BVX20191207-LeTangCoNhaVanVuNam

Lễ Tang Cố Nhà Văn Vũ Nam

Trần Đan Hà

06/12/2019 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Vô cùng xúc động trước sự ra đi đột ngột của Nhà văn Vũ Nam, tên thật là Lý Văn Văn Pháp Danh Thiện Thanh. Tang lể tổ chức vào ngày thứ Tư 27/11/2019 tại Friedhof Aiblestrasse, 72116 Mössingen, Germany dưới sự chứng minh và chủ lễ của Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc cùng sự hổ trợ của Đại Đức Thích Hạnh Giác và Ni Sư Thích Nữ Hạnh Trang cùng Ban Hộ niệm Chùa Viên Quang Tübingen.

Tham dự Tang lễ gồm có Đại diện các Hội Đoàn và Tôn Giáo: Ông Dương Hồng Ân Đại diện Cộng Đồng Việt Nam Stutgart và Diễn Đàn Việt Nam 21. Ông Phạm Công Đại Diện Cộng Đồng Người Việt tại Reutlingen và vùng Phụ Cận. Ông Nguyễn Văn Tộ Đại Diện Cộng Đoàn Công Giáo tại địa phương. Ông Hàn Cường Đại Diện Cộng đồng Phật Tử tại Reutlingen và vùng Phụ Cận. Anh Trần Đan Hà Đại Diện Ban Biên Tập và Kỷ Thuật Báo Viên Giác. Và hơn hai trăm thân hữu người Việt và người Đức đến từ nhiều nơi. Mở đầu Hòa Thượng Phương Trượng ban cho một thời Pháp Nhũ và chủ trì Nghi lễ. Tiếp theo Ni Sư Thích Nữ Hạnh Trang Chùa Viên Quang tại địa phương có vài lời chia buồn cùng tang quyến. Tiếp theo là người Đại diện cho Ban Biên Tập và Kỷ Thuật Báo Viên Giác đọc Lời Tiển Đưa.

Tiếp theo Anh Dương Hồng Ân chia xẻ về những lần sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật của Nhà văn Vũ Nam với Cộng Đồng Việt Nam Stuttgart (Tiếng Việt và Đức). Lời chia buồn cùng gia đình Tang quyến của các Ông Phạm Công, Nguyễn Văn Tộ. Hàn Cường. Tiếp theo là Cháu Lý Trường An trưởng nam và cháu Lý Tố Uyên dưỡng nữ thay mặt tang quyến lên nói lời Cảm Tạ toàn thể đồng hương đã không ngại đường xá xa xôi và thời gian quý báu đến đưa tiển anh anh Vũ Nam lần cuối. Sau cùng toàn thể lên dâng hương cầu nguyện và tiển đưa người quá cố đến nơi an nghỉ.

Nhà Văn Vũ Nam tên thật: Lý Văn Văn sinh ngày 28 tháng 04 năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. Nhập ngủ sau mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đến 30.4.75 vẫn còn là Sinh viên Sĩ quan Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30.4.75 bị tập trung học tập chính trị tại chổ (Bà Rịa) với các cấp chuẩn úy, thượng sĩ trong thời gian một tháng. Sau khi học tập xong xin đi học lại. 1976-1978 học trường Sư phạm ở Sàigòn. Sau đó đi dạy học tại Phước Hải, tỉnh Phước Tuy. Năm 1980 vượt biển cùng vợ con. Được tàu Cap Annamur cứu vớt đến đảo Palawan. Phi Luật Tân. Tháng 8 năm 1981 đến định cư tại Đức. Ngưng học sau gần hai năm học ngành Kỷ sư Cơ khí. Học nghề chuyên môn rồi đi làm. Bắt đầu viết văn khi vừa đến Đức. Bước vào làng văn từ 1985. Cộng tác với các báo: Viên Giác. Làng Văn. Pháp Âm. Cùng và các báo ở Mỹ. Canada. Úc.

Góp mặt trong các tuyển tập:

-Những Cây Viết Miền Nam – 1990 – Phù Sa – Canada. Truyện Hay Hải Ngoại – Tập I – 1991 – Phù Sa – Canada. - 3 Tuyển Tập Văn Bút Âu Châu 1 (1989), 2- 1994), 3- (1996) – Nỗi Nhớ Khôn Nguôi – 1994 – Hương Văn – Hoa Kỳ. - Trông Vời Quê Cũ – 1996 – Làng Văn – Canada. - Trong Cơn Vật Vã 1998 – Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại – Hoa Kỳ.

Anh đã mệnh chung lúc 16 giờ ngày 18-11-2019 nhằm ngày 22 tháng 10 năm Kỷ Hợi tại tư gia ở Gomaringen - Germany.

Linh cửu được quàn tại Friedhof Aiblestrasse, 72116 Mössingen. Germany. Chương Trình Tang Lễ: Thứ Bảy 23.11.2019- 10 giờ lễ Nhập Quan và Phát Tang. Thứ Tư ngày 27.11.2019. 11 giờ Cử hành tang lễ theo nghi thức Phật Giáo. 13 giờ Lễ Di Quan và hỏa thiêu tại nghĩa trang Mössingen. Sau tang lễ đợi thủ tục để đưa hài cốt về quê hương theo di nguyện của anh lúc còn sinh tiền.

Lời Tiễn Đưa

Đại diện Ban Biên Tập Báo Viên Giác đọc tại Lễ Tang

Than ôi,

Trời Gomaringen mưa gió sụt sùi, lòng buồn thêm chạnh. -Thương tiếc một tài hoa nhưng sớm nở tối tàn. -Khiến bao người không cầm được giọt lệ chứa chan. -Trong khung cảnh nơi nghĩa trang đưa tiển. -Trong khoảnh khắc thấy đời như bọt biển . -Nghe cõi lòng như buốt giá niềm đau. -Anh đi rồi còn đâu nữa bên nhau.

Cà phê Müller cuối tuần cũng ngậm ngùi tiếc nhớ. -Thế mới biết luật vô thường tạo hóa

Hể có sinh thì phải có diệt, có ký thì phải có quy. -Thật không ngờ anh sớm ra đi. Bỏ lại gia đình cháu con còn nhỏ.- Nhưng cũng may mệnh anh yểu, mà danh anh trường thọ.- Đã để lại cho đời những áng văn chương tuyệt mỹ.

- Để an ủi cho lủ chúng ta sanh bất phùng thời phải xa lìa cố thổ.- Ngoảnh nhìn về thì quê hương vẫn chia ngăn cách trở. -Nhớ xưa phận làm trai khi nghe tiếng non sông gọi. -Anh cũng đã xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Sau mùa hè đỏ lửa 72, anh vẫn còn là Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. -Tuy chưa gian khổ hiểm nguy, chưa phong trần trận mạc, nhưng cũng đã noi theo gương của Lý -Trần ngày trước quyết một lòng vì nước hy sinh, đánh đuổi quân Nguyên dẹp yên bờ cõi.

Nhưng than ôi ! Một tháng Tư đen đủi vận nước lâm nguy, thế sự đảo điên đã thay ngôi đổi chủ. -Dân tộc Việt Nam phải chịu số phận đọa đày, do giặc phương Bắc gây nên cảnh tượng. -Mẹ phải dắt con đi lánh nạn. Cha tập trung cải tạo rừng thiêng. -Nên phải liều thân vượt biển, vượt biên. Mối hận nầy muôn đời đời còn đó. -Cũng may ra hải ngoại được gặp thầy yêu bạn quý, để cùng nhau học hỏi luận bàn. Nơi văn đàn hải ngoại từ đây, mới có bút hiệu Vũ Nam nhập cuộc.

Là một cây bút gia nhập ban biên tập báo Viên Giác đầu tiên. Như Thầy Chủ Nhiệm giới thiệu tập truyện đầu tay “Sau Ngày Tang” của anh Vũ Nam đã trở thành bút hiệu quen thuộc.

Trang Thiếu Nhi của Báo Viên Giác cũng do chính anh phụ trách với tên là Nguyễn Từ Văn... (nếu tác phẩm nầy có phát hành được, sẽ dành phần lớn làm quà thưởng cho các em thiếu nhi của báo Viên Giác mà anh Vũ Nam là người tiên phương đứng ra lãnh trọng trách hướng dẫn đàn hậu học ấy.)

Chưa dừng lại ở đó, mà anh đã tiến xa vươn vai ra hải ngoại. Cộng tác với các báo ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc San Biển Đông. Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới... Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, tin Văn -Ở Na Uy: Pháp Âm, Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập. Tâm Giác... Bước đầu tiên đã tạo được tiếng vang hải ngoại. -Tiếp theo vẫn từng bước cần mẫn như con ong cái kiến, như con tằm nhã tơ.

Đem hương hoa về phụng hiến cho đời. Đã hình thành nên các tác phẩm như:

Sau Ngày Tang- Tuyển tập truyện ngắn năm 87. Bên Dòng Sông Donau (Danube) tuyển tập truyện ngắn-90. Bên Này Bức Tường Bá Linh tuyển tập truyện ngắn năm 93. Nơi Cuối Dòng Sông- truyện dài năm 94. Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur – truyện dài năm 97. Một Đêm Ở Genève – tuyển tập truyện ngắn- 2004. Hoa Liên Kiều- tuyển tập truyện ngắn- 2008. Quê Người nhớ Quê Nhà-tuyển tập truyện ngắn 2016. -Và tham gia những hội đoàn đoàn thể đấu tranh. -Mong một ngày quê hương được thanh bình thịnh trị. Như Hội người Việt tỵ nạn cộng sản và Chi hội Phật tử tại Reutlingen. -Nguyên Hội viên Trung Tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.- Ngoài công danh với đời, anh còn trau dồi đức hạnh bản thân- Được gặp minh sư nên nhân duyên vào đạo thuận lành. -Được Thầy ban cho Pháp hiệu Thiện Thanh.

(Thiện là lành, còn Thanh là tiếng nói)

Anh không chỉ đóng góp tiếng nói ở ngoài đời, mà chung vai góp sức dựng xây chùa chiền, tự viện.

Với bản tính hiền lành nhu thuận, làm việc âm thầm không cần ai nhắc đến. Đã để lại trong lòng mọi người những cảm mến chân thành, niềm yêu thương muôn thuở.

Nhưng tha ôi ! Tấm lòng trung nghĩa mà sao lỡ bước công danh?

Trọn dạ chí thành, ngờ đâu nửa đời vắn số.

Thương tiếc công danh bao năm cũng cố.

Nhưng nửa đường biến thành bọt biển hư không! -Nay bằng hữu tiển đưa một lòng chân tình, gói tròn niềm nhớ. -Dâng nén tâm hương trong một ngày đưa tiển. -Xin nguyện cầu Hương linh dõi theo bóng Như Lai.

Anh đi vui cảnh Liên đài

Tôi về đếm bước tương lai ngậm ngùi.

Lòng bâng khuâng xúc cảm trước cảnh kẻ còn người mất. -Tâm trí mông muội như lạc giữa chốn nước nhược non bồng. Nhưng vẫn mong anh linh thiêng hảy về. -Nhập vào hồn thiêng sông núi để cùng Tiên Tổ phù hộ cho dân tộc Việt Nam, sớm vượt qua thời kỳ Quốc nạn.

Cùng che chở cho vợ con gia đình thân tộc.

Cùng bạn bằng cho nhẹ bớt buồn đau.

Và có duyên thì về nương cửa Phật từ bi.

Sớm tối nghe lời kinh tiếng kệ để được siêu sinh miền Tịnh Độ.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.