Khi ông cậu quý bị đắm tàu - Chương 3 & 4

Chương 3

Vừa thức giấc, ba đứa cùng đồng ý bắt tay vào việc. Phan với tư cách anh cả, người thay mặt cha mẹ sai phái, cắt đặt hai em bằng giọng rất là kẻ cả: Yến lo xếp dọn chăn mền phòng ngủ, còn Lai thì dọn bữa ăn sáng ở nhà bếp. Bà Hải từ chối lời mời ở lại ăn sáng với chúng vì bà kêu sẽ bị đau bụng nếu uống sữa lạnh buổi sáng. Thế mới biết người tuổi tác không khỏe mạnh bằng trẻ con! Lai tuyên bố. Nó được em gái và anh trai cùng đồng ý. Nốc sữa xong, Phan lại khoanh tay trước ngực sai em: 

- Thôi, bay rửa dọn nghe! 

Lai gặng lại: 

- Ngon dữ há? Sai tụi này hoài, còn anh, mai giờ anh làm gì đâu? 

- Người ta phải tuyệt đối phục tùng thượng cấp, chớ mày làm kiểu đó thì sao cho chạy việc? Với lại, tao đâu có ở không? Tao lo cắt đặt... 

- Mà anh cắt đặt xong rồi... 

- Bây giờ anh lo ghi chép số tiền đi chợ và các thức phải mua, anh không muốn lúc mẹ về mẹ hiểu lầm là anh tiêu xài phung phí. Có giấy tờ chứng minh tốt hơn. 

- Được rồi! Lai lộ vẻ nghi ngờ trong khoé mắt em muốn biết anh tính toán ra sao. Đừng có ghi cải cay vô, em ghét cải lắm. 

Phan lặng lẽ làm việc, miệng ngậm đầu bút chì. Cậu cả thấy công việc quá quan trọng cho đến nỗi không muốn phí hơi bàn cãi với thằng em nghịch ngợm của mình. Cậu tự nhủ thầm: trước hết là cà rốt, rồi... ba củ khoai tây. Không nên mua nhiều làm chi, để lỡ nó hư thối đi, hay chuột tha phí tiền. Đồng tiền mồ hôi của cha mẹ. Mua ngày nào ăn ngày nấy. Lai lại gần liếc thấy, cười khì khì: 

- Tưởng gì, ba củ ca rốt, ba củ khoai tây mà cũng phải ghi. Em đề nghị anh mua một bó rau muống luộc ăn chơi, ăn rau tốt... 

Phan không thèm trả lời, làm cu cậu tưng tức, bèn bưng cái khay đựng mấy cốc sữa đi lại vòi nước. Đằng này, Phan nặn óc vẫn không nghĩ ra cần mua gì thêm. 

- Em đề nghị anh mua ba nải chuối. 

Yến góp ý. Phan thối thoát: 

- Mua chi dữ vậy? Phí tiền. Tao đồng ý là mua chuối, nhưng ba trái hay sáu trái đủ rồi. Còn mua nhiều thứ nữa, xà lách, rau... 

- Đừng hà tiện, trái cây có lợi cho sức khoẻ, mẹ không la đâu. Mua thêm cam đi, anh Phan! Mà đừng mua lẻ, mắc lắm, em nghe mẹ nói vậy đó.

- Ngon dữ, ưng ăn cho cố... 

- Hay chưa? Bộ anh không cho tụi em được quyền đề nghị thứ gì nữa sao? Để mình anh đặng anh mua thứ anh ưa thôi hả? Tính mua cải hả? 

- Cải tốt lắm, nó lọc máu và trừ chứng ho lao. 

Có tiếng chuông xe đạp lanh canh vọng vô nhà. Ba đứa nhìn ra. Vừa thấy người phát thư, Lai chạy bay ra đón chứ không đợi anh ta thả vào thùng. Nhận ra tuồng chữ cậu, nó mừng quá, quên cả nói cảm ơn theo lời mẹ dặn. Cầm phong thư đi vào, nó hỏi to: 

- Thư của cậu. Nên mở hay để chờ ba mẹ về? 

Phan đón lấy, để ý đến cái mầu đỏ chói đóng khung một chữ đen: Express nằm xéo phía dưới con tem và tên cậu, liền bàn: 

- Mở ra liền, vì đây là thơ gởi lối cấp tốc. Nghĩa là có chuyện gì gấp, nó đi mau như dây thép vậy đó. Tao biết. 

Lập tức, thư được xé soạc ra. Ba đứa chụm đầu lại, tuy là Yến chưa biết đọc thật thạo. Thư rằng: 

" Thưa anh chị, 

Em thật có lỗi, song điều này ngoài ý muốn của em. Em phải vội vàng biên thư này kẻo anh chị vô Sàigòn thì hỏng việc. Số là thế này, tàu đổi thủy trình bất ngờ, nên đáng lẽ em về 5 giờ chiều chúa nhật mà giờ lại có mặt ở Sàigòn lúc 8 giờ sáng thứ bảy. Vậy, tàu về đến Sàigòn là em lên xe hơi của một người bạn đi thẳng Nha Trang liền, chớ em không đợi tối mới lên cút sét vì em nóng gặp các cháu. Có thể, em có mặt tại Nha Trang bất cứ giờ nào: trưa thứ bảy, chiều thứ bảy hay là mờ sáng chúa nhật (là nói phòng vì có ghé chỗ nào không, chỉ mình vị thuyền trưởng được rõ mà thôi). Bên này tình hình không yên, cho nên thủy trình được giữ bí mật cho đến phút chót. Không rõ họ có ghé đâu không? Thật bực mình. Em mà ngờ thế này, em về máy bay rồi. Song trót mua vé, biết làm sao? 

Nếu không trục trặc, em sẽ được dịp mời anh chị đi coi cải lương một bữa tại Sàigòn rồi, uổng quá. Là nói gặp anh chị kìa chớ còn một mình thì em không ham coi ngó gì hết, em về liền. Nhưng em có quà cho mọi người. Hy vọng là thư sẽ đến kịp trước khi anh chị lên tàu. Đánh điện không thể nói rõ, nên em phải viết. Vội vàng. 

Em: Hồ Đình Bích"           

 

Hai đứa lớn ngẩn người ra: cha mẹ chúng hố rồi. Trời ơi! Chỉ tại cái tàu khốn kiếp. Yến nông nổi hơn anh, vỗ tay reo lên. 

- Như vậy thì sướng quá: cậu sẽ về sớm, mình gặp cậu trước ba mẹ! 

- Tao không thể vui, tội ba mẹ, vô Sàigòn tốn tiền, lại mất thì giờ... 

- Ba mẹ có thể đi chơi, đi coi ciné hay coi hát… 

- Dầu vậy đi nữa, sao vui bằng được gặp cậu ở bến tàu? 

Đứa em út qua phút nông nổi đầu tiên, công nhận hai anh mình nói đúng. Lai tỏ ra sốt sắng: 

- Bây giờ ta phải làm cách nào tin cho ba mẹ hay liền. Ta đánh một cái điện tín... 

- Dễ nghe dữ! Đánh tới địa chỉ nào? Ba mẹ sẽ ở khách sạn, mà có biết khách sạn nào đâu để đánh điện? Mày thì lúc nào cũng... 

Ba đứa lại nhìn nhau, bối rối. Đột nhiên, Yến cười nói với hai anh: 

- Có lẽ tụi mình nên mừng là hơn. Dù sao thư cấp tốc này không đem tin buồn như điện tín. Em không thương điện tín, cái thư cấp tốc dễ thương, nó đem tin vui. 

- Bây giờ chúng ta phải dọn dẹp nhà cửa cho phong quang, cậu có thể đến bất cứ lúc nào trong ngày nay. Anh không muốn cậu thấy nhà cửa lộn xộn… 

Thế là bộ ba xăn tay áo làm việc: các vòi nước được mở ra. Phan dùng bột náp chùi kỹ la va bô, thau giặt áo quần, bàn làm thức ăn, chậu rửa bát. Kế đó chúng khệ nệ khiêng hết mấy chậu hoa trên bệ cửa sổ xuống để lau trên đó luôn. 

Xong đâu đó, anh cả bảo hai em: 

- Thôi, giờ đi chợ. nhưng không mua gì nhiều, đợi cậu về sẽ hay. Chỉ mua như đã dự tính thôi. Anh đi một mình, hai đứa ở nhà coi dọn dẹp... 

- Dọn gì nữa đây? 

- Coi kìa, nói vậy mà nghe được: lau xa lông, đi văng, đổ cái gạt tàn thuốc đi. Thấy cái gì trái mắt là làm chớ hỏi gì. 

- Anh Phan nói y như mẹ Yến cười phê bình chắc nữa lớn, anh thay mẹ quá. 

- Thôi, tao không có thì giờ giỡn với tụi bay. Yến! Vô phòng ngủ coi mày đã dọn dẹp đàng hoàng chưa. Tao trách nhiệm trong nhà, tao không thể… 

- Trời ơi! Anh vô coi đi, anh khi em quá. Em biết làm mà! 

