Bài Thơ Kinh Dị - Chương 11 & 12

Chương 11

Sau bữa cơm tối, chàng thanh tra lên phòng ngủ ngay. Trước khi đi sâu vào giấc ngủ ngon, Trọng Viễn lẩm bẩm mơ màng với ý nghĩ vui vui:

_ Ngày mai mình sẽ tới thăm mụ Phé một phen nữa. Không hiểu bên trong cái sọ dừa bù xù đó thật ra có những cái gì chứ? Lúc thì chưa hỏi đã nói. Lúc thì cạy răng lại không chịu thốt một lời.

Khoảng 11 giờ đêm, gió lớn bỗng nổi lên. Nửa giờ sau, bão tố diễn ra cuồng bạo. Mưa nhu trút nước, cây cối trong vườn bị gió lay, rên rỉ, thân cây vặn xoắn kêu răng rắc, kinh hồn. Gió gào, mưa quét, cứ thế kéo dài suốt đêm. Mãi tới sáu giờ sáng mới tạm yên. Bão tố ầm ầm đã khiến cho Trọng Viễn cũng như mọi người trong biệt thự trằn trọc thâu đêm. Sáng tám giờ chàng mới thức giấc, mệt mỏi vô cùng. Đúng lúc ngồi ăn sáng, gia nhân bà Án mang lên cho chàng mảnh giấy của vị thiếu tá tại phi trường, báo cho biết: trung úy Dưỡng khi bị cử đi công tác tại phía Nam đã hết sức tranh đấu để xin người khác thay thế, nhưng không được, đành phải dứt áo lên đường. Rõ là chàng sĩ quan trẻ rất khổ tâm về chuyến công tác này.

Trọng Viễn thầm nghĩ:

_ Chàng Dưỡng không muốn một chút nào xa rời Tường Lan. Vậy thì chàng trai không chút dính líu đến vụ án thê thảm này.

Đang sửa soạn “đi thăm” mụ Phé, chợt có tiếng người phu trạm gọi cổng. Gia nhân đưa lên cho chàng một bức thơ. Chữ đề ngoài phong bì là một loại chữ vụng về, nét run run như nét chữ học trò lớp năm. Trọng Viễn lật đật xé bao ngoài:

“ Báo cho thanh tra Trọng Viễn biết rằng nếu tiếp tục rớ vào nhưng chuyện không dính gì tới mình, tính mạng sẽ bị lâm nguy nội trong 48 tiếng đổng hồ đó”.

Chàng thanh tra chúm môi huýt gió một hơi dài:

_ Úi chà! Ghê nhỉ!... Hừ!... Từ bữa đặt chân tới đây, “mỗ” chỉ rớ vào những chuyện dính dáng tới “mỗ” mà thôi. Có đụng chạm gì tới ai đâu. Đúng như lời mụ Phé nói: nghề nghiệp của tôi mà!

Tự động, chàng thanh tra đưa tay sờ vào túi áo bên phải, nơi nằm gọn một khẩu “Browning”. Yên trí, chàng sửa soạn bước ra. Trước khi đi, Trọng Viễn lấy ra xem lá thư nặc danh gởi cho bà Án về cụ tình ái lăng nhăng giữa Sinh và cô gái tên Liên, so sánh với lá thơ mới nhận được. Hai tuồng chữ hoàn toàn khác biệt. Vậy thì ít nhất có hai kẻ nhúng tay vào vụ án này. Tên thứ nhất muốn ngăn chặn để Sinh thôi đi những chuyện trăng hoa ong bướm, kẻ thứ hai muốn chàng chấm dứt ngay cuộc điều tra… Chữ viết tuy có khác, nhưng có thể chủ mưu chỉ là một.

Trọng Viễn xuống nhà dưới. Chàng gặp ngay Tường Vân. Cô gái thùy mị đón chào chàng thanh tra bằng nụ cười thật xinh. Vừa may! Trọng Viễn đang cần tìm nảng để hỏi tin tức:

_ Cô Tường Vân! Cô có thể cho tôi được coi một vài dòng chữ viết của cậu Sinh không?

_ Dạ được chứ ạ! Để tôi đi lấy, ông chờ một lát nhé!

Hai phút sau, thiếu nữ trở xuống, tay cầm một tấm bưu thiếp anh trai nàng đã gởi tặng khi cậu ta đi du lịch tại Thụy Sĩ. Liếc mắt ngó qua, Trọng Viễn biết ngay tuồng chữ rất đẹp ghi trên bưu thiếp và chữ viết gà bới nguệch ngoạc “bất thành tự dạng” trên hai lá thơ nặc danh chẳng có điểm nào để có thể gọi là cùng một người cả.

Cậu Sinh, mặc dù có cố gắng tới mức nào chăng nữa cũng không thể viết xấu như thế được.

Thêm nữa, tuồng chữ viết trong là thư nặc danh mới nhận được đây nhất định không phải là tuồng chữ viết giả tạo. Rõ ràng là lối viết của một người quê mùa ít học, cầm bút còn vụng về lúng túng, nhưng cách hành văn lại rất thông minh lanh lợi: “Báo trước cho ông thanh tra Trọng Viễn biết rằng…”

Tường Vân đưa mắt nhìn chàng trai. Ánh mắt bồn chồn khắc khoải. Trọng Viễn mỉm cười. Nụ cười của chàng đột nhiên ngượng nghịu vô cùng.

Một làn hơi đưa lên hâm nóng làn da mịn màng của thiếu nữ. Trong nháy mắt, sắc mặt Tường Vân ửng hồng, đẹp rực rỡ, khiến Trọng Viễn chớp mắt liền mấy cái.

Hình như thiếu nữ hơi hối hận vì có một phút vô tâm đối với điều buồn lo của gia đình yêu quý của nàng. Tường Vân cất tiếng dịu dàng:

_ Ông cố gắng tìm cho ra anh Sinh tôi nhé!

Chàng thanh tra đưa vội hai tay nắm lấy hai bàn tay nuột nà đưa ra trước mặt mình. Tiếng nói của chàng phào nhẹ như hơi gió:

_ Tôi hứa với Tường Vân lời hứa danh dự!

Thế rồi, thong thả tản bộ hướng về phía nhà mụ Phé. Vừa đi, Trọng Viễn vừa suy nghĩ rất lung. Trước khi vào gặp mụ, phải rẽ vào rừng một lúc cái đã, đến chỗ con Bảo Tố bị bắn hạ. Biết đâu lại chẳng bắt gặp một gian lều hoặc một cái mái lá nào đó của hung thủ. Trọng Viễn không phải là người nhát gan. Hơn nữa, chàng vẫn tin rằng sinh mạng của mình không có gì đáng ngại mặc dầu lá thơ đe dọa vẫn nằm kềnh kệnh trong túi áo. Vả lại, nếu “kẻ kia” chủ tâm muốn hại chàng, ắt hẳn hắn đã bắn trúng chàng ngay cùng một lúc với con chó chứ.

Trọng Viễn âm thầm kết luận:

_ Không dám bắn hạ mình, không dám sát hại một nhân viên nhà nước.

Đó đúng là bằng chứng rõ rệt để chứng minh thủ phạm chính là Sinh.

