BCT20140402-PCDung

Ba tháng thông điệp của Thủ tướng: Tiếng chuông tắt lặng giữa canh khuya

Trần Quang Thành phỏng vấn Tiến sĩ  Phạm Chí Dũng

02/04/2014 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Lời giới thiệu: Đầu năm 2014, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp  với nhiều điểm có vẻ tích cực về các cải cách cần thiết trong mọi lãnh vực của đất nước mà dân chúng đã chờ đợi từ lâu. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên 4 vấn đề nổi bật :

1/ Cải cách thể chế,

2/ Xoá độc quyền,

3/ Nắm chắc ngọn cờ dân chủ,

4/ Nhà nước kiến tạo phát triển

Đến nay 3 tháng đã trôi qua, nhìn lại tiến trình thực hiện thông điệp đầu năm 2014 của ông Nguyễn Tấn Dũng người ta thấy gần như đó chỉ là một trò chơi chữ (trong đó điểm  thứ tư chỉ là sự vay mượn một ý tưởng mới chưa hề được thực chúng. Dư luận quan ngại về sự khủng hoảng sâu sắc và toàn diện chỉ gia tăng chứ không hề giảm. Thay vì thực hiện những điều trong thông điệp đầu năm thì về cận cảnh Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang làm gì? Và từ đó viễn cảnh đất nước trong mấy năm trước mặt sẽ như thế nào ?

Mời quý vị nghe sau đây cuộc phỏng vấn gần 28 phút của nhà báo Trần Quang Thành với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng mang tựa đề : Ba tháng thông điệp của Thủ Tướng : Tiếng chuông tắt lặng giữa canh khuya

Trần Quang Thành : Xin chào anh Phạm Chí Dũng.

Chúng ta lại gặp nhau để bàn lại thông điệp đầu năm 2014 của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

Phạm Chí Dũng : Dạ, xin thú thực là tôi hơi bất ngờ với  thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng bây giờ thì tôi không còn bất ngờ nữa, thậm chí mọi chuyện bây giờ đã trở thành quá mức bình thường rồi.

TQT : Tại sao anh lại bất ngờ lúc đầu và bây giờ trở thành không còn bất ngờ, thưa anh ?

PCD : Lúc đầu người ta đều có một chút hy vọng nào đấy và có tâm trạng của những người đi lang thang trên sa mạc lâu ngày không tìm ra một giếng nước và cũng chẳng có một giọt nước, nhưng tự nhiên có một gáo nước, một mạch nước ngầm ở dưới đất, mặc  dù mạch nước ngầm nó chưa phun lên thì đã cảm thấy có một cái gì đó hồi hộp và hy vọng. Nhưng sau đó người ta có được uống hay không lại là một chuyện khác.

Còn ba tháng sau thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày hôm nay chúng ta thấy gì? Ngày hôm nay tôi nghe một chuyện đau lòng, một chuyện mà tôi suýt khóc. Một cô giáo ôm hai đứa nhỏ một đứa hai tuổi, một đứa ba tuổi nhảy xuống hồ. Cô giáo này lương tháng chỉ có 2 triệu đồng thôi, nhưng mỗi tháng phải bỏ ra một triệu trong số đó để trả nợ, hoàn cảnh rất khó khăn. Những cái chết như vậy ấy cứ lặp đi lặp lại những năm qua, những năm qua. Và năm 2013 đã có những cái chết như vậy, chết thảm thương, và gần đây nhất người ta thấy cảnh tượng chưa từng có ở VN và cũng chưa từng có trên thế giới là những có giáo phải chui vào túi ny lông để qua suối đi dạy học. Một đất nước mà tuyên bố là độc lập tự do dân chủ gần bốn chục năm nay từ năm 1975, tại sao lại để một thảm cảnh như thế? Sao người lại có thể nhẫn tâm ăn chặn hàng triệu đô la từ nguồn vốn ODA và cuối cùng không có lấy một cái cầu treo nào cả qua những dòng suối thảm khốc như thế, và thậm chí nếu có cầu treo cũng chỉ là nhân tố gây tiếp ra những án mạng khác như là cầu treo Chu Va ở Lạng Sơn vừa rồi?

