BCT20200727-ToChucYTeTheGioiCoToaRapVoiTQKhong

Tổ Chức Y Tế Thế Giới Có Toa Rập Với Trung Quốc Không?

Phạm Hồng-Lam

27/07/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Donald Trump, tổng thống Liên Bang Châu Mỹ (United States of America, gọi tắt: Mỹ) cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đã che dấu nguồn phát sinh của siêu vi CoV-2. Ông khẳng định, siêu vi CoV-2 xuất phát từ một trung tâm nghiên cứu trong thành phố Vũ Hán. Không những dấu nguồn phát sinh của siêu vi, theo D. Trump, Trung Quốc còn cố tình không cho thế giới biết tin kịp thời về dịch bệnh, khiến cho Mỹ phải điêu đứng thiệt hại, đặc biệt về nhân mạng và kinh tế.

D. Trump cũng tố cáo luôn bác sĩ Tedros Adhanom Gebreyesus, giám đốc Cơ Quan I Tế Thế Giới (WHO) về tội đồng lõa với lãnh đạo Trung Quốc trong việc bưng bít thông tin. Vì thế Trump ra lệnh đóng băng ngân khoản của Mỹ đóng góp cho WHO, và sau đó Mỹ đã tuyên bố rút ra khỏi tổ chức này. Theo luật của tổ chức, quyết định này sẽ chính thức hiệu lực sau một năm, nghĩa là vào tháng Bảy 2021.

D. Trump cho hay, Mỹ đang điều tra và sẽ đưa ra các chứng cứ về những cáo buộc trong vòng ba tháng tới, nghĩa là tới tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám này. Trong lúc chờ đợi tôi tổng hợp một số dữ kiện rút ra từ một số nguồn khả tín, để làm mốc cho chúng ta tiện theo dõi.

- Ngày 31.12.19: Văn phòng trung ương của WHO ở Geneve (Thuỵ-sĩ) cho biết đã nhận được thông tin của Trung Quốc về một số trường hợp bệnh viêm phổi lạ ở Vũ-hán. Thông tin này có một số điểm không rõ: Ai thông báo? Thông báo như thế nào? Do áp lực của công luận, đặc biệt các chỉ trích của Mỹ, ngày 03.07.20 WHO đã cho biết cụ thể: Ngày 31.12.2019 văn phòng WHO ở Trung Quốc đọc được tin về căn bệnh lạ trên trang mạng thông tin của Vũ Hán. Văn phòng liền thông báo cho trung ương ở Genève. Trong hai ngày 01 và 02.01.20 WHO trung ương yêu cầu Peking trả lời về thông tin này. Và Peking đã trả lời vào ngày 03.01.20. Như vậy, Peking đã không trực tiếp thông tin cho cả WHO trung ương lẫn văn phòng địa phương - biết về bệnh dịch đã và đang xẩy ra tại nước mình.  

Thật ra dịch bệnh đã xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối tháng 11 năm 2019.

Trong lần dịch bệnh Sars năm 2003, Peking đã chỉ thông báo cho WHO biết sau 3 tháng bệnh dịch nổ ra.

- Ngày 12.01.20: Cũng theo WHO cho biết, Peking đã chuyển cho WHO kết quả về toàn bộ thông tin di truyền (Genom) của siêu vi Corona, về sau được gọi là CoV-2. “Trung Quốc đã nhận dạng Genom của vi khuẩn trong một thời gian nhanh kỷ lục và đã chuyển cho chúng tôi. Một việc làm chưa từng thấy trên thế giới”, Bernhard Schwartländer, chánh văn phòng của WHO ở Genève, cho hay như thế.

Cho tới lúc này, Peking không cho phép phái đoàn nào của trung ương WHO sang tìm hiểu dịch bệnh tại chỗ. Họ chỉ cho phép một số văn phòng của WHO tại các quốc gia á châu gần đó sang thăm mà thôi. Các chuyên viên chỉ được nói chuyện với các bác sĩ và y tá tại Vũ Hán dưới sự kiểm soát của một cán bộ thuộc chính quyền trung ương. Dịp này bác sĩ Kenneth Chuang thuộc văn phòng WHO ở Đài-loan đã hỏi ông cán bộ, là siêu vi có khả năng truyền từ người sang người không. Ban đầu ông cán bộ bảo không. Nhưng sau đó đã thú nhận: không loại bỏ được khả năng đó!  Lúc này Vũ Hán báo cáo có 410 ca nhiễm bệnh. Đài-loan cho hay, họ có thông báo ngay cho WHP ở Genève biết về khả thể lây nhiễm từ người sang người này.

- Ngày 21.01.20: Tình báo CHLB Đức ghi nhận ngày này có một cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Tedros, trong đó Tập yêu cầu Tedros phải thận trọng với thông tin dịch bệnh có thể lây truyền từ người sang người, đồng thời Tập ép Tedros trì hoãn việc công bố tình trạng khẩn cấp ra thế giới. Cuộc điện đàm này, như vậy, đã khiến công bố của WHO trễ thêm một tuần, và cũng vì thế thế giới mất đi 4 - 6 tuần trong việc phản ứng lại cơn dịch. (Tin này được tuần báo chính trị Der Spiegel ở Đức phổ biến. Đọc bài của Mathias Gebauer nơi địa chỉ ghi dưới.)

WHO đã cải chính ngay tin này và cho biết, không có cuộc điện đàm nào hết giữa Tập và Tedros, vì hai người “chưa bao giờ gọi điện cho nhau”.  Vì thế, chúng ta thận trọng với bản tin này.

- Chiều tối 22.01.20: Tedros xuống căn phòng dưới hầm nơi đặt tổng hành dinh (Strategic Health Operations Center) họp trực tuyến với 15 chuyên gia cố vấn trên khắp thế giới. Hầu hết các thành viên xuất hiện trên màn hình treo ở tường; còn một số liên lạc qua điện thoại cách âm. Đó là nhóm cố vấn giúp WHO lấy quyết định về những biến cố y tế quan trọng. Tedros yêu cầu họ cho biết, có nên thông báo về “tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn thế giới” không. Thông tin về Vũ Hán cho tới lúc đó vẫn không rõ ràng, nên chưa có được một quyết định thống nhất. Lúc này WHO chỉ mới nhận được tin của một trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc (Thái-lan, ngày 13 tháng 01; ở Mỹ ca đầu tiên được báo ngày 23 tháng 01). Một nửa số cố vấn đề nghị phải cho lệnh ngay, kẻo quá trễ. Một nửa khác bảo chưa tới lúc; họ cho rằng, có thể sự lây nhiễm chỉ diễn ra khi có sự chung đụng gần gũi thể xác, nghĩa là chỉ diễn ra trong gia đình và trong những tụ họp lễ hội vui chơi, như vậy nó có thể chỉ hạn chế trong Trung Quốc mà thôi. Ủy ban cố vấn hẹn nhau tái họp vào chiều tối hôm sau.

Vấn đề cần tìm hiểu thêm: 15 cố vấn này là những ai? Và trong số đó có thể có những người bị ảnh hưởng của Trung Quốc hay không?

- Chiều tối 23 tháng 01: Vẫn chưa có được một biểu quyết đa số. Tedros đề nghị tất cả gặp lại vào mười ngày sau. Và ông “tuýt” qua điện thoại mình: “Tôi cám ơn chính quyền Trung quốc về sự hợp tác và về sự trong sáng (trong việc thông tin).”

Dư luận đã không hài lòng về thái độ hữu hảo này đối với Trung Quốc, vì lúc này thế giới đã hay tin Peking bịt miệng một bác sĩ tại Vũ Hán (Li Wenliang; Li thông tin về bệnh lạ ngày 30.12.19 và mất ngày 07.02.20) và đã trục xuất hầu hết các phóng viên báo viết người Mỹ, vì những phóng sự nhức nhối về dịch CoV-2 của họ. Nhưng ở Genève Trung Quốc lại tỏ ra cộng tác chặt chẽ với WHO.

Một nữ cố vấn của WHO cho hay, sau ngày 23 tháng 01 Tedros tỏ ra bối rối. Số ca nhiễm và người chết gia tăng hàng ngày và ông sợ mình quyết định quá trễ. Ông muốn trực tiếp sang Trung Quốc để xem lãnh đạo nước này nhận định thế nào về sự nguy hiểm của cơn dịch.

- Ngày 27.01.2020: Tedros và một phái đoàn bay sang Peking. Chuyến đi do chánh văn phòng Schwartländer, một bác sĩ người Đức, trước đây điều hành văn phòng WHO ở Trung Quốc trong nhiều năm, thu xếp. Tại đây Tedros lập lại lời cám ơn về sự “cộng tác và trong sáng” của Trung Quốc.

Bức ảnh ông bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình được truyền ra thế giới với phản ứng không tốt. Người ta coi ông là người quỵ lụy Tập. Tedros là nhà vi trùng học; trước đó ông là bộ trưởng Bộ Y Tế rồi chuyển sang bộ trưởng Bộ Ngoại Giao của nước Ethiopia. Ethiopia là một bản mẫu về những đầu tư và viện trợ của Trung Quốc ở châu Phi. Vì thế người ta có khuynh hướng nhìn ông qua hình ảnh lệ thuộc Trung Quốc của Ethiopia. Nhưng Achim Steiner, giám đốc Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc có cái nhìn khác: “WHO luôn luôn phải cộng tác, giữ liên lạc với tất cả các quốc gia thành viên và tìm cách không để nguồn thông tin bị đứt đoạn với một nước nào.” Các nhân viên của họ “phải cân nhắc hàng ngày xem việc phê bình trước ống kính hay đàng sau hậu trường cái nào hữu hiệu hơn.”

WHO đúng không phải là một cơ quan quyền lực quốc tế. Mà chỉ là một tổ chức lệ thuộc vào sự cộng tác và lòng hảo tâm chi tiền của các thành viên và các mạnh thường quân. Ngân sách hàng năm của WHO khoảng 5 tỉ mỹ kim (chỉ nhỉnh hơn ngân sách của bệnh viện đại học ở Genève một ít); chỉ khoảng 20% số đó là do đóng góp của trên dưới 190 quốc gia thành viên; phần còn lại là do các mạnh thường quân tặng có điều kiện. Như vậy WHO chỉ được tự do sử dụng một phần ngân sách rất hạn chế mà thôi, số còn lại họ phải chi cho các chương trình và dự án theo yêu cầu của người tặng tiền. Ngân sách tài khoá 2018/19 có tất cả 5,1 tỉ, trong đó phần đóng góp của Mỹ 14,67%, Quỹ Bill&Melinda 9,76%, tổ chức GAVI 8,39%, Liên Hiệp Vương Quốc (Anh) 7,79%, Đức 5,68%, Liên Hiệp Âu Châu 3,3%, Trung Quốc 0,21%... Để hiểu hơn về WHO, người không thông thạo ngoại ngữ có thể đọc bài của Nguyễn Quốc Tiến Trung ở địa chỉ ghi dưới.

Trước khi đi gặp Tập, Tedros đã biết là sẽ phải họp lại ban cố vấn sớm hơn hai ngày để quyết định tình trạng khẩn cấp. Ông chuẩn bị tinh thần cho Peking về ý định sẽ công bố tình trạng khẩn cấp, dù Peking có bằng lòng hay không.

- Ngày 30.01.2020: WHO công bố “tình trạng y tế khẩn cấp” ra toàn thế giới. Trước đó một ngày, 29 tháng 01, Peking ra lệnh cách li toàn thành phố Vũ Hán.

Tóm lại:

Những thông tin trên đây chủ yếu dựa trên những tiết lộ của WHO.

Chúng chưa cho phép ta xác định được mức độ chính xác và chưa cho ta biết rõ, là WHO – cụ thể là tổng giám đốc Tedros - có đồng lõa với hay chịu áp lực của Trung Quốc hay không trong việc che đậy thông tin. Nếu tin tình báo của Đức về cuộc điện đàm ngày 21 tháng 1 là có thật và nội dung đúng như những gì đã phổ biến, thì đó là một bằng chứng.

Còn khẳng định của Trump và ngoại trưởng Pompeo cho rằng, CoV-2 bắt nguồn từ một phòng nghiên cứu ở Vũ-hán, chưa có bằng chứng cụ thể. Hiện tại, các nhà khoa học tin rằng, gần như chắc chắn 100% CoV-2 xuất phát từ Trung Quốc; và đây không phải là một sản phẩm nhân tạo, nghĩa là một vũ khí sinh học; đúng hơn nó được truyền từ dơi sang người thông qua các thú vật trung gian.

Batao Xiao, một nhà khoa học thuộc Đại Học Kỹ Thuật ở Quảng Châu, là một trong những người đầu tiên nêu lên giả thuyết vi khuẩn thoát ra từ phòng thí nghiệm. Ngày 6 tháng 2 ông đưa lên mạng một bài viết ngắn về thuyết này. Nhưng bài viết sau đó đã được ông lấy xuống và ông thú nhận là chưa có bằng chứng cụ thể. Đại Học Phụ Nhân ở Thượng Hải và Đại Học về Khoa Địa Chất ở Vũ Hán cho biết trên trang thông tin của mình, tất cả mọi bài viết liên quan tới CoV-2 phải được kiểm duyệt trước khi đăng. Bản tin này hiện đã biến mất khỏi trang thông tin.

Trong tháng Sáu, người ta lại phao tin về một tài liệu „five eyes“ do kết hợp tình báo của Mỹ, Úc, Tân-tây-lan, Liên Hiệp Vương Quốc và Canada phổ biến; tài liệu gián tiếp nói tới khả thể CoV-2 xuất phát từ phòng nghiên cứu ở Vũ Hán. Tình báo Đức đã liên lạc với cả năm cơ quan liên hệ, nhưng đã không cơ quan nào xác nhận sự liên can của họ đối với tài liệu đó. Như vậy, có thể đây chỉ là một tài liệu của ai đó lượm lặt các thông tin từ các nguồn truyền thông đã có, chứ không phải là kết quả điều tra của các cơ quan tình báo. Mà cũng có thể là một tài liệu giả mạo, như kiểu tài liệu năm 2003 chứng minh Irak có vũ khí sinh học để có cớ tấn công nước này.

Một ghi chú mật của tình báo Đức gởi cho Bộ Quốc Phòng nước này viết rằng, cáo buộc của Trump là một nỗ lực đánh trống lảng có chủ ý. Tổng Thống đưa ra thuyết xuất phát từ phòng nghiên cứu “nhằm đánh lạc hướng những sai lầm của mình và lái cơn giận của người Mỹ sang Trung Quốc”.

Còn việc tố cáo lãnh đạo Trung Quốc đã cố tình dấu thông tin? Qua bản tin cải chính của WHO ngày 03.07,20 như trên thì điểm này đã rõ. Trung Quốc đã không báo tin sớm và trực tiếp cho WHO biết về bệnh dịch. WHO chỉ biết qua mạng thông tin của tỉnh Vũ-hán.

Có thể Trung Quốc bảo rằng, vì chưa nhận ra tầm nguy hiểm của loại vi khuẩn và căn bệnh mới, nên lúc đó họ chưa vội thông báo cho WHO. Điều này thiếu thuyết phục. Bởi vì cuối tháng 1, khi thế giới còn chưa biết gì nhiều về mức độ nguy hiểm của cơn dịch, thì Trung Quốc đã sai thu mua khẩu trang và dụng cụ bảo hộ ở hải ngoại mang về nước. Nghĩa là họ đã ý thức được (phần nào) mức độ nghiêm trọng của sự lây lan. Lại nữa, việc họ nhận diện được toàn bộ thông tin di truyền của vi khuẩn CoV-2 rất sớm (họ thông báo kết quả cho WHO ngày 12.01.20) khiến ta ngờ rằng, họ đã làm việc với con vi khuẩn này từ lâu rồi.

WHO - hay cụ thể là tổng giám đốc Tedros - có toa rập với hay chịu áp lực của Trung Quốc trong việc thông tin trễ cho thế giới không? Giữa tháng 7.2020 WHO đã cho thành lập một Uỷ Ban điều tra độc lập do Helen Clark, cựu thủ tướng nước Newseeland và Ellen Johnson, cựu tổng thống Liberia, cầm đầu, để làm rõ câu hỏi này.

Và thêm một câu hỏi quan trọng: Việc che đậy thông tin của Trung Quốc đã gây hậu quả tới mức nào cho thế giới? Là vì dù sao, kể từ ngày WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp ra thế giới (31 tháng 01) cho tới khi cơn dịch nở rộ vào hạ tuần tháng Ba, các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là Mỹ - cũng đã có khoảng một tháng rưỡi để chuẩn bị các biện pháp cho nước mình.

Chúng ta chờ xem thêm kết quả điều tra của Mỹ và của Uỷ Ban đặc nhiệm của WHO.

Phạm Hồng-Lam

Augsburg, cập nhật ngày 12.07.2020

 

 

- Kerstin Kohlenberg, Yassin Musharbash, Holger Stark, Xifan Yang, Wo alles began. Die Zeit, Nr. 20, 07. Mai 2020.

- Christiane Grefe, Kerstin Kohlenberg, Angriff auf die WHO. Die Zeit Nr. 19. 29 April 2020.

- Mathias Gebauer, Bundesregierung zweifelt an US-These zur Entstehung des Coronavirus. www.spiegel.de/politik/deutschland/corona-krise-bundesregierung-zweifelt-an-us-these-zur-entstehung-des-coronavirus-a-51add7cf-96b6-4d04-a2d0-71ce27cff69c

- Reiko Pinkert, Große Zweifel an Geheimdienstpapier. https://www.tagesschau.de/investigativ/ndr/geheimdienstpapier-101.html

- WHO dementiert Telefongespräch mit Chinas Präsident. https://www.spiegel.de/politik/ausland/corona-ausbruch-who-dementiert-telefongespraech-mit-chinas-praesident-a-37678f1c-6960-453c-a317-8ef9feed8b7c

- Behörden in China informierten WHO nicht proaktiv über Coronavirus. www.zeit.de/wissen/gesundheit/2020-07/who-chronologie-coronavirus-pandemie-covid-19-ausbruch

- Nguyễn Quốc Tiến  Trung, 5 điều cần biết về WHO. www.luatkhoa.org/2020/04/5-dieu-ban-can-biet-ve-who/