Trọng Viễn đặt bước đi vào một lối nhỏ phủ đầy lá rụng ẩm đẫm nước mưa hồi đêm. Chàng cảm thấy hơi lành lạnh. Đột nhiên một bóng hình kỳ dị xuất hiện lù lù ngay trước mắt. Bóng hình ấy khoác một chiếc áo mưa đàn ông có mủ chụp sùm sụp trên đầu. Không hiểu là đàn ông hay đàn bà mà chỉ thấy “hắn” giang hai cánh tay áo lụng thụng, một tay nắm chặt chiếc gậy lớn. Có tiếng the thé cất lên:

_ Ê, ê! Thôi nghe! Đứng lại, đừng có tiến lên nữa nghe. Tiến lên nữa là chết đó!

Trọng Viễn thản nhiên:

_ Tưởng ai! Té ra mụ Phé! – Chàng trai rút nhanh lá thư nặc danh vừa nhận được hồi nãy – Này, mụ viết lá thơ hăm dọa tôi đấy phải không?

Mụ phù thủy quắc mắt ngó chàng chăm chú:

_ Ai biết đọc biết viết bao giờ?

Chàng trai mỉm một nụ cười:

_ Bữa nọ, bà Cầm có nói rõ chính bà đã tự tay chép ra bài thơ kinh dị đó. Vậy là bà biết đọc thông viết thạo!... Thôi kệ, mụ cứ để tôi đi lên thử coi. Tiến lên, để xem tên nào định làm gì tôi nào… Mụ xê ra!

Mụ Phé vẫn lải nhải:

_ Đã bảo đừng tới, đừng đi nữa mà!

Chợt mụ trầm giọng:

Một đứa ngủ, hai đứa ngủ.

Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu.

Trọng Viễn cố ý trêu chọc cho mụ tức khí phải phun ra hết:

_ Này mụ Phé! Hai đứa nào chết thì chưa thấy. Chỉ có một đứa chết mà thôi. Mà đứa chết đó cũng lại “đi” đâu mất rồi. Mụ thấy chưa? Mụ thấy rõ ràng là đã đến phiên tôi thế nào được. Xê ra!.

Mụ Phé nhìn chàng chòng chọc:

_ À! Đã muốn thì cứ việc lên đi. Cậu sẽ thấy đủ… hai đứa. Rồi là tới phiên đứ thứ ba. Cậu nhất định muốn thế kia mà. Hừ!

Dứt lời, mụ phù thủy quỷ quái tung vung tay áo, ré lên một tiếng như tiếng cú kêu, quay mình chạy mất hút.

Trọng Viễn khẽ nhún đôi vai rộng, chép miệng:

_ Bà già quỷ quái!

Chàng thận trọng tiến bước, lắng tai nghe ngóng, không bỏ sót từng tiếng lá cây sột soạt, từng tiếng cành cây khô gãy kêu răng rắc. Trọng Viễn dừng chân tại gốc cây thông to lớn, nơi con Bão Tố gục chết hôm trước.

Chàng ngậm ngùi khẽ nói:

_ Khi đến đây, mày đã trông thấy hoặc đã đánh hơi thấy gì hả Bão Tố? Bão Tố ơi! Giá mày không bị chết oan, bây giờ còn ở cạnh bên ta thì thích quá.

Chàng thanh tra đi quanh gốc cây một vòng. Đột nhiên, cúi xuống thật nhanh, sát gốc, gần mặt đất, một bông hoa pansée nhỏ xíu, héo úa, đẫm nước mưa, từ màu trắng trinh bạch đã ngả sang màu nâu nham nhở, bám chặt vào thân cây. Chắc là do gió thổi mạnh, bông hoa táp dính vào vỏ cây như dán bằng keo. Nếu không là con mắt của nhà chuyên môn điều tra tư pháp, chắc chắn không thể tìm ra được sự hiện diện của dấu vết rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng ấy. Trọng Viễn bàng hoàng, lật đi lật lại bông hoa héo úa mỏng manh như tờ giấy quấn thuốc lá trong lòng bàn tay hơi run. Chưa đầy năm phút sau, đột nhiên sự thật xuất hiện như một làn chớp nhoáng, chói lóa, ghê rợn, khiến chàng thanh tra bật rú lên một tiếng kinh hoàng.

Nếu thế thì kẻ sát nhân không phải là Sinh! Đáp máy bay để đi đâu đó cũng không phải là Sinh nốt! Tất cả những chi tiết sự việc đều do mụ Phé dựng lên, bịa ra cả… Nhưng có điểm này: “Không chừng cậu ngự trên cao”…có thể…là… Trọng Viễn rợn người, cảm thấy rõ ràng mồ hôi toát ra, chảy dọc theo sống lưng, lạnh buốt. Muốn ngẩng đầu lên, chàng trai có cảm giác gáy mình đau nhức, cứng đơ ra, không động cựa được. Mắt không ngó, nhưng trong tâm trí, chàng thanh tra đã biết rõ là phía trên cao ngang đỉnh đầu mình, hiện có… một cái gì.

Trực giác của Trọng Viễn linh thật!

Đúng như thế! Trên một cành cây thông cao chót vót, giữa đám lá thông xanh, một thây người treo lủng lẳng. Một người chết thắt cổ? Không đúng! Chết thắt cổ mà dây cột ngang nách, ôm choàng qua ngực?

Nội mười giây đồng hồ sau. Trọng Viễn đã biết được ngay, Sinh! Đúng xác chết của Sinh! Chàng quý tử con quan Án Bùi Đình Quang chỉ còn là cái xác không hồn, khuôn mặt nhợt ra, xanh mét như tàu lá chuối non. Máu trong người đã do vết thương nơi bụng rỉ ra, y hệt trường hợp của thằng Ngây. Và sinh mạng của chàng trai đã theo lỗ hổng của vết thương mà bay đi mất. Trọng Viễn nhớ lại giây phút xúc động buổi tối hôm đầu khi đặt chân tới đây. Lúc đó sự lo lắng, bồn chồn khắc khoải đã khiến hai khuôn mặt, của bà Án, của bà Cầm, một đẹp đài các, một đẹp phúc hậu, in sâu những nếp nhăn giống nhau như hệt. Rồi đến bây giờ nhìn mặt Sinh. Trọng Viễn lại thấy những nét giống hệt những nét đã bắt gặp trên mặt thằng Ngây. Nghĩa là: niềm khắc khoải vô biên, xen lẫn khủng khiếp, ngạc nhiên đến tột độ.

Vừa trèo xuống, chàng thanh tra vừa ngẫm nghĩ:

_ Phải xét lại, phải làm lại từ đầu. Hừ! Mụ Phé quái quỷ này! Rượu mời không uống, lại chỉ thích uống rượu phạt! Ngon ngọt không muốn, lại muốn toàn những cứng rắn cay chua! Phải “ốp” cho mụ nói hết sự thật mới được! Không thể để mụ tưởng là đánh lừa được mình, cứ tiếp tục cười thầm chế riễu mình mãi.

Xuống tới mặt đất, Trọng Viễn đứng dựa vào gốc cây ngẫm nghĩ:

_ Chút xíu nữa, lòng tự ái bị tổn thương khiến mình hành động không kịp suy nghĩ chín chắn. Mụ Phé rất được mọi người ở đây thương mến. Vậy mình phải dè dặt lắm mới được. Có lý nào mụ lại đích thân cầm súng lục bắn chết Sinh và thằng Ngây? Lại càng không phải là mụ đã mang được hai cái xác, thủ tiêu một, còn một thì treo lủng lẳng trên kia. Tại sao lại phải dàn cảnh ra như thế? À, à… mụ Phé này, thế nào mụ cũng phải nói, nói hết sự thật ra. Sự thật một khi trắng đen rõ rệt, vụ án bí mật tại dinh cụ Án Bùi sẽ không còn là bí mật nữa.

Một cành khô gãy kêu “rắc khiến Trọng Viễn giật nảy mình. Một con thỏ rừng mình trắng như bông vun vút chạy qua, nhìn theo bóng con vật chạy trốn, chàng trai thôi nghĩ đến nạn nhân và liên tưởng đến thủ phạm.

Trọng Viễn lẩm bẩm:

_ Hung thủ không phải là Sinh! Vậy thì đúng là con quỷ sống nào đó tàn bạo hết cỡ. Nó sẽ không lùi bước trước một vụ sát nhân thứ ba nữa. Con quỷ sống hiện giờ vẫn ẩn nấp đâu đây! Nó có một mình hay có sự tiếp tay của tên đồng lõa? Đồng lõa? Ai, ai có thể là đồng lõa của hung thủ? Mụ Phé chăng? Kể cũng đáng nghi lắm. Nếu không có tà ý gì thì tại sao mụ lại lấy mấy cây bài ra làm rối loạn sự việc ngay từ lúc đầu? Mụ toan tính cái gì vậy? Bí mật!... Để né mạng lưới của pháp luật! Nhưng có một điều khó hiểu nhất là: động cơ nào đã thúc đẩy hung thủ xuống tay hạ sát cả hai người? Hai nhân vật đều khác biệt nhau, thể chất khác, trình độ trí thức khác nhau một trời một vực. Hay thủ phạm là một gã điên khùng loạn trí?... Hay là một… mụ điên. Mụ điên.

Có tiếng lá khô kêu sột soạt. Trọng Viễn ngẫng phắt lên. Mụ Phé đã sừng sững đứng trước mặt tự bao giờ. Mụ há hốc cái miệng, sặc lên cười “ khạch khạch ”, cất tiếng nói như quạ kêu:

_ Thế nào ? Cậu Cả ? Trông thấy tận mắt hai người chết rồi đấy chứ, hả ? Còn muốn người thứ ba nữa chết không ?

“ Cậu Cả ” đùng đùng nổi giận. Cứ nghĩ đến nỗi đau khổ của mọi người trong biệt thự cụ Án khi nghe được chàng báo tin dữ. Trọng Viễn lại có cảm giác như lửa đốt trong lòng. Chàng trai nghiến răng:

_ Coi chừng đó, mụ Phé ! Mụ ghê gớm lắm ! Xác thằng Ngây đâu ? Nói đi ! Đồng thời mụ có chịu bảo cho tôi biết kẻ nào nhẫn tâm hạ sát cả hai người đó không ? Chịu không ? Có hay không ? Trả lời một tiếng thôi.

Mụ phù thủy luống cuống:

_ Ấy, có, có ! Tại cậu không hỏi thì làm sao tôi nói!

Chàng thanh tra không ngờ mụ biết điều một cách dễ dàng đến thế, liền mỉm cười trách:

_ Mụ đã lớn tuổi như thế rồi, ít nhất cũng phải biết hổ thẹn với lương tâm khi thấy điều tra một vụ án ghê gớm như thế này cứ kéo dài ra mãi trong lúc chính mụ, mụ lại biết được sự thật như thế nào. Đôi mắt nâu quắc lên, giọng nói chàng thanh niên đanh lại – Giờ đây, dù muốn dù không, mụ cũng phải nói. Thế nào mụ Phé ! Nghe tôi hỏi đây rồi liệu mà trả lời: ai đã giết cả hai đứa ?

_ Tôi ! Chính tôi ! Tôi đã giết cả hai đứa!

Mụ Phé nổi cơn điên ? Đúng thế ! Trọng Viễn bất giác thoái lui một bước như người đứng trước một con rắn độc đang nhóng cổ sắp sửa mổ tới. Miệng chàng lắp bắp:

_ Á, a ! Nhưng tại sao ? Tại sao chứ ? Hả ?

_ Tôi ghét tụi nhà mụ Án, suốt đời giàu sang phú quý, sống trong nhung lụa lượt là. Mà tôi thì khổ quá. Suốt đời chỉ sống nhờ vào sự bố thí của họ. Tôi thù hận họ. Mụ Án làm bộ làm tịch, ỷ có mấy đứa con, đứa nào cũng xinh đẹp. Mà ngay cả mụ nữa, ăn uống tẩm bổ, cứ đẹp nõn ra. Còn tôi, thì lại phải sống hẩm hiu trong cảnh cô đơn đói khổ.

Trọng Viễn có cảm giác vừa được nghe một bài văn tả oán. Một bài văn gò ép, gượng gạo đã sửa soạn sẵn sàng từ lâu, chỉ chờ có đúng dịp là đọc lên làu làu như diễn kịch.

Chân chàng thanh tra lại tự động bước tới một bước:

_ Mụ Phé kì quái thật ! Thế ra chỉ vì ghe ghét mà mụ đã hành động dã man như vậy ! Nhưng còn thằng Ngây ! Thằng Ngây đã làm gì mụ chứ ?

Mặt mụ đàn bà ngẩn ra mấy giây, nhưng lấy lại vẻ bình thản rất nhanh. Tiếng mụ lại cất lên đều đều:

_ Tôi đã bắn chết cậu Sinh đêm hôm 12 rạng ngày 13. Lúc đó, cậu ấy với thằng Ngây đang đi chơi trong rừng trên con đường mòn lớn đó. Khi cậu Sinh gục chết, tôi đã bắt thằng nhỏ trèo lên treo xác cậu ta trên cành cây. Tôi đã giúp nó một tay bằng một sợi dây thừng đầu buột một hòn đá, liệng qua cành cây. Thằng Ngây ríu ríu làm theo vì nó sợ hãi tôi quá. Khi trèo xuống, đột nhiên thằng nhỏ nổi cơn hung bạo, miệng la thét inh trời và nhảy xổ vào cắn xé tôi như một thằng điên.

_ Thế là bà nổ súng bắn nó luôn ?

_ Phải !

_ Súng gì thế ?

Không một chút ngập ngừng do dự, mụ Phé nói ngay:

_ Khẩu súng trường hai nòng của cậu Sinh bỏ quên tại nhà tôi hồi sáng hôm ấy, khi cậu đưa mấy cuộn len đến cho tôi nối thêm vào ống tay áo lạnh của bà Án.

Chàng thanh tra chợt cất tiếng mừng reo chiến thắng:

_ Bắn bằng khẩu súng hai nòng của cậu Sinh ! Ha ! Ha ! Vậy mà vết thương trên mình hai nạn nhân lại do đạn súng lục. Ha ! Ha ! Ha !

Mụ Phé biến sắc mặt, đôi đầu gối nhũn ra. Mụ gục xuống gốc cây thông, ôm mặt khóc nức nở. Trọng Viễn cúi xuống lay vai mụ:

_ Tội nghiệp ! Này, mụ Phé ! Mụ có ý che chở cho ai thế ? Con hay cháu của mụ chăng ? Hay một tên du đãng côn đồ nào đó, hả ?

Mụ già không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu. Chàng trai hỏi gặng:

_ Nhưng là ai mới được chứ ? Ai ?

Mụ Phé dằn từng tiếng:

_ Trung úy Dưỡng !

Ba chữ “Trung úy Dưỡng” tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến cho trí tưởng tượng bén nhạy, phong phú của Trọng Viễn tái diễn được cả một tấn bi kịch, bắt đầu từ quá khứ: mụ Phé, trong tuổi xuân thời, đã gởi đứa con trai vào cô nhi viện. Đứa con trai ấy, theo thời gian, lớn lên trở thành… Trung úy Dưỡng, một sĩ quan phi công. Vị sĩ quan phi công ấy đổi về làm việc tại phi trường cách biệt dinh cụ Án Bùi ba trăm thước. Trung úy Dưỡng yêu say đắm Tường Lan, cô con gái lớn của cụ Án Bùi, được người đẹp yêu lại. Cuộc tình duyên lứa đôi bị Sinh ngăn trở. Trung úy Dưỡng, trong một phút phẫn hận, đã hạ sát cậu Sinh, em trai ruột của người yêu mình. Sinh, trước khi bị bắn chết, đã giằng co vật lộn dữ dội và đả thương Trung úy Dưỡng. Dẫn chứng cụ thể: chiếc áo sơ mi đẫm máu Trọng Viễn phát giác được trong ngăn kéo “com mốt” của Tường Lan.

Chàng thanh niên ý thức được vai trò tuyệt luân của mụ Phé trong việc đánh lạc hướng công lý, hy sinh tuyệt đối để cứu con trai.

Có thể thế lắm ! Ồ, nhưng còn thằng Ngây ! Cái chết của thằng bé ngớ ngẩn này giải thích thế nào ?

Hỏi, mụ Phé cho biết:

_ Dưỡng đã giết thằng Ngây vì bất đắc dĩ, tuy trong lòng không muốn.

_ Và chính mụ đã đưa ra ý kiến thủ tiêu xác thằng nhỏ ?

_ Đúng như vậy ! Tôi chôn nó ở trong cánh rừng già. Ồ, thằng bé vẫn yêu thích cánh rừng già ấy lắm.

Trọng Viễn vẫn cố lấy giọng điềm nhiên:

_ Thế rồi chính Trung úy Dưỡng đã giúp mụ di chuyển xác nó đi ?

Mụ Phé gật đầu:

_ Phải!

Chàng thanh tra thở ra một hơi nhẹ, thật dài. Lại một câu chuyện bịa đặt, dựng dứng cứ như thật ấy thôi.

Đôi mắt tròng nâu như mắt thỏ quắc lên, giọng nói gằn từng tiếng chát chúa:

_ Mụ điêu ngoa xảo quyệt ! Trung úy Dưỡng đã đi công tác từ ngày 13. Trung úy Dưỡng cũng không phải con trai của mụ mà cũng không phải y đã xuống tay hạ sát cậu Sinh. Tôi đã lầm lớn mà nương tay để mụ lừa dối mãi. Thế nào ? Sự thật ra sao ? Mụ nói hay không thì bảo !

Yên trí thế nào mụ phù thủy cũng nổi trận lôi đình, phản ứng chắc phải dữ dội lắm. Trọng Viễn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mụ Phé chăm chú nhìn chàng, tia mắt vô cùng buồn thảm. Hai giọt nước long lanh, từ hai con mắt, một bé một to, ứa ra, từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo. Cái miệng không răng lại phêu phao mấy lời vè quái dị:

Một đứa ngủ, hai đứa ngủ.

Đứa thứ ba rồi chẳng thức lâu.

Một cánh tay mụ Phé mệt nhọc đưa lên chỉ vào lùm cây um tùm kế bên chỗ Trọng Viễn đứng. Chàng thanh tra xăm xăm tiến lại trong khi mụ phù thủy lại gục mặt tiếp tục khóc rấm rứt.

Vạch cây rẽ bụi, Trọng Viễn phát giác ra ngay thây của thằng Ngây. “Người ta” đã kéo lê xác nó từ nhà đến tận đây. Áo quần thằng nhỏ mặc trên người rách bươm, lấm đầy đất cát, chứng minh rõ điều đó.

Thế rồi sự thật như những đốm nhỏ, lóe sáng dần trong tâm trí chàng thanh tra:

“Xác thằng nhỏ bị kéo lê trên mặt đất, có nghĩ là người làm việc ấy không đủ sức bồng hẳn nó lên. Người ấy là mụ Phé! Mục đích để làm gì?... Nhằm làm rối tung sự thật đánh lạc hướng điều tra của mình… Rắc rối thật! Chỉ còn một cách duy nhất đối chất với thi thể cậu Sinh mới hy vọng đạt được kết quả…”

Nhìn mụ Phé, chàng buông gọn:

_ Này đi theo tôi!

Mụ phù thủy ngồi nhổm lên, có cử chỉ thảng thốt vội vàng như muốn bỏ trốn.

Trọng Viễn khẽ quát:

_ Vô ích! Định đi báo tin cho ai đấy hả? Đừng hy vọng làm cái chuyện đó nghe! Tôi theo sát mụ đó, coi chừng!

Mụ Phé bướng bỉnh, quàng tay ôm chặt lấy cây thông.

Kể từ ngày làm việc cho tới giờ, đã hơn mười năm, Trọng Viễn không hề áp dụng biện pháp cứng rắn với ai. Ngay cả bữa nay, hơn bao giờ hết. Chàng lại còn tỏ ra thương hại thật tình. Lá bùa phù thủy rã tan như tờ giấy mỏng bị nước mưa, mưu mô vụng về, thô kệch, bị phanh phui phơi trần dưới ánh sáng, mụ Phé hiện nguyên hình là một bà già thân tàn ma dại, nghèo khổ cùng cực.

Chàng thanh tra trầm giọng:

_ Mụ Phé ! Mụ nên nhớ rằng tôi biết được nhiều chuyện lắm. Nếu mụ tỏ ra là người biết điều, chịu nghe lời tôi, sẽ có lợi vô cùng cho kẻ mà mụ muốn che chở. Tôi sẽ hết sức giúp đỡ. Mụ có thể tin ở tôi.

Sắc diện Trọng Viễn ánh lên một vẻ gì đặc biệt khiến mụ phù thủy nới lỏng tay, không ôm chặt thân cây nữa, đồng thời ánh mắt mụ cũng hết hẳn vẻ lạnh lùng bí mật.

Hai người chầm chậm đặt bước đi theo con đường mòn nhỏ hẹp. Mụ già khom lưng trên khúc cây gậy tre đen bóng. Áo quần rách bươm bay phần phật theo làn gió từng cơn thổi loạn, trong không khác gì một con chim trời đã bị trọng thương còn bị bạt gió, sả cánh tả tơi.

Trọng Viễn lặng lẽ đi phía sau. Tâm trạng chàng là tâm trạng cụt hứng của nhà thiện xạ, trước khi vào rừng yên trí là thế nào cũng đem được về, trình cho công chúng xem một con mãnh thú, nhưng giờ đây, mồi thịt rừng lại chỉ là một con chim bạt gió lông cánh tiêu điều xơ xác.

Chương 12

Về tới biệt thự, Trọng Viễn đẩy mụ Phé vào một gian phòng bên cánh phải, trong kê toàn tủ sách, cửa ra vào có treo chìa khóa sẵn sàng. Chàng thản nhiên khóa trái cửa, để mụ phù thủy bên trong.

Bước xuống sân, chàng thanh tra áy náy vô cùng, Trọng Viễn cảm thấy khổ tâm không bút nào tả xiết khi nghĩ đến lúc bắt buộc phải báo cho bà Án biết về cái chết rùng rợn của đứa con yêu quý của bà. Trời ơi ! Và nhất là… nhất là Tường Vân, cô gái đẹp dịu hiền phải đối chất với cái xác không hồn của người anh trai ruột thịt.

Phải ! Đúng như thế ! Chương trình kế hoạch “đối chất” của Trọng Viễn là: yêu cầu tất cả mọi người ở trong biệt dinh cụ Án phải nhìn mặt xác chết một lần, nhưng không báo cho một ai biết trước việc ấy.

Đồng thời, chàng giữ tuyệt đối bí mật. lẳng lặng kêu điện thoại để điện trình Tòa án nội dung sự việc.

Ông Dự thẩm Tòa án được thông báo chương trình kế hoạch chuyên môn của chàng thanh tra, đã thi hành các thủ tục một cách kín đáo, đồng thời hai thi thể nạn nhân được di chuyển bằng xe hơi đến quàn tại nhà bà Cầm. Xác thằng nhỏ Ngây được khâm liệm ngay. Còn thi thể Sinh, cao lớn, cân đối, vẫn mặc đủ quần áo chỉnh tề, đặt nằm ngay ngắn trên cái giường lớn. Có điều lạ là người ta không thể chắp hai bàn tay cứng ngắc của cậu vào với nhau, và không làm cách nào khép được đôi mí cho che kín đôi tròng mắt lúc nào cũng mở trừng trừng.

Trọng Viễn, trăm khéo, nghìn khôn, đã ngầm báo cho bà Án tin tức rùng rợn về cậu con một. Bà tỏ ý muốn được nhìn thấy mặt con lần cuối cùng, ngay tức khắc. Chàng thanh niên vô cùng cảm phục trước thần thái bình tĩnh lộ trên sắc diện uy nghiêm của thiếu phụ. Bà thản nhiên, từ từ thốt:

_ Trước sau tôi vẫn nói với ông: “Cháu Sinh chỉ là nạn nhân chớ không thể là thủ phạm được”. Ông đã thấy rõ lời tôi nói là đúng chứ ?

Tia mắt chàng thanh tra, từ lúc nào vẫn phóng qua ô cửa sổ, chợt ngẩng lên nhìn mặt nữ chủ nhân. Làn da xanh mét trên khuôn mặt đài các tố cáo rõ nội tâm đứt đoạn của người mẹ thương con nhưng vẫn cố gắng không để lộ ra.

Trọng Viễn trầm giọng:

_ Thưa bà ! Thành thực chia buồn cùng bà ! Và trân trọng thỉnh cầu nơi bà một điều: vì lợi ích của cuộc điều tra truy lùng thủ phạm, khi về tới biệt thự, xin đừng để lộ sự việc thê thảm này. Việc loan báo, xin để dành phần tôi. Có thế, tôi mới có thể lợi dụng sự xúc động của từng người khi họ được nghe công bố tin tức. Con người ta, khi bị cảm xúc, thường để lộ chân tướng, do đó mới hy vọng tìm ra đối tượng để quy định trách nhiệm về vụ sát hại hai mạng người một lúc này.

Qua một tiếng thở dài, thiếu phụ khẽ gật đầu. Mái tóc muối tiêu gọn đẹp khẽ rung rung:

_ Xin vâng ! Trăm sự đều nhờ một tay ông lo hết ! Tôi xin hoàn toàn theo ý ông muốn !

Về đến biệt dinh, bà Án nhẹ nhàng như một cái bóng, về thẳng phòng riêng. Khi cánh cửa phòng đã khép chặt, khuất lấp con mắt của mọi người, bà mẹ thương con mới vật mình trên nệm giường, úp mặt vào cánh tay, òa lên khóc nưc nở.

Trong khi đó, tại nhà bà Cầm, Trọng Viễn bắc một cái ghế dựa, ngồi cạnh giường Sinh nằm. Theo lệnh của chàng, hai nhân viên Cảnh sát, có mặt tại biệt thự từ hôm đầu, đã đi mời tới nhà cụ Án Bùi, tất cả những người được chàng thanh tra “hỏi thăm” về từng nội vụ. Từng người một, sẽ được đưa tới nhà bà Cầm, lưu giữ thật cẩn mật tại gian nhà bếp sau cuộc “đối chất” với xác chết.

Kẻ được đưa tới đối chất trước là… Tường Vân! Chàng thanh tra thấy cõi lòng se lại khi nghe thiếu nữ rú lên thảng thốt:

_ Anh Sinh! Trời! Anh Sinh yêu quý của em! Trời ơi!

Chưa dứt tiếng kêu, Tường Vân đã nhào tới ôm chầm lấy xác anh, đặt môi lên vầng trán lạnh ngắt như muốn hà hơi làm cho nó ấm lại.

Trọng Viễn ân hận vì đã bị bắt buộc phải bố trí một cảnh tượng thương tâm đứt ruột như thế, chàng vội vàng chạy lại đỡ tấm thân băng tuyết, giây phút này mềm oặt như mớ dưa héo, rũ xuống, dìu đi, gần như là bế bổng hẳn cô gái lên, đoạn đưa xuống gian bếp ngồi chờ cuộc đối chất cho tới khi chấm dứt. Tường Vân ngồi yên chỗ, chàng quay bước lên nhà trên ngồi vào chỗ cũ.

Người thứ hai được đưa vào nhìn mặt Sinh là… chị Duyên, cô nữ tỳ xinh đẹp của cụ Án Bùi. Liếc nhanh mắt, chiếu tia nhìn lên sắc diện cô gia nhân, chàng trai nhận ra ngay sự ngạc nhiên tột độ. Đúng thế! Chị Duyên không ngờ “người ta” lại đưa chị tới đây để chứng kiến cảnh tượng ghê gớm này. Nhưng, vốn là một cô gái có tâm hồn cứng rắn, cằn cỗi và… ích kỷ, chỉ tha thiết đến cái gì có lợi cho riêng mình mà thôi, Duyên nhếch môi cười lạt, thốt ra những lời chua cay khó chịu:

_ Thế là rồi một đời! Đáng kiếp! Trẻ không tha, già không thương. Gặp ai sạch mắt một tí là cũng thả lời ong bướm, chẳng từ một ai. Đã bảo trước rồi mà! Nhất định là lại một nàng nào bị bỏ rơi báo thù đây!

Trọng Viễn cau mày khó chịu, ra hiệu cho cô gái im lặng và vẫy tay bảo đi.

Tài xế Giang xuất hiện nơi khuôn cửa ra vào. Không có gì xúc động lòng người cho bằng cảnh tượng một người đứng tuổi, nét mặt từng trải phong sương, mà lại đầm đìa nước mắt. Bác tài Giang đưa bàn tay vụng về lên quệt mắt, miệng lắp bắp nói chẳng ra lời, giọng khàn đục hẳn đi:

_ Tội nghiệp quá! Cậu Sinh ơi!

Hơn mười lăm năm nay, lái xe cho gia đình cụ Án Bùi, bác tài Giang, một con người giang hồ lịch lãm, đã coi nữ chủ nhân, các cô, cậu tiểu chủ của mình như những người thân thích ruột rà.

Vừa đưa bác Giang quay ra, Trọng Viễn vừa ngẫm nghĩ:

_ Kết quả cuộc “đối chất”, tới giây phút này coi bộ chưa có gì khả quan… Kiên nhẫn một chút coi, may… À, đây… mục này có vẻ hay hay đây…

Tường Lan bước vào. Chàng thanh tra không rời mắt ngó nàng dù chỉ một giây.

Thấy xác em trai, Tường Lan lảo đảo y người bị ai đánh đòn thật nặng trúng ngực. Hai tay ôm mặt, đầu gối như lỏng ra, không chống đỡ nổi thân người. Cô gái đẹp khuỵu chân quỳ sụp xuống bên cạnh giường người chết. Gục trán vào nệm giường trắng tinh, Tường Lan khóc than rền rĩ tưởng không còn chấm dứt được nữa.

Đợi cô gái dịu bớt cơn xúc cảm, chàng trai mới khẽ nghiêng mình:

_ Thế nào cô Tường Lan? Bây giờ cô đã thấy là cần nói hết cho tôi biết chưa?

Cô con gái cả cụ Án Bùi ngẩng mặt đứng phắt lên. Sắc mặt nàng xanh rờn:

_ Trời ơi! Ông vẫn cứ đinh ninh là tôi giấu diếm mọi điều liên hệ đến cái chết của em tôi. Lầm! Ông thanh tra lầm rồi! Nếu biết được bất cứ một điều gì có ích cho cuộc điều tra, xin ông cứ tin rằng tôi đã nói cho ông biết rồi chứ!

_ Nhưng cô có thấy rằng, vì cứ ngậm miệng không nói gì mà cô đã khiến việc dò xét của tôi bị tê liệt hết đó không? Hoặc giả có vớ được một đường dây nào đó thì lại là toàn đường dây sai lạc, những đường mòn dẫn đi mỗi lúc mỗi xa sự thật. Cô có tin là tôi có đủ khả năng để bắt buộc cô phải nói sự thật không? Nếu là ai khác, không phải cô Tường Lan, con gái lớn của cụ Án Bùi Đình Quang đây, cô có biết tôi sẽ nói thế nào không? – Trọng Viễn hắng giọng, nói hơi lớn – Tôi sẽ bảo rằng: “Thôi được! Cô không muốn nói gì hết phải không? Không sao! Cô sẽ giải thích với ông Dự Thẩm vậy!”

Bất giác cô gái rùng mình, gật đầu lia lịa:

_ Ông nói đúng! Quả tình ông là một người thành thực và có lòng nhân ái vô cùng.

Trọng Viễn ngó thật sâu vào đôi mắt đẹp:

_ Cảm ơn cô! Vậy thì cô giúp tôi một tay nhé!

Tường Lan khóc nấc lên.

_ Nhưng, tôi… không…không thể… À, tôi… đây, tôi sẽ nói hết sự thật cho ông nghe. Và rồi ông sẽ thấy chẳng có gì liên hệ tới…tới…

Cô gái không nói hết câu. Nàng chỉ đưa mắt nhìn thi thể của em trai yêu quý và lại khóc như mưa.

Trọng Viễn nhìn Tường Lan ái ngại:

_ Cô chỉ cần cho tôi biết: chiếc áo sơ mi đẫm máu tại sao lại ở trong phòng cô? Và đêm hôm 12 rạng ngày 13 cô đã sang phòng em trai cô vì việc gì vậy?

Tường Lan giật thót mình:

_ Ai bảo với ông như thế?

_ Ai bảo thì ai! Cô không cần biết! Tôi hỏi, cô cứ việc trả lời thôi.

Giọng run run, Tường Lan bắt đầu nói:

_ Mặc dầu mẹ tôi và em Sinh ngăn cản, tôi vẫn hẹn gặp chàng trai yêu tôi và một hai nhất định cưới tôi…

Chàng thanh tra nói tiếp luôn:

_ Trung úy phi công Dưỡng!

Cô gái đỏ ửng sắc mặt:

_ Vâng, Trung úy Dưỡng! Lúc đầu, chúng tôi thường gặp nhau ở ngoài phố. Nhưng vì cảm thấy bị theo dõi dữ quá, chúng tôi…

_ … Hẹn gặp nhau tại nhà?

Tường Lan cúi mặt:

_ Vì lẽ mẹ tôi sợ mang tai tiếng… Vả lại, thực ra chúng tôi đâu có làm gì trái đạo.

Trọng Viễn gật đầu, ánh mắt thành thật:

_ Tôi công nhận lời khai của cô là sự thật! Nhưng, làm cách nào Trung úy Dưỡng vào biệt thự mà không bị ai bắt gặp?

Cô gái nói lí nhí, chàng trai phải lắng tay nghe mới rõ:

_ Không bao giờ Dưỡng tới trước nửa đêm. Anh ấy trèo theo ống máng đến bao-lan phòng tôi.

_ Trung úy Dưỡng tới nhiều lần bằng cách leo ống máng như thế?

_ Ba lần tất cả. Lần chót đúng vào đêm ghê rợn Sinh bị mất tích, Dưỡng mặc thường phục như mọi lần cho đỡ bị để ý. Để leo ống máng cho dễ, anh ấy đã cởi áo vét ngoài ra, cắn giữ cổ áo bằng hai hàm răng. Đêm đó, rủi quá, lại là đêm mưa gió ầm ầm, Dưỡng leo lên được nửa chừng thì có mấy viên ngói bị gió tốc, sút ra, rơi xuống trúng ngực, máu ra đỏ lòm như ông đã thấy. Chúng tôi lo quá, không biết tính sao. Không lẽ để như vầy mà về phi trường sao? Mọi người sẽ để ý hỏi han lôi thôi, thêm rắc rối ra. Sau một hồi suy nghĩ, tôi chạy sang phòng em Sinh mượn một chiếc áo sơ mi cho Dưỡng dùng tạm, đồng thời thú thực hết với nó.

_ Chắc cậu Sinh đã nổi cơn phẫn nộ?

_ Vâng, đúng như thế! Nó đã la hét dữ lắm và còn nói thêm: “… Tôi không thèm sang bên ấy đâu! Gặp nó ở bên chị, chắc tôi sẽ giết nó quá!”. Rồi Sinh liệng cho tôi một cái áo sơ mi. Dưỡng thay áo xong ra về, để lại cái áo sơ mi dính máu. Đó, tất cả chỉ có thế. Ông thanh tra đã thấy rõ là chiếc áo vấy máu không dính líu một chút nào tới cái chết của em Sinh tôi chứ?

_ Nhưng tôi muốn biết: Cậu Sinh có gặp và cãi nhau với Trung úy Dưỡng không?

Tường Lan lắc đầu, ánh mắt thành thực:

_ Dạ không! Vì lẽ, Dưỡng đi ngay đêm hôm đó! – Tia nhìn của cô gái thoáng vẻ oán trách người đang đối thoại với mình:

_ Chắc hẳn ông đã biết rõ điều đó rồi còn gì.

