BCT20170811_NguoiCongSanTrongSoLienbang

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh:

Người cộng sản trong Sở Liên bang

Marina Mai (taz)

Bản dịch của Tâm Việt (Diễn Đàn Việt Nam 21)

Một người Việt sống ở Ðức "tư vấn" chính trị cho chế độ cộng sản. Ông này làm việc trong Sở Di trú và Tị nạn Liên bang

11/08/2017 (DĐVN21) - Bây giờ thì Viện Công tố Liên bang tham gia vào vụ Trịnh Xuân Thanh: chiều hôm thứ năm cơ quan này thông báo nhận lãnh cuộc điều tra vụ bắt cóc cựu chính trị gia Việt Nam và một phụ nữ đi cùng với ông.

18 ngày trước “trên đường phố” Bá Linh, hai người đã bị lôi vào một xe chở hàng, xong đưa vào Ðại sứ quán Việt Nam, rồi sau đó bị áp tải về Việt Nam, theo như thông cáo của Viện Công tố Liên bang. Vụ việc cần phải điều tra vì lý do có dấu hiệu hoạt động tình báo và tước đoạt tự do.

Trong khi đó Bộ Ngoại giao kiểm định những biện pháp kế tiếp. Một nhân viên tình báo của Toà đại sứ Việt Nam đã bị trục xuất trong tuần vừa qua. Cho đến nay Hà Nội vẫn không có hành dộng gì để làm sáng tỏ việc ông Thanh biến mất, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao nói.

Việt Nam giữ thái độ ngồi lỳ trong vụ khủng hoảng song phương – và mô tả Thanh như một kẻ hối lỗi, tự ý quay về. Nước này cáo buộc ông ta, người từng là một nhà doanh nghiệp, về tội tham nhũng và làm thất thoát hằng trăm triệu Mỹ kim.

Lời khuyên cứ ngồi lỳ cho qua chuyện

Trên các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam giờ đây có một người - sống ở Jena và từng làm việc 26 năm cho Bộ Nội vụ - nhân viên của Sở Di trú và Tị nạn Liên bang (BAMF) - lên tiếng: Nơi đó H. Ngọc T. làm công việc cứu xét các hồ sơ xin Tị nạn. Ông chẳng dấu diếm công việc của ông: trên Facebook ông cho mọi người xem thư cám ơn và chúc mừng của Sở Di trú Liên bang.

Sở Di trú và Tị nạn Liên bang, chủ của H. Ngọc T. (ảnh ZDF)

Tuần vừa qua, về việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, H. Ngọc T. viết: “bang giao Việt-Ðức sẽ không bị thiệt hại gì qua vụ này”. Ông ta khuyên nhà cầm quyền Việt Nam cứ ngồi lỳ cho qua chuyện. Trên trang Facebook, ông H. Ngọc T. so sánh thái độ ngoại giao cứng rắn của Chính phủ Liên bang (Đức) với Chiến tranh Việt Nam : “Ðừng sợ gì cả! Trước đây Pháp và Hoa Kỳ còn không đánh qụy được Việt Nam bằng bạo lực. Nay Ðức quốc và người Ðức cũng sẽ không đe dọa gì mình được.”

Việt Nam cám ơn T. “vì đã có nhiều công trạng đặc biệt trong công tác tuyên truyền nước ngoài”.

Viên giám đốc Ðài phát thanh nhà nước “Tiếng nói Việt Nam” lại chia sẻ bài báo đó trên Facebook của ông ta - qua đó ông đã tiếp tay cho các nhân viên viết bài tường thuật.

  

Sự trung thành với chế độ Việt Nam đã không bị phát hiện

Sau khi biết được những phát biểu của ông này do sự tìm tòi của taz, Sở Di trú Liên bang BAMF đã cho ông ta ngưng việc cho đến khi có quyết định mới.

Cho đến nay không ai để ý thái độ trung thành với chế độ Việt Nam của ông T. Khoảng 65 tuổi, ông ta từng chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam và năm 1976 sang học luật ở Ðông Ðức, trên Internet ông ta tự khoe ảnh chụp trong bộ quân phục. Nhiều lần Ðảng CS Việt Nam đã tuyên dương ông vì những bài báo đăng trên tờ Nhân Dân – có lẽ là tờ báo bảo thủ nhất Việt Nam. “Vì những công trạng đặc biệt về công tác tuyên truyền nước ngoài” được ghi trong bằng khen thưởng.

Trong các bài viết T. từng hô hào nhà nước đừng nương tay với “các tên phản  bội”. Ông ta ám chỉ những nhà hoạt động khác chính kiến. Năm 2016, trong một bài viết đăng trên báo đảng, ông còn phê bình một dân biểu quốc hội Ðức. Dân biểu Quốc hội Liên bang Martin Patzelt thuộc đảng CDU đã quan sát một phiên xử nhà hoạt động đối lập ở Hà Nội. Khi đó Ngọc T. viết, người Ðức này đã can thiệp ngang ngược vào vấn đề nội bộ của Việt Nam.

Ngay sau giao thừa Ngọc T. phổ biến một bài mừng năm mới. Trong đó ông cho biết sẽ về hưu năm 2019, sẽ “viết và kể lại tất cả những gì mà đến nay tôi phải giữ kín”. Trong khi đó nhân viên của Sở Di trú Liên bang thật ra bị ràng buộc bởi “nhiệm vụ phải trung thành và cấm thiên vị” trong công việc.

Một nhân viên "rất có vấn đề”

Những câu hỏi được đặt ra là: Nhân viên của một Cơ quan Liên bang được phép hành động chính trị đến đâu? Người đó có được phép viết bài tư vấn cho các nước khác đang có tranh chấp với Cộng hoà Liên bang Ðức? Và: Ngọc T. đã có truy cập hồ sơ tị nạn của (Trịnh Xuân) Thanh bị bắt cóc hay không? 

Đã từ lâu Hội đồng Người tị nạn Thüringen biết ông H. Ngọc T. là một viên chức “rất có vấn đề”. Theo Cơ quan Liên bang cho biết, hiện nay các hồ sơ tị nạn của công dân Việt Nam không được cứu xét ở Thüringen nơi ông T. làm việc. Tuy nhiên cũng như mọi viên chức khác, ông có thể xem các hồ sơ nhạy cảm. Sở Di trú Liên bang cho biết, dựa theo sự hiểu biết hiện nay không thấy có sự liên quan trực tiếp giữa người cộng sự này và vụ việc bắt cóc.

Nhà tranh đấu nhân quyền Vũ Quốc Dụng của Tổ chức VETO! lo ngại rằng, những văn kiện mà ông Trịnh Xuân Thanh đã trưng ra cho đơn xin tị nạn của ông, bây giờ có thể bị Hà Nội đem ra chống lại ông trong vụ án hình sự. Bởi vì trong các bài báo H. Ngọc T. đã dùng những gì ông biết được qua việc làm trong Sở Di trú Liên bang.

taz muốn hỏi về ý kiến của ông nhưng đã không thể liên lạc được với H. Ngọc T.

 

Tâm Việt dịch

* Nguồn tiếng Đức: Entführung von Trinh Xuan Thanh - Der Kommunist im Bundesamt, Marina Mai, taz 10.08.2017