Con em gái nói và nắm tay anh, kéo đi. Vào đến phòng, Phan đứng xa xa ngắm nghía công trình của em. Yến lo lắng đưa mắt nhìn anh và khi thấy Phan nhăn mặt, nó vội vàng chống chế: 

- Em cố hết sức, mà tại tay em ngắn… 

Phan nhìn hai tay em, gật gù: 

- Không sao, em vậy cũng là giỏi, giường rộng quá cho nên em khó có thể trải thẳng như người lớn. 

Yến hài lòng, nắm lấy cơ hội tốt: 

- Anh cho em đi chợ với, nghe? Mình anh Lai coi nhà được rồi. 

- Để tao hỏi nó coi. 

Lai bằng lòng coi nhà một mình. Thế là anh cả với em gái út đi chợ. Lai dặn với theo vui vẻ: 

- Thằng này hy sinh (!) ở nhà cho mấy người đi, ra chợ đừng có ăn hàng quên thằng này đó, nghe? Lẹ mà về, nghe?

*

 Như tất cả mọi đứa trẻ, anh em Phan Yến rất ưa đi chợ, mầu sắc và mùi vị làm chúng vui vẻ, thích thú (dĩ nhiên là trừ mùi vị tỏa ra từ hàng cá!). Nắm lấy tay nhau trà trộn vào trong các gian hàng, thấy và nghe những kẻ hàng rong từ Sàigòn ra với cung cách khác biệt, giọng nói kéo dài trong những câu rao hàng ngộ nghĩnh làm chúng bùi tai. Mặt khác, chúng hãnh diện thấy mình đủ tư cách để ra ngoài như ai nên chúng càng thích thú. Hai đứa kiễng chân, nhón gót lên để tìm cho ra hàng bà Lý, quen với mẹ. 

Ôi chao! Người đâu mà đông quá. Đã có chợ Đầm, sao người ta không đi bớt, dồn về cái chợ nhỏ Xóm Mới này chi dữ vậy kìa! Hai đứa phàn nàn. Giọng rao lanh lảnh của bà Lý vang lên: 

- Đây! Bắp cải Đà lạt mới về đây! Còn tươi xanh bà con ơi! Có đậu bơ tí boa tươi nữa. Lại đây! 

Hai đứa không thấy bà ta, vì chúng thấp quá, nhưng nhờ nghe tiếng nên dắt nhau về hướng phát ra tiếng rao. Chợt thấy hai đứa, bà ta reo lên, mừng rỡ: 

- Ủa, hai cháu! Đi chợ hả? Giỏi ghê chưa! Dễ thương chưa kìa! Nhớ bác không? 

Hai đứa cũng mừng không kém, nhưng mãi thở vì bị thiên hạ lấn từ nãy giờ không kịp trả lời. Yến lấy tay chỉ vào đống cà rốt. Bà Lý đon đả: 

- Mua cà rốt hả cháu? Mấy ký? Bác bán rẻ… 

- Dạ, cháu mua ba củ thôi, với lại xà lách, cũng in ít... Phan trả lời dõng dạc. 

- Ba củ? bà Lý gặng lại mua chi ít vậy? Sao không lấy thêm... 

Hai đứa lắc đầu, tỏ ý cương quyết. Tự nhiên, Phan thấy áy náy như mình phạm lỗi với bà Lý, nhưng nó chưa kịp phân trần thì bà ta tò mò hỏi: 

- Mẹ ở nhà hở? Nói bác gởi lời thăm nghe? Các cháu giỏi quá, nghỉ học mà chịu khó đi chợ giúp mẹ, chớ thằng con bác, ôi thôi... nó dông xuống biển tối ngày (như nói một mình) con người ta có tiền mà dễ thương vậy đó, còn con mình... 

Nghe bà Lý khen tiếp, anh em Yến phổng mũi lên vì sung sướng, khai toạc ra: 

- Dạ, ba mẹ cháu không có ở nhà. Ba mẹ cháu đi vắng, thưa bác. 

- Chèn ơi! Rồi tụi cháu coi nhà một mình hả? Giỏi chưa! Thiệt bác... 

Yến nói tiếp: 

- Dạ, mẹ cháu với ba cháu đi Sàigòn, đi hai ngày đón cậu cháu về đó, bà Lý à! Tụi cháu coi nhà được. Tụi cháu không sợ. 

- Thiệt giỏi dữ đa! Con bác mà giao nhà là nó bỏ cửa đi chơi liền. 

Vừa nói bà vừa gói cà rốt cho hai đứa. Được khen là những đứa con ngoan, hai anh em hài lòng lắm, khoe thêm là chúng biết luộc rau, xào cà rốt v.v… 

Rồi chúng chào bà sau khi được khen mấy tiếng nữa, kéo nhau sang hàng chuối.

*

Tội nghiệp hai đứa: chúng không ngờ rằng chợ búa, nơi tập trung người mua kẻ bán lại cũng là chỗ hò hẹn của bọn bất lương. Đáng ra, chúng đã bị bọn móc túi trước khi giỏ chúng có hai nải chuối và ba củ cà rốt kia, nhưng theo dõi từ đầu hai tên trộm đã nghe lỏm câu chuyện và chúng muốn làm ăn lớn một phen chứ không bỏ công để lấy trong ngoài trăm bạc của hai đứa trẻ. 

Ba Bụng, tên đầu sỏ thì đúng với tên, có một cái bụng đầy những mỡ, vốn làm biếng không có chỗ chê. Hắn chỉ thích ngủ cả ngày, đặng đêm tối đào tường khoét vách kiếm ăn một cách dễ dàng. Nhưng làm ăn một mình cũng hơi vất vả, hắn mới vừa thu dụng một tên thất nghiệp, vô gia cư từ ba bốn ngày nay. Hắn rất có kinh nghiệm trong việc thổi bóp, xén túi người ta. Kỳ lạ một điều, cắp trộm nhiều lần, cũng nhiều món bở, nhưng rốt cuộc hắn vẫn xác xơ. Và, hôm nay, hắn đang chú ý đến hai con mồi tí hon, xinh đẹp. 

Kha, mới vào nghề bằng cách rình rình ở các bến xe, nhân dịp lộn xộn cầm nhầm quả cam, điếu thuốc; vào quán, ngồi uống cốc café rồi mắt la mày lét, ngó trước, ngó sau thừa lúc đông người chuồn lẹ, quên chuyện trả tiền. Đi xe lam thì xe chưa ngừng hẳn, phóc xuống thình lình, dông mất. 

Đó: thành tích của Kha gồm chừng đó! 

Tóm tắt một điều: Kha mới thực tập nghề này. Hai đứa bấm nhau đi theo hai đứa bé khắp các hàng trong chợ. Ba Bụng lên tiếng trước: 

- Coi bộ con nhà giàu hả? Ngon đa! 

- Thôi đi Đại ca, hai con muỗi tép! Mình làm món khác, coi chúng mua có ba củ cà rốt mà Đại ca nói ngon lành, ngon lành chỗ nào? 

- Mày thật ngu! Tao mà thèm ba củ ca rốt sao? Chớ mày không nghe chúng nói chuyện với bà bán hàng sao? Cha mẹ chúng đi vắng, đêm nay… 

Kha tái mặt không hiểu tại sao, Kha bỗng dưng có cảm tình với hai đứa nhỏ. Hay bởi hắn ta chưa từng ăn trộm lần nào? Có họa là trời biết rõ. Kha dặng hắng một cái, bảo đàn anh: 

- Thôi, tha cho nó đi. Đại Ca! 

- À! Cái thằng Ba Bụng la lên nho nhỏ Mày điên hở? Tao ăn thịt nó sao mà mày biểu tha? Tao bàn chuyện làm ăn mà! Nghe đây! Tối nay không có cha mẹ chúng ở nhà, mình dễ dàng, biết không? Tao không hành hạ gì tụi nó đâu mà mày lo. Đi! Mình theo tụi nó cho biết nhà cái đã rồi bàn định kế hoạch làm ăn sau. Đi theo tao, đừng có lôi thôi! 

Giọng hách dịch, kẻ cả, Ba Bụng nói như ra lệnh cho Kha. Kha im thín thít lầm lũi theo sau hai đứa nhỏ với Bụng, không thốt một lời. Trong lòng chàng trẻ tuổi, nghèo kiết nổi lên một cơn giông tố: "Kha! Nghĩ kỹ đi! Ăn trộm không phải là làm ăn, không ai làm ăn kiểu đó, nếu muốn là người lương thiện!". Nhờ vậy, Kha thấy mình có đủ hùng khí để dừng chân lại thình lình, bảo bạn: 

- Này Đại Ca, tôi muốn tha cho hai đứa nhỏ, nhưng nếu Đại Ca không chịu thì thôi, thà tôi đói rách, chớ không muốn... Ăn trộm không phải là làm việc

- Thôi, mày đứng có giở giọng quân tử tàu ra với tao. Tao lại nổi nóng lên giờ đó. Kha ơi! Mày chê ăn trộm, còn ăn cắp thì tốt lành gì? Cũng... như nhau mà, Kha!. 

- Không! Tôi.... 

Đã xa chợ nên Bụng không giữ ý nữa, quát lên: 

- Mày là thằng bất trung, bất nghĩa, bất… Mày hứa với tao làm sao? Bữa hôm qua tại quán Tao Đàn chỗ bến xe Thành mày thề thốt là trung thành với tao, chết cũng không từ mà, mày quên rồi hả? Khi mày cụng ly với tao sao mày nói nghe... 

Mặt đỏ gay vì giận, Bụng nhìn trừng trừng vào mặt Kha, mong áp đảo được tinh thần tên đồ đệ vừa kết nạp, nhưng vẫn không quên liếc chừng hai đứa nhỏ phía trước, sợ chúng mất dạng đi (Hai đứa đi hơi chậm vì vừa đi vừa ăn chuối!) 

Kha lầm lỳ không nói, chàng ta cảm thấy nghẹn họng vì không tìm được câu trả lời. Ba Bụng mỉa mai: 

- Trời ơi! Tao ngờ mày vậy thì.... hừ! Tình huynh đệ thời nay! Nói thiệt, tao chán cho thói đời lắm, Kha à! Nhiều khi tao muốn... 

Thình lình Bụng đổi giọng, dịu dàng: 

- Tao biết mày tốt bụng, vì vậy tao mới kết nạp mày, chớ tao không phải bạ đâu nhận bừa bãi như người khác. Hồi trước tao cũng như mày vậy đó, tao thương người, nhưng... Thôi, đừng nói dài dòng, mày có đói không? Hiện giờ mày đói hay no? 

- Đại ca biết rõ mà. Từ sáng giờ em có gì bỏ bụng đâu. 

- Ờ! Vậy thì đừng có lôi thôi. Đi theo tao! 

Kha riu ríu tuân lời.

*

Quanh qua quẹo lại một chốc, Bụng rất mừng khi thấy hai đứa trẻ dừng lại trước một cái vườn rộng, trong xa một biệt thự nho nhỏ, xinh xắn biệt lập ở đường Trịnh Phong. Con đường này nhà cửa thưa thớt chứ không đông đúc như đường Huỳnh Thúc Kháng, gần chợ. Thật là dịp may hiếm có. Bụng cười khì khì ra dáng hài lòng, quên cả giận hờn 10 phút trước: 

- Tụi minh hên lắm đó Kha. 

Tên nghĩa đệ thật thà hỏi: 

- Hên gì đâu anh? 

- Mày thiệt đúng là gà mờ. Tao có kinh nghiệm trong nghề tao biết. Nghe đây: những ngôi nhà biệt lập như thế này rất tiện cho việc làm ăn của chúng ta. 

Lại làm ăn! Kha tối sầm mặt khi nghe bạn nhắc lên hai tiếng đó, nhưng Bụng không lưu ý, thao thao giải thích: 

- Trước hết, chủ những ngôi nhà chắc chắn là có tiền hơn hạng ở nhà phố hay chung cư... 

- Chung cư là cái gì, Đại ca? 

- Thiệt hết nước, mày khù khờ quá đi: chung cư là nhà có lầu nhiều từng, do chính phủ cất cho dân chúng mấy thành phố lớn ở trả góp, hiểu chưa? 

- Mà ở đâu có chung cư? Đại ca? Thiệt em chưa nghe nói. Sàigòn có không? Kha lại tò mò hỏi.

- Tao thì tao nghe lâu rồi. Bên tây có lâu rồi, bên mình thì nghe nói đang dự tính làm chung cư, chắc cũng không lâu đâu. Tao thấy vậy rất hay, phải giải tỏa những căn nhà ổ chuột, mất vệ sinh. Này em Kha, anh hứa một ngày kia, anh sẽ tạo lập một căn trong chung cư, anh em mình ở cho sướng. Em cứ tin anh đi! Anh là hạng người đàng hoàng, quân tử nhất ngôn! Em sẽ được ở chung cư! 

Nhận thấy sự khoác lác của mình đã đủ để tăng uy tín với Kha, Bụng đi sâu vào dự tính liền: 

- Thứ hai, nhà kiểu này xa cách lân bang hàng xóm, mình không bị khó dễ trong khi làm ăn. 

- Hừ! Kha kêu lên một tiếng vô nghĩa. 

Bụng ngừng lại, rút một điếu thuốc bát tô xanh trao cho Kha, quẹt diêm lên, cử chỉ thân mật như một người anh đối với đứa em ruột thịt. Kha cảm động đón điếu thuốc trên tay Bụng, cái ý định sẽ không dự vào công việc bẩn thỉu của đàn anh tan như khói thuốc khi hút hơi thuốc đầu liên. Lương tâm hắn đã nằm bẹp dí sau khi ngo ngoe một cách vô hiệu lực! 

- Giờ đến phần hành động: qua đứng đây. Em chịu khó đến bấm chuông đi, cứ mạo danh là người đến xịt thuốc mối trong nhà. Làm bộ đến gần mấy cánh cửa săm soi tìm dấu mối rồi liếc mắt coi chừng hễ có gì tôn tốt mà gòn gọn, nho nhỏ như đồng hồ tay, nhẫn vàng, hoa tai là quơ đại, thủ vô túi liền. Tao biết: tụi con nít nó khờ lắm, không để ý gì đâu. Hễ chúng ngó lơ là mình hành động liền, biết chưa? 

- Lỡ như... ờ, lỡ như tụi nó không ngó lơ thì sao, anh? 

- Trời ơi! Mày ngu hết sức, phải tùy cơ ứng biến chớ. Cái gì cũng hỏi, mỗi chút mỗi hỏi... 

Gã ngừng lại, dặng hắng một cái, đoạn tiếp: 

- Tao sẽ ở ngoài canh chừng cho mày. Cần nhất là để ý mấy món đồ có giá trị như tivi, tủ lạnh, cát-xét này kia... 

- Ý chết: Mấy thứ đó to kềnh làm sao em đem ra mà tụi nhỏ không để ý được, anh? 

- Thiệt mày thậm ngu. Lấy là lấy mấy thứ nho nhỏ kìa, còn mấy thứ này thì chỉ quan sát, chú ý thôi, hiểu không? Coi kỹ mấy cái chốt cửa. Đó, chuẩn bị chu đáo thì dễ dàng cho mình. 

Kha tròn mắt, há hốc miệng nghe bài đại luận đầu tiên do đàn anh truyền dạy, cố hết sức mà vẫn cảm thấy hai gối run run. Nhưng dầu sao, Kha cũng thấy thinh thích. Giọng tự nhiên giả tạo, Kha nói: 

- Làm vậy thì dễ quá. Đại ca há? 

- Thì anh đã nói dễ ợt mà, em Kha! Cho em hay, đây là cơ hội bằng ngọc thạch chớ không chỉ bằng vàng đâu nghe. Có điều, anh cũng cần dặn em: có thể là cha mẹ chúng trước khi đi vắng đã cất hết đồ quí giá nho nhỏ vô tủ... 

Bụng lại ngừng vì nghe Kha thở dài có vẻ thất vọng. Hắn nhìn Kha với đôi mắt khuyến khích: 

- Đừng nản lòng! Trường hợp này thì mình chịu khó chờ tối sẽ trở lại. Kha này, em nên nhớ: bóng tối là bạn tốt của hạng người như anh em mình. Tối nay ta sẽ... 

- Tối nay? Lương tâm tên cắp vặt lại vùng dậy bất ngờ, hắn nhảy nhổm lên tựa như là vừa đạp nhằm tổ kiến lửa, phản đối Thôi đi, Đại ca ơi! Em thấy... tối nay không tiện: em sợ... 

- Sao lại không tiện? Sao lại sợ? Nghe ta hỏi đây: mày bao nhiêu tuổi rồi, hở Kha? 

Kha ngơ ngác vì câu hỏi kỳ quặc: đang bàn chuyện ăn trộm lại đi hỏi tuổi! Song Bụng tiếp liền, không cần đợi Kha trả lời: 

- Mày bây lớn mà sợ ba đứa con nít bằng ba củ khoai, không biết nhục sao? 

Kha nóng bừng mặt, gân cổ cãi: 

- Giỡn hoài! Đừng khi em quá vậy chớ, anh Ba! Anh cho em là hạng người gì mà lại sợ ba đứa con nít bằng ba củ khoai? 

- Hừ, không sợ! Giọng Ba Bụng đay nghiến không sợ mà... chính mày vừa nói rõ ràng: mày nói không tiện, mày sợ...

  

- Để em cắt nghĩa cho anh biết: Em sợ là sợ tụi nó sợ mình, anh biết chưa? Đó, anh nghĩ coi: con nít con nôi đang ngủ mà giữa khuya giật mình thấy người lạ vô nhà, cha mẹ thì đi vắng, làm sao chúng không điếng hồn đi? Có phải tội không? Bụng không dằn lòng nổi nữa, hắn ta hét dựng lên: - Thôi dẹp! Dẹp lại! Đừng chọc tao nổi điên giờ, thằng ngốc! Kha cũng nóng theo: - Đừng có hét to lên! Cảnh sát họ nghe thì sao? Anh khôn chỗ nào đâu? Được rồi, thằng này sẽ hợp tác làm ăn với anh, mà xin anh đừng có mỗi chút mỗi mắng mỏ thằng này... Bụng đấu dịu: - Thôi, anh xin lỗi, tánh anh cũng hơi... bậy. Em đừng chấp. Thôi, giờ bàn kỹ lại, nghe? Em tính sao, hay là em có ý kiến gì tốt hơn? Giọng gã ngọt ngào. Kha dấm dẳng: - Thằng này không có ý kiến gì ráo. Thằng này nói cho anh hay: làm gì thì làm bây giờ chớ tối thì chưa chắc, thằng này không ưng làm chuyện bất nhân. Bụng biết là không phải lúc giở giọng đàn anh, bèn cười cười: 

- Được, anh đồng ý, biết chừng bây giờ mình làm ăn liền, cần gì đợi tới tối? Em nói phải, anh nghĩ lại rồi. Anh tuy vậy chớ cũng biết chuyện lắm, em à! Anh cũng có con, làm sao anh không biết thương con nít? Làm cho con nít sợ, mang tội chết... 

Miệng nói vậy, nhưng bụng hắn nghĩ khác: "Được rồi con ơi! Tao nhịn mày vì tao đang cần mày. Rồi đây, mày sẽ thuộc quyền sai khiến của tao, tao biểu mày nhảy vô lửa e cũng không dám cãi chớ đừng nói chuyện làm việc trong đêm". 

Hắn lại cười: 

- Như vậy là mình đồng ý trên nguyên tắc, há? Thôi thực hành liền đi cho rồi. Thì giờ là vàng bạc, em Kha! Em vô bấm chuông đi! 

- Coi! Sao lại em? Anh vô chớ, em canh chừng chớ? 

- Ủa, nãy giờ mày nghe tao bàn tính rồi mà? 

- Thì em nghe chớ sao, mà em tưởng là anh vô còn em thì đứng ngoài... Em đã biết gì đâu, em chưa có kinh nghiệm, lỡ tụi nó biết mình là kẻ gian thì nguy.

- Vậy sao mày nói là sẽ giúp tao, hợp tác làm ăn?

- Thì em đứng canh chừng, có ai vô, em báo động, anh còn đòi em làm gì nữa? Em đã nói em chưa có kinh nghiệm...

Bụng phủ dụ:

- Này em, nghe đây: không cần gì nói đến kinh nghiệm. Sở dĩ anh biểu em vô là vì em ốm, lại hợp với thân hình một anh thợ xịt thuốc mối... hiểu không?

- Tại sao em ốm lại hợp với thân hình anh thợ xịt thuốc mối? Em không hiểu gì hết...

- Thiệt tao hết hơi với mày. Đây nè: thợ xịt thuốc mối thì suốt ngày leo lên leo xuống trên thang đặng xịt thuốc mối ở trần nhà, ở tầng lầu, làm sao mập nổi như tao? Tao mà vô, tụi nhỏ sẽ sinh nghi, hỏng chuyện sao? Biết rõ chưa? Em Kha?

Cứ mỗi bận Bụng xuống giọng kêu em là Kha lại mềm lòng, cảm động. Nhìn nét mặt Kha, tên lưu manh biết cá đã cắn câu, giọng hắn buồn buồn:

- Thiệt bực mình, anh mà có cái thân hình ôm ốm như em, anh không phải xuống nước năn nỉ với em đến mức này, anh hành động một mình cho khỏe thân...

- Thôi được rồi! Tôi sẽ vô nhà đó. Anh nói lằng nhằng, chịu không nổi

Chương 4

Mang tấm tạp dề trước ngực, Phan bắt đầu gọt cà rốt, nhưng Lai ngăn lại, giọng sành sỏi: 

- Không nên gọt vỏ, chất bổ mất hết giờ. Mẹ vẫn làm hoài, không nhớ hả? Chỉ cạo sơ sơ chút chút, mà trước hết phải rửa sạch, chớ cạo xong rồi mới rửa thì chất ngọt cũng hao đi. 

Người anh cả tỏ ra phục thiện song tìm hoài không thấy cái xơ mướp để chà rửa cà rốt, chúng bèn bàn nhau lấy cái bàn chải đánh răng dùng tạm, cũng xong. Lai sà tới: 

- Để em gọt khoai tây cho, thêm vài củ khoai tây ngon lắm. 

- Tao không mua khoai tây. 

- Ở nhà còn. Em gọt nghe? 

Trong lúc Lai gọt khoai, Phan cắt một lát cà rốt đút vào miệng cho em út. Cô bé nhai rào rạo và hai anh cũng nhai mỗi đứa một miếng cho vui. Lai khen cà rốt ngọt, toan nhón miếng nữa nhưng Phan ngăn lại. 

Đúng lúc đó, có tiếng chuông reo lên. Chúng giật mình: dám cậu chúng về lắm à! Bậy hết sức: mai giờ, sau khi đi chợ về, chúng quên điều quan trọng cậu viết trong thư là cậu có thể về thình lình, bằng xe hơi của người bạn kia mà! Yến hớn hở: 

- Coi chừng cậu về đó! 

Phan đưa mắt nhìn quanh nhà bếp. Chà! Cậu về mà thấy như vầy thì mất mặt anh em nó quá! Chẳng gì, chúng đã hứa với mẹ là nhà cửa đàng hoàng khi cậu về mà! Coi bẩn mắt hết sức. Lai tỉnh táo hơn anh, nó chụp cây chổi quét vỏ khoai lại một chỗ, rồi túm gọn lại trong tờ báo trong lúc Phan vội vàng lau lia lịa cái bàn. Còn Yến? Nó đã phóng tuốt lên nhà coi thử phải cậu không? Vì nó thấp nên không nhìn qua cửa sổ được, cô bé hé hé cái nắp đựng hộp thơ nhìn qua khe hở và... trời ơi: Nó thấy hai ống quần ca rô của một người đàn ông phía ngoài! Nó hét lên vì mừng rỡ:

- Cậu Bích về! Cậu Bích về mấy anh ơi!Nhanh nhẹn, nó mở rộng cửa và không đợi người đàn ông lên tiếng, nó nhảy phóc lên và ôm cổ anh ta, làm anh ta gần ngã ngửa ra phía sau: - Cậu! Con mừng quá! Con biết cậu về mà! - Chào cô bé! – Gã đàn ông lắp bắp – tôi là... tôi muốn... - Vô trong đi cậu! Ba mẹ đi đón cậu ở Sàigòn. Có mình tụi con ở nhà thôi. Vừa nói nó vừa nắm tay gã ta lôi tuột vào nhà, không quên đóng cửa đàng hoàng. Hai anh nó, tuy chưa dọn dẹp thật kỹ nhà bếp, song đã lanh trí giấu gói rác trong gầm bàn, cất cà rốt và khoai vô tủ lạnh. Vừa lau mồ hôi bò dài xuống má, hai đứa vừa đi ra phòng khách để đón cậu mình. Lai giục giã anh: - Thôi lẹ đi! Đừng để cậu đợi lâu, không có ba mẹ ở nhà! Mặt em có sạch không? Coi tóc anh kìa! Chúng muốn thật chững chạc khi đón ông cậu yêu quí trở về. 

Đứng giữa phòng khách, Yến nắm chặt tay người đàn ông, mắt sáng rỡ trong lúc hai thằng anh khựng lại, sững sờ. Cậu Bích của chúng đó sao? Trời ơi! Trong tưởng tượng bao nhiêu ngày nay, chúng hình dung đến một chàng trai trẻ măng cao lớn, tóc chải mượt, dáng bộ quí phái trong cái ba đờ xuy mầu xám nhạt, quần thẳng bờ ly, giầy tây bóng ngời, hai tay xách hai va ly xam-xô-nai nặng chĩu, vai mang một cái máy ảnh thật đẹp và có cả ống dòm, da cậu rám nắng – vì Mạc xây cũng là miền biển. (Có thể cậu đội một cái mũ phớt Ăng lê, có thể không, cái này không cần thiết lắm). 

Nhưng đây, cậu chúng còm nhom, mặt mày buồn thiu, không ba đờ xuy, không ống dòm, không máy ảnh, quần tây nhầu nát, áo cũ mèm, hai tay xuôi xị, trống trơn.... Song, trong một thoáng, hai đứa cùng hối hận vì thái độ lạnh nhạt của mình. 

Dù cậu không sang trọng, nom cậu cũng dễ thương – làm sao không thương ông cậu ruột của mình cho được? – Chúng tiến tới, cố sức nói: 

- Thưa cậu mới về! 

- Tụi con mừng cậu. 

Yến vồn vã hơn, chừng như để chuộc lỗi cho hai anh: 

- Con là Yến, em út, còn đây là anh Lai, còn đây là anh Phan đó, cậu. 

Như được trớn, Phan tiếp tuôn: 

- Thưa cậu, ba mẹ con đi Sàigòn đón cậu từ hôm qua. 

- À... à... tôi biết điều này... 

