BCT20150209-YMTA

 

Giới trẻ Á Châu Thái Bình Dương đoàn kết trong cuộc tranh đấu chống tham nhũng

Maud Salber (Transparency International)

Bản dịch của Nguyễn Khôi (Diễn Đàn Việt Nam 21)

LGT: Trên thế giới ở đâu cũng có nạn tham nhũng, nhưng khác nhau ở mức độ nhiều hay ít. Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) mới đây đã công bố bảng xếp hạng Minh Bạch 2015, trong số 174 nước, Việt Nam đứng thứ 119, thua cả Mã Lai (thứ 50), Philippines và Thái Lan (đồng hạng 85), Trung Quốc (100), Indonesia (107), đội sổ là Bắc Triều Tiên. Tố cáo và chống tham nhũng là việc cần thiết nhưng không phải dễ dàng, đặc biệt khó khăn tại những nước cộng sản toàn trị.

Bộ Công An Hà Nội ngày hôm nay 09/02/2015 công bố trên cổng điện tử của họ quyết định khởi tố báo Người Cao Tuổi về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân xảy ra tại TP Hà Nội và một số địa phương khác, quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự". Trang mạng của Người Cao Tuổi đã bị đóng, không còn truy cập được nữa, tổng biên tập Kim Quốc Hoa bị tịch thu thẻ nhà báo. [1]

Từ vài năm nay tờ báo Người Cao Tuổi đã nổi lên trong giới báo chí vì dám công khai tố cáo những vụ sai phạm mà hầu như các tờ báo lề phải khác đều e ngại không dám đụng đến. Gần đây nhất tờ Người Cao Tuổi đã gây tiếng vang lớn khi phanh phui tham nhũng của một cán bộ chống tham nhũng đứng đầu chính phủ, đó là Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Những điều này cho thấy chống tham nhũng trong một chế độ độc đảng toàn trị muôn vàn khó khăn, phần lớn do quan chức quyền thế che chở lẫn nhau và đàn áp người chống tham nhũng, phần khác do người dân coi tham nhũng gần như "chuyện bình thường ở huyện", ngày nào chưa thay đổi nhận thức này cũng như ngày nào còn chế độ độc đảng thì ngày đó Việt Nam không thể sạch tham nhũng. Giới trẻ có thể làm gì được? Hy vọng là họ có thể bắt đầu từng bước một, đánh động được nhận thức của số đông.

Sau đây là bài tường thuật Trại Thanh Niên Quốc Tế về việc Ủy Quyền Giới Trẻ cho Minh Bạch và Liêm Chính [2] do Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế tổ chức, trong đó có tham dự viên từ Việt Nam.

Diễn Đàn Việt Nam 21

09/02/2015  (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Giới trẻ chiếm một thành phần đáng kể trong tổng số dân Á Châu Thái Bình Dương. Dù là sinh viên, học sinh, công nhân, khách hàng hay thường dân, giới trẻ đều có xu hướng đã từng có kinh nghiệm về nạn hối lộ và tham nhũng. Nhưng giới trẻ có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương và cả ngoài khu vực này.

Trong khi người của thế hệ trước có khuynh hướng xem tham nhũng là một thực tại của cuộc sống không thể tránh khỏi, phải chấp nhận, giới trẻ sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi đại qui mô trong địa hạt chính trị, xã hội và họ có thể giúp thay đổi lối suy nghĩ trên sang thái độ tuyệt đối không khoan dung đối với nạn tham nhũng và hối lộ.

Trong khi người của các thế hệ trước có khuynh hướng xem tham nhũng là một thực tại của cuộc sống không thể tránh khỏi và phải chấp nhận thì giới trẻ sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi đại qui mô trong địa hạt chính trị, xã hội và họ có thể giúp thay đổi lối suy nghĩ trên sang thái độ tuyệt đối không khoan dung đối với nạn tham nhũng và hối lộ. Qua cuộc khảo sát Youth Transparency (Minh Bạch Giới Trẻ) thực hiện ở Á Châu Thái Bình Dương năm ngoái, gần chín trong 10 người được hỏi cho biết họ tin rằng giới trẻ có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy sự minh bạch và chống lại nạn tham nhũng.

Từ ngày 4 cho tới ngày 10 tháng giêng năm 2015, 33 thanh niên từ Bangladesh, Campuchia, Nam Duơng, Mã Lai, Pakistan, Việt Nam và Phi Luật Tân tụ họp lần đầu tiên tại trại Thanh Niên Quốc Tế về việc Ủy Quyền Giới Trẻ về Minh Bạch và Liêm Chính (International Youth Camp on Youth Empowerment for Transparency and Integrity - YETI) ở Siem Reap, vùng đất của những đền Angkor, Campuchia, để tìm hiểu và trao đổi về các tác động tiêu cực của tham nhũng ở nước họ và trong vùng nói chung, và làm thế nào họ có thể động não để cùng nhau chống lại tai họa này.

Qua sự tài trợ cũng như tổ chức của Transparency International và bảy hội đoàn địa phương của phong trào, buổi họp này tìm cách nâng cao ý thức cộng đồng của những người tham gia trẻ tuổi, giúp họ có hứng khởi đứng lên chống tham nhũng và trang bị cho họ những công cụ để thực hiện chuyện này.

Một chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã giúp các thành viên bắt đầu bước vào đường tranh đấu chống tham nhũng hiểu thấu thêm về nhân quyền và pháp quyền. Họ đã học được những nguyên tắc cơ bản của Công Uớc Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng. Một chuyên gia Campuchia đã trình bầy thế nào là quản trị tốt, nguyên tắc phân chia quyền lực và tầm quan trọng của quyền truy cập các nguồn thông tin.

Họ đã có cơ hội tương tác với các nhà hoạt động trẻ từ khắp các vùng (Campuchia, Indonesia và Philippines), những người này đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ về tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới thanh niên sôi động để thúc đẩy nhân quyền và chống tham nhũng. Họ cũng biết làm thế nào để tăng cường sự tham gia của công dân của họ qua các phương tiện truyền thông xã hội, các công cụ công nghệ thông tin và các ứng dụng di động.

(Ảnh của Carousel/Transparency International)

Các nhà hoạt động trẻ tuổi được hướng dẫn cách làm thế nào tạo ra một cuộc khảo sát trực tuyến trên SurveyMonkey, viết một điện thư thông tin trên MailChimp, khám phá những khả năng tài trợ từ đám đông (crowd-funding) và sử dụng các công cụ đám đông (crowd-sourcing tools) như Bribespot, một công cụ báo cáo hối lộ, nơi các cá nhân có thể báo cáo nặc danh những đụng chạm với giới quan chức tham nhũng, với mục tiêu tối hậu là tạo ra một bản đồ điểm nóng tham nhũng.

Mỗi đội nhóm của từng nước đưa ra một đề án, ngân sách, và phuơng pháp quản lý nguồn tài chính do Transparency International tài trợ để thực thi đề án từ thanh niên đến thanh niên tại nước của đội đó. Các dự án này bao gồm truyện tranh chống tham nhũng ở Nam Duơng, các cuộc thi tranh luận tại Mã Lai, nghiên cứu và vận động chống tham nhũng tại các bệnh viện ở Pakistan, hoạt động nâng cao tính minh bạch trong quá trình tuyển dụng tại Việt Nam, các trại huấn luyện cho thanh thiếu niên ở Bangladesh, vận động chống tham nhũng tại các làng trong Campuchia, và các hoạt động tiếp cận cộng đồng kích động những người trẻ tuổi làm việc với chính phủ để thay đổi nội bộ của xứ Phi Luật Tân.

Có lẽ kết quả chính của chuơng trình họp trại kéo dài một tuần này là việc tạo ra Phong Trào Thanh Niên Ủng Hộ Minh Bạch ở Á Châu (Youth Movement for Transparency in Asia - YMTA), một nền tảng nơi đại biểu của mỗi nước sẽ thường xuyên gặp gỡ để trao đổi ý kiến và thực hiện chuyển tiếp dự án thúc đẩy tính Minh Bạch và Liêm Chính trong toàn vùng.

Ban thư ký, đội ngũ quản lý và ban cố vấn của YMTA đã được thành lập. Đề xướng chung đầu tiên đã được xác định. Mỗi thành viên đều ký bản Tuyên Ngôn Chống Tham Nhũng của tổ chức Minh Bạch Quốc tế để chứng tỏ sự cam kết của họ đối với phong trào.

[1] Đọc thêm:

[2] Nguyên bản tiếng Anh: Youths from Asia Pacific unite in the fight against corruption, Maud Salber, Transparency International, 23/01/2015

http://blog.transparency.org/2015/01/23/stronger-together-youths-from-seven-asia-pacific-countries-unite-in-the-fight-against-corruption/

Maud Salber là ủy viên thông tin của Minh Bạch Quốc Tế Campuchia