Giã từ bóng tối - Chương 5 & 6

Chương 5

Minh đã suy nghĩ kỹ, chị nhận phần lỗi về mình. Ừ! Tại sao chị chuẩn bị chu đáo mọi điều mà quên đi một điều quan trọng : xin phép mẹ chồng trước khi khởi đầu dạy Tâm kia chứ? Việc đó nào có khó khăn chi? Chị biết rằng bà chỉ kiếm cớ để ngăn cản việc chị làm, vậy thì tốt nhất là xin phép bà xem sao? Minh tin là bà sẽ không viện lý do gì ngăn chị dạy Tâm, chị đã có đủ mọi câu trả lời để bênh vực con bé trước mặt bà, những lý do thích đáng, bà không bẻ được.

Vì thế, hôm sau, chị lễ phép khởi đầu bằng cách hỏi thăm sức khỏe bà đêm qua, về cái lưng và các bắp thịt thì bà không ngờ vực gì cả. Sau vài câu qua lại giữa hai người, bà lại có cớ để phàn nàn về Tâm:

- Con quỉ cái thiệt tệ! Biểu nó xoa bóp cho mạ một tị, chưa chi nó đã ngủ gục rồi! Cái quân chi mà mê muội, chỉ biết ăn với ngủ, như heo…

- Thưa mạ, nó là con nít còn mê ăn, mê ngủ, với lại nó làm việc cả ngày…

- Con nói răng như Phật Sống… nuôi nó mà nó không làm việc thì nuôi làm chi?

- Thưa mạ – Minh vẫn dịu dàng – con thấy nó cũng tội, hồi con bằng tuổi nó, con có biết chi đâu…

- Chuyện! – bà mẹ chồng cười nửa miệng – con so bì dại dột! Hắn làm răng mà bì được với con…

- Dạ, con thấy nó làm việc giỏi lắm. Trong nhà mẹ con, hai người ở mà mẹ con và em con còn phải phụ…

- Ạ! Nói chi dân trong nớ? Họ sung sướng quen rồi…

- Thưa mạ, con muốn thưa mạ một chuyện…

- Chuyện chi? Con cứ nói đi!

- Thưa, con muốn xin mạ cho phép con dạy em Tâm học…

Bà Phủ bật lên như cái lò xo:

- Học hành chi con nớ? Nó tối đen như đêm ba mươi… dạy chi cho mệt…

- Thưa mạ, không sao, hễ con dạy thử mà thấy nó tối thì thôi, không can gì.

- Mạ sợ con mệt, con có thai, phải nghỉ ngơi, không nên làm việc nhiều…

- Thưa mạ, không can chi, con khỏe mạnh lắm.

- Thì giờ mô mà dạy với học?

- Thưa mạ, con chỉ đi dạy buổi sáng, chiều rảnh…

Bà Phủ đành phải nói thẳng:

- Nhưng hắn có rảnh đâu? Buổi chiều thì có chuyện cơm nước… buổi tối…

- Thưa mạ, không can chi : con sẽ giúp nó rửa bát buổi tối để nó đi gánh nước sớm. Mỗi bữa con dạy một vài giờ…

- Mạ có tuổi rồi, dạo ni trời lạnh, có đêm nhức nhối không ngủ được, mạ tính tối biểu hắn đấm bóp vài cái, chừ con bày chuyện học hành…

- Thưa mạ, không hại gì, nó có thể đấm bóp cho mạ sau khi học…

- Học xong thì khuya quá…

- Thưa mạ, nếu vậy, nó xoa bóp cho mạ trước khi học, có được không? Hay là con xoa bóp cho mạ cũng được?

- Thôi! Thôi! (bà Phủ xua tay) ai lại bắt con, mạ không muốn…

- Thưa mạ, có sao đâu? Con xoa bóp cho mạ là thường chứ?

Bà Phủ có vẻ đăm chiêu, ngần ngừ. Minh tấn công:

- Thưa mạ, mạ bằng lòng chứ? Thưa, không mất thì giờ đâu. Nó biết chữ cũng có lợi cho mình, con thấy mỗi lần nó đi chợ hay mạ sai đi công việc gì, mạ hao hơi dặn dò cực quá…

Sau cùng, bà đành nhượng bộ, giọng bà yếu ớt:

- Thôi được! Tùy con đó.

Đoạn bà cao giọng gọi Tâm lên, chính thức, xác nhận rằng nó được phép học hành chi thì học. Bà không quên kèm theo một câu dài ngoẵng đầy đe dọa:

- Liệu răng thì liệu, miễn lo xong công việc trong nhà, đừng để heo gà đói, cây cảnh khô thì thôi. Đừng có nhác việc, đổ thừa tại mắc học mà chết đòn chừ, đó!

Và bà cũng không quên nhắc lại với Minh:

- Con muốn dạy thì mạ không ngăn cấm chi, mà mạ cho con hay trước : hắn tối thui, tối đen, dạy không vô, đừng có tiếc công cố dạy chi cho mệt, nghe?

- Dạ, mạ yên tâm, con liệu không xong thì con nghỉ liền.

Điều mong mỏi của bà Phủ không đúng với sự thực : mỗi bận bà hỏi Minh về sự học của Tâm, bà đều nghe những lời trái với ước muốn của bà.

