Chiếc Lá Thuộc Bài (70) - Chương 2

Chương 2

     - Ai là Nguyễn Thùy Hạnh?

     Nhỏ Hạnh đang nói chuyện với nhỏ Hồng, nghe thầy hỏi, vội vàng đứng lên. Thầy Phiên Giáo sư Lý hóa, cầm tờ bài làm của nhỏ Hạnh lật xem qua một lượt, thầy nói:

     - Bài làm của em khá lắm.

     Rồi thầy giơ tờ bài làm ra phía trước. Nhỏ Hạnh lên lấy về. Cả lớp nhìn thèm thuồng.

Em thì hồi hộp ghê lắm. Vì bài làm này, em làm rất suông sẻ, hy vọng tên em sẽ được gọi sau nhỏ Hạnh không bao lâu. Tuần trước, làm bài được, về nhà, em đem chuyện khoe mẹ. Mẹ em khuyến khích: "Mẹ tin thế nào bài của Hương cũng được nhiều điểm. Và tháng đầu tiên này, mẹ chúc Hương đứng thật cao. Hương chịu không nào?". Em nhoẻn miệng cười thật tươi.

     - Đặng Tuyết Hồng!

     Nhỏ Hồng đứng lên, vẻ mặt thật tươi vui. Em nói với nhỏ Ngân:

     - Tao nghi con Hồng quá! Chắc con Hạnh cho nó chép bài.

     Nhỏ Ngân nhìn em không nói. Em bắt gặp ánh mắt hơi là lạ của nhỏ. Em nhìn lên thầy. Thầy cũng khiến em ngạc nhiên không kém. Thầy không trả tờ bài làm cho nhỏ Hồng, cũng không nói gì. Thầy nhíu mày chừng như suy nghĩ điều gì đó. Thầy lấy tờ kế tiếp, và gọi:

     - Lê Thị Ngân!

     Nhỏ Hồng định ngồi xuống, nhưng thầy thấy nhỏ Ngân đứng lên thì vội khoát tay, nói:

     - Em Hồng đứng yên đấy!

     Mặt hai nhỏ Hồng, Ngân bỗng cùng tái dần. Em còn chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì đã phải đứng bật lên vì thầy gọi:

     - Hoàng Bảo Hương!

     Em lờ mờ hiểu chuyện. Có lẽ hai nhỏ Hồng, Ngân chép bài làm của nhỏ Hạnh. Thầy chấm bài và nghi ngờ. Chỉ sau khi biết rõ ba nhỏ ngồi cạnh nhau, thầy mới quyết chắc rằng điều nghi ngờ của mình là đúng. Phần em… số điểm lớn thứ tư trong lớp và sự kiện em ngồi cùng bàn với ba nhỏ kia có lẽ đã khiến thầy nghĩ, em cũng chép bài của bạn.

     Cả lớp nhìn ba đứa chúng em. Em bỗng có cảm tưởng mình là kẻ phạm tội. Mặt em bừng đỏ, tay chân như thừa thãi.

     Thầy Phiên nói:

     - Tôi hiểu hết rồi! Em Hạnh! Em đứng lên cho tôi hỏi?

     Nhỏ Hạnh mặt tái mét như không còn giọt máu nào, đứng lên. Nhỏ run giọng nói:

     - Thưa thầy... oan cho em lắm....

     Thầy ngắt lời:

     - Oan hay không rồi chút nữa em khắc biết. Bây giờ, bốn em nghe tôi hỏi đây: có phải các em đã chép bài của nhau không?

     Nhỏ Hạnh:

     - Thưa thầy... em không chép bài của ai cả.

     Em:

     - Thưa thầy, em cũng vậy...

     Nhỏ Ngân và nhỏ Hồng thì lặng thinh. Thầy hỏi:

     - Còn hai em kia, sao không kêu oan đi?

     Nhỏ Hồng líu lưỡi lại:

     - Thưa thầy... oan… em… lắm....

     Thầy cầm ba tờ bài làm của nhỏ Hồng, Ngân và em, bước xuống bàn hai. Thầy bảo nhỏ Hạnh:

     - Em cho tôi mượn tờ bài làm của em một chút.

     Nhỏ Hạnh chần chờ, nhỏ nhìn thầy như van lơn. Thầy quát:

     - Em có đưa hay không thì bảo?

     Nhỏ hoảng hốt, trao tờ bài làm của mình cho thầy. Thầy cầm cả bốn tờ bước lên bục gỗ giữa lớp. Thầy cất tiếng:

     - Cả bốn cùng chối tội hết! Được! Tôi sẽ trưng rõ bằng cớ. Nhưng trước hết, tôi thấy cần nói cho các em biết là ngay khi chấm bài, tôi đã nghi ngờ các em xem bài của nhau rồi. Nhưng lúc ấy, vì chưa biết em nào ngồi chỗ nào, tôi sợ phạt oan cho các em. Bây giờ chuyện đã quá rõ ràng rồi. Bốn bài nhiều điểm nhất lớp là của bốn em ngồi cùng bàn!

     Cả lớp im lặng. Ba nhỏ Hạnh, Hồng, Ngân cúi gầm mặt chờ xem thầy trưng bằng cớ. Chỉ có em, em thấy ức lòng quá, rối lên không biết phải đối phó ra sao nữa.

      Trên kia, thầy tiếp:

     - Tôi sẽ đọc cho cả lớp nghe bài làm của bốn em này. Câu thứ nhất em Hạnh viết:

"Người ta đổ 1 lít nước vào bình A, có nghĩa là đổ vào bình A một khối nước có thể tích là 1m3, sửa lại thành 1dm3". Bài của em Hồng cũng tương tự như vậy, chỗ cuối cùng 1m3 sửa thành 1dm3. Em Ngân nữa cũng sửa in hệt. Sang câu thứ hai em Hạnh viết: "Vậy chiều cao khối nước trong bình B, bôi đen, sửa lại là bình A..." Em Hồng sửa B thành A. Em Ngân cũng vậy, sửa B thành A...

     Em lên tiếng :

     - Thưa thầy, xin thầy xem bài của em.

     Thầy lật tờ bài làm của em, lẩm nhẩm đọc:

     - Câu thứ nhất: Ðổ 1 lít nước vào bình A tức là ta đổ một thể tích nước là 1dm3... Câu thứ hai... do đó, chiều cao cột nước trong A là....

     Thầy nhỏ giọng dần, xem lại mấy lần đoạn bài làm của em. Em hồi hộp và hy vọng thầy nhận ra rằng bài làm của em khác hẳn với bài làm của ba nhỏ kia. Thầy nói:

     - Bài làm của em Hương... tôi công nhận bài của em không giống bài của ba em kia...

     Em mừng rỡ:

     - Xin thầy xét lại cho em.

     - Nhưng...

     - …

     - … tôi vẫn có thể kết luận là em chép bài của bạn.

     Em đỏ mặt hơn trước, ấp úng:

     - Thưa thầy.... sao?

     - Tôi nghĩ rằng em đã khôn ngoan hơn hai em Hồng và Ngân. Em đã biết sửa đổi lời văn, cách trình bày, đồng thời biết tránh viết những chỗ sai. Bởi vậy bài của em mới không giống bài của các em kia.

     Em rươm rướm nước mắt:

     - Thưa thầy, quả thật em vô tội…

     Thầy có vẻ giận:

     - Em im lại đi. Em tưởng trò trẻ con của em có thể lừa được tôi đấy à? Em tưởng tôi không biết em là một học sinh thế nào hả? Có phải năm vừa qua em đứng gần cuối lớp không?

     Rồi thầy không để cho em nói gì nữa, thầy gọi lớn:

     - Hạnh!

     Nhỏ Hạnh:

     - Dạ! Thầy gọi em.

     - Có phải em làm bài rồi em cho em Hồng chép lại không?

     - Thưa thầy, xin thầy tha cho em....

     - Tôi hỏi sao em không trả lời? Có phải em cho em Hồng chép bài phải không?

     Nhỏ Hạnh run run đáp:

     - Dạ... phải...

     Thầy hỏi tiếp:

     - Em Hồng, em Hạnh nói có đúng không?

     Đến lượt nhỏ Hồng ấp úng đáp :

     - Thưa thầy... đúng ...

     - Em Ngân nũa, em chép lại của em Hồng, phải không?

     Nhỏ Ngân đáp, giọng như muốn khóc:

     - Dạ phải...

     - Rồi em cho em Hương chép lại?

     Nhỏ Ngân liếc nhìn em. Em nhìn lại nhỏ ấy. Thầy thúc giục:

     - Em trả lời câu hỏi của tôi coi, Ngân!

     - Thưa thầy, việc này thì em không rõ. Em không để ý nên không biết.

