BCT20140704-VNY

 

So sánh quá trình thống nhất đất nước của Việt Nam và Đức

Vũ Ngọc Yên

Vào hậu bán thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến hai biến cố lịch sử: Ngày 30.04.1975 Quân đội Nhân dân Việt Nam (Bắc Việt) tiến vào Sài gòn, kết thúc cuộc chiến ủy nhiệm và mở đầu cho tiến trình thống nhất đất nước dưới một chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo. Ngày 09.11.1989 bức tường Bá Linh sụp đổ, kéo theo sự tan rã của chế độ cộng sản Đông Đức và khai thông cho sự thống nhất nước Đức trong hòa bình, tự do, dân chủ 

Hai quốc gia Việt – Đức cùng mang số phận lãnh thổ bị phân chia sau chiến tranh vì mâu thẫu quyền lợi của ngoại bang và sự khác biệt chính kiến về mô hình xây dựng xã hội giữa các thành phần dân tộc, nhưng cả hai quốc gia lại theo đuổi mục đích tái thống nhất đất nước bằng phương thức khác biệt.

Việt Nam: Thống nhất đất nước bằng bạo lực - chiến tranh

Thiết giáp cộng quân tiến vào dinh Độc Lập

Sau cuộc chiến chống Pháp (1945-1954) Việt Nam lẽ ra phải được độc lập, tự do, nhưng dưới sự dàn xếp của ngoại bang (Mỹ, Pháp, Trung Hoa và Liên xô) dân tộc đã phải chấp nhận chia đôi lãnh thổ tại hội nghị Geneve (Thụy Sĩ). 

Hiệp định Geneve (21.07.1954) quy định các bên tham chiến phải ngừng bắn, giải giáp vũ khí. Việt Nam chia ra thành hai khu vực tập kết tạm thời cho hai bên đối địch. Vĩ tuyến 17 được xem là ranh giới, và một khu phi quân sự tạm thời được lập dọc theo hai bờ sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị. Ngay sau ngày hiệp đinh được công bố có 892.876 thường dân di cư từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, trong khi 140.000 người khác từ miền Nam tập kết ra Bắc. 

Chính quyền Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa) từ chối hiệp thương tổng tuyển cử, dự trù thực hiện vào năm 1956, với lý do mà Thủ tướng Ngô Đình Diệm đưa ra là "nghi ngờ về việc có thể đảm bảo những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc". Tuy nhiên các chính quyền kế tiếp của VNCH luôn tuyên bố sẽ "không bỏ qua một cơ hội nào để thống nhất Việt Nam trong tự do và hòa bình".

Vì VNCH không thực hiện tuyển cử, Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Hồ chí Minh lấy cớ phát động chiến tranh dưới chiêu bài thống nhất đất nước bằng mọi giá.

Đối với các nhà lãnh đạo VNDCCH đây là cuộc chiến tranh nhằm thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất hoàn toàn cho đất nước, để cả nước tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu vẫn còn dang dở sau 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954). 

Tháng 8/1956, Lê Duẫn soạn "Đề cương cách mạng miền Nam" nhưng đến Hội nghị TƯ 15, năm 1959 mới được thông qua. Đề cương xác định rõ: "Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân

Về phía các nhà lãnh đạo của Mỹ và VNCH, thì xem cưộc chiến thống nhất do VNDCCH chủ trương là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Chính phủ Mỹ can thiệp vì muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á (Thuyết Domino) và bảo vệ nhân dân Nam Việt Nam được sống trong hòa bình và tự do..

Ngày 20 tháng 12 năm 1960 đảng Lao Động thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN).

Từ năm 1961 chiến tranh bùng nổ khốc liệt. Với chủ trương "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội" của đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của đảng công sản) quân đội VNDCCH dưới danh nghĩa quân giải phóng cách mạng đã liên tiếp mở các đợt tiến công quy mô kết hợp đấu tranh quân sự, khủng bố, phá hoại với đấu tranh tình báo chính trị. Từ chiến tranh du kích Tết Mậu Thân (1968) chuyển qua chiến tranh quy ước Mùa hè đỏ lửa (1972).

