Một tuần lễ ở Tòa Soạn

Kể chuyện làm báo Thiếu Nhi

Đăng nhiều kỳ trên báo Thiếu Nhi số 82 -> 91 (năm 1973)

                                                           Phần 7- 8 & 9 (hết)

Nguồn: ĐÈN BIỂN sưu tầm & đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

EPUB

MOBI

PDF

Phần 1

Chủ nhật…

Với tòa soạn Thiếu Nhi, tuần lễ bao giờ cũng khởi đầu bằng ngày chủ nhật. Bởi sáng chủ nhật là ngày mang báo đi chụp phim. Giao được 32 trang báo cho tuần nầy, lại phải bắt đầu khởi sự cho 32 trang báo tuần kế tiếp. Mọi cố gắng trong 7 ngày qua đã trở về con số không để rồi bắt đầu lại. Cứ thế tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, đều đặn như một guồng máy đã chuyển động liên tục trong gần 2 năm.

Hôm nay ở nhà in, ấn công vẫn làm việc. Ruột báo Thiếu Nhi số 79 đã in được một mặt mầu xanh. Cầm khuôn báo trên tay, sự bực bội bắt đầu nhen nhúm. Hai trang Tin Tin và Đặc Vụ than đá lại không có tiêu đề ở trên. Đành phải nhắc lần nữa với nhân viên có trách nhiệm làm phim trên bản kẽm. Nhắc và nhắc. Đó là chuyện thường xuyên của khách hàng. Nhà in có nhiều khách hàng, nhân viên phụ trách có nhiều việc. Không nhắc thì bị bỏ quên là lẽ đương nhiên. Nhưng cái bực bội này không thấm vào đâu với sự thất vọng sâu xa khi tôi cầm trên tay khuôn giấy in 4 trang bìa của T.N các số 79, 80, 81 và 82. Máy đang chạy đến khuôn mực đen cuối cùng. Tất cả mầu sắc đã hiện lên đầy đủ. Hàng ngàn tờ bìa đã in xong. Những tờ khác đang chuyển động ào ào lần cuối trên máy tự động. Cứ mỗi một giây đồng hồ trôi qua là 1 tờ bìa được nhả ra. Nó sẽ được gửi đi toàn quốc. Nhưng tất cả, từng tờ, từng tờ được nhả xuống đều xám ngoét như nhau, xấu xí như nhau, xấu đến độ tôi đứng chết lặng người đi mà không thốt lên được lời nào. Tôi nhớ lại hôm họa sĩ Vi Vi đem bản chính đến tòa soạn, mọi người đều xúm lại suýt soa. Nhất là hình bìa số 79 vẽ Nai và số 80 hình hai nữ sinh đóng vai Trưng Vương trong số kỷ niệm Hai Bà. Tôi không thấy cái vẻ rực rỡ ở bản chính hôm nào. Tất cả đều xám ngoét. Bản kẽm đã lên quá nhiều mầu xanh và thiếu mầu vàng. Hôm nay chủ nhật rồi. Thứ hai phải cho lên máy xén để xả khuôn bìa làm 4 mảnh. Thứ ba phải chở bìa đi để cho in hộp thư ở mặt trong. Thứ tư phải đem lại chỗ thợ đóng để ráp ruột vào và cắt xén. Thứ năm phải có báo để đem đi nạp bản. Sáng sớm thứ sáu nhà phát hành đã cho xe lại chở đi như thường lệ. Làm gì có thì giờ để sửa chữa. Thế là bao nhiêu hy vọng đem lại cho độc giả một loạt bìa đẹp đã tiêu tan. Báo đang ở giai đoạn cần lôi cuốn độc giả bằng cả nội dung lẫn hình thức. Kinh nghiệm đã cho thấy lần nào bìa xấu, độc giả sụt đi rõ rệt. Có những độc giả chỉ mua báo vì mỗi một cái bìa! Ông chủ nhà in, vì là ngày chủ nhật, không có mặt. Đành buồn bã ra về lòng ngổn ngang đủ thứ thắc mắc, buồn bực. Đến buổi trưa, điện thoại trở lại cho nhà in, tôi không giấu được sự to tiếng. Rõ ràng là tôi tự thấy mình đang nổi cơn giận dữ. Sự giận dữ chắc chắn sẽ lôi kéo tới những phút áy náy và ân hận. Nhưng lời cuối cùng trong điện thoại, dẫu thế nào thì cũng phải ôn tồn hơn:

- Xin so giùm bản in với bản chính. Xin làm phim kỹ giùm. Xin in cho loại mực đắt tiền hơn. Xin trông nom giùm kỹ lưỡng hơn. Xin cho thợ chuyên nghiệp hơn chạy máy.

