Những ngày xanh - Chương 3 & 4

Chương 03

Ngủ chung với ông cố tôi thật chả thú vị gì: ông ngáy ầm ầm, trăn trở trên cái giường nệm thụng chính giữa, ép sát tôi vô vách. Tuy thế, tôi vẫn ngủ rất ngon. 

Cho đến khoảng gần sáng, tôi gặp một ác mộng. 

Tôi thấy cha tôi mặc áo ngủ dài, nghiêng mình trên bình dưỡng khí, một cái bình đồng nối liền với cái ống cao su đỏ. (Một người bạn của cha tôi đã chỉ cách trị liệu này sau khi tất cả thuốc men đều trở thành vô hiệu). Chốc chốc, cha tôi ngẩng phắt lên, đôi mắt nâu tinh quái nhìn thẳng mẹ tôi đang đứng cạnh và mỉm cười vui vẻ… Rồi viên bác sĩ lớn tuổi vẻ nghiêm nghị xuất hiện giữa phòng. Cùng lúc ấy có tiếng sấm nổ rền rồi một con tuấn mã có cái bờm đen tuyền, óng mướt bước tới. Tức thì cha mẹ tôi lên ngựa phi nước đại, bỏ lại mình tôi trơ trọi. Tôi tuyệt vọng, hai tay bưng lấy mặt khóc ròng. 

Khi thức giấc, trán tôi lấm tấm mồ hôi, tim đập mạnh, tôi bị chói mắt do ánh sáng mặt trời tràn ngập trong phòng. Ông tôi kéo cửa sổ nghe ken két, quay lại hỏi: 

- Ông đánh thức con? Dậy mau lên! Trời hôm nay tuyệt lắm, con ạ! 

Trong lúc tôi thay áo quần, ông cố cho tôi biết là dì tôi đã đi dạy, cậu tôi đi xe buýt đến Winton học ở trường Trung học. Cậu tôi đang theo học tại đó và sẽ xin vào làm việc ở Ty Bưu Điện theo ý ông ngoại tôi. Khi ông ngoại tôi đến sở rồi thì ông cố và tôi sẽ được thong thả, tự do xuống nhà. Đầu óc non nớt của tôi bị lóa đi vì những cái nút đồng trên áo ông ngoại, tôi ngỡ ông ngoại có một chức vụ đặc biệt, đáng nể lắm. Song than ơi! Tôi không khỏi thất vọng vì mấy lời của cố tôi: 

- Đừng tưởng bở, Robert! Bộ đồng phục của rể ta oai vệ thật đó, nhưng hắn chỉ là thanh tra của sở Vệ sinh khu vực này. Chà! Rể ta cũng có tham vọng lắm chớ, lúc nào cũng mơ đến chức Giám đốc Thủy cục nhưng phận sự của hắn chỉ là… 

Ông cố tôi ngừng lại, cười khùng khục đoạn tiếp: 

- … Chỉ là kiểm soát các thùng rác và nhà tiêu cho được sạch sẽ, thế thôi! 

Cửa phòng sịch mở, tiếng bà ngoại tôi vọng vào: 

- Thế nào? Hai ông cháu hợp nhau chứ? 

Trên khuôn mặt đầy lo âu của bà tôi, một nụ cười hé nở. Cố tôi và tôi đi xuống, giọng cố tôi lịch sự: 

- Khá lắm, Hannah ạ! Cảm ơn con. 

Cố tôi đến ngồi đầu bàn, chỗ của ông ngoại vẫn ngồi. (Sau này tôi mới biết rằng chỉ có bữa sáng là cố tôi dùng tại nhà dưới). Gian bếp ấm cúng, dễ chịu. Trên bàn ăn, chỗ cậu tôi đầy vụn bánh và vết bẩn. 

Giữa ba thế hệ, tôi cảm thấy một sự thân mật khó tả nên lời. Bà ngoại mở hộp, múc cho cố và tôi vài muỗng sữa ca cao đoạn chế nước sôi từ một cái ấm đầy những lọ vào ly. 

- Cha ơi, cha có dắt cháu Robert theo sáng nay không? 

- Có chứ, con gái của ba. 

- Con biết cha sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp con… (Bà ngoại ngần ngừ). Lúc đầu, mọi sự có vẻ khó khăn, nhưng nhờ ơn trên… 

- Đừng lo lắng lắm, vô ích, Hannah ạ! 

Cố tôi an ủi con gái và bưng sữa lên bằng cả hai tay. Bà ngoại nhìn ông tôi, mỉm cười nhưng tôi biết bà tôi không vui vẻ chi cả. (Về sau này, tôi mới biết rõ tình thương sâu đậm bà dành cho ông cố tôi). 

Ông cháu ăn xong, bà ngoại ra khỏi phòng một lúc rồi trở lại với can chống và mũ cho cố, cả tập tài liệu dày cộm mà tôi thấy ông ghi chép hôm qua. Bà ngoại chải cẩn thận cái mũ cũ mèm của ông cố tôi, cột sợi dây đỏ trên xấp tài liệu thật chặt. Bà nói, giọng như nghèn nghẹn: 

- Một người như cha đáng ra không làm công việc khiêm nhượng thế này, nhưng chắc cha hiểu rằng công việc này giúp đỡ chúng con nhiều lắm. 

Cố tôi mỉm cười, nụ cười khó hiểu và đứng lên đội mũ, vẻ rất kiểu cách. Bà ngoại đưa cha và cháu ra tận cửa. Đến thềm, bà tôi nói nhỏ, giọng khẩn thiết: 

- Cha nhớ lời hứa với con chứ? 

- Hannah! Con cứ lo lắng chuyện không đâu… 

Ông cụ cười dễ dãi và nắm tay tôi bước ra đường cái. 

Chỉ một lát sau, ông cháu tôi đến trạm xe điện. Ông cháu tôi ngồi ở cạnh cửa sau, xe chạy về hướng Levenford. Tôi nắm chặt tay cố, cố tôi nheo mắt ra vẻ khuyến khích tôi. 

- Xin quý khách mua vé! Xin… 

Tôi nghe tiếng bấm vé tanh tách của bác soát vé cùng lúc với tiền loảng xoảng va chạm trong cái xắc bác ta đeo trên vai, song ông tôi không hề mảy may chú ý tới điều này; ông ngồi im như một pho tượng, như tâm trí đang bận nghĩ ở đâu đâu. 

Người soát vé ngừng lại trước ông tôi, do dự. Ông tôi không nao núng chút nào, gã này ban đầu có vẻ ngạc nhiên, song sau đó nhận ra cố tôi, mỉm cười lúng túng: 

- Chào bác Dandie! 

Nói xong, anh ta còn nán lại một giây rồi mới đi qua. Tôi hết sức nể cố tôi, chao! Cố tôi có uy tín quá! 

Đại lộ hiện ra và tôi nhận thấy Tòa Đô Sảnh nữa. Xe ngừng lại. Cố tôi chững chạc bước xuống. Hai ông cháu cùng đến một căn nhà có mấy bậc cấp cao. 

Trên cái bảng đồng có hàng chữ đã mờ nhiều: "Duncan Mc Kellar – Đại Tụng". 

Phía dưới các cửa sổ ở hai bên cửa chính có treo 2 tấm bảng kẻ chữ vàng: 

"Levenford địa ốc" và tấm kia: "Hãng Bảo hiểm Le Rocher". 

Vào đến văn phòng, cố tôi bỗng mất hết vẻ hiên ngang mà trở thành khép nép. Tuy vậy, cố tôi cũng quay lại, nheo mắt với tôi một cách tinh nghịch khi thấy một phụ nữ cau có thò đầu ra ghi sê bảo cố tôi bằng giọng khó thương là ông Mc Kellar đang tiếp chuyện ông Thị trưởng, phải chờ. (Về sau này, tôi biết bà ta luôn luôn cau có với cố tôi và cố tôi cũng luôn luôn nhăn mặt khi thấy bà ta). 

Năm phút sau cửa văn phòng mở, một ông đứng tuổi, da dẻ hồng hào, bộ râu đen mượt vừa đi vừa đội mũ, bước ra. Ánh mắt ông ta có vẻ xoi bói làm tôi bối rối, chợt ông nhíu mày và đến gần ông cháu tôi, hỏi nhỏ: 

- Thằng bé đấy ư? 

- Vâng, thưa ông Blair. 

Ông râu mượt quan sát tôi một lúc lâu và tuồng như ông biết rõ hết cả mọi sự về tôi. Tôi run rẩy vì xấu hổ, tưởng như ông đang lần lượt ôn lại trong trí nhớ những thảm nhục, khổ sở tôi đã trải qua. Giọng ông dịu dàng: 

- Con chưa có dịp làm quen với bọn con trai cũng tuổi, phải không? 

- Thưa ông vâng ạ! 

- Thằng Gavin của ta sẽ rất thích thú được kết bạn với con. Hôm nào con đến nhà ta nhé! Ở gần đây thôi. 

Tôi cúi đầu do dự. Có nên trả lời là tôi chẳng ao ước kết bạn với Gavin Gaviết nào cả hay không? Tôi có biết mặt hắn đâu? Hắc ác hay hiền? Ông ta đứng im một giây, sờ cằm rồi cúi chào cố tôi, đi ra. 

Văn phòng ông Mc Kellar cũ kỹ nhưng xinh đẹp, một cái bàn giấy lớn bằng gỗ đào hoa tâm, thảm lót dày có hình vẽ mầu đỏ êm mướt dưới chân, nhiều cúp bạc đặt cạnh lò sưởi; trên tường mầu xanh có treo những tranh và ảnh của các nhân vật quan trọng. Ông Kellar ngồi trên một cái ghế dựa chân xoay. Không ngẩng lên, ông hỏi cố tôi: 

- Công việc xong rồi chứ bác Dandie? Hay là sắp bị cô nào lôi ra tòa đó?... 

Ông vừa ngẩng lên, nhận thấy tôi, tức thì ngưng câu nói đùa. Ông ta cao lớn, khoảng 50 tuổi, ăn mặc chải chuốt, mặt hồng hào, râu cạo nhẵn, tóc dày. Tia nhìn ông ta sắc sảo song lương thiện, lông mày rậm và nhạt mầu. 

Đón xấp tài liệu trên tay cố tôi, ông liếc nhanh lên đó, mím môi lại và gật gù ra dáng hài lòng: 

- Chúa ơi! Bác Dandie! Chữ bác thật chẳng khác chữ in. Thật đáng tiếc là bác đã không thành công trên đường đời như trong nghề chép ghi này. 

Cố tôi cười nhạt: 

- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, ông quên sao, ông Mc Kellar? Tôi thành thật cảm ơn ông đã giúp tôi có việc làm ăn, ông Kellar ạ. 

Ông Kellar ghi thêm một con số vào cuốn sổ đặt sẵn giữa bàn giấy, nói: 

- Tôi ghi thêm số tiền này vào số nợ cũ còn thiếu bác. Cuối tháng rể bác sẽ đến lãnh chi phiếu nhé? À! Thằng bé đến rồi đấy ư? 

- Vâng! Cháu mới đến hôm qua. 

Kellar dựa ra lưng ghế quan sát tôi có vẻ kỹ hơn cả ông Blair. Rồi hình như ông cảm thấy thành kiến của ông về tôi sai lầm, ông tặc lưỡi một cái, thì thầm: 

- Cảm ơn Chúa! Thằng bé xinh xắn làm sao chứ! Vậy mà phải chịu bao nhiêu thảm khổ, tội nghiệp biết chừng nào! 

Sau một giây suy nghĩ, ông móc túi lấy ra một nắm tiền lẻ, chọn một đồng Shilling (1) đưa cho cố tôi: 

- Đây bác Dandie, để bác mua cho cháu nước ngọt. Thôi, bác về nhé! Cô Glenniie sẽ đưa cho bác tài liệu khác,về chép thêm hộ tôi. Tôi còn công việc bù cả đầu lên đây. 

Ông cháu tôi khoan khoái rời văn phòng, cố tôi vươn vai thở mạnh như để thưởng thức làn gió mát ban mai. Khi xuống hết bậc thềm chót, ông chỉ cho tôi thấy hai cô bán đồ máy. Một cô trẻ hơn cao lớn, da sẫm, tóc hung, màu hung nóng bỏng của xứ Tô Cách Lan: hàng hóa đội trên đầu, dáng đi ưỡn ẹo, mông đong đưa, bộ ngực nẩy nở. Cố tôi nói bằng giọng thán phục: 

- Nhìn xem con! Thật là một bức tranh linh động, đáng yêu vào buổi sáng thu trời đẹp như sáng hôm nay... Đáng chiêm ngưỡng quá! 

Tôi chẳng thấy có gì đáng yêu, đáng chiêm ngưỡng như lời ông cố vui tính của mình. Phần khác, những điều vừa xảy ra trong văn phòng Mc Kellar làm tôi lo âu trước viễn tượng đen tối của đời tôi: như thể tôi luôn luôn gây ra sự tò mò, thắc mắc cho mọi người. 

Trên đường về, tôi chỉ cố ý tìm cách giải thích điều này. Tại sao mọi người nhìn tôi như nhìn một quái vật? Sao họ thay đổi thái độ khi thấy tôi? Sao họ cứ lắc đầu khi nhìn tôi? Tôi có gì khác họ đâu? 

Với số tuổi lên tám, tôi làm sao hiểu được rằng dân chúng cái tỉnh lỵ nhỏ này đầu óc họ đầy thành kiến, nên họ không tán thành cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi. Mẹ tôi vốn là một thanh nữ xinh đẹp giỏi giang, được mọi người yêu mến, mẹ tôi có thể chinh phục được bất cứ ai... Thế mà, bà lại hạ mình đi yêu và thành hôn với cha tôi, một người Ái Nhĩ Lan khi đôi bên gặp nhau vào một mùa hè. Cha tôi, một người ngoại quốc xa lạ, không rõ tông tích, làm việc tại một hãng trà, địa vị tầm thường, không có gì đáng để ý. Theo họ thì cha tôi chỉ có chút ưu điểm là lịch thiệp, vui vẻ, xinh trai. Mà mấy cái đó không có lợi ích thiết thực gì hết. Không ai cần để ý rằng cha mẹ tôi đã sống nhiều năm trong hạnh phúc. 

Vì vậy, cái chết của mẹ tôi đi kế liền sau cái chết của cha tôi được dân tỉnh này cho là một hình phạt thích đáng và chuyện tôi phải sống nhờ, ăn bám vào bên ngoại là một bằng chứng hiển nhiên tỏ ra ông trời cao vẫn có con mắt tỏ tường đây chớ không phải lơ mơ. 

Ông tôi dắt tôi đi dạo trên con đường cạnh bờ hồ độ nửa giờ rồi vào làng Drumbuck. Làng xinh xắn thu mình dưới chân đồi, một con sông nhỏ chảy qua dưới hai cầu đá. Chúng tôi đi ngang một hàng bánh kẹo mà lại mang bảng hiệu: "Tibbie Minns, bán thuốc lá có giấy phép!". 

Rồi đến một căn nhà tranh, cửa để mở, tôi thấy một bác thợ dệt cặm cụi làm việc. Phía trước là một bác đóng móng ngựa, mang tạp dề da lom khom đóng móng một con ngựa bạch. Sau lưng bác ta, lò rèn đỏ rực, mùi sừng cháy lửng lơ trong không khí. 