Vì áp lực của tình hình nội chính và dư luận quốc tế, các phe tham chiến đã đi đến nhận thức phải đàm phán hòa bình. Hội đàm được chọn tại Paris (Pháp) kéo dài từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973. 

Hiệp định Paris về Việt Nam là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Bắc việt), Cộng Hòa miền Nam Việt Nam (MTGPMN), Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Trên thực tế việc ký kết Hòa bình chỉ tạo cơ hội cho người Mỹ rút quân trong danh dự, cũng như cho quân đội Bắc Việt tái tăng cường vũ trang. Nên chưa đầy hai năm sau ngày thi hành hiệp định, Cơ quan tham mưu của đảng lao động và chính quyền Bắc Việt đã lên kế hoạch tiến chiếm miền nam. Ngày 18.121974 Quân đội Bắc Việt tấn công cao nguyên trung phần. Từ tháng 3.1975 Cộng quân với 16 sư đoàn tràn qua các đường phi quân sự liên tiếp đánh chiếm Ban Mê Thuật, Huế, Đà nẵng và tháng 4.1975 tiến quân bao vây Sài Gòn. Trước áp lực quân sự và chính trị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhường quyền cho Phó tổng thống Trần Văn Hương vào ngày 21.04.1975. Ngày 27.04.1975 Đại tướng Dương Văn Minh được lưỡng viện VNCH chấp thuận thay thế cụ Hương để có thể đối thoại hòa giải với chính quyền cộng sản. Nhưng cộng sản đã cự tuyệt đàm phán và cưối cùng Tổng thống Dương Văn Minh không còn chọn lựa nào khác đành phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30.04.1975 để cộng quân ngưng pháo kích tàn phá thủ đô Sài Gòn. 

Nhằm nhanh chóng thống nhất, thuận lợi cho việc xây dựng chế độ độc đảng xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc, ban lãnh đạo đảng lao động (cộng sản) tiến hành lộ trình chính trị qua các biện pháp:

- Giải tán guồng máy chính trị, hành chánh của VNCH, giải thể các đoàn thể, hiệp hội chính tri, kinh tế, văn hóa của xã hội dân sự miền nam.

- Bắt giam các thành phần lãnh đạo đảng phái chính trị, tôn giáo,văn hóa và xã hội miển nam 

- Lập các trung tâm học tập cải tạo để giam giữ hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức dân sự, văn nghệ sĩ của VNCH.

- Thực hiện đổi tiền liên tục.

- Di tản hàng triệu người dân thành thị về các vùng kinh tế mới.

- Cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

- Quốc hữu hoá và chuyển thành xí nghiệp quốc doanh đối với các xí nghiệp công quản và xí nghiệp tư nhân trước đây.

- Hợp tác hóa toàn bộ nông nghiệp.

- Đổi tên Sài gòn thành thành phố Hồ chí Minh

- Giải thể MTDTGPMNVN và chính phủ CHMN của mặt trận

- Đổi tên đảng lao động thành đảng Cộng sản Việt Nam, lập quốc hội mới và đặt quốc hiệu là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).

Toàn bộ chương trình kinh tế kế hoạch tập trung và chính trị độc đoán, độc quyền do Đảng áp dụng rập khuôn theo mô hình Trung cộng và Liên Xô đã đưa đất nước vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Nạn nghèo đói và khủng bố bắt bớ diễn ra khắp nơi lại làm cho người dân miền nam luôn sống trong lo sợ và tuyệt vọng. Đó là lý do cho gần 2 triệu ngưới phải vượt biên ra đi.

Trong suốt 20 năm nội chiến hay còn được quốc tế gọi là cuộc chiến ủy nhiệm, dân tộc đã phải trả giá quá cao cho cuộc chiến thống nhất của đảng cộng sản: 2 triệu quân nhân hai miền thiệt mạng trên chiến trường và 300.000 người mất tích, từ 4 đến 5 triệu thương dân tử vong vì bom đạn. Hơn một triệu góa phụ, trên 900.000 trẻ em mồ côi. Các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đồng rưộng và thiên nhiên bị nhiễm độc. Phí tổn vật chất cho cuộc chiến đầy tang thương này ước chừng 500 tỷ Dollar. Trong giai đoạn 1961-1973 Mỹ đã phải trực tiếp chiến đấu trên chiến trường VN và hy sinh trên 58.000 người.