Ngày hôm nay chúng ta còn thấy việc đưa ra xử những công an dùng nhục hình đối với người dân, bạo hành đối với dân, chuyện đó cũng lặp đi lặp lại. Và gần đây là những cái chết trong đồn công an, những cái chết cực kỳ tức tưởi, mặc dù công an hết sức né tránh phủ nhận những việc này nhưng gần như mười mươi dân chúng nhìn ra rõ bản chất càng ngày càng khát máu của những người công an khi họ trở nên hung bạo. Thậm chí có một số nhân chứng phải nói "Công an giống như những con sói dữ". Tại sao lại sinh ra một tầng lớp công an như vậy?

Ở Ninh Thuận ngày 26/3/2014 người ta khởi tố và bắt giam hai người dân chỉ vì cái tội họ đã khiếu nại, tuyên truyền khiếu nại một dự án titan mà đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của họ. 

Tất cả những điều đó có làm cho thông điệp của thủ tướng trở nên sáng rỡ trong lòng mọi người không? Hay là ngược lại? Khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi và vô hình chung làm cho niềm hy vọng mới nhú ra một chút đã bị dập tắt. Tôi cho rằng có một ít trí thức vui mừng quá sớm, họ ca ngợi quá sớm về bản thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng sau đó gần đây họ đã phải im lặng tại vì họ không thấy có một điều gì mới cả, mặc dù tất nhiên ai cũng có lý do để bào chữa cho những gì cần phải bào chữa. Người ta nói rằng một bản thông điệp cũng như một chính sách của nhà nước phải có độ trễ của nó. Nhưng khi điểm duyệt lại nội dung bản thông điệp thì lại chưa thấy có bất kỳ một sáng tạo nào và sự đảm bảo rằng sau một độ trễ nào đó những điểm đó sẽ được thực thi.

TQT :  Anh bạn tôi là một nhà ngoại giao, cách đây ít phút nói chuyện với tôi rằng anh để suốt mấy tuần qua để đọc báo trên mạng báo lề Đảng để tìm những điểm sáng nhất để xem có điểm gì đáng phấn khởi về thông điệp của thủ tướng hay không. Ngược lại anh đọc xong lại thấy khủng hoảng về lòng tin, khủng hoảng về mọi mặt. Nhà báo Phạm Chí Dũng nghĩ thế nào về điều này ?

PCD : Tôi nghĩ đó là tâm trạng khủng hoảng chung của dân tộc hiện nay. Gần đây từ năm 2013 thì chính một số quan chức và cựu quan chức nhà nước đã phải thừa nhận cái từ là "khủng hoảng sâu sắc và toàn diện", mặc dù cụm từ này không được đưa vào nghị quyết Đảng, nghị quyết của Chính phủ. Nhưng đó là những câu bên lề người ta nói với nhau. Tôi cho rằng điều đó thành thực hơn nhiều so với nghị quyết Đảng và nghị quyết của chính phủ. Đó là một cuộc khủng hoảng toàn diện của dân tộc từ năm 1975 trở lại đây và không thể có bất kỳ một sáng tạo, một đột phá nào trong bản thông điệp của thủ tướng về những điều không được thực thi và chưa có gì hứa hẹn là sẽ được thực thi mà có thể xóa nhòa được sự khủng hoảng đó. Tôi cho là anh bạn của anh Trần Quang Thành cảm nhận đúng về vấn đề này, dù anh bạn ấy có thể ở nước ngoài và không sâu sát, không thực tế và không đau khổ bằng người dân Việt Nam.

TQT : Theo anh, trong ba tháng đầu năm nay cuộc "khủng hoảng toàn diện và sâu sắc" đó có bước nào được khắc phục hay lại còn khủng hoảng sâu sắc thêm ?

PCD : Bất kỳ một điểm nào đó không được khắc phục hoặc chưa được khắc phục thì lại có thể trở thành sai lầm và tiếp dẫn trở thành một điểm dẫn cho cuộc khủng hoảng sắp tới và làm cho cuộc khủng hoảng trở thành ngày càng trầm trọng hơn.

Xin trở lại bản thông điệp của thủ tướng với nội dung chính, trong đó có bốn vấn đề chính đưa ra rất hào hứng. Thứ nhất là cụm từ “cải cách thể chế”, thứ hai là “xóa độc quyền”, thứ ba là “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” và cuối cùng là cụm từ rất mới chưa từng có là "nhà nước kiến tạo phát triển". Khi đọc lướt qua, rồi sau đó đọc kỹ và sau đó nghe dư luận phân tích, tôi đã cảm thấy có cái gì đó ngờ ngợ là giống ở đâu đó, nhưng ở đâu thì không thể dám chắc được. Nhưng sau đó sau ba tháng thì không thấy bất cái gì là cải cách thể chế, ngoài việc cụm từ này được nhắc lại trên một số tờ báo ở Việt Nam. 

Cải cách thể chế là gì? Chưa ai làm rõ và thậm chí thể chế là cái gì cũng chưa ai làm rõ. Chẳng qua trước đây người ta gọi là nhà nước và chế độ thì bây giờ gọi là thể chế hay là khác hơn nữa có thể gọi là chính thể, tức đây chỉ là một trò chơi chữ của những câu chữ huyễn ảo mà thôi, huyễn và ảo chứ chưa có một cái gì là thực tế. Nhưng mà cái thực tế nhất, cải cách gì thì cải cách cũng phải đáp ứng nguyện vọng và lòng dân, làm cho đời sống của người dân tốt đẹp hơn, nói chính xác là bớt khổ hơn. Điều đó phải nhấn vào vấn đề độc quyền kinh tế của nhà nước. Những tập đoàn kinh tế của nhà nước là độc quyền kinh khủng từ trước đến nay và họ đã thu những món lợi khổng lồ.

127 tập đoàn kinh tế của nhà nước chiếm đến 40% tổng tài sản quốc nội, nhưng số giá trị họ sản xuất cho xã hội kém thua hẳn so với tư nhân. Cùng với đó là vấn đề lãng phí, cực kỳ lãng phí, lãng phí này dẫn tới thất thoát và tham nhũng.Chúng ta vừa thấy xảy ra vụ ODA về thất thoát và nạn hối lộ tràn ngập trong ODA lên tới hàng triệu đô la. Nhưng con số này cũng chỉ là nhỏ thôi. Theo tôi biết thì ở Hà Nội, một số quan chức có thói quen nhận lại quả hàng triệu đô la chỉ là mức trung bình chứ chưa phải là cái gì ghê gớm. 

Tất cả những cái đó bắt nguồn từ tình trạng một đảng về chính trị và độc quyền về mặt kinh tế. Sau ba tháng đề cập đến việc xóa độc quyền thì bản thông điệp của thủ tướng lại chưa cụ thể hóa thành chi tiết. Có nghĩa là trong ba tháng qua giá xăng tăng, giá điện nhấp nhổm tăng và hiện đang ở mức cao. Và đặc biệt là giá sữa tăng đã ảnh hưởng tới rất nhiều gia đình có con nhỏ. Giá sữa luôn luôn cao gấp bốn, năm đến sáu lần so với giá nhập khẩu và đó là một lãnh vực siêu lợi nhuận ở Việt Nam. Vừa qua Bộ công thương có tổ chức một đoàn khảo sát kiểm tra thanh sát thị trường, nhưng tất cả những việc đó cũng chỉ là việc “đánh bùn sang ao”. Người ta nói những phong bì để đối phó những đoàn kiểm tra đó không phải là nhẹ, và thực ra phong bì để đưa hối lộ ở VN đã không thể chứa nổi tiền tham nhũng nữa mà nó phải là những cái va-li tiền, những va li như Dương Chí Dũng đã đem đến nhà một quan chức chứa đến 500 ngàn đô la. Đó là  vấn đề thứ hai mà tôi muốn nói ra. Xóa độc quyền chưa hề trở thành một chút hiện thực nào trong thực tế và chưa cho thấy bất kỳ niềm hy vọng nào để cải cách thể chế. 

