BCT20200813-CuocDoiLaMotChienTruongMoRong

Cuộc Đời Là Một Chiến Trường Mở Rộng

Tại sao nhiều người dân Mỹ, mà đại biểu là tổng thống Donald Trump, coi thường dịch bệnh và những cái chết của người dân do Corona-19 gây ra? Phải chăng họ bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hoá của Darwin về mặt xã hội? Thuyết này cho rằng dịch bệnh cũng chỉ là một trong những biện pháp tiến hoá tự nhiên để làm sạch xã hội.

Tác giả: Thomas Assheuer (*)

Người dịch: Phạm Hồng-Lam

13/08/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Lansing, thuộc tiểu bang Michigan: Tuần vừa rồi, vì vào siêu thị không chịu mang khẩu trang, nên một khách hàng đã gây xô xát với một khách hàng khác. Anh khách hàng không chịu đeo khẩu trang liền rút dao đâm khách hàng kia. Và anh đã bị cảnh sát bắn sau đó.

Cuối tháng Tư trước đó, một đám người dân căm phẫn tấn công Quốc Hội bang Michigan, đe doạ các dân biểu và đòi họ rút lại sắc lệnh „stay at home“ (yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài). Có những cảnh như trong một cuộc nội chiến. Để cho yêu sách mình được nặng ký, đám đông căm phẫn đó khoác vào mình bộ đồ chiến đấu với súng ống đầy mình. Họ là ai? Kẻ thù của quốc gia? Quân du kích?...

Không phải. Những người biểu tình vũ trang đó là những ủng hộ viên bình thường của tổng thống Mỹ Donald Trump và họ được bảo kê từ trên. Tổng thống Trump đã từng kêu gọi người dân Mỹ hãy đứng lên đòi lại tự do của mình: „Liberate Michigan. Liberate Minnesota. Lierate Virginia!“ („Hãy giải phóng Michigan. Hãy giải phóng Minnesota. Hãy giải phóng Virginia!“) Theo ông, lệnh lock down là điều không cần thiết. Vi khuẩn sẽ tự biến mất. “Chúng ta đã hoàn toàn làm chủ trên chúng.”

Sự thiển cận chết người này xuất phát do đâu? Tại sao Trump lúc đầu bảo rằng Covid-19 chỉ là trò phóng đại của Dảng Dân Chủ và của báo chí, vốn là “kẻ thù của nhân dân”? Tại sao ông đồng tình với mẩu “tuýt” của một ông chánh án về hưu, cho rằng, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh là “âm mưu của đám độc tài chống lại hiến pháp”?

Câu trả lời đầu tiên và gần nhất dĩ nhiên là: Cơn đại dịch thế giới đã cho thấy tính hai mặt của Chủ Nghĩa Tự Do (Liberalismus) ở Mỹ. Chủ nghĩa này ngợi ca hành vi tự quyết bẩm sinh của mỗi cá nhân và đặt nó lên hàng ưu tiên trên tất cả mọi thứ khác. Nhưng khi quốc gia gặp khủng hoảng cần tình đoàn kết, thì người dân lại hô nhau dựng rào chiến đấu cho tự do của mình; họ coi Tự Do là một sản vật riêng của họ.

Truyền thống tư duy tự do này xuất phát từ một nguồn khá xa. Nó được gọi là John Locke và nhân vật này đã ảnh hưởng trên những nhà thành lập nước Mỹ mạnh hơn bất cứ một nhà tư tưởng nào khác. Để khoá đôi tay chuyên chế của chế độ vương quyền, triết gia này vào năm 1689 đã tuyên bố, mỗi người là “sở hữu chủ con người của mình”. Mỗi người đều có quyền ưu tiên đòi hỏi cho mình Tự Do; Tự Do là điều kiện tiên quyết của tất cả mọi luật pháp. Và ai làm lợi trên những “mảnh đất vô chủ”, người đó được phép chiếm hữu chúng, bởi vì như vậy là họ làm gia tăng “lượng của cải cho nhân  loại” [...]

Thật ra, việc đổ tội cho John Locke và cho quan điểm Tự Do của ông là chuyện không công bằng lắm. Là vì vị chúa tể về tư tưởng Tự Do này thời đó đã chưa mường tượng ra được những quá lạm của chủ nghĩa tư bản. Mà dù truyền thống tự do có cắt nghĩa được đôi điều, thì nó vẫn không giải thích được hết mọi chuyện. Tổng thống Trump không những nói tới Tự Do, mà còn tới một sự tư hữu khác, đó là “Sự Sống”. Ông gọi những người biểu tình với súng ống đầy mình ở Michigan là những “công dân tốt”, là những người muốn dành lại Sự Sống của họ. Trong một dịp khác, Trump than, lối sống của người Mỹ đang gặp nguy cơ và phải chống lại sự nhúng tay của nhà nước vào chuyện của người dân. Và điều ông nói đã đến tai những kẻ ủng hộ ông. “We are not your subjects” (“Chúng tôi không phải là công dân của các ông!”), một người biểu tình ở Richmond đã hét lên như thế. Và một em gái học sinh đã dơ cao trước máy quay phim một biểu ngữ với chữ “Covid 1984”, tấm biểu ngữ muốn liên tưởng tới cuốn truyện của George Orwell.

Nghĩa là Trump và những người ủng hộ ông coi việc giãn cách xã hội không những là một cú đánh vào Tự Do, mà còn là một phát đạn nã vào Sự Sống của họ. Ở đây, Tự Do và Sự Sống là hai thứ gắn bó sống chết với nhau: Tự Do phải thật tự do, để có thể sống Sự Sống đích thật, một sự sống tinh tuyền, thật và tự nhiên của real American (người Mỹ thực sự). Và Chết cũng đương nhiên thuộc vào phạm vi sở hữu tư nhân. Vừa mới đây đài truyền hình ZDF của Đức đưa lên các hình ảnh của một cuộc biểu tình ở Mỹ, trong đó người ta yêu sách: “Nhà nước hãy bảo vệ Tự Do của chúng tôi – nhưng không được huỷ bỏ sự chết.”

Trump muốn người ta hiểu rõ rằng, the American way of life không phải chuyện ngọt ngào như mía lùi, mà trái lại. Cuộc sống này dẫy đầy cơ nguy; nó nặng nhọc, hoang dã và hiểm nguy. Nó là cuộc chiến tranh giành trong một cuộc thi đua dai dẳng và không khoan nhượng. Nhìn như thế, thì dịch bệnh cũng chỉ là một trong muôn vàn thách đố tự nhiên, mà một người dân Mỹ nguyên chất phải vượt qua trên chiến trường sống hoang dã và tự do của mình. Một quốc gia nên giữ vai trò con quỷ và đồng thời ngăn không để nó oai hùng chiến thắng trong cuộc chiến đấu sinh tồn và không để nó chứng tỏ được animal spirit (thú tính) của mình.

Tôi có nói quá đi không? Năm 2007, khi còn là một dạng anh hề đối với nhiều người, Trump dắt cậu con trai Barron của mình ra trước ống kính và mô tả, có vẻ như châm biếm, tính tình của nó. Ngày nay nhìn lại, thì cảnh tượng đó quả là thời khắc nói lên một sự thật quan trọng. Với một sự thành thật hiếm thấy người cha truyền gia sản ý hệ của gia đình lại cho người con, và qua đó để lộ cho thấy cái hình ảnh về thế giới thật tinh ròng của Trump: “Con trai Barron của tôi là một thằng nhỏ mạnh mẽ, khôn lanh, xấu bụng, thô bạo và láu cá – đó là những điều kiện cần, để trở thành một nhà kinh doanh”.

Quan điểm coi đời sống là một chiến trường mở rộng không phải là một khám phá của Trump. Nhưng đó là một cuộc gấu ó tinh thần (lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì xô xát) từ 150 năm nay giữa các nhà chính trị, các doanh gia và các nhà khoa học ở Mỹ. Đã có một cuốn sách nổi tiếng bàn về truyền thống này. Đó là cuốn Sozialdarwinismus im amerikanischen Denken (Chủ Nghĩa Darwin về xã hội trong lối nghĩ của người Mỹ) cuả Richard Hofstadter. Nhà sử học này tìm hiểu tiến trình phát triển của những nhận thức sinh học tiến hoá nơi xã hội Mỹ trong nửa sau thế kỉ 19. Thời đó thuyết này được tiếp nhận một cách vô tội vạ. Đó là thời kì rộ nở kinh tế và Charles Darwin âm thầm trở thanh vị anh hùng của giới tái phiệt ưu tuyển mới. Giới này ăn mừng chế độ tư bản như một loại thiên nhiên thứ hai, bởi vì trong chế độ này chỉ  có một quy luật làm chủ mà thôi: the survival of the fittest (chỉ những kẻ khoẻ mạnh nhất mới sống sót). 

Hofstadter (1916-1970) không phê phán chủ nghĩa Darwin. Đúng hơn ông mô tả cách thức các tài phiệt áp dụng và lạm dụng những nghiên cứu của Darwin. Trong thời hoàng kim kinh tế (nửa sau thế kỷ 19) tại Mỹ sự cạnh tranh diễn ra trong cảnh rừng rú và khoảng cách giàu nghèo mở rộng ghê gớm. Trong không khí sôi bỏng đó, những nhà tài phiệt dầu hoả và sắt thép, những tay khai phá và những kẻ chơi trội, những nhân vật thế lực của ngành xe lửa và ngân hàng đầu tư đã dùng thuyết Darwin để làm cớ ngăn chận những yêu cầu cải tổ xã hội và thị trường. Sinh Học thay thế Xã Hội Học. Khi coi nguyên lý đào thải tự nhiên là động lực thăng tiến xã hội, thì việc nhà nước nhúng tay vào thị trường bị họ coi là những biện pháp phá hoại sự thông minh thần thánh của tự nhiên. Kết quả của chúng sẽ là suy đồi, chứ không phải công bằng.

Nghiên cứu của Hofstadter hoàn tất năm 1944. Mười một năm sau, khi tái bản, ông gần như không sửa đổi gì cả. Tại sao? Vì ông xác tín rằng, chủ nghĩa Darwin về tiến hoá xã hội không phải là mô hình tinh thần đã lỗi thời; nó vẫn là một động năng luôn luôn chực chẵn để bùng lên bất cứ lúc nào nơi giòng ý thức của đất nước này. Hofstadter sợ rằng, về lâu về dài, việc “thần thanh hóa” sự “cạnh tranh trần trụi” sẽ tạo ra một xã hội với toàn những tay chiến đấu đơn độc. Những tay này chỉ còn thấy “con đường cứu độ” duy nhất nơi bãi chiến trường cuộc sống đầy khó nhọc, và rồi nhiều kẻ chiến thắng từ cuộc chiến đó sẽ tiến lên thượng tầng xã hội. Đồng thời, cái xã hội nguyên tử hoá (tản vụn) này sẽ đối xử vời tầng lớp thua trận bằng “sự vô cảm toàn diện” – the winner takes it all. Nhưng sự “đạo đức trần tục”, nghĩa là niềm tin vào sự phát triển tự nhiên của hệ thống kinh tế, hàm ẩn một khuyết điểm: Nó không trả lời được câu hỏi, đâu là ý nghĩa của mọi gian khổ trong cuộc đấu tranh đó, ngoại trừ chiến đấu chỉ để chiến đấu mà thôi.

Nhà xã luận và phê bình văn học nổi tiếng người Irland, Fintan O´Toole, cố gắng trả lời trên tờ New York Review of Books câu hỏi, tại sao Trump thất bại trong việc chống dịch bệnh chết người, và tại sao ông ấy khẳng định như đinh đóng cột, là vi khuẩn Covid-19 không thể xâm nhập cơ thể một con người quyền uy nhất thiên hạ như ông. O´Toole kham phá ra trong các sách và bài nói chuyện của Trump điều này: Trump bị ám ảnh một cách khó hiểu về sự tấn công của các loại vi khuẩn; ông rửa tay liên miên. Nhưng đồng thời ông lại tin rằng, vi trùng và vi khuẩn không thể làm hại ông, cũng như không thể làm hại được những vị nguyên thủ quyền thế khác, những người đã tôi luyện thân thể mình qua cuộc chiến đấu sắt thép cuộc đời. O´Toole giải thích: Trong cái nhìn của Trump, những thực thể vi sinh chỉ tấn công những người nào toả ra nhiệt lượng tiêu cực; còn những nhân vật lớn và khoẻ mạnh trái lại chẳng phải lo sợ gì; họ là những người được đặc ân miễn nhiễm, nhờ vào nhiệt lượng tích cực của họ; họ được miễn nhiễm một cách tự nhiên. Trước người mạnh, vi khuẩn trở nên yếu.

O´Toole muốn đi xa hơn: Trump đã bị lây nhiễm bởi con vi khuẩn chủ nghĩa tiến hoá xã hội. Cả ông cũng hiểu rằng, xã hội là diễn trường của một sự chọn lọc tự nhiên, trong đó người mạnh có cơ hội đi lên và người yếu tất phải đi xuống. O´Toole cho hay, ông Trump luôn miệng chửi những người “hận thù và thua cuộc”; cho rằng họ là những người “bị xâu xé bởi ganh tị”; ý nghĩa duy nhất của cuộc sống đối với những người này là tìm cách nhổ nước bọt vào tô xúp của những kẻ thành công, nghĩa là nhổ vào tô xúp của ông. Dưới con mắt của Trump, xem ra những haters and losers, những kẻ thất bại, yếu đuối, rụt rè một cách nào đó là loài thấp kém. Trong khi những kẻ big shots với linh tính bắn giết giỏi mới là loại người đáng giá. Hẳn là đám người ủng hộ ông đã tiếp nhận được tín hiệu tiến hoá đó. Một bà biểu tình ở Tennessee trưng lên khẩu hiệu: “Sacrifice the weak!” – “Hãy hi sinh những kẻ yếu đuối!”

Phía chống đối Trump đã sai lầm ở một điểm quyết định, khi họ cứ tố cáo ông bằng ngôn từ đạo đức: Trump đã gây chia rẽ dân tộc, thay vì tạo hoà giải cho Mỹ trong thời điểm quốc gia gặp nguy nan. Ông Tổng Thổng đâu có muốn điều đó. Với ông, mỗi một khủng hoảng là một cuộc thanh tẩy xã hội, và sau đó mọi người sẽ nhìn ra được rõ hơn. O´Toole trưng ra một câu nói đáng gía của Trump vào năm 2013. Lúc đó Trump khoan khoái tuyên bố, khủng hoảng kinh tế của Mỹ “sẽ tách những người thắng ra khỏi đám người thua”. Có lẽ ông cũng nhìn nạn dịch Corona như một thứ thanh tẩy tự nhiên: nạn dịch thế giới sẽ phân cỏ lùng ra khỏi lúa, những kẻ siêng năng ra khỏi đám người nhác, những người khôn ranh ra khỏi đàm người ngu và những người khoẻ khỏi đám người yếu. Vì thế, mỗi người có quyền lây truyền bệnh cho những người khác. Dĩ nhiên vi khuẩn chỉ tấn công được những kẻ không được tôi luyện qua cuộc sống cam go mà thôi, và đó là những người đáng phải bắn “You´re fired!”

Không ở đâu cơn dịch hoành hành vũ bão như ở Liên Bang Châu Mỹ. Lúc này nhiều bang đã đặt mua những xe lạnh để giữ xác. Nhưng Trump chỉ phản ứng lại cơn ác mộng quốc gia hoặc bằng im lặng hoặc bằng cách đổ lỗi (”Dr. Fauci!”). Chả có liều thuốc đau buồn hay cảm thông với người chết trong kho thuốc độc ngôn ngữ của ông. Và có lẽ ông cũng muốn dứt điểm số thân nhân còn lại của những nạn nhân đã chết như kiểu nói của người anh em tinh thần Jair Messias Bolsonaro ở Brasil của mình: “Tất cả chúng ta một lúc nào đó rồi cũng sẽ chết.”

Lối nói nhạt nhẽo đó lúc này hay được dùng tới; và nó giúp cho các chính trị gia tiết kiệm được việc phân biệt giữa cái chết tự nhiên phải chịu và cái chết có thể tránh được. Mà tại sao lại phải phân biệt? Nếu khắp nơi đều chịu một quy luật tự nhiên như nhau, và nữa: nếu toàn xã hội phải đi theo những tiến trình sinh học, thì mọi cái chết đều là tự nhiên, kể cả những cái chết hàng loạt do sự bất cập của chính quyền gây ra. Quả thực, Trump đã có sẵn một lời an ủi trễ nãi cho kẻ chết, đó là tin vui về sự sống của nền kinh tế nước Mỹ. Ít ngày sau khi anh George Floyd bị một cảnh sát đè cổ chết, Trump hân hoan nói về sự giảm bớt con số người thất nghiệp với câu sau: “Có lẽ giờ đây George đang từ trời nhìn xuống và nói, đây là một ngày tuyệt vời cho tất cả mọi người.”

Nếu quả thực phân tích của nhà chính trị học Mark Lilla đúng, thì Mỹ quốc, một đất nước đang bị xâu xé bởi “khủng bố nhân đức” và bởi một giai cấp “tài phiệt” mới, đang quay trở về lại thời cuối thế kỉ 19., nghĩa là trở về thời cao điểm của chủ nghĩa tư bản (Welt, 14.07.20), đúng như sự mô tả của Hofstadter trước đây. Ta có thể an tâm thêm vào kết quả nghiên cứu của Lilla: Trong cuộc đại khủng hoảng của Mỹ này người ta chết cho một chủ nghĩa tự do đặt nền trên thuyết tiến hoá xã hội; cùng đích của cái chết này chẳng là gì khác ngoài việc chiến đấu và cạnh tranh; chiến đấu và cạnh tranh hoàn toàn chỉ vì quyền lực trần truồng và chỉ để những nhà giàu khát của không ngơi gia tăng thêm của cải một cách vô liêm sỉ: một phần trăm trong họ đã chiếm giữ tới 40% tổng lượng tài sản quốc gia.

Mới đây có tin Donald Trump xuất hiện trong một bệnh việc quân đội với khẩu trang; ông bất ngờ thú nhận về cơn dịch. Và ông tự ví mình như một Lone Ranger, như một tay có nhiệm vụ canh chừng ở miền tây hoang dã vùng Texas. Ranger là người giữ trật tự, khi có sự xung đột vì tự do giữa hai tay súng. Và trong trường hợp này, câu hỏi quyết định luôn luôn là: Ai trong ba người sẽ nổ súng trước?

(*) Tiến sĩ Thomas Assheuer là bỉnh bút phụ trang văn hoá của tuần báo Đức Die Zeit.

Nguyên tác: Thomas Assheuer: "Donald Trump: Erweiterte Kampfzone", Die Zeit số 31, ngày 23/07/2020