VX20160221-TranHue

Buổi đọc sách: Nora Luttmer giới thiệu truyện trinh thám Việt Nam

Tham nhũng ở Ðông Nam Á

Dagmar Varady (Reutlinger General-Anzeiger)

Bản dịch: Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)

21/02/2016 - Những quốc gia mà nạn tham nhũng lộng hành và đầy rẫy những nhà đầu tư bất nhân do nền kinh tế tăng trưởng cao không phải là diều hiếm ở Ðông Nam Á. Việt Nam là một quốc gia như thế. Bước vào thư viện Metzingen, mọi người bị đập vào mắt và cảm thấy được sự thu hút của đất nước này. Nơi đây trưng bày rất nhiều hình ảnh đặc sắc, gây chú ý người xem của cô Yasmin Feth và cha cô Halmut Feth, người ở thành phố Metzingen.  Trong chuyến thăm Việt Nam hai người đã lưu tâm đặc biệt đến những con người và đặc thù của đất nước này. Những chiếc đèn lồng sặc sỡ, những bó nhang và hình hoa sứ, và những người nông dân vào mùa gặt, các trẻ con và hành khách ngủ trên sàn trong chuyến tàu đêm đã được thu vào ống kính. Những hình ảnh đầy màu sắc bắt được và như muốn diễn tả nỗi niềm riêng của nó.

Ðắm mình vào một nền văn hoá

 

Chìm trong một thế giới và nền văn hóa xa lạ này là một sự phối hợp rất thành công với buổi đọc sách của Nora Luttmer vào hôm tối thứ năm được tổ chức ở chính nơi này. Nora Luttmer đọc truyện trinh thám của bà „Vòng hoa phúng điếu“, đây là phần thứ ba trong loạt truyện về nhà điều tra họ Lý.

Trong phần mở đầu ngắn, bà Nora Luttmer giới thiệu về nhân vật điều tra họ Lý có nhiệm vụ tìm ra manh mối ở Hà Nội, một người rất tinh tế trong nghề, vui thú với công việc hơn là đời sống gia đình vốn chỉ giữ vai trò phụ trong cuộc sống của ông. Câu chuyện bắt đầu với một vụ nổ đẫm máu và với đề tài chính, người nông dân tên Bùi Ðại bị tịch thu ruộng đất đang canh tác.

Luttmer cho người đọc thấy sự hoang man của dân quê bị mất đất đai, không còn sinh kế và không có nghề nghiệp họ không biết cách sinh nhai nào khác. Người nghe cũng được kể về  cán bộ tham nhũng và những kẻ đầu cơ bỏ tiền ra xây cất các trung tâm nghỉ mát. Có 3 người bị chết một loạt có thể bởi vì tai nạn. Vì tại các nơi xảy ra án mạng này đều có để lại một vòng hoa liễu. Một sự cảnh cáo chăng?

Nora Luttmer đọc rất trang trọng, bà cất giọng đều đặn, không quá hào hứng nhưng tạo được sự thích thú cho người nghe bằng cách đọc nhanh lên ở những đoạn căng thẳng. Người nghe cảm thấy được cái không khí trinh thám đầy u tối.

Những cái nhìn lôi cuốn

Bên cạnh nội dung đầy bất ngờ của câu chuyện, hấp dẫn ở sách của Luttmer là người đọc có cơ hội nhìn thấy sâu hơn về đất nước Việt Nam: về đời sống nội tâm của con người (diễn tả qua nét mặt, cử chỉ), về phong cảnh và những nét đặc thù của nước này như ngày Tết Nguyên Ðán với những trận mưa Konfetti, đèn đuốc và ngọn lửa cúng tế.

Khi trao đổi với bà Angela Koch và thính giả bà Luttmer còn đi sâu hơn nữa về khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Ðề tài câu chuyện còn là đặc điểm của tiếng Việt với 6 âm điệu khác nhau cũng như mấy nét về tiểu sử của Luttmer. Cuối cùng, sau buổi đọc sách có phần ẩm thực để người tham dự biết thêm về món ăn Việt Nam. Mọi người vừa được thưởng thức món Phở cổ truyền vừa hàn huyên với nhau

Nguồn: Korruption in Südostasien, Dagmar Varady, Reutlinger General-Anzeiger 13.02.2016

    

Việt Nam: Buổi đọc sách „Vòng hoa phúng điếu“ của Nora Luttmer (*)

Angela Steidle (Südwest Presse)

Bản dịch: Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)

Nữ văn sĩ Nora Luttmer đến từ Hamburg mang theo quyển truyện trinh thám Hà Nội thứ ba  vừa mới in của bà đến thư viện Kalebskelter. Trưng bày  hình ảnh của Yasmin Feth nhân dịp Triển lãm Việt Nam của thư viện thành phố.

Tác giả Nora Luttmer (ảnh của N.Luttmer)

Trời lạnh, hàn thử biểu chỉ 10 độ C°, mưa phùn rơi không ngớt từ bầu trời xám xịt, những cánh đồng lúa đã gặt xong còn nằm trơ trọi. Trong truyện tiểu thuyết trinh thám thứ ba của bà về nhân vật kỳ dị, nhà điều tra họ Lý, Nora Luttmer đã vẽ lại một hình ảnh u tối của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bên bờ đổi mới kinh tế thị trường, đất nước này bị hoành hành bởi nạn tham nhũng, nạn tranh chấp quyền hành và các cơ cấu như Mafia chi phối. Ai đã biết gì về một quốc gia nằm bên bờ Biển Ðông? Ngoài „Platoon“ và một thời kỳ tàn ác không tả hết được do sự tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Hoa, Nhật, Âu châu và Hoa Kỳ.

Tham dự buổi đọc sách „Totenkranz“ („Vòng hoa phúng điếu“) mới xuất bản của Nora Luttmer trong thư viện Kalebskelter của thành phố Metzingen có một nhóm người di dân. Họ nhận ra được một góc quê hương mình qua cách diễn tả chính xác của bà văn sĩ đến từ Hamburg. Ở tiền sảnh của thư viện thành phố, cô Yasmin Feth, đang học nghề và vốn là cư dân Metzingen, đã thu tóm thế giới hình ảnh của cô trong một cuộc triễn lãm. Giữa năm 2014, cô cùng cha mẹ và anh em cô đã làm một chuyến du lịch và ghi lại hình ảnh ở đất nước xinh đẹp này. Cùng với cuộc triển lãm sách về Việt Nam mọi người có thể xem hình ảnh của cô trưng bày ở thư viện thành phố cho đến 22 tháng 2. Lễ khai mạc triển lãm và buổi đọc sách hôm tối thứ năm được thực hiện do sự công tác của thư viện thành phố, Hội Tổ chức Sinh hoạt Metzingen, Trường Giáo dục Người lớn và Nhà sách Stoll, có phần ẩm thực nhỏ thuần túy Việt Nam và từ phía khán thính giả có nhiều câu hỏi rất đỗi ngạc nhiên.

Người am tường Ðông Nam Á có mặt ở thư viện Kalebskelter hôm ấy bị lôi cuốn bởi sự hiểu biết tinh tường của Nora Luttmer cũng như cách diễn tả sống động về các nhân vật hiện thực của bà. Trong bối cảnh việc tịch thu đất đai được sự đồng ý của nhà cầm quyền, cả 120 sân đánh golf khắp nơi và những tòa nhà cao tầng bỏ hoang không người ở, vấn đề chính là những nông dân mất quyền phải tranh đấu để sống còn. Câu chuyện bắt đầu với một nông dân đã gài mìn tự vệ trên mảnh đất của mình. Và một loạt những án mạng đầy bí ẩn xảy ra có dính líu với một nhà đầu tư Trung Quốc. Qua tác phẩm trinh thám thứ ba, nhà nữ văn sĩ này đã nhắm thẳng vào trái tim của nền cộng hòa còn trẻ trung. Nora Luttmer sinh trưởng ở Köln, sống bằng nghề viết văn và ký gỉả tự do ở Hamburg. Bà học về ngành văn minh Ðông Nam Á với trọng điểm là Việt Nam, nói được tiếng Việt. Bà là thành viên của một „Tập hợp“ gồm các nhà văn viết truyện trinh thám tiếng Ðức và bị các cảnh sống sinh động của thủ phủ xa lạ Hà Nội lôi cuốn hết sức. „Đó là một may mắn“ khi bà nói về học bổng nhận được để theo học ở Ðại học Hà Nội năm 1995. Trong thời gian này bà có cơ hội làm quen với mọi mặt của đời sống cũng như những con người ở đấy. Từ đó, hầu như năm nào bà cũng sang Việt Nam. Nhà điều tra tội phạm họ Lý là một trong 2 người bạn của bà. Cả hai đã nhận ra nhau lập tức trong quyển truyện đầu tiên.

Vậy Trung Quốc đóng vai trò gì trong tư thế của kẻ hằng chiếm cứ ngày xưa và đối tác kinh tế ngày nay? Khán thính giả muốn biết điều này. Theo tác giả Luttmer, „Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Ðông đã tạo nghi kỵ và gây ra các vụ biểu tình bài Trung“. „Ðã có lúc Việt Nam tiến bộ. Nay lại dựa vào Trung Quốc nhiều hơn“.

Ðảm nhận việc điều khiển chương trình là bà Angela Koch. Bị lôi cuốn bởi kiến thức sâu rộng của tác giả Luttmer, bà Koch cũng bị tiêm nhiễm qua chuyến nghỉ hè ở Hà Nội, bà nói „Sự chênh lệt giữa nghèo và giàu, cộng sản và tư bản thật quá rõ ràng“. Đương nhiên là sau khi đổi mới đời sống của 90 triệu dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi, bà Nora Luttmer nhận định. „Trong thành phố đã hình thành một giới trung lưu có khả năng theo đuổi học vấn. Vấn đề nằm ở giới người nghèo. Ðối với họ cuộc sống ngày nay càng khó khăn hơn. Thật không dễ dàng để kiếm tiền sống. Nạn tham nhũng làm sâu mọt tất cả. Người dân rất căm phẫn“.

- Phụ chú của DĐVN21:

Trong phần Điểm sách, nhật báo Mittelbayerische viết về cuốn sách mới xuất bản hồi đầu tháng 12/2015 của bà Nora Luttmer như sau:

Nora Luttmer viết trong tiểu thuyết trinh thám «Totenkranz» (Vòng hoa phúng điếu) với cảm tình và những sự hiểu biết sâu rộng về một đất nước không được biết đến nhiều ở Âu châu. Rất may là tác giả tránh được những sai phạm của các tác giả khác trong thể loại này, không đưa vào những hình ảnh êm đềm lãng mạn của một điểm đến du lịch mà ngược lại kể ra các sự kiện nghiệt ngã trong xã hội hàng ngày: tham nhũng, cướp đất, đầu cơ. Một câu chuyện trinh thám đầy hồi hộp trong cuốn sách hấp dẫn.

(*) Tựa bản tiếng Việt của DĐVN21

Nguồn: Vietnam: Eine Lesung und Fotos einer Metzingerin, Angela Steidle, Südwest Presse 13.02.2016