T20120913_ntdxublog

Tiếng Việt‎ > ‎Chính trị - Dân chủ‎ > ‎

Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh xử lý nhiều trang blog

13/09/2012 (DĐVN21). Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng vừa ra lệnh cho Bộ Công An, Bộ Thông Tin Truyền Thông và các cơ quan liên quan, điều tra và xử lý các trang mạng bị cho là "đăng tải thông tin chống Ðảng và Nhà nước". Bản thông báo của Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam hôm 12 tháng 9, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng ký, nêu đích danh ba trang mạng "Dân Làm Báo", "Quan Làm Báo", "Biển Ðông". Thông báo nói rằng các trang mạng này "đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Ðảng và Nhà nước, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội".

Ngoài việc ra lệnh cho Bộ Công An chủ trì phối hợp với Bộ Thông Tin và Truyền Thông "điều tra, xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm", ông Nguyễn Tấn Dũng còn ra lệnh cho "báo Nhân Dân, Thông Tấn Xã Việt Nam, Ðài Truyền Hình Việt Nam, Ðài Tiếng Nói Việt Nam, Cổng Thông Tin Ðiện Tử Chính Phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Ðảng và Nhà nước".

Đặc biệt, ông Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu "các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động".

Về việc "không xem không đọc" này, một bạn đọc của Dân Làm Báo đã có ý kiến như sau: "Không xem thì còn biết cái chó gì mà "phản bác các thông tin không đúng sự thật...", Còn như đã phản bác mà không trích ra (phổ biến) cái tin (sai) ra thì phản bác cái gì? Đấy ! Nghĩ mãi mới rặn ra cái CÔNG DZĂNG mà ngu thế đấy bà con ạ!".

Một bạn đọc khác còn khôi hài như sau: "Dân làm báo nên cho nhiều người cầm khẩu hiệu có nội dung: Không xem "danlambaovn.blogspot.com". Đi khắp các thành phố mà không sợ công an bắt và sẽ có rất nhiều người biết đến đường link này".

Bản "thông báo của Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam" hôm 12 tháng 9 nêu trên đã vi phạm rõ rệt các điều 18,19,20,21, 22,28,29 cuả bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948):

Điều 18:

Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

Điều 19:

Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Điều 20:

Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.

Điều 21:

Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.

Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.

Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.

Điều 22:

Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.

Điều 28:

Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

Điều 29:

Ai cũng có nghiã vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.

Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.

Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

Điều 30:

Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.

(http://www.vietnamhumanrights.net/viet/vintbill/phanmodau.htm)

Trích dienbienhoabinhmail.

Xem thêm: