VX20160211-TranHue

 

Tại sao phá thai quá nhiều ở Việt Nam nếu là con gái ?

 

Scott Harris & Bac Pham (*)

Bản dịch tiếng Việt: Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)

11/02/2016 (DĐVN21) - Không nước nào có quá nhiều thai nhi gái bị phá như ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cảnh báo sẽ đi đến tình trạng trai thừa gái thiếu và có hậu quả cho xã hội. Tuy vậy, dân chúng vẫn tiếp tục cầu mong có con trai.

Huyền chỉ chờ đợi một câu nói thôi, mặc dù câu đó có vẻ vô hại. Người phụ nữ Việt Nam 29 tuổi này đang có mang 4 tháng. Bây giờ, cô ngồi ở bảo sanh viện Hà Nội và lo sợ việc bác sĩ khám siêu âm và báo cho cô: ”cháu bé sẽ giống như mẹ”. Ðó là một ám hiệu, có nghĩa là sự sống cho số người này nhưng là án tử hình cho người khác.

Không một quốc gia nào trong vùng mà các thai nhi bị phá nhiều như ở Việt Nam. Theo bộ y tế, cứ 5 vụ sinh con thì có 1 vụ phá thai. Và đó là một ước lượng còn dè dặt, các cơ quan xã hội nói có thể tới mỗi vụ sinh nở là một vụ phá thai. Phần lớn thai nhi bị phá là con gái.

Tuy nhiên, phá thai theo tính giống của thai nhi là điều phạm pháp ở nước Ðông Nam Á này. Chừng nào mà bà mẹ còn được phép phá thai thì bác sĩ và y tá không được tiết lộ giống tính của thai nhi. Chính vì vậy mà phải nói là chim nếu thai nhi là con trai, và bướm nếu là con gái.

Ước vọng sẽ có con nối dõi tông đường

Bà Huyền đã phá thai 2 lần rồi – và lo sợ lại sinh con gái nữa. Bà đã có 2 đứa con gái. Như bao nhiêu người khác, bà mong ước sẽ sinh con trai. Một đứa con để nối dòng, trong một quốc gia mà chẳng bao lâu nữa sẽ lâm vào nạn gái thiếu trai thừa.

„Con trai của chúng tôi sau này sẽ khó kiếm vợ“, Khuất Thu Hồng, Trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển Xã hội ở Hà Nội, tiên đoán như vậy. Năm 2014, cứ 100 bé gái thì có 112,4 bé trai. Tại một số vùng, cứ 5 trẻ trai thì chỉ có 4 trẻ gái. „Việt Nam sẽ gặp vấn nạn xã hội như nạn gái điếm và buôn bán phụ nữ“.

Theo nề nếp Khổng Tử từ xưa, đàn bà phải phục tùng chồng. Nhiều phụ nữ đã tháo bỏ quan niệm này – nhưng không phải đàn ông nào cũng đồng ý như thế. Vì vậy đến nay ở Việt Nam vẫn còn việc trọng nam khinh nữ.

Vấn đề không phải chỉ có ở Việt Nam

Sự tiến bộ của y khoa và đi kèm với giá trị cổ truyền theo phụ hệ dẫn đến hậu quả mà người ta có thể thấy được không những chỉ ở Việt Nam. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, cán cân số sinh con gái và con trai ngày càng chênh lệch. Trên bán lục địa Ấn Độ, cứ 1000 đứa trai bây giờ chỉ có 919 con gái. Ðiều này không phải chỉ vì hàng trăm ngàn vụ phá thai mà còn ở vì con gái được nuôi dưỡng không bằng con trai và hiếm khi được đưa đi khám bác sĩ.

Trước quốc hội Ấn Độ vào đầu năm nay Bộ trưởng Gia đình Ấn Độ Jagat Prakash Nadda đưa ra một chuỗi những lý do: “Ðó là niềm tin chỉ có con trai mới làm được nghi lễ xức dầu lần cuối, là dòng dỡi và việc hưởng di sản dựa theo con trai, là về già con trai mới nuôi dưỡng cha mẹ và là người làm ra tiền“. Còn con gái cha mẹ phải cho trả hồi môn khá lớn khi đi lấy chồng.

Một phụ nữ Việt Nam khác tên Phạm Thu Hiền cũng biết nguyên nhân của hiện tượng này. Bà làm việc cho Quỹ Dân số của LHQ và đã hành nghề bác sĩ sản khoa nhiều năm. „Một số đàn ông cảm thấy là họ không thật sự là nam nhi nếu họ không có con trai“, theo bà Hiền, một bà mẹ có 2 đứa con gái.

Có cách nào để có thể cứu các thai nhi gái?

Các bà sản phụ sẽ phục tùng ước vọng của chồng và yêu cầu được phá thai – mà không nêu ra giống của đứa trẻ. „Họ sẽ bảo là họ nghèo hoặc chưa kham nổi đứa con. Họ chỉ không nói sự thật – vì họ biết rằng, việc làm của họ là sai quấy“.

Chính quyền Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn trào lưu này. Chính sách 2 con từ lâu được ứng dụng cho công nhân viên dự trù sẽ được bãi bỏ, và việc bảo hiểm riêng cũng như cấp học bổng cho phái nữ đang được thảo luận. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã bãi bỏ chính sách 1 con vào tháng 10 vừa qua, một trong những lý do là để giảm bớt tình trạng trai thừa gái thiếu.

Khi Huyền bước ra khỏi phòng khám bệnh, bà mang đầy nét ưu tư. “thai nhi là một con bướm“, bà nói. „Chồng tôi sẽ không vui đâu“. Bác sĩ đã cảnh báo bà phá thai lần thứ ba sẽ phương hại đến sức khoẻ. „Nhưng mà thà tôi có vấn đề sức khỏe còn hơn là có thêm con gái nữa“.

Trần Huê chuyển ngữ

(*) Nguồn tiếng Đức:

Schmetterling oder Vogel - Warum in Vietnam so viele Mädchen abgetrieben werden, Scott Harris und Bac Pham / DPA, Stern 09.12.2015