BXD20210418-SuKhacNhauGiuaCongDNghiepDVaTCDaiDNguoiLD

VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÔNG ĐOÀN, NGHIỆP ĐOÀN VÀ TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CƠ SỞ

TK Tran

18/04/2021 (Diễn Đàn Việt Nam 21)

Đôi dòng lịch sử:

Vấn đề tổ chức người lao động ở Việt Nam không chỉ được đặt ra từ khi nhà nước Việt Nam phê chuẩn công ước 98 ILO, phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Âu châu (EVFTA) hay trong những cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình Dương (TPP), mà đã được đề cập tới ở miền Bắc VN trong thời chống Pháp từ lúc ông Tôn Đức Thắng lập tổ chức công nhân ở xưởng Ba Son, Sai Gòn, tới khi thành lập Công đoàn Đỏ (1929-1935), Nghiệp đoàn Ái hữu (1935-1939), Hội Công nhân phản đế (1939-1941), Hội công nhân cứu quốc (1941-1946). Sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945 tổ chức công nhân còn có những tên khác nhau. Từ năm 1988 được gọi là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Ở miền Nam, cho tới năm 1975 tổ chức cho người lao động được gọi là „Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam“ do ông Trần Quốc Bửu nhiều năm làm chủ tịch. Ông Trần Quốc Bửu (1) đã tham gia kháng chiến. Sau đó lập ra Liên đoàn công nhân cơ đốc Việt (tiếng Pháp viết tắt là CVTC) rồi sang Pháp (1952-1954) học hỏi về tổ chức công nhân với Liên đoàn công nhân cơ đốc Pháp (CFTC), trước khi trở về miền Nam Việt Nam thành lập „Tổng liên đoàn lao công Việt Nam“.

Công Đoàn là gì?

Trong ý nghĩa nguyên thủy „công đoàn“ là một danh từ chung: „công đoàn là tổ chức của giai cấp công nhân, xuất hiện trong quá trình đấu tranh đòi quyền lợi, đòi cải thiện địa vị kinh tế“ (Tự điển chính trị, nxb Sự Thật, Hà Nội, 1961), hay công đoàn là „đoàn thể công nhân tổ chức để bảo vệ lấy quyền lợi của giai cấp thợ thuyền“ (Hán Việt,Tân Tự Điển, nxb Hoa Tiên, Saì Gòn,1950).

Ở Miền Bắc từ ngữ „công đoàn“ dần dần biến thể thành một danh từ riêng, một thực thể riêng biệt có nội dung rộng hơn định nghĩa ban đầu. „Công đoàn (viết hoa) Việt Nam“ không còn là một tổ chức thuần túy nghề nghiệp của giai cấp thợ thuyền mà còn là „tổ chức chính trị-xã hội…tham gia quản lý nhà nước“ (điều 10 Hiến Pháp 1992) “dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam…“(điều 1, luật Công đoàn)“. “Công đoàn hoạt động không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng…, Đảng lãnh đạo Công đoàn bằng đường lối, chủ trương Nghị quyết của Đại hội“. Và xác định một cách rõ ràng chắc nịch:„Đảng kiểm tra Công đoàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng“ (2).

Công đoàn Việt Nam được tổ chức thành nhiều cấp bậc: cao nhất là „Tổng liên đoàn lao động Việt Nam“, dưới là „Liên đoàn lao động tỉnh và thành phố“, dưới nữa là „Công đoàn cấp trên cơ sở“. Đơn vị thấp nhất là „công đoàn cơ sở“ và „nghiệp đoàn cơ sở“.

Về mặt chính trị, Công đoàn phụ thuộc 100% vào đảng CS. Về mặt xã hội, Công đoàn cũng phụ thuộc vào giới chủ nhân (người sử dụng lao động) khi mọi xí nghiệp đều bó buộc phải đóng phí Công đoàn 2%, bất kể xí nghiệp đó có công đoàn cơ sở hay không.Tiền đóng góp của chủ xí nghiệp lên tới quãng 63% tổng ngân sách của Công đoàn (3).Trong khi đó người lao động chỉ đóng góp 23% qua đoàn phí, số còn lại là nguồn ngân sách nhà nước và nguồn khác.

Liệu với những điều kiện như trên Công đoàn có giữ được tính độc lập để bảo vệ quyền lợi của người lao động?

Thêm vào đó, Công đoàn chủ trương thỏa hiệp với giới chủ nhân, né tránh đấu tranh như tuyên bố mới đây (tháng 5-2020) của chủ tịch Công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang:“(Công đoàn) xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, hạn chế đình công, ngừng việc tập thể…“ (6). Nếu „đấu tranh giai cấp“ ngày xưa là kinh điển,thì ngày nay „đấu tranh giai cấp“ đối với Công đoàn đã trở thành xa lạ.

Nghiệp đoàn là gì?

„Nghiệp đoàn“ là một từ ngữ tương đối mới mẻ. „Tự điển chính trị“(nxb Sự Thật, Hà Nội,1961) không có chữ „nghiệp đoàn“, chỉ có chữ „nghiệp hội“. „Hán Việt Tân Tự Điển“ (nxb Hoa Tiên, Sài Gòn,1950) hay tự điển“ Hán Việt, Nguyễn Văn Khôn“ (nxb Khai Trí Sài Gòn 1960), cũng không có chữ „nghiệp đoàn“.Trong các tự điển mới hơn như „Tự điển tiếng Việt“ (nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1977) mới có định nghĩa „nghiệp đoàn“ là „tổ chức do những người cùng nghề nghiệp hợp thành“(trang 549).

Trong luật Công Đoàn 2012, cái sườn pháp lý của tổ chức công nhân, không hề có điều khoản nào đề cập tới „nghiệp đoàn“. Mãi tới tháng 2 năm 2020, thay vì „luật“ thì là „điều lệ Công đoàn sửa đổi“ (4) đưa thêm khái niệm „nghiệp đoàn cơ sở“, mà sự hình thành của nó dường như có tính „sáng tạo“ theo mục tiêu gia tăng số lượng đoàn viên. Hiện tại, người lao động phi chính thức, làm tự do, không trong một xí nghiệp, ví dụ người làm thuê trong gia đình, trong xây dựng, hay trong các dịch vụ linh tinh được nhà nước tập trung, tổ chức thành „nghiệp đoàn cơ sở“, tương đương với công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp(điều 13, 14). Nghiệp đoàn cơ sở cũng chịu sự chỉ đạo của đảng CS y hệt như công đoàn cơ sở.

Ở miền Nam trước 1975 khái niệm công đoàn không được dùng phổ thông. „Nghiệp đoàn“ là từ ngữ được dùng tương đương với danh từ chung „công đoàn“ sử dụng ở miền Bắc,  trước khi từ này biến thể thành danh từ riêng (Công đoàn Việt Nam).

Cấp cao nhất là „Tổng liên đoàn lao công Việt Nam“ ở miền Nam trước 1975, tương đương với „Tổng liên đoàn lao động Việt Nam“ hiện nay. Ở cấp dưới là những „nghiệp đoàn“.

Khác với Công đoàn, “nghiệp đoàn“ trong nghĩa rộng nhất, không chỉ là tổ chức của giới thợ thuyền mà còn là của giới chủ nhân, của viên chức… như Nghiệp đoàn công nhân hóa chất, Nghiệp đoàn chủ nhân ngành hóa chất, Nghiệp đoàn nhân viên văn phòng…

Khác với miền Bắc„Tổng liên đoàn lao công Việt Nam“ ở miền Nam không phải là do chính phủ VNCH lập ra, cũng như những nghiệp đoàn ở những quốc gia dân chủ khác độc lập với nhà nước.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở: Một bước tiến rụt rè

„Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“, không được đánh đồng, nhầm lẫn với „Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“, là thuật ngữ mới được đưa vào Bộ luật Lao Động sửa đổi, có hiệu lực từ 01 tháng Giêng 2021, được xem như một bước tiến của nhà nước Việt Nam. Đây không phải là một bước tiến nhảy vọt mà là một bước tiến rụt rè trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động theo cam kết trong hiệp định EVFTA và đòi hỏi của người lao động.

Bởi vì:

Thứ nhất, luật Lao động vẫn chỉ cho phép thành lập ở các doanh nghiệp (đơn vị  nhỏ nhất trong guồng máy lao động)„tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ có tính cách độc lập, song song với công đoàn cơ sở do nhà nước chỉ đạo. Hai loại tổ chức này gọi chung là „ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ phải cạnh tranh với nhau để dành quyền đại diện cho người lao động trong các tranh chấp với chủ nhân (người sử dụng lao động).

Thứ hai, luật Lao Động không cho phép các đoàn thể độc lập quyền thương lượng tập thể trên bình diện liên kết cao hơn, trong các ngành, ví dụ ngành giầy dép, ngành may mặc…, chẳng hạn. Đây vẫn là độc quyền của Công đoàn.

Thứ ba, cho dù luật đã có hiệu lực từ 3 tháng nay, song vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy nhà nước sẽ ban hành những văn kiện dưới luật để hiện thực hóa những điều luật. Chưa ai biết muốn thành lập „Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ thì phải nộp đơn gì, ở đâu nhận đơn, cần bao nhiêu đoàn viên để có thể làm đại diện cho người lao động v…v…? Một tục ngữ Đức nói: „Der Teufel steckt im Detail“ (ma quỉ nằm ở những chi tiết). Những chi tiết ma quỉ chết người trong văn kiện dưới luật hoặc hướng dẫn sử dụng luật có thể sẽ là cách thối lui bước tiến rụt rè của nhà nước.