Một vấn đề nữa liên quan đến bầu không khí tư tưởng, dân chủ và nhân quyền, đó là bản thông điệp lần đầu tiên đưa ra một cụm từ là "nắm chắc ngọn cờ dân chủ". Cần nói thêm Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên trong những chính khách cao cấp đương đại của VN đưa ra cụm từ này, mà không phải là ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư, không phải là ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang, càng không phải chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bởi cụm từ “ngọn cờ dân chủ” đó được hiểu theo một hàm ý rằng đó là một sự cải cách, cải cách khá mạnh, thậm chí người ta nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có thể làm một Perestroika -một cuộc cải tổ -như ông Gorbachop những năm 1988-1989 ở Liên Xô. 

Nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi việc “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” không thể làm cho bất kỳ ngọn lá nào lung lay trong khi bầu không khí vẫn trì đọng như cũ. Cho tới nay sau ba tháng, bầu không khí dân chủ ở VN vẫn chưa hề có một bước chuyển đổi nào cả. Tôi lấy ví dụ hồi cuối năm 2013 bản hiến pháp được thông qua vội vã với tỷ lệ phiếu cực kỳ áp đảo lên đến 98%, các đại biểu cúi đầu bấm nút và đã không có bất kỳ thay đổi nào về sự chủ đạo của kinh tế quốc doanh cũng như việc sở hữu đất đai toàn dân. Sau đó dường như chịu một sức ép từ cộng đồng thế giới, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại bất ngờ thông báo là sẽ ban hành Luật lập hội và Luật biểu tình, nhưng thời gian ban hành là khi nào thì không nói rõ. Có lẽ thông điệp của thủ tướng cũng phần nào dựa trên những gì Quốc hội công bố, nhưng quốc hội ở VN là quốc hội có tư cách giám sát độc lập hay là quốc hội biểu trưng bằng “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” như lời nói của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ chúng ta phải xem xét lại. Rằng đã chưa hề có một ngọn cờ dân chủ, ngọn cờ cải cách nào ở Việt Nam, và cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng muốn làm điều đó thì trước mắt ông ta phải làm và làm ngay là xóa độc quyền đối với các doanh nghiệp độc quyền về xăng-dầu-điện-nước-sữa. 

Nhưng ông ta vẫn chưa làm cái gì cả. Trong một cuộc làm việc với ban kinh tế Trung ương gần đây, ông Dũng vẫn tuyên bố kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Điều đó cho thấy các tập đoàn kinh tế quốc doanh vẫn có thể ung dung hưởng lợi trên đôi vai oằn lưng vì gánh nặng thuế và nợ công quốc gia của người dân Việt Nam…

Còn vấn đề thứ tư là một ý tưởng siêu thực là “nhà nước kiến tạo phát triển” của ông Nguyễn Tấn Dũng. Tôi thực sự rất ngạc nhiên về cụm từ này, và xem lại mới biết mô hình này đầu tiên do một giáo sư người Mỹ ở trường đại học California mới đưa ra từ năm 1982. Đây là một mô hình hoàn toàn về lý thuyết, chưa có bất kỳ cái gì mang tính thực chứng. Mà thực chứng lại xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng của người Mỹ. Một mô hình mà chưa có thực chứng thì chưa có giá trị gì trong thực tế, vậy mà  không hiểu ai đã tham mưu cho thủ tướng khiến ông dám đưa một mô hình lý thuyết chưa hề được thực chứng mang tên “nhà nước kiến tạo phát triển” vào bản thông điệp này. Cho đến nay cũng không ai nhắc đến và cũng chẳng ai hiểu cái “nhà nước kiến tạo phát triển” và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này là cái gì.

Thế thì với bốn yếu tố như vậy (cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền, nắm vững ngọn cờ dân chủ, nhà nước kiến tạo phát triển) cho đến nay chưa có một manh mối nào để thực thi, ai có thể tin đó là một bản thông điệp thành tâm về mặt chính trị của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cả tương lai chính trị của ông ta nữa.

TQT : Theo anh thì nguyên cớ nào bản thông điệp mới ra đời đã tạo được sự hồ hởi của một số vị trí thức có tên tuổi xưa nay ?

PCD : Đó là một điều bí ẩn. Cuối năm 2013 tôi có nghe phong phanh thông tin là một vài trí thức được “thuyết phục” bởi nhóm của ông Nguyễn Tân Dũng, và thậm chí điều đó được chứng thực trên báo chí sau đó khi một trí thức tên tuổi tuyên bố ủng hộ bản thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ủng hộ một cách nhiệt tình và tin rằng đó là một bản thông điệp hướng tới “Tương Lai”, thậm chí đó là bản tuyên ngôn của dân tộc; và sau đó vài vị trí thức khác ít tên tuổi hơn lại đề cập đến việc cần phải ra một tuyên bố ủng hộ bản thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… Điều đó gây ngạc nhiên trong giới dân chủ và giới bất đồng chính kiến của Việt Nam. Bởi như tôi đã đề cập, có những người đi trong sa mạc lâu ngày không có nước, nhưng khi thấy ảo ảnh rừng mơ thì họ trở nên thèm muốn và trở nên bớt kiềm chế hơn, bớt đi thái độ kềm chế thận trọng vốn có của người trí thức, đặc biệt là của một người đã qua trải nghiệm mấy chục năm trong thời nhà nước Cộng sản. Họ đã nghe hứa hẹn nhiều rồi, và tôi nghĩ rằng đáng lẽ ra họ cần thận trọng hơn vì không phải bất kỳ một lời hứa hẹn nào cũng đều sáng giá. Không phải bất kỳ một tiêu ngữ nào đều không chứa đựng những ẩn ngữ mỵ dân và giả dối trong đó. Tôi cho là thái độ của một ít trí thức ấy có vẻ vồn vã thái quá đối với bản thông điệp thủ tướng, và thái độ ấy không được chừng mực lắm, bởi họ đã làm ảnh hưởng đến một số trí thức trẻ và môi trường chung quanh nữa, làm thất vọng và sau đó là sự đổ vỡ. 

Chúng ta cũng biết ở VN thì đã luôn luôn có những thất vọng này đến thất vọng khác, đổ vỡ này đến đổ vỡ khác và cuối cùng là từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác. Đó là tâm trạng của một số trí thức hiện nay. Tôi cho rằng trong những ngày tháng tới họ cần chừng mực hơn, họ nên nhìn lại bản thông điệp ấy đã làm được những cái gì, từ đó mới có thể có thái độ đoán định, xét đoán rồi mới nên tuyên truyền rằng thủ tướng đã làm được những gì.

TQT : Một trong những khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng lòng tin hết năm này đến năm khác. Ông có nghĩ rằng thông điệp thủ tướng 2014 khiến chúng ta khôi phục lòng tin được hay không ?

PCD : Việc ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn khôi phục lòng tin thì khó hơn nhiều đối với việc ông đã đánh mất lòng tin của dân chúng. Nếu ông có 7 năm cầm quyền với chức vụ thủ tướng được giới quan sát độc lập đánh giá là thất bại trong việc điều hành kinh tế xã hội, thì muốn khôi phục lòng tin dân chúng ông phải mất thời gian dài gấp đôi - tức là 14 năm - để khôi phục niềm tin trong dân chúng, chứ không phải trong một sớm một chiều. Muốn khôi phục niềm tin của dân chúng thì có rất nhiều chuyện cần phải làm mà tôi cũng vừa đề cập, ít nhất là xóa bỏ độc quyền trong các doanh nghiệp độc quyền nhà nước và làm cho đời sống của dân bớt khốn khổ hơn, bớt đi những cơn bão giá, bớt đi những gánh nặng tài chính của gia đình trung lưu, những gia đình lực lượng vũ trang… Nếu ông ấy không làm được điều đó, tôi không biết sự thể đối với chính thể này sẽ như thế nào và đối với cá nhân ông sẽ như ra sao, trong khi thời gian cho cuộc chạy đua tới đại hội đảng 2016 không còn lâu nữa.

TQT : Người ta nói rằng truyền thống ở Việt Nam “con vua thì lại làm vua”. Ông thủ tướng hứa xóa bỏ độc quyền, nhưng chúng ta có thấy ông xóa bỏ độc quyền gia đình trị không khi mà con trai của, thái tử của ông là Nguyễn Thanh Nghị lại trở về quên hương huyện Kiên giang nơi mà ông từng lãnh đạo để làm chức phó bí thư tỉnh ủy rồi từ đây có thể lên chức vụ gì cao hơn chưa ai biết ở Đại hội lần thứ 12 sắp tới? Ông nhận định sao về vấn đề này ?

PCD : Độc quyền kinh tế phát sinh từ độc quyền chính trị. Khi người ta không muốn thay đổi độc quyền kinh tế thì làm sao người ta muốn thay chỗ đứng độc tôn về chính trị được. Chỗ đứng độc tôn về mặt chính trị đó chính là những căn cứ địa cách mạng để cho các nhóm lợi ích hành xử trên đầu dân chúng. Cần bàn thêm rằng Kiên Giang cũng được coi là một trong những căn cứ địa cách mạng.

TQT : Thế thì làm thế nào để khắc phục tình trạng này để cho đất nước khỏi phải lo ngại là sẽ ra một tầng lớp thái tử mới để cai trị đất nước ?

PCD : Tôi e rằng tình trạng này giống bên Trung Quốc, không thể khác được. Năm 2011 người ta nói về một tầng lớp thái tử mới ở Trung Quốc, một trong những thái tử đó chính là ông Tập Cận Bình ngày nay. Ông đã có một năm thành công trên cả mong đợi. Đúng là họ Tập mang tính chất tập quyền. Mới hơn một năm thôi ông đã trở thành một trong những chính khách có quyền lực ảnh hưởng nhất trên thế giới, và đã thu thập, tập hợp quyền lực ghê gớm nhất ở Trung Quốc. Do vậy mà có một làn sóng đánh vào trong nội bộ ngành công an Trung Quốc như đối với Chu Vĩnh Khang như vừa qua. 

Ở VN, tôi cho rằng do về đẳng cấp kém hơn khá nhiều so với Trung Quốc vì tình hình hiện nay diễn ra theo hướng tản quyền nhiều hơn tập quyền, do vậy đó sẽ là một thách thức lớn đối với bất cứ chính khách nào mong muốn xu hướng tập trung quyền lực về cá nhân họ. Nhưng dù sao thì chính khách VN họ đều có đầu óc lo xa, nếu không phải lo xa cho đất nước thì cũng là lo xa cho cá nhân của họ, đó chính là nguyên nhân sinh ra một tầng lớp thái tử. Nhưng dư luận về gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một phần thôi, người ta còn nói về nhiều gia đình khác, và một trong những mối lo xa xảy ra chính ở trong Đảng bởi họ tạo dựng một tầng lớp Thành đoàn, Trung ương đoàn… những người được coi là cánh tay phải của Đảng. Đó chính là đội ngũ thái tử ghê gớm nhất, có khả năng khuynh đảo nhất trong tương lai chính trị của Việt Nam.

TQT : Trở lại với bản thông điệp của ông Nguyễn Tấn Dũng đầu năm 2014. Khủng hoảng niềm tin ngày càng sâu sắc, nhưng còn về mặt đạo đức xã hội, tình hình kinh tế đời sống, về mặt dân sinh thì nhà bình luận Phạm Chí Dũng nghĩ sao ?

PCD : Về vấn đề xã hội, đó là một sự bế tắc. Sự bế tắc này chỉ có thể giải tỏa thông qua vấn đề kinh tế mà thôi, nhưng một khi vấn đề kinh tế không giải tỏa được thì làm sao Xxã hội có thể trở nên tốt lên được. Cuối năm 2013, lần đầu tiên vấn đề trần bội chi được chính phủ nêu ra và “tha thiết” đề nghị, gần như gây sức ép để nâng từ 4,7% lên 5,3%. Điều đó cho thấy là ngân sách đang khủng hoảng, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về an sinh xã hội và có nguy cơ vỡ quỹ lương. Nếu không cẩn thận thì không phải đến năm 2030 như một số dự đoán đâu, mà có thể là ngay trước mắt trong những năm tới đây quỹ lương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng ta nhớ là thời kỳ hậu Liên Xô vào năm 1991 – 1993, chính quỹ lương ở Liên Xô bị ảnh hưởng, đời sống hưu trí ở LX đã bị giảm một nửa, thậm chí là đến 60%. Hưu trí đã phải ra đường không nhà không cửa, ra đường để biểu tình chế độ. Không khéo thì VN cũng sẽ vậy. 

Nhưng tình hình kinh tế VN hiện nay rất lạ lẫm là các báo cáo của chính phủ vẫn luôn luôn cho rằng mọi chuyện đều tốt đẹp, mọi chuyện đang ổn định, nền kinh tế đang phục hồi. Mặc dù chưa có dấu hiệu gì phục hồi cả, và tôi thấy ngay là những quan chức, những chuyên gia tư vấn nhiệt tình nhất trong khối chính phủ cũng đang lắng giọng trở lại và chưa biết đáy của nền kinh tế VN nằm ở chỗ nào. 

Cho tới nay vẫn chưa xác định được đáy, chưa biết nền kinh tế VN bây giờ đang ở đâu thì làm sao có thể nói là nền kinh tế VN đang ổn định? Ngay cả thái độ của Ngân hàng thế giới Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển châu Á cũng dịu giọng lại, không còn hào hứng lắm giống hồi 2013 nữa, và họ đang đánh giá một cách thận trọng hơn, có vẻ như là vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước và nền kinh tế VN nếu tốt lắm thì cũng là đang đi ngang mà thôi. 

Lúc này, có thể nói 80% tiêu điểm tập trung ở khối ngân hàng, mà nếu ngân hàng không ổn thì nền kinh tế phụ thuộc 80% vào thị trường vốn này sẽ không tồn tại bền vững, thậm chí có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Đây là vấn đề thực tế. Còn một vấn đề thực tế khác là bất động sản chưa hề có một chút cải thiện nào cả.

TQT : Một câu hỏi cuối cùng mang tính chất thời sự là tham nhũng vốn ODA ở tổng công ty đường sắt Việt Nam, số tiền là 16 tỷ, thế nhưng chúng ta lo ngại là với Nhật Bản chúng ta còn rất nhiều dự án ODA, trong  đó có nhà máy điện nguyên tử vậy. Nếu tham nhũng vốn ODA xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử thì sẽ thế nào ?

