Giọt Sương Tan - Chương 3 & 4

Chương 3

Lũ học trò con gái ngồi nín thinh, đôi mắt tròn xoe nhìn cô giáo đi đi, lại lại trước dãy bàn học. Bàn tay trắng mềm của cô cầm cây thước kẻ gõ nhẹ xuống bàn. Đứa nào cũng hồi hộp đợi cô phát bài để xem bài luận làm tuần trước được bao nhiêu điểm.

Trang ngồi dãy bàn đầu, đôi mắt con bẻ không rời chồng tập cao ngất bao cùng một màu giấy xanh. Con bé không hiểu quyển tập của mình nằm phía dưới hay ở trên. Cô Hạnh dừng lại giữa lớp, đôi mắt hiền dịu của cô bao trùm lớp học. Trang có cảm tưởng cô Hạnh như người mẹ hiền đang ôm trong tay một đàn con mà tất cả đứa nào cũng được chia đều tình thương đó.

Giọng cô thong thả:

- Tuần này các em làm bài đều khá,mặc dù có một số ít kém, nhưng bù lại giữ tập sạch sẽ thật đáng khen, cô đều cho thêm mỗi người hai điểm. Với cái đà này, cô hy cọng cuối năm các em đều được lên lớp. Các em sẽ bắt đầu làm học trò lớn của năm trung học đầu.

Trang nghe vui vui nhìn con Mận ngồi bên cạnh. Con Mận cũng vui cười với Trang bằng đôi mắt. Chúng không dám nói với nhau dù nói rất khẽ sợ cô giáo Hạnh buồn. Mở đầu niên học cô đã dặn: ‘‘Vào lớp các em hãy chăm chỉ học bài, làm bài. Nói chuyện không ích lợi gì, còn xao lãng đến việc học nữa’’. Cô chỉ nói bao nhiêu đó thôi, đứa nào cũng nghe lời răm rắp. Từ đầu năm học đến giờ, Trang chưa thấy cô la rầy hay dùng thước kẻ đánh một đứa nào, như mấy cô giáo khác.

Con nhỏ nghe náo nức, cũng như cả lớp đang náo nức đợi cô phát tập để xem số điểm của mình. Cô Hạnh bước lên bản, có kê bục gỗ thấp. Cầm lên một quyển tập để trên hết, nhìn vào mảnh giấy dán trước bìa. Cả lớp chăm chú nghe cô gọi tên:

- Thùy Trang!

- Dạ.

Tiếng ‘‘dạ’’ nhí trong miệng. Trang đứng lên. Cô Hạnh ra dấu Trang lên đứng trên bục gỗ nhìn xuống lớp. Con bé hồi hộp quá, hồi hộp sung sướng. Dưới lớp, mấy con nhỏ bạn đang đưa cặp mắt khâm phục nhìn Trang. Đưa quyển tập cho Trang, cô nói:

- Các em nghe Trang đọc bài tuần trước, bài này cô cho số điểm cao nhất.

Dù là cô đã cho biết điểm tuần trước rồi, nhưng khi nhìn số điểm bằng viết đỏ với hàng phê chữ viết của cô thật đẹp: Sạch sẽ, khá. Trang muốn úp mặt vào trang tập hưởng mùi thơm tho của số điểm mười tám trên hai mươi. Màu mực đỏ dễ thương, màu mực đỏ sáng chói chi lạ.

Sạch sẽ, khá. Trang muốn đọc cả trăm lần hàng chữ của cô phê. Trang sung sướng quá mất bình tĩnh. Dưới kia đôi mắt Mận nhìn lên như muốn nói: Đọc đi Trang, đọc cho bọn tao nghe với. Con bé lấy lại bình tĩnh, dán mắt vào trang tập:

 

‘‘Mồ côi cha, ăn cơm với cá,

Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm’’. 

 

Hai câu trên, tôi đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần trong một quyển tập đọc học thuộc lòng lớp ba. Tôi đọc mà buồn đến muốn khóc ! Tôi đọc để hiểu rằng : số phận tôi dính liền vào sự khốn khổ của một đứa trẻ mất mẹ.

 

Tôi cũng được đến trường ngồi học như bao đứa trẻ khác, nhưng những buổi sáng trời còn nhiều sương lạnh trên trường, tôi bắt gặp những đứa bé trạc tuổi tôi. Chúng nép mình đi bên mẹ giống như con chim vừa mở mắt run rẩy cần một hơi ấm, cần sự che chở của đôi cánh lớn. Người mẹ nào tôi thấy gương mặt cũng hiền, đôi mắt âu yếm và nụ cười thật nhẹ sau những câu nói ngây ngô của chúng, hoặc nhỏng nhẻo để đòi quà. Sương thấm lạnh vai áo, sương làm ướt mặt. Tôi mới chợt hiểu mình không có một người mẹ như chúng, để khép nép, để vòi vĩnh. Những ngày thui thủi không được nhìn thấy đôi mắt hiền hòa như chiều cuối thu, không có mẹ cười mơn nhẹ như gió thoảng trên ngọn thông. Tôi muốn được như chúng bạn gọi hai tiếng: Mẹ ơi ! Tiếng gọi của chúng sao rộn rã vui, vì có lời đáp trả. Trong khi tôi gọi khàn cả tiếng, rát cả cuống họng, không một lời đáp trả.

Chỉ có tiếng gió buổi chiều đi về trên nghĩa trang đìu hiu, và tôi ngả đầu ngủ quên trên ngôi mộ đá lạnh ướt sương.

Có những đêm tôi thường đứng hằng giờ trước hàng rào sắt, nhìn vào bên trong một ngôi nhà lạ. Hình ảnh một cậu bé trạc tuổi bằng tuổi tôi đang ngồi học bài, bên cạnh người mẹ đang chỉ chỏ gì đó. Lâu lâu cậu bé ngẩng mặt lên cười. Tôi thấy trên khuôn mặt đó tràn đầy niềm sung sướng. Tôi thẩn thờ một vài phút, bàn tay vịn  trên hàng rào sắt lạnh. Sao tôi không có niềm vui nhỏ bé đó nhỉ? Đường phố Dalat, vào những đêm thu trời băng băng lạnh, đôi chân nhỏ bé của tôi không muốn trở về nhà một chút nào hết ! Không còn ai thương, ngoại trừ bà mẹ đã mất. Tôi còn cha, nhưng người cha không bao giờ để ý đến thằng con. Ông nhìn tôi hoàn toàn xa lạ như một ông khách qua đường lững thững nhìn đứa bé lạc loài trên đường, đôi mắt không một tia nhìn xót thương dù là thương hại.

Đôi lúc tôi tự hỏi ! Không hiểu sao chỉ còn độc nhất mỗi người thân, mà người lại tỏ ra xa lạ với tôi như vậy ? Tôi có làm gì đáng ghét đâu? Có chăng tôi chỉ cần tình thương của người mà thôi ! Từ sự mất mát tình thương của người cha, tôi hiểu mình bị xua đuổi ra khỏi mái gia đình. Những buổi cơm chung của họ thật vui vẻ, mỗi lần có mặt tôi, bữa cơm gần như mất ngon. Tôi dư sức để hiểu được điều đó, nên thường tránh đi một chỗ thật xa. Nghe tiếng cười ròn rã của người cha, tiếng cười dòn của người mẹ kế, của đứa em cùng cha khác mẹ; nghĩ đến mình tủi thân không ít, giọt nước mắt thầm rơi xuống!

Tôi nhìn buổi sáng, nắng trên đồi bắt đầu lên, những giọt sương nằm yên trên ngọn cỏ non tan xuống buồn bã….. Tôi mang ý nghĩ mình như giọt sương tan …

 

Đọc đến đoạn này, con bé nghe nghèn nghẹn muốn khóc. Trang bỏ lửng không đọc tiếp nữa, gương mặt con bé thật buồn nhìn xuống nền lớp gạch đỏ loang lở. Dưới dãy bàn học những cô bé đưa mặt ủ dột.

Tiếng cô Hạnh nhẹ nhàng:

- Thôi Trang về chỗ ngồi đi.

Cô bắt đầu phát tập cho những người khác. Giờ học cũng từ đó chìm chìm cho đến lúc chuông reo bãi. Nguyên lớp gần mấy chục dứa, luôn cả cô giáo đều ngỡ bài luận vừa rồi do Trang làm. Chỉ mỗi mình con Mận là hiểu bài đó Trang nhờ anh làm mà thôi, hôm trước con bé có nói cho con Mận nghe.

Trên đường về, hai con bé bùi ngùi đi bên nhau. Mận lửng thửng nói:

- Nghe mầy đọc, tao muốn khóc vậy á ! Ảnh làm luận giùm mầy sao buồn quá hén?

- Vì ảnh cũng buồn như vậy!

Chậm rãi, Trang nhìn xuống đường :

- Tao thương anh Vũ ghê đi, trong khi má tao ghét bỏ ảnh, má tao nói ảnh không phải anh ruột của tao !

- Nhưng anh Vũ đâu ghét mầy.

- Ừ hén !

- À tao quên, hôm qua phải có mầy lên đồi chơi, tao chia kẹo kéo của anh Vũ mua cho!

Nghe Trang nói, Mận buồn ghê. Nhà Mận nghèo, được đi học là may phước lắm rồi, thì giờ đâu mà đi chơi. Má của Mận lo đủ thứ chuyện. Sáng dậy nấu xôi cho kịp đem bán ngoài cửa trường. Buổi chiều nấu chè bán đến tối mới vè. Công việc ở nhà, nấu cơm, giặt dũ quần áo, tắm rửa mấy em đều giao hết cho Mận. Mận buông thõng:

- Tao hỏng rảnh!

Trang không chú ý đến gương mặt con nhỏ Mận đang buồn, được dịp Trang thao thao:

- Vui lắm mày à ! Chiều thứ bảy tao bắt anh Vũ chở đến nhà mày, tụi mình cùng lên đồi chơi một lượt nha ! Ở trên đó, có những con chuồn chuồn xanh hơn lá thuộc bài mà tụi mình thường ép tập. Tuần này, tao phải bắt anh Vũ đền con chuồn chuồn xẩy hôm trước mới được.

Nghe Trang nói, Mận quên buồn ngay:

- Sao mày không kêu ảnh bắt bướm ?

- Bướm đẹp, nhưng phấn bướm người ta nói dễ làm cho mình bị ho lắm mày ạ, nên tao thấy sợ sợ.

Gần đến nhà, hai con bé chia tay nhau, Trang láy mắt nhìn Mận:

- Nhớ thứ bảy tao đến nhà mày, tụi mình lên đồi chơi nha!

* * *

Về đến nhà, Trang mở cặp, lấy quyển tập làm bài luận, chạy tìm anh Vũ ngay để cho anh Vũ thấy bài của con bé nhờ anh làm, hách không chỗ nào chê được. Cô giáo bắt Trang đọc lên, bọn nó nghe buồn rười rượi. Vậy mà hôm trước nhờ làm, anh bảo làm dở sợ cô cho ít điểm.

Nhưng anh Vũ đi học chưa về. Sao hôm nay ảnh về trễ vậy cà? Mọi lần anh về sơm hơn Trang một chút. Trang lững thững cầm quyển tập đi lui, đi tới trong nhà. Trang chợt nghĩ còn một người để con nhỏ đem khoe. Vừa lúc đó bà Hậu đi khui hụi về, Trang chạy ào ra:

- Má ơi ! Con cho má coi cái này nè !

- Gì vậy Trang?

Con bé chìa quyển tập ra, chỉ vào số điểm cô đã cho:

- Đó má coi, anh Vũ làm giùm con hách ghê chưa ?

Nghe đến Vũ, bà Hậu đã thấy khó chịu :

- Sao con không làm, mà nhờ đến nó ?

- Ảnh làm hay, hỏng nhờ ảnh thời nhờ ai ? Ghét má quá hà, má hỏng ưa ảnh, cái gì má cũng cho ảnh dở hết sao ? Mấy con bạn con nó mong được có anh như con mà hỏng được kìa!

Ngồi xuống ghế cạnh đó, bà Hậu không nói, đọc bài luận trên tập của Trang. Nghe nói bài của Vũ làm, sẵn ghét bà lại càng ghét hơn.

Bên ngoài, có một vài tiếng xôn xao như có ai đang gây lộn, Trang nhìn ra bên ngoài. Anh Vũ từ ngoài cổng chạy vào, áo ướt vì nước mưa, có vài chỗ lấm lem như bị té. Đứng ngang cửa dũ nước mưa trên cặp, nói với Trang :

- Cất giùm anh !

Con bé ôm cặp, ngó anh ngạc nhiên :

- Sao quần áo anh lấm lem như vậy ?

- Tụi thằng Hi rượt đánh anh !

Vừa nói, Vũ thấy bà Hậu ngồi trong nhà ngó trừng mình, lấm lét Vũ nhìn đi chỗ khác. Con nhỏ Trang nghe anh nói bị rượt đánh, con nhỏ âu lo hỏi dồn :

- Anh có sao hôn?

- Còn lâu, tụi nó mới đụng được đến anh. Mấy chỗ dơ này là tại tụi nó tay chân dơ, nên đụng vào nó ra như vậy đó.

Ngoài cổng nhà, một đám trẻ lố nhố, Trang thấy ông Ngạt đang dẫn thằng Hợi vào nhà. Thằng Hợi đi bên ông mếu máo trông thật thảm hại. Ông Ngạt tới đây làm gì ? Chắc ông dẫn thằng Hợi đến đây mắng vốn chớ gì! Trang nghĩ như thế, hỏi anh :

- Chết ! Anh đánh thằng Hợi sao mà ông Ngạt dẫn nó đến kìa !

Bà Hậu trong nhà đi ra, ông Ngạt nhìn Vũ chỉ vào thằng Hợi:

- Bà coi, thằng Vũ nó đánh con tôi ra thân thể như vầy nè !

Thằng Hợi mếu máo:

- Con vừa đi học về, khi không nó chặn đường đánh con!

Bà Hậu đưa tay xỉ vào mặt Vũ:

- Mày làm gì để người ta mắng vốn vậy thằng kia ?

Xích ra một chút, Vũ nói:

- Tụi nó bốn năm đứa vây đánh con, một mình con bỏ chạy, tụi nó rượt theo, con phải thụi thằng Hợi ít cái cho tụi nó không gây nữa !

Ông Ngạt nghe Vũ nói vậy, đưa mắt căm căm nhìn Vũ, nói với bà Hậu:

- Đó bà thấy chưa, nó nói thụi con tui như vậy nghe có được không? Thiệt thằng này mất dạy quá cỡ rồi mà !

Nghe ông Ngạt xỏ xiên như vậy, bà Hậu tức lồng lộn, nghiến răng nhìn Vũ như muốn nuốt sống cho đã cơn tức. Mặt Vũ tái mét, đứng lùi vào một góc nhà. Vũ thấy mình bị oan quá. Tụi nó chận đường đánh, buộc lòng Vũ phải đánh lại để chạy, chứ Vũ đâu có gây sự với đứa nào. Sao hỏng ai thèm biết đến hết vậy? Người thời mắng vốn, người thời hăm đánh, Vũ lấp bấp nói:

- Tụi nó đánh con trước mà má!

- Câm miệng mày lại, chút nữa hẳn hay.

Nãy giờ Trang nín thinh, con nhỏ hiểu tánh của anh lắm! Thấy anh bị người ta ức hiếp quá! Người ta muốn anh Vũ bị đòn mới hả lòng, hả dạ. Sao người ta sâu độc quá vậy hổng biết, cứ đứng đó mà lải nhải hoài. Má cũng vậy nữa, trong khi má không biết một tí tẹo đầu đuôi câu chuyện gì hết, sẵn ghét anh Vũ, nghe người ta nói sao là má tin vậy. Ít ra má phải hỏi đầu đuôi câu chuyện, má phải hiểu ai phải ai trái, kẻ quấy người ngay. Làm gì má cứ trừng trò, xỉ xỏ anh Vũ hoài, chứ bộ mỗi mình ảnh làm quấy hay sao? Con nhỏ nhìn đám tụi thằng Hợi đang đứng lố nhố sau lưng ông Ngạt, cái mặt đứa nào cũng hênh hếch thấy mà ghét ! Chỉ vào đám thằng Hợi, Trang xăm soi:

- Tụi mày cứ ăn hiếp người ta hoài! Ỷ đông rồi hè nhau đi chọc phá, du côn thấy mồ đi sao không nghe ai nói gì hết  vậy ? Lại còn đến đây kiếm chuyện này nọ !     

Con nhỏ tức nói một hơi, kể lòng dòng về bọn thằng Hợi trốn học đi thảy đáo lỗ, đi bẻ mận, ổi người ta trồng. Con nhỏ muốn nói cho má nghe, muốn cho ông Ngạt biết một chút về thằng con quá tốt của ông. Đã chận đường đánh người ta, thời bị người ta đánh là phải quá rồi !

Ông Ngạt làm như không nghe Trang nói, đứng nói với bà Hậu một vài câu xong dắt thằng Hợi về. Bà Hậu bước vào nhà xách cây roi mây sóng nhỏ như đuôi cá đuối, ngoắt ngoắt Vũ:

- Mày vô đây!

Riu ríu Vũ bước lại gần. Bà hùng hổ quất thẳng vào Vũ không nương tay. Trang nghe tiếng roi rót trên mình anh Vũ, cô bé điếng người nhào tới quýnh quàng ôm lấy tay của bà Hậu:

- Má, má làm gì vậy?

- Con tránh ra !

- Oan cho anh Vũ quá má ơi!

- Đi chỗ khác không ! Tao đánh luôn cả mầy !

Con bé thấy má như vậy hoảng kinh, thụt lùi ngồi xếp ve một góc, ôm hai tay che kín mặt không dám nhìn. Vũ ôm đầu đỡ những ngọn roi đi  xuống dễ dàng. Bà Hậu nói như hét vào mặt Vũ :

- Tao thương mày, tao cho đi học, chứ đâu có biểu mầy đi đánh lộn. Mày du côn, du kê ngoài đường để người ta đến đây chửi rủa, người ta bảo không dạy mày có nghe không? Hay là muốn nghỉ học đi đánh lộn, lớn lên làm du thủ du thực đầu đường xó chợ, lớn lên đạp xích lô, ba bánh ! Nếu muốn, tao nói ba mày đuổi đi khỏi nhà này cho rồi ?

- Con đâu muốn đi đánh lộn !

- Thứ con mất mẹ, đi bú sữa người dưng, đầu cứng như đá.

Con mất mẹ, phải đi xin từng giọt sữa mới được sống, hết người này đến người khác, đủ thứ máu huyết đổ dồn về một đứa con côi, tạo cho nó cái khôn trước tuổi, cứng rắn như viên đá sạn màu trắng mây trời mòn nhẵn. Vũ nghe nói mà tủi thân, nghe nói mà muốn khóc òa, nghe nói mà muốn cho những giọt nước mắt tự nãy giờ căng mộng mí bung đổ ào xuống không cần ngăn giữ. Vũ thấy nhạt nhòa từng hình ảnh trước mắt; như màn sương mỏng chắn ngang bầu trời mờ mờ ngọn thông khô chơ vơ, mờ mờ lá xanh ủ rũ, mờ hoa héo cánh buồn.

Ngọn roi giáng xuống không thương, không xót. Đau quá Vũ run như chim non ướt cánh. Bão lạnh ngoài trời vẫn ào ào cuốn tới, Vũ bỏ chạy ra khỏi cửa. Mưa bên ngoài đặc sệt, ào tới thân thể nhỏ nhoi lạnh rát, mặc kệ, Vũ cứ cắm đầu phăng chạy.

Bất ngờ Vũ bỏ chạy, bà Hậu giáng cây roi theo.

- Mày chạy đâu hở thằng kia ?

Trang ngoi đầu ra cửa sổ nhìn theo. Mưa cuốn phăng anh Vũ mất hút. Má đứng ngang cửa bực dọc, gương mặt của má Trang thấy ớn thấy sợ. Con nhỏ mếu máo nghĩ:

‘‘Trời mưa như vậy mà anh Vũ chạy đi đâu? Anh bị má đánh đau gần chết, lại còn chạy trong mưa lạnh. Ngày mai, ngày mốt anh đau, anh nằm lì một chỗ. Ai lấy xe đạp chở Trang lên đồi bắt những con chuồn chuồn; để dành tiền không ăn sáng mua cho Trang kẹo kéo thơm ngon.

