BCT20200927-AnTuHinhViDatDai

  

Tư pháp tại Việt Nam:

Án tử hình vì xung đột đất đai

Tác giả: Marina Mai (taz)

Dịch giả: Tường Vi (Diễn Đàn Việt Nam 21)

27/09/2020 - Hai nông dân đã bị kết án tử hình tại Việt Nam. Họ bị buộc tội đã giết 3 nhân viên cảnh sát lúc sơ tán làng. Nhưng nhiều điều còn mờ ám.

Tại Hà Nội, vào hôm thứ hai tòa án nhân dân đã tuyên án tử hình hai anh em nông dân, cùng với 27 bị cáo khác bị phạt tù dài hạn và bị tù treo. Tất cả đều là nông dân của làng Đồng Tâm, thuộc vùng ngoại ô thủ đô Hà Nội. Các bị can đã kháng cự, chống lại nhà chức trách vào tháng Giêng. Khi một đơn vị cảnh sát đặc biệt với hàng nghìn người tiến vào làng vào ban đêm để đuổi người dân ra khỏi làng 3 cảnh sát và cụ trưởng làng đã tử vong. Ở Việt Nam không có đất tư nhân, chỉ có đất do nhà nước cấp, dân được quyền sử dụng lâu dài. Trong trường hợp này, làng đã được chuyển  nhượng cho quân đội nhưng nông dân được tiếp tục sử dụng. Nay Bộ Quốc phòng muốn lấy khu đất đó lại để trao cho một công ty viễn thông thuộc sở hữu của bộ. Những nông dân bị kết án tử hình-là các con trai của cụ Trưởng làng đã bị giết - bị buộc tội gây tử vong cho cảnh sát. Các bị can cho biết họ bị ép buộc phải nhận tội sau khi bị tra tấn.

Vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn

Người ta cho rằng những người nông dân này đã đốt các xác chết, Nhưng theo bản thẩm định khoa học của một sinh viên tốt nghiệp đại học kỹ thuật tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR) trước kia, anh ta kết luận rằng không thể dùng một ngọn lửa nhỏ đốt cháy 3 xác chết để chỉ còn lại đống tro tàn. Các bình luận trên mạng xã hội thì cho rằng cảnh sát trong cơn hỗn loạn đã vô tình bắn chết 3 đồng nghiệp rồi cố tình đốt xác để phi tang dấu vết.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án phiên tòa là không hợp hiến. Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc chính phủ vì phải đối mặt với các cuộc xung đột đất đai nên đã tuyên án rất nặng nề nhằm đe doạ, cảnh cáo nông dân không được chống lại các biện pháp độc đoán của nhà nước. Án đã được phán quyết trước khi mở phiên toà.

Cảnh sát có sử dụng súng ngắn MP5 của hãng Heckler & Koch không?

Các tình tiết xung quanh cái chết của cụ trưởng làng 83 tuổi vẫn chưa rõ ràng. Tòa án không chấp nhận đơn xin cho phép đưa ra bằng chứng tương ứng. Một Luật sư khai trước tòa rằng cụ trưởng làng đã bị hạ sát trong phòng ngủ khi cụ bị trúng đạn từ súng tiểu liên MP5 của cảnh sát. Bằng chứng là các vỏ đạn tìm được tại hiện trường.

Nhà sản xuất súng MP5 là công ty võ khí Đức Heckler & Koch. Do đó các blogger Việt Nam kêu gọi phản đối việc xuất cảng vũ khí tại các cơ quan đại diện ngoại giao Đức tại Việt Nam. Đã có những lời phản đối đầu tiên xuất hiện trong các lời bình luận trên trang facebook của đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Công ty Heckler & Koch nói với báo taz là hãng này không bao giờ bán  súng tiểu liên MP5 cho Việt Nam. Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức không bao giờ cho phép điều đó vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời Chiến Tranh Lạnh, Heckler & Koch đã được cho phép cấp giấy phép sản xuất súng lục MP5 cho các nhà máy ở sáu quốc gia. Vũ khí cảnh sát sử dụng ở Đồng Tâm có thể xuất phát từ đó.

Các thỏa thuận cấp giấy phép của Đức bị vi phạm chăng?                                                                             

Phát ngôn viên của công ty, Marco Seliger nói “Heckler & Koch không thể xác minh được điều đó có đúng hay không.” “Việc cấp giấy phép phải luôn luôn tuân thủ các điều kiện đặc biệt của chính phủ Liên bang Đức, trong đó có điều cấm chuyển nhượng hoặc cấm xuất khẩu. "

Trong các cuộc diễn binh nhân ngày Quốc khánh ở Việt Nam, các đội cảnh sát đặc nhiệm lúc diễu hành thường được trang bị bằng súng tiểu liên MP5. Truyền thông nhà nước đã đưa tin vào năm 2015 và 2018 những loại súng lục này được sản xuất ở Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy phép của Heckler & Koch.

Phát ngôn viên về quốc phòng của đảng Xanh, bà Katja Keul, nói với báo taz những giấy phép như vậy lẽ ra không bao giờ được chuyển giao cho các nước thứ ba, “vì như vậy người ta hoàn toàn và mãi mãi bỏ mất bất cứ quyền kiểm soát nào ”. Giấy phép được cấp cách đây hơn 30 năm hiện vẫn còn có các tác dụng chết người.

Theo Lê Mạnh Hùng, phóng viên đài BBC tại Berlin, phiên tòa này ở Việt Nam cho thấy " Cuộc đối thoại Đức-Việt về pháp quyền đã thất bại. Đức đã trả nhiều phí tổn cho việc đào tạo luật sư Việt Nam. Những người tốt nghiệp các khoá học này đã nói với tôi, các kiến thức họ học hỏi được không thể nào thực thi được trong hệ thống tư pháp Việt Nam. "

Nguyên bản tiếng Đức: "Justiz in Vietnam : Todesurteile bei Landkonflikt", Marina Mai, taz 15.09.2020