     - Em muốn bênh vực cho em Hương phải không? Tôi biết, hai em chơi thân với nhau từ năm ngoái, đúng không?

     - Thưa thầy đúng… nhưng....

     Thầy trầm ngâm một lúc rồi thầy bỗng hỏi:

     - Được rồi, em là trưởng lớp đâu?

     Nhỏ Ánh đứng dậy, thầy hỏi:

     - Em hãy thành thật cho tôi biêt: em nghĩ sao về vụ em Hương?

     Nhỏ Ánh hơi run:

     - Thưa thầy, nghĩ sao là…sao?

     - Nghĩa là em có nghĩ rằng em Hương đã chép bài của em Hạnh qua trung gian em Ngân không?

     - Thưa thầy...

     Nhỏ Ánh liếc nhìn em. Em nhìn lại nhỏ mà lo sợ. Hồi sắp vào học, nhỏ có hỏi mượn em hai chục nhưng em không cho mượn vì biết tính nhỏ ấy, hỏi mượn thì dễ chứ khi trả, thế nào nhỏ cũng hẹn lần, hẹn lựa. Không mượn được tiền, nhỏ có vẻ giận em lắm thì phải..

     Thầy hỏi:

      - Sao?

     Nhỏ Ánh đáp vội:

     - Thưa thầy... có!

     Thầy nói với em:

     - Đó, em thấy chưa? Chính trưởng lớp là bạn của em mà còn nghĩ như tôi nữa là...

     Rồi như muốn tỏ ra vô tư hơn nữa, thầy hỏi cả lớp :

     Trong lớp này, những em nào có cùng ý nghĩ như em trưởng lớp thì cứ giơ tay lên cho tôi biết.

     Năm sáu cánh tay rụt rè đưa lên rồi hạ nhanh xuống. Thầy lại hỏi:

     - Thế những em nào cho rằng em Hương vô tội?

     Không một cánh tay nào dám đưa lên cả.

     Thầy nhìn em thật lâu:

     - Em Hương! Tôi nghĩ em nên nhận tội đi thì hơn.

     - Thưa thầy, em vô tội...

     Nhỏ Ngân bảo khẽ em:

- Mầy lì vậy? Nhận đại đi? Có gì cả bốn đứa cùng bị phạt chớ thầy phạt một mình mầy sao?

     Em cắn răng, lắc đầu.

     Trên kia, thầy thấy em im lặng, thầy cũng im lặng theo. Có lẽ thầy đang nghĩ cách để xử em. Cả lớp không một tiếng động. Tiếng giáo sư lớp bên cạnh giảng bài nghe rõ mồn một.

     Khá lâu, thầy mới nói:

     - Được rồi, em cứng đầu không chịu nhận tội… thôi vậy. Lần này, tôi sẽ không phạt em. Nhưng như thế không có nghĩa là chuyện này đã xong. Từ nay trở đi, tôi sẽ đặc biệt chú ý và theo dõi em. Em học giỏi hay không, những bài làm sau này của em sẽ chứng minh. Chừng nào tôi có đủ bằng cớ rằng em chỉ là một học sinh lười, dở, chừng đó, tôi sẽ phạt em thật nặng về vụ hôm nay. Em bằng lòng chứ?

     Em gật đầu. Môi em bám chặt lại. Thầy ra lệnh:

     Các em ngồi xuống hết đi. Em trưởng lớp!

     - Dạ.

     - Em đem trả bài cho các bạn.

     Nhỏ Ánh lên đón lấy xấp bài làm. Nhỏ không trả tận tay em tờ bài làm của em mà trao cả bốn tờ của nhỏ Hạnh, Hồng, Ngân và em cho nhỏ Hạnh. Nhỏ Hạnh thảy cho em. Em cầm tờ bài làm với con số mười bảy bằng viết nguyên tử đỏ, tự nhiên, em gục mặt khóc nức nở.

     Tiếng thầy Phiên vang lên:

     - Tôi quên. Phần ba em Hạnh, Hồng, Ngân, tôi trừ mỗi em ba điểm.

     Có tiếng nhỏ Hạnh khóc tấm tức.

 

*

     Thầy Phiên quát:

     - Tôi không bằng lòng cho em ngồi dưới ấy. Em nghe rõ chưa?

     Em run giọng:

     - Nhưng thưa thầy... em xin đổi, bà Giám thị đã bằng lòng.

