BCT20170219-JoachimGauck

 

Không bao giờ quyền lực được đứng trên pháp luật (*)

Bài nói chuyện của TT Đức Joachim Gauck tại Thượng Hải (Bundespräsidialamt)

Bản dịch của Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)

TT J. Gauch tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải (Ảnh: Phủ Tổng thống Đức)

19/02/2017 (DĐVN21) - Ông Joachim Gauck sinh năm 1940 tại Rostock. Sau khi hoàn tất bậc trung học, ông học Thần học rồi làm mục sư nhiều năm thuộc Hội thánh Tin Lành Lutheran ở Mecklenburg. Năm 1989, ông là một trong những người sáng lập Diễn đàn Mới tại Rostock và cũng là một trong những người thúc đẩy phong trào chống đối đảng cộng sản (SED) cầm quyền ở Đông Đức. Tháng 10/1990, ông được bổ nhiệm làm Đặc ủy liên bang phụ trách hồ sơ các cộng tác viên của mật vụ Đông Đức cũ. Sau một số chức vụ khác, ngày 18/03/2012 ông được Đại hội Liên bang bầu làm tổng thống thứ 11 của CHLB Đức và là một tổng thống rất được cảm tình của dân chúng Đức.

Trong chuyến công du Trung quốc hồi năm ngoái, ông đã nói chuyện trước sinh viên Trung quốc tại Ðại học Ðồng Tế, Thượng Hải ngày 23/03/2016. Sau đây là bản dịch bài nói chuyện của ông Joachim Gauck.

(*) Tựa do DĐVN21 đặt, trích từ bài nói chuyện.

* * *

Cảm ơn quý bạn về sự đón tiếp đầy thân thiện. Tôi đã rất xúc động khi nghe trong lời khai mạc sự đồng cảm của quý bạn đối với các nạn nhân của vụ khủng bố ở thủ đô châu Âu Brussels. Thật cảm động khi thấy các bạn chia sẻ với chúng tôi ở châu Âu những cảm xúc và ý định không phó mặc khủng bố mà cùng nhau chống khủng bố.

Về dịp vui tuyệt vời này, đây là một vinh dự lớn cho tôi được nói chuyện ngày hôm nay tại trường đại học đầy truyền thống này. Tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Đại học Ðồng Tế. Chuyến thăm của tôi với quý bạn là một cơ hội tuyệt vời để duyệt lại sự phát triển của quan hệ đối tác Trung-Đức.

Ðể vào đầu, tôi xin tuyên dương những con người đã tiếp nhận xây dựng di sản Ðức ở nơi đây. Hẳn quý vị cũng không lạ gì bởi vì cội rễ của Ðại học Ðồng Tế là từ người Ðức. Khởi nguồn là „Trường y khoa Ðức“. Chính bác sĩ Erich Paulun, người đã sáng lập và cùng với những cộng sự Trung quốc xây dựng lên trường này. Sau đó chẳng bao lâu trường được mở rộng thêm các ngành học kỹ sư, đã góp phần vào sự phát triển nền khoa học và giảng dạy ở Trung quốc. Lịch sử này giữ một vai trò quan trọng khi ngày nay chúng ta có thể nói rằng, Ðại học Ðồng Tế là nơi tối ưu cho sự trao đổi hàn lâm giữa hai quốc gia chúng ta. Tôi rất ấn tượng thấy hằng ngàn sinh viên đại học của quý vị hăng say tìm hiểu về Ðức quốc và còn sang nước Ðức chúng tôi học một vài học kỳ, cũng như sự cởi mở mà đại học quý vị dành cho cho sinh viên Ðức. Tương tự, sự nhiệt tình của giới kinh doanh Trung quốc và Ðức yểm trợ các giảng đàn do các hội hữu ích xã hội tài trợ tại Ðại học Trung - Ðức, được đại học của quý vị cùng với Dịch vụ Trao đổi Hàn lâm Ðức quốc thành lập 18 năm trước đây.

Phương châm của đại học quý vị có mượn câu nói đầy ý nghĩa và được truyền bá „Chung thuyền qua sông“. Phương châm này ngày nay được khắc vào huy hiệu của đại học. Câu nói cũng có ý nghĩa cho sự tiến bộ trí thức và của toàn xã hội mà mầm sinh của nó một đại học có thể làm và nên nhắm tới. Ðể hoàn thành nhiệm vụ đem lại phúc lợi cho xã hội đại học phải là nơi của sự nghiên cứu tự do và nơi được thảo luận thẳng thắn, không cấm kỵ. Nơi mà các tư tưởng có thể phát huy phóng khoáng và góp phần tích cực vào sự phát triển chung. Tự do này là một phẩm vật vô giá.