Con Mận nó nói đúng ghê, con gái mà có anh trai thời sung sướng lắm ! Anh trai dù gì đi nữa cũng thương em gái. Anh Vũ thương Trang ít khi dám la rầy một tiếng nhỏ, vì sợ em khóc. Bụng dạ ảnh tốt như vậy mà má hỏng thương ảnh, đã không thương má lại còn đánh đập anh tàn nhẫn !’’

Thấy khuôn mặt Trang đầm đìa nước mắt, bà Hậu gay gắt:

- Sao con thương nó quá vậy ?

- Con không thương ảnh, thời con thương ai ? Hay là má bắt con phải ghét cay, ghét đắng ảnh như má. Thờ ơ lạnh lẽo như ba. Con nhớ năm ngoái anh Vũ thi Tiểu học. Người ta có cha, có mẹ, người ta lo lắng cho từng chút, từng ly. Đưa con đến trường, vào lớp thi rồi mà họ đứng ở ngoài lo lắng. Buổi sáng hôm đó, anh Vũ thức dậy sớm, lủi thủi sửa soạn một mình. Anh dòm lui, dòm tới. Ba má cũng không cần hỏi một tiếng, đã thế ba còn hăm he : ‘‘Thi không đậu thì đi luôn nghe mậy, đặt chân về nhà tao đánh chết’’. Anh Vũ buồn xo, buồn héo như chiếc lá, bỏ đi. Con chạy theo nói chuyện cho anh Vũ đừng buồn, đừng nghĩ gì hết ráng làm bài. Trên đường đi đứa nào cũng có cha mẹ kè kè một bên. Anh Vũ không dám nhìn lên, cúi đầu bậm môi mà đi. Hôm con ảnh đi coi bảng về, con muốn hét vang cho ba, với má biết, anh Vũ đậu tiểu học rồi ! Con mừng kinh khủng, trong khi ba thờ ơ lạnh lẽo : - ‘‘Đậu thời ráng mà học tới’’. Chỉ mỗi một câu độc nhất đó thôi. Đang nhẹ tênh như bông gòn, vui như đang chơi trò cút bắt. Anh Vũ bỗng buồn xo. Ai cũng lạnh lẽo, ai cũng ghét, bây giờ má lại bảo con ghét ảnh nữa sao ?

- Nó mà dám đi đâu, chút về bây giờ đó.

- Trời mưa như vậy, anh sẽ đau, sẽ bệnh chết má ơi.

Bà Hậu khô khan:

- Chết đâu chết phứt cho rồi !

- ! ! !

Trang lặng người, không nói ra tiếng. Con nhỏ nhìn ra ngoài mưa vẫn đều tuôn; cây cối nghiêng nghiêng theo mưa. Trước sân nhà mưa làm cát trôi đi, những cục sạn trắng nõn nằm lạnh cóng, lạnh như hai hàng nước mắt đang lăn dài xuống má, xuống môi con nhỏ. Má nói như vậy là má tận tình quá rồi ! Còn ba thời sao? Đôi mắt con bé thả ra ngoài trời mưa đan kín. Mưa gì cứ dai dẳng, chắc anh Vũ phải ướt tèm nhem hết, chắc anh Vũ phải lạnh run cằm cặp, bụng anh lép xẹp, đói meo, chân anh chắc không còn lê nổi đã té quỵ trên con đường nào rồi. Nghĩ như thế, Trang càng lo sợ lầu bầu trong miệng cầu mong sao cho mưa mau dứt !cầu mong sao cho anh Vũ đừng ngã quỵ trên đường.

Ngoài trời mưa vẫn xuống, mang theo những bong bóng nhỏ...

* * *

Chạy băng băng trong mưa. Những hột mưa đập vào mặt Vũ ran rát, chiếc áo trên người ướt sũng bó sát vào mình. Những đường roi trên lưng trên hai tay Vũ thâm tím. Đưa hai bàn tay lạnh móp vuốt mặt, nghe bàn tay buôn buốt như phải kim châm. Như hai bàn chân giờ này đạp nhằm phải một viên đá nhỏ thôi, đủ thốn đau khôn tả.

   Con đường vắng xe, có những dãy nhà sang trọng nằm im lìm. Một vài chiếc lá nửa vàng, nửa xanh theo nhau lốc xuống đường dập dùi. Vũ đảo mắt tìm một chổ trú cho qua khỏi cơn mưa, đợi đến tối mới mò về nhà. Một cổng nhà bên kia đường có mái tôn chìa ra. Vũ chạy qua đứng sát vào đó. Giũ áo cho bớt nước, ngồi xuống bực thềm nhỏ, hai tay Vũ vòng ôm đầu gối, mắt ngóng ra đường. Đôi môi Vũ xám ngoét, hai hàm răng đập vào nhau nghe cầm cập. Sao má lại chết sớm như vậy! Nếu như má còn sống giờ phút này Vũ đâu phải khổ ! Sao ba không thương Vũ, coi Vũ như một đứa trẻ lạ hoắc !? Ba nghiêm nghị, ba cau có với Vũ đủ điều. Còn con nhỏ Trang lúc nào ba cũng cười hiền, ba hỏi han này nọ, nếu Vũ được như Trang, dù có bị gì đi nữa Vũ vẫn chịu, miễn là ba thương Vũ là đủ rồi. Con nhỏ Trang nghĩ thiệt là sướng! Nhức đau sổ mũi một chút, gần như nhà quýnh quáng lên. Ba má phải thay phiên nhau thức khuya canh chừng từng cái trở mình của nó.

Ngồi co ro như vậy không biết là bao lâu, Vũ nghe gió từ miệt đồi thông đưa về lạnh buốt, gió mang theo cơn mưa đến một nơi khác. Bầu trời bắt đầu trở lại sáng sủa. Đứng lên, Vũ không biết đi đâu, về nhà giờ này thì không được rồi ! Chắc phải bị một trận đòn nhừ xương nữa; bước chân Vũ đều đặn về hướng chợ mới.

Trên đường, một vài chiếc xe hàng thật lớn từ hướng Chợ Mới trở  về. Mấy chiếc xe hàng nầy đã lấy rau cải xong xuôi đợi mai sớm đem ra máy bay chở đi Saigon, hoặc phân phối các tỉnh lân cận.

Màu trời trắng xóa buồn hiu, một vài chú dơi đi kiếm ăn xa rủ nhau về tìm chỗ ngủ, chúng kéo nhau về tổ nhỏ, nhưng ấm cúng. Xa xa, một hai con thật lẻ loi - tổ ấm nào của chúng ? Hay co ro trong cơn mưa lạnh ngây ngất như bây giờ? !

