BNQ20171202-CSVNchongTudoBaoChi

Đảng Cộng sản Việt Nam chống Tự do Báo chí một cách trơ tráo

Chu Kienle

02/12/2017 (DĐVN21) - Trước cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam, đảng Cộng sản lại tiếp tục chính sách ngược đãi các blogger.

Từ nhiều năm, chính phủ CS Việt Nam đã phủ nhận quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng, mặc dù trong hiến pháp năm 2003 các quyền này được ghi rõ ở điều 25.

Hôm thứ Hai 27/11/2017, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án bảy năm tù giam trong một phiên tòa xử nhanh tại tỉnh Hà Tĩnh. Hôm thứ Tư 29/11/2017, tòa án đã bác bỏ kháng án của blogger Mẹ Nấm. Vài ngày trước đó luật sư của bà đã bị loại khỏi phiên tòa. Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù vào tháng 6 năm 2017. Cả hai blogger đã viết blog về thảm họa môi trường do một nhà máy thép Đài Loan gây ra.

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Kẻ thù của tự do báo chí

Cô Anna Renzenbrink của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (PVKBG) ở Berlin thấy không có triển vọng gì cho việc Mẹ Nấm được giảm án. Đối với PVKBG Việt Nam từ nhiều năm là một trong những quốc gia tồi tệ nhất thế giới về tự do báo chí, hiện nay Việt Nam đứng thứ 175 trong 180 nước không có tự do báo chí. Ít nhất 21 người hiện đang bị giam giữ vì hành nghề báo chí. PVKBG còn gọi Tổng thư ký của Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng "là một trong các kẻ thù lớn nhất của tự do báo chí trên toàn thế giới." Trong danh sách „Kẻ thù của báo chí“ ngoài các tổ chức cực đoan và các cơ quan tình báo, còn có 35 tổng thống, thủ tướng nhiều nước hiện đang kềm kẹp tự do báo chí hết sức tồi tệ. Trong số đó phải kể đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Tổng thống Venezuela Maduro hay nhà độc tài Bắc Hàn Kim Chính Ân (Kim Jong Un).

Cô Anna Renzenbrink (Phóng viên không biên giới)

"Mối đe dọa lớn nhất cho phương tiện truyền thông Việt Nam hiện tại không phải là kiểm duyệt trực tiếp mà là tự kiểm duyệt."

Nhiều báo chí truyền thông tại Việt Nam liên kết với nhà nước, chịu cho nhà nước kiểm soát. Đảng, quân đội và các bộ khác đều có các đài phát thanh, tạp chí và trang web riêng của họ. Ngoài ra, tất cả các đài truyền thông, các báo, tạp chí, nhà xuất bản, trang web, đài truyền hình, đài phát thanh đều bị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát. Tổ chức Freedom House (Úc) kết luận: "ĐCSVN coi các phương tiện truyền thông đều là công cụ tuyên truyền các chính sách của đảng và nhà nước."

Nhà nước CS tổ chức hàng tuần một cuộc họp mặt với các biên tập viên từ các cơ quan truyền thông. Họ phải gặp đại diện của Cục Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản để thảo luận về các bài báo đã được in ra, đồng thời thảo kế hoạch cho các bài báo sắp ra cho tuần tới. Tại cuộc nói chuyện đảng CSVN cho các biên tập viên biết rõ đảng muốn gì và từ đó họ phải tùy nghi xử lý.

Giáo sư TS Zachary Abuza (Washington DC) viết trong một bài nghiên cứu của ông về tự do báo chí Việt Nam: "Mối đe dọa lớn nhất cho phương tiện truyền thông Việt Nam hiện tại không phải là kiểm duyệt trực tiếp mà là tự kiểm duyệt."

TS Zachary Abuza (Washington DC)

Blogger là nguồn tin độc lập duy nhất

Theo nhận xét của giáo sư TS Zachary Azuba thì rất nhiều người Việt không tin vào báo chí do nhà nước lèo lái, đó là lý do tại sao các cổng thông tin và blog không chính thức được đọc rộng rãi và có ảnh hưởng sâu rộng đáng kể. Ông nói thêm: "Số lượng người viết blog không rõ là bao nhiêu, nhưng chắc chắn con số của họ đã tăng lên từ năm 2005 và họ càng ngày càng có tiếng vì sự bất mãn với các chính sách của chính phủ và báo chí quốc doanh". Theo cô Anna Renzenbrink (PVKBG) tại Việt Nam „Blogger thường là nguồn tin độc lập duy nhất".

 

Để ngăn chặn các ý kiến trên Internet đi ngược lại đường lối của nhà nước, chính phủ CS Việt Nam sử dụng các điều khoản trong bộ luật hình sự như các điều: điều 88 cấm tuyên truyền chống chính phủ, điều 79 cấm các hoạt động lật đổ, và điều 258 cấm lạm dụng các quyền tự do dân chủ để làm suy yếu nhà nước. "Chính phủ Việt Nam sử dụng nhiều luật lệ và quy định mơ hồ để kiểm soát nội dung trên Internet".

 

„Tuyên truyền của Tây phương“

Cả hai blogger Nguyễn Văn Hòa và Mẹ Nấm đều bị lên án theo điều 88 bộ luật Hình sự. Trong cả hai trường hợp, các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch đã phản đối. Họ phê bình chính phủ CS Việt Nam về  những án tù cao và những phiên xử không phù hợp các tiêu chuẩn pháp quyền. Các bị cáo thường bị giam giữ nhiều tháng cho đến lúc có phiên xử. Các phiên xử sau đó được thực hiện trong vòng một ngày, không xử công khai và công luận bị gạt ra ngoài, không được dự kiến phiên tòa.

Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa trước tòa

Từ lúc Nguyễn Phú Trọng nắm được quyền lực tại đại hội đảng CSVN mùa xuân năm 2016, tự do báo chí ngày càng bị hạn chế. Đảng CSVN sợ hãi một "diễn tiến hóa hòa bình" sẽ thay đổi chế độ độc quyền đảng trị của CS nên họ thường chụp mũ các nhà phê bình chế độ là gián điệp của Tây phương

Chu Kienle