Xem ra cố tôi quen biết hết mọi người trong làng này, cả đến anh hàng rong đẩy xe chất đầy vật dụng lỉnh kỉnh và người đàn bà vui vẻ rao, giọng kéo dài: 

- Đại hoàng đây! Mứt đạ...ại hooà... àng đây! 

Với tất cả mọi người cố tôi đều dừng lại chào hỏi rất là niềm nở, thân mật. Cố tôi quả là một nhân vật quan trọng, rất quan trọng, tôi tự nhủ. 

- Mạnh khỏe chứ? Anh? 

- Bác cũng thế hẳn? Bác Dandie? 

Một gã đàn ông béo phệ đứng nơi thềm lữ quán Arms chào cố tôi một cách nồng nhiệt làm ông phải dừng lại, giở mũ ra lau mồ hôi trán, vẻ mặt hớn hở lạ thường. 

- Con đừng quên nước ngọt nhé? 

Cố vào trong, còn tôi thì ngồi xuống bậc thềm nóng rực vì nắng đốt từ sáng đến giờ. Một đàn gà trắng đang hối hả mổ thóc ngoài sân, bên bụi rậm. Tôi tận hưởng sự êm ả, vắng vẻ của giờ trưa cùng một lúc quan sát kỹ bà Minns, chủ hàng bánh kẹo. Bà này cũng đang tò mò nhìn tôi qua khung cửa kính xanh cũ kỹ của cửa hàng, bóng bà lờ mờ do thủy tinh làm biến dạng, khiến tôi nghĩ đến một quái vật nho nhỏ của bể sâu đang bơi trong cái hồ nuôi cá. 

Giữa lúc đó, cố tôi mang ra cho tôi cốc "limonade". Chất nước này vừa ngọt vừa the the làm tê đầu lưỡi tôi và mát xuống tận cổ họng, tôi thích quá. Rồi cố tôi trở lại với đám người đang uống dưới bóng mát của lữ quán. Nom họ đều có vẻ quan trọng. Cố tôi thì nốc một hơi hết ly rượu nhỏ và sau đó cố uống từng ngụm bia trong cái ly to sủi bọt, và tôi đoán rằng cố tôi phải uống như thế mới đẩy được chất rượu vàng đặc lúc trước xuống. 

Tôi bắt đầu chú ý đến tiếng la hét của hai đứa bé gái đang chơi nhảy vòng trên bãi cỏ công cộng phía bên kia đường, trước lữ quán. Biết rằng cố tôi còn bận trò chuyện lâu với đám người ở lữ quán, tôi đứng lên, thong thả băng qua đường. Lũ con trai cùng tuổi tôi không được tôi chú ý mấy, vì ở trường học do cô Barty chỉ có toàn con gái nên tôi cảm thấy dễ chịu và thích làm quen với con gái hơn. 

Trong khi bạn mải chơi, một đứa lại ngồi trên băng đá, nó mặc một cái váy kẻ ô vuông có dây quàng trên vai và nó bằng cỡ tuổi tôi. Con bé hát lên khe khẽ, tôi lắng nghe nhưng không thèm nhìn, chỉ đến ngồi đầu băng kia, săm soi vết sướt trên đầu gối. Bài hát đã chấm dứt, im lặng như cũ. Rồi như ý tôi mong muốn, đứa con gái nhìn tôi, có vẻ thân thiện: 

- "Ấy" biết hát không? 

Tôi buồn bã lắc đầu, tôi chưa hề thuộc một bài hát nào cả, chỉ nhớ loáng thoáng mấy câu trong một bài hát cha tôi đã cố công dạy tôi, trong đó nói về một cô gái đẹp chết trong cảnh thảm nhục. Song tôi thích chơi với con bé này và không muốn cho câu chuyện nhạt đi, tôi hỏi: 

- Vòng bằng sắt phải không? 

- Chớ sao! Không bằng sắt thì bằng gì? 

Con bé kia hướng cái vòng về phía chúng tôi, tôi lại hỏi: 

- Chị "ấy" đó hả? 

Con bé mỉm cười, vẻ dịu dàng dễ thương hết sức: 

- Không đâu. Louisa là chị bà con của tôi, chị ấy ở xa đến chơi đó. Tôi là Alison Keith. Tôi ở với mẹ tôi đằng kia kìa. 

Nó chỉ tay về phía cuối làng, nơi có ngôi nhà đồ sộ bị một phần cây cối che khuất. Tôi cho là Louisa thuộc thành phần khá giả hơn mình, nên khi nó tiến lại gần chúng tôi, tôi đón nó bằng nụ cười dè dặt. Thật vậy, Louisa chận cái vòng sắt đứng lại một cách tài tình, vừa thở vừa nhìn tôi, cất giọng kẻ cả: 

- Ê! Mày ở đâu chui ra đó? Hở? 

Nó vào khoảng 11 hay 12 tuổi chi đó, dáng bộ kiêu hãnh thêm khi nó hất mớ tóc vàng óng ả ra sau lưng. Tôi hiểu ngay là nó muốn thị oai với tôi và con em họ. Tôi trả lời: 

- Tao ở Dublin! Tao mới đến đây ngày hôm qua. 

- Chà! Dublin! Ngon quá ta! Ở thủ đô Ái Nhĩ Lan. Mày sinh ra ở đó hở? 

Tôi gật đầu, thầm hãnh diện vì được chú ý. Nó lại gặng: 

- Mày là dân Ái Nhĩ Lan hở? 

- Tao vừa là Ái Nhĩ Lan vừa là Ê-cốt. 

Giọng đầy tự tin, tôi trả lời. Những ngỡ nó sẽ nể mình, ai ngờ nó khinh khỉnh thêm: 

- Ê! Tao thấy chuyện này hơi... kỳ cục: không thể được! 

Giọng nó lanh lảnh thêm: 

- Mày không thể là hai một lần, mày chỉ có thể là... 

Bất ngờ, nó ngừng lại, nhìn tôi dò xét làm tôi hơi gờm gờm... và cuối cùng, nó lại hỏi, giọng kẻ cả: 

- Mày đi lễ nhà thờ nào? 

Nhà thờ nào? Tôi mà không biết mình đi nhà thờ nào ư? Tôi định trả lời thẳng là tôi đi nhà thờ Thánh Dominique thì chợt ánh mắt nó làm tôi chùng lại, tôi trả lời lửng lơ: 

- Tao đi lễ trong một nhà thờ như mấy nhà thờ khác, có gác chuông thật cao. Nhà thờ ở gần nhà tao ấy! 

Tôi đã bắt đầu lo lo, muốn chấm dứt câu chuyện ngay, vì nó làm tôi bối rối. Tôi nhảy lò cò trên băng đá, rồi biểu diễn trò nhào lộn, trổ tài đến những ba lần liên tiếp. Vậy mà, than ơi! Khi tôi đứng lên, mặt đỏ bừng vì mệt, Louisa vẫn không tha cho, nó tiếp tục nhìn tôi bằng cái nhìn xoi bói rất là khó chịu. 

Rồi với một sự độc ác (độc ác rất vô tâm của trẻ con) nó bảo tôi: 

- Tao nghi lắm: mày là người Thiên Chúa giáo, đúng không? 

Và nó cười lém lỉnh. Tôi càng đỏ bừng mặt, ấp úng: 

- Ai nói mà mày biết rõ như vậy? 

- Cần gì phải có ai nói, tự nhiên tao biết à! 

Tôi khổ sở cúi gầm mặt nhìn mũi giầy rách của mình, Alison dường như cũng ái ngại cho tôi mà không dám mở miệng nói gì cả. 

Louisa lại hất mái tóc óng ả ra sau, tươi cười như không: 

- Bây giờ mày về đây ở hẳn? 

- Phải! – Tôi lí nhí đáp và thêm – ba tuần nữa tao sẽ vào trường Trung học. 

- Ý cha! Alison cũng học ở đó. Chúa ơi! Tao cá là mày sẽ không giống bất cứ một đứa nào hết, phải không Alison? 