- Anh Vũ, anh Vũ ơi!

Tiếng gọi trong trẻo từ bên kia đường. Vũ nhìn qua, con Mận đang đứng đó đưa đôi mắt tròn vo mừng rỡ, con nhỏ chắc đi từ hướng chợ về, tay đang kẹp cái rổ ngang hông, có những bó rau xanh mướt.

- Anh đi đâu ra hướng chợ?

- Hổng biết đi đâu nữa !

- Nói gì mà kỳ hôn! Đi mà hổng biết đi đâu!

Vũ cười cười :

- Thiệt mà !

- Chứ không phải anh đang đi ra chợ sao ?

- Đâu phải như con gái hễ mỗi một chút là ra chợ.

- Vậy mà anh cũng nói; chứ bộ ngoài chợ không có đứa con trai nào sao ? Anh này sao hôm nay lãng ghê!

Đôi mắt con Mận bỗng dừng lại trên hai cánh tay nhiều lằn sưng tím. Chiếc áo sơ mi tay cụt trắng lem luốc, vài chỗ ướt mưa chưa khô kịp. Đôi lông mày con nhỏ nhíu lại, giọng lo âu:

- Tay anh bị sao vậy?

Không trả lời câu hỏi của Mận, Vũ lãng sang chuyện khác:

- Mận đi chợ về hả?

- Đâu có, má em kêu đi theo ra chợ, má mua xong, còn đi lo bán chè đến tối mới về, em đem về trước nấu cho kịp chiều mấy đứa em ăn.

- Mận giỏi ghê !

Nghe Vũ khen, má con Mận hồng lên như trái đào chín ngọt. Nó lừ mắt:

- Thôi đi anh.

- Thiệt mà! Mận giỏi kinh khủng, đi học về là làm đủ thứ. Trong khi con nhỏ Trang có biết làm gì đâu, chỉ biết nhõng nhẽo.

Con Mận chợt nhớ điều gì, gương mặt vui vui:

- À ! Anh có thích ăn chè không?

- Thích !

- Về nhà em lấy cho ăn.

Nghe con nhỏ Mận rủ về nhà ăn chè, Vũ sướng mê tơi. Cái bụng của Vũ bị mắc mưa nên lũ kiến kéo nhau ra phá phách chịu hết muốn nổi. Có tô chè vô chắc đỡ. Vũ theo chân con nhỏ Mận về nhà.

Mấy đứa em Mận đang chơi chung trước cửa, thấy chị về đưa mắt lơ láo nhìn. Ba Mận đi lính chết hơn một năm rồi. Má Mận buôn bán nuôi ba đứa con, Mận và hai thằng cu nhỏ, tuy không dư dả, nhưng đủ sống qua ngày. Mận lấy trong rổ gói bánh men đưa cho hai đứa em:

- Chia nhau ăn, hổng được giành giựt nghe.

Nói với em xong, Mận bỏ ra sau nhà, bưng tô chè đậu xanh nước dừa phổ tai đem lên trên bàn.

- Anh ngồi đây ăn đi, chè của má em nấu bán đó.

Chè thơm ngon, Vũ làm một chút hết sạch tô chè. Nhìn Vũ ngồi ăn, Mận chợt nhớ cánh tay Vũ nhiều lằn bầm tím. Hồi nãy Mận hỏi, Vũ không nói. Con nhỏ lấy làm thắc mắc, hỏi Vũ thêm một lần nữa:

- Cánh tay anh sao nổi lằn u tím ngắt vậy?

Vũ cộc lốc buồn:

- Bị đòn !

Mặt con nhỏ nhăn lại:

- Nè anh Vũ, má của anh sao dữ quá hà, má em hiền ghê! Không la rày một đứa nào hết, nhưng mỗi lần làm sái cái gì em cứ sợ má em buồn. Chắc anh bị đánh đau lắm hà ? Sao anh bị đòn vậy?

- Thằng Hợi nó dẫn ba nó đến nhà mắng vốn!

- Thiệt cái thằng đó thấy ghét hết sức.

Con nhỏ thấy gương mặt Vũ buồn như trời chiều tan xuống bên ngoài. Nhỏ Mận thấy thương Vũ ghê. Nếu Vũ là anh ruột của Mận, chắc má thương anh Vũ lắm, không bao giờ đánh đòn, dù là một roi rất nhẹ, con nhỏ Trang thường nói với Mận: má nó thương nó lắm kia mà. Sao má  nó không thương anh Vũ một chút xíu nào hết vậy.

- Sao má của anh thương mỗi mình Trang hè?

Vũ buồn quá đổi, không nói đứng lên:

- Thôi Mận đi nấu cơm cho mấy đứa em ăn, Vũ về.

- Mai mốt, anh nhớ đến đây ăn chè nha. Em sẽ nói với má để dành cho anh một tô thiệt là bự.

Vũ đi xa rồi, nhỏ Mận còn đứng nhìn theo. Con nhỏ thấy ngày hôm nay sao nó buồn buồn. Hồi sáng, ở lớp cô giáo Hạnh kêu Trang đọc bài luận, mà con nhỏ đã nhờ anh làm giùm, làm con Mận buồn muốn khóc! Bây giờ Mận hiểu tại sao anh Vũ bị ghét bỏ, bị đánh đập, Con nhỏ trở vào nhà nấu cơm cho mấy đứa em ăn. Chiều đã mất hút thật xa. Một vài tiếng chim kêu buồn trên nóc nhà.

Chương 4

- Lớn lên anh sẽ làm gì?

- Chưa biết, còn em?

- Em í à...

Trang ngẫm nghĩ một chút, đôi mắt con bé thả trên trời có nhiều mây trắng đuổi nhau rong chơi, bờ môi hồng mím mím. Như đã nghĩ được, con nhỏ cười mỉm:

- Nè anh, lớn lên em sẽ làm cô giáo.

- Hổng được đâu!

- Sao vậy anh?

- Em mà làm cô giáo, học trò nghịch phá cô giáo nói học trò không thèm nghe, khi đó cô giáo chỉ có nước ngồi khóc. Mỗi lần học trò đi học phải đem theo khăn lau nước mắt cho cô.

- Xí! Anh nhạo người ta hoài.

- Còn anh hổng thèm làm thầy giáo!

- Chứ anh thích làm gì?

- Anh sẽ viết truyện. Những truyện anh viết sẽ có thật nhiều nước mắt, và những khốn khổ bất hạnh của con người...

- Đọc truyện của anh, chắc em phải buồn và khóc hoài!

Trang vừa nói, con bé xoay lại một vòng, nghiêng nghiêng đầu. Mái tóc dài đổ qua một bên. Con bướm màu hồng đậu trên tóc như muốn bay lên, vì cơn gió nhẹ lướt thướt đi qua, một vài cành hoa hồng cạnh Vũ lay lất. Con bé cười.

- Không có má ở nhà vui hén anh?