Trọng Viễn ôn tồn:

_ Cô đừng vội giận. Chẳng qua tôi cũng chi muốn phanh phui tìm hiểu sự thật, dù cho sự thật ấy có buồn thảm đến mức nào đi nữa. Cô thấy chăng sự im lặng của cô đã khiến công việc của tôi bị trở ngại không ít. Cô Tường Lan – Chàng thanh tra gằng giọng, muốn nhân dịp này cho con gái nhà quan một bài học – Một thiếu nữ dòng dõi trâm anh như cô cần phải, không những tránh mọi điều xấu xa tai tiếng, mà lại còn phải hết sức giữ gìn ý tứ nữa. Vẻ bên ngoài, tiếng thế, nhiều khi tai hại lắm. Dư luận của những người sống tại đây, trong biệt thự này, nhất là những gia nhân, cũng đã khiến cho tôi có nhiều nhận xét sai lầm về cô. Họ phán xét các cô về hành vi thái độ bên ngoài… Nhiều khi họ xét đoán sai lầm… Phiền lắm! Giá cô đừng giấu diếm tôi một chút gì ngay từ buổi đầu thì có phải hay biết bao nhiêu không?

_ Lúc đó, tôi cứ hy vọng rằng: rồi ra sự thật sẽ được phơi bày dưới ánh sáng mà không cần tôi nói ra việc phiêu lưu tình cảm giữa Dưỡng và tôi ra cho ai hay, vì nó chẳng một chút nào dính líu với vụ em trai Sinh mất tích cả.

Chàng trai chiếu tia nhìn nghiêng:

_ Cô có thể yên trí là tôi sẽ giữ kín chuyện của cô với Trung úy Dưỡng.

Tường Lan khẽ gật đầu, ánh mắt đầy vẻ biết ơn. Quay nhìn, đồng thời, tiến lại gần thi thể Sinh, cô gái thở ra một hơi dài:

_ Còn bí mật về cái chết của em Sinh? Ai?... Ai có thể cho chúng ta biết được?

_ Ai thì chưa biết. Có thể là một gã đàn ông, có thể là một người đàn bà, chưa rõ được. Có điều hy vọng là: khi “đối chất” với thi thể cậu Sinh “y” sẽ không còn đủ tinh thần… giữ im lặng được nữa.

Tiếp theo Tường Lan, đến lượt cô giáo Bạch Xuyến. Nhà nữ mô phạm đĩnh đạc bước tới, không nghi ngờ gì hết về sự việc sẽ xảy ra. Trọng Viễn đặc biệt chú trọng đến cô gái hơn ba chục tuổi này. Thái độ, cử chỉ của Bạch Xuyến, từ lâu dưới mắt chàng thanh tra đều có vẻ kém thành thật và thiếu hẳn tính chất tự nhiên. Vừa mới đặt chân lên bậc cửa phòng, cô giáo đã rú lên một tiếng nghe y hệt tiếng rú của một người nằm ngủ trông thấy một cái gì khiếp đảm lắm. Chớp mắt, Bạch Xuyến đã gục xuống bậc cửa, đôi mắt trợn trừng, chân giãy tay giật không khác người mắc chứng kinh phong. Miệng cô giáo lắp bắp nói huyên thuyên những gì mà Trọng Viễn chỉ nghe rõ một câu nhắc đi nhắc lại:

_ Tất cả chỉ tại tôi! Tất cả chỉ tại tôi!

Chàng trai đứng phắt lên, bồng xốc cô giáo, rảo bước đi xuống gian nhà bếp. Bà Án và hai cô con gái đã có mặt tại đó cùng với hai nhân viên cảnh sát. Bạch Xuyến được đặt nằm trên một tấm phản gỗ. Ba mẹ con chủ nhân lăng xăng, người chạy đi lấy dầu nóng, người lay gọi. Một cảnh sát nắm hai tay cô gái bất tỉnh đưa lên đưa xuống đều đều làm cử chỉ hô hấp nhân tạo.

Trọng Viễn cho người đi tìm mụ Phé. Mấy phút sau, mụ già quái dị tới nơi. Vừa bước vào, y thị đã lừ lừ tiến lại gần xác chết, đôi mắt sáng long lanh nhìn mặt Sinh chăm chú, miệng lẩm bẩm nói những gì rất khẽ. Cử chỉ, thái độ quen thuộc như những khi bói bài. Mụ đứng như thế, lẩm nhẩm thầm thì rất lâu, khiến Trọng Viễn phải lấy làm lạ, chàng khẽ quát:

_ Thế nào, mụ Phé?

Giọng khàn khàn cất lên, đồng thời mụ phù thủy ngước nhìn Trọng Viễn:

_ Cậu cả! Giờ hung đã điểm!

Một đứa ngủ, hai đứa ngủ.

Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu.

Tiếp theo câu thơ bí hiểm là tiếng cười gằn “Khạch! Khạch” nghe muốn sởn óc, đồng thời mụ Phé đưa tay làm thánh giá. Xong, thản nhiên, mụ bước ra.

Kế đó, thầy kiểm lâm Phạm Văn Danh được đưa vào.

Vừa thoáng thấy mặt Sinh, thầy Danh đã trợn ngược đôi mắt lảo đảo thân mình ngã nghiêng ngã đổ. Trọng Viễn phóng mình lao tới đỡ, nhưng không kịp. Thời gian ánh chớp, viên kiểm lâm đã thọc tay vào thắt lưng, rút khẩu súng lục, kê nòng súng ngay ngực mình. Chàng thanh tra chồm tới hất tay cầm súng của đội Danh, chỉ vừa kịp khiến mũi súng đen ngòm chệch đi không chỉa thẳng nơi ngực. Nhưng viên đạn đã nổ, đập trúng bụng. Thầy Danh gục xuống oằn oại.

Tiếng nổ chát chúa khiến mọi người hốt hoảng chạy xô cả lại. Chị Duyên, Tường Lan, bác Giang tài xế đồng thanh hét lên:

_ Cái gì thế? Ai bắn?

Trọng Viễn ra lệnh hai nhân viên cảnh sát không để một ai được vào trong phòng, đồng thời trả lời xuôi:

_ Rủi ro! Tai nạn chết người vì rủi ro!

Tiếng mụ Phé rú lên ghê rợn:

_ Rủi ro! Hừ, rủi ro gì! Tai nạn gì? Tội nghiệp quá! Tội nghiệp quá! Cậu đã áp bức thế nào để đến nỗi nó, nó… hả, hả?

Mụ Phé chưa dứt lời, đã nghe tiếng cô giáo Bạch Xuyến tru thét lên:

_ Chính tôi giết đó! Này, ông thanh tra! Bắt giữ tôi đây này! Chính tôi đã giết cậu Sinh, giết thằng Ngây. Rồi bây giờ, tôi lại giết cả thầy Danh nữa đó. Bắt tôi ngay đi, này!

Mọi người sửng sốt, lui rạt cả về phía sau.

Trọng Viễn nghiến chặt hai hàm răng, đôi mắt sáng quắc, chiếu tia nhìn thẳng mặt cô giáo, cất tiếng đanh thép:

_ Im miệng đi, cô kia! Vào trong phòng chờ tôi! Sẽ có nhiều chuyện nói. Cô gieo tội ác đã nhiều rồi! Đi ngay! Đi!

Hất tay, chàng thanh tra ra dấu cho một nhân viên cảnh sát dẫn cô giáo đi.

Tường Vân hốt hoảng cũng bước theo người đã từng dạy dỗ mình. Trọng Viễn gọi giật lại:

_ Ấy không, không! Cô Tường Vân! Đừng đi theo con người ấy! Cô nán lại, tôi nhờ một việc. Cô gọi điện mời bác sĩ tới ngay giùm.