Alison bối rối cúi gầm mặt, lắc đầu. Mắt tôi cay sè. Con bé tai ác cúi nhặt cái vòng, cười hí hởn: 

- Thôi, đến giờ ăn trưa rồi, về Alison! 

Và quay sang tôi, ném một cái nhìn mỉa mai, khinh thị: 

- Đừng có làm bộ khổ sở. Mọi sự sẽ tốt đẹp nếu mày đã nói thật với tao. 

Alison nhìn tôi bằng hai mắt chứa chan cảm tình, tuy nó chả dám mở miệng nói câu nào để bênh tôi. 

Còn tôi, từ phút ấy tôi lại thêm mối lo ngại mới: đã mồ côi, tôi lại khác tôn giáo với mọi người ở đây, tôi sẽ ra sao?

*

Trong lúc tôi đứng nhìn theo hai đứa con gái, nước mắt rưng rưng thì cố tôi cất tiếng gọi to từ bên kia đường. Nét mặt hớn hở, cố tôi trêu tôi: 

- Robert, ta xem ra con có số đào hoa đấy. Có phải con bé Keith đó không? 

- Thưa cố, vâng. 

Cố tôi vỗ vai tôi, thân mật: 

- Gia đình nó khá lắm. Cha nó là một sĩ quan hàng hải, thuyền trưởng à! Ông ta chết rồi. Bà vợ đẹp lắm, nhưng phải cái yếu đuối, chà!... Bà ta đàn dương cầm không chê. Con nhỏ đó thì hát như chim. Tốt lắm! Kết bạn với nó tốt... Ủa, Robert, con làm sao vậy? 

- Thưa cố, không sao cả. 

Cố tôi tặc lưỡi một cái rồi thản nhiên huýt sáo vang lên. Giọng ông trầm bổng, hay lắm, nhưng tôi không vui được. 

Về gần đến nhà, cố tôi lại hát nho nhỏ: 

- Tình yêu ta nồng thắm như đóa hồng nhung, vừa nở vào tháng sáu... 

Song rồi ông chợt ngưng lại, dặn tôi: 

- Này Robert! Đừng nói với ngoại con là cố và con đi uống nước nghe không? Ta không muốn con gái ta lo lắng tầm phơ. Nó hay lo lắng tầm phơ, hiểu chưa?

----------------

(1) Shilling : một hào Anh, bằng 12 pencce.

Chương 04

Lúc đầu tôi có cảm tưởng là ông ngoại muốn tách rời tôi với những người trong nhà. Tôi thường chỉ được gặp ông vào buổi tối, vì các giờ khác ông bận đi xem thợ tháo một ống lò, đi kiểm soát phẩm chất sữa, nên ít khi về dùng bữa trưa. Ông đúng là gương mẫu của sự cần mẫn, ngay buổi tối cũng ít khi nghỉ ngơi, ngồi trên ghế, ông xem xét các báo cáo hệ thống đúc chì hoặc các phẩm vật hư thối. Chỉ vào tối thứ năm, ông đến dự buổi họp hàng tuần của công ty Bất động sản Levenford. 

Cậu Murdoch ở lại trường suốt ngày. Buổi chiều, cậu nán lại bàn ăn khá lâu. Đôi khi cậu có vẻ muốn bắt chuyện với tôi. 

Tôi thấy cậu bày sách vở lên bàn và bắt đầu học một cách miễn cưỡng, dáng bộ cậu rất uể oải. 

Dì Kate thì luôn luôn lầm lì, ít nói tuy dì có mặt trong buổi ăn trưa. Buổi tối ít khi có mặt dì trong phòng khách, nếu không đến thăm một cô bạn thân thì dì rút lui vào phòng sửa bài hoặc đọc sách. Tôi thường nhìn vầng trán cao và hơi vồ của dì nhăn nhíu và tự hỏi phải chăng dì cũng có điều gì bất mãn hoặc khổ sở trong lòng? 

Bà ngoại – mà tôi gọi bằng mẹ từ đây – thì bận bịu vô số công việc. 

Do lẽ đó, mỗi ngày tôi càng chịu ảnh hưởng của ông cố tôi trong lúc rảnh rỗi chờ đợi ngày nhập học. 

Cố tôi, ngoài việc ghi chép, không phải làm gì khác, luôn luôn cố tôi kêu ca rằng tôi là gánh nặng của thân ông; tuy vậy ông không hề chê sự bầu bạn với tôi. Hầu như tất cả những xế trưa trời tốt, ông đều dắt tôi đi xem đá bóng ở sân vận động. 

Những lần khác, cố dắt tôi đến thư viện thị xã hoặc đến xem đội lính cứu hỏa của Levenford tập dượt (và luôn luôn họ bị ông chỉ trích). 

Một hôm thừa dịp Parker, chủ tàu vắng mặt, cố tôi dắt tôi đi một vòng tàu miễn phí trên hồ trong công viên, thật vui. 

Chỉ ngày chúa nhật là ngày trống rỗng đối với tôi. Chương trình ngày ấy khác hẳn. Hôm đó, mẹ tôi dậy sớm hơn thường lệ và sau khi mang tách trà vào phòng cho ba, mẹ tôi cho thịt vào lò nướng và soạn áo jaquette với quần có sọc cho ba. 

Sau đó, cả nhà xôn xao vì sửa soạn quần áo tề chỉnh đi lễ. Dì Kate mặc váy mới lên xuống cầu thang cả chục lần. Mẹ tôi thì cố hết sức để nong đôi găng tay co lại sau khi giặt vào đôi bàn tay chai ngắt vì công việc hằng ngày. 

Rồi đôi khi, vào phút chót, cậu Murdoch thò cái đầu chưa chải nơi cầu thang, hỏi vọng xuống: 

- Mẹ! Mẹ để bít tất sạch của con đâu? 

Trong khi ấy, ba mặc áo cổ cồn cao và cứng tưởng có thể sướt cả da, đi tới đi lui ngoài hành lang, chốc chốc lại nhìn vào đồng hồ tay, nhắc mãi một câu: 

- Chuông sắp đổ rồi, một phút nữa thôi đó nghe! 

Tôi hiểu rằng hơn bao giờ hết, không nên làm vướng chân ông bà dì cậu, nên tôi ở yên trong phòng cố tôi cho tận khi nào nghe tiếng chuông đổ dồn dập xa xa trong buổi mai vắng lặng. Hình như tôi vừa yêu lại vừa ghét những hồi chuông này, vì nó làm tăng cái cảm tưởng mình là người đơn độc, lạc loài. 

Cố tôi không bao giờ đi lễ, cố không quan tâm đến tín ngưỡng song tôi (lúc ấy còn quá nhỏ để có thể hiểu) tôi nghĩ rằng bởi cố tôi không có áo quần tốt mà thôi. 

Khi cả nhà đi dự lễ ở nhà thờ Tin lành, nơi có cả ông Thị trưởng và những vị tai mắt khác cùng đến, cố tôi nháy mắt với tôi; thế là hai ông cháu qua thăm bà Bosomley, láng giềng của chúng tôi. 

Bà này là quả phụ của một người hàng thịt, nghe đâu như lúc trước bà là đào hát của một đoàn ca kịch và đã nổi tiếng nhờ vai trò Joséphine trong vở "Người yêu của Hoàng Thượng". Thân mình phốp pháp, tóc nâu uốn quăn, mặt tròn vạnh, da dẻ hồng hào, nom bà trong ngoài tuổi 50. Mỗi khi bà cười đôi mắt hiền từ híp lại chỉ còn hai khe nhỏ. 

Đôi khi nhìn qua hàng rào tôi nom thấy bà đi lại trong khu vườn nhà, chú mèo vàng có tên là Mikado lẽo đẽo theo sau. Rồi đột nhiên bà dừng lại, sửa điệu bộ, trịnh trọng đọc to lên một đoạn thơ. Có lần tôi nghe rõ ràng bà ngâm lớn: 

- Hãy chiến đấu cho nấm mồ của tổ tiên! 

Hãy chiến đấu cho quê hương yêu dấu! 

Thực ra, Levenford không phải là quê hương của quả phụ này. Tụi bạn học tôi kháo nhau rằng bà không phải kịch sĩ có tài, bà chỉ góp mặt trong một gánh xiếc nhỏ và bà bà có xăm bụng! (ghê quá!). Ngoài ra không ai biết rõ nguồn gốc bà. Mà thôi, tôi sẽ có dịp kể rõ về bà sau này. Bây giờ, tôi chỉ cần kể cho bạn biết về sự tiếp đãi rộng rãi của bà đối với ông cháu tôi, khác hẳn sự hà tiện kỳ quái ở nhà tôi – hay nói rõ ra là nhà ông bà ngoại. 

Trong khi cố tôi và bà uống café ở gian trước, luôn luôn bà nhớ mang ra cho tôi cốc sữa ngọt kèm với bánh xăng uýt ngon lành. 

Điều làm tôi kinh ngạc thật tình là khi thấy bà hút thuốc, vì đó là lần đầu tôi biết một phụ nữ phì phèo trên môi điếu thuốc lá. Và dù nhiều năm trôi qua, tôi còn nhớ rõ nhãn hiệu trên bao thuốc mầu xanh: Phong thảo. 

Khoảng xê xế, ba tôi cởi áo ngoài, nới cà vạt nằm ngủ trên ca-na-bê trong phòng khách, dì và cậu đi dạy giáo lý đằng nhà thờ, cố tôi lại kín đáo ra hiệu. 

Thế là hai ông cháu lên đường, rời khỏi bầu không khí uể oải sau bữa ăn trưa. Qua khỏi công viên một đoạn, đến ngã rẽ, cố tôi dừng lại, vẻ tự tin, đứng bên rào, thứ hàng rào bằng cây dâm bụt bao quanh vườn cây ăn trái của ông Dal. 

Vườn rộng và thật đẹp, nơi cổng treo cái bảng tróc sơn như sau: "A.Dalrymphe, trồng tỉa rau và trái cây". Những hàng cà rốt xen kẽ với những hàng cải trắng, cải đỏ. Trong vườn, những cây lê, cây bom sai oằn trái. Cố tôi nhìn trước, nhìn sau như thể cố ý tìm kiếm, ai đó, kêu lên bằng giọng buồn bực: 

- Tiếc chưa! Ông chủ tốt bụng lại vắng nhà rồi. 

Và quay lại, cố đưa mũ cho tôi, môi nở nụ cười rất dễ thương: 

- Robert! Con chui qua rào đi, không cần vào cổng chính. Hái loại "lê bơ" ấy nhé, mấy trái đó ngon nhất. Và nhớ khom lưng xuống một tí. 

Theo đúng lời chỉ dẫn của cố tôi, tôi chui vô vườn, hái đầy mũ những quả lê vàng mọng trong khi ông đứng ngoài canh chừng, miệng hát nho nhỏ, hết sức ung dung. 

Rồi khi tôi ra khỏi vườn cũng bằng cách đó, hai ông cháu vừa cắn những quả lê giòn tan, ngọt lịm, nước chảy dài ướt cả cằm, thì mười lần như một, cố bảo tôi với giọng nghiêm trang: 

- Có chú Dal ở nhà coi, chú dám cho ông cháu ta đến trái cuối cùng ấy chứ! Tội nghiệp chú! Chú thương ông lắm. Robert ạ! 

Tôi không bao giờ ngạc nhiên về ông chủ vườn tốt bụng, vắng mặt này. Thật ra, tôi là đứa trẻ trầm mặc, u buồn, thế nhưng phải công nhận rằng bên cạnh cố, tôi luôn luôn được thích thú; tuy nhiên niềm vui ấy chỉ lóe lên một chút rồi tắt ngấm như tia nắng rớt của buổi chiều tà. 

Cố tôi được mọi người niềm nở nhưng lũ trẻ thì luôn luôn trêu chọc rất hỗn láo. Chúng không phải là học sinh Trung học như Gavin Blair mà có bận ông chỉ cho tôi. Chà! Lần đó tôi đỏ mặt lên vì rụt rè – Chúng là bọn trẻ trong làng, thường tụ tập nơi cầu tầu để lấy mũ vớt cá lia thia và đùa nghịch. 

Mỗi lần thấy ông cháu tôi, chúng nhìn chăm chăm vào cố tôi một cách xấc xược rồi hét lên: 

- Lão hề Gow đây này! Hỏi lão coi cái mũi gớm ghiếc kia lão nhặt ở đâu ra? 

Tôi xấu hổ ghê gớm, nhưng cố tôi thì vẫn tỉnh như không. Lúc đầu, tôi vờ như không nghe gì hết, nhưng sau tò mò quá, tôi liền hỏi cố: 

- Ông ơi! Sao mũi ông to thế, hở ông? 

- Tại ông đánh nhau với tụi Zoulous đấy, Robert! 

Cố tôi im lặng một giây rồi trả lời với giọng hãnh diện. Tôi sung sướng, không xấu hổ nữa mà chỉ tức giận lũ trẻ ngu dốt kia. Tôi kêu lên: 

- Ông ơi! Ông kể cho cháu nghe chuyện ông đánh tụi Zoulous đi! Cháu thích nghe! 

Cố tôi có vẻ do dự, nhưng rồi cũng nói: 

- Này! Robert! Ông không ưng khoe khoang, đó là một thói xấu. Song cháu đã nằn nì, thì đây... 

Vậy là tôi đi cạnh ông, kinh ngạc, say sưa, hồi hộp, thích thú nghe câu chuyện của ông: một chiếc tàu chiến chở đầy lính từ từ rời bến giữa tiếng than khóc của vô số phụ nữ xinh đẹp, rồi bí mật cập bến, một bờ biển nắng cháy. 

Trong hàng ngũ của Lữ đoàn thiện chiến Tô Cách Lan tên "Bạch Mã" đó, có một sĩ quan anh dũng, dưới quyền Đại Tá Dougal. Sĩ quan ấy được thăng chức nhanh chóng nhờ trận đánh hào hùng với bọn Matabele. Về sau ông ấy được ĐạiTá rất tin cẩn và trở thành cánh tay mặt của Đại Tá. Một lần kia, Lữ đoàn bị vây hãm. Thế rồi... 

Tôi nín thở theo dõi viên sĩ quan trong bóng đêm: hai súng lục trong hai tay, miệng ngậm thêm một dao găm, ông ta bò rạp mình trên vách đá lởm chởm. Khi ông tôi – vâng! Sĩ quan đó chính là ông tôi – sắp thoát ra khỏi vòng vây thì bỗng mặt trăng – kẻ phản trắc – ló ra khỏi đám mây. Thế là trong một nhoáng, bọn man rợ lao đến tấn công ông tôi... "Bằng! Bằng! Bằng!"... liên tiếp, ông tôi nhả từng loạt đạn, rồi ông tôi dùng dao chống cự. Từng cái xác đen ngòm đẫm máu nằm la liệt quanh ông tôi... Rồi sau cùng, ông thổi còi hiệu, tức thì con ngựa kim yêu quý, con ngựa rất khôn ngoan của ông xuất hiện ngay giữa bóng đêm. Lộc cộc, lộc cộc, giòn giã, gấp rút, tôi như nghe tiếng vó ngựa vang dội bên tai, tiếng ngựa phi nước đại mới hấp dẫn làm sao! Bọn Zoulous khát máu đuổi theo bén gót, tên bay rào rào, veo véo, song rốt cuộc ông tôi thoát được, dù người kiệt sức vì mất nhiều máu quá, ông nằm rạp trên lưng con tuấn mã khôn ngoan trở về đồn... 

