BCT20170810_OngTVaNguoiVietBiBatCoc

Ông T. và người Việt bị bắt cóc

Martin Knobbe & Wolf Wiedmann-Schmidt (Der Spiegel)

Bản dịch của Tâm Việt (Diễn Đàn Việt Nam 21)

10/08/2017 (DĐVN21) - Việc một cựu chính trị gia Việt Nam bị bắt cóc là một xì-căng-đan chính trị. Bây giờ một nhân viên của Cơ quan phụ trách về người tị nạn (Sở Di trú và Tị nạn Liên bang) bình luận vụ việc trên Facebook – hoàn toàn theo chiều huớng của chính phủ ở Hà Nội.

Ông được giới thiệu là „chuyên gia luật“, hiện đang làm việc trong „guồng máy của chính phủ Ðức“. Là một nhân viên của Sở Di trú và Tị nạn Liên bang, Ho Ngoc T. đã được phỏng vấn trên trang Facebook của Giám đốc của Ðài phát thanh nhà nước „Tiếng nói Việt Nam“ về trường hợp nhà kinh doanh đã bị bắt lôi đi tên Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, ông T. đã đánh giá vụ việc hoàn toàn một chiều – và đúng theo chiều hướng của chính phủ Việt Nam.

Ngày 23/07/17 tại Tiergarten ở Bá Linh, ông Trịnh bị một nhóm người lạ lôi xốc vào xe và áp tải về Hà Nội. Câu chuyện xảy ra như trong một cuộn phim trinh thám gián điệp.

Trong phỏng vấn trên trang Facebook T. đã tố cáo nặng nề chính phủ Ðức, bà luật sư của ông Trịnh và cả ông Trịnh nhưng không đưa ra dẫn chứng nào cho các cáo buộc của ông: nhà cầm quyền (Đức) „không có một bằng chứng nào“ nào về vụ bắt cóc. Bộ Ngoại giao dựa phần lớn vào những thông tin từ bà luật sư của ông Trịnh. Chính bà luật sư được hưởng lợi nhiều nhất vì vụ việc sẽ quảng cáo không công cho bà.

Ông Trịnh là một nhà chính trị địa phương có tiếng là „tham nhũng và ăn chơi trác táng“. T. cũng xác quyết là đơn xin tị nạn của ông Trịnh nay không còn giá trị bởi vì ông ấy đã rời khỏi nước Đức. Một quan điểm mà các chuyên viên về luật tị nạn bác bỏ. Việc bắt cóc người không tự động chấm dứt quy trình cứu xét đơn tị nạn.

Vụ bắt cóc táo bạo của mật vụ Việt Nam đã gây ra những căng thẳng trầm trọng giữa Chính phủ Liên bang Ðức và CHXHCN Việt Nam. Ðại sứ Việt Nam bị triệu để phản đối, một cộng sự viên mật vụ bị trục xuất. Hiện nay Ủy ban thứ 4 điều tra án mạng của Cảnh sát Berlin đang điều tra vụ này và cố gắng tìm cho ra nhóm bắt cóc. Ủy ban này cũng có trách nhiệm khi có nguy cơ tra tấn, phương hại đến thân xác nạn nhân.

Cho đến năm 2013 ông Trịnh là Giám đốc điều hành một công ty chi nhánh của Tập đoàn Dầu Khí Petro Vietnam, bị cáo buộc làm thất thoát 150 triệu Mỹ kim. Có lệnh truy nã ông ta ở Việt Nam. Các luật sư Ðức của ông ước đoán có sự tranh giành quyền lực chính trị phía sau lệnh truy nã này. Bởi vì ông Trịnh là cán bộ lãnh đạo của Ðảng CS qua nhiều năm và thuộc vào cánh hiện đại. Năm 2016 ông đến Ðức và làm đơn xin tị nạn. Buổi phỏng vấn xét đơn tị nạn của ông được hẹn vào ngày hôm sau, sau ngày ông bị bắt cóc.

Cộng tác với báo của đảng Cộng sản

Theo như các bài viết trên trang Facebook, Hồ Ngọc T. cũng cộng tác với báo của đảng cộng sản và qua đó đã được khen thưởng. Ông cho biết đã học luật tại đại học Friedrich Schiller ở Jena và theo thông tin từ giới cơ quan nhà nước đã làm việc đã khá lâu cho Sở Di trú và Tị nạn Liên bang, thí dụ như phỏng vấn người xin tị nạn.

Trên trang Facebook của mình, T. cho đăng tải một công văn nội bộ ngày 07/06 của cơ quan cám ơn sự làm việc của ông. Là nhân viên của Sở Di trú và Tị nạn Liên bang (Bamf), T. có thể truy cập các hồ sơ nhạy cảm của người xin tị nạn và có lẽ cả Bộ Đăng ký Trung ương Người nước ngoài ở Ðức. Dù thế ông chẳng hề ngần ngại khi tuyên bố công khai về các vụ việc mà Sở Di trú và Tị nạn Liên ban (Bamf) cũng có liên hệ.

Ngay từ tháng 10 năm 2016, nhân viên T. của Bamf đã viết cặn kẽ về việc đào tẩu của ông Trịnh trên trang Facebook của ông và đã đưa dự đoán là người cựu giám đốc này đang lưu trú ở Ðức. Có phải T. có những tin tức mà người khác chưa có chăng?

Cho đến tối thứ tư T. vẫn chưa trả lời các câu hỏi của SPIEGEL. Bamf cho hay rằng họ đã biết và câu chuyện đang xem xét vụ việc. T. có phải là nhân viên của Bamf hay không thì cơ quan này không xác nhận nhưng cũng không cải chính. „Thường ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp các chi tiết liên hệ đến cá nhân“, một nữ phát ngôn viên nói.

Tâm Việt dịch

* Nguồn tiếng Đức: Herr T. und der entführte Vietnamese, Martin Knobbe & Wolf Wiedmann-Schmidt, Spiegel Online 09.08.2017