NQ20171118-PEN-MadeleineThienToMeNam

Ngày Của Các Nhà Văn Bị Cầm Tù:

Madeleine Thien viết cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

bản dịch của Nguyễn Khôi (Diễn Đàn Việt Nam 21)

18/11/2017 LGT - Mỗi năm, ngày 15 tháng 11 là Ngày Của Các Nhà Văn Bị Cầm Tù, do Văn Bút Quốc Tế (PEN) khởi xướng từ năm 1981. Ngoài việc nâng cao nhận thức của công chúng về các nhà văn bị bức hại nói chung, PEN sử dụng Ngày Của Các Nhà Văn Bị Cầm Tù để hướng sự chú ý tới một số nhà văn bị bức hại hoặc bị cầm tù cụ thể và hoàn cảnh cá nhân của họ. Mỗi nhà văn được lựa chọn từ các nơi khác nhau trên thế giới, và mỗi trường hợp đại diện cho các hoàn cảnh đàn áp xảy ra khi các chính phủ hoặc các thực thể khác có quyền lực cảm thấy bị đe doạ bởi những gì nhà văn đã viết. Vào ngày này, công chúng được khuyến khích hành động dưới hình thức tặng phẩm và thư phản đối thay mặt cho các nhà văn được lựa chọn. Năm 2017, 6 người bị bức hại được đưa ra ánh sáng công luận là các cây bút Zehra Doğan (Turkey Thổ Nhĩ Kỳ), Ramón Esono Ebalé (Guinea Ecuatorial), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Việt Nam), Cesario Alejandro Félix Padilla Figueroa (Honduras) và Razan Zaitouneh (Syria).

Đóng góp vào Ngày Của Các Nhà Văn Bị Cầm Tù năm nay, nhà văn Canada Madeleine Thien đã viết một bức thư cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bà Madeleine Thien sinh năm 1974 tại Vancouver, có cha người Mã Lai gốc Hoa và mẹ người Hồng Kông. Bà tốt nghiệp ngành sáng tác tại đại học British Columbia, có 5 tác phẩm được xuất bản và đã đoạt nhiều giải thưởng văn học của Canada. Bà Madeleine Thien khởi đầu bức thư ngỏ viết Mẹ Nấm như sau: "Đã gần 5 tháng kể từ phiên tòa xử của chị, một phiên tòa mà chị đã bị kết án 10 năm tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của luật hình sự của Việt Nam, một bộ luật được sử dụng một cách tùy tiện và tàn bạo để bịt miệng giới đối kháng". Dưới đây là thư của Madeleine Thien gửi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh do Nguyễn Khôi chuyển dịch từ nguyên bản Anh ngữ.

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Madeleine Thien (phải), ảnh: PEN

Madeleine Thien viết cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Kính gửi chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,

 

Đã gần 5 tháng kể từ phiên tòa xử của chị, một phiên tòa mà chị đã bị kết án 10 năm tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của luật hình sự của Việt Nam, một bộ luật được sử dụng một cách tùy tiện và tàn bạo để bịt miệng giới đối kháng.

 

Tôi không rõ liệu chị có biết rằng, trên khắp thế giới, việc chị bị xét xử và kết án đã gây phẫn nộ và đau lòng, và trường hợp của chị được xem như một ví dụ hết sức tồi tệ của chính phủ Việt Nam đã dùng hình phạt tù (với hậu quả là sự ly gián gia đình) để trừng trị những đàm luận lễ độ và ôn hòa. Phiên tòa kéo dài chỉ một ngày. Bây giờ là 13 tháng kể từ khi chị bị bắt và giam giữ. Trong những tháng này, tôi chỉ có thể tưởng tượng được nỗi đau khổ và khốn khó lớn lao của chị, mọi người đã nghĩ đến chị, đã lên tiếng thay cho chị, và các blogger can đảm ở Việt Nam đã yêu cầu chị được phóng thích, và tiếp tục công việc mà chị đã làm mọi người thôi thúc. Tôi muốn chị biết rằng những nỗ lực của tất cả các cá nhân và đoàn thể này, từ những người thân yêu của chị và những người không quen biết chị, sẽ tiếp tục không ngừng cho đến khi chị được tự do.

 

Tôi nghĩ về tên chị dùng, Mẹ Nấm, cái tên này là một cử chỉ đẹp đẽ và có tác động mạnh mẽ biết bao đến con cái của chị (con gái của chị là Nấm vừa mới mười một tuổi). Chị đã nói chị bắt đầu viết blog vì chị muốn con gái chị và đứa con trai hai tuổi của chị có thể sống trong một xã hội công bằng hơn. Chị hy vọng rằng mạng Internet có thể là một chốn tự do và cởi mở, nơi những người bình thường có thể thảo luận và tranh luận về tương lai của họ bên ngoài một phương tiện truyền thông bị kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của Nhà Nước. Trên blog của chị và trên các phương tiện truyền thông xã hội, chị đã viết về những thách đố mà cộng đồng và gia đình chị phải đối mặt: các vấn đề xã hội, các mối quan tâm về môi trường, quyền đất đai, sự tàn bạo của công an và những trường hợp tử vong trong tù. Đây là những vấn đề về nhân quyền cơ bản mà tất cả chúng ta đều có quyền tranh luận bằng lời nói và ngôn từ trong một không khí chính trị chị mong muốn: một môi trường không sợ hãi. Chị đã viết về những cuộc đấu tranh của người khác, và chị ủng hộ việc thả tù nhân chính trị, và vì thế, tự do của bạn đã bị tước đoạt .

 

Trong vài năm qua, tôi đã viết về một người mẹ khác, một người đang trong độ tuổi 80. Bà là giáo sư Ding Zilin, sáng lập viên của tổ chức Các Bà Mẹ Thiên An Môn, người trong 28 năm qua đã bị sách nhiễu, giam giữ và kiểm soát liên tục bởi chính phủ Trung Quốc. Bà và chị, cả hai là những phụ nữ đã không sợ hãi, kiên trì, tôn kính và dũng cảm. Và cả hai, những bà mẹ từ hai thế hệ khác nhau, đang cố gắng sống như bà và chị phải sống, nói để phát triển một tự do nội bộ cần thiết cho tất cả các cuộc đàm luận lịch thiệp, có lễ độ. "Tôi biết tôi không phải là một người mẹ gan dạ", bà Ding Zilin viết. "Tôi không có sức chịu đựng. Tôi không nói những từ đẹp, đầy cảm hứng. Nhưng trên con đường đấu tranh đòi quyền con người, đòi hỏi công bằng, tôi đã kiên trì và tiếp tục. Đây có thể là một cách sống khác. "

 

Chị đã viết, "Cha tôi và ông nội tôi đã chọn sự im lặng vì sự an toàn của họ. Bây giờ là thời của tôi, và nó phải khác."

 

Tôi xúc động vì sự can trường của chị, vì những gì chị viết, và sự chị sẵn sàng trực diện thực tế trong một thế giới không muốn ta nhìn thấy nó hơn . Đời sẽ đơn giản hơn biết bao nếu ta giữ im lặng, quay lưng đi với những đau khổ của người khác và những bất bình đẳng xung quanh ta. Tuy nhiên, chị đã thể hiện qua những gì chị viết và cuộc sống của chị một cam kết với tất cả chúng ta - trong và ngoài Việt Nam - cuộc đấu tranh của chị để bảo vệ các quyền cơ bản mà tất cả chúng ta đều cần có. Việc quyền của chị đã bị chối bỏ - một phiên tòa công bằng, đúng thủ tục, và quyền tự do ngôn luận - là một sự bất công tàn khốc mà chúng ta có trách nhiệm phải đối chất.

 

Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mong chị có sức mạnh và can đảm. Xin chị hãy biết rằng tiếng nói của chị vẫn rõ ràng, vang dội và mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đòi tự do cho chị. Tôi đã được thôi thúc bởi nhân tính của chị, bởi lòng tin tưởng chị đặt vào lời nói, lời viết và bởi sự tốt lành của chị. Tôi hy vọng có thể có cơ hội gặp tận mặt chị một ngày gần đây.

 

Tôi sẽ tiếp tục viết thư cho chị và nói thay chị cho đến ngày tự do của chị được trả lại cho chị một cách chính đáng.

 

Với những cầu chúc tốt đẹp nhất,

Madeleine Thien

Montreal, Canada