     - Bà giám thị bằng lòng! Bà giám thị bằng lòng nhưng trong giờ học của tôi, tôi có quyền. Em học tôi hay em học bà Giám thị?

     - …

     - Nếu em không nghe lời tôi thì em có quyền ôm cặp ra về. Vắng mặt em cũng không chẳng thiệt thòi gì cho tôi cả.

     Em cố năn nỉ:

     - Thưa thầy, xin thầy cho em ngồi chỗ này.

     - Tôi đã nói không được. Tôi biết em muốn chứng minh sự vô tội của em. Nhưng em phải biết rằng cho đến giờ phút này, em vẫn còn là người bị tôi nghi ngờ kia mà! Cho em đổi chỗ chẳng hóa ra tôi minh oan cho em rồi sao? Tôi đã nói thì em phải nghe: sự việc hôm trước em có tội hay không rồi thời gian sẽ trả lời.

     - Nhưng thưa thầy, em không muốn ngồi chỗ cũ nữa...

     - Em vẫn phải về chỗ cũ!

     - Em xin thầy...

     - Không xin gì cả. Em có trở về chỗ cũ không?

     - Em lạy thầy...

     - Tôi hỏi em lần chót: em có về chỗ cũ không? Hoặc là em về chỗ cũ, hoặc là em ra khỏi lớp. Tôi không nói nhiều hơn nữa. Em làm mất thì giờ nhiều quá rồi.

     Em tần ngần, chưa biết phải tính sao. Dù vậy, em cũng ôm cặp rời khỏi chỗ ngồi. Dường như cả lớp dồn mắt theo dõi từng cử động của em thì phải. Em bước về phía bàn hai, dãy trái, nơi em ngồi trước kia. Nhỏ Phụng (em đã xin bà Giám Thị cho em đổi chỗ với nhỏ Phụng) ôm cặp chờ sẵn. Thấy em lên tới nơi, nhỏ dợm đứng lên trả chỗ. Nhưng bỗng nhiên, nỗi uất ức dâng trào, em không còn biết gì nữa, em bước thẳng ra phía cửa lớp.

     Tiếng thầy Phiên đầy ngạc nhiên:

     - Em đi về thật đó hả?

     Em chỉ nói được mấy tiếng:

     - Xin phép thầy.....

     Rồi cắm đầu chạy. Văng vẳng bên tai, em nghe tiếng thầy gọi:

     - Hương! Trở lại tôi bảo!

     Tiếng một nhỏ bạn:

     - Con Hương lì ghê!

     Hết hành lang, em dừng lại, tựa vào lan can. Em đưa mắt lơ đãng nhìn xuống tàn cây keo lòa xòa bên dưới. Những hình ảnh phía trước chợt mờ đi. Em ôm mặt, mặc cho nước mắt tuôn trào.

 

*

     Nhỏ Ngân kể cho em biết:

     - Tao thấy thầy có vẻ giận lắm đó. Mà mầy sao kỳ, Hương, sao mầy gan quá vậy?

Em lắc đầu:

     - Tao cũng không biết vì sao tao lại dám bỏ về như vậy nữa… Lúc ấy, tự nhiên tao thấy tức quá… Tao không còn suy nghĩ gì nữa...

     - Rồi bây giờ mầy tính sao?

     Câu hỏi này đã ám ảnh em không ngơi. Nhiều lúc, em ngơ ngẩn như người mất hồn. Giờ cơm tối hôm qua, vừa ngồi ăn, em vừa nghĩ ngợi đến nỗi mẹ em lên tiếng hỏi mấy lần em mới biết.

     Em ngập ngừng:

     - Chắc tao không dám đi học giờ Lý hóa nữa đâu Ngân à.

     - Chết! Không được đâu!

     - Chứ tao còn biết tính sao bây giờ? Mầy suy nghĩ giúp tao coi...

     Nhỏ Ngân ấp úng:

     - Tao... tao biết suy nghĩ gì bây giờ...?

     Em ứa nước mắt:

     - Mầy mà không giúp tao được thì tao chỉ còn nước nghỉ học giờ thầy Phiên.

     Nhỏ Ngân im lặng. Một lúc, nhỏ bỗng reo lên:

     - Tao nghĩ ra rồi!

     Em hồi hộp hỏi:

     - Sao? Mầy tính sao?

     - Tao tính thế này, mầy tìm thầy mà Phiên xin lỗi...

     Em chán nản:

     - Chắc tao không dám đâu. Lại nữa, biết thầy có chịu tha cho tao không mà xin lỗi.

     - Mầy không chịu thì tao cũng đành hết ý kiến thôi.

     Hai đứa cùng im lặng. Một lúc, nhỏ Ngân hỏi em:

     - Hương nè! Tao hỏi thật điều này, mầy đừng giận tao nghe.

     - Ừ, mầy hỏi đi.

     - Vậy chớ... có phải mầy tự làm bài được hay là mầy... mầy chép lại bài của tao?

     Em ngạc nhiên nghe nhỏ Ngân hỏi em câu này. Em vụt hiểu rõ hơn vì sao thầy Phiên lại nghi ngờ em gian lận. Đến nhỏ Ngân, nhỏ bạn thân nhất, hiểu em nhất mà còn không tin em được thì huống gì thầy, chỉ biết em qua vài tiếng mỗi tuần!

     Thấy em không trả lời, nhỏ Ngân nói:

     - Mầy giận tao đó phải không? Tao xin lỗi nghe. Tại tao thấy năm ngoái mầy học có ra gì đâu, chẳng lẽ năm nay mầy lại đổi khác mau lẹ vậy?

     Em vẫn lặng thinh, nhỏ Ngân:

     - Mầy vẫn còn giận tao sao? Cho tao xin lỗi mà... Tao lỡ lời…

     Nhỏ nắm tay em lúc lắc ý thúc dục em trả lời. Em nhìn nhỏ ấy, nói nhanh:

     - Không, tao không giận mầy đâu.

     Rồi em vội vàng quay mặt đi nơi khác để giấu đôi mắt đang từ từ đỏ hoe.

 

*

     Làm mẹ phải lo buồn, em biết, đó là một lỗi rất nặng. Nhưng biết sao hơn khi em không đủ can đảm cho mẹ biết sự thật để mẹ giúp đỡ. Nỗi lo lắng ngày một lớn dần. Giờ Lý hóa của thầy Phiên, em không dám đi học. Mẹ em hỏi, em đáp: "Con nóng đầu quá", rồi vào giường nằm, định bụng ở nhà hết hai giờ đầu, hai giờ sau sẽ đi học. Chẳng ngờ em lại khó chịu thật. Có lẽ nỗi sợ đã tạo nên tình trạng này?

     Rồi liên tiếp mấy ngày sau, cơn bệnh tăng thêm. Dường như có nhiều lúc, em đã lên cơn mê. Lúc nào, trong trí em cũng lởn vởn hình ảnh buổi học Lý hóa hôm ấy. Bốn đứa: nhỏ Hạnh, Hồng, Ngân và em bị đứng lên. Thầy Phiên với vẻ mặt giận dữ. Cả lớp im lặng chứng kiến. Tiếng thầy Phiên: "Hoặc là em về chỗ cũ, hoặc là em ra khỏi lớp"… Và nữa… con số bốn mươi lăm trên năm mươi!

     Em đưa tay ôm mặt khóc nấc lên.

     Mẹ em đang làm bếp, nghe tiếng, chạy vội lên. Mẹ lay em dậy:

     - Hương! Con tỉnh chưa? Hương!

     Em choàng dậy. Thấy mẹ, lòng em hối hận vô vàn. Nếu năm vừa qua em đừng lười học? Nếu em đừng vì một phút nông nổi, bỏ lớp ra về? Nếu em có đủ can đảm cho mẹ biết chuyện?

     Mẹ ngồi xuống cạnh em, nói:

     - Hương làm mẹ sợ quá! Hương vừa nằm mơ phải không?

     Em gật đầu.

     Mẹ than thở:

- Thật khổ. Ba thì đi hành quân biền biệt, Hương lại ốm đau. Có mỗi mình mẹ phải lo đủ chuyện.....

     Em thấy thương mẹ quá. Em thu hết can đảm, hy vọng sẽ nói cho mẹ biết câu chuyện đằng trường. Em nghĩ, chỉ có mẹ mới giúp em giải quyết được chuyện này.

     - Mẹ à?

     - Gì Hương?

     - Con...

     Em nhìn sâu vào mắt mẹ. Ánh mắt chan chưa bao yêu thương trìu mến. Trời ơi! Nếu biết em đã gây ra điều lỗi lầm khó tha thứ, bỏ lớp ra về, chắc mẹ sẽ buồn lắm.

     Can đảm trong em trốn biến. Em không nói thêm được gì nữa.