Mấy hôm nay má đi Huế thăm người bà con. Trang thấy trong nhà vui, không như mọi hôm có má ở nhà. Ba cũng thường hỏi đến anh Vũ; những tối không có má ở nhà, anh Vũ và Trang xoay quanh ba, nghe ông nói chuyện, hoặc bày ra những trò chơi. Không khí thật rộn ràng. Vũ ngước lên nhìn em:

- Còn mấy ngày nữa má về !

- Hai ngày nữa anh.

Vũ nằm soài người trên bãi cỏ. Đôi mắt sáng vương một chút buồn:

- Má đi Huế vô thế nào cũng mua kẹo cau, mè sửng cho em, sẽ mua mấy chục chiếc nón lá bài thơ cho mấy dì.

Trang ngồi xuống cận chỗ anh, chiếc áo đầm xòe ra, che một khoảng cỏ rộng, bàn tay vân vê đuôi tóc thắt nơ bươm bướm.

- Nón lá Huế đẹp ghê hén anh? Nó mỏng manh, nó nhẹ nhàng. Bên trong được lót hình chùa Thiên Mụ, hình cầu Trường Tiền với sông Hương, lót những câu thơ bên trong hay chi lạ. ‘‘Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp. Thương nhau rồi xin kíp về mau; kẻo mai tê bóng xế qua cầu...’’ dễ thương như mấy cô gái Huế trường Đồng Khánh, chiều tan học như bướm trắng lượn qua cầu Trường Tiền bay về Gia Hội, xuống Đông Ba. Em sẽ nói với má biếu cô Hạnh một chiếc. Phải như em lớn bằng dì Hường; bằng chị Thu, em sẽ bận áo dài trắng, để tóc dài ngang lưng, đội chiếc nón bài thơ đi học.

Nghe em nói tía lia, em ra bộ tịch trông tức cười, Vũ ngồi nhỏm dậy nheo mắt :

- …Và khi đó em sẽ không ưa khóc như bây giờ.

- Cái anh này cứ nhè người ta mà chọc hoài hè.

- Ai biểu em khóc làm chi ?

- Có ai biểu đâu, tại tính người ta như vậy chứ bộ.

Vừa nói, mặt con nhỏ bự như cái bánh bao, mặt gầm cúi xuống bãi cỏ.

- Hổng muốn nói chuyện với anh một chút nào hết.

- Thiệt hôn?

- Chứ bộ giả sao?

Trang đứng lên định bỏ đi. Thoáng thấy ngoài cổng có bóng người, mặt con nhỏ đang chù ụ, bỗng tươi tắn, chạy nhanh ra nói lớn:

- Anh Vũ ơi! Chú Duy về!

Vũ mừng quýnh, chạy bay ra ngoài. Chú Duy đứng đó cười với Vũ. Lâu quá, hình như hơn một năm rồi, chú không đổi khác gì hết, gần như mạnh hơn lúc trước và nước da chú sạm đen như tượng đồng. Trang xoắn xuýt bên chú. Vũ nắm lấy tay chú vào nhà. Bàn tay chú nhiều chỗ nổi lên những cục chai cứng. Vừa bước vào nhà Vũ hỏi ngay:

- Chú về lần này chừng nào đi?

Nhìn Vũ, chú cười:

- Ít ngày thôi!

Trang chen vào:

- Sao chú hổng ở chơi lâu lâu á?

- Làm sao mà ở lâu được! Chú chỉ có ba ngày phép thôi !

Nhìn lên ngực áo rằn ri xanh xám của chú Duy, Trang khều Vũ. Hai cái bông mai đen gọn gàng nằm im cạnh lằn nút.

- Chú Duy hách ghê hén, anh Vũ?

Buổi tối trong nhà đông đủ, chỉ trừ có bà Hậu đi Huế chưa vô. Trang, Vũ thấy thiệt là vui. Ba, và chú ngồi nói đủ thứ chuyện. Con nhỏ Trang lém lỉnh thường hỏi chú về những trận giặc mà chú đã dự. Nếu chú Duy đừng đi lính, ở đây hoài chắc Vũ sướng lắm. Những gì Vũ không biết, hỏi chú là được trả lời ngay. Ở nhà này Vũ không dám hỏi ai hết, còn con nhỏ Trang thời không biết cóc khô gì. Chú đánh đờn cũng hay ghê, chú nói khi nào rảnh sẽ chỉ cho Vũ. Nếu biết đánh đờn, chiều chiều Vũ rủ nhỏ Trang, nhỏ Mận lên đồi đánh cho hai đứa nghe. Khi đó chắc đôi mắt con nhỏ Mận tròn xoe nể Vũ ghê lắm. Nhưng người ta đâu cho chú Duy ở nhà, người ta bắt chú đi đánh giặc hoài, thiệt là kỳ.

Trang thấy chú cười, con nhỏ đi lại ngồi trên thành ghế cạnh chú Duy.

- Chú nói với ba con đi chú!

Vũ không hiểu em muốn nói gì, mà lại nhõng nhẽo với chú như vậy. Vũ thấy chú ngồi trầm ngâm đốt điếu thuốc khói bay lên đặc sệt. Nhìn ba, giọng chú trầm xuống:

- Hồi sáng, Trang có kể tui nghe chuyện thằng Vũ; nãy giờ tui cũng định có dịp thuận tiện nói với anh. Nghe cháu bị hất hủi tôi buồn lắm, không hiểu anh nghĩ sao lại để cháu phải như vậy. Ngày trước mới về, chị tỏ ra thương yêu thằng Vũ lắm, nhưng bây giờ chị đổi khác nhiều. Thiệt chị ấy tệ hết sức, đáng lý ra chị phải thương cháu Vũ nhiều hơn đứa nào hết. Anh phải lo lắng thương yêu, bổn phận của một người cha đừng để đầu óc nhỏ nhoi của nó ăn sâu sự bỏ rơi của gia đình.

Nghe chú nói với ba như thế, Vũ ngồi lặng yên nhìn xuống nền gạch. Con nhỏ Trang thiệt là thèo lẻo, nói với chú làm gì những chuyện không hay đó. Để trong nhà đang vui bỗng dưng u buồn.

Ba không nói, ngồi yên nhìn ra bên ngoài, qua cửa sổ ướt sương, màu trời đen không một ánh sao. Gương mặt của ba thật nhiều điều suy nghĩ. Mấy hôm nay không có má ở nhà, sao ba thương Vũ ghê đi! Ba thường hay nói chuyện với Vũ, bảo Vũ nên ăn thật nhiều! Má đánh đừng bỏ nhà đi dưới mưa mà bị bệnh, người cứ ốm tong, ốm teo mãi. Giọng nói của ba trầm ấm ngọt ngào.

Lâu rồi, mấy ngày hôm nay, ba mới nhìn lại những quyển tập Vũ học ở trường, những bản danh dự mà trường phát mỗi tháng cho học sinh đứng từ hạng năm trở lên, Vũ thấy ba thật hài lòng, và vui.

