BCT20170809_NguyCoNguoiLanhTrongBangGiaoDucViet

Nguy cơ nguội lạnh trong Bang giao Ðức-Việt

Stefan Lange (Finanztreff)

Bản dịch: Tâm Việt (Diễn Đàn Việt Nam 21)

09/08/2017 (DĐVN21) - Mối bang giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Ðức vào những năm vừa qua có nguy cơ đổ vỡ sau vụ một công dân Việt Nam bị bắt cóc ở Berlin. Hôm thứ tư, Phủ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao đã bầy tỏ sự bất bình của Ðức vì Hà Nội vẫn chưa hồi âm các câu hỏi của Berlin về vụ việc này. Theo nguồn tin của Chính phủ Liên bang, mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một công dân Việt Nam đang xin tị nạn và áp tải người này về Việt Nam.  

Phó phát ngôn viên chính phủ Ulrike Demmer tuyên bố rằng hành động bắt cóc là một vi phạm nghiêm trọng luật pháp Ðức và công pháp quốc tế. Vì thế Chính phủ Liên bang đã phản ứng và đòi hỏi người đại diện mật vụ của tòa đại sứ Việt Nam phải rời khỏi nước Ðức. Nước Ðức giữ quyền đưa ra những biện pháp khác nữa.

Phó phát ngôn viên chính phủ liên bang Ulrike Demmer (ảnh: Bundesregierung)

Bà Demmer còn cho biết Chính phủ Liên bang đã nhiều lần nói chuyện với chính phủ Việt Nam. Bà nói thêm, "một vụ việc như vậy mà xảy ra ở Hà Nội chắc chắn chính phủ Việt Nam cũng sẽ cho là không thể nào chấp nhận được”.

Chính phủ kiểm định mọi phương cách

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Martin Schäfer tuyên bố, đến nay Chính phủ Liên bang vẫn chưa nhận được trả lời của Việt Nam về đòi hỏi phải giao trả công dân này trở lại Ðức. Ông Schäfer nói, “phía Ðức rất lấy làm tiếc”. Bởi lẽ, thỏa mãn điều này "có thể là một cách để cứu chữa hành động đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Ðức và Công pháp quốc tế, cho dù không làm quên được chuyện đã xảy ra”.

Ông Schäfer nói đáng tiếc là đòi hỏi đã không được thực hiện, đó cũng là lý do để Chính phủ Liên bang “kiểm định lại thật kỹ một lần nữa, còn cần phải làm gì để phía Việt Nam hiểu rõ phía Ðức coi sự việc này vô cùng nghiêm trọng”. Nước Ðức sẽ “không thể nào chấp nhận” sự xâm phạm luật pháp như thế này, một vụ cướp người, một vụ bắt cóc do cơ quan mật vụ của một nước ngoài, ngay trên lãnh thổ nước Ðức. Chính phủ Ðức coi việc này như chưa được giải quyết một chút nào.

Ông Schäfer nhấn mạnh rằng bang giao Ðức và Việt Nam đang phát triển tốt. “Mối giao thương và đầu tư đã tăng vọt thấy rõ trong mấy năm vừa qua”, người phát ngôn dẫn một thí dụ.

Giao thương mở rộng

Ðức vẫn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Âu châu trong năm qua. Theo đó, khối lượng giao thương đã lên đến 10,3 tỷ Mỹ kim trong năm 2016. Khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 33%, lên đến 8 tỷ Mỹ kim, số hàng xuất cảng của Ðức sang Việt Nam lên đến 2,3 tỷ Mỹ kim và như vậy tăng thêm 15%. Hiệp ước Mậu dịch Tự do giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam ký kết năm 2015 hiện đang trong tiến trình phê chuẩn sẽ mang lại nhiều động lực mới cho các doanh nghiệp Ðức và Việt Nam. Khối lượng thương mại Ðức-Việt được nhắm đến là 20 tỷ Mỹ kim trong năm 2020.

Biện pháp nào có thể khiến Việt Nam hành xử hợp lý thì bà Demmer và ông Schäfer vẫn để mở ngõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói “tất cả mọi biện pháp sẽ được kiểm định”.

* Bản gốc tiếng Đức: Stefan Lange, Beziehungen zwischen Deutschland und Vietnam droht Eiszeit, Finanztreff 09.08.2017