B20120209_khidangso_xhdx

Tiếng Việt‎ > ‎ Xã hội dân sự‎ > ‎

 Xã Hội Dân Sự  

Khi Đảng sợ Xã Hội Dân Sự: báo Nhân Dân đã bị "thế lực thù địch" lũng đoạn?

Trần Việt

Trong bài tham luận tại buổi hội thảo về Chính Trị, Tôn Giáo và tình hình Việt Nam ngày 30/08/2012 tại Centre Renaissance, Montréal, Canada, bà BS Cấn Thị Bích Ngọc đã nhắc đến câu nói của một người bạn: "khi lòng dân đã quyết, không có một vũ khí nào có thể tiêu diệt được sức mạnh của cả một dân tộc" vì bà thấy câu này hay và đúng quá. 

Thật vậy, câu nói nêu trên được chứng minh trong hai năm qua khi cơn bão Tự Do đã quét sạch nhiều chế độ độc tài ở Bắc Phi. Các biến cố ở Bắc Phi không những cổ vũ cho các phong trào dân chủ khắp nơi mà còn làm tăng cơ hội thành công cho các cuộc đấu tranh vì dân chủ của những dân tộc còn đang bị áp bức và ngược đãi. Khi người dân kết hợp cất tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình hay cho xã hội, cho đất nước thì đó là một sức mạnh không thể bỏ qua. Thí dụ cụ thể là các phong trào hòa bình, phong trào bảo vệ thiên nhiên, phong trảo chống năng lượng hạt nhân, phong trào đòi bình quyền cho người đồng tính luyến ái, v.v. suốt 40 năm qua ở Đức hay gần đây nhất, ban nhạc nữ Pussy Riot ở Nga từ một nhóm nhỏ ít ai biết nhưng sau khi 3 thành viên bị kết án tù đã trở nên nổi tiếng và trở thành chất keo gắn bó những tiếng nói phản đối ở Nga bất kể về một vấn đề gì. Hình thái này ở khắp nơi được gọi là "Xã Hội Dân Sự", thậm chí người ta còn coi Xã Hội Dân Sự là quyền thứ năm tiếp nối theo quyền thứ tư là báo chí.

Thế nhưng tại những nước độc tài toàn trị Xã Hội Dân Sự bị coi là kẻ thù. Tại Việt Nam, khi người dân lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình (dân oan bị cướp đất), cho xã hội (thư kêu gọi phản đối điện hạt nhân) hay cho đất nước (biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa) thì lập tức bị đàn áp bằng nhiều hình thức, từ bôi nhọ trên truyền thanh truyền hình, dùng xã hội đen trấn áp đến bỏ tù. Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay rất sợ Xã Hội Dân Sự và đã cho bồi bút viết lộn ngược dòng tiến hóa xã hội, mới nhất là bài báo ""Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình" của Dương Văn Cừ đăng trên báo Nhân Dân ngày 31/08/2012. Có lẽ đảng CSVN và Dương Văn Cừ sợ quá mất khôn, sợ đến độ bác bỏ cả Hiến Pháp 1946, một hiến pháp của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước khi trở thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ông Dương Văn Cừ viết: "Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai... Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam". Đáng chú ý là ông Cừ chỉ trích "quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây", ở chỗ này ông Cừ mất khôn đến độ phủ nhận luôn cả lời của "bác" Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố ở quảng trường Ba Đình ngày 2/9: 

     "Hỡi đồng bào cả nước! “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Ngoài ra, báo Tia Sáng của Bộ Khoa Học và Công Nghệ ngày 16/09/2009 trong bài "Xã hội dân sự Việt Nam" (1) cũng viết rõ:      "Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam cũng là sự kế thừa các phong trào xã hội dân sự. Trong phong trào cải cách và giải phóng dân tộc, Cụ Hồ Chí Minh trong Yêu sách gửi hội nghị Hòa bình Versailles ngày 19/06/1919, Người đã chỉ rõ những giá trị bình đẳng bác ái, không phân biệt người bản xứ và người chính quốc, quyền tự do báo chí, tự do lập hội, xây dựng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền đó là những giá trị nền tảng của xã hội dân sự". 

Báo này còn trịnh trọng đóng khung đoạn văn sau: 

     "Yêu sách của Hồ Chí Minh tại Hội nghị Hòa Bình  Versailles năm 1919 Điều 3: Tự do báo chí, Điều 4: Tự do hội họp. Điều 5: Tự do đi lại (xuất nhập cảnh), tự do cư trú".

