B20150213-OpenDoors

 

Chỉ số ngược đãi tôn giáo toàn cầu 2015

Thứ 16 - Việt Nam  *)

Weltverfolgungsindex 2015 - Platz 16 (Open Doors)

Bản dịch của Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)

* Hình ảnh do DĐVN21 thêm vào

Khung thời gian: từ 01/11/2013 đến 31/10/2014

Phổ biến tháng giêng 2015

Vị trí trên bảng Chỉ số ngược đãi

Với 68 điểm Việt Nam đứng hạng thứ 16 trên bảng Chỉ số ngược đãi của thế giới trong năm 2015 (Hạng cao có nghĩa là ngược đãi nhiều - Chú thích của DĐVN21). Năm 2014 Việt Nam còn đứng hạng 18 với 65 điểm. Tình trạng của tín đồ Thiên Chúa giáo ở trong nước hầu như không có gì thay đổi trong những năm vừa qua. Sự trồi sụt thứ hạng của Việt Nam phần lớn là do tình hình suy sụp tại các nước khác, nhất là ở vùng Trung Đông và Phi Châu. Trong khoảng thời gian tường trình, tình hình đã xấu đi vì sự bạo hành xâm phạm tín ngưỡng gia tăng.

Động cơ của chính sách ngược đãi

Động lực chính của chính sách đàn áp người Thiên Chúa giáo (TCG) ở Việt Nam là “chế độ áp bức của Cộng sản”, thêm vào đó là “tư tưởng phân biệt sắc tộc” và “chế độ độc tài toàn trị”.

Chế độ áp bức của Cộng sản: Việt Nam là một trong vài nước còn xót lại vẫn theo ý thức hệ cộng sản trên thế giới. Vì vậy, chính quyền coi đạo Thiên chúa như là ảnh hưởng của nước ngoài và tín đồ Thiên chúa giáo như làm gián điệp cho Tây phương. Trước sau, chế độ được xây dựng trên nền tảng lý thuyết Mác – Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh vốn dĩ vẫn đầy nghi ngờ nhất là đối với khoảng 8 triệu đồng bào Công giáo và 1,7 triệu tín đồ Tin Lành. Theo bản tường trình vào tháng 6 năm 2013 của Nhóm làm việc "Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát" thuộc Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có chính sách kiểm soát chặt chẽ tất cả các sinh hoạt tôn giáo và giới hạn tối đa mọi hình thức hành đạo có tính độc lập. Sự kiểm soát của chính quyền Cộng sản lộ ra thật rõ vào dịp viếng thăm Việt Nam của ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt về tự do tín ngưỡng của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Chuyến đi bị theo dõi từ đầu đến cuối, và các chức sắc tôn giáo người thiểu số đã bị đe dọa, các cuộc tiếp xúc dự định không thành hoặc phải dời lại.

Đầu óc phân biệt sắc tộc: ước chùng 2/3 tín đồ TCG, trong đó 80% người theo đạo Tin lành có nguồn gốc sắc tộc, nhiều người này thuộc sắc tộc người Hmong. Trong những vùng quê, áp lực bị ép quay trở lại đạo cũ của họ và tham gia vào các tục lệ rất mạnh. Nguồn gốc sắc tộc của một số tín đồ TCG cũng là lý do khiến tín đồ TCG bị chính quyền theo dõi nghiêm ngặt. Bởi vì có một vài phong trào người sắc tộc đòi có một quốc gia độc lập. Cũng chính vì vậy mà các giáo hội bị chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của các tộc trưởng canh chừng từng bước.

Chế độ độc tài toàn diện: Theo dân địa phương, chính quyền bị coi như “chế độ chao đảo”, điều này có thể giải thích phần nào sự trấn áp quyết liệt mọi tư tưởng khác biệt. Tuy nhiên, người ta còn có thể giải thích màng lưới độc tài bằng hai quan sát khác: Có lúc Việt Nam đã liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Mối bang giao này trở nên khó khăn khi Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn Biển Đông. Tham vọng này của Trung Quốc bị các nước láng giềng bác bỏ kịch liệt. Trong các nước này có Việt Nam, một quốc gia có bờ biển dài nhìn ra Biển Đông. Do đó, mối gắn bó về ý thức hệ bắt đầu rạn nứt, đồng thời buộc nước này phải tìm kiếm bạn mới. Mặc dù bắt đầu từ 1986 bộ phận kinh tế tư doanh ngày càng lớn mạnh (“chính sách đổi mới”), Việt Nam không bị lay chuyển bởi những biến động đã làm đảo lộn thế giới Cộng sản. Đường lối áp bức của chính quyền có tác dụng lên tín đồ TCG, nhất là giáo hội Công giáo vì giáo hội này do một quyền lực nước ngoài, Đức Giáo hoàng lãnh đạo và được tổ chức chặt chẽ.

Các ảnh hưởng đương thời

Chính sách “Đổi mới” được thực hiện từ năm 1986 có mục tiêu cải cách và cải tiến nền kinh tế Việt Nam. Nhờ vậy nhiều thành quả tốt đã đạt được. Sản lượng nội địa tăng gấp đôi trong 10 năm qua, nạn nghèo đói giảm sút và thị trường lao động khả quan hơn.

Năm 2010, nước này vượt qua ngưỡng lợi tức thấp để nhập vào các quốc gia có lợi tức mức trung theo các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Trong các nước Á châu có hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam xếp hàng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cho đến nay chính sách “Đổi mới” vẫn chưa được tràn sang mặt xã hội và đời sống chính trị, điều mà người ta không hy vọng. Nhưng do chính sách này mà đời sống đã cải thiện đáng kể mặc dù có vài phương diện xấu đi.

Tuy nhiên, chính sách này phải trả giá đắt. Nhiều lãnh tụ chính trị và quân đội Cộng sản nhờ vậy mà đã trở nên rất giàu có và gây ra một cuộc khủng hoảng ý thức hệ. Nhất là tại các thành phố, nhìn qua thực tế đời sống, chủ nghĩa cộng sản nay hiển nhiên trở thành lời nói suông. Nhiều thanh niên càng ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Thủ đô Hà Nội và phía Bắc của đất nước này phải đương đầu với nạn nghiện ngập vì thanh niên ngày càng tìm quên lãng để lấp khoảng trống do chủ nghĩa Cộng sản để lại.

Các thành phần tín đồ TCG bị nguợc đãi

Tất cả các nhánh thuộc tín đồ TCG ở Việt Nam đều bị áp bức.

- Tín đồ TCG người nước ngoài và nhập cư đều bị theo dõi.

- Tín đồ TCG thuộc các giáo hội truyền thống, nhất là các tín đồ dấn thân chính trị như các blogger Công giáo bị làm khó dễ và sách nhiễu.

- Tín đồ mới vào đạo Thiên chúa mà trước đây theo đạo Phật hoặc đạo cổ truyền Việt Nam bị áp lực của chính quyền phải quay về đức tin trước đây của họ.

- Các giáo hội Tin lành mới, bị áp bức vì bị coi là theo phương Tây và Hoa Kỳ.

Các giáo hội TCG đều phải gánh chịu nhiều giới hạn hoạt động do chính quyền Cộng sản tùy tiện đặt ra. Đạo luật mới về tôn giáo , Nghị định 92 còn gây thêm áp lực. Đạo luật này bắt các giáo hội phải đăng ký mọi hoạt động của họ tại ủy ban nhân dân địa phương. Tuy nhiên đạo luật này chưa được áp dụng hoàn toàn.

Các mặt đời sống bị liên lụy

Các tín hữu TCG ở Việt Nam phải gánh chịu áp lực nặng nề nhất trong cuộc sống thường nhật và trong đời sống đạo, theo sau đó là trong đời sống riêng tư. Trong số này, những người mới vào đạo phải chịu đựng nhiều nhất.

Đời sống trong xã hội: dù có khoảng trống ý thức hệ như đã trình bày ở trên, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ý thức hệ Cộng sản và gây áp lực nặng nề đối với những người không Cộng sản, kể cả tín đồ TCG. Các tín đồ TCG bị chính quyền áp bức và không được đối xử công bằng trước toà án. Điều này có thể thấy được qua các phiên tòa xử những nhà hoạt động Công giáo bị kết án tội phạm chính trị, thí dụ như viết blog. Ngay cả các tín đồ TCG thuộc đân tộc thiểu số, đúng theo luật thì họ phải được chính phủ trợ giúp, thí dụ như khoản tài trợ cho việc học vấn, nhưng họ có thật sự nhận được tài trợ hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào chính quyền ở địa phương. Thường thì họ không nhận được sự giúp đỡ nào cả.

14 Thanh niên công giáo trong phiên tòa tại Nghệ An

Đời sống đạo: Các nhà thờ bị canh giữ nghiêm ngặt và các buổi tập họp có khi bị quấy nhiễu. Việc phổ biến các ấn phẩm và tài liệu TCG rất khó khăn và bị phạt nặng. Xin giấy phép cho các khoá học giáo lý cũng thật khó khăn. Việc hướng dẫn trẻ em và thanh thiếu niên dù không bị cấm chính thức nhưng các chương trình và khoá huấn luyện bị quấy phá và theo dõi từng bước. Các giáo hội truyền thống, nhất là giáo hội Công giáo bị chính quyền chú ý đặc biệt. Lý do chính là vì người Công giáo cương quyết đòi lại các phần đất thuộc sở hữu của họ từ trước năm 1975. Ngoài ra, trong số những người phê bình chế độ có nhiều người theo Công giáo. Khi họ nêu lên những bất công hoặc vi phạm luật pháp trong nước – không chỉ liên hệ đến tín đồ TCG - họ lọt ngay vào các biện pháp trừng phạt của chính quyền. Giáo hội Tin lành chính thức ở (miền Nam) Việt Nam cũng càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin lành bị tịch thu tài sản và vẫn không đòi lại được.

Mục sư Nguyễn Công Chính bị kết án 11 năm tù

Chiếu theo nghị định 92 có hiệu lực từ 01/01/2013 nhưng chưa được áp dụng hoàn toàn, đơn xin đăng ký phải nêu ra con số của những người thừa kế, nơi chốn tổ chức, thời biểu, các hình thức hành đạo, các điều luật tôn giáo, cũng như tên tuổi và nơi cư trú của người đại diện nhóm giáo đồ đó. Ngoài thể thức đăng ký đầy khó khăn kể trên, nghị định này còn buộc thêm nhiều điều kiện nghiêm ngặt như thành phần được phép xin đăng ký. “Họ phải hành đạo ít nhất 20 năm không có gián đoạn và chưa bao giờ phạm pháp sau khi được cho phép hành đạo”, nghị định trên ghi rõ. Các thuyên chuyển cộng sự viên và các chức sắc tôn giáo phải thông báo trước đó cho nhà nước cấp huyện và có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân địa phương. Các đoàn thể và cơ sở giáo dục của giáo hội cũng phải đăng ký. Một số các nhóm đạo đã phản kiện những điều lệ khắt khe này và chính phủ cho biết sẽ cứu xét lại.

Đời sống riêng tư: Những người đổi đạo và tín đồ TCG không truyền thống của Hội thánh Tin lành Ngũ Tuần **) và Báp Tít phải chịu nhiều đối xử tệ hại và bị ngược đãi nhất vì họ không được sự trợ giúp nào, thậm chí còn bị gia đình, bạn bè và láng giềng làm áp lực. Sự việc này thật sự xảy ra rất thường tại các vùng quê hẻo lánh, nơi mà nhà cầm quyền còn có nhiều người trung thành với chủ nghĩa Cộng sản và đằng khác gia đình, hàng xóm láng giềng vẫn còn thành khẩn theo tín ngưỡng và đức tin của họ hơn là ở các tỉnh thành.

Bạo hành gia tăng

Trong khung thời gian của bản tường trình này, bạo hành đối với các tín đồ TCG đã gia tăng. Nhiều cơ sở tôn giáo bị niêm phong và phá hủy, thí dụ như ở Bình Phước. Nơi đó nhà cầm quyền địa phương ra lệnh phá hủy nhà thờ của sắc tộc thiểu số Stieng va Mnong. Trên 10 tín hữu TCG đã bị kết án tù chỉ vì hoạt động viết blog để bầy tỏ chính kiến khác biệt hoặc đã tham gia các cuộc biểu tình. Nhiều vụ tấn công vũ lực đã xẩy ra, tín đồ TCG bị hành hung gây thương tích và nhà cửa của họ bị tàn phá, điển hình là vụ tấn công họ đạo Mennoniten ở Bình Dương vào tháng 6 năm 2014. Một số giáo dân phải bỏ nhà trốn đi.

Nhìn về tương lai

Mới đây có tin cho hay nhà cầm quyền đang nói chuyện với Giáo hội Công giáo và đi đến kết quả là một viện đại học Công giáo sẽ được thành lập ở Việt Nam. Mặc dù đường hãy còn dài nhưng điều này có vẻ là một dấu hiệu hứa hẹn cho sự thuyên giảm sức ép lên tín đồ TCG. Tuy nhiên, những vụ bắt bớ và kết án hình sự người theo TCG vẫn xảy ra với lý do chống lại nhà nước “lạm dụng các quyền tự do dân chủ”.

Trên thực tế, chuyến viếng thăm của Báo cáo viên đặc biệt thuộc Ủy ban nhân quyền LHQ cùng những tuyên bố chỉ trích công khai và gay gắt của ông đã không đem lại một sự thay đổi rõ rệt nào, điều này chỉ ra rằng nhà nước không có ý định tiến đến gần hơn với sắc tộc thiểu số TCG. Hơn nữa, thật khó mà có được một hình ảnh rõ ràng: mặc dù nghị định 92 chưa được áp dụng hoàn toàn nhưng việc cấm đoán và đe dọa các giáo hội gia tăng liên tục. Như thế chắc hẳn tình trạng của tín đồ TCG thiểu số sẽ chẳng có nhiều thay đổi.

13/02/2014 (Diễn Đàn Việt Nam 21)

*) Nguyên bản tiếng Đức: Weltverfolgungsindex 2015 - Platz 16 Vietnam, Open Doors, 01/2015

**) Pentecostal Church, Pfingstgemeinde

Tài liệu tiếng Anh của Open Doors USA (PDF):