PCD  : Con số 800 ngàn USD dấu hiệu hối lộ vừa qua ở dự án đường sắt số một hay là 800 ngàn cho vụ Huỳnh Ngọc Sỹ đại lộ Đông tây năm 2008 có lẽ chỉ là giọt nước, chưa phải là biển hồ đâu. Vì ODA chính là một trong những lãnh vực tham nhũng kinh khủng nhất ở Việt Nam chứ không phải là lĩnh vực “được bảo đảm một cách hiệu quả” như báo cáo của chính phủ vừa tuyên bố. Theo tôi hoàn toàn không phải như vậy. Trong vụ cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân bị tuyên án tử hình ở Trung Quốc vào tháng 7-2013, Lưu Chí Quân đã tham nhũng đến 122 triệu USD tương đương 800 triệu nhân dân tệ - con số rất kinh khủng… thì đối với VN tôi cho là cũng chẳng khác mấy đâu… Những con số mà người ta phát hiện chỉ là con số công bố mà thôi, còn con số thực tế “tảng băng chìm” sẽ lớn hơn rất nhiều. Hàng năm Nhật Bản giải ngân bình quân 2 tỷ đến 3 tỷ USD ODA cho Việt Nam. Nhật Bản là một trong những nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và cũng là một cái chĩnh gạo màu mỡ nhất để những con chuột tham nhũng sục sạo ở trong đó, làm giàu và trương phì lên ở trong đó. 

Vấn đề anh Thành đặt ra là một cái khốn quẫn không chỉ đối với sự minh bạch đối với nền kinh tế mà còn là một cái khốn quẫn đối với toàn bộ xã hội, và nó trở lại cái mà chúng ta gọi là cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc đối với chính thể và xã hội VN hiện nay. Nếu không giải quyết được vấn đề minh bạch và chống tham nhũng trong ODA thì tất cả mọi thứ sẽ đi tong, VN sẽ không còn một uy tín nào trên trường quốc tế. 

Cùng với vụ tham nhũng ODA hàng triệu USD, phía Nhật cũng vừa phát hiện ra một tiếp viên hàng không VN “cầm nhầm” những chiếc túi xách trong một siêu thị của Nhật Bản, và sau đó khốn khổ là cô ta bị bắt giữ và bị loan tin rộng ra trên toàn thế giới. 

Có những biển báo trên thế giới chỉ dành cho người VN là “đừng ăn nhiều quá, không được lấy thừa, lấy thừa sẽ bị phạt” và “cẩn thận người VN ăn cắp”. Đó là nỗi nhục, nhục quốc thể, không còn dùng từ nào hơn được nữa. Và tôi không biết các quan chức VN có còn đủ liêm sỉ để nghe từ “nhục” nữa hay là không.

TQT : Cách đây ít năm con ông Tổng giám đốc đài Truyền hình Việt Nam, cô Kiều Trinh, đi ăn cắp tại một siêu thị ở Thụy điển, bây giờ cô trở thành một trưởng phòng văn hóa thể thao du lịch của đài Truyền hình Việt Nam. Đến bây giờ Thái Lan và một số nước khác họ dùng chữ Việt Nam để cảnh báo là người VN ăn cắp, rồi đến vụ người Việt Nam bị Nhật Bản bắt như vậy. Ông thấy niềm tự hào của người Việt Nam bị sứt mẻ như thế nào ?

PCD : Mac-xim Goocki, nhà văn vô sản Nga, có một tác phẩm tên “Dưới đáy” nói về những kẻ khốn quẫn khốn cùng, tầng lớp vô sản khốn khổ khốn cùng dưới đáy của nước Nga trước Cách mạng tháng Mười. Tôi cho là về mặt văn hóa và đạo đức, người Việt Nam cũng có thể tương đương nghĩa với cái từ “dưới đáy”. Không phải đáy nữa mà là dưới đáy rồi. Chưa bao giờ lại xảy ra tình trạng như anh Thành vừa nêu là những người kém văn hóa nhất lại đang điều hành hoạt động trong lãnh vực văn hóa, đại diện cho bộ mặt văn hóa của quốc gia. Những người đó, xét cho cùng họ đã làm một cử chỉ cực kỳ có ý nghĩa: họ đã làm cho thế giới nhận ra được khuôn mặt thật của Việt Nam trong những hành động được coi là phản văn hóa.

TQT : Xin cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng, chúng ta sẽ lại gặp nhau trong những cuộc đàm luận khác.