Hòa bình chưa lâu, Đảng Cộng sản lại đưa đất nước vào hai cuộc chiến tranh mới với hai quốc gia cộng sản anh em Trung quốc (1979) và Cam Bốt (1979-1989). Sau này Tổng bí thư Lê Duẫn thú nhận cuộc chiến thống nhất đất nước nằm trong chiến lược bành trướng chủ nghĩa cộng sản khi tuyên bố „Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa …“

Đức : Thống nhất đất nước bằng thương thảo và ngoại giao

Dân chúng chào mừng sư xụp đổ bức tường Bá Linh

Sau khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt (5/1945), nước Đức bị chia thành bốn vùng chiếm đóng theo Hội nghị Yalta (4-11/02/1945) và Postdam (17/07 - 02/08/1945), do Tứ cường cựu Đồng Minh (Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp) kiểm soát và quản lý. Bá Linh (Berlin) cũng bị chia làm bốn khu vực tương tự như nước Đức. Cùng lúc đó cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Đông (Xã hội chủ nghĩa) và Tây (Tư bản chủ nghĩa) cũng đã bắt đầu trên nhiều phương diện khác nhau. Bá Linh trở thành trung tâm của cuộc chiến giữa hai khối.

Cộng Hòa Liên Bang Đức

23 tháng 5 năm 1949 Cộng Hòa Liên Bang Đức (CHLBĐ) được thành lập từ 3 khu vực chiếm đóng của Anh, Mỹ và Pháp,l ấy thảnh phố Bonn làm thủ đô

Cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức đầu tiên được tiến hành vào ngày 14 tháng 8 năm 1949. Konrad Adenauer của Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo Đức (CDU) được bầu làm Thủ tướng Liên bang Đức. Chính quyền Adenauer chú tâm phát triển nển kinh tế tự do gọi là kinh tế thị trường xã hội, đẩy mạnh việc hội nhập phương Tây qua việc gia nhập Minh Ước Bắc đại tây dương (NATO), đồng thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) sau này cũng như xây dựng lại quân đội liên bang. Đối với Đông Đức,Tây Đức khẳng định quyền đơn phương đại diện cho nước Đức và sẽ cấm vận kinh tế tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với các quốc gia công nhận nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức). Công cụ của đường lối đối ngoại này là học thuyết Hallstein. Mặc dù tỏ ra cứng rắn với chế độ cộng sản Đông Đức nhưng Adenauer cũng đã ký kết một hiệp định với Liên bang Xô viết vào năm 1955 để đưa tù binh chiến tranh Đức hồi hương. 

Adenauer từ chức vào ngày 15 tháng 10.1963. Những người kế nhiệm Ludwig Erhard, Kurt Georg Kiesinger tiếp tục đường lối chính trị trước đó của chính quyền Adenauer Trong tháng 10/1969 sau cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng Dân chủ Xã Hội Đức (SPD) và Đảng Dân chủ Tự Do Đức (FDP) thành lập chính quyền liên hiệp xã hội-tự do (SPD-FDP) dưới quyền của Thủ tướng Willy Brandt (SPD) và Ngoại trưởng Walter Scheel (FDP). Brandt công bố Ostpolitik (Chính sách hòa hoãn Đông) chính thức thay thế cho học thuyết Hallstein để khai thông cho một tiến trình giao hảo và nhìn nhận sự hiện hữu của chế độ cộng sản Đông Đức. Chính sách Ostpolitik mới xây dựng trên quan điểm chuyển hóa qua tiếp cận (Wandel durch Annäherung) chủ trương tiếp xúc và thương thảo với các nước cộng sản thuộc khối Đông Âu. Ostpolitik, được đưa ra nhằm cải thiện quan hệ với Đông Đức, Ba Lan và Liên bang Xô Viết. Đường lối này của Brandt đã gây ra nhiều tranh cãi tại Tây Đức, nhưng lại tạo nhiều thiện cảm cho vị thế của Tây Đức trên thế giới và giúp ông giành được giải Nobel hòa bình năm 1971. Willi Brandt từ chức (05/1974), nhượng quyền cho Helmut Schmidt sau vụ khám phá ra người tùy viên thân cận của ông, Günter Guillaume, là một điệp viên Đông Đức. Đến năm 1982, Helmut Kohl, chủ tịch đảng CDU trở thành Thủ tướng của chính quyền liên hiệp bảo thủ-tự do (CDU-FDP). Kohl tiếp tục chích sách hòa hoãn Đông–Tây của Brandt khi đón tiếp Chủ tịch nhà nước Đông Đức Erich Honecker lần đầu tiên viếng thăm Tây Đức vào năm 1987.

