BKM20201210-HiepUocThuongMaiChauADuoiConMatNguoiAu

Hiệp Ước Thương Mại Châu Á Dưới Con Mắt Người Âu

„Chẳng Có Gì Để Chúng Ta Phải Lo Ngại“

Phạm Hồng-Lam dịch

10/12/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Hiệp ước tự do mậu dịch (RCEP) vừa được ký ở Á Châu cũng là một cơ hội cho Âu Châu. Pascal Lamy cho hay như thế. Pascal Lamy là cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) và cựu uỷ viên đặc trách thương mại của Liên Hiệp Âu Châu (EU). Hiện ông là chủ tịch “Viện Jacques Delors” tại Paris. Bài phỏng vấn đăng trên Die Zeit, số 48, ngày 19.11.2020 (*).

Die Zeit (DZ): Thưa ông Lamy, cuối tuần vừa qua 15 quốc gia tại Á Châu vừa ký một hiệp ước bao gồm một vùng thương mại lớn nhất thế giới. Đâu là hệ quả cho Âu Châu?

Pascal Lamy (PL): Nói thật lòng: Âu Châu chẳng có gì mà phải bối rối với chuyện này.

DZ: Tại sao?

PL: Hiệp ước này chỉ thú vị về mặt địa lý chính trị, còn các hệ quả kinh tế thì hạn chế.

DZ: Tại sao? Trong vùng hiệp ước này có tới hơn 2 tỉ cư dân và chiếm 30% năng suất kinh tế thế giới.

PL: Nó chỉ là một hiệp ước phiến diện. Nó chỉ quan tâm đặc biệt tới việc hạ mức thuế quan cho các hàng hoá. Các mức thuế này, trong các năm qua, đã xuống khá nhiều rồi, một phần vì giữa nhiều quốc gia tham gia hiệp ước đó đã có những thoả ước song phương, hoặc vì họ đã áp dụng các quy chế của WTO. Cũng vì thế mà các hiệp ước thương mại tân tiến ngày nay quan tâm tới những vấn đề gai gốc hơn, chẳng hạn như việc bảo vệ các sở hữu trí tuệ và việc cấm nhà nước bảo hộ cho cách công ti nước mình, khiến các công ty ngoại quốc có thể bị thua thiệt trong cạnh tranh thương trường. Những điểm này hoàn toàn không có trong RCEP.

DZ: Vậy thì nó quy định điều gì?

PL: Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại quá khứ. Khi George W. Bush còn cầm quyền, người Mỹ đã bắt đầu thảo luận với một vài quốc gia á châu về một hiệp ước tự do thương mại xuyên thái bình dương (TPP) rồi, với ngầm ý qua đó ngăn cản ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng. Nhưng các nước như Mã-lai và In-đô-nê-si-a sợ mất thị trường trung quốc, nếu họ tham gia TPP. Vì thế song song với việc thảo luận với Mỹ, họ đề nghị một hiệp ước khác với Trung Quốc, và Trung Quốc đã chộp lấy cơ hộ. Nhưng rồi Trump bỏ TPP. Các nước á châu tiếp tục bàn thảo, và giờ đây họ đã đạt kết quả.

DZ: Như vậy đó hoàn toàn không phải sáng kiến của Trung Quốc?

PL: Không. Sáng kiến do các nước đông nam á thuộc ASEAN.

DZ: Thế thì hiệp ước mang lại gì cho Trung Quốc?

PL: Nó giúp họ cơ hội tạo cho mình một dáng mạo đẹp. Họ có thể xuất hiện như một quyền lực tạo trật tự trong vùng. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chúng ta biết: vấn đề thương mại luôn luôn đi đôi với chuyện ảnh hưởng chính trị. Chẳng hạn Liên Quốc Châu Mỹ (USA) ký hiệp ước thương mại với các nước như Ma-rốc và Jordanien. Dĩ nhiên đây chẳng phải là chuyện tạo thị trường béo bở cho các công ti của Mỹ.

DZ: Như vậy, đâu là cái lợi cho các nước như In-đô hay Mã-lai khi tham gia RCEP? Họ phải biết rằng, thị trường của họ sẽ bị tràn ngập bởi hàng hoá của Trung Quốc.

PL: Hàng hoá đã tràn ngập từ lâu rồi trong nhiều nước đó. Và hai nước này đã là nguồn cung cấp quan trọng về nguyên và nhiên liệu cho Trung Quốc. Việc hội nhập kinh tế trong vùng đã tiến xa rồi.

DZ: Một số người ở Berlin và Brüssel sợ RCEP sẽ tạo áp lực trên các tiêu chuẩn sản xuất của Âu Châu, chẳng hạn như tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh.

