Triền dốc

Tủ sách Ngàn Thông - 1972

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

   Chương kết

Nguồn: ĐÈN BIỂN sưu tầm & đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

AZW3

EPUB

MOBI

Chương 1

Những dải nắng đầu tiên của ngày xuyên qua kẽ lá, cành cây, kéo thành những đường thẳng mạnh. Dưới thung lũng, những cụm sương mù còn đọng lại trắng xóa. Thiên nhiên như còn tiếc rẻ giấc ngủ.

Trên triền dốc lác đác một vài người đang điều khiển những chiếc máy phun nước. Những cây rau "xú" chạy dài thành những đường thẳng tắp từ đỉnh xuống chân đồi... Nguyên đứng nhìn cảnh vật với niềm thích thú thanh thoải. Từ ngày về đây, sáng nào Nguyên cũng dậy sớm để lang thang trong rừng, để đứng trên ngọn núi cao nhìn xuống sự thức giấc của vạn vật. Nguyên yêu cái giá buốt cắn tận xương tủy của Đà Lạt. Khói theo nhịp thở bốc ra từ miệng và hai lỗ mũi. Nguyên xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ cóng rồi ôm lên má. Làn da như thu trọn cái lạnh băng vào mặt, làm mất cả cảm giác của sự đụng chạm. Nguyên khẽ hát một bài quen thuộc, Thung lũng hồng... Còn nhớ trên thung lũng này ru êm tình mềm... Người hỡi cho ta suốt đời một mình lẽ loi...

Một lúc sau, nắng đã lên cao, nhuộm vàng ngọn cây. Nguyên lững thững trở về nhà. Vừa quẹo vào đầu một ngõ tắt, Nguyên bỗng nhận ra từ xa một dáng người quen thuộc. Nguyên định lánh mặt, nhưng đã muộn.

- Anh Nguyên! Anh Nguyên!

Tiếng gọi trong trẻo của người con gái làm Nguyên bối rối. Nàng xuất hiện như một tiên nữ, xinh xinh trong chiếc áo ấm mầu hoàng yến ; làn tóc đen nhánh và óng mượt chẩy dài xuống vai như được cài thêm những bông hoa trắng. Nàng tiến lại với một nụ cười thật tươi:

- Anh Nguyên!

- Cô Diễm!

- Anh đi đâu mà sớm quá vậy?

- Xem rừng, xem núi!

- Anh Nguyên có vẻ nghệ sĩ ghê!

Nguyên đỏ mặt sau câu nói và tiếng cười thủy tinh của Diễm. Nàng là con gái thứ hai của ông bác sĩ Hoàng, chủ nhân khu vườn mênh mông này. Cha mẹ Nguyên là người làm công cho ông.

Như không để Nguyên nghĩ ngợi vu vơ, Diễm huyên thuyên:

- Diễm đi tìm ba. Hình như dưới ấp có người đau nặng, ba Diễm xuống thăm từ sáng sớm lận. Anh Nguyên có gặp ba Diễm không?

Nguyên lắc đầu. Nụ cười vẫn nở trên môi Diễm:

- Anh Nguyên ít nói quá, chẳng bù cho mấy anh chàng gần nhà Diễm, các ông ấy ba hoa chích chòe tối ngày.

Nhắc tới những người con trai khác, Diễm vô tình gợi dậy trong Nguyên một nỗi tủi phận mà đã từ lâu nhen nhúm trong thâm tâm. Chưa bao giờ Nguyên dám có ý so sánh mình với những thanh niên đồng lứa tuổi. Nguyên tự nghĩ mình kém xa họ về hình hài lẫn vật chất và địa vị xã hội. Cục thịt dư bằng vốc tay nằm phía sau cổ đã đẩy Nguyên xa loài người. Mới 19 tuổi đầu mà Nguyên đã không dám nhìn đời bằng lăng kính mầu hồng, không dám cười lớn giữa đám đông, trái lại tự thiêu hủy những mơ ước xanh tươi từ khi bước chân vào tuổi mới lớn. Mảnh bằng tú tài vừa giật được không làm Nguyên hãnh diện. Nhìn về tương lai Nguyên chỉ bắt gặp những ngõ cụt. Không có lối thoát cho kẻ tàn tật và nghèo hèn! Cha mẹ Nguyên rất túng thiếu. Cuộc sống lam lũ với những luống đất, cây rau không đủ đem lại một sự sung túc tương đối. Ba đứa em của Nguyên còn nhỏ, chỉ biết rong chơi và ngày ngày cắp sách tới trường. Cha mẹ Nguyên thường bảo: "Chỉ trông cậy vào thằng Nguyên, cố gắng cho nó ăn học đến nơi đến chốn để sau này nó nuôi các em nó". Đó cũng là giấc mơ của Nguyên, một mộng ước mà Nguyên phải đánh đổi bằng biết bao tủi nhục, bao uất nghẹn trong những ngày tháng lên Sàigòn trọ học nhà ông chú ruột. Nhưng thật ra cuộc đời không dễ dàng như người ta thường nghĩ. Bao nhiêu ước mơ của Nguyên đã bị héo úa từ khi Nguyên nhận ra hình hài mình không như những người khác. Cuộc đầu tư của cha mẹ vào Nguyên có lúc chàng đã định tiêu phá hết. Nguyên chán nản tất cả.

- Anh Nguyên nghĩ gì thế?

Nguyên giật mình, chối quanh:

- Đâu có!

- Lúc nào Diễm cũng thấy anh Nguyên trầm ngâm.

Nói rồi Diễm rủ Nguyên xuống ấp. Do dự một chút, Nguyên nhận lời. Sóng bước bên nàng, Nguyên chợt hối hận. Hình ảnh thằng Gù ở Đền Đức Bà mà Nguyên đã được xem trong một cuốn phim (1) hiện ra trong đầu óc Nguyên. Diễm thì đẹp, tươi trẻ như một nụ hoa còn ướt sương mai, như con chim nhỏ nhảy tung tăng trên cành cây ; còn Nguyên, cằn cỗi không khác gì một cành thông khô, xấu xí và tật nguyền. Nguyên nghĩ vậy và muốn dừng bước, quay lại, nhưng rồi Nguyên không dám thực hiện ý định. Như có một cái gì mong manh rất quí ở trước mặt mà Nguyên sợ cử động mạnh sẽ làm tan vỡ. Nguyên không nhận định rõ được "cái gì mong manh đáng quí" đó nhưng Nguyên mường tượng ra rằng nếu bỏ dở cuộc đi chơi này, Nguyên sẽ nuối tiếc vô cùng, không bao giờ Nguyên sẽ còn được cơ hội ngà ngọc như sáng nay. Nguyên không chối cãi đã hơn một năm Nguyên bị hình ảnh dễ thương của Diễm khuấy động tình cảm. Khi vui hoặc những lúc chán chường Nguyên lại bắt gặp đôi mắt long lanh và nụ cười tinh anh của Diễm. Tiếng "Diễm" vang vang trong giấc ngủ, khuôn mặt xinh xinh của Diễm đậu trên sách vở... Nguyên càng xóa bỏ, càng chạy trốn, những âm thanh và hình ảnh đó lại càng sắc cạnh và in đậm hơn. Nguyên vẫn nghĩ đó là một sự dại dột, bởi vì Nguyên không bao giờ có thể với tới những chùm trái xanh đó.

Giọng nói của Diễm bỗng nổi lên:

- Anh Nguyên về nghỉ được bao lâu?

- Kỳ này tôi ở lại đây luôn.

- Ồ, thích nhỉ! À, mà anh Nguyên tính không học nữa sao?

- Không, cô Diễm ạ.

- Sao vậy? Hai bác ở dưới đó vẫn nói là anh Nguyên hiếu học lắm cơ mà.

Nguyên cố giữ lại tiếng thở dài trong lồng ngực:

- Được học thì ai chẳng muốn, nhưng như cô Diễm biết đó, gia đình tôi đâu có khá giả gì, không lẽ cứ để cha mẹ khổ mãi?

- Tội nhỉ!

Nguyên hơi nhíu mày lại sau câu nói của Diễm. Chàng không hiểu Diễm nghĩ gì khi thốt câu "tội nhỉ". Hai từ ngữ này như một cơn gió lạnh phà vào da thịt. Tự nhiên Nguyên cảm thấy bực tức. Sự hứng thú khởi đầu tan nhanh. Nguyên giơ chân đá văng một chùm quả thông nằm giữa đường. Nguyên lại tự trách đã nhận lời xuống ấp với Diễm. Trong một thoáng Nguyên thấy ghét Diễm. Nguyên thường khó chịu trước những cử chỉ hay lời nói của kẻ khác lộ vẻ thương hại chàng. Nghèo, tật nguyền, Nguyên cam nhận sự phũ phàng đó, nhưng lại không muốn ai xâm nhập đến. Thế mà câu nói của Diễm vừa rồi vô tình như thấp thoáng một giễu cợt. Nguyên cũng hiểu đó không phải là sự chủ tâm. Nguyên biết tính Diễm, là con gái duy nhất của một bác sĩ, một chủ doanh trại, giầu có, đẹp, nhưng Diễm không có cái kênh kiệu, cái tự mãn của những cô gái cùng địa vị, không có cái tách rời khỏi những người của giai cấp khác. Nàng ùa vào niềm vui của những người làm công, hòa đồng trong những nỗi buồn, thân mật trong chuyện trò, gần gũi trong hỏi han, đi lại. Chính vì vậy Nguyên mới dám nói chuyện với Diễm và cảm mến nàng... Nhưng dù sao câu nói của Diễm vẫn là một xoáy động trong tình cảm của Nguyên.