Cuộc cách mạng mùa thu 1989 tại Đông Đức đã diễn ra quá nhanh, tạo một bước ngoặt quan trọng khiến chính quyền Tây Đức phải đáp ứng ngay khát vọng tự do dân chủ và thống nhất đất nước của nhân dân Đông Đức. Khởi đầu khẩu hiệu „Chúng ta là nhân dân (Wir sind das Volk )“ trong các cuộc biểu tình của phong trào đối kháng chỉ nhằm khẳng định yêu cầu thay đổi chế độ và đòi lại quyền làm chủ quyết định tương lai chính trị của đất nước, sau chuyển thành khẩu hiệu  „Chúng ta là một quốc dân (Wir sind ein Volk)“, mang ý nghĩa mong muốn thống nhất đất nước. Nên khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, chính quyền Kohl lên ngay chương trình cấp cứu kinh tế, tài chính cho Đông Đức và xúc tiến việc sát nhập CHDCĐ vào CHLBĐ. Kohl đã tận dụng những biến chuyển chính trị mang tính lịch sử ở Đông Đức và ưu thế kinh tế tài chính của CHLBĐ để thuyết phục Tứ cường ký kết tại Mạc tư khoa ngày 12/09/1990 Thỏa ước 2 cộng 4 (Zwei plus Vier-Vertrag ) giữa Đông-Tây Đức và Anh, Pháp, Mỹ và Liên xô. Thỏa ước này chấp thuận sự thống nhất của Đức và trả lại chủ quyền cho một nước Đức toàn vẹn lãnh thổ. Kohl làm thủ tướng (1982-1998) lâu hơn những người tiền nhiệm và được coi là thủ tướng thống nhất.

Cộng Hòa Dân Chủ Đức 

Nước Cộng Hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) được ra đời từ khu vực chiếm đóng của Liên Xô vào ngày 7 tháng 10 năm 1949 và thủ đô là Đông Bá Linh.

Trong Quốc hội mới được thành lập, Wilhelm Pieck là Chủ tịch nước và Otto Grotewohl là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Walter Ulbricht với cương vị Tổng bí thư của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED) (từ năm 1950) và Chủ tịch nước (1960-1971) nắm giữ quyền lực quyết định trong nước Cộng Hòa Dân chủ Đức (CHDCĐ). 

Tháng 5 năm 1953 Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống Nhất Đức quyết định tăng chỉ tiêu lao động, việc đã gây ra nhiều chống đối và đã dẫn đến cuộc nổi dậy của quần chúng vào ngày 17 tháng 6. Sau này Tây Đức chọn ngày này làm ngày quốc khánh. 

Tháng 5 năm 1971 Walter Ulbricht từ chức vì lý do sức khỏe, Erich Honecker trở thành người kế nhiệm chức vụ Tổng bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức. Đến năm 1976 Honecker thay thế Willi Stoph (1973-1976) ở chức vụ Chủ tịch nước.

Hai nước Đông và Tây Đức gia nhập Liên Hiệp Quốc trong năm 1973. Tháng 5 năm 1974 cơ quan đại diện thường trực của hai quốc gia Đức được thành lập tại Bonn và Đông Bá Linh. Hai quốc gia Đông-Tây Đức ký kết Hiệp ước an ninh-hợp tác âu châu (KSZE) tại Helsinki vào ngày 1 tháng 8 năm 1975. 

Cuộc thay đổi chính trị từ năm 1985 ở Liên Xô khi Tổng bí thư cộng đảng Liên Xô Gorbatshow thực hiện chính sách cải tổ (Perestroika) và công khai hóa (Glasnost) đã dẫn đến chính sách mở cửa biên giới và cách mạng ôn hòa ở các nước Đông Âu, thêm vào đó tình trạng suy thoái kinh tế Đông Đức trong thập niên 80 và sự thất vọng không có cải cách chính trị đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống đối đảng và chính quyền trong suốt mùa thu 1989. Các nhóm chính trị đối lập như Diễn Đàn Mới (Neues Forum) Dân Chủ Ngay (Demokratie jetzt) xuất hiện công khai đòi giải thể hệ thống an ninh nhà nước (Staatssicherheit), triệu tập bàn tròn (Runder Tisch), bầu cử tự do, thay đổi thể chế và thương thảo thống nhất nước Đức. Trong thời gian này, hàng ngàn người Đông Đức đã chạy vào các tòa đại sứ Tây Đức ở các nước láng giềng như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc xin tị nạn chính trị. 

Cuộc phản kháng ôn hòa của nhân dân Đông Đức dưới hình thức các cuộc biểu tình được tổ chức hàng tuần vào ngày thứ Hai (Montagsdemonstationen) bùng nổ với lượng quần chúng tham dự mỗi lúc một đông và cuối cùng đã làm sụp đổ chính quyền nước Cộng Hòa Dân chủ Đức. Ngày 18.10.1989 Honecker từ chức, nhường quyền cho Egon Krenz. Chỉ ít ngày sau đó toàn bộ chính phủ Cộng Hòa Dân chủ Đức đều nối gót Honecker.

Bức tường Bá Linh, từng được Chính phủ Cộng Hòa Dân chủ Đức gọi là "Tường thành bảo vệ chống phát xít" và bị người dân Cộng Hoà Liên Bang Đức gọi là "Bức tường ô nhục" là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Bá Linh với phần phía đông của thành phố này và lãnh thổ của nước Cộng Hòa Dân chủ Đức. Tường dài 155 km bọc quanh Tây Bá Linh được dựng lên từ ngày 13 tháng 8 năm 1961, đã ngăn cách người dân thành phố gần 28 năm, 2 tháng, 28 ngày cho đến khi sụp đổ vào 9 tháng 11 năm 1989. Trong những năm từ 1949 đến 1961 đã có khoảng 3 triệu người dân rời bỏ Đông Đức để đi tìm tự do. Để ngăn chận là sóng dân tiếp tục bỏ nước ra đi, Cộng sản đã khóa ranh giới với Tây Bá Linh bằng cách xây Bức tường ô nhục. 

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 bức tường Bá Linh bị đập phá và các trạm kiểm soát dọc theo bức tường bỏ ngỏ, trong vòng buổi tối dân chúng Đông Bá Linh lũ lượt kéo nhau sang thăm chớp nhoáng Tây Bá Linh cho biết sự tình. Thời gian sau đó, người dân Đông Đức khi sang chơi Tây Đức được nhận một lần duy nhất 100 đồng D-Mark gọi là "Tiền chào mừng", thủ tục làm đơn nhận tiền rất đơn giản, với số tiền này họ kéo nhau mua radio, cát sét và một số thực phẩm vốn khan hiếm ở Đông Đức, đây cũng là dịp cho các cửa hiệu ở những thành phố gần biên giới Đông-Tây tha hồ bán hàng.

Đức thống nhất trong hòa bình và tự do

Nghị viện nhân dân (Quốc hội Đông Đức) lần đầu được tiến hành trong tự do và dân chủ vào ngày 18.03.1990. Đảng CDU chiếm được 163 ghế, đảng SPD 89 ghế, đảng xã hội chủ nghĩa dân chủ (PDS) hậu thân của đảng thống nhất xã hội chủ nghĩa (SED) nhận được 66 ghế. Lothar de Maiziere (CDU) được bầu làm tân thủ tướng Đông Đức (12/04/1990).