Ðồng thời khẩu hiệu của đại học quý vị cũng thích hợp với mối giao lưu khắng khít giữa Trung quốc và Cộng hoà Liên Bang Ðức. Bắt đầu năm 1972 mối bang giao giữa hai nước chúng ta mang tính chất viễn kiến và bước đi can đảm – bất kể tình hình thế giới khó khăn và cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung quốc. Ðúng ra, lúc đó không phải là bang giao song phương mà là liên hệ tam giác, vì nước Cộng hòa Dân chủ Ðức, nước Ðức nhỏ hơn lệ thuộc Liên xô, cũng có liên hệ ngoại giao tương tự với „nước XHCN anh em“. Vượt qua mọi quan niệm khác biệt, trong suốt hơn 40 năm qua - nhất là một phần tư thế kỷ vừa qua - người Trung quốc và người Ðức đã dựng lên một mạng lưới hợp tác chặt chẽ và bền vững về kinh tế và văn hoá, trên bình viện quốc gia và khoa học.

Chẳng hạn như về sự trao đổi văn hoá. Tôi vừa cùng Chủ tịch Tập Cận Bình khai mạc Năm Trao đổi Thanh niên Trung-Ðức mang tiêu đề thích hợp „Trao đổi, Hữu nghị, Tương lai“. Bởi vì, bằng cách cho học sinh và sinh viên, các nhà khoa học trẻ, các thể tháo gia hoặc các văn nghệ sĩ trẻ của đôi bên gặp nhau, tạo nên những mạng giao lưu, các mối liên hệ này sẽ chuyên chở mối bang giao của chúng ta cho thế hệ mai sau. Làm quen với một nền văn hoá khác, thậm chí còn học ngôn ngữ của nước đó, không những giúp cho sự cảm thông thực sự mà còn cho người đó nhiều khả năng, điều chúng ta thích gọi là chức năng tiếp cận văn hóa. Nghệ thuật cũng giúp chúng ta hiểu nhiều hơn các nền văn hoá khác như tôi đã cảm nhận khi viếng thăm Cuộc triển lãm „Trung quốc 8“ rất đáng kể vào mùa hè năm truớc ở Düsseldorf. Tôi mong muốn là Cuộc Triển lãm „Ðức quốc 8“ (2) cũng sẽ đánh thức sự lưu tâm ở Trung quốc. Tôi rất thán phục những văn nghệ sĩ có khuynh hướng mới lạ, đầy can đảm và có óc phê phán.

Hơn nữa, chúng tôi ở Ðức không những thích thú về nghệ thuật hiện đại từ đất nước của quý vị mà chúng tôi còn nghĩ về nền văn hóa cổ của Trung quốc. Vào thời điểm còn rất sớm đó nền văn hóa này đã thăng hoa đến mức mà những người ở Trung Âu, lúc bấy giờ hãy còn sống trong những điều kiện đơn sơ, chưa thể nào tưởng tượng được. Phong phú làm sao nền triết học Trung quốc khởi nguồn từ thế kỷ thứ 6 trước Thiên chúa và vẫn thường được một số đông người ở Tây Phương hâm mộ. Và tầm quan trọng của thể loại thơ phú cổ điển đã từng có vai trò trong lịch sử Trung quốc. Một di sản văn hóa phong phú vô cùng làm sao cả thế giới không khỏi không thán phục được!

Tuy nhiên, không phải chỉ có di sản văn hoá làm chúng ta ngưỡng mộ và kết nối chúng ta lại với nhau. Cứ nhìn xem các giao lưu kinh tế của chúng ta hôm nay thôi. Liên Minh Âu châu là đối tượng thương mại quan trọng nhất của Trung quốc và cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nước này. Khối lượng thương mại của Trung quốc với Ðức quốc lớn gần bằng khối lượng thương mại của Trung quốc với Pháp, Anh Quốc và Ý nhập chung lại. Các nhà kinh doanh Ðức và các Công ty hợp doanh đã đạt được những thành quả tối ưu cho sự phát triển kỹ thuật Trung quốc, đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Nhiều hãng xưởng đã ứng dụng nhiều yếu tố mới thuộc về văn hóa kinh doanh có tính xã hội. Ngày càng nhiều các nhà kinh doanh Trung quốc cũng đầu tư ở Ðức. Cho dù tăng trưởng kinh tế có đi xuống như hiện nay, nhiều hãng xưởng Ðức vẫn muốn mở rộng việc buôn bán với Trung quốc. Ðể tiếp tục phát huy sức phát triển kinh tế sinh động trong tương lai không thể thiếu những phát minh mới - chẳng hạn để đẩy mạnh việc điện tử hóa ngành sản xuất kỹ nghệ. Chúng tôi rất muốn làm việc chặt chẽ hơn với Trung quốc - nhất là khi sự bảo vệ các kỹ thuật canh tân được pháp luật qui định rõ ràng hơn.