Ba cũng thương Vũ lắm chứ! Nhưng một lý do gì đó ba phải cau có, khó chịu. Đôi lúc Vũ có ý nghĩ muốn cho má đi hoài để Vũ được ba thương thật nhiều. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua. Vũ thấy mình thật ích kỷ ! Nếu như má đi hoài, ba và Trang sẽ buồn khi đó Vũ chẳng vui

gì.

Vũ xoay qua chú buồn buồn:

- Ba, má vẫn thương con, không như con nhỏ Trang nói đâu chú.

Chú Duy không để ý gì đến câu nói của Vũ, chú nhìn ba tiếp:

- Tui có ý định này về cháu, không hiểu anh có bằng lòng không ?

Giọng nói của ba buồn rầu:

- Chú có thể cho tôi biết.

- Đầu niên học tới, anh nên gởi cháu vào học nội trú trường của mấy sư huynh La-San. Nơi đó cháu sẽ tìm được tình thương nơi những

cậu bé đồng lứa tuổi, nhiều thời gian trau dồi đức dục, và trí dục hơn. Anh nghĩ sao ?

Nghe chú đề nghị với ba gởi Vũ vào nội trú học, Vũ không muốn xa nhà một tí nào hết. Vũ hồi hộp để xem ba quyết định ra sao, nhưng Vũ không đợi lâu. Ba nói:

- Tôi đã nghĩ đến vấn đề gởi cháu vào nội trú từ lâu; nhưng vẫn còn chần chờ cho đến nay vì thấy con hãy còn nhỏ quá, xa gia đình sợ nó buồn mà bỏ bê việc học chăng? Hết niên học này cũng không muộn.

Như thế là ba đã bằng lòng, cùng một ý nghĩ với chú đưa Vũ vào nội trú của trường lớn. Những năm còn ngồi bậc tiểu học, Vũ cứ mong sao cho học hết năm để làm một người học trò lớn, vào lớp để được nhiều thầy cô dạy. Nhưng năm nay vào lớp lớn rồi, Vũ mới thấy nhạt nhẽo làm sao. Vũ thèm, Vũ thấy những giây phút hân hạnh được thầy gọi lên bảng sửa một bài toán đố, được thầy nhờ ôm chồng tập để thầy đem về nhà chấm điểm. Mỗi lần một vài tiếng xì xào trong lớp, đuôi mắt nhiều nếp da xếp lại, qua cặp mắt kính trệ trên sóng mũi, giọng thầy yếu ớt vì tuổi già trách nhẹ. Hoặc làm bài xong, ngồi xếp vở lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nhìn một vài cánh én bắt đầu dời tổ ra đi, vì mùa đông mang lạnh đến. Bây giờ làm học trò lớn, Vũ thấy gần mất hết những giây phút đó. Ngôi trường đồ sộ chừng nào càng làm những thứ yêu thương nhỏ nhặt đó mất đi càng nhiều. Hết niên học này, Vũ sẽ xa gia đinh, xa con nhỏ Trang hay khóc; con nhỏ Mận hiền như cục đất, xa mấy thằng bạn nhỏ lớp Đệ Thất... chắc Vũ sẽ buồn ghê lắm!

Những ngày phép của chú Duy, Vũ và Trang đã quấy rộn chú thật nhiều ! Đi học thì thôi, về đến nhà là gần như không một phút nào rời chú ra được. Trang bắt chú dạy hát bản ‘‘Đồi Thông ... Ngồi trên đồi vắng, bên gốc cây thông già... nhìn theo giòng suối trôi dưới chân đồi. Vào đồng xanh ngắt, xanh như tấm thảm nhung mềm...’’ Giọng hát của Trang buồn buồn như gió chiều đi về trên đồi. Còn Vũ thích nghe chú kể chuyện đánh giặc; chuyện ‘‘Guy-li-ve’’ lạc vào xứ người ‘‘chim chích’’; chuyện ‘‘Vô gia đình’’. Cái gì chú cũng chịu cả.

Từ hôm chú dạy Trang hát, con nhỏ không thích làm cô giáo nữa, Trang hỏi Vũ ;

- Anh thấy em hát hay hôn?

- Hay !

- Thiệt hôn?

- Thiệt !

- Chắc hén?

- Chắc !

- Nè anh! Lớn lên em hỏng thèm làm cô giáo đâu !

- Sao vậy?

- Làm cô giáo hỏng ai thèm khen hết hà !

- Chứ em muốn làm gì ?

- Làm ca sĩ!

- Thôi, em đừng làm ca sĩ, mấy cậu học trò nhỏ sẽ tiếc hùi hụi cho mà xem, vì không có một cô giáo dễ thương như em dạy chúng.

Trang chắp hai tay sau lưng lắc người đong đưa, con nhỏ tươi cười như nụ hoa hồng:

- Anh à, em làm hai thứ luôn được hôn? Vừa dạy học, vừa hát cho học trò nghe.

- Học trò lại càng thương cô giáo hơn.

Vũ vui lây với niềm vui của em, trong đầu óc nhỏ nhoi khung trời hồng sáng dệt đầy.

Trước ngày đi, chú Duy dẫn Vũ ra chợ, mua cho Vũ hai chiếc áo ấm màu xám trông thật đẹp. Trang một chiếc áo màu tím hoa cà. Như vậy là đứa nào cũng có hai cái để thay đổi. Trang đã có sẵn chiếc áo màu hồng má đan cho. Trên đường về nhà chú hỏi:

- Có khi nào ba dẫn Vũ đến thăm mộ má không ?

- Chưa khi nào hết chú !

- Bây giờ Vũ muốn đến thăm mộ của má không ?

Từ nhỏ đến giờ Vũ không biết má nằm ở chỗ nào; không biết gương mặt má ra sao ? Chắc má hiền lắm ! Nếu má còn sống, má không la rầy, không đánh đập. Má sẽ gọi Vũ hai tiếng ‘‘Con ơi’’ thật dịu dàng, ngọt lịm như miếng đường trắng phau vuông góc bỏ vào miệng. Không như má của Trang, của Vũ hiện thời. Như con Mận được má nó thương ghê. Sáng bán xôi, chiều bán chè để nuôi mấy đứa con, và con nhỏ đi học. Không có một người mẹ nào ghét bỏ con cái hết. Có lần Vũ thấy con gà mái ở nhà, dắt theo một đàn con lúc nhúc mới nở đi vòng quanh sau vườn tìm thức ăn. Bỗng một con chó từ bên nhà hàng xóm đi qua, thấy đàn gà con liền rượt đuổi, mấy chú gà con oác oác. Gà mẹ đôi mắt hiền lành bỗng giận dữ cánh quạt phành phạch, vè quanh trước mặt chú chó hàng xóm, làm cho chú ta bỏ chạy một nước. Vũ thèm, Vũ ao ước một người mẹ thương yêu che chở như thế.

