BCT20190930-ToGiacDoiTraCuaCANDOnline

TỐ GIÁC NHỮNG DỐI TRÁ CỦA BÁO „CÔNG AN NHÂN DÂN ONLINE“

trong bài „Tổ chức Phóng viên không biên giới lại diễn trò hề“

T.K.TRAN

30/09/2019 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Cách đây vài tuần, tổ chức „Phóng viên không biên giới“ (Reporter sans Frontière, từ đây viết tắt là RSF) đã trao tặng giải thưởng Press Freedom Award  2019 cho cô Pham Đoan Trang cùng với 2 phụ nữ khác. Việc vinh danh một nhà báo phản kháng chế độ Cộng Sản, dấn thân cho tự do dân chủ đã khiến nhà nước Việt Nam bực bội và tìm cách bôi nhọ tổ chức RSF và cá nhân cô Phạm Đoan Trang, điển hình qua bài viết „Tổ chức Phóng viên không biên giới lại diễn trò hề“, đăng trên „Công an nhân dân online“  (từ nay gọi tắt là CAND) ngày 16 tháng 9 vừa qua.

http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/To-chuc-Phong-vien-khong-bien-gioi-lai-dien-tro-he-561743/

Lập luận của CAND nói chung là cho rằng RSF không khách quan, nhận tiền của tư bản, tài phiệt quốc tế để công kích phá hoại một số quốc gia, trong số đó có Việt Nam, đồng thời lại nhân nhượng, im lặng với những vi phạm tự do báo chí đối với một số quốc gia „thân hữu“ của RSF như Mỹ, Philippines. CAND  trích dẫn phát biểu  về RSF của một số tác giả nước ngoài, đưa ra  một số dữ kiện để ra vẻ trung thực -nói có sách mách có chứng- biện minh cho lập luận của họ.

Những điều mà CAND nêu ra gán ghép cho RSF có thực  khách quan, hay chỉ phản ánh lại cách thông tin bóp méo, mập mờ đánh lận con đen cố hữu của nhà nước VN đối với những „thế lực thù  địch“ của họ, hòng gây hoang mang cho người đọc, lũng đoạn dư luận?

Bài viết này nhằm mục đích đánh giá những cáo buộc của CAND.

RSF đối với nước Mỹ

CAND cáo buộc RSF nhận tiền của quỹ „Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ“ (NED, National Endowment for Democracy), gián tiếp từ bộ Ngoại giao Mỹ, của giới tài phiệt Mỹ (ví dụ George Soros...) nên „không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và đồng minh“.

Vấn đề tài trợ từ  phía chính phủ, đoàn thể hay cá nhân tới các hội đoàn phi chính phủ là một vấn đề cần được mổ xẻ, sẽ được trình bầy trong phần sau của bài. Song đoan quyết rằng RSF không đưa ra báo cáo  nào về hoạt động chống lại nhà báo của chính phủ Mỹ là sai lầm:

RSF đã đòi hỏi chính phủ Mỹ phải trả tự do cho Sami al-Haj của hệ thống Al Jazeera đã bị Mỹ bắt giam vô cớ ở Guantanamo từ 2002, cho  nhà báo Addel Amir Ynes Hussein của đài truyền hình CBS News bị giam năm 2005. RSF tố cáo chính phủ Mỹ về chế độ giam cầm và tra tấn ở Guantanamo, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải đưa ra bằng cớ  tội phạm của 2 phóng viên trên.

Năm 2006 RSF kết án nhà nước Mỹ về  vụ bắt giam  phóng viên Josh Wolf sau vụ biểu tình phản đối G8 ở San Francisco. Wolf được trả tự do sau 7 tháng. Trong trường hơp 2 nhà báo Lance Williams và Mark Fainaru-Wada của nhật báo San Francisco Chronicle, RSF bảo vệ quyền của phóng viên được giữ bí mật về nguồn tin, khi các nhà báo này bị nhà nước Mỹ ép  buộc phải khai.

Trong thời gian gần đây, khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump không úp mở tỏ lộ thái độ thù nghịch với báo chí (gọi họ là kẻ thù nhân dân) thì nhiều nhà báo  Mỹ bị khủng bố tới mức dọa giết hay đặt bom. Hàng trăm trường hợp phóng viên bị sách nhiễu đã được ghi lại tại trang US  Press Freedom Tracker, người ta có thể tìm đọc tại các trang mạng của RSF.

Về việc nước Mỹ là  một đai cường của phe tự do dân chủ mà bị RSF xếp hạng 49 trên 180 trong thứ hạng về tự do báo chí, thì đây là một điều nói lên tính độc lập của RSF.

Những thí dụ trên cho thấy rằng  báo CAND  đã hoàn toàn bịa đặt khi viết  RSF không  đưa  ra báo cáo  về  việc chính quyền Mỹ chống lại  nhà báo.

Trường hợp nhà báo M.Abu-Jamal bị kết án tử hình. Một vụ án không liên quan tới nghề phóng viên

Báo CAND  viết rằng  RSF: „không đề cập qua bất cứ câu chữ nào trong các bản báo cáo“ về vụ án này.

Abu-Jamal là một nhà báo người Mỹ, đồng thời là nhà đấu tranh cho nhân quyền. Năm 1981, Abu-Jamal can dự vào vụ bắn chết cảnh sát viên Daniel Faukner. Năm 1982 Abu-Jamal bị tòa án tuyên án có tội và bị kết án tử hình.Vụ án này trở nên nổi tiếng khắp thế giới bởi tên tuổi và quá trình hoạt động của tử tù, đã dấy lên một làn sóng trên khắp thế giới phản đối án tử hình tại Mỹ và kêu gọi trả tự do cho Abu-Jamal.

Mặc dù vụ giết người không liên quan gì tới nghề nghiệp phóng viên  hay quá trình hoạt động của ông, tổ chức RSF vào năm 2010 đã cùng những tên tuổi nổi tiếng trên thế giới như Danielle Mitterand, Desmond Tutu, Günter Grass...) đưa kiến nghị lên Tổng thống Obama yêu cầu Mỹ bãi bỏ án tử hình cho Abu-Jamal nói riêng, hủy bỏ án tử hình ở Mỹ, nói chung. Sau này Abu-Jamal được khoan hồng. Án tử hình được chuyển thành án tù chung thân. Tháng 12 năm 2011 ông được rời khỏi trại tù tử hình và đưa tới trại giam bình thường ở Frackville.

Nhắc lại là vụ án xẩy ra năm 1981. RSF được thành lập sau này vào năm 1985 và những báo cáo thường niên của RSF chỉ mới bắt đầu từ năm 2002. Vậy khi  báo CAND  cáo buộc là RSF không báo cáo về trường hợp Abu-Ramal, xẩy ra trước ngày thành lập RSF, không nhắc tới kiến nghị vào năm 2010 có RSF ký tên, là có ẩn ý gì, nếu không là mưu đồ mập mờ, „gắp lửa bỏ tay người“?

RSF và  Philippines

Báo CAND viết: „RSF không đưa tin về những người hoạt động  trên lãnh vực truyền thông bị giết hại tại Philippines....

Người đọc không khỏi ngạc nhiên về „thông tin“ này. Philippines là một quốc gia nhược tiểu, có quyền lực gì mà khiến tổ chức RSF e dè không dám đụng chạm tới nhà cầm quyền? Thực hư ra sao?

„Thông tin“ của báo CAND chỉ đúng một nửa khi  viết rằng có nhiều nhà báo bị giết ở  Philippines, nhưng cũng sai một nửa, khi viết  là RSF không đưa thông tin về điều này:

Sự thật là  RSF đã  nhận thấy  từ  năm 1986, khi Philippines  bắt đầu xây dựng nền dân chủ, tới năm 2002 có ít nhất là 42 trường hợp trong tổng cộng 54 vụ giết phóng viên hay người  hoạt động truyền thông  không được điều tra thỏa đáng, tìm tội phạm. Mãi tới khi RSF gửi một phái đoàn tới Philippines , Tổng Thống Philippines lúc đó là bà Gloria Ayrroyo mới  bắt đầu lưu tâm và tuyên bố: „Ngày phán xét  tội  của các ngươi đã tới...“ hướng về các thủ phạm giết phóng viên.

Năm 2018, một nữ  phóng viên người Philippines, bà Inday Espina-Varona  được RSF vinh danh, trao tặng giải thưởng  Press Freedom Award vì  những phóng sự  của bà về những đề tài nhạy cảm như vấn đề trẻ em mãi dâm, bạo lực với phụ nữ... ở Philippines. Bà cũng là người dẫn đầu  phong trào bảo vệ nữ quyền, đối trọng với Tổng Thống Duterte, vốn được xem như người hay khinh thường phái nữ.

