BCT20180810-KhiTrumptungtindonlaDNAchiutran
Tranh chấp thương mại
Mỗi khi Trump thảy tin đồn ra là Đông Nam Á chịu trận
Các nước như Mông Cổ, Lào hay Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việc Mỹ tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc đồng nghĩa với sự phá sản, thất nghiệp và bất ổn tại một loạt các nước Đông Á.
Christoph Giesen (*)
Nguyễn Văn Vui chuyển ngữ
10/08/2018 (DĐVN21) - Một cái tweet hả hê, thỏa mãn tự ái vặt, nhưng nội dung thì nửa đúng nửa sai, đó là chuyện rất thường tình với Trump: "Chuyện thuế quan chạy trôi chảy hơn sự mong đợi của mọi người. Trong vòng bốn tháng qua thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 27 phần trăm," ông Tổng thống Mỹ đã khoe khoang như vậy qua tin nhắn ngắn cách đây mấy ngày. "Kinh tế của chúng ta mạnh hơn bao giờ hết và sẽ tăng lên đáng kể hơn nữa, một khi chúng ta thương lượng lại được các hiệp định thương mại khủng khiếp như hiện nay. Nước Mỹ trước hết."
Đúng là thị trường chứng khoán Trung Quốc ở Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 27 phần trăm - nhưng phải tính từ đầu năm. Còn cuộc tranh chấp thuế quan với Trung Quốc mà Trump đã khởi sự, thì chỉ mới có từ tháng 4 này mà thôi. Bước leo thang trong 2 tuần sắp tới là Mỹ sẽ đánh thuế tới 25 phần trăm trên nhiều hàng hóa của Trung Quốc, tổng trị giá 16 tỷ USD. Không cần phải đợi chờ lâu, Bắc Kinh trả đũa tương ứng. Trump liền đấu lại: Mỹ đang cứu xét đánh thêm các sản phẩm trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc với mức thuế quan là 25 phần trăm. Và tới đây, thì người ta thấy khá chóng mặt.
Sự bất mãn tăng lên từng ngày
Nhưng Trump thì vẫn cứ huênh hoang là chính mình đã đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống dốc, mặc dù các cổ phiếu của Tàu xưa nay không bao giờ ổn định cả, chúng cứ bay lên rớt xuống rất thất thường. Trong khi đó, có một trị giá khác, quan trọng hơn nhiều, đang sụt giá, mà chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn. Đó là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nó đã giảm giá hơn 10 phần trăm so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng Tư. Việc này đã làm cho gần phân nửa số thuế mà Mỹ đánh để trừng phạt trở thành mất hiệu quả. Song song vào đó, các sản phẩm của Mỹ - ngoài chuyện bị TQ đánh thuế trả đũa - lại trở nên đắt giá hơn nhiều. Có chủ ý hay không? Hay đó chỉ là phản ứng bình thường của thị trường? Người ta chưa biết. Nhưng cái gì sẽ xảy ra nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá, và Bắc Kinh quyết định cứ ngồi lì trước các châm chọt của Trump? Riêng đối với các nước láng giềng của Trung Quốc thì tình hình này sẽ là một thảm họa lớn, có thể đe dọa ổn định xã hội trong vùng.
Hàng hóa TQ tràn ngập (ảnh: SWR)
Đã từ lâu nay, TQ là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với nhiều quốc gia ở châu Á. Vận mệnh kinh tế của các nước như Mông Cổ, Lào và Campuchia được đan xen chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc: họ mua mọi thứ từ Tàu, nhưng quan trọng, họ cũng chủ yếu xuất khẩu hàng của nước họ sang Tàu. Và đó là một vấn đề. Các tiền tệ của Đông Nam Á hiện nay tự động tăng giá, và trở thành đắt hơn. Một thí dụ cụ thể là Việt Nam, nước này đang lo sợ rằng các công ty Tàu có thể đột nhiên đòi giảm giá hàng hóa mà VN bán sang Tàu, lấy lý do đồng Nhân dân tệ mất giá, nên các hãng Tàu phải chi trả nhiều tiền hơn. Đó là một đe dọa vô cùng tai hại. Việt Nam lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc một cách áp đảo, cho nên hậu quả cho Việt Nam sẽ là: phá sản, thất nghiệp, bất ổn xã hội. Lối thoát duy nhất cho Việt Nam là cũng bắt chước TQ giảm giá đồng VNĐ của mình và đi theo Bắc Kinh. Nhưng ngay cả phương cách này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề nào cả.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với những con số ấn tượng tương tự như Trung Quốc, nhưng hầu hết người dân Việt Nam thì không hưởng bất cứ lợi lộc gì từ việc đó. Lý do là lạm phát, mà với một đồng tiền yếu thì lạm phát lại tăng nhanh hơn nữa. Có lợi ích gì, khi tiền lương trong nước tăng năm phần trăm một năm, nhưng đồng thời, giá hàng ngoài chợ tăng lên bảy phần trăm? Các thủ đoạn tiền tệ như trên mà dùng để đối phó với các biện pháp tăng thuế quan của Trump, thì chỉ đẩy nhanh đà lao dốc về kinh tế mà thôi. Nỗi bất mãn trong nước sẽ tăng lên từng ngày.
(*) Nguồn: Wenn Trump poltert, leidet Südostasien, Christoph Giesen, Süddeutschen Zeitung, 08.08.2018