Vũ buồn buồn:

- Chú dẫn con đến thăm mộ má cho biết đi chú?

Lẽo đẽo theo chú qua nhiều con đường vắng người, hàng cây sung ủ rũ, lảo đảo theo gió. Những viên đá cạnh nhẵn nằm ngay ngắn thẳng hàng. Một dẫy tường cao quá khỏi đầu người. Rêu như nhung xanh phủ bên trên; một vài chỗ đá lở xám xịt. Mây là đà trắng màu bông gòn trắng như mảnh vải chít lên đầu chú bé con trong xe tang ló đầu ra ngoài chiếc xe tang. Mặt chú bé ráo hoảnh, bàn tay nhỏ nhắn rờ lên đầu, không hiểu người ta chít lên đầu mình làm chi. Ủa ! Sao mấy cô, mấy dì, mấy anh,  mấy chị lại khóc ? Sao má lại nằm trong cái thùng vàng lưởng, nến cháy một hàng dài bên trên. Xe tang đi vào một cánh cửa lớn, người ta khiêng cái thùng vànglường để má bên trong bỏ xuống đất lấp lại. Chú bé con trở về nhà thấy vắng má, từ đó giọt nước mắt trong ánh sáng mới biết chảy xuống. Vũ không hiểu cậu bé một lần Vũ gặp có buồn như Vũ bây giờ không ? Cậu bé có trở lại thăm người ta để má bên dưới lấp đất lại không?

Chú Duy dừng lại trước cửa nghĩa trang. Nơi đây có một bà lão bán hoa, hoa chỉ có hai loại màu trắng, tím. Chú mua cho Vũ một bó hoa trắng, có những bông nhỏ xoắn xuýt nhau trắng toát.                                 

Bên trong những ngôi mộ được xây thật đẹp, hai hàng chạy thẳng tấp. Mùa thu gần hết, nhưng lá vàng vẫn còn rải rác trên mộ bia. Đi tìm một chút, chú Duy ngoắt Vũ lại. Đứng trên một ngôi mộ xám, giọng chú trầm xuống:

- Mộ của má con !

Vũ đặt bó hoa trắng nhỏ lên phía trên ngôi mộ, Vũ ngồi thụp xuống nơi tấm bia ghi tên, ngày tháng của má chết. Bên trong tấm kính mờ mờ vì bụi đất, Vũ thấy tấm hình của má. Tấm hình đã đổi thành màu vàng, nhưng hình hãy còn rõ lắm !

Chú ngồi xuống cạnh Vũ:

- Con hãy cầu nguyện cho má !

Vũ biết cầu nguyện gì cho má đây? Vũ nhìn sừng sững tấm bia đá rêu sạm. Má chết đi, linh hồn của má bay lên thật là cao, cao mãitrên bầu trời nhiều sao, những ngôi sao lấp lánh màu ngọc thạch. Má đang ở trên một vì sao nào đó, sáng nhất! Má hiền diệu như những bà tiên trong chuyện thần thoại; mặc dù nghe từ nhỏ, nhưng đến giờ Vũ không quên được. Bầu trời lạnh nhiều sương, má ở trên một vì sao cao quá, Vũ không thấy gì hết !

Tấm hình của má được lộng trong tấm bia mờ vì bụi đất, tấm hình của má không vui, nhòa nhòa buồn bã ! Vũ tưởng chừng như có vài giọt sương đọng trên đôi mắt má. Nhìn Vũ, má khóc, nhìn má Vũ rơm rớm nước mắt. Đôi mắt má buồn như nghĩa trang chiều nay vắng lạnh.

Chú Duy hỏi :

- Vũ có thương má không ?

- Có !

       - Vũ thương má, Vũ phải ráng học. Năm sau vào nội trú Vũ càng phải cố gắng hơn, để cho chú và ba được vui. Má dù chết rồi nhưng lúc nào cũng ở bên Vũ, thấy Vũ như vậy chắc má hài lòng lắm.

Trên đường về, chú kể cho Vũ nghe thật nhiều chuyện về má. Gia đình bên ngoại giàu có lắm; mấy cậu, mấy dì không ai bằng lòng ba, vì ba nghèo. Ba vừa đi làm, vừa lo cho chú đi học. Đám cưới của ba má thật nghèo nhưng tràn đầy hạnh phúc. Sau những ngày túng quẫn đi qua, cuộc sống sung túc đến với má, nhưng số mệnh thật khắc khe đưa má đi sớm trong khi Vũ chưa đầy hai tuổi. Chú còn kể hồi đi học làm gì có tiền để tiêu những thứ lặt vặt, hay xem ciné với chúng bạn. Chú thường bồng Vũ đi chơi đâu đó một lát, về đến nhà là má đã để dành cho chú một số tiền nho nhỏ đủ tiêu cả tuần.

Sương chiều xuống lạnh ? Bàn tay Vũ trong bàn tay chú ấm áp. Nhìn ra con đường vắng hút dài, Vũ hỏi :

- Mai chú đi hả ?

- Ừ, mai chú đi sớm.

- Sao lần nào chú cũng đi lâu ghê?

- Chú ở một nơi xa lắm!

Mỗi lần chú về thăm đôi ba ngày lại đi thật lâu, nhiều khi một năm mấy chú mới về một lần. Phải như chú ở một nơi nào chắc chắn, Vũ sẽ nói ba khỏi cần học nội trú đến ở với chú đi học cũng được. Vũ:

- Phải như chú về hoài thì vui biết mấy.

Chú Duy cười buồn:

- Làm sao chú về thường được, một năm chú mới có mấy ngày rảnh, hên lắm chú mới kiếm được một vài cái phép ngoại lệ. Khi nào chú có gia đình rồi, chú sẽ đem Vũ về ở đi học.

- Chú đem luôn con nhỏ Trang nữa nghe chú ?

- Nếu con nhỏ thích đem theo luôn !

Từ xa, Vũ đã thấy chiếc áo len màu hồng của Trang đứng trước cửa nhà đợi. Vũ chạy trước về nhà.

Thấy anh và chú, từ xa con nhỏ nhoẻn cười nhưng khi anh đến gần con nhỏ giả bộ mặt buồn hiu :

- Anh và chú đi chơi bỏ em ở nhà một mình hè.

Vũ đưa cho em gói giấy trong đó có chiếc áo len màu tím chú mua cho. Trang mở gói giấy, chiếc áo màu tím dễ thương ghê nơi đi.Con bé nhìn anh, mặt không còn buồn hiu nữa. Bên má, một khoé đồng tiền tròn vo, cười cười không dứt. Vũ nghe hình như có tiếng chim hót bên kia ngọn thông. Gió lạnh thổi về, Vũ kéo cổ áo lên cao.

Xem tiếp chương 5 & 6