Bằng giọng hả hê, Minh nói:

- Thưa mạ, Tâm nó học được lắm. Dạy đâu nhớ đó. Tiếc là nó học quá chậm…

Bà mẹ chồng chộp ngay lấy những lời đó, nói một thôi, một hồi:

- Đó, mạ nói có sai đâu, nó ở trong nhà ni mười mấy năm trời, mạ biết rõ mà, con rùa làm sao thì hắn y như rứa…

- Dạ, mạ hiểu lầm, con nói nó học quá chậm là ý con nói nó lớn quá mới được học, chớ không phải con muốn nói nó học chậm hiểu đâu, thưa mạ!

- Sớm muộn, mau chậm chi rồi cũng rứa thôi. Bộ con muốn hắn học đến đâu mà kêu chậm trễ?

Minh lúng túng chưa biết trả lời thế nào cho xuôi thì bà tiếp:

- Con nói hắn đã biết đọc, biết viết rồi, phải không? Liệu nghỉ được chưa?

- Dạ, thưa mạ, viết đọc thì được rồi, mà con thấy nó khá sáng dạ nên muốn dạy thêm…

- Con tính dạy chi đây?

Giọng bà chua hơn giấm. Minh cố dằn lòng, nhỏ nhẹ:

- Thưa mạ, con tính dạy nó làm toán…

- Trời ơi! Để chi? Con chưa dạy hắn làm toán mà hắn đã biết ăn bớt tiền chợ rồi tề! Hắn biết làm toán chắc là cái rổ chợ trống trơn quá!

Minh làm như không nghe những lời mỉa mai của mẹ chồng:

- Dạ, biết toán cũng có nhiều cái lợi. Mạ sai nó đi lấy tiền hụi, người ta đóng thiếu nó biết liền… mạ nghĩ coi…

Việc gì phải nghĩ ngợi lôi thôi! Bà biết từ khuya ấy chớ! Nhưng người đàn bà ích kỷ này chỉ muốn dìm đứa cháu da đen trong cái tối tăm ngu đần của một đêm ba mươi, như thể bọn thống trị muốn dân nhược tiểu dốt nát, tối tăm để dễ bề thống trị, thế thôi.

Bà ân hận đã nhượng bộ nàng dâu nhiều điều trong những ngày qua. Bây giờ thì quá muộn. Bà liếc mắt vào cái bụng lum lúp của Minh, lái câu chuyện qua hướng khác:

- Tháng sáu con nằm chỗ, phải không?

- Thưa mạ, chắc vậy.

- Con phải dành thì giờ lo cho cháu nhỏ… mạ thấy con cứ quan tâm có mỗi chuyện dạy con Tâm…

- Thưa mạ, không đâu. Con dành cho nó đôi chút thì giờ…

- Áo tã cháu đã đủ chưa?

- Thưa mạ, con đã lo đủ cả… con may sắm từ tháng trước…

- Dâu mạ giỏi quá!

- Thưa, mạ thương con, mạ dạy vậy chớ mẹ con vẫn nói con là vô lo…

- Minh nì, mạ có chuyện muốn bàn với con, mà mạ cứ ngài ngại…

Giọng bà Phủ nghiêm nghị làm Minh buồn cười nhưng cố nén, chị đã nhiều lần được nghe những chuyện mà bà làm ra vẻ quan trọng, rốt cuộc những chuyện ấy chả có gì đáng gọi là quan trọng cả. Tuy nhiên, Minh vẫn giữ vẻ mặt cho hợp với lời bà:

- Thưa mạ, có chuyện gì xin mạ cứ cho con biết…

- Chắc con chưa rõ phong tục ngoài ni nên con cho là lạ… Xứ con quen với phong tục tây phương, nhưng mà, con nợ : nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, con có học hành, con biết…

Minh lơ đãng nghe lời bà Phủ, chị không rõ chuyện gì mà bà rào đón kỹ càng đến mức này? Nhập gia tùy tục? Thì chị đã chẳng tùy đủ trăm thứ chuyện đó ư? Bây giờ đến chuyện gì nữa đây? Chị bắt đầu lắng tai, giọng bà mất cái vẻ chua chát thường ngày:

- … Con đừng nghĩ rằng mạ vẽ chuyện, chẳng qua mạ thương con, thương cháu nên mạ mới nói, từ khi con về đây con biết cách cư xử của mạ rồi : mạ thương con như thương con gái…

- Dạ, con cảm ơn mạ đã thương con… có điều gì xin mạ cứ dạy, con xin nghe…

- Thì cũng chuyện con Tâm. Mạ không cấm đoán con dạy nó học, nhưng mà cái thai ngày một lớn, mạ không muốn ảnh hưởng xấu đến con con trong bụng…

Minh mở to hai mắt, ngạc nhiên. Chị không thể tin được là chị dạy Tâm học mà ảnh hưởng xấu đến cái bào thai trong bụng chị. Nhìn sắc mặt Minh, bà Phủ bất bình, đổi giọng:

- Con đừng tưởng chuyện chơi, mạ nói thiệt đó : con cứ nhìn con Tâm cả ngày, rồi in trí, lỡ ra con sinh cháu đen như lọ thì mạ buồn lắm, Minh nợ!

