BVX202104018-FriedrichHoelderlin-NuaDoiThuongDau

Friedrich Hölderlin - Nửa đời thương đau

Kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà thơ Đức Friedrich Hölderlin (1770–1843)

Lương Nguyên Hiền

Friedrich Hölderlin (ảnh ARD)

18/04/2021 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Một buổi chiều chủ nhật giá lạnh vào tháng 11, thay vì nằm nhà nhìn tuyết rơi qua khung cửa sổ, chúng tôi khoác áo rủ nhau đi dạo trong công viên Bad Homburg. Đây là một công viên rộng lớn, rất đẹp với nhiều cây xanh bóng mát và đặc biệt có hai ngôi chùa nhỏ Thái Lan (Sala-Thai). Một ngôi chùa do vua Thái Lan Chulalongkorn (Rama V.) xây tặng năm 1907, khi nhà vua tới đây chữa bệnh. Ngôi chùa thứ hai, được vua Bhumibol (Rama IX.) và hoàng hậu Sirikit cho xây năm 2007, để kỷ niệm 100 năm ông nội mình, vua Chulalongkorn, đã đặt chân tới thành phố này. Mỗi năm vào mùa hè, người Thái ở Đức nô nức kéo nhau về đây để tổ chức lễ hội Thai Festival vui chơi hơn một tuần lễ. Thành phố Bad Homburg cách không xa Frankfurt am Main là mấy, khoảng nửa giờ lái xe. Nếu Frankfurt là trung tâm về tài chính của Đức và cả của châu Âu với Ngân hàng Trung ương Liên bang Đức (Deutsche Bundesbank), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cộng thêm 199 ngân hàng lớn nhỏ khác nhau (thống kê 2016), thì Bad Homburg chỉ là thành phố nhỏ bé vuông vức nằm bên cạnh với 54 ngàn dân. Tuy nhỏ nhưng Bad Homburg rất thơ mộng, có nét đẹp sang trọng, cổ kính và đặc biệt mang lại cảm giác yên bình khi tới đây, nên dân nhà giàu Đức thích về thành phố này ở. Theo thống kê có trên 36 người lãnh lương trên 1 triệu Euro và hơn 100 người lãnh trên nửa  triệu Euro một năm sống ở Bad Homburg [1]. Tôi đã tới thành phố này nhiều lần, nhưng lần này tôi tới đây không phải chỉ để đi dạo mà còn để kiếm Friedrich Hölderlin, nói đúng hơn là đi tìm tượng đài của ông, thi sĩ người Đức sống vào thế kỷ thứ 18. Hölderlin đã từng ở Bad Homburg và đã để lại đây những bài thơ tình bất hủ viết cho người yêu, nàng Susette Gontard. Công việc tìm kiếm khó khăn hơn tôi tưởng vì công viên Bad Homburg khá lớn và có rất nhiều tượng như tượng nữ hoàng Victoria, tượng hoàng đế Friedrich III,… Rồi cuối cùng tôi cũng kiếm ra được tượng của ông dựng ở gần một hồ nước. Mặc dù ông chỉ ở Bad Homburg tổng cộng 4 năm trời, từ năm 1798 đến năm 1800 và từ năm 1804 đến năm 1806, nhưng thành phố đã ưu ái dành cho ông rất nhiều vinh dự, xây tượng Hölderlin ở công viên năm 1883, một con đường (Hölderlinweg) và một trường tiểu học (Hölderlin-Schule) được mang tên ông. Đặc biệt có một con đường đất khởi đi từ Bad Homburg chạy vòng qua Kalbach rồi cuối cùng dẫn đến Frankfurt, trên con đường mòn đó Hölderlin đã đi bộ không biết bao nhiêu lần để được tới gặp Susette, người yêu của mình. Con đường tình sử dài hơn 22 km đi qua những cánh đồng thơm mùi lúa mạch được mang tên đường mòn Hölderlin (Hölderlinpfad). Như thế vẫn chưa đủ, thành phố vinh danh ông thêm lần nữa, từ năm 1983 mỗi năm vào ngày ông mất, Bad Homburg trao một giải thưởng về văn chương mang tên là giải Friedrich Hölderlin (Friedrich-Hölderlin-Preis). Rồi gần đây, năm 2020, Bad Homburg đã lên chương trình quy mô trọng thể để kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông. Thật đáng tiếc, vì đại dịch Covid-19 nên một số lớn chương trình sau đó phải bị hủy bỏ.

Tượng đài Hölderlin ở Bad Homburg (ảnh Tác giả)

Hölderlin sinh vào 20 tháng 3 năm 1770 tại Lauffen. Tên của ông là Johann Christian Friedrich Hölderlin nhưng người ta vẫn thường quen gọi ông là Friedrich Hölderlin. Hồi trẻ ông học về thần học vì người mẹ muốn ông thành mục sư. Nhưng ông nhất định đi theo con đường thi ca của mình. Ông đã trở thành một nhà thơ lớn, một người đi tiên phong trong phong trào lãng mạng ở thế kỷ thứ 18 và cũng là một tư tưởng gia của Đức. Thơ của Holderlin giản dị, cô đọng, súc tích và thêm sự pha trộn giữa lãng mạn và cổ điển, nhất là cổ điển Hy Lạp, nên rất đặc biệt.

Ông được xếp vào một trong những nhà thơ trữ tình xuất sắc nhất ở Đức. Một số nhà văn, triết gia lớn của Đức như Wolfgang Goethe, Friedrich Schiller, Friedrich Hegel und Friedrich Schelling là những người đồng thời với Hölderlin. Trong đó Hegel và Schiller là bạn học thời học ở đại học Tübingen. Thủa sinh thời thơ ông in ra không ai đọc vì họ cho rằng ông đi theo vết chân của Schiller. Chính vì thế thơ Hölderlin bị chìm trong quên lãng cho đến đầu thế kỷ 20, một số văn nghệ sĩ tìm thấy trong thi ca ông có nhiều điều mới lạ và độc đáo. Họ đi lục lại thơ văn của ông và in thành sách. Ông trở nên nổi tiếng sau hơn 100 năm tính từ ngày ông mất. Martin Heidegger (1889-1976), triết gia nổi tiếng của Đức, đã cho ra cuốn sách Erläuterungen zu Hölderlin Dichtung“ (Giải thích thơ ca của Hölderlin) để viết về triết lý trong thơ của Hölderlin.

Triết gia Phạm Công Thiện (1941-2011) có viết về Hölderlin trong “Nguyễn Du và chúng ta” là “Nguyễn Du, Hoelderlin và Walt Whitman là ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất”. Tôi không biết triết gia họ Phạm có cường điệu quá không? Vì ông hay có thói quen khen ai, khen không tiếc lời [2]. Nhưng ít nhất đối với Hölderlin, Phạm Công Thiện đã bỏ công lao để dịch bài thơ “Từ cõi xa xôi“ (Wenn aus der Ferne). Thơ của Hölderlin thường ngắn gọn, cô đọng nhưng sâu thẳm và đầy cảm xúc nên tương đối khó dịch.

Dưới đây xin trích sáu câu thơ cuối trong bài thơ “Từ cõi xa xôi“ do Phạm Công Thiện dịch. Hölderlin viết bài này vào năm 1806, thời gian có triệu chứng bệnh tâm thần bắt đầu phát hiện.

Trong bài thơ, ông đã mượn lời của nhân vật nữ là Diotima, ẩn danh của Susette Gontard, để nói lên tình yêu và nỗi đau đớn, cô đơn của chính mình và người đàn ông trong thơ không ai khác hơn là Hölderlin. 

Em với anh làm một. Ôi! Chao ôi!

Những ngày thơ mộng đã đi qua rồi.

Rồi sau đó là hoàng hôn đen tối.

Anh quá cô đơn cõi đời diễm ảo,

Anh thường ứng nói thế, anh yêu dấu!

Mà có điều chi anh không biết, dẫu...

(“Từ cõi xa xôi“, Phạm Công Thiện dịch [3])

Nửa đời thương đau

Cuốn phim „Nửa cuộc đời“ (Hälfte des Lebens) (ảnh Defa-Stiftung)

Tôi may mắn được coi cuốn phim „Nửa cuộc đời“ (Hälfte des Lebens). Đây là một cuốn phim của Đức do đạo diễn Herrmann Zschoche quay vào năm 1984, nói về cuộc tình dang dở của Hölderlin với nàng Susette Gontard đầy thơ mộng nhưng cũng đầy bi thương. „Nửa cuộc đời“ lấy tên từ bài thơ nổi tiếng của Hölderlin viết năm 1804, mà ông đã dựa theo một huyền thoại của Hy Lạp. Vì loài người chống lại thượng đế, nên con người bị phạt và bị chia làm hai phần. Và từ đó loài người đi lang thang  để tìm nửa phần còn lại của mình. Nhưng ở đây cũng ngầm nói lên cuộc đời của Hölderlin là hai mảnh đời tương phản lẫn nhau được ghép lại. Mảnh đời đầu tiên là 36 năm an bình, hạnh phúc yêu thương được thể hiện qua 7 câu thơ đầu với mùa xuân đầy màu sắc của những trái lê vàng chín mọng, những bông hồng dại đỏ rực, với thiên nhiên đầy thơ mộng của đàn thiên nga chạm môi trên làn nước của mặt hồ phản chiếu, như bóng với hình đang hôn môi nhau. Mảnh đời thứ hai là 36 năm cuối đời đen tối, bi quan sau khi Susette mất, ông đóng kín cửa phòng, sống cô đơn với bịnh tâm thần trong một căn gác ở Tübingen cho đến khi mất. Ở 7 câu thơ cuối, Hölderlin đã dùng những hình ảnh ảm đạm của mùa đông như bóng tối, u ám  của đất trời không một đóa hoa tươi, bức tường đứng chết lặng và dùng những âm thanh là tiếng lách cách của lá cờ vang vọng lại, tiếng rít của từng cơn gió thổi về để thể hiện sự cô đơn, trống trải, lạnh lẽo của những năm tháng còn lại. Sự kết hợp giữa màu sắc (trái lê vàng mọng nước, đóa hoa hồng dại đỏ rực,..), âm thanh (tiếng lách cách lá cờ vọng lại) và hình ảnh đoàn thiên nga chúi đầu xuống hồ tỉnh lặng làm bài thơ trở lên linh động, tạo nên nhiều cảm súc. Ngôn từ trong thơ Hölderlin cũng rất mới lạ. Như chữ "heilignüchtern" (tỉnh lặng thiêng) có nghĩa là „sự tỉnh táo thánh thiện“  (Google Translate) được ghép lại từ chữ „heilig“ (thánh thiện, linh thiêng) tượng trưng cho cảm tính và chữ „nüchtern“  (tỉnh táo) cho lý tính. Cảm tính và lý tính là hai thứ đối nghịch nhau được đứng chung trong một cụm từ thật là đặc biệt [4], cho ta thấy cái tài vận dụng ngôn ngữ của Hölderlin. Bài thơ „Nửa cuộc đời“ đượm nét thi ca của Nhật, thể thơ Haiku (hải cú), ngắn gọn, cô đọng súc tích từng con chữ nhưng chứa đầy cảm xúc, đòi hỏi sự tưởng tượng tối đa của người đọc. Vào đầu thế kỷ 19, đây là một hình thức rất mới lạ trong thi ca của Đức. 

Nửa cuộc đời  

Những trái lê vàng lơ lửng  

Những đóa hoa hồng dại  

Soi bóng trên hồ xanh

Những thiên nga kiều diễm

Môi chạm từng nụ hôn  

Chúi đầu say đắm đuối

Mặt hồ tỉnh lặng thiêng.

Ôi, xót xa,  

Khi mùa đông tới

nơi nào cho tôi đóa hoa tươi

Và nơi nào ánh sáng từ trời

Và bóng tối của đất

Bức tường đứng lặng câm  

Lạnh lẽo cơn gió thổi

Chỉ nghe lá cờ khua vọng lại

(Dịch: Lương Nguyên Hiền)

Hälfte des Lebens  

Mit gelben Birnen hänget

Und voll mit wilden Rosen

Das Land in den See,

Ihr holden Schwäne,

Und trunken von Küssen

Tunkt ihr das Haupt

Ins heilignüchterne Wasser.

Weh mir, wo nehm ich, wenn

Es Winter ist, die Blumen, und wo

Den Sonnenschein,

Und Schatten der Erde?

Die Mauern stehn

Sprachlos und kalt, im Winde

Klirren die Fahnen.

Friedrich Hölderlin

Tượng Susette Gontard để ở bảo tàng viện

 Liebieghaus Frankfurt (ảnh Liebieghaus Frankfurt)

