VX20160416-ChuQuocNgu

 

Hội thảo văn hóa

Sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ

19/04/2016 Nguyễn Phong (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Trong chương trình sinh hoạt văn hóa, Cộng Đồng Việt Nam Stuttgart (Vietnam Community Stuttgart - VCS) đã tổ chức một buổi hội thảo tại Trung tâm Giáo xứ Công giáo Stuttgart-Plieningen vào ngày 16.04.2016 với đề tài „Sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ Từ Alexandre de Rhodes đến Trương Vĩnh Ký“ do diễn giả Kỹ sư Lương Nguyên Hiền trình bầy.

Mở đầu bài thuyết trình, diễn giả lược qua quá trình lịch sử các loại chữ cổ có trước chữ Quốc ngữ: Chữ Khoa Đẩu, Chữ Hán, Chữ Nôm.

Chữ Khoa đẩu hay còn gọi là chữ nòng nọc. “Chữ nòng nọc” là một khái niệm gốc Tàu, được Tàu gọi là “khoa đẩu tự” [蝌蚪字], “khoa đẩu văn” [蝌蚪文], “khoa đẩu thư” [蝌蚪書] hay “khoa đẩu triện”

 

Chữ Khoa đẩu là chữ Việt cổ xuất hiện trong nền văn hóa tiền Việt-Mường (khoảng trên 2000 năm) -Đây là loại chữ tượng thanh, ghép nhiều chữ lại thành từ. - Trong một bản Ngọc phả từ thời vua Trần Thái Tông nhắc đến tích là thời vua Nghiêu (2000 năm trước Công Nguyên) nước Việt Thường (vùng Nghệ An – Hà Tĩnh) tặng con rùa ngàn năm trên lưng có khắc chữ Khoa đẩu: "Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần qui, bối hữu Khoa đẩu”, (nghĩa là thời vua Nghiêu, nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu).

Chữ Hán du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ 1 TCN, ngay sau khi Trung Quốc chiếm xong Việt Nam. Chữ Hán còn gọi chữ Nho hay chữ Trung Hoa là chữ tượng hình biểu ý. Thí dụ chữ 日( Nhật : mặt trời). chữ 上 (thượng : trên), chữ 下 (hạ : dưới). Trong suốt một nghìn năm, từ thế kỷ 1 TCN tới năm 938, tiếng Việt bị ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ Hán (chính sách Hán hóa) - Người Việt tiếp thu tiếng Hán và chữ Hán song song đó vẫn sử dụng tiếng Việt, tiếng nói truyền miệng.

Chữ Nôm hay chữ Quốc Âm là chữ vừa biểu âm vừa biểu ý được cấu tạo trên cơ sở chữ Hán nhưng lấy âm Hán Việt để ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm là loại ký âm phù hiệu, hoặc dùng một chữ Hán hay dùng cách ghép hai hay ba chữ Hán để ghi âm thanh tiếng Việt. - Vài thí dụ về cách cấu tạo chữ Nôm: Ghép hai chữ Hán với nhau: mắt = mục 目 (biểu ý) + mạt 末 (biểu âm), năm (con số) = ngũ (五 biểu ý) + nam (南 biểu âm) cả hai đều biểu ý như trời= thiên 天 + thượng 上.

Muốn đọc chữ Nôm thì điều kiện cơ bản là phải biết chữ Hán và nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ Nôm. Chữ Nôm là chữ dân tộcđược dùng trong gần mười thế kỷ. Cuối thời Pháp thuộc chữ Nôm trở thành một thứ cổ tự không được dùng trong đời sống hàng ngày nữa.

Diễn giả Lương Nguyên Hiền đã dẫn chứng hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm để cử tọa phân biệt chữ Hán và chữ Nôm: -Hai câu trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, viết bằng chữ Hán:

 陌 上 桑 陌 上 桑 (Mạch thượng tang, mạch thượng tang) 妾 意 君 心 誰 短 長 (Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường) và viết bằng chữ Nôm do bà Đoàn Thị Điểm diễn dịch qua thể thơ song thất lục bát: 岸橷撑屹೥牟 (Ngàn dâu xanh ngắt một màu) ⡽払意妾埃愁欣埃 (Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?).

Chữ Quốc ngữ (dùng mẫu tự Latin) có từ hơn 300 năm trước, khi một số giáo sĩ phương Tây đến Chưtruyền đạo tại Việt Nam, họ tạo ra chữ Quốc ngữ. Ban đầu họ sáng tạo ra chữ Việt để dùng trong các giáo đoàn. Nhưng khi người Việt nắm bắt được lối viết này đã hiểu ngay đó là một phương tiện tuyệt vời cho thông tin, giáo dục, và đã tiếp nhận ngay làm chữ của quốc gia. Theo diễn giả Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Nói đúng hơn, ông có công lớn trong việc hệ thống hóa ký âm tiếng Việt bằng chữ Latin và đã phổ biến chữ Quốc ngữ qua việc in cuốn tự điển Việt-Bồ-La in vào năm 1651 tại Roma. Các giáo sĩ dòng Tên gốc Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa.... là những người đi tiên phong trong công việc khai sáng ra chữ Quốc ngữ. Với chữ quốc ngữ nền văn hóa Việt Nam đã có những bước chuyển mang tính lịch sử. Chữ quốc ngữ dần được phổ cập và nhanh chóng đi vào mọi hoạt động của đời sống, văn hóa người Việt. Những nhà văn quốc ngữ tiên phong Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là những người đã dùng chữ quốc ngữ để phổ biến văn chương, học thuật trước tiên mà cũng là những người hô hào truyền bá chữ quốc ngữ đến đại chúng vào thời kỳ sơ khai.

Trong phần kết luận, diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ Quốc Âm và Quốc Ngữ trong lịch sử giữ nước. Gần 1000 năm bị đô hộ mà người Việt vẫn giữ được bản sắc của mình không để bị đồng hóa, trong khi đó các dân tộc khác thuộc nhóm Bách Việt đều bị Hán hóa hay bị tiêu diệt là nhờ có tiếng nói và chữ viết riêng. Theo diễn giả không giữ được tiếng nói thì mất nước và muốn gìn giữ tiếng nói thì phải có chữ viết để lưu giữ lại tiếng nói. Chữ Quốc ngữ không dừng ở chỗ văn tự cho một dân tộc, nó còn là cái gốc của dân tộc, như Trần Quý Cáp đã viết „Chữ quốc ngữ là hồn trong nước“.

Bài thuyết trình đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi. Đặc biệt cử tọa và diễn giả trao đổi rất nhiều ý kiến thích thú về cách cấu tạo và cách đọc chữ Nôm.