     Mẹ em hỏi:

     - Hương định nói chuyện gì vậy? Sao lại im lặng?

     - Con…

     - Sao?

     Em nói tránh qua chuyện khác:

     - Con định hỏi mẹ câu này...

     - Hương cứ hỏi đi.

     - Mẹ đừng cười con nhé!

     Mẹ em pha trò:

     - Ai cười hở mười cái răng!

     Em thấy vui vui:

     - Mười một cái chứ mẹ! Mẹ quên đếm cả cái răng khểnh rồi sao?

     Mẹ em siết vòng tay, ghì em thật sát người mẹ:

     - Chó con! Trêu mẹ đấy hở? Nào, muốn hỏi gì thì hỏi đi. Cứ rào đón mãi. Mẹ còn phải xuống làm bếp nữa chứ!

     - Con hỏi mẹ vậy chứ... mẹ thương ba không?

     Mẹ em cười:

     - Lạ chưa! Sao Hương lại hỏi mẹ như thế? Không thương ba thì sao mẹ sống với ba, rồi ba mẹ lại có Hương ra đời...

     - Con cũng thương ba nữa...

     Giọng em bỗng nghẹn ngào. Nước mắt em ứa ra. Em nghĩ đến ba em thật nhiều.

     Niềm vui, nỗi buồn của em thật bất chợt. Có lẽ điều này đã khiến mẹ em ngạc nhiên và nghi ngờ không ít. Mẹ hỏi em:

     - Sao vậy Hương?

     Em cố ngăn nước mắt, lấy giọng tự nhiên:

     - Ba đi hành quân lâu về quá, mẹ nhỉ!

     Mẹ em:

     - Hương giấu mẹ điều gì phải không?

     Em lắc đầu:

     - Không đâu mẹ.

     - Mẹ biết! Nhất định Hương đang giấu mẹ điều gì.

     - Con nói không có mà....

     Mẹ em im lặng, em tiếp:

     - Mẹ không tin con sao, mẹ?

     Mẹ em vẫn im lặng. Rồi mẹ bỗng quay đi, vừa bảo em:

     - Thôi, Hương nằm nghỉ đi, mẹ xuống làm bếp.

     Em nhìn theo mẹ đến khi mẹ khuất hẳn sau cánh cửa nhà bếp. Em gọi khẽ: "Mẹ ơi! Mẹ ơi!"

 

*

     Mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp. Cô Thục Viên thuật:

     - Mãi đến chiều hôm qua cô mới biết chuyện. Em Ngân đã kể rõ đầu đuôi câu chuyện và xin cô giúp em. Em Ngân tuy học không khá nhưng tính tình thật đáng khen. Em ấy nói xin cô giúp em mà mắt em ấy rươm rướm lệ. Cô cảm động vì chân tình của em Ngân. Lại nữa, với riêng em, cô cũng có rất nhiều cảm tình nên cô hứa giúp đỡ. Cô đã tìm thầy Phiên để trình bày mọi chuyện và thay mặt em, xin lỗi thầy. Thầy cho biết, thật ra, thầy cũng có ý chờ em ngỏ lời xin lỗi là thầy sẵn sàng bỏ qua. Thầy nói, thầy không ngờ em lại dám bỏ lớp ra về. Nhưng cũng chính hành động đó đã khiến thầy phải suy nghĩ lại về vụ thầy nghi ngờ em gian lận. Thầy nói, có lẽ thầy đã kết tội oan cho em....

     Em sung sướng đến ứa nước mắt. Cô Thục Viên trách:

     - Em tệ lắm đó nghe, Bảo Hương! Chuyện không đáng gì mà em lại làm liều. Em có biết rằng nếu muốn, thầy Phiên có thể đưa em ra hội đồng kỷ luật không? Chừng đó thì có thương em đến đâu, cô cũng khó lòng bênh vực...

     - Thưa cô, em biết em có lỗi...

     - Biết lỗi là đáng quý lắm rồi, nhưng cô còn muốn từ nay về sau, em đừng nên có những hành động tương tự nữa, cô mới chịu.

     - Em xin nghe lời cô.

     Mẹ em bước vào:

     - Thế nào? Cô giáo và học trò đã nói chuyện xong chưa?

     Em nắm lấy tay mẹ:

     - Con xin lỗi mẹ chuyện con đã giấu mẹ mấy ngày nay....

