B20121114-HDNQLHQ

Tiếng Việt‎ > ‎Nhân quyền‎ > ‎

Sai lầm về tin "VN không được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ".

Cần tiếp tục đẩy mạnh tiếng nói nhân quyền cho Việt Nam.

14/11/2012 (Diễn Đàn Việt Nam 21). Hai ngày qua, nhiều báo tiếng Việt cũng như một số diễn đàn trên mạng loan tin "VN không đuợc bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ", tin này sai lầm vì trong phiên họp ngày 12/11/2012 để bầu thành viên cho nhiệm kỳ 2013-2016, Việt Nam không có trong danh sách ứng cử viên, một số người có lẽ không thấy tên Việt Nam trong danh sách được bầu nên đã tỏ ra vui mừng và phát tán tin sai  lầm này. Sự thật nhà cầm quyền CSVN chính thức ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ cho nhiệm kỳ 2014-2016.

Trong cuộc họp và bầu ngày 12/11/2012 vừa qua, các nước Argentina, Brazil, Côte d’Ivoire, Estonia, Ethiopia, Gabon, Đức, Ireland, Nhật, Kazakhstan, Kenya, Montenegro, Pakistan, Hàn quốc, Sierra Leone, United Arab Emirates, Mỹ và Venezuela được bầu cho nhiệm kỳ 2013-2016. Trong khối Á châu và Thái Bình Dương, 5 nước United Arab Emirates, Kazakhstan, Pakistan, Nhật và Hàn Quốc được bầu vào các ghế khuyết của 5 nước mãn nhiệm năm nay là Bangladesh, Trung Quốc, Jordan, Kyrgyzstan và Saudi Arabia. 

Hội Đồng Nhân Quyền LHQ (United Nations Human Rights Council) gồm tổng cộng 47 thành viên, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Số 47 ghế cho các thành viên được chia cho 5 khối là Phi Châu (13 ghế), Á Châu và Thái Bình Dương (13 ghế), Đông Âu (6 ghế), Mỹ Châu La Tinh và biển Caribic (8 ghế) cũng như Tây Âu và Các Quốc Gia Khác trong đó có Mỹ (7 ghế). Thể thức bầu là các quốc gia thành viên LHQ sẽ ứng cử vào một trong các ghế khuyết trong khối của mình. Muốn đắc cử, mỗi nước ứng viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên LHQ nghĩa là phải có ít nhất 97 phiếu thuận. Các thành viên thường tìm cách vận động tìm ủng hộ bằng lời hứa trao đổi "anh  bỏ phiếu cho tôi thì lần sau tôi sẽ bỏ phiếu cho anh". Ngoại trừ khối Tây Âu và Các Quốc Gia Khác, các khối còn lại thường tìm cách chỉ đưa số nước ứng cử vừa đúng với số ghế khuyết để tăng khả năng đắc cử. 

Trong khối Á Châu và Thái Bình Dương các nước Maldives, Qatar, Mã Lai và Thái Lan sẽ mãn nhiệm cuối năm 2013, Việt Nam như thế ứng cử vào 1 trong 4 ghế trống cho nhiệm kỳ 2014-2016. Bộ ngoại giao CSVN đã vận động khá ráo riết để tìm hậu thuẫn. Cho đến nay, các nước Armenia, Kazakhstan, Ukraine, Cuba, Uruguay, Sri Lanka, Bỉ, Áo và các nước ASEAN (Brunei, Kampuchia, Nam Dương, Lào, Mã Lai, Miến Điện, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan) tuyên bố ủng hộ Việt Nam ứng cử. 

Vấn đề phản đối việc Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ cũng như tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam sẽ không chấm dứt. Cho đến phiên bầu cử sắp tới cho nhiệm kỳ 2014-2016, dự trù vào tháng 5/2013, cộng đồng người Việt hải ngoại cần đẩy mạnh hơn nữa tiếng nói phản đối. Thư tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền vẫn nên gửi đến ông Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki Moon nhưng việc bầu cử thành viên vào Hội Đồng Nhân Quyền là thẩm quyền của 192 nước hội viên LHQ. Mặt khác Thư tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền và khuyến cáo không bỏ phiếu cho VN do đó cần gửi đến tất cả các nước hội viên của Liên Hiệp Quốc (tổng thống hay thủ tướng hoặc bộ trưởng ngoại giao) ngoại trừ 4 nước XHCN "anh em" Lào, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên. Ngoài ra cũng cần tiếp tục vận động các tổ chức nhân quyền quốc tế như AI, HRW, IGFM ... lên tiếng chỉ trích việc Việt Nam ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vì Việt Nam tiếp tục đàn áp nặng nề những người bất đồng chính kiến như Điếu Cày, Việt Khang, Phương Uyên v.v.

Ngay cả khi VN được vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, tiếng nói đòi hỏi Nhân quyền cho Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh. Trong một phỏng vấn của RFI, ông Vũ Quốc Dụng của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế IGFM nhận định như sau: "nếu trúng cử vào UNHRC thì Việt Nam chưa thể xem là mình đã tìm được lá bùa hộ mệnh cho các hành vi vi phạm nhân quyền đâu. Ngược lại, thế giới sẽ chú ý xem Việt Nam có đáp ứng đúng vai trò gương mẫu của một thành viên UNHRC hay không. Thế giới sẽ dùng những tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá khi theo dõi về những thành tích bảo vệ hoặc vi phạm nhân quyền của quốc gia thành viên Việt Nam. Thế giới sẽ chất vấn quốc gia thành viên Việt Nam về việc không tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thế giới sẽ hỏi tại sao Việt Nam tiếp tục từ chối lời yêu cầu viếng thăm của các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các vấn đề tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, v.v… Cho nên nếu Việt Nam được bầu vào UNHRC thì đó cũng là cơ hội để những đề nghị cải thiện nhân quyền của các tổ chức dân sự Việt Nam được quốc tế chú ý hơn trước".