- Tụi con rất vui mừng được đón tiếp cậu... 

- Cảm ơn các cháu, các cháu thật ngoan... 

Lai bấm anh trai, nói nhỏ: 

- Bài thơ anh đâu? Đọc lên đi! Coi kìa, anh làm gì vậy? Cậu mình... 

Trời ơi! Nông nỗi này mà em Phan còn bảo nó đọc thơ, có gì hứng khởi đâu, hả cao xanh? Phan chỉ muốn chạy tuốt vô phòng nằm đắp chăn kín mít vì quá...thất vọng. Không phải Phan buồn vì cậu nghèo, nhưng nó làm sao ấy, không thể nói được, nó kỳ kỳ... Trong lúc hai anh trai đang lúng túng vì chương trình đón tiếp cậu gặp nhiều trở ngại thì con bé em gái lại rất vui, nó nhanh nhẩu, tự nhiên hết sức. Nó đưa cậu lại ngồi ở xa lông và nom sắc thái không vui của cậu, nó hỏi: 

- Cậu mệt phải không? Cậu ngồi nghỉ đi cậu! 

Gã đàn ông vớ lấy cơ hội tốt, đáp bừa đi: 

- Phải, cậu mệt quá, đi máy bay... trời xấu... 

- Ủa, sao trong thơ cậu nói cậu về tàu thủy mà? 

- À… à... (đã trót, liều luôn: Kha nói tiếp) phải, ban đầu cậu đi tàu thủy rồi tàu chìm... 

- Trời ơi! Tội cậu chưa! May mắn quá... 

Yến kêu lên, giọng thương xót. Phan mở to mắt vì sung sướng: "tàu chìm hèn chi mà cậu trông thảm não như vậy". Bây giờ đến lượt nó vồn vã: 

- Thưa cậu, tàu chìm thiệt hả cậu? 

Nhưng hỏi xong, nó thấy mình thật cù lần, chả lẽ tàu chìm giả hay sao chớ? 

Nó bèn hỏi lại câu khác: 

- Chìm ở đâu, lúc nào vậy cậu? 

- Cậu kể chuyện tàu chìm cho tui con nghe đi cậu! Chắc dễ sợ lắm? Hồi hộp lắm? 

Lai hỏi dồn. Gã đàn ông bất ngờ đưa tay che mặt, nói như rên: 

- Kinh khủng hết sức, các cháu ơi! 

Cậu chúng thật là người tốt: chắc cậu đang tưởng nghĩ đến những kẻ không may trong vụ đắm tàu? Cứ coi bộ buồn rầu của cậu đó thì biết. Yến ôm chầm lấy cậu: 

- Con thương cậu quá, cậu ơi! 

Hai thằng con trai ít xúc động hơn, chúng náo nức nghe chuyện đắm tàu, nên lại hỏi: 

- Cậu, kể cho tụi con nghe chuyện đó đi cậu. 

Kha gật gật đầu: 

- Các cháu thong thả, cậu vẫn còn bị ám ảnh về tại nạn rùng rợn này. Cậu mệt quá, phần thì bị sóng nhồi, phần thì... 

- Thôi, mấy anh không biết gì hết – Yến gạt đi – cậu mệt mà cứ hỏi, hỏi hoài. Cậu ơi! – cô bé âu yếm hỏi – cậu có đói bụng không? Cậu uống gì không ? 

Gã đàn ông sáng mắt: 

- Ở nhà có gì? 

Phan vung tay lên: 

- Thưa cậu, đủ thứ: café, sữa tươi, trà – trà thì con chưa pha – nhưng nếu cậu muốn... 

- Cho cậu một ly café đậm, thiệt đậm! Cậu cần tỉnh táo. 

Lai vui thích dạ to một tiếng cùng anh xuống bếp. Dễ gì có dịp phục vụ một ông cậu ruột vừa thoát nạn đắm tàu? Yến không rời cậu nữa, nó nhảy nhót quanh Kha như con chim vành khuyên bên cạnh mẹ, thỉnh thoảng nó lại vuốt má cậu một cái như thể chia sớt, như thể đồng cảm nỗi buồn của cậu mình. 

- Theo con nghĩ, cậu không nên buồn, vì cậu thoát chết về nhà được...

- Cháu rất tốt – Kha cười gượng – gặp cháu thật may... 

- Dạ, may thật chớ, cậu! 

Kha ngồi dựa ngửa trong ghế bành lớn, đưa mắt quan sát xung quanh: "Gia đình này sang thiệt ta! Thảm trải cũng đẹp chớ đừng nói chi đến xa lông! Nệm ngồi thì êm, mình ưng ngủ một giấc nếu không sợ lão Ba Bụng cằn nhằn" Hắn tự nhủ. Nhưng hắn cũng vừa chợt nhớ Ba Bụng dặn hắn phải làm gì. 

Đúng lúc đó hai thằng con trai đem cà phê lên. Kha đón lấy, nốc một hơi, không chừa chút cặn, rồi còn chắc lưỡi trong tróc mới là hay! Nếu có mẹ chúng thế nào bà cũng la thằng em chớ không khỏi. Mẹ chúng vẫn dạy các con phải lịch sự trong cách ẩm thực. Coi bộ cậu Bích lung quá? Cũng phải: ở trong rừng bên Nam Mỹ ba năm chớ ít gì? Bên đó người ta sống tự do, không ai dòm ngó, mà bên Mạc xây chắc cũng na ná? Mạc xây là hải cảng lớn; mà dân bến tàu thì ôi thôi! Khỏi chê. Phan với Lai biết điều này. 

Yến thì nghĩ khác: trông dáng bộ đó, nó càng thương cậu. Nó lẩm bẩm: 

- Tội nghiệp cậu quá! 

- Cháu cậu thật tốt, cậu không có gì tặng cháu hết, tới đây còn làm phiền... 

- Trời ơi! – Lai la lên, bất bình – cậu đừng nói vậy. Cậu bị đắm tàu, thoát chết là may, làm sao còn có gì tặng cho tụi cháu? 

- Phải đó cậu, tụi con không buồn chuyện đó đâu. Trong lúc nguy hiểm người ta lo cứu người chớ ai mà có thì giờ vớt đồ đạc. Cậu đừng nghĩ là làm phiền tụi con, ba mẹ có nói nhà mình cũng như nhà cậu mà. Cậu còn sống là quí rồi... 

- Dạ, tụi con không buồn đâu – Yến tiếp – Cậu có mua quà cho tụi con mà lại tàu chìm... 

Nhờ cốc café đậm và nhiều đường, Kha lại thần cho nên khi Yến âu yếm hỏi: 

 

"Cậu khoẻ chưa?" gã dại dột tuyên bố là "rất khỏe" Lai giục liền: 

- Bây giờ, cậu kể chuyện đắm tàu đi! 

Kha làm kế hoãn binh: 

- Buổi sáng đi học con ăn gì? 

- Dạ, con uống sữa, ăn bánh mì phết bơ, có khi ăn bánh mì trứng. 

- Vậy chớ có khi nào con nhịn đói đi học không? 

- Gì nổi cậu? Đói chết... 

- Vậy mà tụi con bắt cậu kể chuyện trong khi chỉ cho cậu có ly café đặc. Café làm tỉnh táo chớ không làm người ta no. 

Ba đứa nhìn nhau, hết sức hối hận vì sự sơ xuất của chúng. Chìm tàu chắc cậu nôn hết thức ăn, rồi lên máy bay bị mệt cả đêm... Vậy mà chúng không lo săn sóc cậu, lo hỏi chuyện. Bậy bạ quá đi thôi. Phan cúi đầu: 

- Thưa cậu, cậu tha lỗi, cậu dùng thứ gì, tụi con làm liền. Cậu dùng đỡ rồi tụi con sẽ làm cơm trưa. 

- Nhà có trứng gà sẵn không cháu? Nếu không thì.. chút bánh mì phết bơ... 

Kha do dự hỏi. Lai nhanh nhẩu: 

- Thưa cậu, có. Có trứng gà. Tụi con ưng chiên trứng gà lắm, cậu! Cậu ngồi chơi đi. Tụi con làm lẹ lắm. 

Hai đứa con trai lại xuống bếp, trong lúc Yến ngồi bên cậu trò chuyện liến thoắng. Lòng thương cậu át cả sự khách quan, nó không nhận thấy mùi hôi hám tiết ra từ quần áo ông cậu quý. Một ông cậu suýt chết vì nạn đắm tàu, cái đó mới là đáng kể đối với Yến. 

Còn hai anh nó thì tỉnh táo hơn, trong lúc vừa chiên trứng, chúng vừa bàn tán về điều này: 

- Anh thấy sao? 

- Tao thương cậu! Tội cậu quá, mà có điều... áo quần cậu hôi hôi, mày có đồng ý với tao không? 

- Đồng chớ – Lai đáp nhỏ – em nghĩ không ra. Phần thì, em trót khoe với tụi bạn là cậu mình sốdzách, nên bây giờ ớn quá. Không phải em chê cậu đâu, nhưng nếu tụi nó biết cậu mình... như vậy, tụi nó sẽ cười cho ê mặt. 

Phan cũng buồn không kém. Nó chăm chỉ chiên trứng song tư tưởng cứ hướng về ông cậu trên xa lông. Chợt khuôn mặt nó sáng lên, nó thở dài một cách khoan khoái: 

- Tao nghĩ ra rồi; tụi mình ngu quá. Nè tao hỏi mày, cậu bị đắm tàu, cậu mất hết đồ đạc áo quần, phải mặc tạm của người nào đó, thì bảo làm sao… 

Thật may mắn, chúng đã tìm ra được lời giải cho bài toán khó! Lai ôm chầm lấy anh, reo to: 

- Em thiệt phục anh, anh thông minh thiệt đó! 

Mấy cái trứng hơi bị cháy một chút vì chúng bận tâm suy nghĩ chuyện cậu, song không sao, vẫn khá ngon mắt. Phan cẩn thận dùng cái xảng xúc đem ra đĩa, Lai nhanh nhẹn rắc tiêu lên. Miệng huýt sáo vui vẻ, Phan lo lấy bơ, bánh mì đặt vào khay. Lai thì lấy muỗng, dao đem lại. Với một người ở Mạc xây, người ta phải dọn rất đàng hoàng. 

- Này, em biết anh nghĩ gì hồi mới thấy cậu: "Chúa ơi! Cậu mình đó sao? Kỳ quá! " phải không? Em cũng vậy đó. Nhưng bây giờ nhờ tài trinh thám tư của anh. em biết rồi... Ý chà! Thiếu muối, anh Phan! 

Soát lại một lượt, hai đứa hài lòng, mỗi đứa một bên, chúng khiêng mâm lên vì đứa nào cũng muốn tự tay mình dọn cho cậu điểm tâm. 

Kha đang ngồi lơ tơ mơ thấy thức ăn, chồm dậy, lanh hơn một con sóc làm hai đứa nhỏ rất mừng vì chỉ nơm nớp sợ cậu chê dở. Chúng mời cậu rất lễ phép và đứng yên nhìn Kha ăn ngon lành. 

-Có gì uống không, cháu? 

-Dạ có sữa... 

- Không, cậu muốn hỏi mấy thứ tiêu thực kia, ví dụ như bia, uýt ky... 

- A! Dạ có. Ba mua cả két để dành đón cậu mà! Nhưng buổi sáng, cậu uống biết có sao không? 

- Con nhỏ này ngốc dữ: cậu đã ở bên Nam Mỹ, cậu uống cái gì mà không được? 

Lai la em đoạn quay sang cậu: 

- Con nghĩ cậu có thể uống bia 33, chớ bia lớn lạt, ba con nói vậy đó! 

- Cậu ưng sao? Hay cậu dùng uýt ky? 

Do dự một giây, Kha nói: 

- Thôi, cậu nghe lời con, uống 33 vậy. 

Phan quày quả xuống bếp, mang lên một chai 33. Lai cự anh: 

- Anh không lấy ly làm sao cậu uống? 

- Thôi, cháu! Uống ly mất công mấy cháu rửa, tội! 

Và trước sáu con mắt của ba đứa cháu thân yêu, ông cậu đón chai 33, ngửa cổ tu một hơi, tiếng nước bia chảy vào cổ họng cậu nghe ùng ục. Hay thiệt là hay! Hai thằng anh trai nghĩ thầm: chắc hồi bên Nam mỹ cậu ăn uống đơn giản vậy đó chớ gì, bây giờ quen rồi. Chịu cậu, không cần ly tách chi cả, kể ra sống trong rừng sướng thiệt chớ. Vậy mà sao cậu lại bỏ mà qua Mạc xây? Được, để cậu ăn uống xong sẽ hỏi nguyên do. 

Yến không thấy gì chướng mắt về cách ăn uống kỳ khôi của cậu, nhưng cô bé đâm lo: mẹ thấy chắc mẹ la quá. Yến không muốn cậu bị la. Yến nhỏ nhẹ nói: 

-Cậu đừng nhai ngốn như vậy... 

Kha buông cái nĩa, ngạc nhiên: 

- Cháu nói gì? 

Yến lặp lại: 

- Cậu đừng nhai ngốn như vậy, mẹ la đó. Mẹ nói... 

Phan đưa mắt cho em ra hiệu không nên ngăn cậu: cậu là người lớn, độc lập rồi, đâu có cần mẹbảo hộ như chúng mà phải giữ gìn? Yến chợt im, Kha càng ngạc nhiên. Phan vội vàng giải thích chệch đi: 

- Thưa cậu, nó muốn cậu ăn nhỏ nhẻ như nó vậy. Nó tưởng cậu là con gái chắc... 

Kha đắc ý, cười khà khà. lên giọng hay chữ: 

- Nam thực như hổ mà con! Không sao, không ai chê cậu đâu... 

Quá vui, cậu quên cả ý tứ, dầu chiên chảy xuống cằm, cậu lấy tay áo quẹt bừa. Thiệt là người sao mà dễ tính lạ lùng: dọn ăn thiếu khăn cũng không chê trách! Làm cháu một người như vậy thiệt là đại phước! Hai đứa con trai nghĩ và một đứa chạy bay xuống lấy khăn, trong khi Yến la to:

- Chờ chút cậu, cậu sẽ có khăn! 

Nhưng khi hai đứa đem khăn lên, Kha đã xong bữa, quẹt miệng đàng hoàng. Và để khỏi phụ lòng tốt của chúng, Kha quấn cái khăn hồ cứng lại, đưa lên miệng thổi "te te te" thật vui tai! 

Thấy cậu vui, Yến chợt nhớ đến quà mình vội kêu to: 

- Cậu chờ chút, con ra liền. 

Lai cũng nhớ ra, theo chân em. Phan lo bưng khay xuống. Khi hai đứa đặt quà bên cạnh cậu, Kha lại khen: 

- Các cháu tốt quá đi! Làm cậu thêm... xấu hổ! 

Giọng Kha thành thực, nghẹn ngào cho đến nỗi Yến phải dỗ dành và Kha càng thêm cảm động, khó mà thực hiện được lời hứa với Đại ca đang đợi ở ngoài. 

Chợt, Kha chú ý đến chữ Bíh trên cái dĩa, hỏi Lai: 

- Chữ này đọc làm sao? Cậu chưa thấy... 

(Hắn ta mới vỏ vẻ quốc ngữ mà lại quên mình đang ở cương vị của một ông cậu có học hành). 

Lai vội vàng nói trong khi mặt nó đỏ lên: 

- Xin cậu tha lỗi, con vội vàng quá nên sót mất chữ c, đáng lẽ con phải khắc đủ bốn chữ: B.í.c.h. Cậu đừng phiền con. 

- Không không! – Đến lượt Kha đỏ mặt lúng túng – quan trọng gì chữ c., ăn thua là ăn thua chỗ đối xử với nhau

Các cháu được dịp cười dài, vì ông cậu quá dễ dãi và vui tính. Yến giục: 

- Giờ cậu mở gói quà con đi! 

Kha làm theo; cái ví xanh bằng len bày ra trước mắt, có nắp đậy và hột nút cài bằng thủy tinh hồng. Không để cậu ngạc nhiên, Yến giải thích: 

- Đó là cái bóp nhỏ, do con đan đó cậu, cậu bằng lòng không? 

- Sao con hỏi vậy? Cậu bằng lòng lắm lắm... Cậu rất cảm động... 

- Vậy mà mấy anh chê, mấy anh nói là cậu đựng bàn chải với xà phòng thì mấy thứ đó dính đầy len vướng trong miệng cậu. 

- Tầm bậy tầm bạ! Vướng len sao được, nếu nó dính cậu phải gỡ ra chớ (giọng hắn trầm xuống vì quá xúc động) cậu thề là trong đời cậu, chưa bao giờ cậu được tiếp đón thân mật như hôm nay. Cảm ơn các cháu... 

Kha bắt tay từng đứa một, giữ chặt trong bàn tay to lớn thô tháp của mình giây lâu. Lũ trẻ đều rất sung sướng. Phan đề nghị: 

- Cậu hút thuốc lá chứ? 

Kha gật đầu thích thú và nghĩ thầm "thật là một bữa ăn thịnh soạn". Bụng no nên Kha thấy yêu đời hơn, cùng một lúc, hắn quên phăng nhiệm vụ. 

Năm phút sau, Kha khoan khoái phì phà khói thuốc. Yến thì dựa vào đầu gối cậu, rất sung sướng. Hai đứa con trai nói một lượt: 

- Giờ cậu kể chuyện đi cậu! 

- Dạ, cậu khoẻ rồi đó! 

- Các cháu ưng nghe chuyện đắm tàu lắm chắc? Cậu thì khác, cậu chẳng bao giờ muốn nhớ tới hay nhắc lại. 

- Nhưng cậu đã hứa rồi mà – Yến vòng tay ôm lấy hai chân cậu một cách âu yếm, nói – Kể đi cậu! Con ưng nghe! 