Minh phải cố gắng để khỏi bật lên cười. Bà Phủ vẫn nghiêm giọng:

- Mạ biết con nghĩ chi rồi, con cho là mạ phản khoa học, là cổ hủ chớ chi? Không mô, hồi xưa, nói hồi xưa chớ cách đây không lâu lắm, có một người đẻ đứa con như tây, làm gia đình nghi ngờ, mà thiệt ra thì có chi mô : chị ta mới theo đạo, suốt ngày ngắm nhìn hình Đức Mẹ treo trên bàn thờ…

- Thưa mạ… mạ quá lo xa, con sẽ không sinh ra đứa cháu đen đâu mà mạ sợ, dù trai hay gái, con cam đoan nó giống anh Hùng hay giống mạ cho xem…

Minh nói với giọng cầu hòa vui vẻ, nhưng bà Phủ vẫn khăng khăng:

- Hồi mạ có mang lũ nhỏ nhà ni, ngày đêm mạ nhìn hình Đức Phật Quan Âm… con đừng cười, cả đất Thừa Thiên này, ai cũng như mạ hết : khi có thai nếu là người theo Công giáo thì nhìn hình Đức Mẹ, Phật giáo thì ngắm hình Phật Quan Âm… Đừng nói chi đến chuyện người xấu xí, tật nguyền, những con vật ô uế như con heo, con dê cũng không dám nhìn. Con thỏ là vật đại kỵ đó, Minh nợ!

- Thưa mạ, nhưng em Tâm nó chỉ đen chớ có tật nguyền xấu xí chi đâu? Dù sao, con nghĩ nó cũng là con cháu trong nhà…

- Con còn trẻ quá, con chưa hiểu hết chuyện đời. Trước khi thương người khác, con phải biết thương thân…

Cứ nhùng nhằng, nhũng nhẵng kiểu đó, bà Phủ tìm đủ mọi cách, nêu đủ mọi lý do để dâu bà đừng gần gũi con mọi đen vốn là cháu ruột chồng bà, nhưng vô ích. Minh giữ thái độ lễ phép với bà ta là không săn sóc Tâm, song sự thực, chị chỉ làm theo ý bà khi bà có mặt.

Bà Phủ đã phải nói thẳng với con trai, mà rồi Hùng cũng không ngăn cản được Minh – vả lại, anh thấy vợ mình có làm chi bậy bạ đâu mà ngăn cản?

Thấm thoát, bụng Minh ngày càng to, Tâm càng tiến bộ trong sự học hành. Nó tỏ ra thông minh, đôi khi rất bất ngờ, làm Minh đâm lúng túng, tự hỏi sự cố gắng của mình để kéo con bé ra khỏi tình trạng tối tăm dốt nát là một điều tốt hay xấu? Là thực sự giúp nó thoát dần khổ nhục hay càng làm cho nó sáng suốt để thấm thía khổ nhục hơn?

Một hôm, Tâm nói với Minh bằng giọng buồn rầu:

- Chị ơi! Em thấy nhiều câu em học trong sách khác xa với chuyện ngoài đời…

Minh cười:

- Sách dạy ta nên làm lành lánh dữ, nghĩ tốt cho người khác, siêng năng, cần kiệm…

- Thì đúng vậy, cái đó em không dám cãi, mà chị nghĩ coi, sách viết : chim có tổ, người có tông, con có cha, nhà có nóc, cây có cội, nước có nguồn, mấy cái đó sai bét, vì nhà có nóc, chim có tổ thì đúng, còn em, em không tông tích, không mẹ cha, sống nhờ cậu mợ… chị thấy rõ mà!

Minh thất sắc, xúc động đến nghẹn lời, hết sức cố gắng mà không thể nói một câu an ủi đứa trẻ mồ côi bạc phước. Chị thầm nhủ : con bé này thông minh quá! Nhưng rồi chị tự cãi với mình : nó cũng tầm thường thôi, không thông minh xuất sắc chi lắm, vì nó lớn tuổi rồi nên nó hiểu…

Chị thở dài một cái, dịu dàng nói với Tâm:

- Em nói cũng có cái đúng mà cũng có cái sai, em cũng có cha, có mẹ như tất cả mọi người chớ sao lại không cha, không mẹ? Bằng cớ là em ở trong nhà này, mẹ em là em ruột của cậu Phủ đây…

- Dạ, thì em có mẹ, em chỉ biết sơ sơ như vậy thôi, chớ cũng không nhớ rõ mặt mẹ em, còn cha em đâu? Em có cha không? Em không biết được, không ai cho em biết rõ chút gì về cha em. Trong nhà này, không ai thèm nhắc đến cha em, mà nếu có một người nào nói đến, thì nói bằng giọng khinh miệt như thể cha em là hạng tồi tệ… như cha em không phải là người… Em chỉ biết chắc một điều : cha em cũng đen kịt như em, phải vậy không, chị Minh?

- Em thương cha em không?

- Thưa chị, không! Em ghét cha em…

- Không nên, em không nên ghét cha em…

- Cha em đã bỏ em cho người ta hành hạ…

Giọng phẫn uất, Tâm tiếp:

- Cha em có thương em đâu mà chị biểu em thương cha em? Cha em…

- Em đừng nghĩ vậy, cha nào lại không thương con mình? Có lẽ vì hoàn cảnh bắt buộc, hay là cha em gặp tai nạn gì đó không thể gần em, cả mẹ cũng vậy. Hai người không muốn bỏ em đâu. Đừng oán trách mẹ cha, mang tội lắm đó, em Tâm!

Tâm im lặng nghe không cãi lại, dáng bộ ủ rũ làm Minh ái ngại. Chị định xoay câu chuyện sang hướng khác, thì đột ngột, nó hỏi chị:

- Người da đen xấu lắm phải không chị?

- Ai nói với em như vậy, hả Tâm? Xấu về cái gì? Em muốn nói bề ngoài hả?

- Mợ nói, coi bộ mợ là biết liền, em thấy con chó còn được mợ thương hơn…

- Bậy! Em nghĩ bậy! Người da đen hay da vàng, da trắng cũng là người, cũng có tình cảm tốt đẹp, cũng yêu thương gia đình, con cái, cũng… tóm lại, da mầu gì cũng là người hết. Trong trời đất có nhiều hạng người, có người tâm địa xấu, có người tâm địa tốt, tốt hay xấu là tùy tâm tính bản chất chớ không phải tại ở mầu da. Nhưng theo chị hiểu thì người da đen chưa được văn minh tiến bộ, họ sống gần thiên nhiên hơn và cũng thật thà hơn…

Minh ngừng lại, chị nghĩ rằng Tâm không đủ sức để hiểu những lời chị nói. Ngẩng nhìn, chị thấy Tâm lắng tai nghe, nét mặt rạng rỡ, sung sướng và Minh tin rằng có thể nó không thấu đáo lời mình nhưng nó cảm nhận bằng thứ giác quan tinh tế thuộc ngoài vòng kiểm soát của trí khôn. Những lời chị nói cũng giống như những giọt sương đêm rót vào cái đài hoa bị phơi nắng suốt ngày!

Chao! Giúp cho con bé khốn khổ này tin tưởng vào điều thiện, vào lẽ phải, giúp cho nó có chút tự trọng, đạt tới mức có một phẩm cách và giữ gìn phẩm cách đó là một điều khó khăn và cần thiết ; có lẽ theo chị, còn cần thiết và đáng khuyến khích hơn là cầu nguyện cho chính bản thân mình.

- Chị có cho là tụi da đen bị Trời phạt không?

- Ai nói vậy?

- Mợ! Mợ nói Trời phạt tụi da đen đời đời kiếp kiếp…

- Đừng tin những lời đó, mợ là một người xưa có nhiều thành kiến…

- Thành kiến là cái gì, hả chị Minh?

Chị Minh chưa kịp trả lời Tâm thì có tiếng chó sủa ran ngoài ngõ, bà Cử về chơi. Thế là câu chuyện bị cắt ngang.

Chương 6

Chị Minh sinh một đứa con trai xinh xẻo hết sức. Bà nội nó rất bằng lòng về đứa cháu. Cả nhà đều vui vẻ, kể cả Tâm, Tâm vẫn ngại đứa trẻ đen đủi như nó thì bà Phủ sẽ mắng chị Minh và nó không khỏi bị mắng lây!

Tâm yêu đứa bé biết bao nhiêu! Nó là con của người thương yêu Tâm rất mực, che chở Tâm hết lòng. Trong nhà này trừ mẹ nó, chỉ có nó là không gây phiền phức cho tâm, nó nhoẻn cười với Tâm, không hất hủi Tâm, khinh chê Tâm đen đủi như bao kẻ khác.

Nhưng Tâm bận việc không có nhiều thì giờ để bồng bế hay đùa giỡn với em bé được. Bà Phủ cũng đã tiên liệu thuê sẵn một người chuyên có mỗi việc bồng bế và giặt gịa cho mẹ con chị Minh. Dù chị Minh tử tế, mỗi khi đến gần em bé, Tâm vẫn quen tính đề phòng, nhìn trước, nhìn sau, chỉ nơm nớp sợ bà Phủ trông thấy ; nó cúi xuống nâng nhẹ bàn chân em bé lên, vuốt ve bằng thích rồi chúi mũi hít lấy hít để gan bàn chân em, miệng không ngớt khen:

- Chưn em bé thơm quá! Chưn em bé thơm quá, chị Minh ơi!

Minh nhìn Tâm bằng đôi mắt chứa chan trìu mến, thương yêu và trong óc vẫn vương vấn chuyện tìm cách cứu con bé khỏi tay bà mẹ chồng khắc nghiệt. “Để coi, anh Hùng bảo là phải đổi vô Đà Nẵng, để đến lúc đó, mình xin phép đem nó theo, thuê người khác thay nó làm việc nhà ở đây… ờ! Để coi! Không lẽ bà từ chối! Để coi! Nếu bà nói cần có nó lo việc nhà, thì mình viện cớ mình cần hơn vì ở chỗ xa lạ phải có người tin cậy, thuê kẻ lạ, trong lúc mình đi dạy, nó có thể lấy hết đồ đạc chuồn mất, hay là bế cả cháu bà đi không chừng… Hay!  – chị thầm khen mình – Kế này hay! Thế nào mạ cũng bằng lòng”.

Và chị vui vẻ hỏi Tâm:

- Này Tâm! Nếu anh chị phải đổi đi chỗ khác, chị xin mợ cho em đi theo, em ưng không?

- Trời ơi! Sao không ưng. Em chỉ sợ mợ không cho thôi.

- Mợ sẽ cho, đừng lo, Tâm à! Chị xin thì thế nào mợ cũng cho.

- Em đi với chị thì sướng rồi, mà… mà ai ở nhà cho heo gà ăn? Ai tưới cây? Ai đi chợ, nấu ăn, đấm bóp cho mợ? Chắc khó quá, chị ơi! Em sợ…

Tâm nói như rên. Minh cao giọng trấn an con bé, song thực tình, chị cũng thấy tiêu tan một phần tin tưởng. Thuê người? Ai mà có đủ sức làm vừa lòng bà Phủ? Ai mà ăn ít làm nhiều như Tâm được đây? Ủa, vậy chớ một ngày kia nó lớn lên không lẽ bắt nó ở hoài như vậy sao? Cũng có biện pháp chớ, những vị nguyên thủ quốc gia tài ba nhất kia mà khi chết, người ta còn tìm được người thay huống chi là một đứa làm việc trong nhà? Với những lý lẽ đó chị tạm yên lòng chờ đợi.

Bé Dũng được hơn ba tháng thì anh Hùng có lệnh đổi vô Đà Nẵng thực. Chị Minh lo sắp đặt đưa con đi theo. Chị giữ lời hứa nằn nì với mẹ chồng cho Tâm đi với vợ chồng chị, chị viện đủ lý do song vẫn không lay chuyển được bà.

Không từ chối hẳn, bà chỉ hứa một cách chiếu lệ:

- Mạ không tiếc chi với con, huống chi là một đứa giúp việc trong nhà, nhưng bây giờ chưa thuê được người chắc chắn, để thong thả mạ tìm có người rồi mạ sẽ gởi hắn vô sau. Với lại, nghe đâu con cũng chưa đi dạy liền mà? Có phải vậy không?

- Thưa mạ, anh Hùng bảo con xin nghỉ thêm vài tháng nữa để săn sóc cháu, nếu mạ vui lòng cho em Tâm theo con thì con có thể yên bụng để cháu cho nó trông coi, đi dạy liền vào tháng tới.

Bà Phủ làm như vừa bị kiến đốt ở gan chân, bà nhảy nhổm lên:

- Thôi! Thôi không được đâu. Tin thì tin mà phòng vẫn phải phòng. Không tin hẳn vô quân nớ mô. Con mắt trắng dã, gian ngoa số một đó, con ơi!

Đứng tựa vào cái cột ở hiên nhà, Tâm thấy như trời đất đảo lộn sau câu nói độc ác của bà Phủ, nhưng điều làm nó kinh sợ nhất là cái quyết định : nó không được đi theo chị Minh! Nó biết rõ bà Phủ : lâu nay bà đã làm lơ cho nó nhiều lắm, bà sẽ thẳng tay đấm tát, cao giọng chưởi mắng cho bõ những ngày qua! Nó chịu làm sao nổi đây, trời! Tâm muốn khóc mà mắt ráo hoảnh, muốn kêu lên mà cổ nghẹn, mắt hoa… Chị minh! Chị Minh! Chị sắp bỏ em, chị đi, vậy mà chị hứa với em… Chị nói láo! Thà chị đừng về đây! Thà chị cứ mặc kệ em với đòn bọng, khổ nhục! Chị Minh! Em thù chị! Em ghét chị! Chị Minh…

*

Đà Nẵng, ngày… tháng… năm…

Em Tâm thương mến,

Anh chị và cháu Dũng đã vào đến Đà Nẵng bình yên. Chị biết em mong tin chị nhưng chị còn phải lo dọn dẹp nhà cửa cho được mắt, rồi mới có thể ngồi lại viết thư em, chắc em hiểu mà không phiền trách chị.

Em Tâm ơi! Chị thương em, nhớ em, lúc nào cũng vương vấn chuyện em nên chị không vui. Chị đã hứa với em mà không thực hiện được lời hứa, cái đó ngoài ý muốn của chị, nhưng chị khuyên em cố gắng ít lâu, thế nào rồi em cũng được vô đây gần chị và bé Dũng. Trong lúc này, em nên làm vui lòng mợ, đừng cãi lại bà dù cho bà có mắng oan cũng phải im đi. Chị biết em khổ sở nhiều, nhưng trong bao lâu nay còn chịu được huống chi giờ chỉ phải chịu ít lâu? Em nghĩ có phải không?

Khi rảnh, đọc mấy cuốn sách chị cho em đó, cũng đỡ buồn lắm. Em sẽ thấy không phải chỉ mình em khổ sở thôi, và không phải vì em đen đủi nên em khổ, mấy người trong truyện đó không phải da đen mà cũng khổ, đâu khác chi em?

Mẹ chị vẫn nói rằng lúc nhỏ mà khổ thì về sau mình sẽ được sung sướng còn những người hồi nhỏ sung sướng thì lớn lên sẽ khổ, không biết có đúng như vậy không. Chị thì chị khuyên em nên cố gắng dịu hiền, chịu khó đừng làm phật lòng mợ, thế nào rồi cũng có ngày mợ nghĩ lại, thương em, mợ sẽ thuê người thay em, cho em vô đây với chị.

Chị sẽ có thì giờ dạy em thêm, em sẽ có nhiều sách đọc, mở mang kiến thức ; nếu em muốn, chị sẽ cho em đi học may hay học một nghề gì em thích để sau này em tự lập thân.

Còn trong thời gian em chưa có nghề nghiệp hẳn hoi, chị sẽ để riêng cho em mỗi tháng một số tiền để em muốn tiêu việc gì của em tùy ý, như vậy mới công bình, hợp ý chị và em có một số vốn riêng.

Em Tâm! Dù sao đi nữa, chị khuyên em giữ lòng tự trọng, ngay thẳng, thật thà. Đó là những đức quí mà người ta phải giữ làm cái vốn tinh thần, nó cũng quí như cái số vốn hay cái nghề mà chị hứa sẽ dành cho em vậy. Có thể nói là quí hơn, vì nếu rủi em mất số tiền vốn đó đi, tiêu mất đi, em có thể kiếm cái khác, còn những đức tính quí báu đó mà em không gìn giữ, em sẽ trở nên hư hỏng, xấu xa.

Em đừng bận tâm về cái mầu da và bề ngoài của em. Miễn giữ cho tâm hồn mình trong trắng là đủ quí rồi.

Chị cũng dặn em điều mà chị dặn từ khi chị chưa đi xa : đừng ăn bớt tiền chợ của mợ. Chị biết em cần tiền, vậy em cứ tiêu dùng số tiền chị cho em hôm chị đi đó, chừng nào hết, viết thư cho chị, chị sẽ gởi về cho em. Chị sẽ gởi ở nhà cô Ngọc, cô bạn dạy cùng trường với chị, ở gần nhà mình, người đưa thư này cho em đây! Em muốn viết cho chị cũng cứ đưa cô ấy gởi giùm em, không sao đâu, chị đã dặn cô ấy rồi. Chị trông thư em lắm. Hãy viết cho chị biết tin em. Chị hy vọng là mấy chị ở nhà đối với em tử tế như khi chị chưa đi. Còn mợ thì em cố gắng tỏ ra ngoan, sẽ không đến nỗi nào.

Dù sao, chị mong em sớm được vô đây với chị, trong lúc đợi chờ, hãy nghe lời chị, đừng làm mợ phật lòng.

Thăm em, chị Minh của em.

Ký tên,

*

Đà nẵng, ngày… tháng… năm…

Em Tâm thương mến,

Chị được thư em ba ngày nay. Cháu sốt – nó mọc răng – nên chị không trả lời ngay cho em được, tuy là chị rất muốn viết liền cho em, vì chị biết em mong thư chị.

Em Tâm! Chị gần khóc khi đọc thư em, khi được biết cách cư xử lạ lùng của mợ. Chị khổ sở, lúng túng không biết làm cách nào để giúp em. Chắc em hiểu, chị thương em lắm, không muốn em phải chịu đọa đày khổ sở như vậy nữa, nhưng không biết làm cách gì ngoài có mỗi một chuyện cố gắng đợi chờ. Phải chi không vướng cháu, chị đã về Huế thăm em, em hiểu cho chị, nhá? Hãy nghe lời chị : nếu mợ tỏ ra không thích thấy em đọc sách, thì hãy làm theo lời mợ, chuyện đó cũng dễ mà. Như vậy không có nghĩa là chị bảo em không đọc sách, mà chỉ có nghĩa là em đừng đọc khi mợ thức, khi có mặt mợ dưới nhà.

Chị bối rối không biết nói gì, viết gì để khuyên em, em hãy gắng nhịn nhục, coi đó là những thử thách cuối cùng trước khi em được rời mái nhà em ghét, xa những người ghét em. Những câu em hỏi chị không sao trả lời được vì chị cũng như em. Từ thuở nhỏ, chị được cái may mắn sống dưới bàn tay dịu hiền của mẹ chị và sự bao dung của cha chị. Cha mẹ chị không phải chỉ thương yêu con cái mà xử tốt với cả xung quanh, cho nên chị rất ngạc nhiên thấy em bị đối xử như thế ở nhà cậu mợ. Chị đã cố gắng để thay đổi tình trạng đáng buồn đó, song chị chỉ là con dâu, không đủ quyền hạn để làm tất cả những gì chị muốn làm.

Tâm ơi! Chị chỉ còn biết cầu xin cho em đủ can đảm để chịu đựng và rồi đây em được đền bù những thiệt thòi em đã hứng chịu từ trước tới nay. Chị xấu hổ và đau đớn, cho đến nỗi đêm chị thao thức không chợp mắt khi chị nhớ lại lời chị hứa với em rằng : “Chị còn sống chị thề không để em chịu thảm nhục đọa đày”.

Chị đã bàn với anh và anh đã làm theo lời chị : anh vừa viết thư xin mợ cho em vô đây với anh chị càng sớm càng hay. Chị đã tìm được người giữ cháu nhưng chị và anh đều giấu mợ chuyện này. Em vô đến nơi, chị sẽ cho em đi học nghề ngay như chị đã tính. Em thích học nghề gì? Học may? Hay học nghề dệt vải? Chị chắc em sẽ thích học nghề dệt vải hơn, nó dễ hơn nghề may mà lại gần nhà. Nhà chị ở gần xưởng dệt, suốt ngày nghe tiếng thoi đập canh cách thật vui tai. Chị cũng đã đến xem qua trong xưởng rồi.

Công việc coi cũng khá dễ dàng. Chị tin là em dư sức để học nghề này! Rồi đây em tha hồ may áo mới, nghe?

Thôi, chị ngừng ngang đây. Chị phải đi bỏ thư gấp, cả cái thư anh viết xin mợ chuyện em vô Đà Nẵng.

À, suýt quên, còn điều này nữa : em cứ gởi thư cho chị ở cô Ngọc như vừa rồi, đừng ngại gì hết. Em không thể đến bưu điện gởi thư chị đâu, vì chị biết em không có thì giờ. Em có cần tiêu gì không? Chị tiếc là không có nhiều tiền nên chỉ để lại cho em có vài trăm bạc. Lãnh lương, chị sẽ gởi thêm cho em.

Đừng cho mợ hay là chị có viết thư em, không phải chị sợ gì, nhưng cách tốt nhứt là để anh chị xin phép mợ, kẻo mợ lại mắng mỏ em, vô ích.

Chúc em vui vẻ và cố kiên nhẫn, đợi ít lâu. Chị của em,

Ký tên,

*

Đà Nẵng, ngày… tháng… năm…

Tâm em,

Chị mới được thư em. Tốt lắm, chị rất bằng lòng về những điều em viết trong thư, em nhịn như thế là phải. Em nói được thư anh, mợ đọc xong mợ chưởi em? Không sao, những lời chưởi bới có hại gì đâu. Nó hạ phẩm cách người chưởi chứ không phải người nghe, em ạ.

Điều chị mừng nhất là mợ đã bằng lòng để cho em vô Đà Nẵng. vậy là quí lắm rồi. Chị không ao ước gì hơn, chắc em cũng vậy? Trong lúc này, nên mềm mỏng, lễ phép để mợ vui lòng. Chị mừng quá, cho đến nỗi không ngủ được. Chị đợi em đây!

Em nói em thích nghề dệt vải hở? Vậy thì hay lắm. chị cũng vậy, em hỏi chừng nào em thành thợ dệt thì khó trả lời lắm, còn tùy. Có điều chị cam đoan với em là sau năm bảy ngày học việc em sẽ có tiền ngay, tuy là em chưa có thể ngồi trước khung cửi được, nhưng em đã có thể đánh chỉ, đánh suốt cho thợ dệt.

Chị đã trở lại xưởng dệt coi kỹ rồi. Học vài ngày là em biết liền, nhưng em phải phụ với một người lớn chớ không thể đứng làm riêng một mình, đến chừng nào em thạo việc, em mới được lãnh riêng chỉ mà làm.

Mỗi ngày em sẽ xuống kho, ở đó, họ cân chỉ cho em (chỉ từng khoanh tròn trắng hay màu, đủ thứ) họ sẽ cân cho em 5 ký hay nhiều hơn tùy em làm mau chậm. Cân xong, họ phát phiếu cho em. Đem xuống xưởng, em đập chỉ cho tơi, cho mềm ra rồi tròng vào cái xa quay, tháo mối, quay vào ống lớn (để bắt canh) hay quay vào suốt (cũng là ống chỉ nhưng nhỏ, dùng để tra vào thoi, dệt đường ngang). Nhớ, chỉ quay vào ống để bắt canh nếu đứt phải nối kỹ, chặt, kẻo khi thợ kéo bắt canh sút ra, họ la cho đó. Chỉ suốt nhỏ thì không cần nối kỹ, chỉ cần xe lại thôi.

Chắc cỡ vài tháng, em có thể bắt đầu học dệt được. Trong thời gian quay chỉ, buổi trưa, em làm quen với mấy chị thợ dệt nào dễ tính, họ sẽ cho em dệt thử cho quen dần.

Thôi, kể vậy là đủ hiểu qua, chừng nào em vô đây sẽ thấy. Chị ngóng từng ngày để gặp em. Chị tin là em đã hết khổ đến nơi. Em được sung sướng chị cũng sung sướng lắm.

Cháu Dũng bữa nay rất dễ thương. Anh cũng có lời hỏi thăm em. Gắng đừng làm mợ phật lòng cho đến khi đi, em nhé?

Nhớ em, chị:

Ký tên,

*

Tâm giở mấy lá thư của chị Minh ra, đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần mỗi ngày, bất cứ lúc nào : khi đi chợ, khi cho heo ăn, khi làm bếp, ngay cả khi quét sân hay quơ củi, nó cũng ngưng việc mấy phút… Sáng sớm vừa mở mắt ra và tối trước khi đặt lưng, việc đầu tiên của nó vẫn là đọc thư chị Minh. Nó được yên lòng, thấy công việc nớt nặng nhọc, những lời chưởi bới, nhiếc mắng cay độc như gió thoảng qua tai, như nước đổ trên tàu lá môn, không làm nó khổ sở, tức tối nhờ những giòng chữ mềm mại, xinh xắn của chị Minh. Thật y như chị Minh có mặt đâu đây, quanh quẩn trong nhà hay trên đường đến trường học, chốc nữa nó sẽ gặp mặt, sẽ được nghe chị an ủi, dỗ dành bằng những lời ngọt ngào tựa mật ong, dịu dàng như bóng đêm, êm ả như nệm cỏ xanh mà nó ngả lưng mỗi khi ra bờ ao chăn vịt ngày nào. Tâm đọc cho đến nỗi gần thuộc lòng từng đoạn, nó vừa đọc vừa mường tượng đến dáng bộ chị khoan dung, đến khuôn mặt chị sáng rỡ vì từ ái và xinh đẹp như một bông hoa dưới nắng sớm, còn lóng lánh sương đêm!

Ôi! Những lá thư của chị Minh! Trong những ngày gần đây, Tâm không chỉ sống nhờ vào cơm thừa canh cặn của đại gia này mà còn nhờ nhiều, rất nhiều vào những lá thư của chị Minh, những lá thư đó còn quí hơn thức ăn, dù nó không thể nhai, nuốt được. Nó vuốt ve, xếp lại, mở ra, đọc, ngắm, nhìn y như kẻ hà tiện ngắm vuốt những tờ bạc giấy mà cô ta quí hơn cả bản thân. Sao chị Minh giống bà ngoại của Tâm quá? Có lẽ khi còn trẻ, bà ngoại Tâm cũng giống như chị Minh hiện nay và khi già, chị Minh cũng giống như bà ngoại? Tâm chợt lạnh người vì sự so sánh này, đột nhiên nó nghĩ đến chuyện chị chết đi, bỏ nó lại khốn khổ, bơ vơ. Ồ! Không! Chị Minh không chết được! Chị còn trẻ quá và chị chưa đưa nó ra khỏi ngưỡng cửa nhà này, làm sao chị chết cho đành?