Không hề nhận ra phản ứng cháy ngầm nơi Nguyên, Diễm vẫn hồn nhiên:

- Bao giờ Diễm mới được như anh Nguyên!

Nguyên lấy giọng tự nhiên nói, nhưng không quay lại nhìn Diễm:

- Được gì cơ cô Diễm?

- Thi đậu đó.

- Mấy hồi! Năm nay đệ tam, năm tới là cô Diễm trở thành cô tú chứ gì.

Diễm cười. Nguyên nghe như cả rừng thông ngừng reo để đón nhận tiếng cười trong vắt của Diễm. Thần kinh trong đầu óc Nguyên trầm xuống như được tưới mát. Cỏ cây như xanh hơn. Ánh nắng thật dịu hiền. Một vài con bướm trắng đuổi nhau trên những bông hoa sim tím. Ý nghĩ giận hờn lúc nãy đã tan đi từ hồi nào, Nguyên mạnh dạn quay nhìn Diễm. Khuôn mặt trông ngang của Diễm cắt cạnh trên nền cây xanh. Diễm đẹp vô cùng. Nguyên vơ vội một lá cỏ bên đường vò nát để khỏa lấp những bối rối:

- ... Cô... Diễm...

- Gì cơ anh Nguyên?

- Ơ... à không!

Nguyên không hiểu sao mình đã gọi Diễm để rồi không tiếp nối câu nói. May mà Diễm ngừng hỏi, nếu không chắc Nguyên cũng không tìm được một câu trả lời nào hợp lý.

Bỗng như chợt nhớ một điều gì, Diễm nói như reo vui:

- À, anh Nguyên kèm Diễm học nhé.

Nguyên chưa kịp trả lời, tiếng Diễm lại vang động:

- Diễm dốt toán kinh khủng, tháng nào cũng cầm "đèn đỏ". Nhiều lúc muốn phát khóc ghê vậy đó. Anh giúp Diễm nghe.

- Sợ lại làm... tắt phụt đèn đỏ của cô thì sao?

Cả Diễm và Nguyên đều cười sau câu nói. Câu chuyện sau đó bao quanh việc học. Diễm thuật lại cho Nguyên nghe những chuyện trong lớp, về những thầy giáo, cô giáo và bạn hữu. Qua những lời kể của Diễm, Nguyên nhận biết Diễm được nhiều người cùng trường mến mộ, trong đó hẳn có nhiều bạn trai. Ý nghĩ này tạo trong Nguyên những nhói đau mơ hồ. Những Hải, những Trường, Nhuận, những Hiền... nào đó của Diễm chắc hẳn phải là con nhà giầu, đẹp trai, sành sỏi về cuộc sống bốc cháy hiện tại? Bất giác Nguyên sờ tay lên chiếc bướu trên cổ, thở ra nhè nhẹ... Diễm cũng hỏi Nguyên về bộ mặt Sàigòn cùng những ngày tháng của một học trò sống xa gia đình. Nét chăm chú trên khuôn mặt trắng hồng đài các của Diễm khiến Nguyên thích thú. Có lúc Nguyên đã kể quá sự thật của một sự việc ; cái gì cũng được Nguyên tô đậm bằng những mầu sắc thật sáng hay đen đặc.

- Nghe anh Nguyên kể Diễm thích Sàigòn ghê.

- Nhưng ở lâu thì chán lắm.

- Ba Diễm hứa hè sang năm sẽ cho Diễm xuống Sàigòn chơi.

- Thế à?

- Về luôn đây, anh Nguyên có tiếc Sàigòn không?

- Không. Tôi mê Đàlạt hơn. Ở đây yên tĩnh, không khí mát mẻ, cuộc sống hiền dịu và...