Bài báo Tia Sáng viết tiếp: "Từ năm 1975 đến 1986, hầu hết các tổ chức xã hội dân sự (CSO) chính thức bị hành chính hóa, được bao cấp và kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Trong cơ chế này các tổ chức CSO hầu như mất đi vai trò năng động và tự chủ của mình trong việc huy động các nguồn lực cho xã hội, cũng như đại diện cho lợi ích của các thành phần trong xã hội".

Có lẽ ông Cừ nghĩ rằng "Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được" chỉ dành cho nhân dân phương Tây chứ không phải cho mọi dân tộc kể cả dân tộc Việt Nam nên đã bác bỏ phăng lời bác Hồ của ông và gián tiếp xác nhận cho cho chúng ta rằng không như Tia Sáng viết, từ 1986 đến nay các tổ chức xã hội dân sự vẫn bị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Đây là một cái tát tai ngoạn mục mà báo lề đảng dành cho báo lề đảng, nhưng dễ hiểu thôi: báo Nhân Dân là báo chính thức của đảng, còn Tia Sáng là báo bộ, báo đảng cao hơn báo bộ nhiều nên có bị bạt tai cũng không được phàn nàn gì! 

Ông Cừ phê bình tiếp: "Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản". Thật lạ lùng, viết như thế ông Cừ công khai nói rằng luật pháp XHCN không có dân chủ! Dầu sao phải công nhận ông Cừ nói đúng điều này: luật pháp XHCN không có dân chủ!.

Báo Nhân Dân là tiếng nói của đảng mà cho đăng một bài như thế này là một nghịch lý (trong nhiều nghịch lý như Huỳnh Ngọc Chênh đã viết trong bài "Việt Nam: Xứ sở của nghịch lý" năm 1988 (2) và Khánh Trâm tiếp nối bằng "Viết tiếp cho bài "“Việt Nam: xứ sở của nghịch lý”" (3) trong trang của Nguyễn Trọng Tạo hôm 19/8/12 vừa qua). Sự việc nghịch lý này của báo Nhân Dân chỉ có thể giải thích như sau:

Bài phê phán của Dương Văn Cừ còn nhiều điểm để phê phán nhưng người viết xin giới hạn ở đây. Các tác giả Đào Tiến Thi và Bùi Văn Bồng đã phê phán kỹ trong bài "Tôi nghĩ đảng CSVN không chủ trương tẩy chay xã hội dân sự" (4) và "Ông Dương Văn Cừ sợ gì trong Hiến pháp 1946?" (5). 

Tất cả những đánh đấm trong lãnh đạo đảng và nhà nước hiện nay qua việc bắt giam Bầu Kiên, chưa thấy báo lề phải nào lên tiếng cáo buộc Xã Hội Dân Sự hay thế lực thù địch đang thực hiện diễn biến hoà bình! 

Trần Việt

02/09/2012

(1) Nguyễn Mạnh Cường - "Xã hội dân sự Việt Nam"

http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.tiasang.com.vn/Xa-hoi-dan-su-Viet-Nam/3217920.epi

(2) Huỳnh Ngọc Chênh - Việt Nam, xứ sở của nghịch lý 

http://nguoilotgach.blogspot.de/2011/08/viet-nam-xu-so-cua-nghich-ly.html

(3) Khánh Trâm - "Viết tiếp cho bài "“Việt Nam: xứ sở của nghịch lý”"

https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/08/19/viet-tiep-cho-bai-viet-nam-xu-so-cua-nghich-ly/

(4) Đào Tiến Thi - Tôi nghĩ đảng CSVN không chủ trương tẩy chay xã hội dân sự (Thư ngỏ gửi ông Tổng biên tập báo Nhân dân)

http://webwarper.net/ww/~av/anhbasam.wordpress.com/2012/09/01/1232-toi-nghi-dang-ta-khong-chu-truong-tay-chay-xa-hoi-dan-su/

(5) Bùi Văn Bồng - Ông Dương Văn Cừ sợ gì trong Hiến pháp 1946?

http://www.x-cafevn.org/node/3750

* * *

Dưới đây là toàn văn bài báo nghịch lý của Dương Văn Cừ trên Nhân Dân ngày 31/8/2012.

http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/x-h-i-dan-s-m-t-th-o-n-c-a-di-n-bi-n-hoa-binh-1.365283

Bình luận - Phê phán

"Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình

31/08/2012

Thời gian qua, việc tác động để hình thành một "xã hội dân sự" (XHDS) ở Việt Nam theo tiêu chí phương Tây đang được một số người cổ vũ và thực hiện. Vậy thực chất "xã hội dân sự" là gì, đây có phải là một trong các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng thành công ở Ðông Âu, Trung Ðông, Bắc Phi, và hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?