Năm 2019 theo xếp hạng của RSF, Philippines đứng hàng 134 trên tổng số 180 của World Press Index.

Báo CAND dựa vào đâu, để kết luận là RSF không đưa tin về  vấn đề  báo chí  ở Philippines?

RSF, Cuba và Giáo sư Salim Lamrani

Báo CAND trích dẫn bài viết của Salim Lamrani: „RSF không phải là một nguồn đáng tin cậy....ác ý của nó đối với một số quốc gia nằm trong danh sách đen của Mỹ hầu như không phải là vấn đề trùng hợp

Salim Lamrani là ai?

 

Ông là một trí thức Pháp thiên tả, chuyên viên về Cuba, mổ xẻ  chính sách cấm vận Cuba của Mỹ  trong nhiều bài nghiên cứu. Ông có mối thiện cảm  rõ rệt với chế độ Cuba  và Fidel Castro: „ Il est en defence du bilan de Fidel Castro “ (Ông ta  bảo vệ chính sách của Fidel Castro, theo lời Jean Pierre Bel) hay: „ un jeune de gauche engagé particulièrement avec Cuba et le Venezuela " (một người thiên tả trẻ tuổi, dấn thân đặc biệt cho Cuba và Venezuela, theo Ramon Chao).

Đối với Cuba, RSF có một quan hệ không mấy đầm ấm từ  năm 2004 khi RSF tố cáo Cuba bắt giam 21 nhà báo bất đồng chính kiến và xếp Cuba vào nhóm 10 quốc gia có thành tích đàn áp báo chí nhiều nhất thế giới. Đối lại, chính quyền Cuba công kích  RSF được thành lập chỉ có mục tiêu  tấn công Cuba, những người bị bắt là vì có dính líu tới CIA. Cuba cấm cửa RSF, không cho phép nhân viên RSF nhập cảnh Cuba. Do đó RSF sau này  gặp nhiều khó khăn khi đánh giá tình hình tự do báo chí ở Cuba, một quốc gia như VN, nơi mà báo chí tư nhân không được cho phép.

Là một người thiên tả, có thiện cảm với Cuba, Sami Lamrani bênh vực, „về hùa“ với chính quyền Cuba cũng là một điều có thể hiểu được.

RSF , Ma-Rốc (Morocco), trang mạng Morocco World News và nhà báo Safaa Kasraoui

Báo CAND  viết: „ … nhà báo Safaa Kasraoui của tờ Morocco World News đánh giá: Báo cáo của RSF là sai lệch, không chính xác và không tính đến, theo cách khách quan và vô tư của nhiều chỉ số tích cực về môi trường và tự do báo chí “.

Safaa Kasraoui là ai?

Khác với  Sami Lamrani, Safaa Kasraoui không phải là một nhà báo tiếng tăm. Cô là nhân viên của  Morocco World News, một trang mạng viết tiếng Anh duy nhất ở Ma-Rốc (Phi Châu), chuyên đưa thông tin  liên quan tới Ma-Rốc cho người nước ngoài đọc. Công việc của cô là nhặt nhạnh những tin tức đó và đưa lên mạng. Mỗi ngày có tới 4-5 mẩu tin về mọi đề tài, từ chính trị, kinh tế, xã hội cho tới thể thao trên mạng Morocco World News ký tên Safaa Kasraoui. Nếu muốn, người ta có thể tìm đọc trên mạng không dưới 2535 bản tin của Safaa Kasraoui.

Ngày 19 tháng 5 năm 2018, Safaa Kasraoui đưa lên mạng bản tin với tựa đề : Morocco rejects Reporters without Borders´ Report on Press Freedom as „Biased“ ( tạm dịch: Ma-Rốc bác bỏ báo cáo  về tự do báo chí của RSF  vì không khách quan) sau khi  RSF xếp Ma-Rốc  hạng 135 trên tổng số 180 vào năm 2018.

Phần tin tiếng Anh  của Morocco World News liên quan tới trích dẫn của báo CAND nguyên văn như sau:

Contesting RSF’s report, the ministry wrote, in a statement quoted by Maghreb Arab Press (MAP), that the document is “biased, inaccurate and does not take account, in an objective and impartial way of the many positive indicators of the climate of openness and freedom” in Morocco.