- Được rồi nghe đây: chiếc tàu đang trôi êm xuôi trên nước, thì thình lình "rầm" một tiếng thiệt to cái tàu chồm lên như con ngựa chứng rồi nó chìm lỉm tức thì, không ai kịp biết sự gì xảy ra... 

- Chà! Cậu Bích làm thơ! 

Yến vỗ tay reo lên khi nghe câu chót. Kha thở phào nhẹ nhõm tự nhủ thầm: "Cảm ơn trời, câu chuyện kể xong rồi". Còn Phan và Lai lại đồng thanh kêu: 

- Cậu Bích! 

Nghe giọng đầy bất mãn, Kha giật mình mở to mắt ngạc nhiên: Ủa, mình có làm gì bậy hạ đâu kìa? 

- Chuyện cậu kể sơ lược quá, tụi con không chịu đâu. Cậu phải kể rõ ràng hơn kìa. 

 

Lai nối lời anh: 

- Phải rồi, cậu phải kể từng chi tiết một chớ. 

- Chúa ơi! Thì cậu kể rồi đó. 

- Chưa đủ. Nghe xong tụi con vẫn chưa rõ đầu đuôi gì cả. Chẳng hạn như lúc đó mấy giờ? Trời có giông bão không? Chắc có báo hiệu chớ? Hay là vì đá ngầm? Và ông Thuyền trưởng với thủy thủ làm gì? Hành khách nhốn nháo ra sao? 

(Chết rồi: tụi nó truy kiểu này thì biết làm sao đây, hả trời?). 

- Phải! Cậu phải kể lại hết đầu đuôi! – Yến xích lại sát cậu hơn chút nữa, giọng vừa nài nỉ vừa bắt buộc – Kể đi cậu! Tụi con thương cậu lắm mà! 

Kha rên rỉ: 

- Khổ thân cậu chưa này! Cậu có biết câu chuyện xảy ra làm sao đâu? Vì... vì.. lúc đó cậu đang ngủ say mà! Các cháu nghĩ coi, khi người ta ngủ say... 

Lai la thất thanh: 

- Trời ơi! Té ra tàu đắm trong khi cậu ngủ? Tội chưa kìa, dễ sợ chưa! 

Yến xích lại gần cậu chút nữa – nó vừa xích lại rồi – vừa vuốt vuốt đôi giày rách của cậu vừa thở dài. 

Phan vẫn giữ ý định: nghe cho kỳ được chuyện đắm tàu: 

- Nhưng sau, cậu tỉnh dậy thì cậu phải thấy quang cảnh đặc biệt đó chớ? 

Kha lúng túng một giây: 

- Thì đó: cậu đang ngủ say sưa, cái rồi tàu đụng một cái thật mạnh, cậu tỉnh dậy, mà còn ngái ngủ, đang ngủ say mà... tiếp đến một sự va chạm dữ dội hơn rồi thì, rồi... cậu chìm lỉm xuống nước… 

- Sao mau quá vậy hả cậu? (vẻ thất vọng, Phan lặp lại) ít nhất tàu cũng chồng chành nghiêng từ từ chớ cậu? Và thủy thủ đoàn thả ca nô cứu cấp chớ? 

- Đâu kịp cháu? Trong một tích tắc thôi mà. Y như mình cầm cục đá liệng xuống nước vậy đó mà… rồi thì... rồi… 

Phan, Lai và Yến cùng nín thở, dán mắt vào miệng cậu, lắng tai, song chúng chờ khá lâu mà cậu chúng không nói gì thêm. Phan hết kiên nhẫn nổi: 

- Kìa, rồi sao nữa, cậu? 

- Sao cái gì, hở cháu? 

- Trời ơi! Coi kìa, cháu hỏi chiếc tàu... Có ai kịp... 

Kha thở dài đánh sượt một cái: 

- Kịp cóc khô gì đâu (hắn bực bội toan chửi thề nhưng phanh cái miệng lại kịp). Mọi người đều như cậu: họ chìm lỉm trong khi còn mặc đồ ngủ. 

Yến nức lên khóc, vì thương xót những hành khách không may, làm gã đàn ông cuống quít, vụng về đưa tay lau nước mắt cho Yến, an ủi: 

- Không sao, cháu đừng buồn, vì sau đó tất cả hành khách đều được cứu thoát, Yến ạ! 

- Thật phi thường! Tàu chìm thình lình, hành khách rớt xuống biển mà vớt lên được hết, không ai chết đuối! Phi thường! 

- Phải! Phi thường thiệt đó, các cháu ơi! 

- Thưa cậu, chắc là một chiếc tàu khác đi tuần hay kịp? Họ dùng thứ gì vớt hành khách cậu? Phao? Ca nô? Hay là dây cáp? Cậu kể lẹ đi cậu, con sốt ruột quá đi! 

- Bằng mọi cách, cả phao, cả ca nô, cả dây cáp. 

Lũ trẻ đang say sưa tưởng tượng đến khung cảnh hùng vĩ đó thì ông cậu chúng chợt im luôn. Lần này Lai chồm tới, nắm một hạt nút áo của Kha giật mạnh: 

- Cậu ơi! Cậu kể gì đâu không, làm con tức điên được. Chiếc tàu cứu tàu cậu từ đâu đến? Do ai chỉ huy? Thủy thủ đoàn mấy người?... 

- Làm sao cậu biết? Đang hoảng hốt mà, cháu mà gặp cảnh đó coi! Thì cậu đã nói nhờ chiếc tàu khác đến cứu: tất cả hành khách được vớt lên boong. 

- Cả ông thuyền trưởng? 

- Dĩ nhiên. Thôi, tha cho cậu đi, cậu kể xong rồi đó. Tụi cháu thiệt là không biết thương cậu gì hết.

Câu sau cùng, Kha nói bằng giọng đau khổ cho đến nỗi Yến hối hận vì đã phụ với hai anh hành hạ cậu. Yến toan nói một câu gì an ủi cậu nhưng cô bé còn lúng lúng thì Kha lại nói tiếp, giọng rền rĩ như người đau, đầu gục xuống ngực, hai tay che mặt: 

- Cậu không thể tiếp tục kể lại quang cảnh khủng khiếp ấy. Chỉ nhớ đến cũng đủ đau đớn, như ai bóp nát buồng tim cậu... 

Ba đứa trẻ không ngờ câu cuối cùng Kha thốt ra là do Kha đã lặp lại theo một điệu cải lương. Chúng không được coi cải lương bao giờ, cho nên chúng hết sức ân hận, cả ba đều ân hận. Thật đáng xấu hổ: sao chúng lại ép cậu kể chuyện đắm tàu làm chi? Đời người ta, chứng kiến cảnh ấy một lần không đủ ghê gớm rồi sao? 

- Xin cậu tha lỗi cho tụi con. Tụi con tò mò bậy bạ quá. 

Phan lí nhí nói. Lai tiếp: 

- Dạ, tụi con rất hối hận, xin cậu bỏ qua... 

Yến thì lấy tay vuốt vuốt mớ tóc Kha, không ngừng lặp đi lặp lại: 

- Con thương cậu quá! Con thương cậu quá! 

Để cho ba đứa trẻ vuốt ve một lúc, Kha mới tươi tỉnh trở lại mà rằng: 

- Thôi! Các cháu đừng bận tâm, con nít đứa nào cũng dại dột, tò mò, cậu không giận các cháu đâu. 

Và hắn nhón một điếu thuốc do Phan đưa lại, châm lửa thả khói ra đằng mũi, nhẹ nhõm, sung sướng vì hết bị quấy rầy. Thấy cậu bình thường lại, lũ trẻ hân hoan ra mặt. Chúng nghĩ rằng nên để cậu yên thân một lát, vả chăng nãy giờ ham nghe chuyện, chúng chưa rửa dọn chai, dĩa, mâm cậu ăn xong, chỉ mới mang xuống bếp để đó. 

Lai cẩn thận, dặn với: 

- Bây giờ tao với anh Phan đi rửa dọn, Yến ngồi chơi với cậu, nhớ đừng quấy rầy cậu nữa, nghe?

Đoạn hai anh em dắt nhau xuống bếp, mỗi đứa có một ý nghĩ riêng và như thói quen, chúng không thể ôm riêng một mình được. Lai lên tiếng trước: 

- Nếu khoe với tụi bạn là cậu mình bị đắm tàu chắc tụi nó bảo em nói dóc chứ không khỏi. 

- Đừng nói gì hết, đợi có báo đăng rồi mình dựa theo đó mà kể, chính xác hơn. Em biết không: phóng viên nhà báo họ lanh lắm, họ có mặt trong trường hợp nghiêm trọng. 

Lai vỗ tay, reo: 

- Em thiệt phục anh! 

Vừa dọn rửa mọi thứ, hai đứa vừa hát nho nhỏ khi nghĩ đến tờ báo đăng tin đắm tàu Santa Maria, chiếc tàu có cậu chúng trên đó. Phan giục em: 

- Lẹ lên, đừng để cậu ngồi buồn lâu... 

- Cậu không buồn đâu, có em Yến mà, với lại em thấy cậu có vẻ hợp với nó hơn anh em mình, anh có nhận thấy điều này không? 

Phan bênh cậu: 

- Không, em đừng nghĩ là cậu thiên vị, cậu thương đều cả ba cháu, nhưng vì nó nhỏ nhất nên cậu chìu hơn. 

Rồi chợt nhớ, nó la lên: 

- Chưa xong đâu Lai, mình còn phải lo làm thức ăn trưa, cà rốt đã xắt xong đâu? 

Phan nói và thở dài có vẻ nản chí vì công việc nội trợ quả không hợp mấy với mình. Lai bảo anh giọng tự tin: 

- Đừng lo, cậu chưa đói đâu. Thong thả, hai giờ chiều ăn trưa cũng được. Anh cứ yên tâm, em phụ với anh.

*

Khi hai anh lên nhà, thì thấy cô em gái ngồi chễm chệ trên gối cậu. Côi bộ họ rất tương đắc. Thấy hai anh, Yến la lên bằng giọng sung sướng: 

- Nà, mấy anh biết không: cậu sẽ đi mua quà cho tụi mình đó nghe! 

- Thiệt hả? Sướng quá! 

Lai bộp chộp vỗ tay tán thưởng, song Phan ngần ngừ với ý nghĩ: có nên bắt cậu mua quà cho mình không? Cậu đã mất hết bao nhiêu đồ đạc quí giá rồi mà? 

- Cậu ơi! Cậu có nhiều tiền không? – Phan lo lắng hỏi. 

- Ý trời ơi! Cậu quên: bao nhiêu tiền để trong cái rương giờ nằm dưới đáy biển rồi! Nhưng không sao; cậu còn chút đỉnh, đủ mua quà cho các cháu. 

- Liệu đủ không, thưa cậu? 

- Không sao, cậu còn tiền trong băng, nhưng ngặt cái trưa nay thứ bảy, họ đóng cửa giờ này... họ chỉ mở cửa cho đến 11 giờ rưỡi thôi. 

Phan nảy ra sáng kiến: chúng có tiền dành dụm trong con heo đất, nếu cần, chúng cho cậu mượn trước rồi thứ hai cậu sẽ lấy tiền ở ngân hàng trả lại cho chúng. Phan hỏi liền: 

- Thưa cậu, cậu hiện còn bao nhiêu trong túi? Nếu cần... 

Thật khó nói, xưa nay chắc không ông cậu nào lại hạ mình mượn tiền cháu bao giờ, nhưng đây là trường hợp đặc biệt mà! Phan chờ cậu trả lời, nhưng ông cậu ngần ngừ giây lâu: 

- Cậu còn đây, không bao nhiêu... dầu vậy, cậu muốn có quà tức thì cho các cháu. 

- Thì cậu cứ nói thiệt cho cháu biết cậu còn bao nhiêu? 

- Hai trăm tám... 

- Trời ơi! Hai trăm tám thôi sao? Mà cậu tính mua gì cho tụi con? 

Yến trả lời thay cậu

- Cậu tính mua cho em con búp bê nhắm mắt mở mắt được. Anh với anh Lai con chó xù biết làm xiếc. 

- Ý trời ơi! Vậy thì lúa rồi. Con búp bê mắc lắm, chó xù cũng vậy... Chắc cậu quen giá bên Mạc xây rẻ nên cậu không biết giá mấy thứ đó ở xứ mình, búp bê là hàng nhập cảng mà, cậu? 

Kha thở dài buồn bã: 

- Vậy thì đành để đến sáng thứ hai lãnh tiền rồi sẽ mua. Tiếc quá, cậu ưng có ngay bây giờ cho các cháu vui... 

- Còn có một cách, nhưng con sợ cậu không chịu thôi. 

- Cách gì? 

- Cậu mượn tam tiền tụi con rồi thứ hai cậu lãnh ở nhà băng ra trả lại... 

Sáng ngời mắt, Kha hỏi dồn: 

- Tụi con cho cậu mượn tiền hả? Mà tiền đó là tiền gì? Để ở đâu? 

- Trong con heo đất đó cậu, tiền chung ba đứa chứ không phải riêng của đứa nào hết. Nếu cậu bằng lòng, tụi con cho cậu mượn tiêu rồi cậu sẽ trả lại sau. 

- Không! Cậu không cần tiêu gì trong lúc này, chỉ cần mua quà cho các cháu thôi, nhưng mượn thì... kỳ lắm. 

- Không kỳ đâu cậu. Tụi con vui lòng cho cậu mượn chớ phải cậu ưng mượn đâu? 

Kha gật gù: 

- Có lẽ ý kiến các cháu hay đó. Nhưng cậu cần nghĩ kỹ lại cái đã. 

Miệng nói thế, nhưng bụng Kha lại nghĩ khác: "mình hên thiệt! ". Phan sợ cậu từ chối, giục: 

- Thôi, cậu đừng nghĩ gì hết, không sao đâu mà. 

- Mà các cháu có bao nhiêu? 

- Thưa không rõ lắm, nhưng ít nhất cũng trên 3.000$. Chắc đủ… 

Kha huýt sáo: 3.000$. Tự nhiên mà một số tiền to như vậy vô túi ngon ơ, dễ dàng quá! Hắn tỏ ra hăng hái chấp nhận cái đề nghị mà trước đó ba phút hắn toan từ chối: 

- Được! Cậu sẽ mượn các cháu, rồi thứ hai trả. Có lẽ với số tiền đó và số tiền cậu còn lại đủ mua cho các cháu mấy thứ quà, không bằng mấy thứ đã nằm yên dưới đáy biển. Nhưng cũng không đến nỗi nào. 

- Cậu tốt quá! – Yến vuốt má Kha – Dù cậu không có quà, tụi con cũng thương cậu như thường. Hay là thôi? Con ưng cậu ở nhà chơi với tụi con hơn, thủng thẳng rồi mua quà, gấp gì? 

- Không được! Cậu có tánh hễ nói là làm, cậu không muốn thất hứa. 

Tức thì, con heo đất được đem ra, nhưng trước khi Phan và Lai giết nó, Kha bỗng đổi ý: 

- Hay là thôi? Cậu thấy... 

- Kìa cậu, cậu làm sao vậy? 

- Cậu sợ mẹ các cháu rầy... 

- Không đâu! – Giọng quả quyết, Lai nói – tiền này là của tụi con mà. 

Kha tặc lưỡi một cái như kẻ định làm liều, gật đầu.

*

Sau khi đem con heo đất ra thảm cỏ, đập mạnh vào một gốc cây, hai thằng con trai nhặt tất cả số tiền vừa bạc đồng, vừa vừa bạc giấy là 2.350$. Chúng hơi hối đã phóng đại với cậu là 3.000$ nhưng biết làm sao đây? Chúng rất lo lắng, sợ ít quá cậu chúng không thèm mượn. Song may thay, cậu chúng không chê bai tiếng nào, lại còn nói một câu khó hiểu: 

- Càng ít càng hay, cháu ạ! 

Đoạn cậu chúng đứng lên, nét mặt đăm chiêu: 

- Cảm ơn các cháu, cảm ơn tất cả... (giọng hắn run run vì xúc động) các cháu đã cho cậu ăn một bữa thật ngon... 

Yến bỗng ôm chầm lấy hắn, dặn dò: 

- Cậu thân yêu của cháu! Nhớ trở về sớm với tụi cháu. Cháu dặn vậy không phải là vì mấy món quà đâu. Cậu có mua hay không cũng được, cậu trở về sớm là tốt nhất, cậu dễ thương lắm! 

Kha đứng hết vững nổi trên đôi chân khẳng khiu vì mấy lời ngây thơ của cô bé xinh xẻo, dễ yêu, hắn ngồi phịch xuống xa lông, kêu lên nho nhỏ: 

- Trời ơi! Tôi mà dễ thương. 

Ba đứa nhỏ sửng sốt đứng yên, ngỡ là cậu chúng lại bị kích thích vì quang cảnh ghê sợ lúc đắm tàu, trong lúc đó Kha ngồi nhìn trân trân vào đầu gối mình. Không khí trong phòng lặng lẽ một cách kỳ khôi. Rồi Kha moi từ túi quần ra cái khăn tay nhầu nát hỉ mũi và len lén lau nước mắt, không cho lũ nhỏ thấy mình khóc. Rồi hắn đứng bật dậy, sửa áo, kéo quần, giọng quả quyết: 

- Yên chí, cậu sẽ về rất sớm: vì cậu cũng thương các cháu lắm, hiểu không? 

- Dạ, tụi cháu hiểu cậu thương tụi cháu lắm. 

Ba đứa cùng nói. Kỳ thật, chúng làm sao hiểu là Kha đã khổ sở chống chọi với lương tâm bằng cách nào đâu? 

Ba đứa nhỏ đứng trong cửa nhìn ra, tay vẫy vẫy cậu, còn Kha thì vừa đi vừa ngoảnh lại, một tay đút túi quần như thể sợ số tiền có thể mọc cánh bay đi – số tiền quá lớn đối với một kẻ nghèo xơ như hắn – tay kia không ngớt đưa lên hỉ mũi!

Xem tiếp chương 5 & 6