Trung quốc và Ðức quốc có với nhau nhiều điểm kết nối. Hai nước chúng ta đều có đông dân và nền kinh tế mạnh nhất lục địa của mình. Ðồng thời, như vừa qua ngay trong những lúc khó khăn, Trung quốc và Ðức quốc đã chứng tỏ là chỗ tựa cho sự ổn định trong vùng.

Ở Ðức chúng tôi rất thán phục những thành quả mà Trung quốc đã đạt được từ năm 1978 - trước sự phát triển kinh tế giúp cho vô số người thoát được cảnh nghèo khó - một thành quả lịch sử, nhất là khi nhớ lại những lầm lẫn lịch sử với những hậu quả tai hại khôn lường cho một số đông dân chúng.

Dân Ðức chúng tôi cũng ngưỡng mộ sự sẵn sàng ra sức làm việc của mọi người, sự hiếu học của vô số thanh niên - với mục đích bằng sự cần mẫn của mình, làm sao cho con cái mình có một tương lai tươi sáng hơn. Chúng tôi cũng phấn khởi thấy sự cởi mở của nhiều người trẻ đi du học nước ngoài và sự hăng say của những người này muốn đem sự học ra cống hiến vào sự phát triển của đất nước. Và chúng tôi cũng theo dõi và kính trọng khi thấy ngày nay ở Trung quốc nẩy sinh nhiều quan niệm và nhiều lối sống khác nhau, điều mà cách đây 40 năm có lẽ mọi người không tưởng tượng được. Nói ngắn lại, xã hội Trung quốc ngày nay - cũng như xã hội Ðức - đã đa dạng hơn. Sự đa dạng này là một nguồn quan trọng cho sự phong phú về tư tưởng và nhờ vậy đem đến sự thành công cho Trung quốc. Nói ngược lại: Những giới hạn các khả năng phát huy này đe dọa sự tiến bộ mà chúng ta đã nói.

Nhưng chúng tôi theo dõi một vài sự phát triển mà không khỏi ưu tư. Thí dụ, nhiều người Ðức cũng chia sẻ khi thấy trên các cơ quan truyền thông hình ảnh về smog tại các vùng đông dân ở Trung quốc, trong thờì gian qua xảy ra ngay cả ở Thượng Hải. Một số người tự hỏi, làm thế nào để sự thịnh vượng được phân phối đồng đều hơn hoặc những chuyện gì xảy ra cho những ai muốn đi con đường của mình nhưng có vẻ như ngược lại với đường lối chính thống. Những người này tôi đã được gặp mặt hôm thứ hai ở Bắc Kinh và tôi có nhiều ấn tượng về họ. Lại có những người lo ngại cho tương lai giao thương kinh tế của chúng ta khi họ nhận ra rằng Trung quốc trước mắt còn phải đối phó với biết bao thay đổi lớn lao và nhu cầu canh tân nữa.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, về đường dài một cách tổng quát chúng ta có một vài lý do để lạc quan. Không những chỉ các mạng lưới có cơ cấu làm nền tảng cho mối bang giao giữa hai nước. Nhất là trong các thập niên vừa qua, lòng tin ở nhiều người của đôi bên đã lớn mạnh. Nhất là lòng tin vào khả năng học hỏi của mỗi xã hội chúng ta. Nơi nào có lòng tin thì nơi đó có sự tin cậy. Bao lâu mà xã hội và chính quyền chứng tỏ là những hệ thống có khả năng học hỏi thì tiến bộ có thể đạt được, tương tự trong mối bang giao giữa các quốc gia cũng vậy.

Tôi ý thức được những chặng đường dài mà Trung quốc đã từng trải qua kể từ giữa thế kỷ thứ 19. Là quốc gia vốn dĩ đầy niềm tự hào của quý vị bị các nước Tây phương xâm lấn bằng bạo lực, hạ nhục xuống tư thế của một nước bán thuộc địa. Như thế nào một nền văn hóa đầy truyền thống mà những nhà khai sáng như Leibnitz và Voltaire rất thán phục lại có vẻ như bị xuống cấp. Như tình thế nội chiến của cuộc nổi dậy Taiping (1), có lẽ là biến cố đẫm máu nhất của thế kỷ 19 trên toàn thế giới, mà sự tàn phá đã hoành hành trên đất nước của quí vị. Tôi cũng nhớ đến những biến loạn sau khi chế độ quân chủ bị cáo chung năm 1912 – và đến các cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ đầu tiên ở Trung quốc vào mùa hè năm ấy. Cũng như nhớ đến hằng triệu người bị tử vong trong cuộc chiến chống Nhật Bản. Nghĩ đến những phong trào quần chúng theo Mao vào những năm 50 của thế kỷ trước, đến nạn đói và sự tuyệt vọng, đến cuộc Cách mạng Văn hóa thảm khốc và sau cùng đến sự mở lòng, phấn khởi của đuờng lối cải cách và chính sách mở cửa từ 1978.