     Mẹ em bảo:

     - Đáng lẽ mẹ giận Hương lắm đấy. Có chuyện khó xử mà không cho mẹ biết để mẹ lo liệu cho, để đến nỗi vì quá lo sợ mà phát bệnh. Nhưng thôi, chuyện đã xong, Hương cũng đã tỏ ý biết lỗi, mẹ bỏ qua cho đó.

     - Con cảm ơn mẹ, mẹ thương con quá...

     Mẹ em quay sang cô Thục Viên:

     - Tôi thành thật cám ơn cô đã giúp cháu Hương chuyện này...

     Cô Thục Viên hơi cúi đầu, tay vân vê tà áo:

     - Xin bà  đừng quá quan tâm đến chuyện ấy. Tôi giúp em Hương vì cảm tình riêng cũng có, mà vì bổn phận cũng có. Biết em bị oan ức, nỡ nào tôi làm ngơ.

     Ngừng một chút, cô ngẩng lên hỏi mẹ em:

     - Thưa bà, riêng chuyện tôi đề nghị với bà, bà nghĩ sao?

     Em chen vào:

     - Chuyện gì vậy mẹ?

     Mẹ em kể:

     - Chả là cô con có ý muốn xin mẹ cho con đến nhà cô học thêm...

     Em ngạc nhiên khi biết chuyện này. Cô Thục Viên nói:

     - Tôi biết bà còn e ngại về vấn đề tiền bạc. Nhưng như tôi đã nói, tôi muốn dạy em Hương mà không nhận thù lao, một phần, do cảm tình của tôi đối với em, phần nữa, tôi muốn nhân đó, sống lại bầu không khí ngày xưa, khi em gái tôi, con Ánh Nga còn sống...

     Em hiểu ra. Có lần, cô Thục Viên đã kể cho em nghe chuyện nhỏ Ánh Nga, em gái cô. Ba má cô mất đi để lại hai chị em cô sống đùm bọc lẫn nhau. Cô rất thương yêu Ánh Nga. Ngược lại, Ánh Nga cũng tỏ ra rất ngoan ngoãn, luôn nghe lời cô. Chẳng may, sau một cơn bệnh nặng, Ánh Nga lìa trần. Từ đó, cô Thục Viên sống một mình, thật buồn tẻ và cô quạnh. Do một sự tình cờ, cô gặp em với nhiều nét giống Ánh Nga em có coi hình của nhỏ này do cô đưa cho và em nhận thấy, quả em và Ánh Nga giống nhau lắm Cô dành cho em nhiều cảm tình là vì vậy. Dù sao, em vẫn không ngờ được cô lại tốt bụng đến nỗi nhận dạy thêm cho em...

     Cô Thục Viên:

     - Thưa bà, bà nghĩ sao?

     Mẹ em:

     - Cô... cô làm tôi khó nghĩ quá... Cô để tôi hỏi ý cháu nó xem sao đã.

     Mẹ quay sang em:

     - Con nghĩ sao, Hương?

     Em cúi đầu suy nghĩ một chút rồi nói:

     - Con nghĩ là chuyện này nên để ba về thì hơn...

     Cô Thục Viên:

     - Bảo Hương mà cũng khách sáo với cô thế sao?

     - Thưa cô, xin cô hiểu cho em…

     Mẹ em đỡ lời:

     - Xin cô thông cảm cho chúng tôi. Tôi thấy cháu nó cũng nói đúng, chuyện này có lẽ để nhà tôi giải quyết mới xong…

     Cô Thục Viên có vẻ buồn:

     - Vâng, tôi đành phải chờ ông nhà về vậy.

     - Tôi hy vọng nhà tôi sẽ dàn xếp xong…

     Cô Thục Viên xin phép mẹ em để ra về. Mẹ em cố giữ cô ở lại dùng cơm nhưng cô không chịu. Trước khi về, cô đến bên em, hỏi:

     - Cô hỏi, Bảo Hương trả lời thành thật cho cô biết nghe! Riêng phần Bảo Hương, em có muốn được cô dạy kèm không?

     Em ngước nhìn cô. Ánh mắt của cô thật thiết tha. Em đáp:

     - Thưa cô, em muốn lắm.

     Cô Thục Viên ôm em, giọng cảm động:

     - Cảm ơn em...

     Lòng em chợt rộn lên niềm vui. Em tưởng chừng cô Thục Viên thực sự là một người chị đáng mến.

Xem tiếp chương 3