Cuốn phim „ Nửa cuộc đời“ tập trung vào 10 năm, từ năm 1796 đến năm 1806, của Hölderlin sống mà phần đông ở Frankfurt và Bad Homburg. Sự đam mê theo đuổi nghiệp văn chương, đã đưa đẩy Hölderlin vào một cuộc sống khá chật vật. Nay làm gia sư ở nhà quý tộc này, mai làm gia sư cho nhà giàu nọ để mưu sinh. Năm 1796 Hölderlin được nhận làm gia sư để dạy bốn đứa con của gia đình Jakob Friedrich Gontard, chủ ngân hàng giàu có ở Frankfurt. Và nơi đây đã đưa đến một cuộc tình giữa chàng gia sư trẻ tuổi mê làm thơ Friedrich Hölderlin với nàng Susette Gontard đẹp đẽ, thích mộng mơ, nhiều cảm xúc và cũng là vợ của Jakob Friedrich Gontard. Đây là thời gian hạnh phúc nhất của Hölderlin, Susette đã là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca của ông và ông đã làm ra rất nhiều bài thơ để tặng người yêu, được ông đặt tên trong thơ là Diotima, ẩn danh của Susette. Năm 1799, ông viết xong được cuốn tiểu thuyết "Hyperion", tập thứ hai, mà ông đã bỏ dở mấy năm trước. "Hyperion" là một bi kịch, lãng mạng, sôi nổi, mang tính chất thần thoại Hy Lạp cổ xưa. Tình yêu của Hölderlin cũng được nàng Susette đáp lại, hai người yêu nhau đắm đuối nhưng thầm kín. Rồi thì cái gì đến sẽ đến, Gontard, người chồng của Susette, biết được cuộc tình vụng trộm đó và yêu cầu Hölderlin phải ra đi. Thất vọng và đau khổ, năm 1798 Hölderlin rời khỏi Frankfurt để tới Bad Homburg ở nhờ một người bạn học là Isaac von Sinclair.

Tuy thế, hai người vẫn thường xuyên lén lút gặp nhau trên con đường mòn chạy từ Bad Homburg đến Frankfurt, mà nay được đặt tên là đường mòn Hölderlin. Họ đã trao cho nhau những bức thơ tình đầy nước mắt. Năm 1800, Hölderlin rời bỏ Bad Homburg và đây cũng là lần cuối cùng ông được gặp người yêu Susette. Hölderlin đi qua Thụy Sĩ rồi tới Bordeaux để làm gia sư. Nhưng chẳng được bao lâu, khi nghe tin Susette bị bệnh, Hölderlin rời Bordeaux đi bộ một đoạn đường 400 km về lại Đức. Susette mất năm 1802, từ đó đưa đến sự sụp đổ tinh thần hoàn toàn của Hölderlin. Trở về lại Bad Homburg năm 1804, Hölderlin được người bạn Sinclair giúp cho một công việc làm ở thư viện. Nhưng bệnh càng ngày càng nặng, năm 1806 ông bị đưa từ Bad Homburg vào thẳng bệnh viện tâm thần ở Tübingen. Sau gần một năm trời chữa trị, Hölderlin ra khỏi bệnh viện và được gia đình người thợ mộc Ernst Zimmer cưu mang, một người rất mến mộ thơ văn của ông. Ông sống trong căn gác nhỏ trong một cái tháp ngó xuống dòng sông Neckar êm đềm thơ mộng. Mà nay người ta đặt tên cho cái tháp là tháp Hölderlin (Hölderlinturm). Trong suốt thời gian ở đây ông sống trong trạng thái gần như mất trí. Tuy nhiên những khi trở lại bình thường, ông vẫn tiếp tục viết văn và làm thơ. Wilhelm Waiblinger¸ một nhà thơ Đức, trong thời gian học ở Tübingen (1822-1824) thường xuyên tới thăm ông.

Waiblinger là người đầu tiên viết về tiểu sử Hölderlin năm 1827 “Cuộc đời, thi ca và sự điên loạn Friedrich Hölderlin” (Friedrich Hölderlins Leben, Dichtung und Wahnsinn). Trước đó một năm, năm 1826, Gustav Schwab, một nhà văn Đức, cũng là người đầu tiên đã bỏ công sưu tầm và cho phát hành những tác phẩm của Hölderlin. Ông mất ngày 7 tháng 6 năm 1843, tổng cộng sống 36 năm trời ở Tübingen, một mảnh đời cuối cùng đầy cô đơn, bệnh tật và bóng tối chấm dứt như trong đoạn cuối cùng của bài thơ „Nửa cuộc đời“.  

Lương Nguyên Hiền

(mùa đông 2020)

Tài liệu:

[1] Frankfurter neue Presse On Line, 9.10.2019: „Großverdiener im Hochtaunus – besonders beliebt ist eine hessische Stadt“

[2] „Đọc lại Phạm Công Thiện“, Nguyễn Hưng Quốc

[3] thivien.net: „Từ cõi xa xôi... Wenn aus der Ferne...“

[4] „Interpretation: Hälfte des Lebens - Friedrich Hölderlin”, Franziska Marschick