B20121102_HoithaoBienDong

Tiếng Việt‎ > ‎Chính trị - Dân chủ‎ > ‎

 

Hội thảo Liên Âu về Biển Đông tại Paris: Bản đồ Lưỡi bò và Quyền Lịch sử của TQ không có cơ sở pháp lý

02/11/2012 (DĐVN21). Hôm 16/10/2012 vừa qua, Học viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) phối hợp với hội Fondation de Gabriel Péri đã tổ chức một cuộc hội thảo về Biển Đông tại Maison de la Chimie, Paris với chủ đề "Biển Đông phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?". Cuộc hội thảo quy tụ rất nhiều chuyên gia tên tuổi, quan tâm đến Biển Đông nói riêng và châu Á nói chung.

Với chủ đề được đặt dưới dạng câu hỏi, cuộc hội thảo xoay quanh ba bàn tròn trên ba đề tài khác nhau. Trước tiên là bàn tròn thảo luận xem "luật pháp quốc tế nói gì" về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Chủ đề của Bàn tròn thứ nhì là tầm quan trọng của Biển Đông về các mặt chính trị, chiến lược và kinh tế. Tại Bàn tròn sau cùng, các chuyên gia tìm giải đáp cho câu hỏi: Biển Đông sẽ dẫn đến "bế tắc quân sự" hay "giải pháp chính trị".

Chủ đề thảo luận chính trong bàn tròn thứ nhất là các đòi hỏi chủ quyền của các nước trong khu vực Biển Đông, nhưng chủ yếu tập trung vào tấm bản đồ hình lưỡi bò mà Trung Quốc đã chuyển lên Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên vào năm 2009. Từ giáo sư Monique Chemillier Gendreau (Đại học Paris 7) cho đến giáo sư Erik Franckx (khoa Luật pháp Quốc tế và Châu Âu thuộc trường Đại học Vrije Bruxelles, Bỉ) hoặc giáo sư David Scott (Đại học Brunel, Anh Quốc), tất cả đều phân tích kỹ lưỡng tấm bản đồ hình chữ U của Trung Quốc và chứng minh tính chất không phù hợp với luật lệ cũng như án lệ quốc tế của văn kiện này.

Hiện diện trong hai bàn tròn buổi trưa và buổi chiều về các vấn đề chính trị, chiến lược, quân sự liên quan đến Biển Đông, ngoài các các chuyên gia tên tuổi về châu Á như giáo sư François Godement hay chuyên gia Christian Lechevry, hiện là cố vấn của tổng thống Pháp François Hollande về các vấn đề chiến lược vùng châu Á và châu Úc, còn có nhiều chuyên gia về quân sự như tướng Daniel Schaeffer, thuộc nhóm nghiên cứu Asie 2, nhà nghiên cứu Christian Le Mière tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế IISS ở Luân Đôn chuyên về các lực lượng hải quân và an ninh hàng hải.

Đặc điểm cuộc hội thảo hôm nay là mở rộng cửa cho tất cả những ai quan tâm vào theo dõi và đặt câu hỏi cho các diễn giả ngay sau khi mỗi bàn tròn kết thúc. Trong phần giao lưu sau bàn tròn về vấn đề pháp lý của tranh chấp chủ quyền Biển Đông, các câu hỏi rất đa dạng: Từ khả năng đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế cho đến vai trò của khối Đông Nam Á ASEAN... Đặc biệt có một câu hỏi liên quan đến một công hàm của thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm văn Đồng vào năm 1958, được phía Trung Quốc cho là đã công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên quần đảo Hoàng Sa.

Về vấn đề này, giáo sư Công pháp Quốc tế Monique Chemillier Gendreau đã nêu rõ hai dữ kiện quan trọng. Trước hết là phải đặt công hàm đó vào trong bối cảnh ra đời của nó. Vào lúc đó sau thất bại của hội nghị Liên Hiệp Quốc về việc mở rộng lãnh hải một nước từ 3 hải lý ra thành 12 hải lý, Trung Quốc đã ra tuyên bố mở rộng lãnh hải của mình theo chiều hướng đó. Thứ đến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc ấy đã bày tỏ tình đoàn kết ủng hộ việc mở rộng lãnh hải của Trung Quốc chứ không có một từ ngữ nào liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa. Ngoài ra, cũng theo giáo sư Gendreau, lúc đó Việt Nam bị chia làm 2 phần : Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc và Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam. Về mặt chính danh quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Do đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có thẩm quyền gì trong việc từ khước hay đòi hỏi chủ quyền trên vùng lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17, trong đó có Hoàng Sa.

Theo một tham dự viên cuộc hội thảo, Giáo sư Nguyễn Thái Sơn (Pháp), cuộc hội thảo khẳng định Bản đồ 9 đoạn Lưỡi bò và Quyền Lịch sử của TQ trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế và Công ước về Luật biển UNCLOS của Liên Hiệp quốc! Các chuyên viên và học giả cao cấp đến từ Pháp, Bruxelles và Luân Đôn nhấn mạnh các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng thương nghị theo công pháp quốc tế. Các học giả và chuyên viên Pháp mạnh dạn nêu rõ hồ sơ Việt Nam về Hoàng Sa Trường Sa có ưu thế. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc bị cô lập.

(Tổng hợp tin BBC / Nguyễn Thái Sơn)

Tài liệu  Cuộc Hội thảo PDF (tiếng Pháp): «Mer de Chine méridionale: nouvel espace de crise?», Colloque Fondation Gabriel Péri / IRIS

Tin liên hệ: Trung Quốc và chiến lược "lãnh địa hóa" chiếm trọn Biển Đông