BVX20140722-NguyenHyVong

 

Ước mong Từ điển nguồn gốc tiếng Việt sẽ được phổ biến sâu rộng

Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn tác giả Nguyễn Hy Vọng

22/07/2014  (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Tiếng Việt hiện nay là cái linh hồn chung cho 90 triệu người Việt ở Việt Nam và gần ba triệu người Việt ở các nước ngoài.Nó là một ngôn ngữ có tính cách quốc tế không những là vì sau biến cố đau thương của đất nước năm 1975 mà vì từ xa xưa lắm, khi mới có người Việt, nó đã chia xẻ cái nguồn gốc chung với hơn 57 thứ tiếng nói anh em khác sống chung quanh nó. 

Sự hiểu biết rành rẽ cái vốn liếng tiếng Việt thời xa xưa sẽ làm cho người Việt chúng ta vững tin vào ngày mai của tiếng mẹ.

"Từ điển nguồn gốc tiếng Việt"  là một tập hợp to lớn của rất nhiều từ điển đồng nguyên ở Đông Nam Á của các ngôn ngữ Việt, Mường, Mon, Khmer, Chàm, Lào, Thái, Myanmar, Malay, Indonesia cùng với 41 tập ngữ vững của các tiếng nói Mon-Khmer, cùng là các tiếng Hmong, Yao, Zhuang, Nùng và của các bộ tộc Thái Shan.

Từ điển này lại được dịch ra bằng tiếng Anh và tiếng Pháp và có ghi chữ Hán cho các từ Hán Việt để cho mọi người trên thế giới có thể đọc và hiểu tiếng Việt một phần nào về ý nghĩa và nguồn gốc của nó vì phần phiên âm và phiên chữ trong từ điển này rất là gần và sát với âm Việt và chữ abc Việt.

Từ điển này định nghĩa cho từng tiếng một và cũng dịch từng tiếng một ra tiếng Anh, Pháp để cho ta thấy ngay nguồn gốc đa dạng của từng tiếng Việt bởi sự đóng góp cái âm và cái nghĩa lúc đầu của các ngôn ngữ anh em bà con với nó khắp Đông Nam Á.

Gọi nó là Từ Điển Đồng Nguyên (cognatic dictionary) vì nó được viết ra theo phương pháp so sánh ngôn ngữ (comparative linguistics) để tìm hiểu là "sinh ra, đẻ ra, làm ra".

Trên hai trăm ngàn đơn vị đồng nguyên trong từ điển này dễ dàng cho ta thấy rõ hai giòng họ lớn đã "thôi nôi" cho tiếng Việt ngày xưa là giòng họ Mon-Khmer và giòng họ Taic (Thái) cũng như ta có thể nhận ra được rất dễ dàng các hình thái, cấu trúc, và dáng dấp ý nghĩa lúc ban đầu cũng như những biến nghĩa của từng tiếng một hay tiếng ghép trong tiếng Việt của ba miền ngày nay.

Qua 33 năm nghiên cứu và biên soạn, thay vì in riêng ra từng tập từ điển, tôi góp chung vào với nhau để cho bạn đọc có một cái nhận thức chung rõ ràng và chi tiết của từng tiếng một trong tiếng Việt, cũng như ta nhìn thấy mọi nhánh sông nhỏ trên nguồn thay vì đi qua từng nhánh một của giòng sông tiếng Việt.Mong rằng nó là tài liệu để trên bàn cho mọi lớp học, mọi trường học, cho các thầy cô giáo, cho các học trò, sinh viên và bạn trẻ, cho các phụ huynh học sinh, cho những ai thiết tha và nặng lòng với tiếng Việt, để cùng nhau tìm hiểu, giải thích và giảng dạy cho con em, để cho các thế hệ mai sau sẽ dựa vào đó mà tiến mạnh hơn nữa trên bước đường "suy nghĩ lại ý nghĩa và tư tưởng của từng tiếng một trong tiếng Việt.

Từ điển này cũng là một từ điển nghiên cứu (cognatic reference dictionary) có ích cho các nhà ngữ học khắp thế giới đang để ý tìm hiểu nguồn gốc của các ngôn ngữ Đông Nam Á mà cho tới nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Từ điển này đang còn thiếu sót và cần thêm sự đóng góp và chia xẻ tài liệu với cọng đồng ngữ học Việt Nam và thế giới để cho đầy đủ và rõ ràng hơn nữa.

Chúng ta hãy tìm hiểu và giữ gìn tiếng Việt cho xứng đáng là người Việt.

Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, tác giả cuốn Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" đã giới thiệu đôi nét về cuốn từ điển này qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thanh, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tháng 6 mới đây.

Mời quý bạn đọc theo dõi

- Trần Quang Thành: Xin kính chào Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, chúng tôi xin chia vui về việc Bác sĩ đã hoàn thành một công trình rất là đồ sộ: Đó là cuốn Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, Bác sĩ có thể cho chúng tôi biết ý tưởng của Bác sĩ khi biên soạn cuốn từ điển này được không ạ?

- Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng: Dạ rất sẵn lòng, cái ý chính của tôi vào methodology có thể gọi là phương pháp học để làm cuối từ điển này. Tại sao phải có cuốn từ điển này? Là bởi vì nó là cuốn từ điển đầu tiên trên thế giới, ở trong nước cũng như ngoài nước nói về cái nguồn gốc của tiếng Việt và chỉ có thế thôi. 

- TQT : Trong quá trình làm một cuốn từ điển suốt mấy chục năm nghiên cứu và sưu tầm tài liệu Bác sĩ có gặp khó khăn nào không ạ?

- NHV: Tôi gặp những khó khăn về logistics nghĩa là cái cách điều hành một cuốn từ điển mà không có một người nào tham gia chỉ một mình tôi thôi  Sự thực là tôi cũng đã mời rất nhiều quý vị học giả bậc lớn ở trong nước cũng như ngoài nước để tham khảo và cùng nhau nghiên cứu làm việc nhưng mà quý vị đó hoặc là vì quá tuổi hoặc vì từ chối bảo rằng không nằm trong lãnh vực của họ nên tôi đành phải làm một mình vậy.

- TQT: Bác sĩ có thể giới thiệu về nội dung cuốn từ điển mà Bác sĩ đã dày công nghiên cứu và cho ra mắt bạn đọc.

- NHV : Như tôi vừa nói, nội dung từ điển là nó chuyên ngành, nó đột phá và nó dẫn đầu trong cái lãnh vực khó khăn nhất của ngôn ngữ học là lãnh vực nguồn gốc, theo tiếng quốc tế người ta gọi là etymology nghĩa là đi tìm về cái nguồn cái gốc của mỗi tiếng một, mỗi tiếng rời ở trong một ngôn ngữ.

- TQT: Bác sĩ có thể giới thiệu cụ thể một số chương mục trong cuốn từ điển Bác sĩ đã biên soạn thí dụ về những từ ngữ về những chữ mà Bác sĩ thấy là rất là tâm đầu ý hợp với mình ạ?

- NHV: Thí dụ thì nó nhiều đến nỗi mà nó bao gồm hết cả con số ngữ vựng của VN, nghĩa là tiếng Việt mình có bao nhiêu tiếng rời, bao nhiêu tiếng nộp thì sau 33 năm chúng tôi đã tìm được nguồn gốc của chúng nó hết rồi. Lấy một thí dụ rất tầm thường là hai chữ "săn sóc" thì chúng ta 93 triệu người Việt trong nước và ngoài nước thì ai cũng hiểu là săn sóc cả, một đứa con nít cũng hiểu săn sóc là gì và một ông học giả thì cũng hiểu như nó thôi, nhưng sự thực cái đó là hiểu chứ không phải là biết bởi vì muốn "biết" cái chữ săn sóc thì phải tự mình đặt ra một câu hỏi tò mò là: săn là gì và sóc là gì? Đương nhiên khi mình tự đặt hai câu hỏi đó thì mình sẽ thấy ý nghĩa của hai chữ săn sóc đang từ rất dễ hiểu nó trở thành rất là khó hiểu, và tôi đi ngay vào khía cạnh khó hiểu của hai chữ săn sóc cũng như của 27.400 cái tiếng rời của VN.

- TQT : Cuốn từ điển mà Bác sĩ đã ra mắt được gần hai năm và được nhiều nơi biết tới, Bác sĩ có thể giới thiệu công trình này đã được những nơi nào liên hệ và có những ảnh hưởng như thế nào được không thưa Bác sĩ?

- NHV : Cách đây 5 năm từ điển của chúng tôi đã được sự chú ý của Đại thư viện quốc gia Pháp ở Paris và họ đã muốn có quyển đó để họ bảo trợ danh dự và tôi đã gửi một nửa quyển từ điển của tôi qua cho họ và họ đã vào sổ danh bạ của từ điển Việt Nam ở trong danh bạ của Thư viện quốc gia Pháp rồi.

- TQT: Ngoài Pháp ra còn những nước nào đã quan tâm đến cuốn từ điển này thưa ông?

- NHV : Dạ chưa, chỉ có một mình nước Pháp thôi.

- TQT: Theo tôi biết ở Hoa kỳ họ cũng quan tâm đến cuốn từ điển này mà.

- NHV : ở Hoa kỳ thì cũng mới bắt đầu thôi, họ cũng yêu cầu tôi gửi đến cho họ xem để họ đặt hàng mua nhưng mà tôi chưa gửi cho họ, và tôi cũng dự định sau khi ra mắt vừa rồi California tôi sẽ đi một vòng quanh nước Mỹ, các trung tâm đô thị lớn nơi có đông người Việt để tôi làm một cuộc du hành ra mắt sách.

- TQT : Bác sĩ vừa nói đến người Việt tất nhiên là cuốn từ điển nguồn gốc tiếng Việt phải người Việt biết đầu tiên vậy thì đối với 93 triệu người Việt Nam hiện nay thì Bác sĩ quan tâm chỗ nào để mà phổ biến cuốn từ điển của mình đến để kiến thức cho nhiều người biết tới và đặc biệt là cho giới trẻ?

- NHV : Vâng cái trọng tâm của tôi là 35 triệu trẻ em ở bên nước nhà và gần một triệu trẻ em Việt ở hai ngoại, cần phải biết rõ tiếng Việt cần phải hãnh diện về tiếng Việt cần phải thấy vẻ vang về tiếng Việt khi nói tiếng Việt và khi chỉ vẽ về tiếng Việt cho người ngoại quốc để cho họ biết rằng tiếng Việt là một thứ tiếng nói rất là rõ ràng, đó là mục đích chính của tôi làm cho tiếng Việt rất là rõ ràng, rõ ràng đến mức mà không thể rõ ràng hơn được nữa.

- TQT: Xin cám ơn Bác sĩ đã sơ bộ giới thiệu về cuốn Từ điển nguồn gốc tiếng Việt của mình và mong rằng cuốn từ điển sẽ phát triển rất nhanh rất mạnh đến tất cả người dân Việt Nam để họ hiểu thêm ngôn ngữ Việt Nam và biết tự hào về ngôn ngữ VN.

- NHV : Xin cám ơn ông và nhất là tôi cũng đồng vọng với cái ý muốn của ông là làm thế nào để ta nắm vững tiếng Việt từng tiếng một từ em bé đến một người già.

- TQT: Một lần nữa xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng.

* Xem thêm:

Cuốn "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt", một công trình nghiên cứu có giá trị

Trần Quang Thành phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích