BCT20170813-DanBieuDucDoiLamManh

 

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - Dân biểu Đức đòi làm mạnh

13/08/2017 Vi Minh (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa thanh thiên bạch nhật ở Berlin đã tạo phản ứng mạnh của quốc hội liên bang Đức. Theo một bản tin ngày hôm qua của tờ Spiegel, một tuần san đứng đắn của Đức, dân biểu liên bang đã lên tiếng đòi thi hành các biện pháp trừng phạt Việt Nam vì đã vi phạm chủ quyền và luật lệ Đức.

Người phát ngôn về chính sách đối nội của Khối dân biểu đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (SPD), ông Burkhard Lischka đã tuyên bố với Spiegel: "Theo quan điểm của tôi, điều cần thiết là tiếp tục trục xuất các nhân viên mật vụ khác" của tòa đại sứ Việt Nam ở Đức và "ngưng việc tài trợ trong khuôn khổ các dự án hợp tác  phát triển".

Đồng thời, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại của Khối dân biểu đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trong quốc hội liên bang, ông Jürgen Hardt đòi hỏi "các biện phát chung của Liên minh Âu châu, chẳng hạn như trục xuất thêm các người khác - một đại diện mật vụ Việt Nam đã bị tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh [persona non grata] và đã bị trục xuất".  Ông Jürgen Hardt nói thêm: "Tuy nhiên các biện pháp trừng phạt không nên gây hại cho người dân Việt Nam".

Dân biểu Burkhard Lischka (trái) và Jürgen Hardt (ảnh: Quốc hội Liên bang Đức)

Tại Việt Nam có lẽ nhà cầm quyền CS Hà Nội đang theo đuổi chủ trương "ngồi lì cho qua chuyện" nên truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng không loan tin về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngoài bản tường thuật về lời tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam tỏ ý "lấy làm tiếc" về thái độ của Đức.

Trong khi đó các dư luận viên liên tục đưa ra những lý luận bênh vực cho CSVN rằng Trịnh Xuân Thanh bị bắt vì tham nhũng và trừng trị tham nhũng là việc nên làm và nên ủng hộ, khá nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước đã bị rơi vào cái bẫy này vì hai vụ việc hoàn toàn khác nhau cần phải phân biệt. Vấn đề chính ở đây là việc Việt Nam đã xâm phạm trầm trọng chủ quyền quốc gia cũng như luật lệ Đức và công pháp quốc tế qua hành động bắt cóc người giữa ban ngày tại thủ đô Berlin, một hành động cần phải lên án gắt gao.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn, có một biến chuyển lạ là từ hai ngày nay các dư luận viên đột nhiên đặt vấn đề nếu hiệp ước tự do mậu dịch EVFTA giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam thất bại thì ở Việt Nam ai là người phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (ảnh Internet)

Một vụ việc tương tự cũng xẩy ra tại Tây Đức năm 1967 (vào lúc này là Cộng hòa Liên bang Đức ở phía tây, ở phía đông là Cộng hòa Dân chủ Đức tức Đông Đức), đó là việc Nam Hàn (Hàn Quốc) bắt cóc công dân Nam Hàn tại Tây Đức đưa về Seoul. Mối quan hệ giữa hai nước không chỉ giảm mạnh qua sự kiện này mà hình ảnh của Nam Hàn cũng trở nên tồi tệ ở Tây Đức, mãi hai năm sau bang giao mới trở lại bình thường.