Nguyên định nói thêm: "và người Đàlạt dễ thương" nhưng kịp giữ lại được. Chỉ mới có ý nghĩ thôi mà tim Nguyên đã đập mạnh hơn, hơi nóng ran trên mặt mũi. Ở Nguyên tất cả như rụt rè, đóng khung, thu hình trong chiếc vỏ cứng. Muốn nói một câu văn hoa, muốn diễn tả một tình cảm, một tư tưởng mới, muốn bộc lộ một cử chỉ phóng khoáng, một cái vung tay rộng lớn, một bước chân vững mạnh... Nguyên đều ngại ngùng để rồi những ý muốn đó đui chột trong trứng nước hoặc cùng lắm chỉ thành hình trong tâm trí Nguyên, không thể vượt ra khỏi khung rêu của nó. Đấy, như bây giờ, Nguyên nghĩ là một cơ hội thật đẹp, thật thích hợp để Nguyên bầy tỏ những giao động của Nguyên về Diễm là hình ảnh nàng đã được đặt để ở một chỗ chót vót và sáng chói nhất trong cuộc sống tình cảm của Nguyên, là từ cách đây chừng hai năm, khi tuổi đời Nguyên khởi sự đi vào một giai đoạn mà người ta đặt tên là tuổi mới lớn, Nguyên vẫn thường xuyên nghĩ về Diễm trong tâm tưởng... Hay chỉ cần nói giản dị: "Tôi thích Đàlạt vì Đàlạt có Diễm" – đủ rồi – câu nói sẽ phải bắt Diễm nghĩ ngợi, khuấy động mặt nước phẳng lặng tình cảm của Diễm. Ấy thế mà Nguyên vẫn không dám hé môi. Tại Nguyên nhát hay mặc cảm có ngọn có rễ trong Nguyên? Có thể cả hai, Nguyên không rõ nữa vì sợ phải phân tích về mình. Nhưng Nguyên biết Nguyên sẽ nuối tiếc vì đã để hơn một lần cơ hội vuột khỏi tầm tay.

Tiếng Diễm bất chợt reo lên, trả Nguyên về thực tại:

- Anh Nguyên, lấy cho Diễm cái hoa kia đi!

Theo tay chỉ của Diễm, Nguyên nhìn thấy một bông hoa tím mầu mực học trò đứng nép giữa một bụi cây, cạnh mấy viên đá. Nguyên hỏi:

- Hoa gì thế cô Diễm?

Diễm trả lời gì đó Nguyên nghe không rõ vì tiếng nói của Diễm bị gió đánh tạt đúng khi Nguyên nhướn người nhảy qua cái rãnh mương. Nguyên phải lấy tay gạt những cành cây chằng chịt. Một vài ngọn gai đâm vào xước da, Nguyên không cảm thấy đau. Một niềm vui bỡ ngỡ đến không ngờ xôn xao trong Nguyên. Bông hoa tím như trêu chọc, thách đố Nguyên, vẫn còn đứng quá sải tay.

- Được chưa anh Nguyên?

Nguyên không trả lời Diễm, cố gắng lách mình vào sâu bụi cây. Chiếc bướu trên cổ làm Nguyên vướng víu. Nguyên chợt thoáng buồn, nghĩ Diễm đứng đằng sau rất có thể đang nhìn mình mà chủ điểm là khối thịt dư xam xám đó. Nguyên trở nên luống cuống. Hình ảnh thằng gù ở đền Đức Bà lại hiện ra. Hắn khờ khạo ngây ngô trước nàng Esméralda (2) xinh đẹp trên gác chuông nhà thờ của nó. Nguyên dấn đại người vào, bứt vội bông hoa rồi lao người ra. Nhưng khi nhìn lại Nguyên thấy bông hoa đã bị rách mấy cánh. Nguyên ném đi.

- Ơ, anh Nguyên?

- Hư rồi!

- Diễm bắt đền anh đó.

- Cô Diễm thích lắm hả?

- Vâng, tại mầu nó đẹp. Sáng nào Diễm cũng phải tìm cho bằng được một hai bông để chưng trên bàn học của Diễm.

- Sao cô Diễm không nói người nhà trồng trong vườn?

- Như vậy đâu có thích. Cái gì hiếm mà mình phải tìm kiếm mới quí, phải không anh?

Để giọng trầm xuống, Nguyên nói chạnh sang ý khác:

- Tôi sẽ tìm bông khác hái đền cô Diễm.