Thứ tư, trong khi gây khó khăn cho sự thành hình các tổ chức tự do ở ngoài vòng kiểm soát của Đảng, thì Công đoàn VN tăng cường nỗ lực phát triển đoàn viên qua việc tạo lập „nghiệp đoàn cơ sở“ dành cho giới lao động phi chính thức, gia tăng số lượng đoàn viên ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bằng công thức „công đoàn ghép“ đã được làm thí điểm ở Quảng Nam (5). Chỉ tiêu mà Tổng liên đoàn lao động VN đề ra tại Đại hội XII năm 2018 là tới năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên (thêm vào số  10,5 triệu đoàn viên hiện có), thành lập tổ chức công đoàn cơ sở ở tất cả mọi doanh nghiệp có 25 lao động trở lên. Kết quả thấy trước là sức mạnh vượt trội của Công đoàn với đông đảo đoàn viên (12,5 triệu), tài chính dồi dào (ngân quĩ 2013-2019 là 100.354 tỷ đồng)(3), thêm vào đó là sự hổ trợ của nhà nước so với thế mong manh non trẻ của các tổ chức tự do sẽ (!) được thành hình.

                                                                              * * *

Khi làm kinh tế, mục tiêu của giới chủ nhân là đạt tối đa lợi nhuận, điều này dĩ nhiên là mâu thuẫn với quyền lợi của người lao động. Họ sẽ bị ép trả lương thấp, làm việc trong những điều kiện tồi tệ, đưa đến những đấu tranh có khi ôn hòa, có khi gay gắt qua đình công. Trong quá khứ hầu như không có một cuộc đình công nào ở Việt Nam do Công đoàn lãnh đạo, kể cả những đấu tranh cho những đòi hỏi có tính cách cơ bản nhất, như đòi hỏi phải cho công nhân được để xe trong khuôn viên xí nghiệp X, được quyền đi vệ sinh trong giờ làm việc ở xí nghiệp Y, hay phải cải thiện phần ăn trưa đơn sơ ở xí nghiệp Z.

Thực tế cho thấy là cần phải lập ra những tổ chức độc lập với giới chủ nhân, độc lập với đảng chính trị cầm quyền thì mới bảo vệ người lao động hữu hiệu được. Những tổ chức này sẽ được gọi như thế nào?

Công đoàn hay nghiệp đoàn?

Không phải đơn thuần chỉ là vấn đề từ ngữ

Trong quá khứ đã có tổ chức công nhân lấy tên là „Công đoàn độc lập“ (thành lập năm 2007). Bàn về chữ nghĩa thì danh xưng này hàm chứa mâu thuẫn: Đã là Công đoàn thì không thể độc lập, đã độc lập thì không phải là Công đoàn. Trên các phương tiện truyền thông những lẫn lộn tương tự không phải là hiếm.

Chữ „Công đoàn“ ngày nay, sau nhiều năm độc quyền múa gậy vườn hoang, đã trở thành danh xưng riêng cho tổ chức của nhà nước là „Tổng liên đoàn lao động Việt Nam“. Tương tự như danh từ chung „Bác“ đã biến thể để gọi ông Hồ Chí Minh hay Đảng, vốn là danh từ chung, nay dùng riêng để chỉ đảng CSVN.

Bởi vậy dùng tên gọi „Công đoàn“ cho một tổ chức độc lập nằm ngoài vòng kiểm soát của đảng CS là hoàn toàn không thích hợp.

Có lý do để gọi một tổ chức độc lập của người lao động là nghiệp đoàn. Thứ nhất là nghiệp đoàn tập hợp người cùng nghề nghiệp với nhau, bao trùm mọi ngành nghề, chứ không như công đoàn, trong định nghĩa nguyên thủy chỉ là đoàn thể công nhân. Thứ hai, dùng chữ „nghiệp đoàn“ có thêm tĩnh từ „tự do“ (nghiệp đoàn tự do) hay „độc lập“ (nghiệp đoàn độc lập) là cách tốt nhất để trách lẫn lộn với một tổ chức nhà nước như „Công đoàn“ hay „nghiệp đoàn cơ sở“. Thứ ba, dùng từ „nghiệp đoàn“ là kế thừa đặc điểm độc lập của các tổ chức lao động ở các nước dân chủ ngày nay.

„Công đoàn“ là đồng nghĩa với phụ thuộc đảng CSVN, là đồng ý thỏa hiệp với chủ nhân.

„Nghiệp đoàn“ tự thân nó là vô chính trị, là đồng hành với người lao động.

Như vậy chọn lựa „Công đoàn“ hay „nghiệp đoàn“ không chỉ là chọn lựa một từ ngữ mà còn là chọn lựa một vị thế đối với người lao động nữa.