Chị Minh không có chiếc đũa thần kỳ diệu nhưng với Tâm chị còn hơn cả những bà tiên. Nhờ chị, Tâm sắp được chấm dứt kiếp sống đọa đày của một kẻ tôi đòi không công xá! Nhờ chị, Tâm mới cố gắng để chống lại những thói xấu tiêm nhiễm từ lâu, cũng như nhờ chị, Tâm mới cố gắng để khỏi thù hận kẻ đã làm khổ nó. Nhờ chị dạy, Tâm biết đọc, biết viết, Tâm có thể đọc được một tấm quảng cáo trên đường đi chợ, biết tên những cửa hiệu buôn, biết những gì người ta in bên dưới một cái hình đăng trong tờ báo. Nhờ chị, Tâm biết thêm nhiều thứ… Nhưng điều quí nhất là nhờ chị, Tâm hiểu rằng mình cũng là người như bao kẻ khác, và sự mồ côi, tình cảnh, mầu da của mình không phải là một điều đáng xấu hổ, đáng bị khinh chê.

Chính nhờ chị mà gần đây, một đôi khi Tâm nhặt tờ báo cũ, cuốn sách hay tờ chương trình ciné, Tâm không còn bị mọi người trong nhà bĩu môi nheo mắt, hay mỉa mai bằng giọng miệt thị, khinh chê. Nếu sự biết đọc, biết viết phân biệt được con người với con vật, thì quả hai mươi mấy chữ cái trong cuốn vần mỏng tanh chị Minh mua dạy cho Tâm đã thực sự nâng nó lên cao hơn con chó trong nhà một bực và dù mợ nó cố tâm dìm nó xuống ngang hàng với súc vật, bà đã bất lực rõ ràng rồi! Bà có thể đánh, mắng nó, nhưng bắt nó trở lại tình trạng ngu muội, dốt nát thì không!

À! Nó sẽ là một người đàng hoàng như tất cả mọi người. Nó sẽ làm một cô thợ dệt, có tiền công? Không! Tâm đâu cần những thứ đó, không cần cái nghề đó, được gần chị Minh, gần bé Dũng, được nhìn thấy khuôn mặt chứa chan trìu mến của chị và được tự do muốn nâng bàn chân bé nhỏ, đỏ hồng của bé Dũng lên, hôn vào đó lúc nào tùy ý, không phải dè dặt, đề phòng, không phải sợ mợ rầy la làm bẩn chân em, thế là Tâm đủ mãn nguyện rồi!

A! Tâm sẽ đi! Tâm sẽ rời khỏi mái nhà này, mái nhà Tâm sống trong mười mấy năm ròng với không biết bao nhiêu kỷ niệm xót đau, khổ nhục mỗi khi nhớ lại! Tâm sẽ đi? Tâm muốn nhảy cẫng lên, muốn hát, muốn ca, muốn reo hò cho hả… Rồi một ngày nào đó, Tâm sẽ trở về thăm mợ, Tâm sẽ mua tặng bà cái áo nhung mầu xanh dưa cải, thứ hàng và thứ mầu bà thích nhất mà Tâm cũng thích, mà thuở nhỏ mỗi lần thấy bà mặc, tâm thích quá, lại gần nhưng chưa kịp thò tay sờ vào đã bị bà cau mặt, đuổi đi! Tâm sẽ mua biếu bà những viên kẹo làm bằng mật ong, có bọc rượu chính giữa, những hộp bánh thơm dòn, những thứ mà bà hãnh diện đem đãi khách, đem cho con, những thứ bà mua đâu tận bên Tây, những thứ Tâm chỉ được đứng xa xa, trong một góc tối, lấm lét nhìn, nước dãi tuôn đầy, nuốt ừng ực vẫn tuôn ra mãi! Đó, Tâm sẽ trả thù bà cách đó! Tâm sẽ làm cho bà ân hận rằng mình trót xử tệ với Tâm… Tâm sẽ… Tâm sẽ…

Tâm xếp mấy lá thư chị Minh lại, đặt chung với những tờ giấy bạc mới tinh chị cho nó từ hôm chị ra đi. Nó mỉm cười thích thú nghĩ rằng chị Minh sẽ rất hài lòng vì số tiền chị cho cũng như những lá thư chị gửi đều được nó trân trọng giữ gìn, không hề suy suyễn chút gì. Chị hẳn còn vui lòng hơn khi biết rằng Tâm đã tuân lời chị : không ăn bớt một đồng tiền chợ của mợ đưa cho. Nó đã tỏ ra cố gắng để nên hay nên tốt, xứng đáng với lòng thương và sự tin cậy của chị Minh đến ngần nào!

Quá sung sướng, Tâm quên cả dè dặt, giữ ý : nó quên rằng bà Phủ vẫn hay vi hành xuống bếp vào buổi tối, đôi khi vào buổi  trưa để rình xem nó có ăn vụng hoặc làm gì trái ý bà chăng? (bà có một đôi dép bằng rơm để dùng vào việc này và tuy thân hình đồ sộ, khi cần bà vẫn có thể rất sẽ sàng).

Xem tiếp chương 7 (hết)