BCT20200925-KhongChiBanMaGietChung

„Không Chỉ Bắn, Mà Giết Chúng“

Dân quân da trắng ở Mỹ động viên quân mình chống lại các biện pháp phòng ngừa dịch Corona và chống lại những cuộc phản kháng của người da đen. Tập thể da đen giờ đây cũng thành lập các nhóm vũ trang để tự vệ.

Tác giả: Kerstin Kohlenberg (*)

Dịch giả: Phạm Hồng-Lam

25/09/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Ngày 7 tháng 6 nhà đấu tranh da den Hawk Newsome đứng trên công trường Times Square trước hàng trăm người biểu tình nói: „Chúng ta đã đi đến một điểm nguy kịch của lịch sử. Hoặc là chúng mày trả quyền lại cho người da đen, bằng không chúng tao sẽ thiêu rụi quốc gia này.

Hawk Newsome là chủ tịch của Black Lives Matter of Greater New York. Báo Die Zeit đã gặp anh nhiều lần trong những năm qua và ghi nhận tiến trình cực đoan phát triển nơi anh. Giờ đây Newsome không còn tin vào việc người da đen sẽ được chính quyền quốc gia giúp đỡ. Và anh cũng đã hết hi vọng vào khả năng có thể cải thiện được tình hình qua những cuộc biểu tình ôn hoà, trong đó nhiều người da đen biểu tình tay không đã bị bắt và chết trong tay cảnh sát. Sau cái chết của George Floyd, Newsome đã gặp một số nhà đấu tranh cũng trong tình trạng thất vọng như anh, và họ đã cùng nhau đưa ra một chiến lược mới. Trọng tâm của kế hoạch này là: vũ trang.

Các dân binh vũ trang mang tên peace officers sẽ đi tuần phòng trong các khu người da đen ở, để bảo vệ họ khỏi bạo lực của cảnh sát. Newsome theo gương của Malcolm X và các thành viên có vũ trang của Đảng Black Panther, vốn vẫn đều đặn đi tuần tra theo dõi các hành vi bạo hành của cảnh sát trong thập niên 60 của thế kỉ trước. Các đơn vị đầu tiên mô phỏng tổ chức này nghe đâu được thành lập ở Atlanta và ở quận Bronx ở New York. Newsome đặt tên cho tổ chức dân quân này là „Black O.P.T.S“, một tên gọi kín đáo nói lên những hoạt động vũ trang và dựa theo tên của một trò chơi điện tử mang tên Call of Duty: Black Ops. Còn Newsome thì bảo đó là viết tắt của chữ Opportunities. Cơ hội.

Nhưng ở Bronx tổ chức dân quân này mới này đang trong giai đoạn khởi đầu, Newsome cho hay qua điện thoại. Tại thành phố New York, có được một giấy cho phép mua súng là chuyện gần như bất khả. Chính anh cũng đang đặt đơn xin. Thủ tục mắc mỏ và có thể kéo dài tới một năm. Thông thường thì người làm đơn phải có một lý do thật chính đáng. Ở Atlanta, nơi hình thành của chi nhánh thứ hai, trái lại, chẳng có gì dễ hơn việc mua súng. Gần như tất cả những ai trên 21 tuổi trong bang Georgia đều có thể mua súng và mang súng công khai trên người. Ngoài ra còn được phép sử dụng súng để tự vệ. Ở Atlanta Black O.P.T.S đã có 100 thành viên.

Sở dỹ chọn Atlanta, vì Newsome phỏng theo một tổ chức đã sẵn có ở đó mang tên „Not Fucking Around Coalition“ (NFAC: có nghĩa là đừng loanh quanh và lẩn lữa nữa, mất thì giờ). Theo họ cho biết, NFAC hiện có 3.500 thành viên nam nữ người da đen. Họ ra mắt dịp tháng Năm vừa rồi, khi họ biều tình chống lại vụ giết anh Ahmaud Arbery ở Georgia. Arbery bị hai người da trằng bắn, khi anh đang chạy bộ trong một khu gồm đa số người da trắng sinh sống. Trong tháng Bảy họ chống lại việc chính quyền bất động trước cái chết của cô da đen Breonna Taylor ở Lousville, Kentucky. Cô Taylor bị cảnh sát bắn chết trong nhà của cô. Người sáng lập NFAC, John Fitgerald Johnson, hay anh tự gọi mình là „Grandmaster Jay“, là một cựu quân nhân; và anh cũng như Newsome hết hi vọng vào phong trào đòi dân quyền của người da đen. Đa số thành viên của NFCA đều là cựu quân nhân. Họ coi mình như là tổ chức bảo vệ đồng bào da đen.

Vài ngày trước đây, Bộ Bảo Vệ Quốc Gia phổ biến một bản tường trình, trong đó nói rằng, các nhóm quá khích vũ trang là nguy cơ chính trị lớn nhất cho vấn đề nội an của Mỹ. Jay đoán, đàng sau „các nhóm vũ trang“ đó là sự tái trỗi dậy của (tổ chức khủng bố) Klu Klux Klan và ý thức hệ phân biệt chủng tộc của nó. anh cho hay, dân quân của anh là một báo động cho KKK; họ muốn cho phía kia biết rằng, giờ đây người da đen sẽ có hành động chống trả.

Trong thang Bảy vừa rồi xuất hiện ở Louisville hàng trăm dân quân nam nữ bận toàn màu đen với súng ông đầy mình dưới sự chỉ huy của Jay. Họ di chuyển với đội hình quân sự dưới trời nóng như thiêu như đốt. Tại trung tâm thành phố, đội dân quân này đã gặp một số nhóm dân quân rời rạc cũng súng ống đầy mình của tổ chức „Three Percenters“ của người da trắng. Tên gọi này nhắc nhở tới con số 3% những người thực dân được nói là đã tham gia vào cuộc chiến vũ trang giành độc lập chống lại quân của Liên Hiệp Vương Quốc (Anh). Đám Three Percenters đến để yểm trợ cảnh sát. Trước đó, hai tổ chức đã bảo đảm với nhau là cả hai bên đều không muốn dùng vũ lực. Nhưng cảnh sát đã tách hai đám ra xa nhau, vì sợ có thể có xung đột bạo động. Trực thăng vẫn vũ trên bầu trời trung tâm thành phố.

Những hình ảnh như thế làm người ta lo ngại về nguy cơ của một cuộc nội chiến ở Mỹ. Hỏi Newsome, có phải những toán dân quân đa đen đã tạo nên tình trạng leo thang hay đã làm cho không khí giữa da đen và da trắng thêm căng thẳng hay không. Anh trả lời với một câu hỏi ngược lại: Tại sao người da trằng được vũ trang với súng nặng dùng cho chiến tranh được xuất hiện trước các nhà toà án, để chống lại người biểu tình? Tại sao người da trắng được mang súng để biều tình đòi mở lại các tiệm hớt tóc dù đại dịch Corona? Tại sao người da đen không được phép tự vệ chống lại hành động giết người của cảnh sát?

Black O.P.T.SNFCA là những phiên bản mới của một hiện tượng rất cũ: dân quân của người da trắng chống lại nhà nước, một nhà nước mà họ coi là một định chế bạo chúa có quá nhiều quyền, và đòi cho được quyền mang súng. Những nhóm này phát triển khá mạnh vào đầu thập niên 90. Năm 1993 cảnh sát có một cuộc đụng độ chết người với một nhóm tôn giáo ở Waco, Texas. Một giáo phái tin vào thuyết tận thế tên là Branch Dividians đã ngăn cấm không cho các nhân viên chính phủ vào trại để khám xét súng ống tàng trữ bất hợp pháp. Sau 51 ngày bao vây, trang trại đã bị tấn công và rốt cuộc 82 thành viên của giáo phái, kể cả vị lãnh tụ David Koresh, đã chết. Liền sau đó nhiều thuyết âm mưu đã được tung ra về một cuộc đảo chánh sắp sửa xẩy ra. Các biến cố ở Waco là một bằng chứng cho những nhóm cực đoan tin rằng, chính quyền đang muốn tạo nên một trật tự thế giới mới, trong đó Liên Hiệp Mỹ Châu sẽ phải trao chủ quyền lại cho „chính quyền thế giới“. Để thực thi điều này, chính quyền có thể tước khí giới của dân, nếu cần.

Sau khi Obama được bầu lên tổng thống, từ năm 2008 nhiều nhóm dân quân vũ trang da trắng mới xuất hiện. Các nhà chuyên môn ước lượng có từ 15.000 tới 20.000 dân quân hoạt động trong 300 nhóm. Không hiếm trường hợp các tay súng đàn ông đó là những người quá khích cực hữu. Giờ đây nhiều dân quân da trắng nhìn Trump như là một tổng thống đứng về phía ủng hộ chủ trương chống nhà nước của họ.

Với phía dân quân hữu phái, đây là một hoàn cảnh mới: Giờ đây nhân vật trong Nhà Trắng là một người bạn, chứ không phải đối thủ của họ. Họ lấy những hình ảnh kẻ thù của Trump làm hình ảnh kẻ thù của họ. Một số người ra chiến đấu ở biên giới chống lại những người nhập cư lậu, một số khác đứng lên chống lại những người theo đạo Islam. Năm 2017 Three Percenters tham gia cuộc biểu tình của thành phần cực hữu ở Charlottesville; với khẩu hiệu „Đoàn kết phái hữu“, họ phản đối việc hạ tượng của vị tướng chỉ huy quân miền Nam trong cuộc nội chiến Nam-Bắc. Các tin nhắn trên mạng truyền thông xã hội của Trump chống lại các biện pháp phòng ngừa dịch do chính phủ đưa ra được dân quân da trắng bang Michigan ủng hộ với những cuộc biều tình vũ trang. Họ bao vây toà nhà chính quyền, để phản đối các biện pháp hạn chế sinh hoạt (Lockdown) và lệnh đeo khẩu trang của chính quyền, vốn được họ coi là một đám chuyên quyền, và họ sánh bà thống đốc Gretchen Whitmer thuộc Đảng Dân Chủ với Adolf Hitler. Và khi một số người trong các cuộc biều tình chống cảnh sát ở nhiều nơi quay sang cướp bóc và đập phá khi chiều xuống, các dân quân da trắng nghiễm nhiên trở thành những đội vũ trang bảo vệ nhà cửa phố xá. Trước đây những nhóm dân quân này rất ngại xuất hiện. Nay bỗng dưng họ hiện diện công khai như chưa bao giờ thấy.

Từ đó cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc biểu tình những thành viên vũ trang của Antifa (một phong trào xã hội lỏng lẻo theo cánh tả và cực tả với chủ trương chống phát-xít. Chú của người dịch). Tổ chức dân quân NFAC chẳng có liên hệ gì với Antifa, dù cả hai xem ra cùng đừng về một chiến tuyến. Nhà sáng lập NFAC John Fitgerald Johnson giải thích trên mạng YouTube của mình, mục tiêu của anh là phân cách da đen ra khỏi da trắng. Trước mắt, anh muốn làm sao để các cộng đồng da đen có thể tự bảo vệ được mình mà chẳng cần tới sự trợ giúp của cảnh sát nữa. Về lâu về dài, anh muốn đưa những người da đen ở Mỹ tới sinh sống trong một quốc gia khác, trong đó không có chủ trương kì thị chủng tộc.

Ngày 5 tháng Chín NFAC lại biểu tình. Lần này ở gần trường đua ngựa nổi tiếng ở Mỹ gọi là Kentucky Derby ở Louisville. Kể từ khi cô y tá chuyên lo cấp cứu Breonna Taylor (**) bị cảnh sát bắn chết tại thành phố này, ở đây luôn diễn ra những cuộc biểu tình, trong đó xô xát giữa da đen và da trắng vẫn hay xẩy ra. Vì thế thủ lãnh Johnson đã lệnh cho dân quân của mình: „Tuyệt đối không bao giờ được chĩa súng vào một người nào khác. Trừ trường hợp người ta chỉa súng vào mình. Và trong trường hợp này, không chỉ bắn, mà phải giết chúng.“.

Các nhóm dân quân có tổ chức chặt chẽ không phải là mối nguy duy nhất cho một nước Mỹ đang căng thẳng về mặt chính trị. Nhiều khi chính những tay bắt chước, những con sói đơn độc, trở nên nguy cơ lớn cho công chúng. Năm 2016 một thanh niên da đen mới lớn, trong một cuộc biểu tình chống lại hành vi bạo lực của cảnh sát ở Dallas, đã bắn chết 5 cảnh sát và bắn bị thương 7 người khác. Anh này chẳng là thành viên của một tổ chức da đen nào cả. Nhưng qua trang mạng Facebook của anh, ta biết anh hành động theo gương những nhóm dân quân. Năm 2019 một tay cực hữu đơn độc đã bắn chết 22 người ở El Paso. Trong tháng Tám, một thanh niên vũ trang 17 tuổi say mê Trump đã bắn chết 2 người biểu tình, khi anh ta cố ngăn ngừa người biểu tình vào cướp phá một cửa hàng. Ở Porland cách đây 2 tuần một người có cảm tình với Antifa bắn chết một dân quân cực hữu.

Dân quân vũ trang đầy mình trong các thành phố ở Mỹ là chỉ dấu của sự phân cực trong xã hội Mỹ. Họ sẽ làm gì, nếu một trong hai phía không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vào ngày 3 tháng 11 này?

(*) Kerstin Kohlenberg hiện là trưởng văn phòng báo Die Zeit tại thủ đô Mỹ quốc.

Nguồn: „Schießt nicht nur, tötet sie“. Die Zeit 39/2020, 17.09.2020

(**) Chính quyền thành phố đã đồng ý trả 12 triệu đô-la bồi thường, để thân nhân cô Breonna Taylor không thưa kiện ở toà hộ. Còn toà hình vừa phán quyết người cảnh sát bắn chết cô được trắng án. Điều này lại đưa tới biểu tình bạo động của người da đen trong những ngày qua, khiến nhiều cảnh sát bị bắn thương vong.