- ... Mầu cờ được cứu thoát! 

Cố tôi kết luận, tôi thì thở phào nhẹ nhõm. Mắt tôi sáng ngời vì hãnh diện và thán phục cố tôi. 

- Cố ơi! Cố bị thương nặng lắm hẳn? 

- Còn phải hỏi! Ông như tấm giẻ nhúng máu vậy đó. Robert ạ! 

- Vì vậy nên từ đó mũi cố... 

- Cháu rất thông minh, quả đúng như cháu nghĩ: Một mũi tên tẩm độc được cắm giữa mũi cố. 

Cố tôi gật gù bằng bộ dạng hết sức trang trọng, nói. Đoạn cố kéo mũ sụp xuống một chút cho đỡ chói nắng, thêm: 

- Chính Hoàng hậu đã tỏ lời khen ngợi ông trong khi Ngài gắn huy chương cho ông, tại Balmoral (ông xoa xoa lên mũi). Mà này, đừng gọi ông cố nữa nghe! Gọi là ông, nhớ chưa? 

Tôi dạ một tiếng, nhìn ông vô cùng khâm phục và thương yêu ông thập bội. Ông tôi phi thường quá, anh hùng quá! Nữ hoàng ban khen là phải. Trên đường về tôi nắm chặt tay ông tôi hơn. Trời ơi! Giá lúc đó có tôi thì tuyệt biết chừng nào! 

Về đến nhà, mẹ tôi đang đọc một bưu thiếp. Bà quay lại nói: 

- Bà sẽ về ngày mai. Được thấy con ở đây, bà sẽ vui lắm, Robert! 

Tôi thản nhiên đối với tin ấy, nhưng ông tôi thì khác hẳn, ông phản ứng bằng cách nhăn mặt khó chịu như phải nuốt viên thuốc đắng không bọc đường, rồi lặng lẽ lên lầu không thốt nửa lời. Mẹ tôi hiểu ý cha, ngẩng lên nhìn ông, hỏi với giọng âu yếm: 

- Con mang nước trà lên lầu cho cha nhé? Cha muốn dùng thêm chút trứng chứ? 

- Thôi! Hannah, thôi! Nghe tin này thật cha chẳng còn lòng dạ nào mà uống trà, ăn trứng nữa, con ơi! 

Vị anh hùng của Lữ đoàn Bạch Mã, cánh tay phải của Đại Tá Dougal, vị sĩ quan anh hùng, kẻ thù đáng sợ của bọn Zoulous bỗng mất hết hùng khí, oai dũng trong nháy mắt. Ông tôi bước vào phòng, buông mình trên ghế dựa, lò so kêu lên ken két dưới sức nặng của ông.

*

Dù phản ứng của ông tôi khác lạ như thế, tôi vẫn không có gì lo lắng nếu không muốn nói là rất vui. Hôm sau, vào buổi chiều thứ bảy, tôi nghe có tiếng xe ngựa mà tôi hết sức mong đợi ngừng trước thềm. Tôi đang nôn nao nên vội chạy ù ra cửa sổ, nhìn xuống. 

Bà cố tôi – mẹ của ông ngoại – hơi cúi đầu, một tay thận trọng kéo váy bước xuống xe, một tay xách cái ví đen có đính hạt trai. Khi bà tôi trả tiền xe hình như người đánh xe không bằng lòng sao đó, bác ta giơ cả hai tay lên trời để phản đối, song cuối cùng, bác ta cũng chịu thua, lầm lì vác mấy va li vô nhà. 

Ông tôi không báo cho tôi biết một lời đã bỏ đi chơi từ lúc nào rồi, thật bất ngờ. Dì Kate và cậu Murdoch lễ phép đón bà trên thềm cửa. Mẹ thì kêu to: 

- Robert đâu? Ra giúp bà mang va li lên lầu nào ! 

Giữa sự rộn rịp đó, tôi đem những hành lý nhỏ, gọn lên lầu. Thỉnh thoảng, tôi nhìn trộm bà cố và nhận thấy bà cao lớn hơn cả ông ngoại, khuôn mặt dài, vẻ cương nghị, da nhăn nheo. Trên đầu bà phủ một chiếc mũ, áo choàng đen tra những đườn ren trắng toát. Tóc rẽ giữa vẫn còn giữ được màu nâu. 

Trong lúc rối rít kể lại những điều xảy ra trong cuộc hành trình, bà để lộ hàm răng vàng quá to, gây khó khăn cho miệng bà không ít. 

Cánh cửa bí mật trên lầu đã được mở ra, rồi trong khi bà cố còn nán lại uống trà ở dưới nhà, tôi tự do quan sát căn phòng mà lâu nay sự tò mò đã dày vò tôi không ngớt. Tôi ngồi dạng hai chân trên cái va li được đặt trước cửa ra vào, ngó quanh phòng, thầm thán phục sự ngăn nắp và sạch sẽ tại đây. Lại nghe thoang thoảng mùi long não và sáp. Dưới sàn gỗ có trải hai tấm thảm hình ô van nom như hai hải đảo trên mặt bể. Giữa hai tấm thảm là cái giường đồ sộ bằng gỗ đào hoa tâm, chân giường chạm trổ công phu và rèm giường cũng như khăn trải giường tất cả đều được thêu tỉ mỉ. 

Dưới gầm giường, trong một góc kín đáo đặt cái ống phóng bằng đồng sáng loáng, trong góc phòng có một máy may. Gần khung cửa sổ, một ghế dựa đong đưa khả ái. Trên tường treo ba tấm tranh lộng lẫy: "Samson phá hủy đền thờ", "Cuộc vượt bể đỏ" và "Sự phán xét cuối cùng". Bên cánh cửa, tấm khung gỗ trầm nom như một tấm nắp mộ, là một bài điếu văn in trên giấy viền đen mang tựa đề "Ngày vinh quang" ca ngợi Abraham đã gọi Samuel Leckie trở về nước Chúa, mặc dù là như thế, vợ ông (tức là bà cố tôi) hết sức đau buồn. 

Chợt, tôi nghe tiếng bước chân bà từ từ chậm rãi bước lên cầu thang, tôi theo bà vào phòng. Bà tỉ mỉ xem xét mọi vật trong phòng để biết có bị xê dịch chi chăng? 

Và rồi, bà lắc đầu tỏ ý bất mãn. Đoạn bà mở túi hành trang lấy ra hộp kính đeo mắt, cuốn Thánh Kinh, vài lọ thuốc, và đặt tất cả lên bàn ngủ một cách trịnh trọng. Bàn ngủ phủ tấm khăn ren. Sau rốt bà quay lại nhìn tôi, hỏi bằng giọng hơi cưng cứng của người ở vùng quê: 

- Trong lúc bà đi vắng cháu ngoan chứ? 

- Thưa bà, vâng. 

- Tốt lắm! Bà rất bằng lòng. 

Và giọng bà thân mật hơn: 

- Có cháu đây, cháu hãy giúp bà thu dọn lại cho ngăn nắp. Thực bực mình, hễ mà bà rời cái phòng này một ngày là y như có người làm lộn xộn liền. 

Tôi vâng lời, giúp bà mở các va li và nhìn bà sắp những áo quần phẳng phiu, thẳng nếp vào tủ. Vừa làm việc bà vừa khuyên nhủ tôi rằng:" Sự sạch sẽ đưa ta đến con đường đạo đức" rồi bà đưa cho tôi một cái khăn mỏng bảo đi lau các chân giường bằng đồng và các vật trong phòng. Còn bà, bà dùng cái chổi lông gà vừa lôi trong tủ ra phủi bụi bám trên mấy con chó bằng sành đặt ở lò sưởi. Hình như bà rất hài lòng về cách làm việc của tôi nên bà tỏ ra dịu dàng hơn, bà âu yếm nhìn tôi: 

- Cháu có vẻ ngoan đấy chứ! Bà cho cháu cái này, nhé? 

Bà lấy trong ngăn kéo trên cùng một nắm kẹo bạc hà, cho một viên vào miệng, còn lại bà cho tôi tất cả, không quên dặn: 

- Ngậm chớ đừng nhai, ngậm thế lâu tan hơn. 

Rồi bà xoa đầu tôi ra dáng che chở: 

- Này cháu, cháu sẽ làm bạn với bà, bà sẽ lo cho cháu. Chốc nữa hai bà cháu ta đi uống trà, nhé? 

Như lời hứa, bà giữ tôi lại suốt ngày cạnh bà, hỏi chuyện tôi và kể cho tôi nghe chuyện của bà nữa. Bà tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân khá giả. Những tháng vừa rồi bà về thăm người cháu, trại chủ ở Ayrshire. Chồng bà là một vị Thánh. Chính ông đã dẫn bà đến con đường đạo hạnh. Một hôm – đó là ngày bà nhớ mãi – trong lúc ông băng ngang trong sân xưởng, chiếc cần trục làm rơi một tấm thiếc ngay trên đầu ông làm ông vỡ sọ tức thì. Ông là cai thợ trong xưởng đóng thùng thiếc ở Levenford. Tội nghiệp ông biết bao nhiêu! Bà chỉ còn được một niềm an ủi là tin ông vào thẳng thiên đàng. Anh em nhà Marshll cũng tỏ ra rất rộng rãi: cho đến chết, bà được hưởng một số tiền trợ cấp mỗi ba tháng một lần. Nhờ đó bà có thể trả tiền nhà, ăn tiêu các thứ mà khỏi nhờ vả vào ai. 

Khoảng bốn giờ chiều, bà bảo tôi đi rửa mặt, rửa tay. Bốn rưỡi hai bà cháu lên đường đến làng Drumbuck. 

Tôi rất khâm phục vẻ đạo hạnh, nghiêm nghị của bà tôi và muốn bà vui lòng, tôi giữ vẻ ngoan đạo của một con chiên hiền lành. Tôi bắt chước bà, ngay trong cả cái cách gục gặc đầu và đi cạnh bà, tôi thấy mình quan trọng hẳn lên. Mặc dù trời nóng, bà tôi vẫn mang đủ bộ lệ, khăn choàng v.v... Tay bà cầm một cây dù xếp như một cây trượng, cán dù bằng vàng khảm xà cừ lóng lánh. Ôi chao! Đi cạnh bà tôi hãnh diện biết bao! Đố đứa nào dám chòng ghẹo bà cháu tôi. 

Khi hai bà cháu đến gần quán bán bánh kẹo nằm giữa lò rèn và quán nước, bà còn cẩn thận dặn dò tôi lần nữa: 

- Cần nhất là cháu nhớ tỏ ra ngoan ngoãn nhé? Bà Minns là bạn thân của bà đấy, cháu ạ! Bà ấy vẫn đi xem lễ với bà. Đừng ồn ào khi uống trà và chỉ trả lời khi được hỏi thôi, nghe chưa? 

Nhất nhất, tôi đều vâng dạ, lễ phép. Chao ơi! Những khi dán mũi vào tủ kính cửa hàng bà Minns tôi có bao giờ tưởng tượng được rằng có một ngày tôi sẽ là khách của bà này? 

Bà tôi đẩy cửa vào trước, tôi theo bà bước xuống vài bậc cấp dẫn đến căn phòng nhỏ hơi tối, thoang thoảng mùi bạc hà, mùi kẹo hồi, mùi xà phòng thơm và mùi sáp. 

Bà Minns lưng còng, mặc áo hàng dày mầu đen, cặp kính gọng thiếc của bà được đẩy lên tận trên trán – thật kỳ cục! Mà tôi đâu dám phê bình? – Bà ngồi đan nơi quầy hàng. Trông thấy bà cháu tôi, bà ấy ngạc nhiên quá, kêu lên giọng âu yếm và kinh ngạc: 

- Chúa ơi! Chị yêu quý! Có phải chính chị đó không? 

- Phải! Phải! Chị Tibbie ơi! Chính tôi đây chớ còn ai nữa... 

Bà tôi vui thích vì gây được bất ngờ cho bạn nên tỏ ra vui vẻ thái quá, khác hẳn với bản tính mình. Hai bà ôm nhau mừng rỡ một cách khá... ồn ào. 

Rồi thì bà Minns đi lom khom – chả là bà ta bị tê thấp – đưa hai bà cháu tôi vào gian trong. Đoạn bà nhanh nhẹn sắp tách dĩa lên bàn tròn và đặt ấm nước lên bếp, vừa làm việc bà vừa chăm chú nghe bà tôi kể chuyện, câu chuyện xảy ra trong thời gian bà tôi đi nghỉ ở Kilmarnock. Bà tôi kể rõ từng chi tiết một, nhất là về những buổi lễ bà đi dự. Khi bà tôi kể xong, bà Minns gật gù: 

- Tốt lắm! Chị không bỏ phí thì giờ. Tôi cũng thích nghe mục sư Dalgetty giảng lắm, song phải công nhận là chị biết thưởng thức hơn tôi. 

Chủ nhà rót trà mời khách và tỉ mỉ kể lại những gì xảy ra trong thời gian bạn mình vắng mặt: chuyện sinh, tử, chuyện hôn lễ v.v... Bà cũng nhắc đến tên những bà đang có mang (điều này thú thật tôi không hiểu nổi nó có nghĩa gì). 

Thế rồi, sau khi đã duyệt hết những tin tức địa phương, hai bà cụ nhìn nhau. Cái nhìn tựa như những tay sành ăn đã thưởng thức bốn món ăn chơi và bấy giờ mới đúng vào lúc bắt đầu dùng món chính. 

Bà cụ Minns vào đề thẳng thừng không cần quanh co chi cả: 

- Thằng bé kháu chứ? Ăn thêm miếng bánh nữa đi, cháu! Ngon lắm! 

Tôi sung sướng và hãnh diện vì được bà ta săn sóc chu đáo. Bà kê thêm một cái ghế cho tôi ngồi và còn đặt ngay trước mặt tôi dĩa bít-qui. Nhận thấy tôi không uống trà, bà quày xuống lấy cho tôi một chai limonade có nhãn hiệu một lực sĩ khoác áo bằng da báo, vác tạ đôi! 

- Nào! – giọng hiền từ, bà Minns hỏi tôi – Bây giờ cháu kể cho hai bà biết từ hôm về nhà ngoại đến nay, cháu làm gì? Cháu có thích ông cố ngoại không? 

- Cháu làm bạn với ông cố, thưa bà. 

Tôi nhanh nhẩu, lễ phép đáp. Hai bà nhìn nhau, ra chiều biểu đồng tình: 

- Làm bạn với ông vui không, hở cháu? 

- Thưa bà, vui lắm. Cháu không rời ông... 

- Vậy thì hai ông cháu làm được những gì nào? – giọng bà tôi như lạc đi. 

- Thưa bà, nhiều lắm, nhiều lắm... 

Tôi hăm hở đáp và nhai thêm một cái bánh nữa, rồi kể tiếp: nào ông cố bày tôi chơi banh với ông Boag, ông cố kể chuyện ông đánh bọn Zoulous... Nào ông cố bảo tôi vào vườn ông Dalrymphe hái trái cây. Tôi nhắc đi nhắc lại rằng ông Dalrymphe rất tốt, bằng lòng cho ông cháu tôi leo rào vô vườn chớ không cần đi cửa chính. 

Tôi hãnh diện thấy hai bà chăm chú nghe cho nên tôi càng khen ông không tiếc lời. Tôi kể cả chuyện ông đi xe buýt không cần mua vé, chuyện ông dẫn tôi vào Lữ quán Drumbuck và cuối cùng, là chuyện ông cố trầm trồ về hai cô gái bán hoa trong buổi sáng đầu tiên hai ông cháu ra đường. 

Im lặng khá lâu. Bà vẫn nhìn tôi vẻ thương xót làm tôi rất ngạc nhiên. Sau cùng, bà dịu dàng nhưng cương quyết – như một người cương quyết muốn biết điều tệ hại – hỏi tôi về quá khứ, về đời sống ở Dublin. Dáng điệu bà nhân từ cho đến nỗi tôi không ngại ngùng gì, kể tuốt ra một mạch về nền giáo dục đầu tiên của tôi. Khi tôi kể hết, hai bà nhìn nhau, sự im lặng lần này thật nặng nề. 

Giọng bà Minns trầm trầm: 

- Đó, chị thấy rõ đó! Chị thấy rõ tình trạng cháu đó! Hãy liệu... 

Bà tôi trang trọng gật đầu, và quay sang tôi: 

- Robert, con hãy ra ngoài chơi một chút, bà có câu chuyện bàn với bà đây. 

Tôi vâng lời bà, song trong khi chờ đợi tôi hết sức ngại ngùng, bối rối 

Một lát sau, khi ra về bà tôi không nói gì với tôi song bà nắm tay tôi thật chặt, dáng bộ âu yếm. Đến nhà, bà dắt tôi vào phòng ngay, đóng cửa lại, cởi áo khoác xong, bà hỏi tôi: 

- Robert! Con cầu nguyện với bà nhé? 

- Thưa bà, vâng! 

Tôi sốt sắng đáp và hai bà cháu quỳ cạnh nhau trong một căn phòng mờ tối dần. Bà tôi thành tâm, sốt sắng cầu nguyện cho tôi, thành khẩn xin cho linh hồn tôi được cứu rỗi. Mặc dù lo lắng, tôi vẫn xúc động vì những lời kinh thành khẩn của bà tôi : mắt tôi ướt đẫm khi nghe bà tôi ký thác tôi cho Thiên Chúa nhân từ sau khi đã xin Ngài tha thứ cho kẻ tội lỗi là tôi và xin Ngài giúp bà tôi kiên nhẫn vượt mọi thử thách. 

Xong rồi bà đứng lên, tươi cười đi khép cửa sổ và thắp nến. Đột nhiên, bà kêu lên: 

- Robert! Cháu mặc bộ áo quần trông ghê quá! Vô trường Trung học, họ sẽ nghĩ sao về cháu?

Bà gọi tôi đến gần, sờ vào cái áo vải vá của tôi tiếp: 

- Ngày mai, bà sẽ may cho cháu một bộ áo quần, bà có máy may. Nào! Đến ngăn kéo lấy cái thước dây cho bà! 

Tôi đứng im, thẳng băng như pho tượng trong khi bà đo ni tấc của tôi, bà dùng một cây bút chì thấm nước bọt ghi số đo trên một mẫu giấy nâu cắt ra từ tờ báo "Thời trang" của Weldon. Sau đó, bà mở tủ nhìn và nghĩ ngợi thành tiếng: 

- Xem nào: ta có một cái váy hàng xẹc còn tốt, có thể dùng được... 

Trong lúc bà đang lục trong ngăn tủ thì có tiếng gõ cửa và ông tôi lên tiếng: 

- Robert! Đến giờ đi ngủ rồi! 

Bà tôi tức thì quay lại: 

- Để tôi cho Robert ngủ cũng được. 

- Nhưng... nó ngủ với tôi. 

- Không! Từ nay nó chỉ ngủ với tôi thôi! 

Giọng bà cương quyết. 

Im lặng một lúc rồi: 

- Áo ngủ nó còn trong phòng tôi. 

- Tôi sẽ cho nó áo ngủ khác. 

Lại im lặng. Tôi đợi khá lâu không nghe động tĩnh gì, rõ ràng là ông cố tôi chịu thua, tôi nghe ông kéo lê dép trong khi rút lui. Tôi hốt hoảng... bà tôi vốn tế nhị, nhận ra điều này khi thấy mặt tôi tái và buồn thiu nên bà càng có vẻ hiền từ, che chở hơn. Bà dịu dàng cởi áo cho tôi, chế nước ra thau giúp tôi rửa ráy và sau đó túm tôi trong cái áo cánh bằng nỉ mỏng, đoạn đỡ tôi lên giường. 

Ngồi trên đầu giường, bà vuốt trán tôi âu yếm, nét mặt đăm chiêu ra dáng như một người sắp phải thực hiện một nhiệm vụ lớn lao, khó nhọc. 

- Tội nghiệp cháu tôi! – Bà thở dài ảo não – bà sắp làm cháu thất vọng. Nhưng không thể nào khác được: ông cố cháu thật ra chưa bao giờ đánh giặc, chưa bao giờ! Suốt đời ông, ông chưa đi khỏi Winton quá 50 dặm đường. 

Ơ kìa! Bà tôi nói cái gì vậy chớ! Tôi kinh ngạc mở to mắt nhìn bà không chớp, bà chậm rãi tiếp: 

- Tính bà không thích nói xấu ai, nhưng đây là một bổn phận, bổn phận thiêng liêng, nếu bà im lặng sẽ có ảnh hưởng đến cả tương lai cháu... 

Bà tiếp tục chậm rãi nói, tôi cố gắng để gạt ra ngoài tai những lời bà, song nó vẫn chui vào mồn một, đứt khúc, loạn xạ... Trời ơi! Những lời độc ác biết ngần nào! 

"... Thất bại trong tất cả mọi công việc, luôn luôn bị đuổi... Làm việc ở sở Quan thuế, sống nhờ vào thủ đoạn... vợ ông chết vì vậy... Rồi thì ông nghiện rượu... nhìn mặt ông là biết liền, nhất là nhìn cái mũi... Còn những kẻ mà ông giao du ư? Toàn là hạng chặt đầu cá, vá đầu tôm cả đấy: lão Boay đã sạt nghiệp ba bận, lão Dickie sống trong viện dưỡng lão, không một trinh dằn túi. Ông thì... ông sống nhờ vào lòng tốt của con trai bà..." 

- Không! Không! Cháu không muốn biết, cháu... 

Tôi van nài bà đừng kể nữa, bịt hai tai lại, vùi đầu vào gối. Bà kéo mền đắp cho tôi, từ tốn bảo:

- Cháu cần phải biết rõ sự thật, cần biết... Cháu không thể làm bạn với ông ấy. Đừng khóc! Cháu ngoan của bà! Bà sẽ chăm sóc cháu kể từ nay. 

Rồi bà kiên nhẫn chờ cho tôi bình tĩnh lại mới đứng lên. Bà buồn rầu nói với tôi rằng bà cũng mệt lắm và không vui vì chuyện này, nhưng bổn phận bắt buộc. Bà đọc câu ngạn ngữ: "Ngủ sớm dậy sớm sẽ mang lại cho ta sức khỏe và thịnh vượng" đoạn bắt đầu thay áo. 

Một chốc sau, bà tắt đèn, lên nằm cạnh tôi. Khác với ông cố, bà nằm thật yên lặng nhưng hai bàn chân bà chạm vào chân tôi, giá lạnh. Tôi nằm nghiêng. Trong bóng tối, tôi bàng hoàng nhìn sững hàm răng giả của bà ngâm trong cốc nước lã đặt trên bàn ngủ. Hàm rằng ngời sáng như dọa dẫm và chế giễu tôi (làm bằng kiểu xưa, rất xưa, có vẻ nặng và chắc chắn). 

Chúa ơi! Ông tôi không có hàm răng như thế và có rất nhiều tính xấu, tôi vừa được biết do bà tôi tiết lộ, song tôi ao ước hết lòng được trở về nằm bên cạnh ông. Vâng! Có trời chứng: tôi ao ước hết lòng! 

Xem tiếp chương 5 & 6