Nguyên và Diễm tới đầu ấp thì cũng vừa đúng lúc ông Hoàng đi ra ; ông có vẻ bệ vệ trong chiếc ba-đờ-suy mầu xám, tay cầm cái "sắc" đựng thuốc, miệng phì phà điếu thuốc. Ông Hoàng như vừa bỡ ngỡ, vừa mừng khi nhận ra Nguyên và Diễm. Ở ông Hoàng, người đối diện thường tìm gặp được những nét bình dân, dễ dãi, xuề xòa. Quả thực, ông rất tốt, rất quảng đại với mọi người nhất là với những người làm công. Nghe tin một người đau, ông đích thân tới khám bịnh, cho thuốc. Được tin một người quá cố, ông tới chia buồn cùng gia đình. Biết một người gặp nạn, túng thiếu, ông giúp đỡ. Không một điều kiện! Có lần Diễm đã kể cho Nguyên nghe hồi chưa có Diễm, khi còn trẻ, vừa tốt nghiệp y khoa bác sĩ, ông Hoàng rất say mê chính trị. Lòng yêu nước, thương dân tộc chân tình thắp sáng trong tâm hồn ông, soi bước ông đi, dẫn dắt ông dấn thân. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, khi bà Hoàng mang thai Diễm được ba tháng, ông Hoàng khám phá ra mình bị lợi dụng, lường gạt. Chung quanh chỉ những bầy kên kên mổ rỉa một xác người. Lý tưởng vụt tắt cho bóng đêm tanh hôi cắn xé. Ông Hoàng tuyệt vọng tất cả và ông đã rời bỏ thành phố Sàigòn sôi bỏng để đem cả gia đình về Đàlạt. Như một đoạn tuyệt với dĩ vãng. Như một khởi đầu cho cuộc sống mới. Mua lại một ngôi biệt thự. Tậu hai quả đồi trồng rau. Thế là đầy đủ. Thế là dấu yêu. Là tự do. Là thoải mái. Không mơ ước gì nữa, nếu có chỉ là lo cho đứa con trai lớn đang du học bên Pháp thành tài, lo cho Diễm nên người. Hạnh phúc viên mãn trong gia đình ông.

Tới gần ông Hoàng, Nguyên cúi đầu chào, Diễm chạy lên nắm tay cha, nhí nhảnh như đứa trẻ đón mẹ về chợ:

- Ba! Sao ba không lấy xe đi ngã kia có tiện hơn không?

- Buổi sáng đi bộ cho khỏe, tập thể thao luôn. À, mà con đi đâu sớm vậy?

- Con đi tìm ba nè.

- Có chuyện gì vậy?

- Để xin ba cho con đi picnic với mấy người bạn.

- Tận đâu lận?

- Trên Prenn. Được không ba?

- Ừ... ừ... nhưng phải cẩn thận đấy.

Như sực nhớ Nguyên đứng gần đó, ông Hoàng mỉm cười, hỏi:

- Nghe nói cháu mới về nghỉ hè?

Nguyên chưa kịp nói gì Diễm đã liến thoắng:

- Anh ấy mới về ở đây luôn đó ba.

Nguyên nhìn Diễm, thật nhanh, rồi ngập ngừng:

- Thưa ông vâng, cháu mới về hôm kia, định tối nay lên chào ông bà.

Ông Hoàng đi giữa Nguyên và Diễm. Những bước thật ngắn, thong thả nhịp trên mặt đường đất đỏ. Diễm vẫn nắm tay ông Hoàng, xách thay ba chiếc sắc đựng thuốc. Trong câu chuyện ông Hoàng khen cha mẹ Nguyên là người hiền lành, tận tụy, và ông còn cho biết: "Tôi quí ông bà ở dưới đó nhất". Một niềm hãnh diện, vui vui, len thấm trong tâm hồn Nguyên, nhưng lịm sớm vì hình ảnh vất vả, lam lũ, nhọc nhằn của cha mẹ, nheo nhóc, khờ dại của đàn em, chật chội, ẩm tối của căn nhà... đồng thời cũng hiện về khuấy động.

Tiếng ông Hoàng lại cất lên:

- Cháu Nguyên về đây luôn có nghĩa là cháu tính không học nữa à?

- Thưa ông vâng.

- Bác nghĩ người có chí như cháu thôi học thật phí.

- Nhưng thưa ông...

- Tôi cũng được nghe ông bà dưới đó nói cháu định đi làm giúp gia đình.

- Thưa vâng. Cháu đã nộp đơn xin làm thư ký ở Hội đồng Xã.

- Thật uổng!

- Thưa ông, nhưng...

- Bác cũng tiếc cho cháu. À, mà cháu đã thử cách nào chưa?

- Thưa, thử gì cơ ạ?

- Tìm phương tiện học thêm?

- Cháu định vừa đi làm vừa xin theo học trường Chính Trị Kinh Doanh.

- Cũng được... Nhưng sao ông bà dưới đó nói cháu ao ước học y khoa?

Nguyên lúng túng thật sự. Phải, đó là giấc mơ của Nguyên, nhen nhúm từ lâu, nhưng Nguyên biết đó chỉ là ảo tưởng. Nguyên nhớ năm ngoái, sau khi đậu tú tài phần một, lúc vui miệng, Nguyên đã thổ lộ giấc mộng đó cho cha mẹ nghe. Nguyên những tưởng câu chuyện nói cho qua, không ngờ đã thành một nguyên nhân hãnh diện cho cha mẹ và cha mẹ đã đem kể cho người khác. Viễn ảnh đã làm cha mẹ vui, che mờ hiện tại mù sương. Còn với Nguyên niềm mơ ước đó vẫn chỉ hình thành một làn khói mỏng đang tan dần. Nguyên thành thật nói ý nghĩ này với ông Hoàng:

- ... Cha mẹ cháu dũng đã có tuổi, các em còn bé, cháu thấy khó có thể an tâm học hành.

- Cháu nói thế cũng phải, nhưng nhiều khi chúng ta cũng nên nghĩ tới cái gì lâu dài thì hơn.

- Trong hoàn cảnh hiện tại, cháu thấy cháu đành chịu.

- Phải chiến đấu cháu ạ. Bác rất mến những ai hiếu học... Mà thôi, để khi nào rảnh bác cháu mình nói chuyện nhiều hơn.

Từ nãy lắng nghe những câu đối thoại giữa ông Hoàng và Nguyên, Diễm như lạc vào một thứ rối bời. Không vì ngạc nhiên về hoàn cảnh của Nguyên, nhưng câu chuyện đã khơi dậy trong đầu óc Diễm một thoáng suy tư. Sống trong sự đầy đủ và bảo đảm hiện hữu, Diễm chưa hề khúc mắc mình sẽ làm gì, chọn nghề nào, tương lai ra sao. Hiện tại và chỉ có hiện tại với Diễm là những ngày tháng học trò tươi mát, với những tiếng cười ròn tan, với những nô đùa hồn nhiên, với những cỏ cây hoa lá xanh mơ. Do đó, dù muốn, Diễm cũng không có gì để góp ý vào câu chuyện. Diễm chỉ hiểu đại để rằng dù rất ước nguyện được tiếp tục con đường học vấn, nhưng vì gia cảnh nghèo nên Nguyên đành chấp nhận một sự hy sinh, một lối rẽ bất đắc dĩ cho cuộc đời. Diễm bắt tội cho Nguyên. Trong số những người bạn trai mà Diễm quen biết Nguyên là nổi bật nhất, một tách rời khỏi đám đông – hiền lành – trầm tĩnh – nghị lực – nhưng mặc cảm. Biết nhau từ tuổi còn ấu thơ, hai đứa, mặc dù xa cách bởi địa vị xã hội của cha mẹ, vẫn thân thiết nhau. Không bao giờ có giầu nghèo, xấu đẹp trước những con mắt thiên thần của trẻ thơ. Diễm thường đòi bắt một con bướm, Nguyên thoăn thoắt chiều ý – muốn một trái mang-mác chua buốt chân răng – Nguyên len vào bụi cây. Có cái bánh Diễm nhớ phần Nguyên một nửa, có quả ô mai Diễm cũng chia làm hai. Nhà không có em trai hay chị gái, được mỗi anh Tùng lại chả thèm chơi với Diễm, chỉ kết tụ những thằng đồng lứa chơi trò cao bồi, mọi da đỏ, điệp viên, những thứ dữ dằn làm Diễm sợ ; thường ngày Diễm chạy xuống vườn chơi với Nguyên. Hai đứa thơ thẩn bên nhau, lúc ngồi bên tảng đá, bên bờ suối, lấy chân hất những giọt nước long lanh hạt ngọc, khi lên đồi chỉ những đám mây phiêu du đố nhau giống con gì hoặc tranh nhau nhận những bông hoa này, loại cây kia là của mình, hay đặt tên cho từng ngọn núi xa xa, từng thung lũng ; có lần hai đứa cũng đã chơi trò đám cưới dưới gốc cây thông già... Thật hồn nhiên. Thật thiên thần. Nhưng rồi theo thời gian tuổi đời thêm lên, khi hai đứa chợt khám phá ra mình bối rối, ngượng ngùng trước mặt nhau, đã biết đỏ mặt lẩn trốn những ánh nhìn, những rạo rực, khi chợt bắt gặp những biến đổi nơi thân xác, tình cảm, khi đã biết soi mình trong gương, nhìn bóng mình dưới dòng suối, biết giận hờn, buồn vui không duyên cớ... và biết mơ ước là một áng mây bay khắp hoàn vũ hay đậu trên đỉnh núi cao ngất, muốn biến thành loài chim vành khuyên hay mỏ đỏ để cất tiếng hót vang trên cây hòa nhịp với tiếng thì thầm muôn thuở của lá thông... Khi đó những trò chơi trẻ con cũng mất đi ý nghĩa... Và rồi khi lên đến lớp đệ tam, Nguyên rời bỏ thành phố trầm buồn Đà lạt, rời bỏ những núi rừng trùng điệp, những luống rau thẳng tắp... để dấn thân vào một môi trường mới, nơi đô thị ồn ào và nắng cháy. Cứ đến dịp tết và nghỉ hè Nguyên mới trở về Đàlạt. Vẫn tìm về với nhau, vẫn thân mật, vồn vã, vẫn cháy bỏng tình cảm, nhưng Diễm biết Nguyên đã tự vẽ một lằn mức ranh giới trong câm lặng của mặc cảm. Riêng Diễm, chưa một lần nào Diễm dừng lại với ý nghĩ về sự cách biệt do Nguyên tác tạo. Diễm đã nhiều lần tỏ dấu khó chịu những khi Nguyên dùng từ ngữ "cô" để gắn chặt vào trước tên của nàng. Diễm bảo anh Nguyên cứ gọi Diễm bằng "Diễm" không thôi nhưng Nguyên cứ lẳng lặng cúi đầu, không giải thích. Thật ra Diễm không muốn đồng hóa Nguyên với những người con trai quen biết khác. Ở Nguyên, đối với nàng, là một cao vợi, một riêng biệt. Ở Nguyên là những kỷ niệm của tuổi hoa nắng, của dĩ vãng ngọc thạch, của những ngày tháng xanh mát, của một quãng đời diễm tuyệt của Diễm. Và Diễm không muốn đánh mất những dấu vết thời gian đó...

Nghĩ vu vơ rồi Diễm thoáng giận mình đã không góp được một ý kiến nhỏ bé nào cho câu chuyện có vẻ quan trọng của Nguyên. Bản chất của Diễm là linh hoạt ; bạn bè thường nói đùa nhỏ Diễm lúc nào miệng cũng tía lia như bắp rang. Thế mà giờ đây Diễm chỉ biết đi nép bên người ba thinh lặng, cắn những cọng tóc bị gió đưa tạt vào môi.

Trong khi đó ông Hoàng và Nguyên vẫn tiếp nối trao đổi nhau những quan niệm về tuổi trẻ và thời sự. Trẻ già như đắc ý.

Dưới thung lũng không còn sương mù nữa. Thiên nhiên dẫy đầy sức sống. Những ngọn núi xa xa vẽ mạnh nét trên nền trời xanh. Nắng vàng rực rỡ không đủ làm tan loãng những cơn gió mỏng, lạnh giá và khô. Trên triền đồi, bóng người rải rác giữa những luống rau giống như những quân cờ trên một bàn cờ gần tan cuộc. Sinh hoạt mang vẻ trầm trầm, thư thản.

Tới con đường nhựa chạy vòng chân đồi rau, Nguyên định cáo từ ông Hoàng và chào Diễm để về nhà thì có tiếng còi xe hơi từ rất gần vọng tới. Không ai bảo ai, cả ba dừng lại như chờ đợi. Một chiếc xe hơi mầu đỏ, kiểu thể thao đang lao nhanh lại. Đứng hẳn trên nệm xe, bốn năm người con trai, con gái, giơ tay vẫy, miệng la:

- Diễm! Ê, Diễm!

- Bồ Diễm!

- Salut Diễm!