Chợt ngẩng lên, thấy nữ chủ nhân đang bước vào, Trọng Viễn tiến lên trước mặt bà Án như cố ý chặng lại:

_ Xin bà hãy dừng bước! Tôi xin hứa sẽ trình bày rõ ràng sự thật. Mời bà cứ về dinh trước đi. Để thu xếp cho đem thi thể cậu Sinh về trên ấy đã, rồi tôi sẽ hội kiến với bà sau. Chừng tiếng đồng hồ nữa thôi.

Mọi người cất bước rời khỏi trại Con. Dáng điệu ai nấy ủ dột âu sầu, y hệt một đoàn người đi đưa đám tang.

Trong khi đó, tại nhà bà Cầm, Trọng Viễn với hai nhân viên Cảnh sát phụ lực khiêng thầy kiểm lâm đặt lên trên chiếc giường gỗ, nơi đặt thi thể thằng Ngây. Thầy Danh vẫn bằn bặt hôn mê, áo bụng máu me đầm đìa.

Sau một tiếng rên dài, nạn nhân hồi tỉnh.

Trọng Viễn cúi xuống sát mặt:

_ Thầy Danh, thầy có nghe tôi nói không? Hả?

Nạn nhân chớp chớp đôi mí mắt như muốn nói “có”.

_ Thầy nói chuyện được không?

Thầy ú ớ được mấy tiếng:

_ … Để chờ…

_ Để chờ cái gì chứ?

Kẻ bị trọng thương làm một cử động cố gắng phi thường mới nói nổi:

_ Mời, mời… linh mục tới đã…

Do tính chất nghề nghiệp, Trọng Viễn ngày thường vốn là một người rất thản nhiên điềm tỉnh. Tuy nhiên, chàng vẫn tôn trọng mọi tư tưởng cá nhân miễn là những tư tưởng ấy xuất phát từ một khối óc vô tư và một trái tim thành thật. Ưu điểm nơi tính tình của chàng bao giờ cũng là công bằng và nhân ái. Lòng nóng như lửa đốt, chàng thanh tra vẫn cố nén, ra lệnh cho một nhân viên công lực chạy đi tìm bà Án để nhờ lo liệu cho việc người hấp hối yêu cầu. Chàng cảm thấy yên tâm. Bà Án là người có thể đặt hết tin tưởng.

Phạm văn Danh kiệt sức trông thấy. Trên mặt nệm máu đỏ loang mỗi lúc một nhiều.

Trọng Viễn lẩm bẩm:”Bác sĩ sao lâu quá”.

Tiện tay, chàng mở một cánh cửa tủ kế bên, lôi ra một xấp chăn mền, quần áo gấp gọn trong đó, lục lọi lung tung. Một tiếng reo mừng. Trọng Viễn vớ chiếc khăn bông trắng. Rồi, quấn chiếc khăn ôm bụng nạn nhân, rút khăn quàng cổ của mình cột chặc làm một cái băng tạm thời ngăn máu chảy. Đúng lúc đó linh mục Bạch Tâm tới nơi. Vị tu sĩ đến có một mình. Cô Danh, tức nàng Gấm trong tình trạng có thai, nên ai nấy đều đồng ý với chàng thanh tra chỉ báo tin cho nàng biết khi vết thương thầy Danh đỡ được phần nào trầm trọng đã.

Sau khi gật đầu chào Trọng Viễn, linh mục bước vào, tiến lại gần bên thầy Danh, nhẹ nhàng khoát tay ra dấu cho chàng trai hãy tạm thời lánh mặt. Người hấp hối cất tiếng thều thào:

_ Cứ…để…ông…ấy ở lại, nghe để biết! Cha…cha… Gấm… sẽ nói dùm con… nói hết… nhé. Vì sao… vì sao… con đã giết người… nghe cha… Ông ấy… sẽ biết cách!

Linh mục nhẹ nắm bàn tay người bệnh:

_ Con…! Con nói gì lạ vậy? Con lại vừa phạm thêm tội nữa rồi đó. Tội này mới là nặng nhất: Sự tuyệt vọng! Phạm văn Danh! Con nên nhớ rằng: đời sống của con không thuộc quyền con sở hữu! Sự hối hận, niềm khắc khoải ưu tư, là những cái mà con phải đem dâng hiến cho Chúa đặng sửa lỗi lầm thay vì buông xuôi tất cả… Nói đi con! Nói là con đã hối tiếc lắm đi!

Tia mắt lờ đờ của người bị thương dán chặc vào mắt vị cha Xứ. Hai giọt lệ ứa ra từ từ lăn xuống làn da má xanh rờn.

Qua hơi thở, có tiếng thều thào:

_ Tha tội cho con!

Giọng cha Xứ run run cảm động:

_ Con vẫn còn lòng tin nơi Chúa đấy chứ! Con có chịu hứa với Chúa là sẽ để cho bác sĩ săn sóc chạy chữa cho không? Và con đủ can đảm chấp nhận điều đó chứ?

Khẽ hất đầu, vị Linh mục ra dấu chỉ Trọng Viễn.

Thầy Danh thở dốc, trên sắc diện, vẻ băn khoăn sầu khổ đã nhường chỗ cho nét thư thái nhẹ nhàng. Tiếng “vâng” từ miệng bất động lọt ra nhẹ như hơi gió thoảng, nhưng bàn tay giá lạnh nắm lấy mấy ngón tay cha Xứ khẽ bóp như xác nhận sự ưng chịu bằng lòng.

Tiếng nói của vị cha Xứ vẫn đều đều:

_ Vậy là được rồi! Thế là đủ! Con hãy đọc với cha lời kinh sám hối nhé!

Trên vầng trán trắng bệch của người hấp hối, vị tu sĩ hiền đức đưa ngón tay làm dấu thánh giá, miệng thì thầm đọc lời kinh giải thoát…

_ Cha tha tội cho con…

Rồi cha Xứ quay sang nhìn Trọng Viễn:

_ Xong rồi! Ông có thể tới gần đây! Phạm Văn Danh! Con cứ việc nói hết đi!...

Giọng nói của thầy kiểm lâm đã yếu lắm, thoảng nhẹ như sợi tơ trời:

_ Tôi đã bắn chết cậu Sinh! Tôi đã bắn chết thằng Ngây!

Trọng Viễn thầm nghĩ:

_ Cô giáo Bạch Xuyến cũng nói thế! Kỳ quái!

Thầy Danh lại thều thào:

_ Gấm sẽ nói hết cho ông nghe! Lạy Chúa! Tha tội cho con!

Tiếp theo là một đoạn rên dài. Mấy ngón tay trắng bệch co ruỗi loạn lên, túm chặt mặt vải nệm. Cái đầu, từ lúc nào cố hết sức ngóc lên, giờ đây không đủ sinh lực, đổ vật xuống mặt nệm nghe “bịch” một tiếng. Vị linh mục nhẹ nhàng chắp hai tay người chết lại với nhau, khẽ vuốt đôi mí mắt, rồi quỳ gối bên giường.

Trọng Viễn nghiêng mình trước thi thể thầy Phạm Văn Danh, đồng thời ghé miệng gần tai cha Xứ:

_ Tôi đi báo cho vợ thầy ấy biết, đồng thời lấy khẩu cung luôn, nghe cha!

Xem tiếp chương 13 (hết)