Theo một số học giả và tổ chức nước ngoài, khái niệm XHDS (civil society) xuất hiện sớm nhất ở nước Anh, và được hiểu là việc những con người sống trong cộng đồng. Theo lý thuyết của Scottish (thế kỷ XVIII), XHDS có nghĩa là xã hội văn minh với một nhà nước không độc đoán. Ðến thế kỷ XIX, Hegel mô tả XHDS như là một phần của đời sống đạo đức, bao gồm ba yếu tố gia đình, XHDS và nhà nước, trong đó các cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng trong giới hạn đã được pháp luật thừa nhận... Theo tổ chức Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Nam Phi, XHDS là "diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung". Cùng với khái niệm XHDS, còn có một số cụm từ, khái niệm khác có liên quan, như: "xã hội công dân" (citizens society - CS), "tổ chức XHDS" (Civil Society Organization - CSO), "tổ chức phi chính phủ" (Non governmental organization - NGO)... Ðây là những khái niệm ra đời từ các chủ thể khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ, trong đó nổi bật là quan niệm không có NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể...) thì không thể hình thành XHDS.  Trong một xã hội, nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược lại. Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã hội với ba thành phần là nhà nước, doanh nghiệp và XHDS, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, nếu ba yếu tố này cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định, phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ. Ðây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua.

Một số học giả trên thế giới có quan điểm chống cộng rất đề cao vai trò của XHDS trong các cuộc "cách mạng màu" lật đổ chế độ XHCN tại Ðông Âu trước đây. Bronislaw Geremek, nhà sử học, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Ba Lan Lech Valesa từ những ngày đầu xuất hiện Công đoàn Ðoàn kết cho rằng: "Khái niệm XHDS, được hiểu như một chương trình chống lại chủ nghĩa cộng sản, xuất hiện đầu tiên tại Ba Lan vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ban đầu chỉ đặt trong mối liên quan đến phong trào Ðoàn kết. Thời gian dài sau đó, trong thế giới cộng sản xuất hiện một phong trào độc lập của quần chúng đòi tẩy chay hệ thống cầm quyền". Bronislaw Geremek đánh giá cao vai trò của XHDS trong việc lật đổ chế độ XHCN tại Ba Lan: "Ðối đầu với phong trào quần chúng khổng lồ này là sức mạnh của bộ máy chế độ, gồm: quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính (kể cả guồng máy Ðảng Cộng sản). Tuy nhiên, đến khi đó, tất cả đều không còn tính hợp pháp, họ bị loại ra khỏi tầm kiểm soát xã hội, đồng thời cũng mất đi mọi sự ủng hộ của xã hội. Trong phong trào Ðoàn kết, chúng tôi đặt hy vọng bao vây, cô lập bộ máy công quyền đó bằng một thứ giống như cái kén tằm, từng bước cô lập và sau đó là đặt bộ máy đảng - nhà nước ra bên lề".

Tại Ðông Âu trước đây, có những "tổ chức chính trị đối lập" hình thành, phát triển và hoạt động với danh nghĩa là "tổ chức XHDS", như Công đoàn Ðoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ XX... Thông qua việc lôi kéo công nhân, với sự hỗ trợ từ nước ngoài (như Trung tâm Ðoàn kết Lao động Quốc tế Mỹ - ACILS) và một số tổ chức Công giáo, từ những năm 70 tại Ba Lan đã xuất hiện các tổ chức như: Ủy ban bảo vệ công nhân (KOR), Phong trào Bảo vệ các quyền dân sự và con người (ROPCiO), sau đó Công đoàn Ðoàn kết Ba Lan được thành lập. Thông qua Công đoàn Ðoàn kết, các thế lực thù địch đã tổ chức thành công việc lật đổ chế độ XHCN tại nước này. Tương tự, tại Tiệp Khắc, với sự hỗ trợ của bên ngoài, các đối tượng chống đối chế độ đã thành lập Phong trào Hiến chương 77 làm hạt nhân. Các cuộc "cách mạng đường phố" tại các nước vùng Trung Ðông - Bắc Phi thời gian qua cũng cho thấy vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các NGO, trong việc hỗ trợ các tổ chức XHDS lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ chế độ.

Hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp "bất bạo động", "phi vũ trang". Hoạt động này nằm trong ý đồ thực hiện "tiến trình dân chủ ở Việt Nam" với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Ðông Âu, SNG và Trung Ðông - Bắc Phi thời gian qua. Báo cáo Khỏa lấp sự cách biệt: XHDS mới nổi tại Việt Nam của một tổ chức quốc tế cho rằng, các NGO Việt Nam và các tổ chức tại cộng đồng đã tạo ra một thách thức to lớn. Bản báo cáo khuyến nghị một số lĩnh vực cần quan tâm để thúc đẩy XHDS tại Việt Nam, như cải thiện môi trường xã hội, luật pháp và kinh tế cho các NGO, tăng cường năng lực các tổ chức xã hội cho việc thực hiện nghiên cứu và đánh giá các hoạt động của các tổ chức XHDS tại Việt Nam. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, một số NGO nước ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta và tìm cách xâm nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức này để chuyển hướng hoạt động chính trị trong khi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động như triển khai dự án, hỗ trợ, tài trợ, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam, một số tổ chức nước ngoài đã cố gắng tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của các NGO Việt Nam về sự lãnh đạo của Ðảng đối với tổ chức quần chúng, kích động sự thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, cổ vũ quyền tự do lập hội theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn tài trợ tài chính cho một số NGO Việt Nam để hỗ trợ việc xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai.

Các tổ chức phản động nước ngoài cũng tìm cách phát triển XHDS tại Việt Nam để phục vụ ý đồ chống phá từ bên trong. Tổ chức Bảo vệ người lao động (của Trần Ngọc Thành tại Ba Lan) gia tăng hoạt động nhằm chuyển hướng hoạt động xâm nhập vào trong nước với ý đồ xây dựng các tổ chức công đoàn tự do. Tổ chức Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường đã tiến hành Ðại hội thanh niên sinh viên Việt Nam trên thế giới lần thứ V vào tháng 1-2008 tại Malaysia với chủ đề XHDS: dân chủ từ sức mạnh quần chúng với mục đích trao đổi để tìm cách cho ra đời một XHDS độc lập với chính quyền, tôn trọng nhân quyền, có các công đoàn độc lập, có tự do báo chí... Tại đại hội này, các đối tượng tham gia đã đề ra mục tiêu để tiến hành "cuộc cách mạng hòa bình" tại Việt Nam là phải xây dựng được một XHDS bền vững và muốn thay đổi xã hội thì không chỉ trên phương diện chính trị, mà còn trên các phương diện kinh tế, luật pháp, trong mỗi cộng đồng dân cư. Tại hội thảo Chuyển đổi Nhà nước Việt Nam: Các tác động lên Việt Nam và khu vực do các đối tượng bên ngoài tổ chức ở Hồng Công tháng 8-2008 đã tập trung bàn luận các nội dung: thách thức tự nhiên của XHDS đối với chế độ độc đảng ở Việt Nam; XHDS trong bối cảnh Việt Nam, sự trỗi dậy của XHDS qua việc tập trung vào hoạt động của Khối 8406 và Việt Tân. Qua đây cho thấy, các thế lực phản động bên ngoài rất quan tâm đến việc lợi dụng XHDS để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ.

Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai... Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam. Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản.

Ðể góp phần phòng, chống âm mưu và hoạt động tác động hình thành XHDS theo tiêu chí phương Tây, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tác động hình thành XHDS của các thế lực thù địch, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đối với an ninh quốc gia. Bên cạnh việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cần thường xuyên tổ chức, tiến hành các hoạt động tuyên truyền về âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề XHDS để tác động chuyển hóa chính trị. Ðảng, Nhà nước cần ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp với định hướng phát triển đất nước. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các hội, đoàn thể cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, sao cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Ðồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Trong bối cảnh các tổ chức xã hội đang có xu hướng ngày càng phát triển, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của các tổ chức này nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phức tạp có liên quan đến an ninh quốc gia để chủ động xây dựng các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Ðặc biệt, cần kiên quyết xử lý các hành vi hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa, không để các thế lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong...

DƯƠNG VĂN CỪ