Người đọc có thể dễ dàng nhận ra rằng nhận định  về RSF mà báo CAND nêu lên  ở trên, không phải là của nhà báo Safaa Kasraoui mà là  tuyên bố của  Bộ Văn Hóa nhà nước Ma-Rốc được trích dẫn bởi cơ quan  Maghreb Arab Press. Nhà báo S. Kasranoui không hề đánh giá RSF mà chỉ tường thuật lại phản ứng của nhà nước Ma-Rốc khi bị RSF xếp hạng tương đối thấp. Tệ hại hơn thế, báo CAND còn cắt bỏ chữ „in Morocco“ trong nguyên tác, làm như „đánh giá“ này có tính phổ quát bao gồm toàn bộ hoạt động của RSF, chứ không giới hạn ở quốc gia Ma-Rốc.

Đây có lẽ là một trong các lối lường gạt người đọc trắng trợn nhất: Không những  họ hoán đổi tác giả lời phát biểu, mà còn cắt xén lời lời phát biểu cho thích  hợp với ý đồ  riêng tư của họ. Báo CAND đã khinh thường độc giả quá mức.

Vấn đề  độc lập và tài chính của RSF

Đối với những tổ chức độc lập phi chính phủ thì ngân sách hoạt động là cả một vấn đề phức tạp. Một mặt, họ phải tìm cách  tự kiếm tiền làm kinh phí hoạt động. Mặt khác, họ cũng phải dựa vào những nguồn tài trợ  từ bên ngoài để có thêm phương tiện. Chính vì  nguồn tiền từ bên ngoài rót vào mà những tổ chức này phải đối diện với những nghi ngại rằng  công việc của họ  sẽ bị chi phối bởi những nhà tài trợ.  

Tổ chức RSF cũng không ra ngoài thông lệ đó. Không những phải đối diện với những cáo buộc từ bên ngoài, mà từ bên trong nội bộ RSF cũng đã xẩy ra những tranh cãi  về việc nhận tài trợ . Trong những năm đầu tiên của tổ chức, một trong bốn sáng lập viên là Robert Menard đã dè dặt trong việc phê phán những nơi mà tổ chức này được tài trợ, để có tiền đấu tranh ở những nơi khác cần thiết hơn: Trích dẫn phát biểu của Menard: « pour nous médiatiser, nous avons besoin de la complicité des journalistes, du soutien de patrons de presse et de l'argent du pouvoir économique » « Nous avons décidé de dénoncer les atteintes à la liberté de la presse en Bosnie ou au Gabon et les ambiguïtés des médias algériens ou tunisiens... mais de ne pas nous occuper des dérives françaises ». Một số thành viên then chốt của RSF không đồng ý lập trường này, đã vì thế mà ra đi.

Nhưng bắt đầu từ năm 2008, khi  Jean Francois Juilliard thay thế Menard trong chức vụ Tổng Thư Ký thì đường lối của RSF thay đổi, người ta dễ dàng nhận thấy rằng các nước lớn tài trợ cũng bị phê phán  nhiều.

Trong bài báo của CAND có đầy rẫy những cáo buộc là khi nhận tiền, RSF phải chủ yếu phục vụ cho các mục đích chính trị  của phía tài trợ. Điều này không trung thực:

Năm 2008  RSF có 1 ngân sách khoảng 4 triệu €, trong đó có khoảng 2,4 triệu € là do tiền tự kiếm  được qua việc bán lịch và sách hình. Nhật báo Figaro (Pháp) tìm thấy có 2 khoản tiền gây tranh cãi là 64000 € tài trợ của Center for a free Cuba và 35000 € của National Endowment for Democracy (NED). Những số tiền nhỏ, thực sự không đáng kể so với toàn bộ ngân sách. NED đã tài trợ không tới 1% ngân sách của RSF, nhưng CAND viết dựng đứng : „Những đóng góp hào phóng nhận được từ NED giải thích sự liên kết của RSF với Nhà Trắng.“  

Năm 2018 chỉ riêng chi nhánh Đức của RSF có ngân sách quãng 2,6 triệu €, trong đó có quãng 50% là tài trợ đến từ chính phủ Đức (bộ Hợp tác Thương Mại và Phát triển, Bundesministerium für wirtschaftliche Zusammemarbeit und Entwicklung, viết tắt là BMZ) và Giáo Hội Tin Lành. Trong báo cáo 2018 RSF tuyên bố là không dùng tiền tài trợ của BMZ để chi trả cho  nhân sự chính yếu của các hoạt động đang tiến hành hầu bảo đảm cho sự độc lập của tổ chức (Bezüglich der BMZ-Förderung hat der ROG-Vorstand wie schon in den Vorjahren seinen Beschluss erneuert, mit Einnahmen aus Drittmitteln keine festen Stellen für die laufende Arbeit zu finanzieren. Das sichert die Unabhängigkeit unserer Organisation.).