Diễm rời tay ông Hoàng nhẩy chân sáo tới. Khi chiếc xe chậm lại Diễm đã đánh đu trên bậc cửa xe, miệng vang tiếng cười. Ông Hoàng bắt tay từng người. Cả quãng đường như mở hội lớn. Cây cối òa dậy bởi những tiếng cười, tiếng nói. Nguyên đứng lùi lại phía sau. Hình như không ai để ý tới Nguyên. Thấy mình lạc lõng giữa những ồn ào vỡ bờ này, Nguyên định lánh mặt nhưng lại không dám. Chưa bao giờ Nguyên cảm thấy mình cách biệt đám đông như hiện tại. Họ hồn nhiên quá, trẻ trung quá. ý nghĩ thèm thuồng được như họ hiện ra trong tâm tư Nguyên. Bất giác Nguyên thở dài. Hình ảnh chiếc bướu trên cổ bao giờ cũng đậm nét hơn. Lấy đầu dép day đi day lại trên sỏi đá, Nguyên cúi mặt, cắn chặt môi.

Đám trẻ vây quanh ông Hoàng tranh nhau nói:

- Mời bác đi picnic với chúng con.

- Vui mà bác.

- Bác nỡ lòng nào từ chối con cháu!

Câu nói sau làm nổi lên những tiếng cười. Diễm đang ngồi chỗ tay lái, nhận còi xe liên hồi, cũng quay lại, gọi:

- Ba! Ba! Đi với chúng con đi ba!

Vừa nhồi thuốc vào chiếc tẩu, ông Hoàng vừa cười, trả lời ôn tồn:

- Cám ơn con, ba bận lắm... thôi các cháu đi cho vui!

Nhóm người ùa lên xe. Tiếng máy rít lên. Chiếc xe lao vụt đi mang theo tất cả ồn ào. Một vài cánh tay giơ lên vẫy vẫy. Nguyên dõi mắt theo cho đến khi mầu áo vàng của Diễm mất hẳn ở cuối đường hun hút.

Giọng nói của ông Hoàng đưa Nguyên ra khỏi những giăng mắc suy tư. Tự nhiên Nguyên cảm thấy chua xót. Thì ra người ta chỉ nhận biết Nguyên khi không có sự hiện diện của kẻ khác. Nếu hồi nãy Nguyên đã lẳng lặng bỏ đi chắc ông Hoàng cũng không nhận ra sự thiếu vắng? Nghĩ vậy Nguyên muốn xa ngay người đồng hành mà trước đó Nguyên vừa bộc bạch tâm sự của mình:

- Cháu xin phép đi đường tắt này về cho lẹ

Ông Hoàng bật lửa mồi thuốc, gật gật đầu:

- Khi nào rảnh nhớ lên nhà bác chơi.

- Dạ... vâng.

Nguyên lững thững đi xuống triền dốc, bụi đất đỏ tung lên theo nhịp chân của Nguyên. Tâm thần Nguyên ngẩn ngơ đến rã rời. Hình ảnh Diễm chiếm trọn đầu óc Nguyên. Giờ này chắc Diễm đang tung tăng trên các đỉnh đồi, đang ngắm thác Prenn đổ nước trắng xóa hay dắt tay bạn bè cười đùa chung quanh những gốc thông hoặc mơ màng ngồi nhìn mây bay cho một đứa con trai nào đó chụp hình... Nguyên nghe nặng trong lồng ngực. Những bước chân của Nguyên như bị huyễn hoặc. Nhớ lại hồi nãy Nguyên không thể ngờ Diễm có thể thay đổi thái độ mau lẹ đến thế. Vừa thân mật chuyện trò với Nguyên thế mà lúc gặp những người bạn khác Diễm quên ngay Nguyên. Không một cử chỉ, một ánh nhìn, một lời nói cho Nguyên. Nguyên những tưởng ít nhất vì lịch sự Diễm cũng sẽ rủ Nguyên nhập bọn như đã mời ông Hoàng cùng đi. Nhưng Diễm đã không cho Nguyên cái sung sướng được từ chối một lời mời. Xe chạy. Và Diễm lại đã quên mất có một người bạn tật nguyền đang đứng nhìn theo. Sự thật đó cho Nguyên hiểu Nguyên không là gì hết đối với Diễm. Như tình cảm ngút ngàn Nguyên dành cho Diễm chỉ là một thứ ngậm ngùi, một chiều. Không phải chờ đến ngàn sau như trong bài ca Thung Lũng Hồng Nguyên hát hồi sáng mà ngay bây giờ Nguyên sẽ khóc thầm, tình yêu vụt theo lời gió. Và để rồi người hỡi cho ta suốt đời, một mình lẻ loi...

Tiếng lá cây rì rào trên cây nghe cơ hồ tiếng vỡ của một trái tim.

---------------------

(1) Nhân vật Quasimodo gù lưng trong tác phẩm Notre Dame de Paris của Victor Hugo.

(2) Nhân vật nữ trong Notre Dame de Paris của Victor Hugo.

Xem tiếp chương 2