T20121123-TtkAsean

Tiếng Việt‎ > ‎Chính trị - Dân chủ‎ > ‎

Việt Nam sẽ đảm nhận chức Tổng thư ký khối ASEAN năm 2013

23/11/2012 (Diễn Đàn Việt Nam 21) Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký đương nhiệm của khối ASEAN sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào cuối năm nay. Từng là thủ tướng Thái Lan, ông Surin Pitsuwan đã giữ chức vụ này từ 2008. Theo một nguồn tin từ ASEAN, người kế nhiệm Surin Pitsuwan trong chức vụ Tổng thư ký ASEAN từ 2013 sẽ là Lê Lương Minh hiện là thứ trưởng ngoại giao.

Chức vụ Tổng thư ký ASEAN là một chức vụ luân lưu trong 10 nước hội viên theo vần ABC, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm. Sau Thái Lan bây giờ đến phiên Việt Nam và ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh đã xác nhận tin trên. Trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN 18-20/11 vừa qua ở Phnom Penh, VN đã chính thức đề cử Lê Lương Minh vào chức vụ Tổng thư ký ASEAN 2013-2017.

Lê Lương Minh, 60 tuổi, tốt nghiệp đại học Jawaharlal Nehru University tại Tân Delhi, Ấn Độ, vào ngành ngoại giao từ 1975, là nhân viên trong phái đoàn VN tại Liên Hiệp Quốc, tại Tổ chức Thương Mại thế giới WTO và tại các tổ chức khác ở Genève, Thụy Sĩ trước khi trở thành Đại sứ CSVN 7 năm tại Liên Hiệp Quốc ở Genève và New York và là thứ trưởng ngoại giao từ tháng 12/2008.

10 nước hội viên hiện nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Nam Dương, Thái Land, Việt Nam, Phi Luật Tân, Miến Điện, Mã Lai, Tân Gia Ba, Lào, Kampuchia và Brunei Darussalam. ASEAN ban đầu do 5 nước Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai và Singapore thành lập năm 1967 với mục đích đẩy mạnh hợp tác kinh tế, chính trị và xã hội. 1984 mới thêm Brunei, 1995 Việt Nam, 1997 Lào, Miến Điện và 1999 Kampuchia. Papua-Newguinea là quan sát viên thường trực từ 1984, Đông Timor xin gia nhập năm 2009 nhưng vẫn chưa được gia nhập. Chức vụ Tổng thư ký ASEAN chỉ mới có từ 1976.

Với Tổng thư ký mới này của khối ASEAN, các vận động nhân quyền của người Việt có lẽ sẽ khó khăn hơn nữa, và đối tượng chính sẽ không phải là Tổng thư ký ASEAN mà là ngoại trưởng của các nước hội viên ngoại trừ 2 nước CS là Việt Nam, Lào và đàn em trung thành của TQ là Kampuchia, các vận động nhân quyền của người Việt cũng cần chú trọng đến các tổ chức dân sự NGO về nhân quyền hay môi trường trong vùng ASEAN ngoại trừ 3 nước nêu trên.