Để nhân dân Đông Đức sớm hội nhập vào cuộc sống tự do và sung túc của Tây Đức, chính quyền hai bên đã ký kết Hiệp ước liên hiệp tiền tệ, kinh tế và xã hội (Währungs-, Wirtschafts- und Sozialunion) vào ngày 18/05/1990. Theo đó, cơ cấu kinh tế hoạch định tập trung trước đây ở Đông Đức được thay thế bằng hệ thống kinh tế thị trường xã hội của Tây Đức, tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh, thực hiện đổi tiền theo tỉ lệ ưu đãi 1 đồng Mác Đông (Mark-DDR) bằng 1 Mác Tây (Deutsche Mark) cho tiền hưu, tiền lương, tỉ lệ 2 đồng đông bằng 1 đồng tây cho tiền tiết kiệm và tiền nợ, thay vì theo tỉ giá thị trường 1 D-Mark của Tây Đức bằng 5 đồng Mark Đông Đức. Trợ cấp tài chính cho lãnh vực an sinh xã hội (Hưu bổng, y tế, thất nghiệp ...).

Ngày 20/09/1990 Thỏa ước Thống nhất (Einigungsvertrag) được quốc hội hai bên thông qua. Thỏa ước quy định sát nhập Đông Đức vào Tây Đức, nước CHLB Đức tương lai sẽ mở rộng thành 16 tiểu bang (11 tiểu bang cũ của CHLBĐ và 5 tiểu bang mới từ CHDCĐ). Ngày thống nhất hai miền Đông-Tây Đức là 03/10/1990. Sau đó ngày 03/10 sau đó được chọn là ngày quốc khánh và Bá Linh là thủ đô của nước Đức thống nhất. Tuy Bá Linh là thủ đô nhưng mỗi năm lễ mừng quốc khánh sẽ do 16 tiểu bang luân phiên tổ chức tại thủ phủ của tiểu bang.

Sau ngày thống nhất 03/10/1990, toàn bộ quân đội, quân trang, vũ khí, các cơ sở quân sự của Quân đội nhân dân quốc gia Đông Đức (NVA) được chuyển cho Quân đội liên bang Đức. Những tướng lãnh, đề đốc, sĩ quan chính trị và quân nhân trên 55 tuổi được giải ngũ hoặc cho về hưu. Riêng 90.000 binh sĩ Đông Đức trong các binh chủng, 39000 người đang thi hành nghĩa vụ quân sự và 51000 quân nhân phục vụ dài hạn và ngắn hạn trong các cơ sở quân sự  đều được tạm lưu nhiệm. Sau thời gian lưu nhiệm sẽ có quyết định ở lại trong quân đội hay được giải nhiệm. Hiện tại có khoảng 20% quân nhân tại ngũ trong quân đội CHLBĐ là người Đông Đức.

Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất toàn Đức lần đầu tiên được tiến hành trong tháng 12 năm 1990 với kết quả: Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU (268 ghế), Đảng Dân chủ xã hội Đức SPD (239), Đảng Dân chủ tự do FDP (79), Liên minh xã hội Thiên chúa giáo CSU (51), Liên minh 90/Xanh Bündnis 90/Grünen (8) và Hậu thân của đảng cộng sản Đông Đức SED là Đảng xã hội chủ nghĩa dân chủ PDS (17). Các đảng bảo thủ - tự do (CDU-CSU và FDP) lập chính quyền liên hiệp do Thủ tướng Kohl (CDU) lãnh đạo và Hans-Dietrich Genscher (FDP) là ngoại trưởng...

Sau cuộc bầu cử, chính quyền liên bang đã đưa ra nhiều chương trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với trọng tâm phục hồi nhanh chóng nền kinh tế Đông Đức, xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội trên toàn lãnh thổ Đông Đức. Người dân Đông Đức đều được đối xử bình đẳng trên mọi phương diện, không phải trình diện học tập cải tạo, không có tòa án chính trị, không phải lo sợ bị bắt bớ vì khác chính kiến, không bị tước đoạt tài sản qua các vụ đổi tiến, không phải rời bỏ đất nước đi tị nạn.

Sự thống nhất đất nước qua phương thức hòa bình và ngoại giao cũng như chương trình thống nhất của CHLB Đức phản ánh tinh thần nhân bản, dân chủ và đoàn kết dân tộc được thế giới khen ngợi và kính nể.

Vũ Ngọc Yên