PL: Tôi coi sự lo ngại này là không có cơ sở. Đối với đa số các nước này (Á Châu) thị trường Trung quốc được coi là vô cùng quan trọng. Trong thực tế, RCEP sẽ tạo ra rất ít biến đổi.

DZ: Vậy theo ông, người Âu cần phải có thái độ nào?

PL: Chúng ta chẳng cần phải lo ngại gì cả. Trong các năm qua, EU đã ký với một chuỗi quốc gia trong vùng một hiệp ước thương mại thuộc đời mới, trong đó có cả những biện pháp tối thiểu về bảo vệ môi sinh và xã hội. Điểm này chúng ta có thể tiếp tục nâng cao, chẳng hạn như lấy việc tuân giữ thành quả của thoả ước Paris về bảo vệ môi sinh làm tiêu chuẩn cho những ký kết thương mại mới. Đối với tôi, đây mới là điều thiết yếu cho tương lai. Hiệp ước RCEP chẳng đề cập gì tới những tiêu chuẩn này.

DZ: Như vậy, nó là một hiệp ước của quá khứ?

PL: Đó là Ông nói, chứ không phải tôi nói.

DZ: Ông đã là giám đốc của WTO. Ông có sợ rằng, qua những hiệp ước khoanh vùng như RCEP, thế giới rồi sẽ kết tụ thành từng khối riêng và như vậy cũng sẽ có hại cho nền thương mại hoàn vũ?

PL: Xưa nay vẫn có những lo ngại đó. Nhưng tôi không bao giờ tin vào chúng. Khi một hiệp ước tháo gỡ bớt đi những rào cản thương mại, thì nó sẽ làm giảm đi những rào càn – dù đó là một hiệp ước song phương, miền hay đa phương. Điều này tốt cho thương mại thế giới, và chúng ta nên vui mừng vì nó. Trưởng đảng Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã có lần nói: Bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn là nó bắt được chuột.

DZ: Như vậy hiệp ước đó cũng sẽ giúp các công ty Âu châu ở Á Châu chào hàng của mình?

PL: Có thể, nhưng tôi không chờ đợi phép lạ ở điểm này. Vì các quy chế của nó quá giới hạn. Ngoài ra thị trường trung quốc đã tương đối mở rộng cho các hàng hoá xuất cảng từ Âu Châu rồi. Vấn đề của chúng ta ở đó là không có được sự cạnh tranh phải lẽ: nhà nước trung quốc tài trợ quá nhiều cho các công ti của nước họ.

DZ: Sau khi Joe Biden lên cầm quyền, Âu Châu và Mỹ Châu sẽ cùng bắt tay nhau để thay đổi tình trạng?

PL: Tôi cũng nghĩ như vậy. Angela Merkel và Macron đã đề nghị Trump cùng nhau làm điều đó, nhưng Trump chỉ muốn một mình là vị anh hùng vĩ đại đè cổ Trung Quốc. Rốt cuộc ông ta đã để bị giật mất cơ hội. Người Trung Quốc đã hứa mua cho vài tấn thịt và đậu nành của nông dân Mỹ, nên Trump đã để yên mọi chuyện. Điểm này rồi sẽ đổi khác với Joe Biden. Điều này làm tôi nhớ lại đôi chút tình hình của thập niên năm mươi.

DZ: Thời đó ra sao?

PL: Thời đó ở Âu Châu người ta bắt đầu mở cửa buôn bán. Ở Pháp, nhà nước tham dự vào nhiều công ty. Do đó, người Đức bảo rằng, trong hoàn cảnh này thì chúng tôi không thể bắt tay cùng chơi được. Vì thế, người ta rốt cuộc đã đồng ý với nhau về một số thoả thuận chung và bước vào ký kết làm ăn chung với nhau.

DZ: Và bằng cách đó Âu Châu cũng đã cùng nhau lớn lên về mặt chính trị, và về sau đã tiến tới việc cùng lập ra một đồng tiên chung cho cả khối. Ông có tin rằng, với RCEP, Á Châu rồi cũng sẽ trở thành một Liên Hiệp Á Châu, như Liên Hiệp Âu Châu?

PL: Tôi không tin như thế. Người Á Châu ít chịu trao quyền tự quyết dân tộc cho những định chế chung. Vì thế rồi đây cũng sẽ không có sự hội nhập chính trị như ở Âu Châu. Tôi còn nhớ, trong một cuộc họp thượng đỉnh thời tôi còn làm Uỷ Viên Thương Mại của EU bà Bộ Trưởng Thương Mại của Mã-lai đã điên tiết thực sự, khi biên bản dự trù mời vị Tổng Thư ký ASEAN cùng ngồi vào họp chung!