Xin, xin và xin. Thà như thế còn hy vọng được tốt đẹp hơn ở loạt bìa tới!

Khi ở nhà in ra, tôi trở về tòa soạn. Hôm nay là ngày chủ nhật. Xe cộ tràn ngập ngoài cổng lấn ra cả đường đi. Trong phòng họp, tiếng ca hát và cười đùa ồn ào như chợ vỡ. Tôi hình dung ra khuôn mặt đầm đìa mồ hôi của những Trịnh Việt Thảo, Lê Tuyên quang, Uyên Thụy Phương… và của tất cả mọi người. Căn phòng hẳn đang mờ mịt những hơi người. Bụi hẳn bay túa lên từng đợt vì những cái dậm chân thình thịch theo nhịp hát. Ở ngoài sân, nhiều em khác còn đứng vòng trong vòng ngoài trước mặt bàn đầy ngập thẻ mượn sách. Đã từ lâu, tôi không tham dự vào đám đông ồn ào này. Một phần vì sức khỏe, tôi không thể chịu đựng cái nóng và cái ngộp của đám đông được lấy quá 15 phút. Một phần khác, tôi rất ngại phải trả lời những câu hỏi “Bài của cháu bao giờ đăng?” “Bài của cháu tại sao không đăng?” “Nếu không đăng, xin chú cho biết khuyết điểm để lần sau sẽ sửa chữa.” – Tôi không thể trả lời được câu hỏi nào thỏa đáng, bởi muốn được thỏa đáng phải nói chuyện hàng giờ cho mỗi trường hợp, trong khi số bài không được lựa đăng tính từ đầu đến nay, hẳn cũng đã tới  cả ngàn bài. Như thế chỉ còn một cách là rút êm vào hậu trường. Đó là một căn phòng hẹp ở đằng sau. Những buổi tối, anh chị em trong tòa soạn thường hội họp ở đó để sửa soạn cho tờ báo trong tuần kế tiếp.

Gặp bác Văn Việt ở tòa soạn. Tinh thần của bác suy sụp kinh khủng khi đề cập đến việc bán báo ở các trường. Hồi T.N ra số 62, tòa soạn đã tính rút xuống bán nguyệt san thì bác nhẩy ra nhận việc phổ biến báo ở các trường. Mọi người coi bác như một “Cứu tinh dân tộc”. Tất cả những đề nghị của bác trong dự án “cứu nguy cho tờ báo” đều được chấp nhận hết. Tôi đã thảo và cho in 10.000 lá thư gửi quí vị phụ huynh. Mỗi lá thư kèm vào 1 tờ báo biếu. Chiến dịch biếu báo được tất cả mọi người trong tòa soạn, kể cả các em trong Ban ĐH Trung Ương xúm lại phụ giúp : ghép thư, dán băng giấy, đóng dấu và đề tên. Mỗi tuần, 2.000 số báo được gửi đi các trường. Mỗi tuần, các toán nhỏ trong tòa soạn tìm tới tận nơi hội họp của các Hội đoàn ở sở Thú, ở Vườn Tao Đàn, ở các Cư Xá, biếu báo và giới thiệu báo. Đi đến đâu T.N cũng được tiếp đón nồng nhiệt. Niềm hy vọng dâng lên tràn ngập. Nỗi đe dọa phải xuống bán nguyệt san từ từ tiêu tán. Sau 4 tuần lễ phát động chiến dịch cổ động T.N ở các trường, kể từ số 72, bắt đầu T.N được bầy bán ở văn phòng các trường học. Mọi người  hồi hộp chờ đợi kết quả, mong chẳng phụ công các bác Văn Trung, Đặng Hoàng, Huy Yên và nhất là bác Văn Việt, thân già còm cõi ngày nào cũng đi sớm (trước giờ sở làm việc) và buổi trưa (giờ tan sở) đội nắng lếch thếch để đem gửi báo tới các trường (40 trường). Bốn mươi trường học, báo được gửi bán ở ngay văn phòng giá từ 40 đến 50đ (tùy theo nhà trường có lấy tiền hoa hồng hay không). Nhưng số bán không lên được bao nhiêu (độc giả còn dè dặt chăng?) và cho đến số 77 thì nhiều trường bắt đầu từ chối không nhận bán cho nữa. Lý do : bán không được, sợ để hoài sẽ phụ lòng trông mong của tòa soạn. Cho đến bây giờ thì người hăng hái và tận tụy nhất tòa soạn là bác Văn Việt cũng bắt đầu thấy chán nản.

Phần 2

Bởi không chán sao được, khi ở một trường trước bán được 78 số, nay sụt xuống còn 2 số, ở một trường khác bán 42 số nay còn 4 số, và đặc biệt ở một trường lớn khác, sĩ số học sinh trên 10.000 mà liền 3 kỳ báo (73, 74+75, 76) mỗi kỳ gửi 150 số, đều không bán được lấy một số nào! Điều này khiến tôi chạnh nghĩ đến các em ở xa. Một tờ T.N về đến tỉnh đã lên giá tới 60đ (vì thêm tiền cước phí), có chỗ, nhiều em đã phải mua tới giá 70đ. Ấy vậy mà nhiều khi chậm chân, báo còn hết không có để mua nữa. Trước hiện tượng ấy, nhiều em viết thư về thắc mắc không tin là tờ báo đang ở đà suy sụp. Nhưng các em đã không biết rằng dù ở tỉnh xa, báo có chạy, nhà phát hành cũng chỉ gởi ra một số giới hạn (để khỏi còn báo ế trả lại đỡ tốn tiền cước phí chuyên chở). Nhà phát hành có thể tăng số lượng báo gửi đi xa, nhưng với điều kiện là các sạp báo ở tỉnh phải viết thư com-măng, hoặc chính độc giả ở tỉnh nhờ sạp báo com-măng hộ. Nhưng không có ai làm như thế cả. Tâm lý chung là “có thì mua, hết thì thôi”. Ai cũng nghĩ mình chỉ là thiểu số, rắc rối chi cho thêm phiền. Tình trạng ấy cứ thế kéo dài và hậu quả là ở tỉnh báo có thể thiếu, nhưng ở tòa soạn báo cũ trả về tới gần ba phần tư!

Bao nhiêu biện pháp cứu gỡ cho tờ báo đều đã được tòa soạn đem lên bàn mổ xẻ và cho thực hiện. Phương châm thực tế của luật thương mại là “hãy đem sản phẩm đến tận tay khách hàng” cũng đã được tòa soạn triệt để thi hành.

Quí vị Hiệu Trưởng, Quí vị Tổng Giám Thị, Quí vị Giáo Chức cũng đã mở rộng cửa để cho T.N tự do tràn ngập. Vấn đề cuối cùng chỉ còn là sự lựa chọn của người đọc. Nhưng độc giả phần đông vẫn còn thích chú Thoòng hơn. Hiện tượng chú Thoòng giảm xuống thì đa số lại đổ xô đi mua các loại truyện tranh can lại của ngoại quốc với bản dịch khác xa nguyên tác ở chỗ ngôn ngữ đối thoại nhảm nhí hơn, thô tục hơn, và đó là thị hiếu của độc giả. T.N như liều thuốc đắng. Truyện nhảm nhí như viên kẹo ngọt. Thuốc đắng dù có bọc đường cũng không thể bằng kẹo ngọt nếu không có sự tiếp tay của các phụ huynh.

Hẳn nhiên nội dung của T.N còn nhiều khiếm khuyết, nhưng anh chị em trong tòa soạn đã cố gắng thường xuyên duy trì chủ trương đã vạch sẵn. Tờ báo bớt khô khan hơn rất nhiều so với số đầu tiên. Và nó vẫn còn đang nỗ lực hơn nữa. Nỗ lực trong buồn chán và suy sụp tinh thần. Tôi có thể khóc được khi nghe Bác Văn Việt than lên:

- Tôi cố gắng hết mức rồi mà không giúp được gì hơn, thật đã muốn bỏ cuộc.

Trong hai tháng lăn xả vào với Thiếu Nhi, bác sụt gần 4 kí. Cuối cùng, kết quả là sự ngao ngán bất lực. Chúng tôi đã dựa vào bác để lấy niềm tin. Bây giờ, chính chúng tôi lại phải tiếp sức cho niềm tin của Bác. Nực cười thay. Tôi đã cố trấn tĩnh để cười to làm yên lòng bác:

- Còn nước còn tát. Lo gì mà lo. Hơn nữa Bác chủ nhiệm bao giờ cũng thiết tha với nhu cầu sách báo của tuổi thơ. Nhờ bác, mình còn có thể cựa quậy thêm một thời gian nữa. Ta sẽ vùng lên một lần cuối.

Và chúng tôi đang sửa soạn để vùng lên một lần cuối cùng. Chúng tôi sẽ tổ chức một thuyết trình đoàn tình nguyện đi khắp các trường để kêu gào về vấn đề “sách báo cho thiếu nhi”. Chúng tôi sẽ trực diện kêu gọi sự thức tỉnh của chính các em trước cơn xâm lăng nguy ngập của các sách báo nhàm nhí. Bạn bè ta, anh em ta, các bạn đồng lứa tuổi quanh ta đang bị đầu độc tinh thần bằng đủ loại văn nghệ phẩm.

Các truyện tranh với ngôn ngữ đối thoại nhảm nhí. Các Feuilleton nội dung thiếu lành mạnh rải rác trên các báo hàng ngày. Các phim Tầu tràn ngập coi mạng người bằng một giá rẻ mạt, coi nhân phẩm không bằng một con sâu, cái kiến, và trước mắt khán giả những pha giết người, phanh bụng, moi tim, bay đầu, dập phổi đã được khai thác tận tình. Thế hệ thiếu nhi này lớn lên trong môi trường vẩn đục ấy. Tâm hồn trong sáng của các em hẳn nhiên như một tờ giấy trắng bị hoen ố bởi biết bao nghịch cảnh diễn ra thường xuyên, hàng ngày. Đó là một mối nguy cơ, không ồn ào, không cụ thể, không có hậu quả trước mắt, nhưng sẽ gieo nguy hại lớn lao cho xã hội ngày mai. Trước chúng tôi, đã có nhiều tiếng chuông nhắc nhở gióng lên mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc ấy, trước khi tiêu hết khả năng, vốn liếng của mình sau gần 2 năm trời hoạt động bằng tim óc, thì giờ và cả tiền bạc.

Trước đống bài ngổn ngang và những lá thư chứa bao tâm tình thương mến của độc giả trên toàn quốc, tôi chợt nghĩ đến ngày mai và những mơ ước của các bác, các cô chú trong tòa soạn đã dành cho tuổi thơ.

Rồi ngày mai sẽ ra sao với đà suy sụp này. Tôi không thể trả lời.

Thứ ba 27-2-1973.

Nhà in điện thoại lại, báo tin cho tòa soạn đến chở bìa báo. Ông Giám Đốc cười vang trong ống nói:

- Các anh nóng nẩy quá. Bìa đâu có hư. Lại coi thì biết.

Tôi mừng húm, xách xe chạy bổ xuống nhà in. À, thì ra vì yêu mên Thiếu Nhi nên nhà in đã cho sửa chữa kịp thời. Hai cái máy tự động được sử dụng suốt đêm để cho in thêm một mầu nữa. Mầu vàng. Các khuôn mặt trong hình như tươi thêm. Hai vành khăn của Hai Bà Trưng không còn mầu nâu bạc nhược như trước. Vẻ mặt của Hai Bà mất đi vẻ tím ngắt u sầu. Thế là loạt bìa kỳ này đã chạy tới 5 khuôn, cũng như loạt bìa số Xuân cũng phải chạy tới 5 lần (thêm 1 mầu đỏ tía để cứu vãn cái nền của số Tết).

Xin cám ơn ông Giám Đốc. Xin cám ơn anh em ấn công. Ít ra trong thời buổi khó khăn này, vẫn còn nhiều tấm lòng yêu mến Thiếu Nhi và không vụ lợi. Bìa báo bị trễ mất hơn một ngày, nhưng các bộ phận khác sẽ làm thêm giờ. Anh ấn công in Hộp Thư ở mặt trong lụi hụi với cái máy in cũ kỹ mãi tới gần giờ giới nghiêm mới xách xe đạp ra về. Đường vắng hoe chẳng biết anh có kịp về hỏi thăm con cái trước khi chúng nó lên giường đi ngủ. Trong gần hai năm làm việc ở tòa soạn, tất cả mọi người, mọi bộ phận đều có một niềm tự hào. Đó là báo không bao giờ bị ra trễ. Kỷ lục âm thầm ấy đã phải trả giá bằng biết bao cố gắng, tận tụy không tên tuổi. Âm thầm như vành bánh xe đạp của người ấn công trở về trên đường vắng.

Xem tiếp 3 & 4