B20120506_xdvpt_xahoidansu_cd

Tiếng Việt‎ > ‎Văn hóa - Xã hội‎ > ‎

Phát triển Xã Hội Dân Sự trong cộng đồng ở Đức  (1)

Đặng Lâm

I. Khái niệm về Xã Hội Dân Sự và dưới mắt nhìn của nhà nước CSVN

 

1. Khái niệm về Xã Hội Dân Sự

Theo Wikipedia (một loại Bách khoa Toàn thư) Xã Hội Dân Sự là một khái niệm về những hành động tập thể mang tính tự nguyện xoay quanh những lợi ích, mục tiêu và giá trị được chia sẻ.

Nói đơn giản là các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân trong những hoạt động vì một mục đích chung.

Xã Hội Dân Sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức, đoàn thể, các hội từ thiện xã hội, các công đoàn, các tổ chức tôn giáo, các hiệp hội kinh doanh, các hội nghề nghiệp và các tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ)…

2. Xã Hội Dân Sự dưới mắt nhìn của nhà nước CSVN

Chế độ chính trị VN hiện nay là chế độ „độc đảng“, „toàn trị“ không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, hoàn toàn do Đảng chi phối toàn bộ các sinh hoạt trong xã hội.

Đảng CSVN có quyền lực tối cao, Đảng điều khiển nhà nước và các „đoàn thể quần chúng“ do Đảng lập ra. Đảng nắm Quốc hội, Chính phủ, bộ máy Tư pháp, Công an, Quân đội và các tổ chức „quần chúng“ của Đảng như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn…

a- MTTQ: Đảng coi MTTQ là tổ chức Xã Hội Dân Sự là không chính xác vì không phải tổ chức do dân chúng tự nguyện lập ra, là cơ quan do Đảng thành lập, sống bằng ngân sách nhà nước và được điều hành từ những cán bộ do Đảng bổ nhiệm.

b- Công đoàn: Tại VN công đoàn là công cụ của chế độ, giúp cho Đảng và chính quyền quản lý, kiểm soát công nhân, chứ không phải để bảo vệ quyền lợi công nhân. Cán bộ công đoàn do Đảng bổ nhiệm. Vì Đảng độc quyền nắm quyền lực chính trị nên công đoàn trở thành một tổ chức chính trị của nhà nước.

c- NGO: Khái niệm tổ chức NGO „phi chính phủ“ ở trong nước, là một khái niệm không rõ ràng, gây ngộ nhận. Chúng ta cần xác định một tổ chức NGO thực sự tại VN, phải là một tổ chức vừa phi chính phủ và vừa phi Đảng.

d- Cho đến nay Đảng CSVN coi Xã Hội Dân Sự là vấn đề „nhạy cảm“. Đảng lo sợ một Xã Hội Dân Sự phát triển sẽ đóng vai trò đối trọng và Đảng sẽ mất quyền lực, do đó Đảng CSVN tìm cách giới hạn việc phổ biến, nghiên cứu, thảo luận về Xã Hội Dân Sự, hạn chế các chức năng của các NGO (trong nước và từ nước ngoài).

3. Xây dựng và phát triển Xã Hội Dân Sự tại VN

Từ lúc chuyển sang Kinh tế Thị trường (dù có ngụy biện thêm cái đuôi „định hướng XHCN“), Đảng chỉ còn tập trung kiểm soát về lãnh vực thông tin báo chí, an ninh, công an, quân đội, là những trụ cột để chế độ „trụ“ được tới ngày nay. Các lãnh vực khác từ kinh tế, xã hội, tôn giáo, y tế, văn hóa, giáo dục… Đảng không thể / không khả năng kiểm soát chặt chẽ như trước. Tuy thế đa số người dân trong nước còn hiểu biết rất ít về Xã Hội Dân Sự, VN đến nay chưa có Xã Hội Dân Sự đích thực, chưa mang tính độc lập trong khía cạnh phản ánh nguyện vọng của người dân.

Trong những năm gần đây xã hội VN bắt đầu mở ra bên ngoài, không còn khép kín gò bó như trước. Thời đại thông tin Internet, nối mạng, buôn bán làm ăn với bên ngoài ngày một mở rộng. Các giới trí thức, sinh viên, từ nhiều năm nay đã bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu vai trò và tác động của Xã Hội Dân Sự trong xã hội.

Trong năm 2011 có 11 lần biểu tình tại Hà Nội và 2 lần tại Sài gòn, dù bị nhà cầm quyền đàn áp, nhưng đã nói lên tinh thần yêu nước chống gây hấn và xâm phạm chủ quyền VN của nhà cầm quyền TQ. Đây là sự manh nha của một Xã Hội Dân Sự độc lập qua những hành động „phản kháng dân sự“, nằm trong mô thức Xã Hội Dân Sự đang dần trở nên một xu thế ở xã hội VN.

Muốn đất nước tiến bộ và phát triển, muốn chuyển hóa độc tài toàn trị thành một chế độ tự do dân chủ, chúng ta cần thúc đẩy tiến hành quá trình xây dựng Xã Hội Dân Sự. Quá trình đó là khởi đầu thúc đẩy nâng cao trình độ dân trí, trong nỗ lực đòi hỏi các quyền tự do ghi trong Hiến pháp (ngôn luận, báo chí…). Dân trí chỉ có thể được nâng cao trong quá trình thực hiện dân sinh, bảo vệ nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân, như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội…

Con đường nâng cao dân trí, bảo vệ nhân quyền, sẽ góp phần xây dựng phát triển Xã Hội Dân Sự. Xã Hội Dân Sự phải là cái nền vững chắc thì mới có thể chuyển đổi một thể chế độc tài toàn trị sang một chế độ dân chủ đa nguyên pháp trị. Triển khai Xã Hội Dân Sự là con đường tất yếu để dân chủ hóa đất nước.

II. Phát triển Xã hội Dân sự trong cộng đồng ở Đức

* Tại Đức trước và sau 1975 người Việt đã từng thành lập các Hội Sinh viên, các Hội đoàn địa phương (các Hội người Việt tị nạn, Hội Ái hữu…), các Hội đoàn liên bang (Liên Hội, Tổng hội), các Trung tâm văn hóa xã hội (TT Độc Lập, TT Nhân Quyền…), các Hội tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành…), các Hội chuyên môn về ngành nghề (Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Y Dược …), các Hội kỷ niệm nhớ về trường cũ (Hội Petruský, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Gia Long…), các Hội đồng hương (Hà nội, Hải phòng, Cần thơ…), các Hội cựu quân nhân, cựu chiến binh, hội doanh nhân v.v…

Từ khi có Email, Internet có thêm cái mới là „cộng đồng mạng“, các Website, các trang Blog…cũng là hình thái của Xã Hội Dân Sự.

* Từ sự nghi ngại Xã Hội Dân Sự ở trong nước, nhà cầm quyền CSVN ra lệnh cho các tay chân thân chế độ phải „Mặt trận hóa“ các hội đoàn nầy, đặc biệt các Hội được thành lập tại Đông Đức, để dễ dàng kiểm soát chỉ đạo. Thí dụ vai trò của Hội „Liên Hiệp“ tai Đức được thành lập từ tháng 10.2011, phù hợp với tính toán của Nghị quyết 36, nhằm khai thác tiền bạc, chất xám và chia rẽ cộng đồng…

* Phát triển Xã Hội Dân Sự trong cộng đồng ở Đức cần:

- Phát huy dân trí, qua việc nâng cao trình độ hiểu biết, có thông tin nhiều chiều, trao đổi tìm hiểu tình hình VN và tình hình cộng đồng.

- Chủ trương đối thoại và tôn trọng các ý kiến khác biệt.

- Không chủ trương áp đặt (từ sự treo cờ, chụp mũ, nói xấu…)

- Người chủ trương tự do dân chủ cần giảm bớt sự chủ quan: Nếu mong muốn hoạt động của mình đạt kết quả thì phải thật sự bình tĩnh, cầu thị, để tìm cho ra những điều mình còn yếu kém hoặc sai lầm. Tự ái quá thì chẳng ai dám góp ý cho mình.

- Cũng vì thiếu hiểu biết, lại chủ quan nên lúc hoạt động dễ gây ra những điều thái quá:

+ nôn nóng quá, vội vàng quá, đơn giản quá,

+ quá sống với thế giới ảo của Internet, tự đánh lừa mình,

+ quá trông chờ vào sự hỗ trợ của quốc tế, nên không tin vào sức mình,

+ quá tin vào sức mạnh của niềm tin tôn giáo. Việt Nam không có „quốc giáo“, đời sống thế tục là chính yếu.

* Phát triển Xã Hội Dân Sự trong cộng đồng là mong muốn cộng đồng có dân chủ, giảm bớt những thành phần cực đoan. Trong cộng đồng cần đa nguyên, đa chiều, đa xu hướng, cần đối thoại chứ không độc thoại, không áp đặt, không độc quyền „chống Cộng“ hay độc quyền „yêu nước“…

* Chúng ta có nhiều cách làm việc theo nhiều hình thức thích hợp, thoáng, không có hình thức hay biện pháp duy nhất, không bắt buộc phải thống nhất vào một tổ chức duy nhất. Phong trào dân chủ rất đa dạng, không chỉ thuần về lãnh vực chính trị, thay đổi cơ chế cầm quyền, mà còn chú trọng về nhiều phương diện, trong các lãnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội… có cùng mục tiêu chung là độc lập dân tộc và dân chủ hóa VN.  Chính vì thế chúng ta nên chủ trương  „đồng thuận hơn là đồng nhất“, „hợp đồng hơn là hợp nhất“. Trong quá khứ nhiều Hội đoàn, Tổ chức, chủ trương hợp nhất thành một tổ chức, sau đó gặp khó khăn tan rã, mà còn làm khó cho nhau.

* Đáng lo là trong cộng đồng người Việt dễ đi đến sự „phân ly“, chỉ vì những khác biệt nhỏ về hoàn cảnh, về xuất xứ, về cách làm… dễ làm hại đến các mục tiêu lớn là dân chủ hóa và phát triển đất nước. Điều nầy rất khó với người Việt chúng ta, là điểm yếu nhất của người Việt, trong đó có tính hiếu thắng và tinh thần khó bao dung…

* Việc làm của Diễn đàn VN 21 là cùng đóng góp với cộng đồng thay đổi nhận thức, mở ra nhận thức mới, rút kinh nghiệm trong quá khứ, nhưng hướng về tương lai…

Nhưng nhận thức đúng muốn thành sức mạnh cần:

- các trao đổi, thông tin, tổ chức họp mặt, hội thảo…

- giúp cộng đồng có tiếng nói ảnh hưởng với chính quyền bản xứ và hỗ trợ công cuộc vận động dân chủ hóa trong nước…

* Hỗ trợ các dự án liên hệ đến môi trường và an toàn (thí dụ chống ô nhiễm môi trường trong việc khai thác Bauxite ở Tây nguyên, chống xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại VN…) Môi trường, môi sinh là một trong những tiêu chí đấu tranh rất quan trọng của phong trào dân sự trên thế giới.

* Vận động các quốc gia dân chủ, mở rộng quan hệ dân sự với VN, quan hệ giao lưu giữa các hội đoàn công dân, hội đoàn nghề nghiệp, phát triển quan hệ trong Văn hóa, Giáo dục, giúp đỡ đào tạo bậc Đại học và Kỹ thuật bậc cao, các quan hệ giao lưu về tư pháp, tòa án…

* Vận động chính quyền Đức tại địa phương, có chính sách hội nhập, bình đẳng với người di dân. Các hội đoàn người Việt, nên/cần tham gia vào các dự án „hội nhập“ (Integration), làm việc chung với các Hội thiện nguyện Đức, các đảng chính trị dân chủ Đức. Thực tế tại Đức hiện nay cứ 5 người dân Đức là có 1 người gốc di dân và thế hệ 2 sinh ra dần tăng trưởng trong xã hội Đức.

* Chính cuộc họp mặt hôm nay cũng là thiện chí góp phần xây dựng phát triển Xã Hội Dân Sự trong cộng đồng (gặp gỡ, chia sẻ về tình hình VN và tình hình cộng đồng). Cần thiết là chúng ta không chủ trương độc quyền „yêu nước“, tôn trọng các ý kiến khác biệt, không cho ý kiến chúng ta là chân lý, lắng nghe và ôn hòa…

Đ.L.

(1) bài tham luận trong cuộc hội thảo Stuttgart tháng 05 năm 2012 của Diễn đàn Việt Nam 21

Cần xây dựng và phát triển Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam

Trong dịp đi thăm VN của bà TT Merkel (10.-12.10.2011), báo chí Đức đưa tin là ngoài việc ký kết các hợp đồng kinh tế buôn bán giữa Đức và VN, cho biết Bà sẽ đặt vấn đề Nhân quyền và gặp đại diện Xã Hội Dân Sự (Zivilgesellschaft) tại VN (?)

Câu hỏi đặt ra:

- bà Merkel gặp Xã Hội Dân Sự nào tại VN ? hay Bà gặp đại diện Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ), một tổ chức „Xã Hội Dân Sự“ do Đảng CSVN nặn ra.

- Ở VN hiện nay đã có Xã Hội Dân Sự thực sự chưa?[xem...]