Chính thế kỷ thứ 20, theo Eric Hobsbawm „là một thờì đại của cực đoan“ - đối với Trung quốc cũng như với Ðức quốc. Mặc dù có khác biệt trong lịch sử đất nước, từ kinh nghiệm bạo lực đau thương rút ra một cái chung sâu xa và cùng một một nhận thức: Ðể có sự phát triển thăng tiến cho một xã hội, nhất định cần phải có ý chí hòa bình, đặt nhân đạo lên hàng đầu và vận dụng sức mạnh của lý trí.

Tôi đến với quý vị từ một đất nước đã lãnh hội nhiều kinh nghiệm để bắt đầu lại, chuyển đổi xã hội và khả năng thích ứng. Từ một quốc gia phải đối đầu với nhiều vấn nạn, những vấn nạn mà chính Trung quốc cũng phải đối phó. Ðức quốc đã để lại sau lưng một quãng đường đặc biệt, một bước đường chông gai, phần lớn do chính mình gây ra. Trải qua hai chế độ tàn bạo và nhất là sau Thế chiến thứ II, trong đó những tội ác sát hại con người tầy trời nhất và phản lại hoàn toàn mọi nguyên tắc nhân đạo đã xảy ra, để rồi sau cùng nước Ðức đã trở thành một quốc gia khác - lúc đầu ở phía Tây, đến năm 1990 thì toàn nước. Một quốc gia, trong đó tất cả quyền lực nhà nước đều tuân thủ theo một giá trị cơ bản tối thượng: đó là nhân phẩm của con người. Theo đó, tôi muốn tường trình về đất nước tôi, về lịch sử và một chút ít về cuộc đời của chính tôi. Những kinh nghiệm này tôi không muốn ép buộc một ai cả - không phải quý vị mà cũng không phải đồng bào của quý vị. Những kinh nghiệm này là lời mời gọi để hiểu rõ hơn, điều gì làm định hướng cho tôi cũng như cho xã hội Ðức.

Tôi tường trình không những về các thành quả của nước Ðức. Tôi cũng đã từng trải,những điều mà một xã hội có thể thiếu. Hơn 4 thập niên dài tôi đã sống ở Cộng hoà Dân chủ Ðức – là một đứa trẻ, một thanh niên, làm người trưởng thành – trong một quốc gia mà bộ máy tuyên truyền lúc nào cũng ra rả ca ngợi là phần quốc gia „tốt đẹp hơn“ trong 2 nước Ðức. Tuy nhiên, sự thật không đúng như vậy. Ðó là một quốc gia, là một phần thuộc kết hợp các nước cộng sản, lệ thuộc vào Liên xô, đã tước bỏ mọi quyền tự do của dân mình, bắt giam và làm nhục những người chống lại ý muốn của giới lãnh đạo.

Nhà nước này lấy danh nghĩa „độc tài vô sản“, nói phục vụ cho quyền lợi của đa số dân chúng và chấm dứt nạn bóc lột, chống lại sự xa lạ của con người và như thế mở ra một kỷ nguyên hạnh phúc và viên mãn cho mọi người. Nhưng vấn nạn của thời đại đó là đa số người dân không sống hạnh phúc mà cũng chẳng được giải phóng. Và cả hệ thống thiếu tính chính danh thật sự. Một cuộc bầu cử của dân chúng, bầu cử tự do, bình đẳng và kín đã không có. Hậu quả là sự thiếu lòng tin, gắn liền với một văn hóa ngờ vực giữa kẻ bị trị và người cai trị.

Ngược lại, sau chiến tranh chẳng bao lâu ở phía Tây Ðức đã xây dựng được một nền dân chủ vững vàng, có sự phân quyền và một nhà nước pháp quyền, chịu sự chi phối của hệ thống pháp trị. Từ sự lợi dụng pháp luật để biện minh cho các tội ác của Ðức quốc xã đã đẻ ra một bài học trọng yếu cho nền dân chủ đang thành hình ở Tây Ðức: Không bao giờ quyền lực được đứng trên pháp luật. Từ đó câu nói của triết gia về pháp luật Gustav Radbruch có giá trị phổ quát: “Pháp luật là ý chí muốn có công bằng“. Một nền tảng quan trọng của sự thành công kinh tế của Cộng hoà Liên bang Ðức. Không thể tưởng tượng được một nền kinh tế thị trường có tính xã hội mà trong đó lại không có một hệ thống pháp luật hữu hiệu.

Ở Ðức nhận thức này thật không phải hiển nhiên. Mặc dù đất nước tôi thuộc vào các quốc gia cội nguồn của thời đại khai sáng và nơi xuất thân một vài nhà tư tưởng có tên tuổi – ở đây tôi chỉ muốn kể đến Immanuel Kant. Mặc dù vậy, nhà nước Ðức cùng một số trí thức trải qua một thời gian dài đã chống lại nhận thức rằng các giá trị của tư tưởng khai sáng, chẳng hạn như các dân quyền tự do được đòi hỏi có giá trị phổ quát. Thay vào đó, Ðức quốc giành lấy một tư thế văn hóa đặc biệt - một loại chủ nghĩa ngoại hạng - theo đó, điều gì đúng cho mọi người, không nhất thiết đúng cho nước Ðức. Cuối cùng, phải đợi đến thảm họa Ðức quốc xã và sự bại trận của chế độ này trong Thế chiến thứ hai, để Cộng hoà Liên bang Ðức mới đón nhận các nguyên tắc căn bản của tư tưởng này: Nhân quyền bất khả xâm phạm và thể chế pháp trị, phân quyền, nền dân chủ dân cử và chủ quyền thuộc về dân.

Nhân quyền không lệ thuộc vào không gian và thời gian nhưng không thể tách biệt khỏi bản chất của mỗi con người, nhận thức này sau cùng thắng thế ở Ðông Ðức năm 1989 và cả Ðông lẫn Trung Âu. Người ta thấy rằng: Khát vọng tự do của con người sẽ cứ bùng lên và bùng lên. Vì lý do này, các quyền tự do cá nhân không thể nào được thay thế mãi bằng hàng hóa vật chất hoặc đẳng cấp xã hội.

Cho dù giá trị phổ quát của nhân quyền chưa đạt đến kết quả là mỗi người đều có thể thực thi được quyền này - chẳng hạn khi các quyền này bị cấm kỵ vì lý do chính trị - người đó vẫn có thể căn cứ trên các quyền này. Nhất là căn cứ theo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết gần 70 năm trước. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm của Tây phương. Ngược lại: Ủy ban soạn thảo gồm có các nhà trí thức Á châu, Châu Mỹ La tinh, thế giới Ả Rập - một người Trung Hoa là Phó Chủ tịch. Ðiều 1 của bản Tuyên ngôn nói rằng: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền con người. Mọi người đều có lý trí và có lương tâm và nên gặp nhau trong tinh thần huynh đệ“. Sự trao đổi giữa Trung quốc và Ðức quốc về Hỗ trợ và Bảo vệ Nhân quyền được thỏa thuận năm 2014 cần phải đặt trên tinh thần này.

Bên cạnh sự tham gia chính trị thì công bằng xã hội và cơ hội tham gia là nền tảng quan trọng cho một xã hội dân chủ, đặc biệt trong truờng hợp muốn cho xã hội đó phát triển an bình ở trong nước. Chính vấn đề này là trọng tâm của cuộc thảo luận rất thẳng thắn giữa tôi cùng với các giáo sư trường Ðại học Ðảng trung ương ở Bắc Kinh. Ở nước Ðức chúng tôi, chính những xáo trộn và cùng cực của thời hậu chiến đã giúp các nhân sĩ thiết lập nền Cộng hòa Liên bang đi đến nhận thức này. Nhưng họ có thể dựa vào các truyền thống lâu dài.

Chẳng hạn vào cuối thế kỷ thứ 19 ở Ðức đã có hệ thống bảo hiểm xã hội, sau Thế chiến thứ hai hệ thống này trở thành cốt tủy của nhà nước xã hội Ðức. Của một nhà nước xã hội mà sử gia Hans-Ulrich Wehler gọi là „trả lời thích đáng cho một xã hội theo nền kinh tế thị trường vốn dĩ không ngừng sinh ra sự mất bình đẳng“. Trong thời gian qua, người Ðức đã phát triển liên hệ gắn bó với các cơ sở của một nhà nước xã hội và qua đó với chính nhà nước của họ. Người dân Ðức không phải mong chờ sự bố thí của nhà nước nhưng họ có thể tự tin vào quyền của mình và đòi hưởng quyền ấy.

Người Ðức chúng tôi đã trải nghiệm rằng một nhà nước xã hội có sức nâng cao toàn xã hội khi sự tổ chức nhà nước đi đôi với một trật tự xã hội dân chủ. Quyền bầu cử phổ quát tạo điều kiện cho những người không có nhiều tài sản vẫn có tiếng nói cho các yêu cầu của mình. Gìn giữ thăng bằng cán cân xã hội là một công tác thường trực, một trách nhiệm mà giới chủ nhân và công nhân phải đảm nhận chung và thương lượng với nhau qua sự đối thoại.

Hai chế độ độc tài ở Ðức đã nghi ngại các tổ chức nghiệp đoàn công nhân. Các cơ cấu này về sau làm thành trọng tâm của mô thức đồng vị xã hội. Theo dòng lịch sử của Ðức quốc, qua đó quyền tự do nghiệp đoàn chính là thước đo sự tự do chính trị. Quyền này cho đến năm 1990 chỉ có ở Tây Ðức. Sau chiến tranh, lịch sử nghiệp đoàn ở đây không viết bằng chiến lược đấu tranh giai cấp, nhưng đánh dấu bằng đường lối cộng sự và hợp tác đồng đẳng giữa chủ và thợ thuyền, giữa các hiệp hội chủ nhân và nghiệp đoàn.

Phương thức hợp tác đồng đẳng xã hội tuy đòi hỏi đôi bên phải tiến đến thoả hiệp nhưng sau cùng cả hai đều được lợi. Lề lối giải quyết này đã đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và đem lại sự thịnh vượng cho nhiều tầng lớp dân chúng. Sự đi lên của nền kinh tế của Cộng Hòa Liên bang Ðức vì vậy không phải chỉ dựa vào những phát minh kỹ thuật và khoa học mà còn nhờ đổi mới xã hội này.

Chính sự hợp tác giữa lực lượng công nhân và chủ nhân như một cách hành xử tự chủ và tự chọn lựa có mục đích cân bằng quyền lợi cũng là lý do cho Cộng hòa Liên bang Ðức ngày nay có được khả năng xếp đặt dần dần tiến trình thay đổi cấu trúc kinh tế và thế giới lao động cũng như hoàn thành công tác. Và giữ được an bình xã hội trong khi thực hiện tất cả các yêu cầu trên.

Ðức quốc muốn thấy một nước Trung quốc ổn định và thịnh vượng. Về mặt kinh tế, đúng như lời của Bà Thủ tướng Angela Merkel ở Bắc Kinh: “Khi kinh tế Trung quốc tốt, thì cả thế giới đều được hưởng lợi“. Người Ðức cũng theo dõi sự phát triển về môi sinh ở Trung quốc. Chúng tôi làm điều này vì chúng tôi ý thức rõ sự quan trọng của Trung quốc đối với khí hậu toàn cầu. Chúng tôi làm việc này cũng vì lý do, chúng tôi nhận diện lại chính mình trong sự phát triển của Trung quốc. Bởi vì, phong cảnh bị hủy hoại, tiếng động của giao thông ồn ào, sông ngòi bị ô nhiễm và không khí dơ bẩn trong các thành phố - những tai hại này chúng tôi đã trải nghiệm và biết rõ ở Ðức.

Nước Ðức có thể vượt qua nhiều lần các vấn nạn này là kết quả của một tiến trình trải qua nhiều thập niên. Cũng chính trong vấn đề này, xã hội dân sự, nhất là ở Tây Ðức đã đóng một vai trò quan trọng, có lẽ là vai trò quyết định. Bởi vì chính phong trào bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi sinh đã thường xuyên vạch trần các tệ trạng. Ðã có nhiều tranh cãi gay go, nhiều cuộc biểu tình công khai và cuối cùng là sự ra đời của một phong trào chính trị làm thay đổi tâm lý của xã hội đa số. Giới chính trị đã phản ứng, và một sự thay đổi trong xã hội theo hướng bảo vệ môi sinh bắt đầu. Ðúc kết lại, có thể khẳng địng rằng: Các mục tiêu lâu dài của chính sách bảo vệ môi sinh có lúc phải vượt thắng những quyền lợi mạnh.

Theo thời gian, chính phong trào bảo vệ môi sinh cũng tự thay đổi. Từ chống đối chuyển sang hợp tác và đối thoại với nhà nước. Ngày nay, các hiệp hội bảo vệ môi sinh thậm chí còn làm cố vấn cho giới chính trị và kinh tế, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Phong trào bảo vệ môi sinh đã trở thành một sức mạnh sửa đổi lối suy nghĩ đặt nặng kết quả kinh tế ngắn hạn. Và họ đã gây được tác dụng đầy phúc lợi lên các cơ cấu nhà nước trở nên cởi mở hơn và chứng tỏ có khả năng học hỏi. Chúng ta thấy: Chính trị tìm sự đối thoại với dân và chính trị có trách nhiệm với dân sẽ có thêm khả năng hành động và khả năng nhận trách nhiệm. Do tiến trình học hỏi như vậy tính cách chính danh của nhà nước cũng tăng cao.

Cũng nói thêm rằng, ngày nay công nghiệp xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế và xuất cảng của chúng tôi. Các kỹ thuật này giữ vững vô số việc làm và giúp chúng tôi tiến lên trên đường bảo đảm sự tiêu dùng năng lượng không cần đến năng lượng hạt nhân và nguồn nhiên liệu từ dầu hỏa.

Nhiệm vụ cao quý nhất của nhà nước và của hành động chính trị là để phục vụ cho nhân quần xã hội, tư tưởng này cũng đã xuyên suốt trong lịch sử tư tưởng Trung quốc. Từ thời Mạnh Tử, người kế vị Ðức Khổng Tử nổi tiếng nhất, đã trả lời câu hỏi của vua nước Ngụy, điều gì có thể đem lại lợi ích cho đất nước ông:

„Nơi nào có nhân đạo, nơi đó không ai bỏ bê cha mẹ, và nơi nào có công lý, nơi đó sẽ không đặt nhà vua đứng hàng thứ hai. Vì vậy, nhà vua có lý do để nói: „Lòng thương người và công lý là tất cả“.

Khi người dân được lèo lái con thuyền của đất nước, khi dân chúng tin tưởng vào nhà nước và chính quyền nước họ, hơn thế nữa, khi có công bằng xã hội ở một mức nào đó, thì khi đó ổn định xã và bình an nội tại sẽ được bồi đắp vững mạnh. Bình an nội tại lại đi đôi với bình an bên ngoài.

Ðức quốc vẫn thường cổ súy cho ước vọng thăng tiến của Trung quốc trong hòa bình và hòa hợp với các quốc gia khác. Chúng tôi cũng chào mừng chiều hướng của Trung quốc, sẵn sàng nhận lãnh vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng thế giới và như thế nhận trách nhiệm phát sinh từ sự lớn mạnh kinh tế của Trung quốc nhiều hơn.

Chính người Ðức chúng tôi đây cũng đang tiếp cận nhiều hình thức trách nhiệm phải cần có sự tập dượt. Và thay vì chỉ cứ sử dụng cái gọi là tài nguyên chung của thế giới, cũng cần phải „đóng góp“ phần của mình vào công việc chung. Biết bao khủng hoảng hiện nay làm cho chúng ta thấy rõ rằng hành động chung và tiêu chuẩn quốc tế cần thiết đến độ nào – cho tất cả các nước, lớn cũng như nhỏ. Chúng tôi vui mừng là mới vừa đây chúng tôi đang tiến gần đến lập trường chung với Trung quốc trong các vấn đề bảo vệ khí hậu thế giới – và nước của quý bạn sẽ là một thành viên của Hiệp ước Khí hậu Thế giới.

Trong thờì gian gần đây, Trung quốc và Ðức quốc đã nhận trách nhiệm chung trong nhiều vấn đề của thế giới - chẳng hạn về vấn đề thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cũng như Trung quốc và Ðức quốc đã góp phần vào sự ký kết hiệp uớc về nguyên tử với Iran và vì vậy đã góp phần đáng kể vào nỗ lực ngăn chận phổ biến rộng võ khí nguyên tử. Chúng ta cùng chung ra sức tìm kiếm phương cách chấm dứt tranh chấp Syria – tranh chấp gây buồn thảm cho không biết bao nhiêu người.

Đó là những bước đi quan trọng, tuy nhiên đất nước của chúng ta còn phải dấn thân nhiều hơn nữa. Trong nỗ lực này chúng ta nên thừa nhận rằng: Từ sự dấn thân sẽ nẩy sinh nhiều cơ hội. Cơ hội góp phần vào sự phát huy các cấu trúc quốc tế. Cơ hội làm vững mạnh các hệ thống trật tự và pháp chế, làm sao cho các cấu trúc này có thêm nhiều khả năng hơn và công bình hơn. Trong các công tác này chúng tôi rất muốn chung vai với Trung quốc. Khi có cơ cấu mới thành hình, những cơ cấu này nên bổ sung vào cấu trúc chung của thế giới và không hoạt động cạnh tranh. Cũng như mối bang giao Trung - Ðức, theo ý chúng tôi không được nhìn riêng rẽ với các mối bang giao của Trung quốc với các nước đồng đẳng và đồng minh quan trọng của Ðức quốc.

Mối bang giao giữa Trung quốc và Ðức quốc được đặt trên một nền tảng vững chắc của niềm tin tưởng ngày càng lớn và sự tin cậy đã được thử thách. Trong đoạn cuối của thế kỷ truớc, cả hai nước chúng ta đã mở cửa và thực hiện cải cách. Tuy nhiên, chúng ta – và chính tôi – ngày hôm nay đây cũng có mấy câu hỏi. Nhất là: Tiềm năng nào còn tiềm ẩn ở Trung quốc? Sự đa dạng và các tài năng phong phú ở đất nước của quý vị cho phép tôi nói rằng các tiềm năng này hãy còn rất phong phú và to lớn. Vậy thì làm thế nào để khai dụng những tiềm năng này cho lợi ích của đôi bên? Không phải từ viễn tượng muốn kiếm lời của người bạn hàng mà tôi đặt các câu hỏi này, nhưng từ góc nhìn của một người bạn đồng đẳng theo dõi bước đi của nguời đồng hành với tấm lòng ngưỡng mộ chân thành. Của một bạn đồng đẳng mà một vài tin tức từ giới xã hội dân sự Trung quốc làm cho người đó ưu tư, những tin tức gần đây và mới trong những ngày qua chúng tôi nhận được.

Chuyến viếng thăm của tôi, tôi muốn lập lại là cuộc viếng thăm hữu nghị. Chuyến thăm viếng này nên làm cho niềm tin đã lớn mạnh càng thêm bền vững. Và tôi tin rằng, chính do sự chân thành và thẳng thắn chúng ta còn có thể triển khai các nhịp cầu hiện có.

Ðể làm tròn nhiệm vụ đó chúng ta phải đẩy lùi điều gì làm giảm lòng tin và tiếp sức cho những gì tạo thêm lòng tin. Ở Âu châu, nơi tôi xuất thân, lòng tin vào sự tuân thủ y ước và các nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền đã trưởng thành. Ở Ðức, chúng tôi tin rằng, cả trong những năm sắp tới đây Trung quốc có thể đạt các mục tiêu phát triển đầy tham vọng – nếu Trung quốc biết khai dụng và cho các lực lượng xuất thân từ sự đa dạng của xã hội tham gia vào. Các lực này thật ra bắt nguồn từ những kinh nghiệm và tư duy của mỗi một con người.

Một xã hội dân sự sống động và tích cực luôn luôn là một xã hội mang tính canh tân và thích ứng. Xã hội này có thể phát huy và được sự nhìn nhận quốc tế. Và nhà nước - cùng với toàn xã hội – có thể giải quyết các khủng hoảng tốt đẹp hơn và yên ổn hơn và nhờ vậy bảo đảm được sự ổn định xã hội lâu bền ơn. Chúng tôi ở Ðức đặt tin tưởng vào một Trung quốc hiện đại, một Trung quốc sáng tạo và Trung quốc của thi đua ý tưởng. Hơn thế nữa: Cả tập thể thế giới cần một nước Trung quốc như vậy.

Tương lai của mối quan hệ giữa hai quốc gia vì vậy cũng còn tùy thuộc vào sự phát huy sức sinh động nội tại ở cả đôi bên. Một điều thật rõ ràng: Nước Ðức của năm 2016 cũng không phải là ốc đảo của những người đầy may mắn. Tôi mong quý vị cũng hỏi tôi về đất nước của tôi, về triển vọng tăng trưởng kinh tế, về các nước láng giềng của chúng tôi ở Âu châu, về cách đối phó của Ðức quốc trước môi trường chung quanh ngày càng nguy hiểm ở Âu châu. Bởi vì quả thật như vậy, có nhiều câu hỏi mới vừa đặt ra cho chúng tôi, những câu hỏi thách thức chúng tôi hiểu thế nào về nhân phẩm của con người. Nhất là câu hỏi, chúng tôi nên hành xử thế nào trong tình huống không chỉ có một số ít người, mà không ước chừng còn bao nhiêu người di cư lánh nạn nội chiến và những người bị ngược đãi vì lý do chính trị, tìm chỗ nương tựa và tìm tương lai nơi đất nuớc của chúng tôi.

Nhà văn Lỗ Tấn, người đặt nền móng cho nền văn chương hiện đại Trung quốc và một trong những người chủ trương canh tân lớn nhất lúc bấy giờ, đã sống những năm cuối của đời ông ở Thượng Hải này. Trong tác phẩm chính truyện tựa đề „Quê hương“ xuất bản năm 1921 - vào thời kỳ lạc quan - ông chấm dứt như thế này:

„Người ta không thể xác quyết rằng đã từng có niềm hy vọng hay không. Chẳng qua như những con đường trên mặt đất, buổi ban đầu chưa có đường nào cả, tuy nhiên khi càng nhiều người đạp đất đi qua, các lối đi đã biến thành những con đường“.

Mong sao Trung quốc và Ðức quốc cùng chung góp sức để niềm hy vọng trên thế giới mãi sống còn và luôn tìm được những con đường mới tiến về một tương lai tươi sáng hơn.

Chú thích của DĐVN21:

(1) Thái Bình Thiên Quốc

(2) Triển lãm nghệ thuật "Deutschland 8 – German Art in Beijing" trưng bầy tại 8 viện bảo tàng ở Bắc Kinh vào tháng 9/2017 các tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, nghệ thuật truyền thông của 40 nhà nghệ thuật hiện đại Đức, trong đó có Georg Baselitz, Anselm Kiefer, Markus Lüpertz, Sigmar Polke, Gerhard Richter .v.v.