đang giương đôi mắt tò mò ngó em không chớp.

Bên ngoài gió mưa vẫn gào thét điên cuồng. Cây cối vặn mình răng rắc, hai cánh cửa kho bị bạt mạnh đập vào tường làm phát lên tiếng "cành ! cành !". Một cơn gió thốc qua khuôn cửa lớn lọt vào đem theo cả những giọt nước lạnh buốt.

Ái Lan lật đật xuống xe, tiến lại phía người con gái :

- Chị tha lỗi cho em đã vào đây một cách quá đường đột ! Trời mưa dữ quá !

Câu trả lời nghe thật dễ thương :

- Có gì đâu, cô ! Xin cô cứ tự nhiên ! Chỉ tiếc rằng gian kho này xập xệ dơ dáy quá...

Óc tò mò ngấm ngầm nổi dậy, Ái Lan chăm chú lặng nhìn người đối thoại. Ngay từ phút đầu tiên, tiếng nói có âm điệu trong vắt êm tai đã làm em ngây người sửng sốt. Giờ đây, em lại nhận ra rằng, thoáng trông thì cô gái có vẻ nghèo nàn, nhưng quần áo rất sạch sẽ, là ủi thẳng nếp và được may cắt rất khéo. Cô ta có một dáng vẻ gì phân biệt hẳn với các cô con gái con cháu mấy người trại chủ lam lũ rải rác quanh vùng Ái Lan vừa mới chạy xe ngang. Nhưng giữa cái khung cảnh tiều tụy này, Ái Lan cảm thấy dáng điệu cử chỉ cô gái sao lại có vẻ dễ dàng và tự nhiên như thể cô ta là chủ nhân hoặc là con cái chủ nhân nông trại này vậy.

Tiếng cô gái lại dịu nhẹ cất lên trong khi sấm chớp vẫn ù ù tiếp diễn :

- Mưa bão còn lớn lắm ! Cô chưa thể đi sớm được đâu !

Ái Lan vui vẻ :

- Em cũng chỉ mong được trú ẩn chờ cho trận mưa ghê gớm này tạnh hẳn đã ! Chỉ ngại làm phiền chị thôi !

Cô gái chợt cao giọng hơn một chút, thốt một câu nói như xuất phát tự đáy lòng :

- Làm phiền chúng tôi ? Trời ơi ! Hai chị em tôi ở chỗ hoang vu hiu quạnh này chỉ mong có khách đến chơi đó thôi cô à ! Vậy mà nào có ai đâu ! Có khi hàng tuần lễ mới thấy một bóng người lai vãng. Mà nào có phải là ai khác đâu ngoài ông... phu trạm. Chị tôi và tôi chỉ thèm khát được chuyện trò với những người bạn đồng trang lứa… như cô đó. Mà có khi hàng tháng cũng chẳng hề có dịp.

Ái Lan có khả năng đặc biệt là nhận ra được cái khía cạnh khác thường của sự vật mà em nhìn thấy hoặc nghe tiếng. Tỉ như trường hợp gặp cô gái này chẳng hạn. Giác quan thứ sáu của em chợt thức tỉnh và tâm linh máy động hình như đã trực cảm được một cái gì là lạ. Quả có thế : việc hai cô gái chân yếu tay mềm sống heo hút tại một nơi hoang dã tiêu điều như thế này, hàng tháng chẳng gặp một bóng người há chẳng phải là một cái gì rất lạ, một điều bí mật hay sao ?

Và Ái Lan nhất quyết khám phá bằng được cái điều bí mật đó.

Ngoài miệng em vẫn tươi cười :

- Em cám ơn lòng tốt của chị ! Trận bão này rủi mà lại hóa may ! Vì nhờ có nó, em mới được quen biết chị ! Chúng ta mới có dịp sung sướng được làm bạn với nhau !

Tiện vui miệng, Ái Lan vì xã giao lễ độ nên đã thốt lên những lời như thế. Ngay giây phút đó, em chẳng một mảy may ngờ rằng trong những ngày mai kế tiếp, câu nói đáng quý đó lại biến thành sự thực... nhờ những sự việc xảy ra đầy tính chất ly kỳ.

Chương 04

MỘT CÂU CHUYỆN QUAN TRỌNG

Cô gái tiến vào phía trong kho rơm :

- Mưa mỗi lúc một nặng hột ! Lạnh ghê !

Ái Lan bước theo, đồng thời liếc nhanh ra ngoài trời.

Nước mưa trên mái ngói chảy tuôn như suối. Một trận gió ào tới tạt vung những giọt nước lạnh buốt vào mặt hai cô gái, vút mạnh như những lằn roi. Hai chị em bật cười rộ lên. Ái Lan :

- Ôi chà ! Mưa dữ quá ! Đứng vào đây đi, chị !

Cô bạn mới của Ái Lan run rẩy :

- Cái vựa rơm này vẫn hút gió dữ lắm ! Mời cô chịu khó chạy lẹ vào nhà tôi trong kia đi ! Nghỉ trong đó cho khỏe hơn rồi mới đủ sức đi được chứ ! Bão kiểu này chắc còn kéo dài đó !

- Sợ làm phiền chị quá !

- Không phiền gì hết mà ! Trái lại là khác ! Không đưa cô vào trú mưa trong ấy, lỡ chị tôi hay được, chị sẽ rầy la dữ lắm !

Rồi nhìn sững Ái Lan, ánh mắt cô gái bối rối :

- A... trời, quên bẵng đi mất, không giới thiệu ! Tôi là Mỹ Liên... Trần Thị Mỹ Liên ! Còn...

- À, vâng, tên em là Ái Lan đó chị ! Đặng Thị Ái Lan !

- A... vậy ra ... có lẽ, có lẽ cô là con gái của luật sư Đặng Quang Minh trên Đà Lạt ?

Ái Lan sửng sốt :

- Dạ đúng đó chị ! Chị cũng biết ba em ?

- Không ! Biết luật sư thì tôi không biết, nhưng nghe tiếng thì được nghe nhiều lắm ! Luật sư Minh nổi danh lâu rồi, ai mà không biết !

Cô gái cởi chiếc áo mưa đang mặc trên người đưa cho Ái Lan :

- Cô mặc vào đi !

- Không, em không mặc đâu ! Em mặc thì chị lấy gì che mưa?

- Cô yên trí ! Tôi còn một tấm vải buồm tốt lắm ở phía trong kia. Vả lại cái áo cánh này của tôi dầy lắm, mưa khó thấm ướt được !

Thành ra, dù muốn dù không, Ái Lan vẫn phải mặc chiếc áo mưa của Mỹ Liên. Áo rộng thùng thình khiến Mỹ Liên không nín cười được. Hai chị em đồng cười rộ lên, rồi dắt nhau chạy ra khỏi vựa rơm sau khi cài chặt hai cánh cửa lớn lại.

Hai người nối đuôi nhau ù té chạy, chân lội lõm bõm trong nước lẫn bùn, nhắm phía khu nhà lao tới. Vừa chạy đến trước cổng ngoài, thì một tia chớp loè lên, tiếp theo là một tiếng sét lớn nổ ngang trời. Mỹ Liên và Ái Lan bất giác cúi nhanh người xuống. Cả hai tưởng chừng như mọi vật, nhà cửa, hàng rào, cột gỗ, cây cối đều sập đổ xuống hết. Đồng thời mưa lại tuôn dữ hơn trước, gió thổi cũng lạnh buốt hơn.

Mỹ Liên nắm tay Ái Lan nhẩy vọt lên hàng ba. Rồi ngẩng nhìn trên lo ngại :

- Cơ mầu này có lẽ mưa đá mất ?

Dứt lời, Mỹ Liên giơ tay đẩy cánh cửa gỗ đưa Ái Lan vào một gian nhà bếp rộng. Bên bếp lửa, một cô gái đang lúi húi nấu nướng. Nghe bước vào, cô ngẩng mặt, mở to đôi mắt, ngạc nhiên. Tiếng Mỹ Liên :

- Chị Ngọc ơi ! Em dẫn về cho chị một cô khách đây này ! Rồi quay nhìn Ái Lan - Xin giới thiệu với cô : Chị tôi, bà chủ nhà đấy ! Tên chị là Mỹ Ngọc !

Mỹ Ngọc mỉm cười thật tươi và tiếp đón Ái Lan với một vẻ vui thích thấy rõ. Hai chị em Ngọc, Liên đều cao dong dỏng. Liên có nước da trắng hồng, Ngọc da bánh mật khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ái Lan đoán cô chị có lẽ hơn cô em có tới bốn, năm tuổi. Khuôn mặt Ngọc có những nét đều, đẹp, nhưng đượm vẻ tư lự, đôi mắt đen to nhiều lúc thoáng buồn, khiến chỉ mới trông cũng biết được ngay là nhiều trách nhiệm đã đè nặng lên đôi vai gầy của cô gái trẻ.

Ái Lan cảm thấy thích thú và yêu mến thực tình hai chị em cô gái đã niềm nở tiếp đón em :

- Hai chị tử tế quá, cho em trú ẩn lúc mưa to gió lớn này.

Mỹ Ngọc nói ngay :

- Được tiếp rước cô thực là một điều quý hóa cho chúng tôi đó. Cô đã thấy rõ, nội quanh đây còn có ai đâu nào ? Các bạn hữu của chị em tôi thì đều ở cả Di Linh, người gần nhất thì cũng ở tận ngoài Phi Nôm lận. Mà chúng tôi lại rất hiếm có dịp ra tới ngoài đó, cô à !

Ái Lan:

- Thôi mà chị Mỹ Ngọc ! Đừng gọi em là cô nữa nghe ! Em thích chị gọi em bằng Ái Lan như mọi người hơn, nghe chị ! Em chỉ đáng tuổi em hai chị !

Chỉ ít phút sau, ba cô gái đã vui vẻ chuyện trò, cười nói reo vui như những người bạn thân thích từ lâu lắm vậy.

Mỹ Liên quay vào bếp, lôi ra một khay bánh ngọt, đặt lên tấm vỉ sắt để cho nguội. Rồi hướng về phía Mỹ Liên và Ái Lan :

- Nào, bây giờ ba chị em mình qua bên phòng ăn, chị cắt bánh ngọt cho các em nếm để chấm điểm tài khéo của chị, đi ! Ái Lan !

Mỹ Liên sốt sắng đứng dậy kéo Ái Lan :

- Ái Lan thấy không ? Chị Mỹ Ngọc giỏi nữ công lắm ! Còn Mỹ Liên chỉ thích chạy nhảy bên ngoài thôi, hà !

Mỹ Ngọc mở chạn đồ ăn và quay mặt lại vừa cười vừa nói với Ái Lan :

- Chị và Mỹ Liên thực tình không có ý xấu, nhưng quả thực chị chỉ muốn cho trận mưa bão này kéo dài... thiệt là dài đó, Ái Lan !

Em, bản tính trẻ nít "rắn mắt" trả đũa ngay :

- Càng tốt ! Em cũng mong vậy đó hai chị ! Miễn sao về tới Đà Lạt trước khi sập tối là được à !

Phòng ăn rất rộng, nhưng kê quá ít đồ nên trông có vẻ trống trải gần như là rỗng không vậy. Một cái tràng kỷ kiểu cổ, một cái bàn gỗ mộc và bốn cái ghế dựa lâu ngày đã lên nước đen bóng. Và một cái lò sưởi xây sát tường, bên trong đám lửa than sáng ấm lách tách nổ. Sàn nhà bằng gỗ được lau chùi nhẵn bóng. Bốn khung cửa sổ có màn gió màu trắng buông rủ. Tất cả những thứ đó chứng tỏ rằng, dù sống trong cảnh nghèo nàn đạm bạc, hai chị em Ngọc Liên vẫn cố gắng tạo cho bên trong căn nhà một không khí ấm cúng vui tươi.

Ái Lan chợt hỏi :

- Nhà còn ai không, hay chỉ có hai chị thôi ?

Mỹ Liên gật đầu :

- Đúng vậy đó Ái Lan ! Nhà chỉ có hai chị em thôi ! Sau khi má tụi tôi mất, thì ba tháng sau, ba tôi, vì buồn rầu sinh bệnh, cũng mất theo luôn. Từ đó tới nay, hai chị em tôi sống côi cút quạnh hiu như vậy đó ! Ngoảnh đi ngoảnh lại thế mà đã được hai năm rồi. Mau thật ! - Giọng nói Mỹ Liên nghe khác hẳn đi, khàn đục như ẩm mùi nước mắt.

Một lúc sau, Ái Lan mới lại lên tiếng :

- Mà sao hai chị tiếp tục làm lụng sống được ở đây ? Việc trang trại, theo em biết, thì vất vả lắm, nhà lại chẳng có đàn ông ?

Mỹ Ngọc điềm đạm :

- Cái nông trại nhà chị hiện nay thì cũng không còn gì là đáng kể nữa đâu. Bán dần bán mòn mãi, đến giờ chỉ còn lại hơn hai mẫu thôi Ái Lan !

Chợt Mỹ Liên cười lên khanh khách :

- Ái Lan muốn biết chị em mình sinh sống bằng cách nào, nhưng không hỏi thẳng đấy, chị Ngọc à ! Có gì khó hiểu đâu hả, Ái Lan ! Cứ trông mấy cái màn gió ở cửa sổ, ở cửa thông xuống bếp và ở cửa phòng ngủ kia, là đủ biết kìa. Chị Ngọc, một cây kim chỉ vá may, vẫn nhận đồ may ở tiệm Thịnh Lợi Đà Lạt về nhà may ăn công đấy. Khi thưa việc, chị nhận thêm đồ con nít ở Phi Nôm, may cắt quần áo của hai chị em. Còn tôi thì làm "xếp" gà !

Ái Lan bật reo lên :

- "Xếp" gà ? Nghĩa là chị Mỹ Liên là một nhà chăn nuôi gà ? Dữ a ! Có vất vả và kiếm được khá tiền không chị Mỹ Liên ?

- Cũng khá ! Nhưng không phải vụ nào cũng lãi nhiều đâu Ái Lan. Như năm nay chẳng hạn ! Giá gà hạ, mà thức ăn, cám, bột lại cao, trứng bán cũng không chạy lắm. Nhưng chị có cái thú đam mê việc chăn nuôi, trông thấy những con gà con "khai mỏ", mổ trứng chui ra không khác những cụm bông gòn chiêm chíp gọi mẹ thì thích ghê lắm. Năm nay mà lùng được giống gà Leghorn nuôi để dành bán vào dịp Tết thì phải biết ! Cái loại gà trắng đó, Ái Lan biết không ?

Mỹ Ngọc nở nụ cười thật tươi :

- Mỹ Liên thì đặc biệt là một chủ trại chăn nuôi lắm rồi đó, Ái Lan ! Hai chị em chia nhau công tác : chị thì nội vụ, còn Liên thì ngoại giao. Được chưa ?

Mỹ Liên thoáng chút đăm chiêu :

- Mùa hạ thì không có gì đáng ngại. Rau muống, rau cần trồng dễ nên số lượng rau cắt đem bán cũng khá lắm. Nhưng mỗi khi mùa đông tới, trồng bắp su và sà lách như ở Đà Lạt, con gái sức yếu kham sao nổi việc tưới tắm, xới cỏ, bỏ phân. Mà rau muống, rau cần về mùa lạnh lại không mọc được, dù có mọc cũng cằn cỗi không ra cái gì vì thiếu nước. Thành thử hằng năm, cứ vào cuối hạ sang thu là hai chị em lại bắt đầu lo lắm.

Mỹ Ngọc vẫn với giọng thản nhiên chịu đựng :

- Ồ ! Trời sanh trời dưỡng, lo gì em ? Miễn là chị em mình không ăn bơ làm biếng thì đâu có lo gì đói khổ…

Dứt lời, cô chị gái can đảm đứng lên quay nhìn Ái Lan :

- Các chị bắt tội em phải nghe chuyện riêng tư mãi ! Thôi ! Để chị đi pha một ấm trà Bảo Lộc thật ngon em uống nghe ! Các chị hãy còn "giàu" lắm, dư sức tặng em một chầu nước trà sen thượng hảo hạng mà !

Ái Lan định lên tiếng chối từ, nhưng em cắn môi nín kịp : chút xíu nữa là em đã làm tổn thương lòng tự ái của hai người bạn mới, nghèo tiền ít bạc, nhưng tinh thần bảo trọng nhân cách lại rất nhiều. Và em tự nhủ thầm :

"Mình chỉ muốn có cách gì giúp đỡ Ngọc Liên ! Nhưng làm sao đây ? Không lẽ lại trả tiền bánh và nước trà cho các chị ? Như vậy đâu có được ! À… hay là mình đi mua vải, rồi nhờ chị Ngọc cắt may cho mình một bộ áo đầm ? Ờ ! Phải đấy !"

Một lúc sau, Mỹ Ngọc ở trong bếp đi ra, bưng một cái khay gỗ, trên để một ấm nước trà bốc khói và một đĩa tây bánh ngọt. Và Ngọc nhẹ nhàng bầy bánh rót nước vào mấy chiếc tách Nhật Bản xinh xinh, cử chỉ nhẹ nhàng khéo léo và đĩnh đạc như một vị nữ chủ nhân tỉ phú tiếp đãi các quan khách vào hàng vương giả, trong một thính phòng lộng lẫy huy hoàng nơi cung điện.

Ái Lan thích thú ăn bánh uống nước rất ngon lành, nức nở khen :

- Thật chưa bao giờ em được ăn uống khoái khẩu bằng ăn bánh và uống nước của chị Ngọc ?

Tiệc bánh hầu tàn, ba cô gái vừa nhấm nháp nước chè sen thơm ngát vừa chuyện trò và đưa mắt ngắm những giọt nước mưa đang gõ đều đều lên mặt cửa kính. Tia mắt Ái Lan bỗng ngưng lại nhìn ngắm một bức tranh sơn thủy rất đẹp, lồng khung kính treo trên tường. Mỹ Liên thấy Ái Lan mải mê ngắm tranh, đột ngột lên tiếng :

- Kỷ vật của bác Doanh đó ! Buồn ghê ! Nếu bác còn sống thì đâu đến nỗi này !

Ái Lan giật nẩy mình. Bác Doanh... ? Bác Doanh mà Mỹ Liên vừa nói đó là bác Doanh nào vậy ? Hay là cụ Phạm Tú Doanh đó ?... Hừ, có thể lắm, phải, biết đâu ? Bên tai Ái Lan lại văng vẳng lời kể chuyện của luật sư Minh, ba em : "... trong số những người xứng đáng được ghi tên trong tờ di chúc của cụ Doanh, có hai cô gái nghèo hiện đang khai thác một cái nông trại hẻo lánh tại Lạc Dương..." Tia mắt Ái Lan sáng lên đồng thời trí óc em lóe rõ một tia mừng phấn khởi : "Mình phải hỏi cho ra chuyện này mới được !"

Tự nhiên như không, em lên tiếng hỏi :

- Ông bác của hai chị mất được bao lâu rồi ?

Mỹ Ngọc trả lời thay em :

- Thực ra thì bác Doanh không phải là bác ruột của hai chị. Mà bà con dòng họ cũng không nữa. Nhưng tụi chị thương mến bác hơn người thân thích ruột thịt kia, em à !

Giọng nói của Mỹ Ngọc nghẹn ngào, ướt sũng mùi nước mắt. Ngọc ngưng lại một lúc lâu, rồi như gắng gượng lắm, cô mới tiếp tục kể :

- Bác Doanh trước kia khai thác một sở cam ở kế bên nông trại của ba má chị. Ba má chị kể lại rằng, sau khi bác Doanh gái mất đi, bác không tục huyền nữa. Ngày ngày, xong công việc săn sóc vườn cam, bác chỉ qua bên này trò chuyện với ba má chị, coi chị và Mỹ Liên như con mình. Hồi đó, chị và Liên còn bé, được bác quý lắm vì một phần là bác không có con. Thế rồi, sau khi ba má chị mất, thì không biết bác nghĩ sao lại bỏ sở cam ra đi một nơi chốn nào. Và từ đó "giậu đổ bìm leo", bao nhiêu chuyện đau buồn rủi ro cứ theo nhau giáng vào hai đứa con côi cút là Mỹ Liên và chị...

Mỹ Liên láu táu :

- Ờ, phải đấy ! Ái Lan ! Bác Doanh tử tế lắm ! Nhiều người không biết cứ bảo bác những là quê mùa, cổ hủ ... gì gì nữa đó, nhưng có ở gần bác mới biết. Bác bỏ đi đâu mất được ít lâu thì Liên và chị Ngọc nghe tin là bác được người anh em bà con đón về ở chung nhà trên Đà Lạt, cái ông gì đó này... à, Phàm, Phạm Văn Phàm gì đó, đúng rồi !

Mỹ Ngọc :

- Nhưng tụi chị biết rõ là ở với ông Phàm, bác Doanh chẳng được chút nào vui thỏa hết ! Gia đình ông này chẳng có người nào tử tế cả, đối xử với bác Doanh hết sức "ráo máng cạn tàu". Lại còn ra miệng ngăn cấm bác không được giao thiệp đi lại chuyện trò với ai. Vậy mà đôi khi bác vẫn mò được về đến tận đây thăm nom chị và Liên đấy. Nhưng hình như bác không dám để nhà ông Phàm biết thì phải ! Đúng vậy không, Mỹ Liên ?

- Ừ, đúng rồi ! Lúc nào bác Doanh cũng bảo rằng bác coi hai chị em Liên như con ruột vậy ! Nhất là khi ba má mất rồi, bác đã nói ra miệng là bác không để cho chị em Liên phải thiếu thốn một thứ gì hết. À, Liên còn nhớ cái lần sau chót bác ở Đà Lạt về, bác cho biết là bác đã quyết định ghi tên hai chị em vào lá chúc thư để của cho đó. Đây này, Liên còn nhớ cả lời bác nói vào tai hai chị em như sau : Các con cứ yên tâm ! Bác sẽ để dành cho hai con một món quà quý lắm ! Chưa biết là cái gì, nhưng rồi sau này hai đứa sẽ rõ. Người ta sẽ chuyển đến tận tay các con, ý muốn cuối cùng của bác nghe !". Đó ! lời bác Doanh nói đúng như vậy đó !

Mỹ Ngọc, giọng nói thoáng đượm đôi phần cay đắng :

- Và bây giờ thì, gia đình ông Phàm nghiễm nhiên sẽ tọa hưởng toàn phần cái di sản của bác Doanh ! Nói cho đúng, thì hai chị thật tình cũng chẳng đặt nặng vấn đề thừa hưởng gia tài của bác đâu, nhưng có điều lạ lùng là tại sao cái quyền đó lại có thể lọt vào tay nhà Phạm Văn Phàm được kia chứ ? Vô lý và bất công quá chừng, vì ai cũng dư biết là gia đình ông Phàm có coi bác Doanh ra cái gì đâu ! Chị tin chắc chắn là trong thâm tâm, không bao giờ bác lại có ý định để của chìm của nổi lại cho nhà ấy hưởng cả.

Ái Lan cho biết :

- Có thể là tên của hai chị được ghi vào tờ di chúc thứ hai rồi đó ! Nhưng hiện nay thì không biết tung tích cái tờ đó ở đâu ? Thiên hạ đồn đại dữ lắm rồi đó !

Mỹ Ngọc và em đưa mắt nhìn nhau gật đầu công nhận lời nói của Ái Lan có lý.

Mỹ Liên lẩm bẩm :

- Liên và chị Ngọc cũng nghĩ thế đó !

Ái Lan :

- Vậy thì hai chị phải tính thế nào chứ ? Ví thử cái quyền thừa hưởng di sản có về tay các chị thì chẳng qua cũng là một điều hết sức công bằng hợp lý.

Mỹ Ngọc cười buồn :

- Không hy vọng gì đâu Ái Lan ạ ! Tụi chị biết chắc là thế nào cũng đã có một lá chúc thư nhằm cứu vớt hai chị em ra khỏi được cái cảnh đói lạnh này đấy, nhưng lấy gì làm bằng cớ ? Mà theo kiện thì các chị tiền đâu mà theo được chứ ?

Ái Lan bật kêu lên :

- Nếu vậy thì nhà Phạm văn Phàm phải có cái gì nâng đỡ các chị chứ !

Mỹ Ngọc phá lên cười, giọng khinh bỉ :

- Nhà ông Phàm hả ? Chị biết họ quá mà ! Một xu teng cũng đừng hòng !

Rồi hai chị em Ngọc, Liên xoay ra nói về cái tính tình đặc biệt của cụ Doanh. Nghe hai cô gái nói chuyện về người đã chết, Ái Lan ý thức được ngay tấm tình nhớ thương của hai chị em đối với cụ già nhân hậu đã thâm sâu tới mức nào.

Mải vui câu chuyện, ngoảnh nhìn ra thì mưa gió đã tạnh êm, mặt trời đang chiếu những tia sáng ấm le lói qua đường viền tím trên mấy tầng mây trắng. Ái Lan đứng lên :

- Câu chuyện hai chị vừa kể, em nghe thật vô cùng quan trọng. Ba em sẽ có thể giúp các chị được. Chắc các chị đã biết ba em là luật sư Đặng Quang Minh ở Đà Lạt rồi chứ ?

Mỹ Ngọc vội vã :

- Biết ! Biết ! Tụi chị biết luật sư Minh nổi tiếng lắm ! Nhưng, ủa ! Mà tại sao chị và Liên lại có thể kể lể rắc rối lôi thôi bắt Ái Lan nghe mãi về chuyện này thế nhỉ ? Không, tụi chị không dám làm phiền ba Ái Lan về vụ này đâu !

Ái Lan sốt sắng :

- Chị Ngọc đừng nói vậy ! Em rất mừng khi nghe một câu chuyện lý thú như thế ! Em sẽ cố hết sức giúp các chị ! À, chị Ngọc ! Nếu ba em cần hỏi han một vài điều gì thì chị có bằng lòng để ba em gặp chị không ?

Mỹ Ngọc hơi ngập ngừng, nhưng rồi :

- Cũng được chứ, Ái Lan ! Nhưng tất cả những điều gì biết, các chị đã nói cho Lan rõ hết rồi đó !

- Đó là một chuyện ! Ba em còn có biệt tài, qua lời của người đối thoại, khám phá, phát giác được nhiều chi tiết rất đặc biệt không ai ngờ được kia chị ạ !

Mỹ Liên cảm động nhìn Ái Lan :

- Ái Lan tử tế, sốt sắng quá ! Lại còn định về nói chuyện với ông luật sư vụ này nữa. Nếu có thể làm được cái gì để khiếu nại, thì Liên và chị Ngọc mừng lắm. Quả tình hai chị em Liên không có ý đòi những cái gì thuộc về người khác. Nhưng có điều Liên nghĩ rằng, theo như lời bác Doanh đã nói với hai chị em, thì Liên và chị Ngọc có lẽ cũng phải được một phần nhỏ nào vào cái gia tài đó chứ, phải không Ái Lan ?

Ái Lan khôn ngoan dè dặt hơn :

- Nhưng em có lời khuyên các chị là đừng có đặt quá nhiều hy vọng trước khi được nghe lời khuyên của ba em, nghe ! - Vừa nói Ái Lan vừa tiến ra phía cửa - Hai chị cứ yên tâm, em hứa với hai chị là về tới nhà, em sẽ nói chuyện với ba em, và ba em có ý kiến gì, em sẽ báo cho hai chị biết ngay.

Xem tiếp chương 5 & 6