Nói chung, quan hệ „cho“ và „nhận“ là một quan hệ nhạy cảm, phức tạp. Có khi „cho“ có điều kiện đính kèm và „nhận“ cũng có điều kiện. Như  thế, quan hệ này trở thành một cuộc mua bán,  trao đổi, có qua có lại.

Quan hệ mua bán này khác với những tài trợ, cống hiến vô điều kiện cho những tổ chức  hay cá nhân làm việc thiện nguyện, vô vị lợi. Ở đây, bên „nhận“ không phải có nghĩa vụ gì với bên „cho“.

Các quán cơm từ thiện 2000 đồng ở VN không đòi hỏi người ăn phải có nghĩa vụ gì. Trong chương trình „Tiếp sức đến trường“ của báo Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp tài trợ có đòi hỏi gì với các em SV nhận học bổng? Trên bình diện quốc gia hiện nay, VN có nghĩa vụ phục vụ cho động cơ chính trị của các quốc gia cho viện trợ ODA không?

Những hội đoàn phi chính phủ phải giải trình hoạt động tài chính để chứng minh sự độc lập của họ.

Một điểm sáng của RSF trong vấn đề  nhạy cảm này là họ minh bạch các khoản tiền trong ngân sách, rõ ràng chi tiết tới từng đồng Euro. Ai cũng có thể đọc trong các báo cáo  hàng năm trong  trang mạng của RSF.

Phạm Đoan Trang,  con đường đầy chông gai nhưng đúng hướng

Trong phần hai của bài báo, CAND chỉa mũi dùi vào người được RSF vinh danh. Không tìm được nguyên do thấp hèn cho sự dấn thân của cô Đoan Trang, báo CAND cáo buộc là vì „động cơ cá nhân“ mà cô tham gia chống phá „Đảng và nhà nước“. „Động cơ cá nhân“ là gì , báo CAND không giải thích. Phải chăng động cơ cá nhân của cô là những trận đòn thù của Công An khiến cô gẫy chân, mang tật nguyền suốt đời? Động cơ của cô là tình cảnh sống không nhà riêng, không gia đình chồng con, phải trốn chui nhủi tránh Công An? Động cơ của cô là viết sách  chui, in sách chui rồi tặng không sách về tự do dân chủ cho người đọc, để góp phần khai dân trí mà không màng lợi ích gì cho  chính bản thân? Động cơ cá nhân của cô là chấp nhận một  trận đấu không cân xứng giữa người phụ nữ nhỏ bé tật nguyền với một bộ máy nhà nước khổng lồ, bạo lực?

                                                                               * * *

Sự kiện RSF vinh danh cô Pham Đoan Trang đã làm nhà nước VN giận dữ. Việc bôi nhọ RSF và cô Đoan Trang qua bài viết của báo CAND bộc lộ rõ phương pháp bá đạo của họ trong phương tiện truyền thông. Từ lối loan tin „một nửa sự thực“ trong trường hợp Philippines (Một nửa khúc bánh mì vẫn là bánh mì, song một nửa sự thật không phải là sự thật) cho tới „mập mờ đánh lận con đen“ trong trường hợp Ma-Rốc (tuyên bố của nhà nước Ma-Rốc trở thành „đánh giá“ có tính phổ quát của nhà báo), hay vu khống „gắp lửa bỏ tay người“ trong trường hợp Mỹ, pha trộn thêm „phụ gia“ là những tên tuổi ngoại quốc cho ra vẻ khách quan, đã khiến người đọc lại khẳng định  rằng:

Bài báo của CAND tương ứng với hình ảnh „nằm ngửa nhổ ngược“: tưởng rằng đã bôi xấu người khác, hóa ra là tự mình bị hại: người đọc kết luận rằng báo CAND nói riêng và báo chí  nhà nước nói  chung chỉ để tuyên truyền dối trá,  không phải là để thông tin, bình luận trung thực.

T.K.T.

Nguồn tham khảo: