T20130725-DieuCay-PEN

Văn Bút Quốc Tế đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà báo Điếu Cày bị biệt giam có thể chết vì tuyệt thực

25/07/2013 Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ (Forum Vietnam 21) - Trong một Thông cáo/Kháng thư phổ biến ngày 24 tháng 7 năm 2013 trên Mạng Lưới Hành Động Khẩn Cấp, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù bày tỏ mối quan tâm sâu xa về sự an toàn tính mạng của nhà báo và tác giả viết nhựt ký điện tử Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Theo nguồn tin gia đình, ông Điếu Cày đã tuyệt thực từ ngày 23 tháng 6 để phản đối những điều kiện giam nhốt vô cùng khắc nghiệt và nhứt là ông bị biệt giam vì ‘’vi phạm kỷ luật’’. Ông Điếu Cày đã bị phạt vì người trí thức yêu nước thương dân, quý trọng tự do, dân chủ và công bằng xã hội như ông nhứt quyết không chịu ký tên ‘’nhận tội’’. Ngày 20 tháng 7, bà Dương Thị Tân không được vào chỗ thăm tù. Chỉ có người con là Nguyễn Trí Dũng được vào nói chuyện với ông khoảng 5, 10 phút, dưới sự canh chừng của công an. Ông Nguyễn Trí Dũng không cầm được nước mắt khi nói với bà Dương Thị Tân: ‘’Con không nhận ra bố con, mẹ ơi!’’. Sức khỏe của ông Điếu Cày hầu như kiệt quệ. Ông ngồi không thể thẳng người lên được, hai tay ông phải chống để đỡ lấy cái đầu. Có hai người tù kè ông, không cho ông nói nhiều với con ông. Giọng ông thì thào nhưng cương quyết : ‘’Bố tuyệt thực’’. Cộng sản đã cố giấu tin ông Điếu Cày tuyệt thực mấy tuần qua. Theo bà Dương Thi Tân, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bạn tù của Điếu Cày đã báo cho bà Nguyễn Thị Nga là vợ ông biết Điếu Cày tuyệt thực bốn tuần rồi. Công an đã bịt miệng không cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói tiếp rồi kéo ông vào trại. Dường như bọn công an đã hành hung ông sau đó. Nhờ sự can đảm và tình bạn hữu của chồng bà mà bà Nguyễn Thị Nga đã có thể chuyển tin cộng sản cấm đó cho bà Dương Thị Tân.

Trong Thông cáo/Kháng thư, Văn Bút Quốc Tế đòi trả tự do cho nhà báo Điếu Cày, tức khắc và vô điều kiện, vì ông chỉ sử dụng quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm.

Văn Bút Quốc Tế yêu cầu các văn thi hữu Văn Bút tận dụng tất cả những phương tiện kỹ thuật truyền thông đại chúng để

- bày tỏ mối quan tâm sâu xa về sức khỏe, sự an toàn nhân cách và thân thể của nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Phải nhấn mạnh rằng nhà báo tù nhân đang bị bệnh nặng vì là hậu quả của cuộc tuyệt thực, sự đối xử vô nhân đạo và không có đầy đủ sự chăm sóc y tế trong trại tù;

- thúc giục nhà cầm quyền cộng sản trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà báo độc lập chỉ sử dụng quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm. Phải nhắc cho nhà cầm quyền cộng sản nhớ rằng khi giam nhốt ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà nước cộng sản vi phạm không thể chối cãi Điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà họ đã ký kết;

- đồng thời báo động công luận thế giới về thảm trạng có rất đông những nhà văn và nhà báo hiện đang bị câu lưu hoặc giam nhốt trong các trại tù ở Việt Nam. Những người cầm bút đó đều bị bắt giữ chỉ vì phát biểu và thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, và

- trên quan điểm đó, đòi nhà nước cộng sản phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả những nạn nhân của chính sách đàn áp và cầm tù.

Thông Cáo / Mẫu Kháng Thư Anh ngữ  và Đức ngữ của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù

Nhắc lại, ông Nguyễn Văn Hải sinh năm 1953, bút hiệu Hoàng Hải và bút ký điện tử Điếu Cày, nhà báo độc lập và tác giả nhựt ký điện tử. Ông, bị bắt ngày 20 tháng 4 năm 2008 về cái gọi là ’’tội danh trốn thuế’’ và bị kết án 2 năm 6 tháng tù ngày 10 tháng 9 năm 2008. Nhưng trong Kháng thư ngày 23 tháng 9 năm 2008 (RAN 47/08 Mạng Lưới Hành Động Khẩn Cấp), Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù đã cực lực lên án bản án tù, khẳng định rằng ông Điếu Cày bị trừng phạt vì những bài ông viết chỉ trích đường lối chính sách của nhà cầm quyền hiện nay, nhứt là thái độ của các lãnh tụ CS Hà Nội đối với những kẻ cầm đầu ở Bắc Kinh. Ông công khai tán trợ phong trào đòi hỏi Dân Chủ và Nhân Quyền. Ông còn phạm nhiều ’’tội’’ khác nữa đối với chế độ. Như là người đồng sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và thành lập trang nhà Dân Báo của hội này. Ông đã tham gia nhiều cuộc tuần hành biểu tình tố cáo và lên án chủ nghĩa bành trướng và hành động gây hấn của Trung Cộng ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như ở Tây Tạng. Văn Bút Quốc Tế còn tố cáo rằng trong thời gian xảy ra vụ án ‘’Điếu Cày’’, CSVN leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và dân chủ đối kháng. Nhiều nhà văn có mặt trong số những người bị bắt giữ, cô lập hoặc sách nhiễu hung bạo. Biến cố này được coi là một phần thuộc về chiến dịch trấn áp qui mô của nhà cầm quyền CS nhắm vào những cuộc phản kháng được tiến hành trên khắp nước. Nạn nhân nói chung là các nhà báo độc lập, các nhà tranh đấu cho Nhân Quyền, các nhà bất đồng chính kiến và dân chủ đối kháng sử dụng Internet, luật sư bênh vực quyền tự do tôn giáo và Dân Oan. Những người bị bắt được biết nhiều gồm có hai bà Phạm Thanh Nghiên và Lê Thị Kim Thu, các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch, Nguyễn Mạnh Sơn, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Kim Nhàn. Trong trại tù lao động khổ sai, nhà báo Điếu Cày đã bị tra tấn, đối xử thật tồi tệ. Sau vụ án tù, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW) trao tặng ông Điếu Cày Giải Tự do Phát biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammet năm 2009. Ông được bầu làm hội viên danh dự của Trung Tâm Văn Bút Gia Nã Đại.

Lẽ ra ông Nguyễn Văn Hải đã phải được rời trại giam địa ngục Z30A Xuân Lộc - Đồng Nai để về với gia đình từ ngày 20 tháng 10 năm 2010 sau khi mãn hạn tù bất công. Nhưng ông bị CS lén lút giải về nhốt tại cơ quan an ninh điều tra ở số 4, đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận từ ngày 16 tháng 10 năm 2010.

Theo Văn Bút Quốc Tế, khi nhà cầm quyền CSVN cố ý tiếp tục giam nhốt bất công nhà báo Điếu Cày viện lẽ ông vi phạm điều 88 Hình luật CSVN thì rõ ràng họ chỉ có thể ngoan cố dựa vào những bài ông viết và phổ biến trên Trang Thông Tin điện tử của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do trước ngày ông bị bắt lần đầu hồi năm 2008. Văn Bút Quốc Tế tố cáo rằng từ ngày 18 tháng 10 năm 2010, nhà báo Điếu Cày đã bị biệt giam tại một nơi bí mật. Gia đình không được thăm viếng, không được gởi thư từ, cung cấp thuốc men và thức ăn mà chắc chắn tù nhân rất cần. Thân nhân và bạn hữu của nhà báo Điếu Cày đã từng sống qua những ngày tháng đó với những nỗi lo ngại sâu xa về tình trạng sức khỏe, sự an toàn nhân cách và thân thể của con người bất khuất trước bạo lực ngụy quyền.

Nhiều tháng sau, gia đình mới biết ông Điều Cày sẽ bị cáo buộc vào điều 88 luật hình sự. Các cáo buộc đó được cho là căn cứ vào các bài viết trên Internet của ông trước khi ông bị bắt vào năm 2008 nhằm cổ xúy cho Câu lạc bộ Nhà báo Tự do Việt Nam. Một mực xác quyết mình vô tội, ông bị nhốt kín ở một nơi không ai biết. Ông bị tước quyền được gặp gia đình tới thăm nom. Ông không được quyền nhận thư từ, thuốc men và thực phẩm từ ngày 18 tháng 10 năm 2010 cho tới ngày 2 tháng 5 năm 2012. Sức khoẻ của ông vốn đã yếu kém lại càng suy giảm thêm sau khi ông tuyệt thực 28 ngày đầu năm 2012. Ông bị hôn mê. Sợ ông chết, cai ngục B14 phải đưa ông vào bệnh viện công an cấp cứu, mất bốn ngày. Công an tìm cách giấu kín chuyện đó. Công luận biết nhiều và quan tâm hơn về tình trạng lao tù của nhà báo Điếu Cày cũng nhờ sự tranh đấu, vận động, kêu oan, cầu cứu không ngừng nghỉ của người vợ đầu của ông là bà Dương Thị Tân. Phải kể thêm, nhứt là cháu trai Nguyễn Trí Dũng và cháu gái Nguyễn Thị Hoàng Yến. Mượn cớ tìm bằng chứng để kết tội ông Điếu Cày dù ông không trú ngụ tại nhà bà Dương Thị Tân, công an đã từng ngang nhiên vào nhà bà khám xét, đập phá, thu giữ, cướp bóc tài sản. Trả lời một cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23 tháng 9 năm 2012, bà Dương Thị Tân có kể lại:

’’Lúc ông Hải mới bị bắt, họ có đưa tôi vào thuyết phục. Sau thấy không đạt được mục đích thì họ bắt đầu cấm. Từ tháng 6/2009 đến nay họ hoàn toàn cấm không cho tôi nhìn thấy ông Hải. Lúc nào ông ấy (ông Hải) cũng tin tưởng vào việc mình làm. Ông tin rằng một lúc nào đó những việc đó sẽ được mọi người công nhận.Bên ngoài sức khỏe của ông tương đối ổn nhưng trong người rất nhiều bệnh. Họ (công an) cũng không giấu diếm gì. Ông Hải đã kể rằng một trung tá có tên Hoàng Văn Dũng đã từng nói rằng ‘tao sẽ làm cho mày suy kiệt mà chết’ và họ thật sự đã làm như thế. Người tù sống bằng sự thăm nuôi tiếp tế của người thân. Riêng ông Hải ở thời kỳ đầu luôn không cho gặp người nhà để gửi đồ thăm nuôi tiếp tế. Ông bị tước đoạt rất nhiều thứ. Thậm chí đến cây bút và giấy để khiếu nại họ cũng không cho. Ông lớn tuổi phải đeo kính mới nhìn thấy chữ nhưng họ cũng tước đoạt luôn.

Gia đình tôi luôn tin tưởng vào ý chí đấu tranh cũng như lý tưởng của ông. Chúng tôi luôn tự hào và ủng hộ ông vì có những việc mà ông Hải làm cho đến giờ này nhà cầm quyền mới dám nói như biển đảo và những gì đã mất vào tay Trung Quốc. Ông luôn nghĩ những việc ông làm là vì đất nước này và không có gì là tội lỗi’’.

Từ tháng 4 năm 2012, ba thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do gồm có nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà luật học Tạ Phong Tần (tác giả nhựt ký điện tử Công Lý và Sự Thật) và nhà báo Phan Thanh Hải (tác giả nhựt ký điện tử Anh Ba Sài Gòn), đã bị cáo buộc "tiến hành tuyên truyền chống lại nhà nước theo Điều 88 luật hình sự. Cả ba người đều bị lên án vì cho đăng các bài viết trên các trang web Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bị cấm và trên nhựt ký điện tử riêng của họ. Phiên toà cộng sản Việt Nam theo kiểu thời kỳ bạo chúa Staline để xử tội họ đã bị hoãn lại nhiều lần. Chế độ CS công-an trị chẳng hề tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về một nền tư pháp công minh và độc lập. Ba nhà cầm bút bị giam cầm trước khi xét xử từ một năm (Công Lý và Sự Thật) đến hai năm (Điếu Cày và Anh Ba Sài Gòn), trong những điều kiện lao tù khắc nghiệt. Ngày 24 tháng 9 năm 2012, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị phạt 12 năm tù giam và 5 năm tù quản chế, bà Tạ Phong Tần (Công Lý và Sự Thật) 10 năm tù giam và 5 năm tù quản chế, ông Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) 4 năm tù giam và 3 năm tù quản chế. Ba nhà báo này bị kết tội ‘’tuyên truyền chống nhà nước’’ vì những bài họ viết chỉ trích chế độ và những trang nhựt ký điện tử của họ. Cộng sản tiếp tục đối xử tàn bạo bằng cách lưu đày xa xứ các tù nhân chính trị, ngôn luận và lương tâm. Những người này bị đổi trại giam nhiều lần mà gia đình không hề được thông báo trước. Nhiều nhứt là nhà báo Điếu Cày - 10 lần - hiện bị biệt giam tại trại số 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cách biên giới Lào-Việt 20 cs. Bà Tạ Phong Tần cũng vậy, từ trại Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai, bà bị đưa ra Bắc Trung Phần, giam tại trại số 5, Thống Nhất, Yên Định, Thanh Hóa. Nhà thơ Trần Khải Thanh Thủy, bà Lê Thị Công Nhân và bà Phạm Thanh Nghiên từng trải qua những năm tù đày nghiệt ngã ở trại giam số 5 này.

Nguồn tin: nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Phó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại (đặc trách Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù), hội viên Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong, Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc Genève và Hội Nhà Văn và Nhà Phiên Dịch Vùng Á Châu – Thái Bình Dương. Tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ.

Genève ngày 24 tháng 7 năm 2013

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse Vietnamese

League for Human Rights in Switzerland

Ghi chú thêm: Thông cáo/Kháng thư của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm tù còn được phổ biến trên hệ thống IFEX Action Alert Network (International Freedom of Expression Exchange/Trao Đổi Quốc Tế Quyền Tự Do Phát Biểu).